Đông Dương: Chúng ta đã không dự tính trước với điều này (I)

Mất hai phần ba đất nước của ông, phân nửa số sư đoàn của ông và vật liệu chiến tranh có giá trị một tỉ dollar, chính phủ hoảng loạn và hàng triệu người chạy trốn, quốc gia của tổng thống Thiệu – mới đây còn là quyền lực quân sự mạnh nhất của Đông Nam Á – là như thế đó trong tuần vừa qua. Hoa Kỳ tuyên bố: “Đó không phải là cuộc chiến của chúng tôi.”

Ở Hung Long, một thị trấn buồn tẻ của tỉnh Chương Thiện trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân kéo nhau hàng đoàn trở về nhà từ công việc đồng áng. Bất thình lình, họ bị lính Bắc Việt bao vây. Không ai thấy họ tới, súng nổ, những người lính Nam Việt ít ỏi của thị trấn nằm trong vũng máu của họ.

Trong cùng ngày đó, ngày 6 tháng Mười Hai 1974, cũng như Hung Long, khoảng 40 tiền đồn của người Nam Việt Nam bị tràn ngập và những thị trấn trong vùng phía nam và phía tây Sài Gòn bị bắn phá, đã lâu rồi không dữ dội như vậy.

Mặc dù vậy, tin tức này không làm cho ai lo lắng. Báo chí thế giới tường thuật về Cyprus và về Cận Đông. Henry Kissinger, vừa mới trở về từ Viễn Đông, tập trung hoàn toàn vào công việc chuẩn bị cho lần xuất hiện trước các đồng minh NATO ở Bruxelles. Ngay cả Sài Gòn cũng xoa dịu: “Người cộng sản muốn giành quyền kiểm soát vụ thu hoạch”, một phát ngôn viên quân sự nói. Mãi sau nhiều ngày, phát ngôn viên của chính phủ Hoa Kỳ Ron Nessen mới đưa ra một lời cảnh báo nhẹ nhàng cho Hà Nội: Hoa Kỳ theo dõi sát tình hình. “Hà Nội cần phải biết rằng những hành động quân sự đó hoàn toàn không dẫn tới đâu hết.”

Chỉ trong vòng vài tuần, chúng đã dẫn tới lần sụp đổ về quân sự của “Việt Nam Cộng Hòa” – quốc gia ở Đông Dương đó mà ở đỉnh cao của lần tham chiến, người Mỹ đã cho 543.400 người lính chiến đấu cho sự tồn tại của nó và đã để cho trung úy Calley tiến hành những tội phạm chiến tranh của hắn; một cuộc chiến đã gây hại nặng nề không những cho sự giàu có của nước Mỹ mà cũng cho đạo đức chính trị của Mỹ, và đã lấy đi sinh mạng của trên 56.000 người Mỹ.

Và rồi khi người Mỹ rút lui trong danh dự, như họ nói, thì họ đã để lại lực lượng quân đội mạnh nhất Đông Nam Á: Thiệu, vệ tinh của Mỹ, có 1,1 triệu người cầm súng, được trang bị với thiết bị của Mỹ, được bảo vệ bởi một lực lượng không quân với trên 1300 máy bay và trực thăng, một trong những lực lượng lớn nhất của châu Á.

Chỉ trong vòng ba tuần, quốc gia giống như Sparta này đã sụp đổ, 6 trong số 13 sư đoàn của Thiệu tan rã, người đứng đầu quốc gia nhìn thấy vùng thống trị của mình bị giảm xuống hầu như chỉ còn vùng đất của người thị trưởng Sài Gòn, có thể so sánh được với sự sụp đổ bất thình lình của nước Pháp năm 1940, đầy bi kịch hơn thảm họa đến dần dần ở Campuchia mà người đứng đầu quốc gia Lon Nol đã bay trốn tránh đến Bali trong những ngày này, một kết quả của tinh thần chiến đấu vượt trội cũng như suy nghĩ chiến lược vượt trội.

Sau cuộc tấn công ở vùng châu thổ trong tháng Mười Hai, người Bắc Việt đầu tiên tấn công vào Phước Bình ở phía bắc của Sài Gòn. Khi Phước Bình thất thủ, ngay lập tức họ tiếp tục hướng sự chú ý của Sài Gòn về hướng Nam, nơi Sư đoàn 5 của họ tiến hành những cuộc tấn công lớn ở vùng phía bắc của khu đồng bằng. Họ chiếm gần 2000 cứ điểm trong số 3000 cứ diểm của Sài Gòn trong vùng châu thổ.

Ba người lính Nam Việt Nam bị thương chạy thoát khỏi tỉnh lỵ Phước Bình đã thất thủ. Họ thuộc trong số hơn 26.000 người đã bỏ chạy sau khi Phước Bình thất thủ. Nhiều người đã kể lại những câu chuyện thương tâm về những cuộc phục kích dọc con đường trốn thoát của họ (AP Wirephoto)

Ba người lính Nam Việt Nam bị thương chạy thoát khỏi tỉnh lỵ Phước Bình đã thất thủ. Họ thuộc trong số hơn 26.000 người đã bỏ chạy sau khi Phước Bình thất thủ. Nhiều người đã kể lại những câu chuyện thương tâm về những cuộc phục kích dọc con đường trốn thoát của họ (AP Wirephoto)

Đầu tháng Ba, họ lại tiếp tục tấn công ở vùng cao nguyên phía đông bắc của Sài Gòn. Vào thời điểm này, công binh của họ đã hoàn thành một mạng lưới đường tiếp tế. Đặc biệt là một con đường trải nhựa xuyên qua rừng rậm đã được hoàn thành, tạo khả năng bao vây trên diện rộng các thành phố quan trọng về mặt chiến lược Pleiku và Kontom. Bây giờ thì những người lính Hà Nội tấn công có kế hoạch vào những con đường tiếp tế của người Nam Việt Nam và đặc biệt là cắt con đường 14 chạy theo hướng bắc-nam ở nội địa.

Rồi khi thành phố Ban Mê Thuột thất thủ, Thiệu ra lệnh rút lui – bây giờ thì đã xuất hiện những cảnh tan rã đầu tiên: các đơn vị đồn trú và thường dân hoảng sợ chạy từ Pleiku và Kontum về phía bờ biển, nơi mà Sài Gòn chỉ kiểm soát một dãy đất hẹp hầu như không thể giữ vững về mặt quân sự được nữa. Các thành công nhanh chóng này cũng gây ngạc nhiên cho cả Hà Nội. “Chúng tôi”, Đại úy Trang To, thành viên của Ủy ban Quân sự Bắc Việt ở Sài Gòn, thừa nhận, “đã không dự tính trước với việc này. Bây giờ thì chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ đứng ở Huế.”

Họ đứng trong cố đô ở phía bắc, trung tâm lịch sử và văn hóa của đất nước, hẳn là còn sớm hơn cả hy vọng. Vì bây giờ, theo các cố vấn Mỹ ở Sài Gòn, “Thiệu đã phát điên rồi”. Trong cố gắng xây dựng chiến tuyến có khả năng phòng thủ, người đứng đầu nhà nước đã bỏ cả hai tỉnh cực bắc cộng cả Huế mà không chống cự.

Ngay trước đó nhiều tuần, Thiệu đã rút hàng ngàn người của các lực lượng tinh nhuệ ra khỏi thành phố, được cho là để chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc tấn công bất ngờ của cộng sản vào Sài Gòn. Thật sự thì, ngay cả những người thân cận của tổng thống cũng nói như vậy, những đơn vị này có nhiệm vụ giúp ngăn ngừa một cuộc đảo chánh từ các đối thủ chính trị của ông.

Lệnh rút lui của Thiệu đã làm lung lay tất cả. Trong lúc bỏ chạy hỗn loạn, những người lính chạy về cảng biển, để có được một chỗ trên một con tàu tàu, quẳng vũ khí và quần áo trên đường đi, lao xuống biển và bơi ra tới những chiếc sà lan và tàu thuyền có nhiệm vụ mang họ về Đà Nẵng.

Đà Nẵng, di tản bằng máy bay ngày 25 tháng Ba 1975

Đà Nẵng, di tản bằng máy bay ngày 25 tháng Ba 1975

Rơi vào tay người Bắc Việt và các đơn vị Việt Cộng tiến quân kế tiếp theo đó là máy bay, hàng trăm xe tăng và đại bác cũng như hàng ngàn tấn đạn – vật liệu chiến tranh có giá trị trên một tỉ dollar. “Đó là”, nhà báo người Mỹ Kim Willenson tường thuật, “Dunkerque của Nam Việt Nam – chỉ là không một ai thề rằng sẽ quay trở lại Huế.”

Ở Đà Nẵng thì còn tồi tệ hơn nữa. Ít nhất là nửa triệu người tỵ nạn từ Huế và các tỉnh lân cận, 500.000 cư dân và trên 100.000 người lính giành nhau chỗ trên một vài chiếc tàu tỵ nạn và máy bay do người Mỹ đưa ra, những chiếc máy bay mà vẫn còn dám đáp xuống đường băng khi nó đã lọt vào tầm vũ khí của Bắc Việt.

Trong cơn hoảng loạn, những người lính đã tàn sát thường dân để tự cứu lấy chính mình. Nhiều người leo lên các khoang chứa bánh xe, nơi họ bị các bộ phận hạ cánh chặt ra thành nhiều khúc khi chúng rút vào thân máy bay.

Giám đốc người Philippine của công ty chuyên cho thuê máy bay “World Airways” tường thuật lại việc một người lính dùng tiểu liên bắn chết cả một gia đình ra sao, để chính ông ấy bước vào chiếc máy bay cuối cùng rời Đà Nẵng. Khi cánh cửa của chiếc Boeing 727 đóng lại, những chiếc thông thường chở cho tới 189 hành khách, thì có trên 300 người trên máy bay – ngoại trừ ba người phụ nữ thì tất cả đều là lính.

Người Mỹ bị nhổ nước bọt và ném đá

Cả ở cảng biển cũng có đánh nhau để sống còn, nơi những người lính giật trẻ em ra khỏi vòng tay của mẹ chúng, để, được cho là người cứu thoát, giành một chỗ trên tàu. Những người khác giết dân thường và cướp tài sản của họ, để có thể đưa tiền đi tàu cho các thuyền viên.

Tổng cộng có khoảng 50.000 người tỵ nạn thoát được khi Đà Nẵng rơi vào tay người Bắc Việt vào Chúa Nhật Phục Sinh. Cuộc tiến quân của người Bắc Việt tiếp tục diễn ra không gì ngăn chận lại được. Cho tới thứ sáu tuần rồi, người cộng sản đã chiếm các thành phố biển Qui Nhơn, Tuy Hòa và Nha Trang nằm ở phía nam của Đà Nẵng và đứng cách thủ đô còn chưa tới 100 kilômét.

Về quân sự thì chiến bại này dễ giải thích. Ngay từ lúc Phước Bình thất thủ thì một điểm yếu mang tính quyết định đã lộ ra, cái mà sau này đã trở thành tai họa cho người Nam Việt: quân đội Sài Gòn chỉ còn tiến hành chiến tranh theo kiểu Mỹ, sử dụng một lượng vật liệu khổng lồ. Cũng như những người thầy Mỹ của họ, họ chỉ thích chiến đấu dọc theo những con đường đã được trải nhựa, không thể thiếu được cho việc vận tải quân lính và tiếp tế – ít nhất là cho tới chừng nào mà còn cái gì đó để chuyên chở. Nhưng vật liệu của Sài Gòn không đủ cho một cuộc chiến kéo dài kiểu Mỹ.

Quân đội của Hà Nội, về kỹ thuật cũng được trang bị vũ khí ngang tầm, thực hành tính cơ động trên đất bằng. Họ chiếu bí hàng sư đoàn Nam Việt Nam, bằng cách đơn giàn là cắt đứt các quốc lộ tại những địa điểm nhất định. Hỏa tiển SAM của Xô viết đẩy lui không quân của Sài Gòn trong lúc đó.

Vì tính cơ động cao hơn nên các đơn vị Bắc Việt Nam thành công trong việc ép buộc quân đội Sài Gòn phải đồng thời chiến đấu tại những điểm nằm cách rất xa nhau trên một mặt trận dài hơn một ngàn ki-lô-mét, để chia nhỏ lực lượng của họ và buộc họ phải rút lui. “Nhưng một cuộc rút lui có trật tự”, một viên tướng Mỹ nói, “là một trong những cuộc hành quân khó khăn nhất. Và chúng ta đã không truyền đạt lại cho họ điều đó – tức là họ không có khả năng làm điều đó.”

Trong khi hiện giờ còn chưa rõ, rằng lúc nào thì Việt Nam sẽ tìm thấy lần kết thúc sự tồn tại như là quốc gia sau trận Dunkerque này của họ, thì người Mỹ đã bị chửa rủa công khai như là những người “phản bội” trên đường phố của thủ đô, thậm chí còn hay bị nhổ nước bọt hay bị ném đá nữa.

Washington ngạc nhiên trước những oán giận như vậy. “Đó”, Ron Nessen, phát ngôn viên báo chí của Nhà Trắng tuyên bố, “không phải là cuộc chiến của chúng tôi.”

Nó lúc nào cũng đã là như vậy rồi, chắc chắn là khi lính Mỹ còn chiến đấu ở Việt Nam, nhưng mà cũng cả khi họ bỏ lại người Việt một mình dưới cái nhãn hiệu lừa dối “Việt Nam hóa”. Chỉ là: trong hai năm vừa qua, người Mỹ – cũng như nói chung là Phương Tây – đã quan tâm tới lạm phát, khủng hoảng năng lượng và nghi ngờ tương lai của xã hội thịnh vượng nhiều hơn là cuộc chiến được cho rằng đã giảm xuống ở Viễn Đông. Thêm vào đó, các tổng thống Nixon và Ford cũng như Kissinger của hai người đã bảo đảm trước người dân của họ hàng chục lần, rằng lúc rút ra khỏi Đông Dương, nước Mỹ đã để lại một quân đội Nam Việt rất hùng mạnh. Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin rõ ràng là cũng vẫn còn tin như vậy sau khi Phước Bình thất thủ: “Quân đội Nam Việt Nam cũng sẽ một mình đương đầu được với một trận tấn công mới.”

Đà Nẵng ngày 28 tháng Ba 1975. Người Việt sống sót đang chờ viện trợ đã bị cắt đứt bởi đạn pháo của người Cộng sản. Trong khi một số người đứng chờ kiên nhẫn, thì những người khác đã bắt đầu hoảng loạn trong một sự khủng khiếp của cướp bóc và hỏa hoạn. (Jack Cahill/Toronto Star via Getty Images)

Đà Nẵng ngày 28 tháng Ba 1975. Người Việt sống sót đang chờ viện trợ đã bị cắt đứt bởi đạn pháo của người Cộng sản. Trong khi một số người đứng chờ kiên nhẫn, thì những người khác đã bắt đầu hoảng loạn trong một sự khủng khiếp của cướp bóc và hỏa hoạn. (Jack Cahill/Toronto Star via Getty Images)

Thật sự thì sự giúp đỡ chỉ có thể đến từ người Mỹ – tất nhiên là chỉ trong trường hợp Washington sẵn sàng để cho ném ngược trở lại 15 năm trong cái mê cung chính trị của chính sách Việt Nam của họ, và bắt đầu lại từ đầu.

Thế nhưng cả Ford lẫn Kissinger đều không hề nghĩ đến việc đó, nói chi đến Quốc Hội Washington. Vào ngày 28 tháng Giêng, hai năm và một ngày sau khi ký kết Hiệp định Paris, khi Gerald Ford yêu cầu Quốc Hội thông qua số tiền viện trợ thêm cho Nam Việt Nam và Campuchia là 522 triệu dollar, ông quả quyết rằng; “Với sự trợ giúp vật chất thích đáng từ Hoa Kỳ, họ có thể giữ vững được.” Nhưng khó có khả năng là ông tin vào điều đó: Đã không thể chiến thắng được cuộc Chiến tranh Việt Nam với tròn 140 tỉ dollar – thì làm sao mà nửa tỉ nữa có thể làm được việc đó?

Vì “nền hòa bình đầy danh dự” của Nixon bây giờ bị lột trần ra trước con mắt của thế giới như là một sự lừa dối hay tự lừa dối, nên chính phủ Hoa Kỳ chỉ còn muốn đẩy trách nhiệm cho việc sắp mất Nam Việt Nam và Campuchia sang cho Quốc Hội, đang bị áp đảo bởi phe Dân chủ đối lập. Henry Kissinger: “Cho tới tháng Sáu vừa rồi, tình hình quân sự ở Việt Nam là rất tốt. Rồi chúng ta (bị Quốc Hội) ép buộc phải cắt giảm – đã không thể gởi thêm trang thiết bị mới và gởi đủ đạn dược. Điều đó dẫn tới … việc là tình hình quân sự đã xấu đi.”

Đông Dương, vùng đất mà nước Mỹ đã từng muốn cứu thoát nó khỏi chủ nghĩa cộng sản, Đông Dương, thảm họa lịch sử của cường quốc Hoa Kỳ, thật sự là đã trở thành một chú thích của lịch sử, như Kissinger đã tiên đoán một cách cay độc, trở thành một chức năng của chính trị đối nội của Mỹ.

Người Dân chủ ở Washington từ chối không tiếp tục trả tiền. Như thượng nghị sĩ Robert Byrd đã tuyên bố trước, ông chỉ chấp thuận thêm một hỗ trợ tài chính nữa cho Nam Việt Nam, “khi chúng ta nhận lời bảo đảm của Chúa, được khắc lại trên đá, rằng sự việc sẽ xong với 300 triệu dollar và qua đó Nam Việt Nam được cứu thoát mãi mãi.”

Cũng hoài công vô ích là một nổ lực thứ hai của chính phủ, lần này thì dựa trên tình hình quân sự đã xấu đi tới mức thảm họa ở Campuchia, và nhắm tới niềm tự hào của người Mỹ, rằng mình là người Mỹ. “Tiếng động của những cây kim hỏa Campuchia và Việt Nam, đập vào những cái ổ đạn trống rỗng” sếp chiến lược của Mỹ tiên đoán, “một ngày nào đó có thể sẽ trở thành một tiếng lách cách có thể nghe được trên khắp thế giới.”

Cuối cùng, Gerald Ford đề nghị rằng nếu Quốc Hội cho phép ông tự do hành động thì ông sẽ cam kết rằng sau ba năm, ông sẽ chấm dứt mọi yêu cầu cho Đông Dương. Thế nhưng các nghị sĩ đã tính toán rằng trong vòng ba năm đó, nước Mỹ phải cần ít nhất là 5,5 tỉ dollar, và tổng tham mưu trưởng quân đội giải thích thêm vào đó, sự giúp đỡ của Mỹ hẳn sẽ còn cần thiết trong thời gian từ 5 tới mười năm. Trong phái Dân chủ của Hạ viện, viện trợ cho Campuchia thất bại với 189 trên 49 phiếu, ở Thượng viện kết quả là 38 trên 5 chống viện trợ cho Campuchia và 34 trên 6 chống lại một viện trợ cho Việt Nam.

Vào thời điểm này, như “New York Times” tiết lộ, thì chính phủ coi như đã mất Campuchia rồi, họ chỉ muốn giữ thể diện của họ, nhưng dự đoán rằng ở Việt Nam “theo tình hình … thì 1976 mới là năm của đợt tấn công lớn”, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Schlesinger, khi mà đợt tấn công lớn đã bắt đầu rồi.

Cuộc chiến hầu như đã bị lãng quên của Mỹ bất thình lình lại quay trở vào những căn phòng khách của Mỹ. Hàng ngàn cái chết có màu, những đoàn người tỵ nạn vô tận, trẻ em chết khát, chém giết vì một chỗ di tản trong chiếc máy bay hay máy bay trực thăng, lính đào ngũ, cướp bóc – đó là những hình ảnh đáng sợ, nhưng cũng quen thuộc. Không phải là người ta đã từng có lần, nhiều lần nhìn tất cả những thứ đó rồi sao?

(Còn tiếp)

Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel, số 15 năm 1975: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-41533839.html

Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

1 thoughts on “Đông Dương: Chúng ta đã không dự tính trước với điều này (I)

  1. Pingback: Đông Dương: Chúng ta đã không dự tính trước với điều này (I) | Vũ Hải

Bình luận về bài viết này