Chiến tranh Lạnh

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Wolfgang Hirn, sinh năm 1954, học đại học về Kinh tế Quốc dân và Chính trị học ở tại Tübingen, Đức. Sau đó ông là biên tập viên chuyên về kinh tế cho nhiều báo. Từ trên 20 năm nay, ông là phóng viên của báo manager magazin ở Hamburg. Wolfgang Hirn đã sống và làm việc ở Bruxelles, New York, Bắc Kinh và Thượng Hải. Ông là tác giả của những quyển sách bán chạy “Thánh thức Trung Quốc” (2005), “Cuộc tấn công từ châu Á” (2007) và “Tranh giành bánh mì” (2009). Năm 2008 ông được trao tặng Giải Nhà báo Helmut Schmidt.

Lời nói đầu

Chúng ta đang đứng trước lần bắt đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ nhì. Các đối thủ là Phương Tây với thế lực dẫn đầu Hoa Kỳ của nó và Trung Quốc đang trỗi dậy.

Cuộc Chiến tranh lạnh đang bắt đầu này khác nhiều với tiền thân của nó mà Phương Tây và Liên bang Xô viết với những nước vệ tinh của nó đã đứng đối diện với nhau. Thứ nhất, nó không phải chủ yếu là một xung đột về hệ tư tưởng như cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất đã là. Thời đó vấn đề là câu hỏi của niềm tin đã làm xáo động thế giới: Chủ nghĩa Tư bản hay là Chủ nghĩa Cộng sản. Câu hỏi này đã chia cắt hầu như cả thế giới, cái đã được phân chia vào trong những vùng ảnh hưởng của Phương Tây và của Xô viết.

Tuy nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là cộng sản, nhưng chỉ còn trên giấy của những quyết định nào đó của đại hội Đảng và trong sự thiếu thốn của một hệ tư tưởng nhà nước nào khác. Vì vậy mà lâu nay Bắc Kinh đã ngưng không lan truyền tư tưởng cộng sản đi ra khắp thế giới và ngưng truyền đạo cho thế giới thứ ba.

Trước đây nhiều năm, Trung Quốc đã đổi tôn giáo sang chủ nghĩa tư bản nhà nước, bằng cách một giới tinh hoa lãnh đạo kỹ trị đã phát triển một mô hình kinh tế mới, chứa những nguyên tố của kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường. Mô hình pha trộn này hết sức thành công.

Và qua đó, chúng ta có sự khác biệt lớn thứ nhì so với Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất: đối thủ của Phương Tây lần này mạnh hơn nhiều. Trung Quốc không phải là Liên bang Xô viết, cái hóa ra là một tập hợp của những ngôi làng Potemkin mà đằng sau mặt tiền tươi đẹp có một hệ thống kinh tế lụn bại đang vất vưởng tồn tại.

Ở Trung Quốc, quyền lực không đến từ những nòng súng như ở Liên bang Xô viết, nước đo sức mạnh của mình bằng xe tăng và tên lửa. Năng lực của Trung Quốc thể hiện ra trong những con số về kinh tế, trong tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia, trong xuất khẩu và dự trữ tiền tệ. Trong cả ba lĩnh vực đó, Trung Quốc đứng đầu thế giới. Trung Quốc có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, Trung Quốc là nhà xuất khẩu nhiều nhất thế giới và Trung Quốc ngồi trên một núi ngoại tệ ba ngàn tỉ Dollar, nhiều tới mức không thể tưởng tượng ra được.

Trung Quốc hùng cường này bây giờ gặp phải một Phương Tây đang suy yếu. Đó là sự khác biệt thứ ba và quan trọng nhất so với cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất: vào thời đó, Hoa Kỳ đang đứng ở đỉnh cao quyền lực của nó – về chính trị, kinh tế, công nghệ, quân sự. Nước Mỹ có những công ty tốt nhất, sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất và tiền tệ mạnh nhất. Những ý tưởng tốt nhất tới từ đó – từ máy tính cho tới Internet. Và Hoa Kỳ đã tự nhận mình là cảnh sát thế giới, can thiệp bất cứ lúc nào và ở đâu họ muốn. Họ có thể, nếu như bị bắt buộc, đồng thời chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau.

Nhưng từ vài năm nay thì quyền lực tối cao này của Hoa Kỳ đã qua rồi. Hai ngày của tháng Chín trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã làm thay đổi Hoa Kỳ một cách cơ bản. 9/11 dẫn người Mỹ vào hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Cả hai làm cho Hoa Kỳ tốn kém rất nhiều tiền cũng như lòng tin, vì tính chính danh của Chiến tranh Iraq dựa trên một kết cấu của những lời nói dối và vì ở Guantanamo – không xứng đáng với một nhà nước pháp quyền – có những người tù bị giam giữ mà không có tố tụng xét xử và vẫn còn như vậy.

Và rồi còn 9/15. Vào cái ngày đó của năm 2008, ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ. Đó là lần bắt đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính lớn trên toàn cầu, cái – phải nhấn mạnh thêm lần nữa – có nguồn gốc của nó ở Phương Tây, và vì vậy mà gây ảnh hưởng trước hết là tới các quốc gia Phương Tây. Ngân hàng sa vào những cuộc đầu cơ đầy mạo hiểm và cuối cùng phải được nhà nước cứu thoát. Những số tiền cho tới lúc đó không thể tưởng tượng ra đã được bơm vào vòng tuần hoàn kinh tế, để ngăn chận không cho toàn bộ hệ thống sụp đổ.

Hậu quả là những núi nợ khổng lồ ở khắp mọi nơi – ở châu Âu, ở Nhật (nước mà tôi xếp nó vào Phương Tây công nghiệp) và ở Hoa Kỳ. Điều này chưa từng có trong lịch sử sau chiến tranh: tất cả các thế lực dẫn đầu của Phương Tây bị suy yếu đồng thời.

Cả khi người Mỹ thích chỉ tay tới châu Âu, chính họ mới có những vấn đề lớn nhất. Họ nợ tròn 16,5 ngàn tỉ dollar. Gánh nợ này khiến cho Hoa Kỳ không còn có khả năng hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đơn giản là thiếu tiền (và cả ý muốn), để đầu tư vào hạ tầng cơ sở đổ nát và vào hệ thống đào tạo cũng y như vậy. Ngoài ra thì lần đầu tiên, ngân sách quân sự bị cắt giảm.

“Người ta đã nhiều lần khai tử và báo tử chúng tôi rồi”, nhiều người Mỹ nói, “chúng tôi cũng sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này.” Ngang ngạnh và tự mãn, những người lạc quan không thể cải thiện được này đã không nhìn thấy những dấu hiệu cho lần suy tàn (tương đối) của họ. Trong khi đó thì họ chỉ cần bước lên tàu hỏa. “Một chuyến tàu hỏa đơn giản từ New York tới Washington sẽ cho thấy một cảnh đáng buồn qua cửa sổ”, Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn cho tổng thống Jimmy Carter, nói. Tôi đã đi trên tuyến đường này với cái được cho là tàu nhanh Acela, và nhìn thấy trái cũng như phải một hạ tầng cơ sở điêu tàn và những nhà xưởng bị bỏ hoang. Những hình ảnh tương ứng với thực tế của một quốc gia mang nợ.

America is declining – Hoa Kỳ là một cường quốc đang suy yếu. Và cùng với lần suy tàn của thế lực dẫn đầu nó, toàn bộ Phương Tây cũng rơi vào trong một cuộc khủng hoảng. Sử gia Niall Ferguson nói: “Chúng ta đang trải qua kết cuộc của sự thống trị của Phương Tây.” Và đúng trong giai đoạn suy tàn tương đối này, Phương Tây gặp phải một cường quốc đang trỗi dậy – Trung Quốc, cái dựa trên sức mạnh kinh tế của nó mà ngày càng tự tin hơn.

Người ta cũng có thể nói rằng kiêu ngạo mới gặp kiêu ngạo cũ.

Đó là tình huống kinh điển của lịch sử thế giới. Cứ vài trăm năm thì có một lần. Lần gặp gỡ đầu tiên của người lên hạng và kẻ xuống hạng xảy ra trong thời Cổ đại giữa Athen và Sparta, lần cuối cùng là giữa nước Đức và Liên hiệp Anh vào đầu thế kỷ 20. Cả hai xung đột đó đã chấm dứt một cách đầy chết chóc. Xung đột đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Peloponnesus, xung đột thứ nhì trong Đệ nhất Thế chiến.

Phải rút ra một bài học đau buồn từ lịch sử: Sự thay đổi quyền lực toàn cầu này thường không diễn ra một cách hòa bình.

Lần này có khác đi không?

Để tìm trả lời cho câu hỏi này, tôi đã đi thăm Hoa Kỳ, Trung Quốc và những nước cũng như khu vực láng giềng quan trọng nhất của nó: tới Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á. Ở đó – cũng như ở trong Hoa Kỳ – Trung Quốc được cảm nhận như là một mối đe dọa. Trung Quốc ngược lại không nhìn mình như là một thế lực hung hãn. Thế nhưng chính cái nhận thức không đối xứng này mới không góp phần làm giảm căng thẳng.

Người Mỹ nhận giải Nobel Joseph Stiglitz vì vậy mà đã đúng khi ông nói: “Tôi dự đoán sẽ có rất nhiều tranh chấp về địa chính trị và kinh tế. Sẽ không có một thời kỳ quá độ êm dịu.”

Sự đối đầu của Phương Tây với Trung Quốc không bắt buộc đồng nghĩa với một cuộc xung đột quân sự. Thời nay người có cả một kho vũ khí phi quân sự, những loại vũ khí mà có thể chỉa vào kẻ thù/đối thủ/địch thủ/người cạnh tranh.

Quyển sách này bàn về những vũ khí đó và sự sử dụng chúng trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì. Cuộc chiến này – nếu như người ta cứ muốn dùng tính chiến tranh – là một cuộc chiến đa mặt trận.

Vì có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, tài chính, tiền tệ, nguyên liệu, công nghệ và vì nước cũng như – hoàn toàn mới – cyberwar. Tại hầu như tất cả những xung đột tiềm năng này, chiến tuyến đều chạy giữa Trung Quốc và thế lực dẫn đầu Phương Tây Hoa Kỳ cũng như các chiến binh của họ.

Một phần, các tranh chấp này đã bắt đầu rồi. Người ta tấn công doanh nghiệp và tiền tệ của đối phương. Người ta thâm nhập vào Cyberspace của đối phương. Người ta tranh cãi nhau về nguyên liệu đang ít dần đi. Những cuộc chạm trán sơ bộ này còn diễn ra một cách hòa bình.

Liệu cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì này có trở thành một cuộc chiến tranh nóng hay không, điều này sẽ được quyết định ở Thái Bình Dương. Vì ở đó – chính xác hơn là ở Tây Thái Bình Dương giữa Hongkong và Hawaii – hai cường quốc thế giới này đụng đầu nhau trực tiếp. Sau những cuộc chinh chiến thành công ít hay nhiều ở Cận Đông, Hoa Kỳ lại quay về với Viễn Đông và tái phục hồi yêu cầu là một thế lực ở Thái Bình Dương. Trong cùng lúc đó, Trung Quốc tiếp tục tăng cường vũ trang và cố gắng phát triển vũ khí để ngăn chận không cho Hoa Kỳ đi vào Tây Thái Bình Dương,

Ở Phương Tây, người ta nhanh chóng giận dữ về việc Trung Quốc tăng cường vũ trang. Nhưng trong khi đó thì không nên quên một điều: Trung Quốc hành động cũng như tất cả các thế lực đang trỗi dậy khác đã hành động trước đây: Trung Quốc củng cố quyền lực chính trị và kinh tế đang tăng lên của mình với sức mạnh quân sự.

Không có một sự tương phản đơn giản như nhiều người ở đây [trong nước Đức] dựng lên: ở đây là Phương Tây tốt, kia là Trung Quốc xấu. Phương Tây không chỉ tốt. Nó – xem Hoa Kỳ – nhân danh dân chủ mà tiến hành chiến tranh, là những cuộc chiến tranh vì nguyên liệu đã được cải trang. Và Trung Quốc không chỉ xấu, ngay cả khi chúng ta ở Phương Tây hay thích phỉ báng đất nước đó, vì nó khác biệt tới như thế và thành công tới như thế.

Đặc biệt Hoa Kỳ đã đẩy Trung Quốc vào trong một vai trò mà nó hoàn toàn không muốn đóng. Vì trong những năm vừa qua, Mỹ đã áp dụng một chiến thuật bao vây, tạo đồng minh và đối tác với hầu hết các láng giềng của Trung Quốc – từ Nhật Bản qua Đông Nam Á cho tới Ấn Độ. Điều đó làm cho người Trung Quốc lo lắng và thúc đẩy họ đi tới những trò chơi quyền lực nhỏ ở biển Hoa Đông và biển Đông. Qua đó, một vòng xoáy leo thang đã thành hình ở Viễn Đông mà xung đột quân sự có thể đứng ở cuối của nó.

Châu Âu thờ ơ đứng xem những hoạt động này, như thể tất cả những điều đó, cách quê nhà thật xa, chẳng có liên quan gì tới chúng ta cả. Cái chính là chúng ta – và trước hết là người Đức – kinh doanh ở đó. Không có Trung Quốc thì ví dụ như các ngành công nghiệp thường được phô trương của chúng ta, ô tô và chế tạo máy, sẽ hoạt động tương đối không được tốt. Nếu Trung Quốc không mua thì chúng ta sẽ không vượt qua khủng hoảng được một cách tốt như vậy.

Chính vì vậy mà chúng ta không được phép và không thể dửng dưng với những gì đang diễn ra ở châu Á. Đó chắc chắn không phải là lời kêu gọi người Âu hãy tham gia hoạt động quân sự hay mở rộng thẩm quyền của NATO từ Đại Tây Dương sang hướng Thái Bình Dương. Không, đó là một lời yêu cầu người Âu hãy hoạt động chính trị trong khu vực này.

Cuối cùng, chúng ta cần một chính sách của châu Âu cho châu Á. Người nhận giải Nobel Hòa bình 2012, Liên minh châu Âu, có thể đóng một vai trò xây dựng ở châu Âu. Cũng thuộc vào đó là việc châu Âu tác động làm giảm căng thẳng lên Trung Quốc  Hoa Kỳ.

Cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì tuy đã bắt đầu, nhưng nó không bắt buộc phải chấm dứt bằng quân sự. Nó còn có thể được giải quyết bằng những biện pháp chính trị.

Berlin, tháng Hai 2013

Tư tưởng hệ: độc tài chống dân chủ

“Sớm hay muộn thì cuộc cạnh tranh toàn cầu này cũng sẽ dẫn tới một xung đột về các giá trị và quy tắc xã hội, và rồi đối với Phương Tây thì đó sẽ là về bản chất cốt lõi của nó.” Joschka Fischer, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức.

Sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất chất dứt, Phương Tây tin rằng đã thắng toàn diện. Quân sự, kinh tế và tư tưởng hệ. Sử gia người Mỹ Francis Fukuyama viết quyển sách bán chạy Kết cuộc của lịch sử. Dân chủ và kinh tế thị trường – anh em sinh đôi không thể tách rời khỏi nhau được của Phương Tây – sẽ thắng thế ở khắp mọi nơi. Lựa chọn khác cuối cùng – chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội – đã chìm xuống cùng với Liên bang Xô viết. Mãi bây giờ mới trở nên sự thật, những gì mà một sử gia người Mỹ khác, William McNeill, đã quả quyết ngay từ năm 1963 trong tác phẩm kinh điển The Rise of the West của ông, rằng chỉ có một con đường đi vào thời Hiện đại, và đó là con đường của Phương Tây.

Cả Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ đi theo con đường này. Vì một giới trung lưu ngày càng tăng sẽ yêu cầu có tự do về chính trị và cuối cùng sẽ dẫn tới – hòa bình hay đổ máu – một thay đổi hệ thống. Tuy là đúng. Giới trung lưu ở đó tăng lên liên tục, nhưng họ không yêu cầu thay đổi chế độ.

Điều gì diễn ra – theo cách nhìn của Phương Tây – không đúng? Tại sao giới trung lưu Trung Quốc không nổi loạn? Vì chính phủ biết cách khéo léo thỏa mãn nhu cầu vật chất của họ. Chính phủ ở Bắc Kinh biết rất chính xác, rằng tính chính danh duy nhất của họ là việc họ phải làm sao cho tất cả mọi người trong nước có một cuộc sống tốt hơn. Việc người này (người dân thành thị) nhanh chóng có được cuộc sống tốt hơn là những người khác (ở nông thôn), việc này thì họ tạm thời chấp nhận.

Cho tới nay, chính phủ đã thành công trong việc là phần lớn người Trung Quốc mỗi năm đều có nhiều tiền hơn trong ví của họ. Thêm vào đó, họ đã giải thoát họ ra khỏi bộ máy giám sát địa phương của đơn vị lao động [danwei – 单位] và cho phép họ tự do đi lại. Trung Quốc của ngày nay không phải là một nhà nước đàn áp thô thiển như Liên bang Xô viết lúc trước đã từng là, nơi người dân đứng xếp hàng vì chuối và quần jean. Ở Trung Quốc, từ hàng chục năm nay đã không còn có ai đứng xếp hàng hàng giờ liền vì những món hàng “từ nước ngoài” đó nữa. Ở đó, người tiêu thụ ngày nay chỉ còn suy nghĩ mình nên mua quần jean rẻ tiền ở H&M hay đắt tiền ở Levis’s nữa thôi.

Điều này đã trở nên có thể, vì Trung Quốc đã tạo ra một mô hình mới. Đó là một hình thức pha trộn: về chính trị là một sự thống trị độc đảng, nhưng về kinh tế phần lớn là tư bản. Họ sử dụng một phần những biện pháp kinh tế thị trường của chúng ta, nhưng tuy vậy vẫn không muốn trở thành như chúng ta. Điều này khiến cho nhiều người ở Phương Tây lúng túng.

Tức là mô hình tự do Phương Tây đã có một mô hình đối nghịch – mô hình Trung Quốc, dù người ta có muốn gọi nó như thế nào đi chăng nữa. Và là trong một thời kỳ mà nền dân chủ Phương Tây đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Vì tất cả ba khối dân chủ lớn của Phương Tây – Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản – hiện nay đang suy yếu từ những lý do khác nhau.

Ở Hoa Kỳ, tổng thống và quốc hội làm trở ngại lẫn nhau. Hậu quả của hệ thống rối loạn chức năng này là một sự trì trệ gây tê liệt. Trong EU, một cuộc tranh giành thẩm quyền đang bùng nổ dữ dội về việc những quyết định nào cần phải được đưa ra trên bình diện nào. Và ở Nhật, chính phủ và bộ trưởng thay đổi trong một vận tốc nghẹt thở, tới mức không có một sự liên tục nào thành hình trong đường lối chính sách của Nhật Bản. Trong tất cả ba vùng, cử tri tạo một khoảng cách xa rất nguy hiểm với những người cầm quyền được bầu lên. Từ ngữ hậu dân chủ đang được nói tới.

Cả một thời gian dài, chính khách cũng như giới trí thức ở Phương Tây đã không xem trọng mô hình đối nghịch Trung Quốc. Nhưng rồi dần dần họ mới thấy rằng ở đó đang thành hình một sự lựa chọn khác. Lần trỗi dậy của Trung Quốc “đối với Phương Tây cũng là một thách thức về tư tưởng hệ”, ví dụ như Hanns Günther Hilpert, chuyên gia châu Á ở thinktank Berlin Stiftung Wissenschaft und Politik (swp), đã nói. Charles Kupchan còn đi xa hơn và nhìn thấy “sự thống trị về tư tưởng hệ của Phương Tây đang bị đe dọa”.

Không buộc phải như vậy. Tuy là mô hình độc tài Trung Quốc có được một sức quyến rũ nhất định tại một vài nước đang phát triển và nước sắp trở thành nước công nghiệp, nhưng nó sẽ không chuyển hóa được một quốc gia công nghiệp Phương Tây nào sang phái Trung Quốc. Mặc dù vậy, hệ thống Phương Tây phải đối đầu với thách thức Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc về công khai vẫn còn tự gọi mình là cộng sản, nhưng trong cuộc cạnh tranh hệ thống mới, đó không phải là lần tái bản của lần đấu tay đôi giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Không, nó giống như một cuộc ganh đua giữa các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa tư bản nhiều hơn, giữa một chủ nghĩa tư bản tự do Tây Phương và một chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc sắc Trung Quốc.

Trong khi Phương Tây để cho bàn tay vô hình của thị trường dẫn dắt nhiều hơn thì Trung Quốc tin vào bàn tay hữu hình và điều khiển của chính phủ. Và qua đó cũng hoàn toàn không tệ trong những lĩnh vực nhất định. Ví dụ – như đã mô tả trong những chương vừa qua – trong chính sách về công nghiệp, nghiên cứu và nguyên liệu.

Và một chính phủ độc tài cũng có thể phản ứng và quyết định nhanh hơn một chính phủ dân chủ rất nhiều. Nó thường có hiệu quả hơn, suy nghĩ trong những khoảng thời gian kế hoạch khác và qua đó mà thích hợp hơn để bước đến và giải quyết các vấn đề trong tương lai.

Ở đây, ngay tờ Spiegel mang nhiều tính phê phán Trung Quốc cũng phải trầm tư và mạo hiểm bước vào một địa hình trơn trượt: “Có một câu hỏi lẫn khuất đâu đây, một câu hỏi đáng sợ: có thể nào, mà một chính phủ phi dân chủ lại là một chính phủ tốt hay không?”

Những người có quyền quyết định

Trung Nam Hải – biển ở Trung và Nam – là tên của một khu vực thơ mộng ngay giữa Bắc Kinh. Nó nằm ngay bên cạnh Cấm Thành. Thành phố mà thời gian sau này thì ai cũng được phép vào nếu như trả tiền mua vé, nhưng không được phép vào Trung Nam Hải. Trong khi trung tâm quyền lực ngày xưa của hoàng đế mở cửa thì trung tâm quyền lực của những người thống trị ngày nay lại được phong tỏa nghiêm ngặt. Người ta chỉ có thể mường tượng và phỏng đoán những gì đang diễn ra sau các bức tường đó.

Người ta biết chừng này: Trung tâm quyền lực có quyền quyết định là Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc – họp mỗi tuần một lần. Số thành viên của nó dao động. Lúc thì chín, lúc – như hiện nay – là bảy người. Một trong số họ là tổng bí thư của Đảng. Ông đồng thời cũng là chủ tịch nước và qua đó là người có nhiều quyền lực nhất của nước Cộng hòa Nhân dân.

Từ Đại hội Đảng lần thứ 18 trong tháng Mười Một 2012, như là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, con người primus inter pares [tiếng La tinh: người đầu tiên trong số những người ngang hàng nhau] này có tên là Tập Cận Bình, sinh năm 1953. Ông được phép đứng đầu tối đa là mười năm. Không được phép nhiều hơn, vì có giới hạn về tuổi tác. Qua quy định này, Trung Quốc khác với các hệ thống độc tài khác mà trong đó những người thống trị chỉ rời bỏ chức vụ qua cái chết.

Dưới Ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực còn có hai ủy ban mở rộng, có nhiều ảnh hưởng của Đảng: toàn thể Bộ Chính trị (25 thành viên) gặp nhau mỗi tháng một lần, và Trung ương Đảng (tròn 370 thành viên), thông thường chỉ họp mỗi năm một lần.

Song song với tổ chức đảng có các cơ quan nhà nước. Đứng đầu là hội đồng nhà nước với thủ tướng: người mới trong chức vụ này là Lý Khắc Cường, kế nhiệm Ôn Gia Bảo. Hội đồng nhà nước tương ứng với nội các [Đức] của chúng ta, tức là các thành viên chính phủ gặp nhau ở đó.

Có một sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan của Đảng và nhà nước. Ví dụ như người ta biết rõ rằng thủ tướng cũng ngồi trong Ban Thường vụ của Bộ Chính trị. Nhưng người ta cũng biết rõ rằng Đảng đứng trên chính phủ. Đảng Cộng sản Trung Quốc là cấp quyết định cuối cùng.

Mặc dù đảng này vẫn còn mang từ cộng sản nhỏ bé trong tên của nó nhưng tư tưởng hệ đã từ lâu không còn đóng một vai trò lớn lao nào nữa. Nó chỉ còn là một sự che đậy của ngữ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản? Chủ nghĩa xã hội? Chuyên chính vô sản? Chỉ còn những bài diễn văn cho ngày chủ nhật và cho đại hội đảng mới được tô điểm thêm với những khái niệm như vậy. Hiện thực Trung Quốc với mức chênh lệch xã hội tàn bạo và ngày càng tăng của nó đã rời xa khỏi những lý tưởng công bằng của chủ nghĩa xã hội từ lâu rồi. Và đối diện với tình trạng khiêm tốn của trên 100 triệu công nhân di trú và của các phần khác thuộc giai cấp công nhân thì cũng không còn cần thiết để nói về một nền chuyên chính của giới vô sản nữa.

Không, trong Trung Quốc không còn có người cộng sản thống trị nữa, mà là những nhà kỹ trị. Và những người này được đào tạo tốt. Nếu như trước đây có một quá khứ cách mạng là đủ để vươn tới quyền lực thì ngày nay người ta phải chứng minh có học đại học trong nước hay tốt hơn là ở nước ngoài. Nicholas D. Kristof, chuyên gia Trung Quốc của New York Times, nói: “Những người đứng đầu Đảng là những người chuyên quyền, nhưng họ là những nhà chuyên quyền có năng lực lạ thường.”

Nhiều người đã học tại các đại học danh tiếng trong nước, thường là về kỹ thuật hay khoa học tự nhiên và ngày càng nhiều về luật. Đối với những người tốt nghiệp đại học tốt nhất thì một con đường sự nghiệp trong bộ máy nhà nước (và qua đó cũng là ở trong Đảng) vẫn còn là một lựa chọn khác rất hấp dẫn. Tuy người ta không kiếm được nhiều tiền như trong kinh tế, nhưng người ta hưởng được rất nhiều đặc quyền.

Tất nhiên, ai muốn thăng tiến trong Đảng và trong bộ máy nhà nước thì phải đương đầu với một quá trình chọn lọc tàn bạo. Đóng một vai trò quan trọng trong đó là ban tổ chức của Đảng. Nhìn bề ngoài tầm thường – họ ngự trong một ngôi nhà không có bảng tên trước cửa cách Thiên An Môn một kilômét về phía Tây cạnh đại lộ Trường An – nhưng họ có ảnh hưởng thật lớn ở nội bộ. Bên cạnh ban tuyên truyền, họ là ban quan trọng nhất trong tổng cộng là năm ban của ĐCS Trung Quốc.

Người ta có thể gọi nó hoàn toàn không cường điệu là phòng nhân sự lớn nhất của thế giới. Ở trong đó, người ta quyết định ai sẽ thăng tiến lên ban giám đốc của các công ty nhà nước, ai là tổng biên tập trong các giới truyền thông nhà nước và ai nhận các vị trí quan trọng trong Đảng và nhà nước.

Người ta theo dõi liên tục các ứng cử viên. Năm nào cũng có performance review. Ngoài ra cũng được xoay vòng liên tục, để xem các ứng cử viên làm tròn những công việc khác nhau như thế nào.

Ví dụ như Trần Đức Minh. Cho tới mới đây là Bộ trưởng Bộ Thương mại. Lúc đầu, ông là thị trưởng Tô Châu, một thành phố công nghiệp phát đạt gần Thượng Hải. Ở đó, Trần qua được thử thách nên sau đó ông được điều về đứng đầu tỉnh than đá Thiểm Tây có nhiều tham nhũng, nơi ít nhất thì ông cũng đã không gây ra lỗi lầm nào có thể nhận thấy được. Sau đó, con đường đi tới trung tâm quyền lực – tới Bắc Kinh – không còn vật cản nữa. Ở đó, Trần lúc đầu chịu trách nhiệm về chính sách năng lượng trong Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (National Development and Reform Commission – NDRC), trước khi ông trở thành bộ trưởng Bộ Thương mại.

Ngay sau đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez đã gặp gỡ ông. Người này đã hết lời khen ngợi người đồng nhiệm Trung Quốc của mình – Richar McGregor viết trong quyển sách The Party của ông –, người tuy chỉ có thời gian học việc ngắn ngủi trong chức vụ mới nhưng đã thông thạo một cách xuất sắc. Gutierrez nói, con đường công danh của Trần đã khiến cho ông nhớ tới những sự nghiệp trong các công ty đa quốc gia, thử thách các high potential của họ bằng cách thay đổi công việc làm liên tục, để xem họ có thích hợp cho các chức vụ cao hơn không.

Thuộc vào trong sự thăng tiến không chỉ là việc xoay vòng mà còn là đào tạo liên tục. Hoặc là trong Trung Quốc tại Trường Đảng Trung ương hay tại China Executive Leadership Academy ở  Phố Đông và những trường tương tự như vậy ở Diên An, Tỉnh Sơn Cương và Đại Liên – hoặc cả ở nước ngoài. Trước đây, người ta sang Moscov hay một quốc gia Đông Âu cho chuyện đó, ngày nay thì ngược lại, sang nước ngoài Phương Tây. Việc này bắt đầu trước đây mười năm. Thời đó, Đảng đã ký một hiệp định với Harvard University.

Kể từ lúc đó, những người được chọn lọc, mang niềm hy vọng của Trung Quốc – trong số đó vào thời trước cũng là cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh – được đi học những khóa tám tuần tại Harvard Kennedy School. Trên kế hoạch là ví dụ như về đề tài lãnh đạo, chiến lược và quản lý công cộng. Bên cạnh đó còn có những chuyến đi tham quan các cơ quan nhà nước Hoa Kỳ cũng như IWF và Ngân hàng Thế giới. Thời gian sau này, Trung Quốc cũng thực hiện những chương trình như vậy với các đại học danh tiếng ở Stanford, Oxford, Cambridge, University of Tokyo và những trường khác.

Lư Mại, sếp của China Development Research Foundation, tổ chức điều khiển các chương trình này, nói với tờ tạp chí Hoa Kỳ Slate: “Cho tới nay, chúng tôi đã gởi hơn 4000 người tới các trường đại học đó. Tôi không biết một đất nước nào khác đã làm một cái gì đó trong quy mô tương tự như vậy.” Và thật sự: việc đào tạo những người lớn tuổi này thành các nhà kỹ trị đứng đầu của Trung Quốc, trong quy mô này và với tính nhất quán mang tính hệ thống này, là có một không hai.

Một hệ thống tuyển người như vậy mang lại một giới tinh hoa lãnh đạo hoàn toàn khác. Đó không còn là Trung Quốc của các lãnh tụ có uy quyền lớn, của những nhân vật thống trị. Không có trong giới lãnh đạo mới của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Trung Quốc không phải được một người có uy quyền lớn dẫn dắt, mà là một tập thể. Và trong tập thể này được thảo luận và tranh cãi. Không công khai như trong một nền dân chủ Phương Tây, nhưng trong các ủy ban.

Cựu quốc vụ khanh trong Bộ Ngoại giao, Werner Hoyer, nói tại những cuộc trao đổi ở Bergedorf: “Tôi nhìn đầy thích thú, rằng thảo luận và đa nguyên phát triển dưới sự bảo tồn một cái mái chung của ĐCSTQ. Tuy cuối cùng có một đường lối chung, nhưng trước đó đã diễn ra những cuộc tranh luận hết sức hấp dẫn.”

Trong lúc đó thì không phải là những người đàn ông đó chỉ quyết định trong những gian phòng nhỏ, yên tịnh của Trung Nam Hải, và không để cho cố vấn. Ngày càng có nhiều thinktanks ở Trung Quốc, những cái ngày càng có nhiều ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ và Đảng. Được lắng nghe nhiều ví dụ như hiện nay là các nhà khoa học của Chinese Academy of Social Sciences (CASS).

Trong chính trị – cũng như trong kinh tế – một phương pháp Trial-and-Error thường được áp dụng. Đầu tiên, người ta thử nghiệm một ý tưởng trong một thành phố, trong một tỉnh. Nếu như nó vượt qua được thử thách thì sẽ được truyền đi khắp nước, nếu không thì sẽ được mang đi chôn. Giáo sư Sebastian Heilman ở thành phố Trier [Đức] vì vậy mà đã gọi Trung Quốc là một “hệ thống độc tài biết học hỏi”. Các kế hoạch năm năm cũng được thảo luận nhiều lần trên các bình diện khác nhau, được sửa đổi cho thích hợp và được thay đổi. “Đối với tôi, đó là một quá trình quyết định dân chủ thật sự”, Trương Duy Vị, giáo sự chính trị tại Đại học Phục Đán nói.

Mặc cho các cố gắng tham dự ngày càng nhiều này, người Trung Quốc còn lâu mới là những người dân chủ theo ý nghĩa của chúng ta, nhưng họ cũng không phải là những kẻ chuyên quyền đen tối như họ thường hay được mô tả ở Phương Tây. William Dobson viết về điều này trong quyển sách The Dictator’s Learning Curve của ông: “Họ không phải là những nhà độc tài kiểu cũ.” Họ kết hợp phong cách lãnh đạo độc tài của họ với các nguyên tố dân chủ. Họ vẫn còn tàn bạo, nhưng họ đã học cách thích ứng, khéo léo và khôn ngoan hơn là trước đây. Đúc kết của ông: “Các lãnh tụ này gây ấn tượng.”

Một ấn tượng mà các sếp kinh tế Mỹ cũng có. Conference Board hỏi 70 CEO Mỹ, nhìn toàn cầu thì họ cho là những nhân vật nào và thể chế nào là có năng lực nhiều nhất. Các câu trả lời: họ tự đặt họ – hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên – ở vị trí đầu tiên, rồi tới các ngân hàng trung ương và ở vị trí thứ ba là giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trước xa các tổng thống Mỹ.

Điều gây ấn tượng trước hết cho những người mang quyền quyết định đó: sự hiệu quả của hệ thống.

Nền độc tài của sự hiệu quả

Trong tháng Chín 2008, ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ. Sự kiện này nói chung được xem là đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Những người có trách nhiệm trong kinh tế và chính trị ở khắp nơi trên thế giới bất chợt náo động và bất lực như thế nào đó, vì họ chưa từng trải qua một thảm họa như vậy. Hết cuộc họp bàn chống khủng hoảng này đến cuộc họp bàn chống khủng hoảng khác, ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

Bảng hiệu của ngân hàng Lehman Brothers được mang đi bán đấu giá tại Christie's ở London trong tháng Chín 2010

Một chính phủ hành động nhanh chóng, thế nào đi nữa thì cũng nhanh hơn các chính phủ khác: chính phủ Trung Quốc. Vào ngày 9 tháng Mười Một 2008 họ quyết định một gói kích cầu khổng lồ trên 4000 tỉ nhân dân tệ, vào lúc đó gần 600 tì dollar. Nhìn lại về sau này, người ta có thể nói rằng gói này đã có tác động ổn định hết sức lớn cho nền kinh tế thế giới.

Không chỉ riêng việc đó là đáng để ghi nhận, mà cả tốc độ mà chỉ trong vòng vài ngày là người ta đã thắt xong một gói với số tiền khổng lồ như thế. Ngay đến giáo sư Francis Fukuyama ở Standford cũng phải kính nể điều đó: “Thế mạnh quan trọng nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc là khả năng đưa ra những quyết định lớn và phức tạp một cách nhanh chóng.”

Dân chủ chống chuyên quyền – đó cũng là một cuộc cạnh tranh về vận tốc và hiệu quả. Và đó cũng là cách suy nghĩ và hành động trong những tầm nhìn thời gian hoàn toàn khác. Các nền dân chủ Phương Tây sống trong những chu kỳ bầu cử thường dài bốn tới năm năm. Tầm nhìn của các chính trị gia mang quyền quyết định chỉ vừa đủ tới cuộc bầu cử kế tiếp, lần bầu cử mà qua đó họ rất muốn được tái đắc cử. Ép buộc phải thành công về ngắn hạn là một trong những điểm yếu lớn của dân chủ. Người ta chỉ lo cho “các nhu cầu của khoảng khắc”, nhà triết gia chính trị học Alexis de Toquevill đã ta thán ngay từ giữa thế kỷ 19 rồi.

Người Trung Quốc ngược lại suy nghĩ trong những khoảng thời gian kế hoạch cho năm năm và xa hơn thế rất nhiều. Vì những kế hoạch năm năm đó, những cái mà thời gian sau này có tên là chương trình, dựa lên nhau. Kế hoạch hiện hành là từ 2011 cho tới 2015. Khoảng thời gian của các kế hoạch này không trùng khớp với thời gian nhậm chức của những người cai trị. Một nước cờ khéo léo. Khi bộ đôi lãnh đạo mới, Tập và Lý, chính thức bắt đầu trong mùa Xuân 2013 thì họ bị trói buộc bởi kế hoạch đang được tiến hành và các mục tiêu của nó. Ngay khi muốn thì họ cũng không thay đổi được đường lối. Kế hoạch đó chiếm ưu thế và tạo một sự liên tục trong đường lối chính sách của Trung Quốc.

Người Trung Quốc suy nghĩ trước hàng chục năm. Họ là những người suy nghĩ (trước) trong những khoảng thời gian dài. Tính dài hạn này là một lợi thế, đặc biệt là tại những vấn đề nghiệm trọng, dài hạn như biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy mà hiện nay đang có một cuộc thảo luận thú vị trong giới nghiên cứu về khí hậu. Họ nhìn thấy những vấn đề toàn cầu khổng lồ đang đến với loài người trong các thập niên tới đây. Và đồng thời họ cũng nhìn thấy sự chậm chạp của các nền dân chủ, những nền dân chủ mà không thể và/hay không muốn đưa ra những quyết định cần thiết, vì họ không muốn đặt gánh nặng lên thế hệ ngày nay để cất đi gánh nặng cho các thế hệ trong tương lai. James Hansen của NASA Goddard Institute for Space Studies vì vậy mà hoài nghi rằng các nền dân chủ có thể ngăn chận được sự ấm nóng lên của khí hậu.

Ngược lại, ở Trung Quốc thì cuộc sống bền vững có thể đơn giản là được quy định. Những điều tương tự như thế cũng có ở trong một báo cáo thẩm định của Hội đồng Khoa học Cố vấn cho Chính phủ Liên bang [Đức] về các Biến đổi Môi trường trên Toàn cầu dưới sự lãnh đạo của nhà nghiên cứu khí hậu Hans Joachim Schellnhuber. Và trong báo cáo mới nhất của Club of Rome trong tháng Năm 2012 có viết: “Trung Quốc sẽ là một câu chuyện thành công, vì nó có khả năng hành động.”

Trong đó, có một trong số các tác giả ủng hộ cho một ý kiến hết sức đặc biệt: Jørgen Randers, giáo sư về chiến lược khí hậu ở Trường Quản lý Na Uy. Ông nói, chỉ có “một nhà độc tài có ý tốt” mới có thể ngăn chận được thảm họa khí hậu hay ít nhất là làm giảm thiểu nó đi. Đối với ông, Đảng Cộng sản Trung Quốc là một người như vậy. Vì họ có thể đưa ra được những quyết định cần thiết nhưng khó chịu; họ không phải để mắt tới tiếng nói của cử tri. Và cũng không phải dự tính trước với sự phản đối từ người dân hay càu nhàu dọc theo những con đường sắt hay đường dẫn điện. “Cầm quyền ở Trung Quốc đơn giản là hiệu quả hơn”, Randers nói.

Đó tất nhiên là một cuộc thảo luận khó khăn, khi người dân chủ ca ngợi nhà độc tài. Nhưng nó là một cuộc thảo luận cần thiết. Câu hỏi không phải là liệu tất cả các nền dân chủ Phương Tây có nên đột biến trở thành những thể chế độc tài có ý tốt hay không. Không một nhà dân chủ nào có thể yêu cầu điều đó một cách nghiêm túc được. Nhưng khi một đất nước như Trung Quốc có những lợi thế về hiệu quả thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có phải cải tạo những nền dân chủ của chúng ta cho có hiệu quả hơn hay không. Nhưng nói chung là điều đó có thể hay không?

Heribert Prantl hoài nghi. “Dân chủ không phải là một thể chế có tốc độ”, nhà bình luận hùng biện của tờ Nhật báo Nam Đức đã viết bài xã luận. Một nền dân chủ hoạt động được thì phải có quốc hội và tòa án, tức là những cái phanh mà lúc nào cũng có trong hệ thống.

Chuyên gia kinh tế người Pháp Jean-François có ý kiến khác. Ông phác họa một bức tranh tối tăm trong quyển sách Trung Quốc – Hoa Kỳ – Cuộc chiến tranh được lập trình trước của ông. Ông nói về nền độc tài của sự hiệu quả, cái mà cả thế giới bị ép buộc bởi hệ thống Trung Quốc. Lần trỗi dậy trở thành cường quốc có thể dẫn tới một sự suy yếu khắp thế giới, còn có thể là cả sự hủy diệt nền dân chủ nữa – vì chúng thiếu hiệu quả.

Trong thực tế, không nơi nào phản ánh cuộc thảo luận trên lý thuyết này tốt hơn là trong sự so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Cuộc tranh cãi về hệ thống của những gã khổng lồ: Trung Quốc chống Ấn Độ

Nằm vài kilômét về phía Tây Nam từ trung tâm của thủ đô Ấn Độ New Delhi là một vùng đất mà nhiều người Ấn Độ đặc biệt tự hào vì nó: Gurgaon. Khu đất mới này của thành phố cần phải là hiện thân của đất nước Ấn Độ mới, Ấn Độ khởi hành, Ấn Độ ở bên kia của những căn nhà ổ chuột. Thật sự là nhiều tòa nhà văn phòng chọc trời và khu mua sắm đã được dựng lên từ khu đất khô cằn đó trong vòng những năm vừa qua. Nhiều công ty thành công trong ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ có trụ sở của họ ở đây, và cả những công ty nổi tiếng nước ngoài cũng đặt chi nhánh của họ ở đây.

Nhiều người Ấn Độ cũng tự hào không kém về Khan Market ở Delhi của họ, một vùng đất có những ngôi nhà hai tầng theo phong cách thuộc địa đứng sát cạnh nhau mà trong đó là cửa hàng sang trọng, hiệu sách và nhà hàng. Thế nhưng Jochen Buchsteiner, cựu thông tín viên tờ Nhật báo Frankfurt Đại cương ở châu Á, phán xét một cách thô lỗ nhưng đúng: “Niềm tự hào của Delhi, Khan Market, chỉ có thể moi ra được một nụ cười thương hại từ những du khách châu Á Thái Bình Dương.”

Cả Khan Market lẫn Gurgaon đều không đứng vững được khi so sánh với những gì đã thành hình ở Đông Nam Á hay còn là ở Trung Quốc nữa. Nếu so sánh Gurgaon ví dụ như với khu Phố Đông rực rỡ mới trong Thượng Hải hay Khan Market với trung tâm mua bán và giải trí Sanlitun Village ở Bắc Kinh thì người ta phải khẳng định một cách rõ ràng rằng: Người chiến thắng hiển nhiên trong cả hai trường hợp là Trung Quốc.

Giữa Ấn Độ và Trung Quốc không phải chỉ có dãy núi Himalaya, mà nằm giữa hai gã khổng lồ Á châu này là nhiều thế giới.

Dù đó có là đấu tranh chống cái nghèo, đào tạo hay hạ tầng cơ sở – trong những lĩnh vực trung tâm, Trung Quốc đã bỏ xa láng giềng Ấn Độ của nó ở một mức độ rõ ràng đến phát sợ.

Số so sánh Trung Quốc – Ấn Độ

Chỉ số

Trung Quốc

Ấn Độ

Tuổi thọ dự tính

74,51 năm

66,46 năm

Tỷ lệ biết đọc (nam)

95,7%

73,4%

Tỷ lệ biết đọc (nữ)

87,6%

47,8 %

Tỷ lệ người nghèo trong dân số*

15,9%

41,6%

Đường cao tốc

65.000 kilômét

200 kilômét

* Thu Nhập dưới 1,25 dollar một ngày.

Nguồn: Zbigniew Brzezinski, Strategic Vision, Seite 167.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã giải phóng tròn 400 triệu người ra khỏi cảnh nghèo, Ấn Độ ngược lại chỉ 150 triệu. Vẫn còn ít nhất 300 triệu người đói ăn ở đó. Người Trung Quốc nói tiếng Anh tốt hơn người Ấn Độ, mặc cho quá khứ là thuộc địa Anh Quốc của Ấn Độ. Tỷ lệ biết đọc ở Trung Quốc cao hơn thấy rõ khi so với ở Ấn Độ.

Rõ ràng nhất là các khác biệt trong hạ tầng cơ sở. Dù đó là tàu hỏa, cảng hàng không hay đường sá – ở Trung Quốc thì tất cả đều nhanh hơn, cao hơn, dài hơn và xa hơn. Bộ trưởng Bộ Giao thông [Đức] Peter Ramsauer thường xuyên sang hai nước đó. “Nó rất dai dẳng ở đây, dai dẳng hơn là ở Trung Quốc. Không có gì nhiều xảy ra trong vòng một năm ở đây”, ông nói ở Mumbai sau chuyến đi thăm Ấn Độ lần thứ nhì trong vòng một năm.

Hoàn toàn khác sau chuyến thăm Trung Quốc của ông: “Ở Trung Quốc có nhiều việc tiến triển hết sức nhanh chóng. Họ mở rộng hay xây hoàn toàn mới 50 nhà ga hàng năm và cũng từng ấy cảng hàng không. Ở đó mỗi năm có 500 kilômét đường sắt được xây dựng.”

Đó không phải là lời phán xét của một người nước ngoài kiêu ngạo. Nhiều người Ấn cũng nhìn thấy giống như vậy. Như tờ báo kinh tế Ấn Độ The Economic Times trên trang trực tuyến của họ đã đăng tải một slideshow hình ảnh dưới tựa đề How China builds these, and why Indian never does. Trong lần trình diễn những dự án phô trương này có thể nhìn thấy, ngoài những cái khác, cây cầu dài 42 kilômét trong thành phố cảng Trung Quốc Thanh Đảo.

Ở Ấn Độ thì ngược lại đường sá còn không được xây xong. Ví dụ như Ganga Expressway. Nó cần phải là một dự án để trưng bày. Với tám làn xe, nó cần phải nối bang Uttar Pradesh có nhiều dân cư nhất (200 triệu người) với thủ đô Delhi. Thế nhưng tham nhũng và kiện tụng đã làm ngưng dự án lại cho tới ngày nay, cái mà viên đá đầu tiên đã được đặt cho nó ngay từ năm 2008. Vì vậy là vận tốc trung bình vẫn còn là 35 kilômét/giờ cho xe tải ở Ấn Độ.

Tại sao Trung Quốc lại đi trước láng giềng Ấn Độ của nó? Một lý do là chắc chắn, rằng Trung Quốc đã bắt đầu với các cải cách về kinh tế sớm hơn nhiều. Trung Quốc đã khởi động chúng ngay từ 1978 dưới thời Đặng Tiểu Bình, Ấn Độ thì ngược lại mãi tới 1992 dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính thời đó và thủ tướng ngày nay, Manmohan Singh.

Nhưng chỉ riêng việc khập khiển ở đằng sau về thời gian thì cũng không giải thích được vị trí đi trước của Trung Quốc. Vì ở đó còn có câu hỏi về hệ thống: “Tại sao ở Trung Quốc có nhiều thứ tốt hơn ở Ấn Độ đến như vậy?”, Charles Kupchan hỏi. Vị giáo sư ở Đại học Georgetown đưa ra câu trả lời tàn nhẫn – cởi mở ngay sau đó: “Vì Trung Quốc không phải là một nền dân chủ.”

Trung Quốc chống Ấn Độ – đó cũng là một sự so sánh các hệ thống chính trị. Ở đây là Ấn Độ dân chủ, ở kia là Trung Quốc chuyên quyền.

Nhưng sự so sánh này có vững chắc hay không? Có, vì người Ấn tự làm điều đó. Họ liên tục so sánh họ với người láng giềng ở phía Đông. Trong khi người Trung Quốc thì ngược lại không làm điều đó: họ không nhìn họ trong cùng một đẳng cấp với Ấn Độ, ngay cả khi họ không nói ra điều đó một cách thẳng thừng như vậy.

Ở Ấn Độ, nước thích gọi mình là nền dân chủ lớn nhất của thế giới, có một – như các nhà chính trị học gọi – nền dân chủ khiếm khuyết. “Gọi người dân đi bầu năm năm một lần thì chưa làm nên một nền dân chủ”, người phụ nữ Ấn Độ hoạt động vì dân quyền Mallika Sarabhai nói, “một nền dân chủ cần Luật Hiến pháp áp dụng, tự do báo chí, một nền tư pháp độc lập. Tất cả những điều đó không hoạt động ở Ấn Độ.”

Nền dân chủ khiếm khuyết của Ấn Độ này thua cuộc – so với thể chế chuyên quyền đang hoạt động ở Trung Quốc. Nhà trí thức người Ấn Mohan Guruswamy là một người Ấn dễ gây thiện cảm và là một nhà dân chủ không thể chê vào đâu được, nhưng ông nói tự phê phán: “Điều cần phải khiến cho chúng tôi suy nghĩ là Trung Quốc làm tốt hơn, mặc dù chúng tôi cũng chi tiêu cùng một số phần trăm đó của tổng sản lượng quốc gia cho đào tạo.” Và: “Họ sản xuất lương thực thực phẩm nhiều gấp đôi chúng tôi.”

Cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ Phương Tây

“Từ khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, có một sự hoài nghi ngày càng tăng lan rộng ra trong khoa học, xuất bản và chính trị: người ta hầu như không còn chờ đợi thành công nào của dân chủ hóa nữa”, Wolfgang Merkel, giám đốc Trung tâm Khoa học về Nghiên cứu Xã hội ở Berlin nói một cách hơi cam chịu.

“Chúng ta có một cuộc khủng hoảng về dân chủ”, tờ New York Times nhận định. Người có quyền tối cao, người dân, mà quyền lực cần phải xuất phát ra từ đó, cảm thấy mình ngày càng bất lực hơn và thường không còn được đại diện bởi những người được bầu lên. Hans Vorländer, giáo sư chính trị ở Dresden nói: “Khoảng cách giữa người dân được đại diện và các chính trị gia đại diện đang tăng lên.”

Chính trị học đã nhận ra được tiếng lầm bầm của người dân đi bầu và đã tạo ra một khái niệm mới cho hệ thống hiện nay: hậu dân chủ. Quyển sách của nhà chính trị học người Anh Colin Crouch cũng có tên như vậy, người qua đó đã khởi sự cho cuộc tranh luận về kỷ nguyên hậu dân chủ. Theo quan điểm của ông, tuy là bầu cử vẫn được tiếp tục tiến hành, thế nhưng nó đã bị “những nhóm cạnh tranh lẫn nhau của các chuyên gia chuyên nghiệp về quan hệ công chúng” làm cho suy tàn trở thành “thuần túy là một màn biểu diễn ồn ào”. Đa số người dân đóng một vai trò thụ động, im lặng, vâng, còn là dửng dưng nữa. Vấn đề cơ bản của hiện tại là giới tinh hoa kinh tế, những người đã nhận lấy quyền lực.

Ở Hoa Kỳ, có những người nào đó đã nói về một chế độ tài phiệt, tức là sự thống trị của tiền bạc. Ngành quản lý tài chính hiện nay đang thống trị chính trị. Một lời cáo buộc không thể dễ dàng bác bỏ khi người ta nhìn đến các đan kết về nhân sự giữa Wall Street và Washington của những năm vừa qua. Hầu như tất cả các Bộ trưởng Bộ Tài chính, những người thật ra là có nhiệm vụ điều chỉnh ngân hàng, đều có một quá khứ ở Wall Street.

Ảnh hưởng của những nhóm lợi ích hùng mạnh không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy rõ như vậy. Nhiều việc diễn ra trong hậu trường, trong văn phòng của những kẻ quan liêu và nghị sĩ, hay trong hậu phòng của những quán ăn được chi trả bằng công tác phí. Những bè nhóm trong sự tranh tối tranh sáng của quyền lực này được người ta gọi là vận động hành lang, cái mà có những người nào đó đã gọi nó là kẻ đào mồ chôn nền dân chủ.

Washington bước đi xa nhất ở đây. Người ta chỉ cần nhìn các bảng tên trên cửa nhà ở K, L hay M Street xung quanh Tòa Nhà Trắng, rồi thì người ta sẽ biết. Có không biết bao nhiêu là công ty, hội liên hiệp và công ty quan hệ công chúng ở đây. Vận động hành lang trong thủ đô của Mỹ hiện nay là ngành lớn thứ ba, sau chính phủ và du lịch.

Một hình thức đặc biệt của vận động hành lang ở Hoa Kỳ là tặng tiền cho tranh cử. Tất cả đều hợp pháp, nhưng về chính trị thì hết sức tai tiếng. Giáo sư luật người Mỹ Lawrence Lessig gọi hình thức đưa tiền cho chính khách này là “tham nhũng mang tính thể chế”, việc hết sức rõ nét ở Hoa Kỳ. Năm 2008, 100 thượng nghị sĩ và 435 hạ nghị sĩ đã thu thập được 1,2 tỉ dollar tiền quyên góp cho tranh cử. Trong lần tranh cửa tổng thống vừa rồi của năm 2012 còn có cả 2,5 tỉ dollar chảy về cho cả hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney.

Người dân đi bầu ngày càng ngoảnh mặt đi trước những tình trạng như vậy. Chỉ còn một nửa là đi bầu ở Hoa Kỳ, việc dẫn đến hậu quả là một tổng thống Mỹ tại một kết quả sít sao chỉ có tròn một phần tư cử tri ủng hộ cho mình.

Ở đó, một quá trình phân hủy trong cử tri đã diễn ra lâu nay, cái cũng đã bắt đầu ở châu Âu từ lâu rồi. Người đi bầu nhận thấy rõ, rằng không chỉ họ là bất lực, mà cả những người đại diện do họ bầu ra ở trong các Quốc Hội cũng ngày càng bất lực. Chính trong cuộc khủng hoảng euro đã có thể thấy rõ, rằng những người đại diện cho người dân đã chịu thua sự cưỡng bức của những cái được gọi là tình hình bắt buộc. Và sự cưỡng bức này là do những thể chế khác, không có tính chính danh về mặt dân chủ, đưa ra. “Quốc Hội chỉ còn gật đầu thông qua những gì do hành pháp tuyên bố dưới áp lực của thị trường chứng khoán và của các hãng đánh giá mức độ tín nhiệm”, Herfried Münkler lên án trong một bài tiểu luận trên tờ Spiegel. Người ta còn có thể liệt thêm Ngân hàng Trung ương và Ủy ban châu Âu vào trong các cơ quan dân chủ này, những cơ quan (cùng) quyết định về số phận của người Âu mà không chịu trách nhiệm trước họ.

Cảm giác bất lực này còn được tăng cường qua từ ngữ xấu của bà nữ thủ tướng liên bang [Đức] về việc không có sự lựa chọn khác. Một nền dân chủ sống nhờ vào những sự lựa chọn khác. Người đi bầu muốn và cần phải quyết định chọn lựa giữa A và B. Khi người này không còn có sự chọn lựa và thay vì vậy là những thế lực nặc danh nào đó quyết định, thì điều đó gây nguy hại cho hệ thống của chúng ta. Herfried Münkler: “Cái mà chúng tôi đang quan sát thấy là kết cuộc dần dần của nền dân chủ nghị viện.”

Không ngạc nhiên, khi niềm tin tưởng vào các cơ quan chính trị dần biến mất trước nhận định này – ở châu Âu cũng như ở Hoa kỳ. Theo một thăm dò Gallup từ năm 2011, chưa tới 20 phần trăm người Mỹ tin tưởng vào chính phủ của họ, và chỉ chín phần trăm tin tưởng công việc làm của Quốc Hội. Một phán xét khủng khiếp, nhưng rõ ràng là không kích động hay khiến cho bất cứ một ai trong số những người có trách nhiệm phải suy nghĩ.

Cùng với niềm yêu thích đang giảm xuống cho hệ thống chính trị và các chính khách hoạt động của nó, sự đồng ý với hệ thống kinh tế Tây Phương, chủ nghĩa tư bản, cũng giảm xuống trong Phương Tây. Và điều đó cũng xảy ra chính trong nước mẹ của chủ nghĩa tư bản. Chỉ còn 59 phần trăm người Mỹ cho rằng hệ thống kinh tế thị trường tự do là hình thức kinh tế tốt nhất. 2002 còn là 80 phần trăm.

Kinh tế nhà nước có phục hưng trở lại không?

Nhà nước quay trở lại

Cái năm gở 2008 mang lại một điểm ngoặc. Bất thình lình, ngân hàng và công nghiệp trong Phương Tây cần phải được cứu thoát, để nhiều quốc gia không bị sụp đổ. Và từ ai? – Từ nhà nước. Chính phủ Mỹ buộc phải thu nhận General Motors, chính phủ Đức bước vào Commerzbank [Ngân hàng Thương mại] , chính phủ Anh thì Royal Bank of Scotland, để chỉ kể ra một vài ví dụ về sự giúp đỡ của nhà nước.

Cho tới lúc đó, ảnh hưởng của nhà nước bị coi thường. Bãi bỏ quy định, tự do hóa, tư nhân hóa là những từ ngữ mang tính khẩu hiệu của những năm 90 và những năm mang con số không. Nhà nước gọn nhẹ là lý tưởng mới, cái mà tất cả những người có trách nhiệm về chính trị trong Phương Tây đều coi như là đúng – cả các đảng xã hội-dân chủ. Nhưng những nhà hoạt động trong kinh tế đã lợi dụng một cách thái quá sự tự do mà chính trị đưa cho họ. Kết quả thì đã biết rồi: Một cuộc khủng hoảng tài chính mà nguồn gốc của nó – và cần phải nhấn mạnh một lần nữa một cách thật rõ ràng – nằm ở Phương Tây.

Trụ sở chính của Commerzbank tại Frankfurt, Đức. Hình: dapd

Trụ sở chính của Commerzbank tại Frankfurt, Đức. Hình: dapd

Kết cấu lý thuyết Tây Phương lung lay. Có hai nhận thức được phần lớn những người đang cầm quyền ở Phương Tây – ngoài những người thuộc phái Tự Do vẫn ngoan cố bám chặt lấy mô hình Laissez Faire của họ – rút ra từ cuộc khủng hoảng: Quá nhiều tự do hẳn không phải là việc đúng. Và nhà nước không có hại tới như thế cho hoạt động kinh tế. Và vì vậy mà thời gian sau này người ta hành quân đi theo hướng ngược lại. Tờ báo kinh tế Anh The Economist khẳng định: “Chủ nghĩa tư bản nhà nước ngày càng trở thành xu hướng sắp tới.” Cả nhà tư vấn người Mỹ  Ian Bremmer, tác giả của quyển sách The End of the Free Market cũng nhìn chủ nghĩa tư bản nhà nước đang đi trên con đường chiến thắng.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước nói chung là gì? Ở trong nó có một nhà nước thống trị, can thiệp mang tính điều khiển vào trong hoạt động kinh tế. Nhà nước này tiến hành chính sách công nghiệp tích cực, bằng cách hỗ trợ nhiều cho các công nghệ hướng tới tương lai. Ví dụ như nhà nước tạo nên những nhà vô địch quốc gia, tức là những doanh nghiệp mạnh, thống trị trị trường trong nước, nhưng do có độ lớn mà có thể đứng vững trên các thị trường quốc tế. Cũng có công ty tư nhân, nhưng những ngành công nghiệp chiến lược như ngân hàng, năng lượng, viễn thông và giao thông đều thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra còn có những mối liên kết chặt chẽ giữa giai cấp chính khách thống trị và sếp của các công ty.

Trung Quốc là một hệ thống tư bản chủ nghĩa nhà nước đặc trưng. Đứng trước các thành công của mô hình tư bản chủ nghĩa nhà nước Trung Quốc, ngày càng có nhiều người đang hoài nghi trong Phương Tây tự hỏi rằng liệu luận điểm về nền kinh tế không có nhà nước có còn đứng vững nữa hay không. Chúng ta có thể đứng khoanh tay nhìn nhà nước Trung Quốc rót bạc tỉ vào những ngành công nghiệp mới như năng lượng tái sinh và di động sử dụng năng lượng điện, nhưng chúng ta thì lý luận theo kinh tế thị trường một cách chính đáng rằng một sự can thiệp như thế của nhà nước là không nên?

Chúng ta có sự lựa chọn: hoặc là chúng ta cứ tiếp tục đi khắp nơi với ngón tay giơ lên giảng dạy về luân lý và chết trong sự vô tội về ý thức hệ, hay là chúng ta cố ngang bằng với Trung Quốc, điều đồng nghĩa với một sự tham gia nhiều hơn nữa của nhà nước vào trong chính sách nghiên cứu và kinh tế.

Ít ra thì trong Phương Tây cũng có một thảo luận mới về chính sách công nghiệp. Nó sôi nổi hơn trong châu Âu, nơi theo truyền thống có khuynh hướng can thiệp nhiều hơn là ở Hoa Kỳ. Ở đó, từ Industrial Policy trước sau vẫn còn không được phép nói ra, Jeff Immelt, sếp tập đoàn General Electric, nói: “Ngày nay, chỉ cần anh thì thào cái từ chính sách công nghiệp ở Washington thôi thì anh có thể chắc chắn rằng anh sẽ bị ném đá cho tới chết trong vòng 24 giờ đồng hồ.”

Người Mỹ đã tự ban hành cho mình sự kiêng cử nhà nước. Rob Atkinson, sếp của The Information Technology & Innovation Foundation (ITIF), nói: “Khác biệt giữa Mỹ và những nhà cạnh tranh với nó là tất cả họ đều làm việc chung với chính phủ.” Ở Hoa Kỳ thì ngược lại, chính phủ và bộ máy của nó giống kẻ thù của người dân nhiều hơn – ít nhất thì người Cộng hòa nghĩ như vậy. Càng ít nhà nước thì càng tốt cho đất nước.

Có lẽ những người suy nghĩ như vậy nên lật lại sách Sử và giở ra ở đó những trang về các năm 1957 và 1958. Thời đó, Hoa Kỳ cũng đã ở trong một tình trạng khó khăn. Người Nga đã phóng vệ tinh Sputnik của họ vào vũ trụ trong tháng Mười 1957. Toàn nước Mỹ bị sốc: Người Xô viết làm sao mà có thể qua mặt chúng ta được?

Tổng thống lúc đó Dwight Eisenhower, một người Cộng hòa ôn hòa, phản ứng ngay lập tức. Trong tháng Hai 1958, ông thành lập Advanced Research Projects Agency (ARPA), một cơ quan thuộc Lầu Năm Góc có nhiệm vụ phối hợp các dự án nghiên cứu giữa kinh tế, khoa học và nhà nước.

Người ta không thể gọi công việc làm đó là không có thành công. Vì xuất phát từ ARPA là những phát minh như chuột máy tính, GPS, công nghệ tàng hình – và đặc biệt là Internet.

Chính sự phối hợp – hiện nay bị lãng quên ở Hoa Kỳ – giữa nhà nước và kinh tế này là cơ sở của mô hình Trung Quốc.

Quyền lực mềm của Trung Quốc

Times Square ở Manhattan là một cái gì đó giống như cái chén thánh của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Trên những dòng tin tức điện tử, giá cả chứng khoán mới nhất của Nasdaq nhấp nháy chạy ngang qua trong những mẫu tự và con số thật lớn. Tập đoàn truyền thông và ngân hàng đầu tư có trụ sở của họ ở đó. Và tất cả những gì có tên tuổi trong thế giới tiêu thụ toàn cầu đều trình chiếu những đoạn phim quảng cáo của mình ở đó.

Trong tháng Giêng 2011 bất chợt có những người mà phần lớn người Mỹ chưa bao giờ nhìn thấy đã xuất hiện trên các màn hình này. Diêu Minh, cựu ngôi sao bóng rổ của Houston Rockets thuộc nhóm NBA [National Baskettball Association], một vài người còn nhận ra được, và có lẽ cả nữ diễn viên Chương Tử Di hay người biểu diễn dương cầm Lang Lãng. Nhưng ai là 47 người Trung Quốc nổi tiếng khác, những người nhấp nháy hàng ngày một tháng trời qua các màn hình ở Times Square đó? Ai là Vương Kiến Trụ hay Dương Lợi Vĩ? (Một người nguyên là sếp của China Mobile, người kia là phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc).

Trung Quốc bắt đầu quảng bá hình ảnh của mình trên Time Square vào ngày 17 tháng 1

Trung Quốc bắt đầu quảng bá hình ảnh của mình trên Time Square vào ngày 17 tháng 1

Với chiến dịch bạc triệu này, chính phủ Trung Quốc muốn chỉ cho người Mỹ thấy gương mặt hiện đại, dễ mến của đất nước. Nhìn này: những người xuất sắc của Trung Quốc không chỉ là những chính trị gia nào đó mà còn là nhà thể thao, diễn viên, nghệ sĩ, nhà thiết kế, khoa học gia và giám đốc. Trung Quốc có nhiều hơn là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Hồ Cẩm Đào.

Có thể thấy rõ chậm nhất là với chiến dịch đó ở Times Square: Trung Quốc đã phát hiện ra các lợi thế của quyền lực mềm. Người sáng tạo ra khái niệm đầy quyền lực mới mẻ này là Joseph Nye. Ông giáo sư Harvard đã đưa ra khái niệm này ngay từ 1990 vào trong thảo luận chính trị và cụ thể hóa nó 2004 trong quyển sách Soft Power của ông. Theo ông, có ba nguồn gốc của quyền lực: quyền lực quân sự, quyền lực kinh tế và Soft Power, cái thường được dịch là quyền lực mềm.

Quyền lực quân sự thống trị trong thế kỷ vừa qua, cũng như quyền lực kinh tế. Nhưng bây giờ thì – theo Nye – quyền lực mềm ngày càng quan trọng hơn. Người ta cần phải “chiếm lĩnh” những nước khác với ý tưởng, thay vì với tên lửa. Từ ngữ và giá trị thay vì vũ khí.

Vào khoảng năm 2005, người Trung Quốc bắt đầu hoạt động tích cực trong đề tài quyền lực mềm. Đại diện cho sự thay đổi nhận thức vào thời này là một trích dẫn từ tờ báo Đảng People’s Daily, mà trong đó một bài xã luận phàn nàn: “Chúng ta chỉ xuất khẩu máy truyền hình, nhưng chúng ta không xuất khẩu nội dung cho các chương trình truyền hình.”

Ngay sau đó, Hồ Cẩm Đào trong bài diễn văn nổi tiếng của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 17 trong tháng Mười 2007 nói rằng Trung Quốc cần phải “nâng cao quyền lực mềm về văn hóa của quốc gia”. Đứng ở đằng sau đó là một phần không nhỏ của sự ganh tỵ với đối thủ Hoa Kỳ mà người ta một phần khâm phục quyền lực mềm của nó nhưng đồng thời cũng cảm thấy thắng thế như là một quốc gia có nền văn hóa 5000 năm.

Người Trung Quốc không thích người Mỹ thống trị các rạp chiếu phim, các danh sách xếp hạng âm nhạc và các truyền thông (CNN!) trên khắp thế giới, rằng những người này xuất khẩu môn thể thao được ưa thích nhất của họ (NBA) và tràn ngập thế giới với Big Mac và Latte macchiato của Starbucks và rằng The American Way of Life trở thành cảm giác sống toàn cầu, trong khi ở Phương Tây, Trung Quốc chỉ được liên kết với sảm phẩm rẻ tiền, nhà hàng dơ dáy và những người bất đồng chính kiến bị truy nã.

Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn sửa chữa hình ảnh xấu này này và trong lúc đó dựa trên triết gia và nhà chiến lược quân sự thời xưa Tôn Vũ, người đã từng viết trong Binh pháp Tôn Tử, rằng tấn công những cái đầu của kẻ địch thì tốt hơn là vây hãm các thành phố của họ.

Ngày nay, người ta tạo ảnh hưởng lên những cái đầu như thế nào? Qua truyền thông. Thế là Trung Quốc khởi động một chiến dịch truyền thông khổng lồ. Tiền bạc cũng không đóng một vai trò nào ở đây. Trong tháng Giêng 2009, chính phủ chi 45 tỉ nhân dân tệ cho một dự án có tên là Ngoại Tuyên Công Tác, cái mà người ta có thể dịch là tuyên truyền ở nước ngoài.

Đóng vai trò quan trọng nhất trong đó là các truyền thông nhà nước. Các chương trình nước ngoài của họ – trước hết là trong tiếng Anh – được mở rộng ra rất nhiều. Với Global Times – bên cạnh tờ China Daily truyền thống – một tờ nhật báo tiếng Anh mới được thành lập, mang tính lá cải [boulevardesk], nhanh nhẩu ngạo mạn và có hơi hướng quốc gia chủ nghĩa. Tờ China Daily, đạo mạo trái ngược, khởi động một tờ tuần báo tiếng Anh ở châu Âu. Tân Hoa Xã ngày càng lan truyền tin tức của mình đi trong nhiều thứ tiếng hơn, có lẽ chẳng bao lâu nữa là cả trong tiếng Đức. Tân Hoa Xã – hiện nay có trụ sở chính ở Mỹ trực tiếp tại New Yorker Times Square – muốn qua đó chống lại độc quyền tin tức toàn cầu của các thông tấn xã Phương Tây AFP, AP và Reuters.

Tân Hoa Xã thời gian sau này cũng bước vào giới truyền hình và từ tháng Bảy 2010 phát sóng một chương trình toàn cầu 24 giờ bằng tiếng Anh. Và cả đài truyền hình nhà nước CCTV hiện nay cũng lan truyền các hình ảnh của mình đi trên các kênh tiếng Anh cũng như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Ả Rập. Trong lĩnh vực truyền hình, đối thủ cũng là các nhà độc quyền Phương Tây BBC và CNN, hiện diện trên màn hình toàn cầu.

Các đài truyền hình Trung Quốc muốn phá vỡ độc quyền của các công ty này trước hết là trong các nước đang phát triển. Ví dụ như CCTV vừa mới thiết lập một studio lớn trong Nairobi thủ đô của Kenia, sản xuất những chương trình riêng cho châu Phi. Đó là studio khu vực đầu tiên của CCTV cho loại này. Dự định sẽ có các studio khác nối tiếp theo sau đó.

Từ nhiều năm nay, chiến dịch truyền thông Trung Quốc được kèm theo bởi công cuộc xây dựng các Viện Khổng Tử. Đã có trên 400 viện ở trên 100 nước. Các cơ sở này theo ý tưởng cơ bản thì có thể so sánh được với Viện Goethe Đức, British Council hay Instituto Cervantes Tây Ban Nha, ngay cả khi việc cung cấp tài chính có khác nhau. Nhà nước Trung Quốc chỉ tài trợ, tối đa 100.000 dollar. Đối tác trong các nước tương ứng – ở Đức thường là các trường đại học – phải chi trả phần còn lại. Họ chi trả ví dụ như cho tiền thuê nhà và nhân sự giảng dạy.

Nhưng sự khác biệt to lớn là ảnh hưởng của nhà nước, cái tại các viện Khổng Tử lớn hơn nhiều khi so với các tổ chức văn hóa Âu châu. Có quyền giám sát các viện Khổng Tử đang nhiều lên trên khắp thế giới là Quốc gia Hán ngữ Quốc tế Thôi Quảng Lãnh đạo Tiểu tổ Bạn Công Thất (Văn phòng Quốc gia của Tổ Lãnh đạo Quảng bá Quốc tế Hán ngữ). Một danh hiệu dài dòng rắc rối, thường được rút ngắn theo lối viết tiếng Hoa là Hanban. Hanban đứng trực tiếp dưới quyền của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Sếp của Hanban là Lưu Diên Đông, người phụ nữ có cấp bậc cao nhất trong giới lãnh đạo của ĐCS. Toàn bộ những người cộng tác ở cấp bậc lãnh đạo của bà cũng đều là quan chức cao cấp. Do có liên kết chặt chẽ này với Đảng và nhà nước mà những người phê phán như  giám đốc Viện Đông Á của Đại học Thực hành Ludwigshafen, Jörg-M. Rudolph, đã xem các viện Khổng Tử như là những con ngựa thành Troy, thâm nhập vào trong các đất nước khác. Ủng hộ cho luận điểm này là việc mới đây Hanban đã tuyên bố sẽ lan truyền một “Hán học mới” thông qua các viện này.

Với tất cả những sự ồn ào quanh các viện Khổng Tử đó, hầu như không có ai đặt ra câu hỏi liệu những viện này nói chung là có thể được xem như một công cụ của quyền lực mềm hay không? Michael Kahn-Ackermann, cựu lãnh đạo Viện Goethe ở Bắc Kinh, hoài nghi: “Bản thân tôi thì không tin rằng việc truyền bá ngôn ngữ riêng của mình lại là một công cụ đặc biệt thích hợp cho quyền lực mềm.”

Nhưng về nội dung – bên cạnh ngôn ngữ – thì Trung Quốc có thể chào mời những gì? Phương Tây chào mời những giá trị như tự do và dân chủ. Nhưng Trung Quốc muốn và có thể chào mời những giá trị nào?

Người Trung Quốc tin rằng họ có một thứ: những ý tưởng của sự hài hòa. Một giá trị tốt đẹp mà ở Phương Tây người ta cũng nên chăm sóc cho nó nhiều hơn nữa. Nhưng – nhiều người ở Phương Tây hỏi – một Trung Quốc giam giữ những người có suy nghĩ khác thì làm sao mà có thể là người thầy về sự hài hòa cho chúng ta được?

Phán xét của Joseph Nye về những cố gắng vươn tới quyền lực mềm của Trung Quốc vì vậy mà đã phá vỡ mọi ảo tưởng và cũng mâu thuẫn. “Trung Quốc còn xa mới có thể ngang bằng được với quyền lực mềm của Mỹ và châu Âu”, người cha đẻ của ý tưởng này nói, “nhưng sẽ là không khôn ngoan nếu như cứ phớt lờ những thành công mà Trung Quốc đã đạt được.”

Các hệ thống dân chủ sử dụng quyền lực mềm dễ dàng hơn. Nhưng Trung Quốc còn cách đó xa lắm.

Tại sao Trung Quốc – nhất thời – sẽ không dân chủ

Khi một đất nước cứ tăng trưởng và tăng trưởng thì đến một lúc nào đó có một lớp trung lưu thành hình. Và những người này không chỉ muốn tiêu thụ mà cũng muốn cùng quyết định, tức là yêu cầu các quyền chính trị và tự do.

Trên lý thuyết là như vậy. Nó được nhà xã hội học người Mỹ Seymour Martin Lipset đưa ra lần đầu tiên vào cuối những năm 50 mà đối với ông thì rõ ràng là có một mối liên quan giữa thịnh vượng và dân chủ. Qua đó, ông đã thành lập thuyết Hiện đại hóa.

Nhưng người ta đo thịnh vượng ra sao? Tốt nhất và đơn giản nhất là qua thu nhập trên đầu người, Seymour và những người biện hộ cho ông nói. Nhưng bắt đầu từ mức thu nhập nào thì một đất nước sẽ trở nên dân chủ? Các nhà khoa học tranh cãi nhau về điều này. Khoảng cách của các quan điểm là từ 1000 cho tới 6000 dollar.

Và có thật sự là đơn giản như thế không?

Liệu một đất nước có trở nên dân chủ khi thu nhập trên đầu người bắt đầu từ 3000 dollar – chúng ta cứ nói như vậy đi – hay không? Không, chính trị và một sự thay đổi hệ thống không hoạt động đơn giản tới như vậy. “Mối quan hệ giữa hiện đại hóa kinh tế và dân chủ là một mối quan hệ nhân quả, nhưng không đơn nhân quả”, nhà chính trị học Wolfang Merkel giải thích trong tác phẩm kinh điển Systemtransformation [Chuyển đổi hệ thống] của ông. Tức có nghĩa là: Còn phải có thêm những điều kiện khác nữa. Ví dụ như một mức học vấn tương đối cao.

Bây giờ thì Trung Quốc có cả hai – một thu nhập trên đầu người trên 3000 dollar và một hệ thống giáo dục tốt mà nhiều người Trung Quốc hưởng lợi từ đó. Nhưng mặc dù vậy Trung Quốc vẫn chưa dân chủ và trong thời gian sắp tới đây cũng sẽ không. Tại sao lại như vậy?

Vì cả tôn giáo và văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc một nhà nước được tổ chức trong hình thái và hiến pháp nào. Max Weber đã chỉ đến mối liên quan này ngay từ đầu thế kỷ 19. Nhà xã hội học người Mỹ Samuel Huntington nắm lấy luận điểm này một lần nữa vào đầu những năm 90. Trong đó, ông bàn trực tiếp về Trung Quốc.

Trung Quốc rõ ràng là một xã hội theo đạo Khổng. Đạo Khổng không phải là một tôn giáo như nhiều người ở Phương Tây tin là thế. Nó – khác với Thiên Chúa giáo hay đạo Hồi – không đưa ra những lời giải thích và hứa hẹn cho thế giới bên kia. Nó gắn kết chặt chẽ với thế giới ở bên này và giảng giải những giá trị như hài hòa, tôn trọng người có quyền lực (đặc biệt là cha mẹ) và học tập liên tục. Vì vậy mà trong các xã hội theo đạo Khổng, tập thể đứng trên cá nhân, quyền lực đứng trên tự do, những cái không nhất thiết phải khuyến khích lối suy nghĩ và các cấu trúc dân chủ. Do đó, Huntington đi tới kết luận. “Một nền dân chủ Khổng giáo tự nó là một mâu thuẫn.”

Giáo sư Harvard Francis Kukuyama phản bác giáo sư Harvard Huntington đã qua đời. Đạo Khổng tương đối khoan dung và bình đẳng. Ngoài ta, ông nhấn mạnh tới giáo dục và đào tạo. Tất cả những cái đó là những thành phần khuyến khích dân chủ. Vì vậy mà Trung Quốc không miễn nhiễm trước một sự dẫn nhập dân chủ. Câu hỏi chỉ là khi nào thì nó có thể xảy ra. Thế nào đi nữa thì trong thời gian tới đây cũng không.

Và ở đây có thêm một – cựu – giáo sư Harvard thứ ba bước vào cuộc hơi: Alexander Gerschenkron. Ông nói, tầng lớp trung lưu hưởng lợi từ một hệ thống chuyên quyền. Họ hàm ơn lần trỗi dậy của hệ thống. Vì vậy mà họ quan tâm tới sự ổn định của hệ thống.

Đảng Cộng sản biết điều đó và vì vậy mà cộng tác với giới trung lưu. Họ tiến hành một chiến thuật ôm ấp khéo léo và bước vào một mối quan hệ với những người buôn bán một mình, doanh nhân và trí thức. Họ làm cho nhiều nhóm, những nhóm có thể chống lại chính quyền, trở thành đồng minh với họ – trí thức, sinh viên và tầng lớp trung lưu.

Ví như 80% sinh viên – đây là một con số chính thức – muốn gia nhập Đảng sau khi tốt nghiệp. Họ làm điều đó không phải vì họ là những người nhiệt tình đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản, mà vì họ hứa hẹn cho mình các cơ hội thăng tiến tốt hơn – dù đó là trong hành chính hay trong các công ty nhà nước.

Đó là một cuộc kinh doanh có qua có lại. Tầng lớp trung lưu nhận được những gì họ muốn, tức khả năng thăng tiến và làm giàu. Đổi lại, Đảng đang thống trị cũng nhận được cái mà họ muốn – bảo toàn quyền lực. Tầng lớp trung lưu vì vậy mà có tác động làm ổn định hệ thống nhiều hơn là gây nguy hại đến hệ thống.

Một nhận định cũng được ủng hộ qua thực tiễn. Giáo sư người Mỹ Jie Chen trong quyển sách Allies of the State: China’s Private Entrepreneurs and Democratic Change của ông đã khảo sát quan điểm của giới trung lưu Trung Quốc về một thay đổi hệ thống có thể. Kết luận của ông sau hơn 2000 cuộc trao đổi: “Tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ không xuất hiện như là những người ủng hộ cho một sự dân chủ hóa.”

Họ sẽ không tiếp nhận vai trò cách mạng của giới tư sản giống như những người này đã đóng trong châu Âu của thế kỷ 18 và 19. Richard McGregor: “Họ có nhiều thứ để mất.” Giả sử như có những cuộc bầu cử theo mẫu mực Phương Tây One Man – One Vote. Nếu như người ta ước lượng giới trung lưu Trung Quốc ở 200 tới 300 triệu, thì họ rõ ràng là thiểu số trong một cuộc bầu cử.

Người nông dân sẽ có quyền quyết định. Và chắc chắn là họ sẽ muốn một chính sách hoàn toàn khác hẳn với tầng lớp trung lưu thành thị, tức là tái phân phối có lợi cho họ, trước thế bất lợi trong những thập niên vừa qua cũng là điểu dễ hiểu. Những người chịu thiệt thòi của một chính sách như vậy là giới trung lưu thành thị. Tức là trong giai đoạn – tôi nhấn mạnh – hiện tại của sự phát triển Trung Quốc, những người này không thể có một mối quan tâm tới việc người dân ở nông thôn có thể nắm lấy quyền lực một cách dân chủ.

Tức là sẽ không có một sự chuyển tiếp nhanh chóng sang dân chủ ở Trung Quốc, nhưng ít ra thì cũng có những bước tiến cải cách chậm chạp.

Quá trình cải cách dần dần

Chậm nhất là 7:30 thì tất cả đều phải dậy, vì rồi những người phụ nữ dọn dẹp sẽ tới để làm vệ sinh phòng. Rồi đi ăn sáng, nhưng ở hai căng tin khác nhau: các quan chức cao cấp dùng bữa trong một căng tin, trong căng tin kia là những người có tài trẻ tuổi, trung bình khoảng 40 tuổi.

Hai nhóm có giờ học riêng từng nhóm. Từ thứ Hai cho tới thứ Năm người ta giảng dạy vào buổi sáng, học và thảo luận vào buổi chiều. Tất cả họp lại với nhau vào thứ Sáu. Rồi một quan chức cao cấp (ít nhất là ở cấp thứ trưởng) đọc một bài diễn văn về một đề tài quốc gia hay quốc tế. – Chuyện thường ngày ở Trường Đảng, lò đào tạo cán bộ quan trọng nhất của đất nước. Hàng năm có tròn 2000 cán bộ Đảng được đào tạo ở đây trong những khóa học kéo dài nhiều tuần.

Nhưng nếu như có ai nghĩ rằng cái trường Đảng được đóng kín và canh gác cẩn mật đó ở Tây Bắc của Bắc Kinh chỉ là một nơi nhồi sọ tuyên truyền thì người đó đã lầm. Joshua Eisenman của American Foreign Policy Council nói: “Ngược với các trường đại học khác ở Trung Quốc, sự cởi mở có truyền thống ở trong trường Đảng.” Ngay từ cuối những năm 70 là người ta đã có thể thảo luận mà không bị trừng phạt ở đó.

Cũng không có những nỗi e ngại khi tiếp xúc với những người có suy nghĩ khác từ Phương Tây. Khoa học gia và chính khách từ Phương Tây đã có ở đó. Ví dụ như Henry Kissinger và tổng thư lý Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, cả [cựu thủ tướng Đức] Helmut Schnidt nữa. Vì vậy mà ông cũng biết từ trải nghiệm cá nhân: “Ngày nay, ở trường Đảng họ có thể tranh luận về hầu như là mọi đề tài của thế giới.”

Thủ tướng Trung Quốc thăm cựu thủ tướng Đức Helmut Schmidt (27 tháng Năm 2013). Hình dpa

Thủ tướng Trung Quốc thăm cựu thủ tướng Đức Helmut Schmidt (27 tháng Năm 2013). Hình dpa

Nhiều người ở Phương Tây có một hình ảnh đã lỗi thời và vì vậy mà ít nhất là thiên kiến về Trung Quốc. Trung Quốc không phải là Liên bang Xô viết và khối Đông Âu mà người dân của họ bị nhốt ở phía sau bức màn sắt và bị đàn áp không thương xót. Ở Trung Quốc, ai tự thích ứng mình với chính quyền, bằng cách không phản đối về chính trị và chỉ biểu lộ sự phê phán hệ thống trong phạm vi cá nhân, thì hiện nay có được những tự do nào đó mà chưa từng được hưởng trong những năm trước đó. Ai không thuộc vào đạo quân hàng triệu người công nhân di trú mà nhiều quyền lợi cơ bản của họ vẫn tiếp tục bị hệ thống hộ khẩu khước từ thì người đó có thể hưởng một cuộc sống tương đối tự do.

Đa số đã thích ứng này có thể đi ra nước ngoài và cũng đã sử dụng điều đó rất nhiều. Năm 2012 có gần 80 triệu người Trung Quốc đi du lịch ở phía bên kia của biên giới. Và mỗi năm một tăng lên, vì ngày càng có nhiều người Trung Quốc có khả năng đi du lịch ở nước ngoài. Vùng được ưa thích là Đông Nam Á, nhưng cũng có nhiều đoàn đi du lịch ở châu Âu và ngày càng nhiều người đi du lịch cá nhân.

Họ không còn bị theo dõi liên tục nữa. Vì hệ thống nhiều tai tiếng của các đơn vị lao động [danwei – 单位] đã chết rồi. Cái hệ thống giám sát mà có trong mỗi một làng, trong mỗi một khu phố và nơi làm việc, nơi mỗi người biết hầu như tất cả về một người khác và ai cũng có thể đi tố cáo một người nào đó.

Họ có thể tìm thấy trong truyền thông ngày càng nhiều những bài viết phê phán. Ví dụ như tờ tạp chí Caixin hay tờ nhật báo Southern Metropplis Daily từ Quảng Châu đã tường thuật mang nhiều tính phê phán về những tình trạng bất cập và xì căng đan trong đất nước bao la này, ngay cả khi tờ thứ nhì đã bị kiểm duyệt trong tháng Giêng 2013 và cuối cùng thì Đảng đã thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực đó. Một tình trạng thường không được nói tới hay ít nhất là bị phớt lờ ở Phương Tây. “Truyền thông của chúng ta không nói cho chúng ta rằng ngày nay ở Trung Quốc có nhiều tự do báo chí hơn là trước đây hai mươi năm”, nữ nhà báo người Ý Loretta Napoleoni viết trong quyển sách Trung Quốc – Chủ nghĩa Tư bản tốt hơn của bà.

Họ có thể kiện ra tòa. Vì cả hệ thống luật phát cũng đã thay đổi. Cheng Li của Brookings tường thuật về “những thập niên cải mới chậm chạp nhưng liên tục trong hệ thống luật pháp.” Trong giới kinh tế cũng là việc tương đối bình thường khi người ta kiện ra tòa trong một vụ tranh cãi. Hiện nay đã có hơn 170.000 luật sư, 13.000 văn phòng luật sư và ngày càng nhiều tòa án và thẩm phán. Và đứng trước con số đang tăng lên của các luật gia trong giới tinh hoa chính trị, sự thông hiểu cho các đề tài về luật pháp cũng tăng lên. Ví dụ như hai nhân vật mới đứng đầu giới lãnh đạo – Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình – đã học đại học luật.

Với tất cả những tiến bộ đã được mô tả ra ở đây, phải nói một cách rõ ràng: tự do hơn không có nghĩa là tự do. Trung Quốc trước sau vẫn không phải là một nền dân chủ, không phải là một nhà nước pháp quyền theo nghĩa của Phương Tây. Không có phân chia quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Và cũng sẽ không có tòa án độc lập, cho tới chừng nào mà Đảng này cầm quyền, Đảng đang có và muốn có quyền quyết định cuối cùng.

Trước sau vẫn có những đề tài không được nói tới. Ba đề tài hay được nêu ra nhất bắt đầu với chữ T: Taiwan, Tây Tạng và Thiên An Môn. Nói về sự độc lập của Taiwan hay Tây Tạng là nguy hiểm đến tính mạng. Cũng như về vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, cái trong ngôn ngữ chính thức không có tên là thảm sát mà chỉ là “Biến cố ngày 4 tháng Sáu”.

Hoàn toàn không được phép nhắc tới là việc phê phán Đảng và hệ thống. Ai bước qua vùng không được phép nói tới này phải dự tính với những trừng phạt hết sức cứng rắn. Người đó sẽ thường xuyên bị quản thúc tại gia và bị hành hạ bằng những biện pháp khác như nghệ nhân Ải Vị Vị sống ở Bắc Kinh, hay trong trường hợp xấu nhất thì bị cầm tù như người nhận giải Nobel Hòa bình 2010, nhà hoạt động vì nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Có những người nào đó thoát được một số phận như vậy qua một cuộc chạy trốn ra nước ngoài, ví dụ như luật sư mù Trần Quang Thành, người sau áp lực thật lớn của chính phủ Mỹ đã được phép sang Hoa Kỳ trong tháng Năm 2012, hay nhà văn Liệu Diệc Vũ, người sống từ 2011 ở Berlin và đã nhận Giải thưởng Hòa Bình của Hội Bán sách Đức năm 2012. Đó chỉ là những người nổi tiếng nhất trong một danh sách dài của những người bất đồng chính kiến không được biết tới.

Đó là là một nghịch lý: Giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn có những cuộc tranh luận về hệ thống nhưng lại tiến hành chính những cuộc tranh luận đó. Như trong những tháng cuối cùng trước khi nhiệm kỳ của mình chấm dứt, thủ tướng Ông Gia Bảo đã nói về những cải cách chính trị, thường xuyên tới mức đáng chú ý – cả trong một cuộc phỏng vấn của CNN –, ngay cả khi những gì ông nói tới đều hết sức mập mờ. Có lúc ông cũng nhận được sự ủng hộ từ cơ quan của trường Đảng Cầu Thị, cái đã công bố một bài viết với tựa “Cải cách chính trị là những gì người dân muốn”. Ít lâu sau đó, trong cùng truyền thông này có một bài báo chống lại và xỉ vả nền dân chủ dollar Phương Tây.

Tức rõ ràng là ở cấp cao nhất cũng diễn ra một cuộc thảo luận về cải cách chính trị. Những hoàn toàn không rõ là việc ai ủng hộ quan điểm nào trong lúc đó, các tiểu đoàn của những đối thủ gồm có bao nhiêu người và nói chung là ai hiểu như thế nào về cải cách chính trị.

Vì vậy mà chỉ có thể suy đoán đại khái, Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng nào. Một phần lớn các nhà chiêm tinh Trung Nam Hải đều cho rằng hệ thống chuyên quyền của Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa, nhưng không dân chủ hóa (theo ý nghĩa của Phương Tây).

Tấm gương là Singapore, thành phố-quốc gia đó ở Đông Nam Á, được một đội ngũ các nhà kỹ trị cầm quyền mà người dân của nó có thu nhập trên đầu người cao nhất thế giới, và cứ bốn năm một lần được phép bầu một đảng, Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền liên tục, và không tạo một ấn tượng bất hạnh phúc nào trong lúc đó.

“Anh hãy tưởng tượng Trung Quốc như là một Singapore khổng lồ”, sử gia người Anh Niall Ferguson nói.

Ngoại giao: Tăng cường vũ trang chống giải trừ quân bị

“Đông Á và Đông Nam Á là những khu vực nhạy nhất cho các xung đột quốc tế trong một thế giới hậu Hoa Kỳ.” Zbibniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh Hoa Kỳ.

Châu Á và Thái Bình Dương là trung tâm mới của chính trị thế giới. Ở đây, đương kim vô địch Hoa Kỳ gặp nhau trực tiếp với người thách đấu Trung Quốc, mà trong đó Trung Quốc hoàn toàn không nhìn mình như là một người như vậy. Cả một thời gian dài, Trung Quốc tiến hành một chính sách ngoại giao dè dặt. Peaceful Rising là học thuyết công khai mà ngay cả lối diễn đạt này đối với một vài người trong giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng còn quá hung hăn. Vì thề mà người ta đã thay thế Peaceful Rising với Peaceful Development.

Kèm theo các câu khẩu hiệu này là những lời trấn an của các chính trị gia lãnh đạo. “Trung Quốc sẽ không bao giờ cố vươn tới quyền bá chủ hay bành trướng bằng quân sự”, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lương Quang Liệt đã nói trong tháng Sáu 2011 ở Singapore. Và cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo còn khẳng định cả trước Liên Hiệp Quốc ở New York trong tháng Chín 2010: “Chúng tôi không chiếm đóng một xăng ti mét vuông của bất cứ một đất nước nào và cũng không khoe khoang sức mạnh quân sự của chúng tôi.”

Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự. Hình: © STR/AFP/Getty Images

Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự. Hình: © STR/AFP/Getty Images

Thế nhưng những hành động ngoại giao của Trung Quốc trong hai năm vừa qua không thật sự có thể được diễn tả với “sự phát triển hòa bình”. Trung Quốc đã hung hăn hơn, tự tin hơn và – có những người nào đó cũng nói là – kiêu ngạo hơn. Có thể nhận thấy điều đó tại thái độ của người Trung Quốc ở biển Đông, nơi họ bảo vệ lợi ích của họ một cách hết sức cứng rắn. Cũng như ở biển Hoa Đông, nơi họ cãi nhau với Nhật Bản về một nhóm đảo lởm chởm đá không có người sinh sống.

Và Trung Quốc tăng cường vũ trang, việc – nhìn theo lịch sử – thì cũng là chính đáng. Ai mạnh về kinh tế thì cũng muốn mạnh về chính trị và quân sự. Tại sao Trung Quốc lại cần phải là một ngoại lệ của quy luật này?

Vấn đề chỉ là Trung Quốc tăng cường vũ trang ngay trong lúc tình hình ở châu Á đang thay đổi rất nhiều.

Vấn đề là quyền thống trị ở châu Á. Hai cường quốc mới – Trung Quốc và Ấn Độ –  bước vào cuộc, một cường quốc cũ – Nhật Bản – vẫn còn muốn tham dự.

Điều là một điều mới: chưa từng bao giờ trong lịch sử mà ba thế lực lớn của châu Á – Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản – lại hùng mạnh như nhau. Và rồi bên cạnh ba thế lực Á châu này còn có người Mỹ nữa, những người mà sau chuyến phiêu lưu về quân sự ở Cận Đông lại tự hiểu mình là một thế lực ở Thái Bình Dương nhiểu hơn, sắp xếp lại quân đội của mình và cử một phần hải quân đi sang Thái Bình Dương.

Tất cả những nước này đều có vấn đề với nhau. Ấn Độ và Trung Quốc có những vấn đề về biên giới mà từ 50 năm nay vẫn chưa giải quyết được, sự thù địch giữa Nhật Bản và Trung Quốc còn lâu đời hơn và sâu hơn. Và Trung Quốc và Hoa Kỳ nghi ngờ nhau – mặc cho tất cả các diễn đàn song phương – và tranh giành quyền bá chủ.

Tất cả bốn nước đều có một chương trình nghị sự khác nhau: Trung Quốc muốn một thế giới đa cực nhưng một châu Á đơn cực. Ấn Độ và Nhật Bản cũng muốn một thế giới đa cực, nhưng cũng muốn một châu Á đa cực. Nếu như thêm Hoa Kỳ vào trong đó thì mạng lưới lợi ích lại còn phức tạp hơn: Hoa Kỳ muốn có một thế giới đơn cực, nhưng một châu Á đa cực.

Tức là có đủ mầm mống xung đột trong vùng này. Vì vậy mà tất cả các quốc gia châu Á – không chỉ Trung Quốc – đều tăng cường vũ trang. Hiện nay – Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm tính toán như thế – họ chi tiền cho vũ khí nhiều hơn là người Âu. “Chúng tôi có khả năng làm việc đó”, tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói. Các quốc gia trong vùng hiện đang tăng trưởng về kinh tế, tức là họ có khả năng dùng càng lúc càng nhiều tiền hơn để mua sắm vật liệu chiến tranh. Các nước Đông Nam Á đang lo ngại bị lôi kéo vào trong một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thêm vào đó, điều khiến cho tình hình trở nên nguy hiểm như thế là việc ở châu Á không có một cấu trúc an ninh vùng và xuyên quốc gia, cái có thể có tác động làm giảm căng thẳng và trung gian hòa giải. Không có một đối xứng Á châu cho một Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE), và vào thời của cuộc Chiến tranh Lạnh thì ít ra là người ta cũng nói chuyện với nhau.

Ở châu Á thì ngược lại, người ta nói không chân thật. Người Trung Quốc tự phô diễn mình như là một người không muốn bá quyền không hung hăn, trong khi họ lại phát triển những vũ khí để ngăn chận không cho Hoa Kỳ bước vào phía Tây của Thái Bình Dương. Đối lại, người Mỹ bao vây Trung Quốc từ Nhật Bản qua Đông Nam Á cho tới Ấn Độ với một liên kết của các đồng minh và bè bạn, trong khi họ lại ngây thơ tuyên bố rằng đó không phải là một sự bao vây và cũng không phải là nhắm tới Trung Quốc.

Chính sách của sự nghi ngờ lẫn nhau này tạo nên một bầu không khí nguy hiểm trong vùng. Một bầu không khí mà trong đó những sự việc nhỏ có thể có những hậu quả lớn.

Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc

Một câu nói của Đặng Tiểu Bình đặt dấu ấn lên chính sách ngoại giao của Trung Quốc cả một thời gian dài. Vào đầu những năm 90 ông đã nói: “Giữ kín thế mạnh của chúng ta. Dấu thế yếu của chúng ta. Không bao giờ đòi hỏi vai trò lãnh đạo.” Tương ứng với học thuyết này, Trung Quốc tiến hành một chính sách ngoại giao tương đối dè dặt, không gây sự chú ý. Đừng gây khó chịu, cứ hùng mạnh lên trong yên lặng thì hơn.

Hoàn toàn theo ý nghĩa này, Trịnh Tất Kiên, cựu lãnh đạo Đại học Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, đã sáng tạo ra khái niệm Peaceful Rising hay Development năm 2004. Trước sau vẫn còn có đại diện cho quan điểm này, ví dụ như cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đường Gia Triền hay tướng Hùng Quang Khải, cựu Phó Tổng Tham mưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Quan điểm của các ông này và một phần lớn của giới lãnh đạo hiện nay là: Trung Quốc vẫn còn là một nước đang phát triển. Nó trước tiên là phải giải quyết nhiều vấn đề trong nước, trước khi có thể đóng vai trò của một kẻ mạnh trên chính trường thế giới.

Nhưng hiện nay – khi người ta đã mạnh về kinh tế – thì nhiều nhà phân tích và chính khách Trung Quốc cho rằng chính sách này không còn hợp thời nữa. Họ yêu cầu chấm dứt vai trò thụ động của Trung Quốc. Đất nước này phải bước ra khỏi vai trò khán giả. Trung Quốc cần phải tham gia vào cuộc chơi và chính mình phải là một người hoạt động.

Dẫn đầu cho sự xuất hiện tự tin hơn này là Lưu Minh Phục, giáo sư tại Đại học Quốc Phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Trong mùa Xuân 2010, ông đã xuất bản một quyển sách với tựa đề Giấc mơ Trung Quốc. Trong đó, ông viết: “Mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là trở thành số một trên thế giới, thế lực mạnh nhất.” Lưu và những luận điểm của ông cũng bị tranh cãi. Chúng – theo tất cả những gì mà người ta biết – hẳn là không có đa số, nhưng chúng phản ánh một mơ ước trong nhiều giới rộng lớn của người dân và trí thức.

Ví dụ như Diêm Học Thông, một nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng tại đại học Thanh Hoa, cũng thuộc vào trong số những người tin rằng “Chúng ta lại là ai đó”: “Nếu muốn lấy lại thể chế là một cường quốc thế giới trong lịch sử thì Trung Quốc cũng phải hành động như là một cường quốc thế giới.” Hay chuyên gia quốc phòng Dương Nghi: “Trung Quốc không còn có thể tự biểu hiện mình nổi bật như vậy lâu hơn được nữa.”

Từ 2009, cả giới lãnh đạo Trung Quốc cũng suy nghĩ về một chính sách đối ngoại tích cực hơn. Phương án của Đặng được diễn giải mới. Hiện nay, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn trên bục sân khấu quốc tế, tại G20, ở IMF, ở Liên Hiệp Quốc và tại các lực lượng gìn giữ hòa bình. Trung Quốc có một vai trò quyết định tại những cuộc trao đổi sáu bên về Bắc Triều Tiên. Và Trung Quốc xây dựng những mối quan hệ tại những vùng thường bị Phương Tây bỏ rơi, trước hết là với các quốc gia châu Phi và châu Mỹ La-tinh.

Trần Tương Dương từ China Institutes of Contemporary International Relations nói đúng: “Đứng trước quyền lực ngày càng nhiều của Trung Quốc, chúng tôi cần có thêm bạn bè. Nếu không thì chúng tôi sẽ có nguy cơ bị cô lập.” Cho tới nay Trung Quốc thật sự là không có nhiều bạn bè. Nước Nga chắc chắn là người bạn thân cận nhất, ngay cả khi nó sẽ không bao giờ đủ để trở thành một đối tác chặt chẽ. Cuộc khủng hoảng Syria, mà trong đó cả hai đứng sát vai với nhau chống lại Phương Tây muốn can thiệp,  ít ra thì cũng mang cả hai lại gần nhau hơn.

Tại tất cả những mối quan hệ bạn bè, Trung Quốc cho tới nay trước sau vẫn theo đuổi chính sách không liên minh. Nhưng cả ở đây cũng đã có chuyển động trong thảo luận. Diêm Học Thông yêu cầu: “Trung Quốc phải từ bỏ giáo điều phi liên minh của mình và thay thế nó bằng một mạng lưới liên minh quân sự.”

Quyết định không chỉ ở câu hỏi này là việc ai sẽ thắng thế trong chính sách đối ngoại Trung Quốc. Vì người ta không rõ thật ra thì ai là người quyết định về việc này. Tất nhiên là Bộ Ngoại giao, nhiều người sẽ nói. Nhưng thế giới Trung Quốc không đơn giản như vậy. Nhiều người cũng có quyền cùng quyết định trong chính sách ngoại giao. “Có một âm hưởng khó nghe của các tiếng nói”, Linda Jakobson và Dean Knox viết trong phân tích New Foreign Policy Actors in China của họ.

Bộ Ngoại giao chỉ là một nhân vật, và còn không phải là người quyết định nữa. Điều đó không làm cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên dễ được dự đoán hơn.  Quyền lực của Bộ Ngoại giao lại còn giảm đi trong những năm vừa qua nữa. “Họ không làm chính sách, họ thực hiện nó”, Jakobson và Knox viết. Ngược lại, có thêm tầm quan trọng là những nhân vật mới như các tập đoàn nguyên liệu, chính phủ địa phương, cơ quan tài chính, thinktank, truyền thông và netizen, tức là cộng đồng Internet.

Và rồi còn một nhân vật xưa cũ nữa: quân đội. Nhân vật này tham dự ngày càng nhiều hơn vào chính sách ngoại giao, và trong lúc đó đóng một vai trò hung hãn hơn là Bộ Ngoại giao nhã nhặn hơn.

Một chiếc hàng không mẫu hạm như là niềm hy vọng

Nhiều người Trung Quốc hầu như không thể chờ chuyến khởi hành đầu tiên được nữa. Trang bị với kính viễn vọng và máy quay phim, họ đi hành hương tới Đại Liên. Chỗ xem tốt nhất là ở các ngôi nhà cao tầng của thành phố cảng trong miền Đông Bắc của Trung Quốc. Lối thoát khẩn cấp trên tầng ba của một ngôi nhà bán đồ gỗ Ikea được lan truyền cho nhau như là lời mách nước bí mật của những kẻ thích nhìn trộm. Vật thể của mọi sự ham muốn này là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, cái đã được đóng (lại) ở cảng của Đại Liên.

Rồi, vào ngày 10 tháng Tám 2011, cuối cùng cũng xong. Tiếng còi vang lên ba lần trong lúc con tàu rời cảng Đại Liên. Con tàu Thi Lang đi chuyến hải hành đầu tiên năm ngày, rồi trở về Đại Liên, có bắn pháo hoa kèm theo.

Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc

Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc

Cả nước reo mừng. Cuối cùng cũng có một chiếc hàng không mẫu hạm! Chỉ có một vài quốc gia là có những gã khổng lồ trên biển như vậy, người Mỹ (tới mười một chiếc), người Nga, Anh, Pháp, Brazil, Ấn và Thái. Trung Quốc là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà không có một dự án hàng hải phô trương như vậy. Vì thế mà từ cách nhìn của Trung Quốc thì đó là một sự công bằng, tiến vào giới hãnh diện của những sở hữu chủ hàng không mẫu hạm.

Chiếc Thi Lang (được đặt theo tên của một đô đốc, người trong thế kỷ 17 chỉ huy một hạm đội gồm 300 chiến thuyền và 20.000 quân để xâm chiếm Đài Loan) là một biểu tượng cho sức mạnh quân sự đang tăng lên của nước Cộng hòa Nhân dân.

Chỉ là một biểu tượng? Phương Tây không thống nhất với nhau trong đánh giá của mình.

Đối với những người lúc nào cũng nhìn Trung Quốc như là một mối đe dọa thì chiếc Thi Lang là thêm một bằng chứng nữa cho cung cách xuất hiện hung hăng của người Trung Quốc. Những người khác cố làm giảm tầm quan trọng của sự kiện: Đó chỉ là con cọp giấy, còn không xứng đáng với tên gọi hàng không mẫu hạm nữa là. Gã khổng lồ mà sau này được đặt tên là Liêu Ninh – một tỉnh ở miền Đông Bắc Trung Quốc – không thể nào sánh được với mười một chiếc tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ. 65 000 tấn vặt vãnh so với 100.000 tấn của lớp tàu Nimitz của Mỹ. Ngoài ra, một chiếc hàng không mẫu hạm cần một hạm đội hộ tống – tàu tuần phòng, tàu khu trục, tàu ngầm. Và trước hết là họ phải huấn luyện phi công để họ có thể cất cánh từ một hàng không mẫu hạm. Điều đó sẽ cần nhiều năm, các nhà quan sát Phương Tây nghĩ như vậy. Sai lầm lớn: Ngay trong tháng Mười Một 2012, phi công Trung Quốc đã thử nghiệm cất cánh và hạ cánh xuống Liêu Ninh với máy bay chiến đấu J-15.

Rõ ràng là người ta cũng thảo luận về việc trang bị máy bay không người lái cho chiếc mẫu hạm. Con tàu chở máy bay nên trở thành con tàu chở máy bay không người lái. Đó là một câu chuyện mang nhiều tính phỏng đoán, cái mà Lieutenant Commander người Mỹ Wilson VornDick xì ra trong một số phát hành của China Brief. “Đó cũng có thể là một lựa chọn cho Trung Quốc”, sĩ quan hải quân này viết. Ông có thể nghĩ dến một “kịch bản bầy đàn” mà trong đó nhiều chiếc máy bay không người lái đồng thời tỏa ra từ chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc.

Điều thú vị là trong giới quân đội Trung Quốc người ta cũng tranh cãi với nhau về lý và phi lý của hàng không mẫu hạm. Đó có phải là một vũ khí của ngày hôm qua rồi hay không?, có những người nào đó trong giới quân đội tự hỏi. Có phải là tốt hơn không, khi đầu tư vào vũ khí của ngày mai. Và đó là máy bay không người lái mà hiện nay Trung Quốc đang phát triển nhiều kiểu. Một chiếc hàng không mẫu hạm chở máy bay không người lái có thể là một giải pháp thỏa hiệp hay không?

Chắc chắn là: người Trung Quốc muốn đóng thêm hàng không mẫu hạm nữa, nhưng thực tế: “Để thành lập một nhóm hàng không mẫu hạm, chúng tôi cần ít nhất là mười năm”, đề đốc về hưu Ân Chu [Yin Zhuo] nói.

Tăng cường vũ trang về mặt hải quân của Trung Quốc, cái được ghi nhận một cách hình tượng qua chiếc hàng không mẫu hạm mới, là một nối tiếp lôgíc sức mạnh kinh tế của đất nước. Các quốc gia mạnh về thương mại (và Trung Quốc hiện nay là quốc gia lớn thứ nhì của thế giới sau Hoa Kỳ) luôn là những thế lực hàng hải mạnh. Vì đã và vẫn phải bảo vệ các con tàu thương mại và các tuyến đường của chúng trên các đại dương.

Vì vậy mà với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường hải quân của họ. Đất nước này trước hết muốn và phải bảo đảm cho những con tàu chở container và tàu chở dầu của nó có thể cập cảng Trung Quốc an toàn và đi qua eo biển Malacca mà không bị gây trở ngại. Eo biển đó giữa Malasia và Sumatra của Indonesia được xem là tuyến đường biển có nhiều giao thông nhất trên thế giới. Và Trung Quốc hết sức lo sợ, rằng nó có thể bị một trong số những kẻ thù của mình – và trước tiên là họ nghĩ đến Mỹ – đóng kín, điều dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Một sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân nói: “Nếu như tuyến đường Malacca bị đóng chỉ một ngày thôi thì gián đoạn trong cung cấp dầu sẽ gây ra rối loạn trong xã hội ở Trung Quốc.”

Cả một thời gian dài, Quân đội Giải phóng Nhân dân là một thế lực trên đất liền với một đạo quân mạnh có trên hai triệu lính (hiện nay là 1,2 triệu). Trung Quốc, quốc gia có biên giới với 14 nước, phải bảo vệ mình trên đất liền hầu như xuyên suốt qua cả toàn bộ lịch sử của nó. Kẻ thù có ở phía Bắc (trước kia là người Mông Cổ, rồi Xô viết), phía Tây (Ấn Độ) mà ở phía Nam (Việt Nam). Sườn mở là phía Đông, biển.

Nhưng từ một vài năm nay, Trung Quốc đi theo một chính sách của Mahan, được gọi theo Alfred Thayer Mahan. Ông là một sĩ quan hải quân Mỹ và là một sử gia. Trong tác phẩm kinh điển của mình The Influence of Sea Power upon History 1660-1783, Mahn viết rằng chỉ những ai là một thế lực mạnh trên biển thì mới cũng có thể là một quốc gia mạnh.

Với Lưu Hoa Thanh, cha đẻ của hải quân Trung Quốc hiện đại, ông có một người trung thành theo mình. Lưu được gọi là “Mahan của Trung Quốc”, người nhất định muốn trải qua lần rời cảng của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, nhưng đã qua đời vài tháng trước đó trong tháng Giêng 2011.

Ít ra thì Lưu cũng đã lo liệu sao cho lợi ích của hải quân được quan tâm tới một cách thích đáng. Hiện nay, trong giới quân đội Trung Quốc có một cánh hải quân mạnh. Nhờ vào phe này mà ngày nay hải quân Trung Quốc “có hạm đội tàu chiến, tàu ngầm và xe đổ bộ lớn nhất trong châu Á”, theo bản tường trình thường niên cho Quốc Hội Hoa Kỳ, Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China.

Đặc biệt Hạm đội Nam Hải Trung Quốc được tăng cường mạnh. Đây là hạm đội mạnh nhất của ba hạm đội (hai hạm đội kia là Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải). Hạm đội này hành quân từ căn cứ Du Lâm nằm gần Nam Á trên đải Hải Nam. Theo thông tin của Sách Trắng Nhật, hạm đội bao gồm 1090 tàu, trong đó là 60 tàu ngầm.

Với một hạm đội có quy mô lớn như vậy, người ta có thể theo đuổi những mục tiêu dài lâu. Vì vậy mà Hải quân trung Quốc đã thay đổi chiến lược nhanh chóng. “Bây giờ chiến lược hải quân của chúng tôi đã thay đổi, chúng tôi thay đổi từ bảo vệ bờ biển sang một Far Sea Defense“, đề đốc Kim Hoa Thần, phó chỉ huy Hạm đội Đông Hải nói.

Chiến thuyền Trung Quốc trong tương lai sẽ hoạt động xa bờ biển nước nhà nhiều hơn. Hiện nay, họ đã hoạt động trong Vịnh Aden, nhưng là để chống hải tặc. Và việc đó rõ ràng là rất thành công và rất cộng tác, các quốc gia khác nói, những quốc gia mà đã cộng tác với họ trước Somalia. Đối với Hải quân Trung Quốc thì hoạt động này là một kinh nghiệm mới và quan trọng. Qua đó, họ học được cách có thể hoạt động cách xa quê hương như thế nào.

Họ ngày một tự tin nhiều hơn và tiếp tục mạo hiểm bước tới. Trong mùa Hè 2012, tàu khu trục và tuần phòng Trung Quốc được nhìn thấy trong Kênh đào Suez. Họ đang trên đường đi vào Biển Đen, để thăm Ukraine, Romania và Bulgaria, sau khi tàu Trung Quốc đã đến Hy Lạp và Ai Cập trước đó. Tờ báo Đảng People’s Daily bình luận kèm theo: “Trung Quốc xem Địa Trung Hải như là một vùng mà hải quân của mình muốn hiện diện ở đó.”

Nhưng không chỉ Hải quân Trung Quốc tăng cường vũ trang, mà cả Không quân nữa.

Trên đường cân bằng vũ khí

Người ta có thể sai lầm như thế đó. Không, người Trung Quốc không thể nào mà nhanh chóng chế tạo được máy báy chiến đấu của cái được gọi là thế hệ thứ năm đâu, các chiến lược gia người Mỹ nghĩ và nói. Ở đó thì với chiếc F-22 của họ, họ đi trước một đoạn xa mà không thể nào dễ dàng thu ngắn khoảng cách lại được nữa. Tới năm 2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước đây của Hoa Kỳ Robert Gates vẫn còn mạo muội nói rằng Trung Quốc sẽ không có được một chiếc máy bay của thế hệ thứ năm trên không trung trước năm 2020.

Ngay sau đó, một chiếc như vậy bay gần như sát ngang tai của ông. Vì chiếc J-20 bắt đầu chuyến bay đầu tiên khi ông đang thăm viếng Trung Quốc. Một dàn dựng khéo léo. Hiện nay, chiếc J-20 đã có trên 60 chuyến bay thử nghiệm, một chiếc thứ nhì của tổng cộng bốn mẫu thử nghiệm J-20 cũng đã bay rồi.

Máy bay tàng hinh J-20 của Trung Quốc

Điều thú vị là Trung Quốc có khả năng tiến hành điều xa xỉ, phát triển song song tới hai loại máy bay chiến đấu ít và khó bị phát hiện. Trong khi chiếc J-20 được phát triển ở Chengdu Aircraft Corporation dưới quyền của ngôi sao thiết kế Dương Vĩ thì ở tại Shenyang Aircraft Corporation, người ta cũng chế tạo một chiếc chiến đấu cơ tương tự như vậy, chiếc J-31. Ngoài ra, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công chiếc máy bay vận tải Y-20 vào cuối tháng Giêng 2013.

Các ví dụ J-20, J-31 và Y-20 cho thấy: quân đội Trung Quốc đã tiến xa nhiều hơn là nhiều người ở Phương Tây nghĩ. Khoảng cách công nghệ cũng như thời gian giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc luôn nhỏ đi.

Tuy Trung Quốc tỏ vẻ bi quan có mục đích. Ví dụ như Tổng tham mưu trưởng Trần Bỉnh Đức nói trong một chuyến thăm Washington, rằng vẫn còn tồn tại một “khoảng cách 20 năm” giữa trang thiết bị quân sự của Trung Quốc và của các quốc gia Phương Tây. Nhưng US Naval War College đã đưa ra một tính toán thời gian riêng và qua đó đã đi đến kết quả: Nếu như người Mỹ còn đi trước 26 năm tại thế hệ thứ tư của máy bay chiến đấu thì tại thế hệ thứ năm chỉ còn 21 năm, ở tàu ngầm nguyên tử 16 năm và bây giờ tại những cái được gọi là spaceplane, một sự pha trộn giữa máy bay và tàu vũ trụ chỉ còn đúng một năm.

Trung Quốc hoạt động đặc biệt tích cực trong phát triển tên lửa mới. Hiện nay, giới quân đội đang phát triển một loại tên lửa chống tên lửa xuyên lục địa, cái khiến cho người Mỹ lo ngại nhiều. Tên của nó: Đông Phong 41 hay DF-41. Nó có nhiều đầu đạn nguyên tử. Chuyên gia cho rằng tên lửa này có thể mang tối đa mười đầu đạn nguyên tử. “32 tên lửa như vậy là đã đủ để bắn trúng tất cả các thành phố Mỹ có trên 50.000 người”, Phillip Karber của Georgetown University đã tính toán.

Tờ PLA Daily xác nhận các tường thuật về những lần thử nghiệm DF-41, những cái được cho là có tầm xa 14.000 kilômét. Một vài lữ đoàn của Đệ nhị Pháo binh đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm với DF-41 trong mùa Hè 2012. Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, DF-41 có tính cơ động nhiều hơn là được dự tính trước. Tức là: người ta có thể dấu chúng hầu như ở khắp nơi và qua đó bảo vệ chúng trước một cuộc tấn công.

Cuộc rượt đuổi thành công của Trung Quốc ở tại trang thiết bị quân sự có nhiều nguyên nhân. Về một mặt, ngành công nghiệp vũ trang của Trung Quốc đã cải thiện rất nhiều kể từ cuối những năm 90. Bắt đầu từ lúc đó có một sự cộng tác – do nhà nước ra lệnh – giữa công nghiệp quân sự và dân sự. Hiện nay, họ cùng nhau sản xuất những cái được gọi là sản phẩm dual-use, những cái có thể được sử dụng cả trong dân sự lẫn trong quân sự. Đặc biệt ngành đóng tàu và khu vực điện tử đã hưởng lợi từ sự cộng tác này.

Mặt khác, người Trung Quốc đã học được rất nhiều từ người Nga trong những năm vừa qua, những người trước sau vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng vai trò hiện nay đã được đổi ngược lại: “Chúng tôi đã là senior partner trong quan hệ này, bây giờ thì chúng tôi là junior partner”, chuyên gia quân sự Nga Ruslan Pukhov nói với Wall Street Journal. Qua đó, ông muốn nói rằng: Trước đây, người Trung Quốc sao chép người Nga. Ngày nay thì ngược lại, các bản sao Trung Quốc tốt hơn là nguyên bản Nga.

Và – dù nghe có vẻ ngược đời cho tới đâu – cả việc cấm vận vũ khí của Phương Tây, được ban hành sau vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 và cho tới nay vẫn chưa được bãi bỏ, cũng đã giúp người Trung Quốc nhảy vọt. Tướng về hưu Hứa Quang Dụ nói: “Trình độ nghiên cứu quân sự của chúng tôi lẽ ra đã không cao như thế nếu như chúng tôi không bị cấm vận vũ khí.” Và rồi ông còn trở nên mỉa mai: “Chúng tôi cần phải nói cảm ơn Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.”

Chi tiêu quân sự công khai và ước đoán của Trung Quốc

Năm Thông tin chính thức Trung Quốc (tỉ nhân dân tệ) Theo SIPRI (tỉ nhân dân tệ) SIPRI (tỉ dollar) Pentagon (tỉ dollar)
1992 37 68,9 21,9
1998 93 150 25,9
2004 220 331 55,2
2005 245 379 62,1 -90
2006 284 452 72,9 70-105
2007 351 546 84,1 97-139
2008 418 638 92,7 105-150
2009 473 752 110,1 > 150
2010 519 808 114,3 > 160
2011 583

SIPRI: Stockholm International Peace Research Institute; Nguồn: Schmidt/Heilmann: Chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trang 59.

Tại sao Trung Quốc lại tiến hành những cố gắng tốn kém này? Tại sao Trung Quốc lại tăng cường vũ trang?

Đầu tiên – người ta có thể lấy làm đáng tiếc – thì đó là một sự phát triển tất yếu. Mỗi một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy trong lịch sử đều tăng cường sức mạnh chính trị và quân sự của nó. Điều này có một khía cạnh thương mại: người ta muốn có khả năng bảo đảm các con đường hàng hải cho thương thuyền của mình. Hiện nay thì Trung Quốc (chưa) không có khả năng. Họ phải dựa vào người Mỹ, những người bảo đảm sự tự do trên các đại dương cho tới nay. Người Trung Quốc không thích sự phụ thuộc vào người Mỹ này.

Và việc tăng cường vũ trang cũng có một khía cạnh về quyền lực chính trị. Qua đó, người Trung Quốc muốn phô diễn: chúng tôi lại là ai đó. Chúng tôi không còn để cho bất kỳ quốc gia nào khác hạ nhục. Chúng tôi có khả năng chống cự lại.

Câu hỏi quyết định là: Người Trung Quốc chỉ muốn có khả năng chống cự lại – hay là họ cũng muốn có khả năng tấn công?

Phòng vệ tích cực – học thuyết quân sự mới của Trung Quốc

Giới lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh tới các ý định mang tính hòa bình của họ và nhắc tới lịch sử Trung Quốc như là lịch sử của một dân tộc yêu hòa bình. Trên lý thuyết thì điều đó cũng đúng. Trong đạo Khổng, chiến tranh không bao giờ được xem như là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác. “Mặc dù vậy, một dấu vết của bạo lực đã xuyên suốt qua quá khứ của Trung Quốc”, sử gia người Anh Ian Morris nhớ lại trong tờ Spiegel. Lần cuối cùng, Trung Quốc đã có một cuộc xung đột quân sự ngắn nhưng dữ dội trong tháng Hai và tháng Ba 1979 với láng giềng Việt Nam.

Lúc đó, quân đội Trung Quốc tiến vào Việt Nam với 200.000 người, có một đoàn xe tăng lớn đi kèm. Thế nhưng cung cách chiến đấu sử dụng nhiều người và vật chất này đã lỗi thời từ lâu rồi. Chậm nhất là từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất thì người Trung Quốc đã biết rõ, rằng chiến tranh hiện đại được tiến hành với những loại vũ khí khác. Kinh ngạc và đồng thời với sự hoảng sợ về sự lạc hậu của mình, họ phải đứng nhìn người Mỹ lúc đó đã tiến hành chiến tranh và chiến thắng với những vũ khí chính xác điện tử hiện đại nào.

Người Trung Quốc đã đúc kết. Họ đã giảm quân đội của họ từ trên hai triệu người xuống còn tròn 1,2 triệu người, và bù vào đó đã đầu tư rất nhiều vào những hệ thống vũ khí hiện đại. Và vì vậy mà từ cuối 2004, phương án quân sự mới có tên là “Chiến tranh cục bộ dưới những điều kiện của kỹ thuật thông tin”, tức là chiến tranh nhanh, ngắn, trong phạm vi nhỏ và với vũ khí công nghệ cao.

Học thuyết đứng ở sau đó có tên là “phòng vệ tích cực”. Cái đầu tiên có nghĩa là: Trung Quốc không muốn tấn công ai cả, Trung Quốc khước từ một chính sách tấn công trước và Trung Quốc cũng không muốn đóng vai trò sen đầm thế giới như Hoa Kỳ. Nghe có vẻ hợp lý. Tuy vậy, từ nhưng tiếp theo ngay lập tức. Vì Trung Quốc có quyền, nếu như chủ quyền quốc gia bị nguy hại, được phép tấn công để phòng ngừa trước.

Giới hạn này tạo không gian cho diễn giải. Điều gì sẽ xảy ra khi Đài Loan muốn tuyên bố độc lập? Theo quan điểm của Bắc Kinh thì đó là một cuộc tấn công vào chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân, tức là một lời biện bạch để tấn công. Hay điều gì sẽ xảy ra khi một nước châu Á đặt lá cờ của mình lên trên một trong số nhiều hòn đảo được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng bị tranh cãi ở biển Đông. Trung Quốc có tấn công đất nước đó không?

“Nhìn chung, chiến lược quân sự mới đây của Trung Quốc thể hiện một tiềm năng đáng chú ý cho các hoạt động tấn công”, hai nhà chính trị học thành phố Trier [Đức] Dirk Schmidt và Sebastian Heilmann phán xét trong quyển sách Chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

Tức là quân đội Trung Quốc không chỉ sẵn sàng tại một cuộc tấn công vào lãnh thổ riêng của mình. Nó cũng có thể tự tích cực hoạt động. Nơi hành quân nằm kế đó: biển Đông.

Biển Đông yên lặng dối lừa …

Khách cao cấp từ lục địa Trung Quốc cách đó trên 600 kilômét đã bay đến để dự lễ. Họ đến với một chiếc Boeing 737 mà đường băng trên hòn đảo nhỏ 13 kilômét vuông chỉ vừa đủ cho nó.

Lý do của chuyến viếng thăm: một ngôi làng nhỏ có tên là Tam Sa được nâng cấp lên thành một huyện Trung Quốc. Ở đó có một bệnh viện, một thư viện, một bưu điện, hai chi nhánh ngân hàng, nhưng cũng có một cảng cho tàu 5000 tấn và một phi trường.

Tại sao lại có những sự ồn ào này quanh một thành phố nhỏ trên một hòn đảo nhỏ cách xa bờ biển Trung Quốc? Tam Sa là một biểu tượng. Tam Sa nằm trên đảo Phú Lâm, cái lại thuộc về quần đảo Hoàng Sa. Và quần đảo Hoàng Sa nằm ngay giữa biển Đông.

Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và con tàu HQ-10 Nhật Tảo nằm lại giữa biển khơi trong Hải chiến Hoàng Sa

Ở ví dụ của Tam Sa, người Trung Quốc muốn phô diễn: Hoàng Sa là của chúng tôi, vâng, thật ra là toàn bộ biển Đông. Vì vậy mà họ mở rộng Tam Sa. Dự định ở đó sẽ thành hình một thiên đường thuế và du lịch và một sòng bạc, nhưng quân đội cũng cần đóng quân ở đó.

Cả một thời gian dài, biển Đông là một biển yên bình. Hay có xung đột nhỏ giữa các quốc gia nằm gần đó, nhưng thường thì những ngọn sóng của sự phẫn nộ lại nhanh chóng dịu xuống.

Nhưng từ một vài năm nay sóng đã dâng cao hơn và chúng cũng không dịu xuống. Biển Đông đã trở thành một vùng căng thẳng có nguy cơ dễ bùng nổ mà trong đó Hoa Kỳ và hầu như tất cả các thế lực châu Á đều tham gia.

Những cuộc tranh cãi xoay quanh trước hết là ba vùng: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như bãi cạn Scarborough. Các bên tham dự trong những xung đột là khác nhau, nhưng Trung Quốc luôn luôn có mặt.

Bãi cạn Scarborough: Ở đây, Trung Quốc và Philippines cãi nhau. Người Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ với một tấm bản đồ từ năm 1279, người Philippines phản công với một tấm bản đồ từ thế kỷ 18. Chính phủ Manila bây giờ muốn mang Trung Quốc ra một tòa án Liên Hiệp Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Hoa: Tây Sa): Người Trung Quốc chiếm tất cả các đảo của nhóm này. Họ cũng đóng quân ở đó, cứ điểm lớn nhất là trên đảo Phú Lâm với một đường băng cất cánh và hạ cánh. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp nhau về những hòn đảo này. Chúng nằm rất gần Việt Nam. Ví dụ như Lý Sơn cách bờ biển 30 kilômét.

Quần đảo Trường Sa (Nam Sa quần đảo): Chúng bao gồm tròn 750 hòn đảo và rạn san hô. Chúng cách Việt Nam 475 km và cách Trung Quốc 1000 km. Chúng được đặt theo tên người đánh cá voi Richard Spratly, người đã thăm dò vùng này năm 1840. Ở đây, tình hình phức tạp hơn tại quần đảo Hoàng Sa rất nhiều. Nhiều quốc gia đã chiếm giữ đảo và rạn san hô ở đó. Hoạt động tích cực nhất là Việt Nam, xem các hòn đảo này là tỉnh của Việt Nam từ năm 1973. Việt Nam chiếm 29 đảo và rạn san hô. Có tròn 600 quân nhân đóng ở đó. Bên cạnh người Việt còn có người Philippines (10 đảo), Trung Quốc (9), Malaysia (7) và Đài Loan (1).

Những hòn đảo nhỏ này được ham muốn đến như vậy vì trong vùng biển quanh chúng có những nguồn lương thực và năng lượng mà con người cần để sống và sống còn.

Biển Đông – cũng như toàn bộ Tây Thái Bình Dương – được cho là một vùng rất giàu cá. Một phần mười cá được chào bán trên khắp thế giới là xuất phát từ vùng này, theo thông tin của United Nations Environment Programme (UNEP). Cá đối với người dân của hầu hết các quốc gia nằm cạnh là nguồn thực phẩm quan trọng nhất. Tròn 700 triệu người sống trong vùng này nhờ vào cá. Tròn 1,9 triệu tàu đánh cá đi lại trong vùng này hàng ngày vì họ.

Nhưng đặc biệt là vì dầu và khí đốt. Tất cả các quốc gia nằm quanh biển Đông đều thèm muốn dầu và khí đốt này, vì tất cả họ – ngoại trừ Brunei nhỏ bé – phải nhập khẩu một phần lớn năng lượng của họ. Nhưng điều điên rồ ở tình hình này lại là: tất cả đều nói về những trữ lượng khổng lồ, nhưng không ai biết thật sự có bao nhiêu dầu và khí đốt nằm ở dưới những độ sâu của biển Đông.

Ước tính trữ lượng khác nhau rất xa. Các ước tính mới nhất của Hoa Kỳ là 15,6 tỉ thùng. Người Trung Quốc ngược lại lạc quan hơn rất nhiều và ước lượng chúng từ 105 tới 213 tỉ thùng. Vì vậy mà họ gọi vùng trước cửa nhà này của họ là “vịnh Ba Tư thứ nhì”.

Việc các ước tính khác biệt nhau xa như thế có một lý do thật đơn giản. Cho tới nay chưa có quốc gia nào khoan tìm dầu ở biển Đông. Vì người ta phải khoan thật sâu mới tới được với dầu và khí đốt. Điều đó đòi hỏi cao về công nghệ và cũng đắt tiền tương ứng.

Nhưng bây giờ thì người Trung Quốc đã bắt đầu. Trong mùa Hè 2012, tập đoàn dầu nhà nước Cnooc đã thiết lập dàn khoan 981 ở phía Nam của Hồng Kông. Nó có thể khoan sâu cho tới 10.000 mét và được cho là có thể chống cự lại được với những cơn bão nguy hiểm nhất, thường hay ầm ào quét qua vùng này. Đối với giới chuyên môn thì lần sử dụng dàn 981 là một sự ngạc nhiên, vì không ai nghĩ rằng các tập đoàn năng lượng Trung Quốc đã có khả năng về công nghệ cho tới mức đó. “Đó là một dấu hiệu, rằng Trung Quốc bắt đầu thu ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp dẫn đầu trong khoan dầu ở biển sâu”, Eugene Y. Lee, giáo sư kinh tế tại University of Maryland nói.

Nếu như 981 thành công thì chắc chắn là sẽ có những lần khoan khác của Trung Quốc trên biển Đông. Câu hỏi chỉ là: ở đâu? Lần khoan hiện nay còn diễn ra trong vùng biển của Trung Quốc và vì vậy mà đã không gây phê phán từ các quốc gia láng giềng.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Trung Quốc bắt đầu khoan trong vùng biển tranh chấp? Thế thì sẽ dẫn tới xung đột.

Các xung đột đầu tiên đã bắt đầu rồi.

Biển Đông trước cơn bão

Đầu mùa Hè 2012, nhiều người Việt Nam phẫn nộ đã tụ tập trước sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nhiều chủ nhật liên tiếp nhau, hát những bài ca yêu nước và hô to: “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam!” Và: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội

Gần như đồng thời, người Philippines giận dữ cũng xuống đường ở thủ đô Philippines và cũng gọi to không kém phần dữ dội: “Người Trung Quốc cút đi!”

Người Việt cũng như người Philippines biểu tình chống lại tàu đánh cá và tàu quân sự Trung Quốc xâm nhập vào vùng được xem là thuộc chủ quyền của họ. Người Philippines phản đối, vì người Trung Quốc hiện diện quanh rạn san hô Scarborough, người Việt, vì tàu Trung Quốc xuất hiện trước Hoàng Sa.

Luôn có va chạm mà tần suất của chúng đã tăng lên trong những năm vừa qua. Trước hết là giữa Trung Quốc với Philippines, và còn thường xuyên hơn là giữa Trung Quốc với Việt Nam. Đó là một sự khiêu khích qua lại mà không còn có thể nói là ai đã khiêu khích ai trước tiên.

Như Quốc Hội Việt Nam đã thông qua một đạo luật vào ngày 21 tháng 6 2012 mà theo đó, Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh thổ của Việt Nam và tuân theo luật lệ của Việt Nam.

Ngược lại, Trung Quốc chào mời quyền thăm dò cho các công ty khai thác dầu Trung Quốc và nước ngoài trong những vùng trước bờ biển Việt Nam, những vùng mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và đã giao giấy phép khai thác cho Exxon Mobil và Gazprom.

Các chiến tuyến đã trở nên cực kỳ cứng rắn. Cả hai bên đều thể hiện ít cho tới không sẵn sàng thỏa hiệp. Người ta chỉ có thể phỏng đoán những ý định cuối cùng của Trung Quốc. Câu hỏi lớn chưa được trả lời vẫn còn đó: Biển Đông có phải là một lợi ích cốt lõi của người Trung Quốc hay không? Nếu có, thì nó có cùng tầm quan trọng như ba lợi ích cốt lõi khác của người Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, hay không? Các lợi ích này – giới lãnh đạo ở Bắc Kinh không để cho một hoài nghi nào xuất hiện – được bảo vệ với tất cả sức mạnh. Tức nếu biển Đông là lợi ích cốt lõi thì người Trung Quốc có dùng quân đội để đạt tới những yêu cầu của họ không?

Vì vậy mà người ta đã hết sức bất an, khi hai nhân viên cao cấp của Hoa Kỳ James Steinberg và Jeffrey Bader tuyên bố, khái niệm lợi ích cốt lõi đã được nhắc tới từ phía Trung Quốc trong một cuộc trao đổi với họ trong tháng Ba 2010 ở Bắc Kinh. Các chuyên gia và chính khách Phương Tây thảo luận hàng tuần liền, liệu ngưởi Trung Quốc có nói như vậy hay không. Chính người Trung Quốc thì lại đóng góp rất ít để làm sáng tỏ vấn đề này.

Rõ ràng là chính người trung Quốc cũng không rõ họ muốn đi theo đường lối nào ở biển Đông. Có quá nhiều nhân vật với những mục tiêu hết sức khác nhau cùng tham gia vào trong câu hỏi này. Một cuộc khảo sát của International Crisis Group (Stirring Up the South China Sea) nhận ra không ít hơn là mười một nhân vật, trong số đó quan trọng nhất là Hải quân, Bộ Ngoại giao, các chính phủ địa phương, Bureau of Fisheries Administration và China Marine Surveillance (CMS). Nhân vật cuối cùng là một đơn vị bán quân đội, tuần tra trong các vùng biển Trung Quốc. Hạm đội của họ dự định sẽ được tăng cường lên 20 tàu và 15.000 người.

Vì tất cả – không chỉ người Trung Quốc – chung quanh biển Đông đều tăng cường vũ trang và vì tất cả đều tương đối cương quyết giữ vững quan điểm của mình nên nguy cơ xung đột quân sự đang tăng lên. Điều này còn được cổ vũ bởi tiếng nói của người dân. Khi cổng Internet huanqiu.com tiến hành một cuộc khảo sát trong số 23.000 người Trung Quốc vào tháng Sáu 2011 và hỏi: Chính phủ ở Bắc Kinh cần phải giải quyết các vấn đề ở biển Đông như thế nào? thì 80% trả lời ngắn gọn: với bạo lực.

Tuy vậy, Ian Storey của International Institite for Strategic Studies (IISS) không tin vào giải pháp xấu nhất của tất cả các giải pháp: “Trung Quốc không muốn giải quyết các cuộc tranh chấp ở biển Đông bằng vũ lực.” Nhưng ông cũng nhìn thấy mối nguy hiểm, rằng một cuộc va chạm không có chủ ý trên biển sẽ leo thang và có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao lớn. Storey: “Chỉ là một câu hỏi về thời gian, cho tới khi một trong những tình huống như vậy leo thang tới mức tương đối không dễ chịu và có người bị giết chết.”

Vì vậy mà lại càng quan trọng hơn là việc các đối thủ gặp nhau để trao đổi, làm sao để tránh được một sự leo thang như vậy. Nhưng cả ở đó cũng có một cuộc tranh cãi về cơ bản, phải giải quyết các xung đột đó ở bàn thương lượng như thế nào. Người Mỹ kêu gọi đối thoại đa phương, người Trung Quốc muốn giải quyết song phương. Từng tranh cãi một, từng nước một. Robert Kaplan: “Qua giải pháp song phương cho các xung đột, Trung Quốc có thể đi theo chiến lược chia để trị.”

Có một điều mà Trung Quốc đã thành công: liên minh các quốc gia ASEAN đã bị chia rẽ. Hai cực đối chọi nhau là một Campuchia theo Trung Quốc và một Philippines rõ ràng theo Mỹ. Với một ít hạn chế, người ta còn có thể xếp Lào và Thái Lan vào phe Trung Quốc trong câu lạc bộ mười nước này.

Có thể nhìn thấy rõ sự chia rẽ này vào lúc cuối của hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong tháng Bảy 2012 tại Phnom Penh thủ đô của Campuchia. Mười ngoại trưởng đã không thể thống nhất với nhau về một thông cáo chung – lần đầu tiên từ 45 năm nay! Đó là về câu hỏi người ta giải quyết vấn đề song hay đa phương. Chủ nhà Campuchia ủng hộ quan điểm Trung Quốc và cản trở một nghị quyết chung.

Campuchia là một người bạn cô đơn của Trung Quốc trong một châu Á mà Trung Quốc có nhiều kẻ thù ở trong đó.

Senkaku hay Điếu Ngư – Núi đá trong sóng cồn

Năm hòn đảo nhỏ đó hoàn toàn không có gì quyến rũ. Những ngọn núi đá lởm chởm nhô lên từ biển. Chỉ một vài con cừu đang ăn cỏ trên những bãi cỏ ít ỏi. Một vùng hoang vắng, cách Trung Quốc và Nhật Bản hàng trăm kilômét, tít ngoài xa trên biển Hoa Đông. Người ta không muốn sống và cũng không muốn được mai táng ở đây.

Mặc dù vậy, những hòn đảo không người này là một nguồn xung đột có lực nổ lớn giữa hai thế lực châu Á Trung Quốc và Nhật Bản. Không phải các hòn đảo là quan trọng đối với họ, mà là những gì ở xung quanh đó. Người ta đoán có nhiều khí đốt và dầu ở trong vùng biển này.

Các hòn đảo Senkaku, Diaoyu vàTiaoyu. Hình: Wikipedia

Các hòn đảo Senkaku, Diaoyu vàTiaoyu. Hình: Wikipedia

Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, những cái mà người Nhật gọi là Senkakuz và người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Và trong đó, cả hai đều đứng trên những vị trí không thỏa hiệp hết sức cứng rắn.

Nhật Bản tuyên bố chính thức: “Không còn nghi ngờ gì nữa, quần đảo Senkaku rõ ràng là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản trước những sự thật lịch sử và dựa trên luật lệ quốc tế.” Theo Bộ Ngoại giao Nhật trong một tuyên bố của ngày 25 tháng Chín năm 2010.

Quan điểm của Trung Quốc cũng không kém phần rõ rệt: “Từ thời xưa, quần đảo Điếu Ngư  đã thuộc về Trung Quốc.” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói rõ như vậy với người đồng nhiệm Nhật thời đó trong chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông. Với thời xưa, người Trung Quốc có ý muốn nói tới nhà Minh. Họ mang ra một quyển sách từ năm 1403, có một tấm bản đồ chỉ cho thấy rằng quần đảo Điếu Ngư rõ ràng là thuộc về Trung Quốc.

Để làm cho sự việc thêm phức tạp, người Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền những hòn đảo này. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói vào đầu tháng Tám 2012 ở Đài Bắc: “Điếu Ngư rõ ràng là một phần cố hữu của lãnh thổ nước Cộng hòa Trung Hoa, người ta có nhìn từ quan điểm của lịch sử, của địa lý hay luật pháp quốc tế thì cũng như nhau.”

Từ 1895, Nhật Bản tuyên bố chủ quyền các hòn đảo. Sau Đệ nhị Thế chiến, các hòn đảo được chia về cho thế lực chiến thắng Hoa Kỳ trong Hiệp ước San Francisco năm 1951 (cái mà Trung Quốc không bao giờ công nhận). Hơn 20 năm sau đó, trong Okinawa Reversion Agreement năm 1971, Hoa Kỳ trao trả các hòn đảo này về cho nước Nhật. Lúc đó, Trung Quốc đã phản đối theo nghĩa vụ.

Hiện nay, các hòn đảo này thuộc về gia đình Kurihara giàu có, những người đã cho chính phủ thuê cho tới tháng Ba 2013. Trong mùa Xuân 2012,  thị trưởng Tokio Shintaro Ishihara bất thình lình tuyên bố mối quan tâm. Tokio muốn mua các hòn đảo này. Ishihara, nổi tiếng là một người dân tộc chủ nghĩa, đã sử dụng những từ ngữ thật hùng hồn cho lần chào mời của mình: “Tôi không muốn nước Nhật sẽ chấm dứt như là một Tây Tạng thứ hai”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal.

Thế nhưng chính phủ Nhật Bản lại không muốn các hòn đảo đó thuộc về con người dân tộc chủ nghĩa ở Tokio, và vì vậy mà đã phỏng tay trên. Họ mua ba trong số năm hòn đảo với giá 26 triệu dollar: Uotsuri (đảo lớn nhất), Kitakojima và Minamikojima.

Với hành động này, chính phủ Nhật muốn làm cho tình hình bớt căng thẳng, thế nhưng họ lại gây ra điều ngược lại: một tiếng hét vang lên ở Trung Quốc. Một làn sóng phản đối – cũng như trong mùa Thu 2010 khi một ngư dân Trung Quốc bị người Nhật bắt trong vùng biển của quần đảo Senkaku – lan đi khắp nước. Ô tô Nhật bị đập phá, cả những chiếc Toyota của cảnh sát Trung Quốc nữa. Cửa hàng và nhà máy Nhật đóng cửa phòng ngừa trước. Nhiều trò chơi máy tính với tựa đề “Bảo vệ quần đảo Điếu Ngư” lan truyền đi trong Trung Quốc.

Các nhà hoạt động của cả hai nước đi hướng ra đảo, vẫy và kéo cờ quốc gia của họ. Chính khách của hai nước dùng những từ ngữ hùng hồn. Những người cực đoan ở Bắc Kinh còn yêu cầu ném bom nguyên tử xuống Tokio. Thủ tướng Nhật lúc đó, Noda, nói trước Quốc Hội, trong trường hợp cần thiết sẽ gửi quân lính ra Senkaku, “nếu các nước láng giềng có những hành động phi pháp trên lãnh thổ của chúng ta”.

Sau một vài ngày, bạo động và la hét cũng qua đi, Thế nhưng trong những tháng sau đó luôn có máy bay và tàu thủy của cả hai quốc gia qua lại trước những hòn đảo này. Cuộc tranh chấp các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ tiếp tục song hành và tạo gánh nặng lên trên các quan hệ Trung-Nhật.

Lịch sử dạy cho chúng ta, rằng các quốc gia thường hay cầm lấy vũ khí từ những nguyên do được cho là nhỏ nhặt. Có ai đã nghĩ rằng năm 1982 với Argentina và Liên hiệp Anh đã có hai nhà nước văn minh bước vào chiến tranh vì một nhóm đảo có tên là Falkland ở đâu đó trên Đại Tây Dương?

Và cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có lần thù địch với nhau.

Trung Quốc và Ấn Độ – không chỉ dãy Himalaya chia cắt họ

Một tuần tập trung trao đổi ý kiến ở Delhi thủ đô của Ấn Độ có thể có tác động gây bối rối rất nhiều, đặc biệt là về đề tài: Ấn Độ cần phải đối xử như thế nào với người láng giềng ngày một hùng cường hơn ở bên kia của dãy Himalaya?

Người ta nghe được đủ mọi ý kiến đang lưu hành trong các thinktank và cơ quan nhà nước. Có ý kiến tuy nhìn Trung Quốc là một mối đe dọa về lâu dài, nhưng cho rằng người ta có thể phản công bằng cách chính mình vươn lên trở thành cường quốc. Rồi có những ý kiến khác, không tin vào khả năng phản công này và vì vậy ủng hộ liên kết đồng minh, để đặt giới hạn cho Trung Quốc ngày một hùng cường hơn. Và ở đó có những người có ý tốt, nhìn Trung Quốc như là một láng giềng thân thiện, không có ý xấu.

Trong giới quân sự, người ta phác họa kịch bản đe dọa nhiều hơn, trong kinh tế người ta thích đi theo hướng ôm ấp hơn (nhất là các quan hệ thương mại lại đang phát triển rất tốt) và trong chính trị thì người ta có thể nghe được tất cả các ý kiến về Trung Quốc. Ví dụ như thủ tướng Manmohan Singh đi theo một đường lối tương đối ôn hòa, trong khi các bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng thì đã có lần làm ầm lên và dùng những từ ngữ cứng rắn hơn.

Stephen Cohen, chuyên gia Ấn Độ tại Brookings, nói: “Chính trị Ấn Độ không có chiến lược.” Chính trị gia Ấn Độ không có khả năng quyết định họ cần phải đối phó với Trung Quốc như thế nào. Ấn Độ không có một chính sách ngoại giao và an ninh nhất quán.

Trước đây thì khác. Dưới thời Gandhi và Nehru, Ấn Độ rõ ràng là người dẫn đầu của các nước không liên kết. Trong phong trào này của Thế giới thứ Ba, các vai trò được phân chia một cách rõ ràng: Liên bang Xô viết chống đế quốc là bạn, Hoa Kỳ đế quốc là thù. Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, việc cũng chấm dứt sự tạo khối liên minh, Ấn Độ đã mất định hướng vào lúc ban đầu. Quay đến với ai? Họ quyết định chọn Phương Tây, cuối cùng thì họ cũng là một nền dân chủ.

Tiếp theo sau đó, người ta tiếp cận Hoa Kỳ một cách dè dặt. Các tổng thống của nó, Bill Clinton và George Bush – sau một thời gian bối rối ngắn do Ấn Độ thử bom nguyên tử – đã thay đổi hình ảnh Ấn Độ của họ và đáp trả tình cảm của Ấn Độ. Sự tiếp cận này lên tới đỉnh cao trong chuyến đi thăm Ấn Độ lịch sử của Clinton năm 2000, nơi ông đọc một bài diễn văn mang tính chỉ ra đường lối trước Quốc Hội Ấn Độ vào ngày 22 tháng Ba: “Sau 50 năm bỏ lỡ cơ hội, bây giờ là lúc Mỹ và Ấn trở thành những người bạn tốt hơn và đối tác mạnh hơn.” Nguyên thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee tuyên bố cùng lúc đó, rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ là “các đồng minh tự nhiên”.

Ý định của Hoa Kỳ thật rõ ràng, ngay cả khi họ không biểu lộ nó rõ như vậy: Họ muốn đặt Ấn Độ làm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ không muốn đóng vai trò này. Họ không muốn là một con cờ trên bàn cờ chiến lược của người Mỹ. Người Ấn Độ quá tự hào và quá tự tin cho việc đó.

Thay vì vậy, Ấn Độ lại cố gắng tiến hành một hoạt động cân bằng khó khăn. “Họ muốn có cùng một khoảng cách với Trung Quốc và Hoa Kỳ”, Edward Luce viết trong quyển In Spite of the Gods của ông. Nhưng chính sách cùng khoảng cách này dường như không thành công. Vì về một mặt họ nhích tới gần – nhưng không quá gần – người Mỹ hơn nhưng ở mặt kia thì khoảng cách với Trung Quốc ngày một lớn hơn.

Sự nghi ngờ Trung Quốc quá lớn, đặc biệt là trong giới tinh hoa Ấn Độ. Và nhiều người Ấn Độ vẫn còn bị chấn thương từ cuộc chiến với Trung Quốc trong mùa Thu 1962, cuộc chiến mà người Ấn Độ đã bị bại trận sau một trận chiến ngắn, dữ dội. Thời đó là vì biên giới giữa hai nước ở Himalaya.

Và câu hỏi biên giới này cho tới ngày nay vẫn còn chưa được giải quyết. Biên giới giữa hai quốc gia dài không thể tưởng tượng được, 4057 kilômét. Đó là biên giới dài nhất của thế giới mà đường đi của nó vẫn chưa được làm rõ. Cho tới chừng nào còn như vậy thì người ta vẫn tăng cường vũ trang đầy nguy hiểm ở bên này và ở bên kia của biên giới chưa được định rõ.

Trong vòng năm năm tới đây, Ấn Độ muốn chuyển 90.000 người lính tới biên giới và lập bốn sư đoàn mới ở đó. Cho tới 2030, người Ấn còn muốn xây 558 con đường chiến lược tới biên giới có tranh chấp. Người ta không hề ngại tốn kém để làm việc đó. Chính phủ Ấn Độ chi mười tỉ dollar cho công cuộc xây dựng đường sá về hướng Bắc này.

Qua đó, Ấn Độ chỉ muốn phản ứng lại những hoạt động của Trung Quốc ở bên kia biên giới, người Ấn lý luận. Đặc biệt chính sách quân đội hóa Tây Tạng của Trung Quốc khiến cho Ấn Độ lo ngại. Theo đó, dự định tuyến đường sắt Bắc Kinh-Lhasa sẽ được kéo dài tới  Yadong và Nyingchi trong miền Nam của Tây Tạng. Đã được bắt đầu xây – dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn – là một con đường tới Metok County.

Metok có biên giới với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trung Quốc tất nhiên là đòi hỏi chủ quyền cho vùng đất này. Từ 2006, Trung Quốc gọi bang Ấn Độ này là Nam Tây Tạng và ngày một hung hãn hơn, khi vấn đề là bảo vệ những cái được gọi là lợi ích của họ ở trong vùng này. Như Trung Quốc phản đối, khi thủ tướng Ấn Độ đến thăm bang Arunachal Pradesh. Và Trung Quốc đã ngăn chận không cho bang này nhận tiền từ Asian Development Bank.

Dường như một thành ngữ Trung Quốc đã nói đúng cho Himalaya: Nhất sơn bất dung nhị hổ.

Vì mỗi bên đều muốn bảo vệ vùng đất của mình nên Ấn Độ cũng tăng cường vũ trang như Trung Quốc. Ngân sách vũ trang Ấn Độ tăng trong khoảng thời gian 2000 tới 2009 từ mười hai lên ba mươi tỉ Dollar. Mặc dù vậy, khoảng cách quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tăng lên. Những người phê phán nói rằng tiền chảy quá nhiều vào lương thay vì vào những hệ thống vũ khí mới. Ngoài ra thì lục quân mang tính áp đảo, nuốt trọn phân nửa ngân sách quân sự. Phải đầu tư nhiều hơn vào hải quân và không quân. Trong đó thì hải quân vẫn còn được tốt hơn là không quân. Ít ra thì Ấn Độ với chiếc Vikramaditya (trước kia là Admiral Gorschkow) vẫn sở hữu một chiếc tàu hàng không mẫu hạm có khả năng hoạt động, do Liên bang Xô viết sản xuất.

Có một cuộc cạnh tranh dữ dội giữa ba binh chủng lục, hải và không quân. Còn không có cả một sự tích hợp nghiêm chỉnh các kế hoạch của ba binh chủng. Trong một bức thư gửi Thủ tướng Manmohan Singh, cựu tham mưu trưởng Tướng V.K. Singh đã nói rõ: Ấn Độ chưa chuẩn bị đầy đủ cho một quyển lực quân sự đang tăng lên của một Trung Quốc hung hãn hơn.

Tất nhiên: người Ấn không đứng hoàn toàn bất lực ở đó. Trong tháng Tư 2012, Ấn Độ bắn chiếc tên lửa tầm xa đầu tiên Agni V của họ. Tầm hoạt động tối đa của nó: trên 5000 kilômét. Với nó, họ có thể đạt tới Bắc Kinh hay Thượng Hải. Giới truyền thông reo mừng của Ấn Độ vì vậy mà đã gọi tên lửa này ngay lập tức là “China-Killer”.

Ấn Độ và Trung Quốc đã bước vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Nó có thể chấm dứt trong một xung đột hiện hữu. Hoặc là ở Himalaya – hoặc là ở Ấn Độ Dương.

Chuỗi ngọc trong Ấn Độ Dương

Gwadar nằm ở góc phía Đông của Pakistan. Một thành phố cảng có 50.000 dân, bị cát bao bọc. Một nơi chốn khô cằn nhiều hơn. Thế nhưng người ta nên ghi nhớ tên của thành phố trong sa mạc này. Nó có thể nổi tiếng giống những nơi là sân khấu của lịch sử thế giới như Carthago, Samarkand hay Angkor Wat.

Thế nào đi nữa thì nhà báo và chuyên gia quân sự Mỹ Robert Kaplan cũng tiên đoán như vậy. Ông đã ở Gwadar, điều không đơn giản và còn là nguy hiểm nữa. Ông nhìn thấy người ta xây một cảng biển nước sâu khổng lồ ở đó. Ông nhìn thấy nhiều khu công nghiệp, một cảng hàng không và nhiều tuyến đường tàu hỏa hình thành sau những hàng rào kẽm gai.

Cảng Gwadar do người Trung Quốc điều hành

Cảng Gwadar do người Trung Quốc điều hành

“Gwadar sẽ trở thành một trung tâm sống động của một Con đường Tơ Lụa mới”, Kapplan viết trong quyển sách Monsoon của ông. Và ai ngồi ở ngay trung tâm của thời đại? Người Trung Quốc. Ngay từ năm 2000, tổng thống Pakistan thời đó Pervez Musharraf đã mời người Trung Quốc xây một cảng biển nước sâu ở Gwadar. Trung Quốc rất thích nhận lời và đã cho 200 triệu dollar để xây mở rộng cảng.

Sau đó, người ta cho PSA International, một doanh nghiệp Singapore, thuê cảng này trong vòng 40 năm. Nhưng hiện nay thì người ta cho rằng chính phủ Pakistan đã mời một doanh nghiệp Trung Quốc (China Overseas Post Holdings) thay PSA làm người điều hành cho cảng của Gwadar.

Gwadar là một khởi điểm quan trọng cho người Trung Quốc. Từ đây họ đào đất xây một tuyến đường sắt và đường bộ đi về hướng Bắc Pakistan. Đích đến là Karakorum Highway, nối liền Pakistan và Trung Quốc.

Nếu người Trung Quốc thành công với kết nối xuyên qua sa mạc và núi đồi này, đòi hỏi hết sức cao về công nghệ, thì đó là một thành công chiến lược rất lớn cho Trung Quốc. Một phần của dầu nhập khẩu từ Cận Đông không cần phải đi trên con đường xa xôi qua Đông Nam Á và qua Eo biển Malakka nguy hiểm nữa, mà có thể đi đường bộ trực tiếp qua Gwadar về Trung Quốc.

Như thế, Gwadar có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Nó nằm ở lối ra của Eo biển Hormuz, cái cổ chai mà nhiều con tàu chở dầu phải đi qua đó. Và Gwadar là một trong số những cảng quan trọng nhất ở Ấn Độ Dương, đại dương sẽ trở thành một trong những sân khấu chính của chính trị thế giới trong những thập niên tới đây.

Ấn Độ Dương là biển có giao thông nhiều nhất thế giới. Tàu chở dầu từ Cận Đông đi qua đại dương này cũng như tàu chở container từ châu Âu, châu Á và ngày càng nhiều hơn từ châu Phi đang bùng nổ kinh tế. Không phải bỗng dưng mà chính ở trên biển này, hải tặc lại trải qua thời kỳ phục hưng không lấy gì làm vẻ vang cho lắm của nó. Vì vậy, để bảo vệ các đội tàu thương mại, ngày càng có nhiều tàu chiến từ châu Mỹ, châu Á và châu Âu đi lại ở Ấn Độ Dương. “Ấn Độ Dương sẽ trở thành một sân khấu chính của xung đột và cạnh tranh”, Kaplan nói.

Tất nhiên là người Mỹ có mặt khắp nơi cũng tham gia ở đây. Cứ điểm quan trọng nhất của họ là hòn đảo Diego Garcia giữa Ấn Độ Dương. Nó thuộc người Anh, nhưng họ đã cho người Mỹ thuê, và những người này sử dụng hòn đảo như là cứ điểm quân sự chính.

Thế nhưng hai đối thủ quan trọng nhất thì lại sẽ là hai cường quốc châu Á Trung Quốc và Ấn Độ. Người Ấn xem Ấn Độ Dương – nomen est omen [tên là dấu chỉ] – là mare nostrum [biển của chúng tôi] và tương ứng với đó xem người Trung Quốc như là những người xâm nhập vào.

Trung Quốc đã khéo léo tạo vị trí cho mình ở vùng này trong những năm vừa qua. Họ đã nắm lấy hết cảng này tới cảng khác. Từ Gwadar ở phía Đông qua Hambantota (Sri Lanka), Chittagong (Bangladesh) cho tới Coco Islands và đảo Ramree thuộc Myanmar. Người Trung Quốc chi trả để xây mới Hambantota trên Sri Lanka (Trung Quốc hiện nay là nhà chi tiền lớn nhất của hòn đảo), cũng như xây mở rộng cảng Chittagong tại Bangladesh.

Các tiền đồn của Trung Quốc

Các tiền đồn của Trung Quốc

Vì những cảng này nằm nối nhau giống như một chuỗi ngọc nên hoạt động của Trung Quốc cũng còn được gọi là “Chiến lược Chuỗi Ngọc”. Người Ấn có một từ xấu hơn cho việc đó: bao vây. Gurmeet Kanwal, cựu giám đốc của Centre for Land Warfare Studies (CLAWS) in Delhi, nói như vậy: “Trung Quốc tiến hành một chính sách ma quỷ, với mục đích bao vây Ấn Độ.”

Vì không chỉ là những cảng châu Á láng giềng này, nơi những người Trung Quốc đang hoạt động, mà cả những cảng châu Phi quan trọng ở Ấn Độ Dương nữa. Có là Lamu ở Kenia, Daressalam ở Tansania hay Beira ở Mozambique đi nữa – người Trung Quốc đã có ở đó rồi.

Nhưng cả trên những hòn đảo du lịch ở Ấn Độ Dương – Maledives và Seychelles cũng như Mauritius – cũng đã có người Trung Quốc rồi. Trên Maledives, Trung Quốc mở một sứ quán, nước duy nhất bên cạnh các quốc gia Nam Á Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh. Ngô Bang Quốc, người thứ ba trong nhà nước của Trung Quốc, thăm thù đô Male ba ngày.

Ấn Độ có thể bực tức về sự bao vây của Trung Quốc trong mare nostrum của họ, nhưng cũng phải chịu đựng lời cáo buộc rằng đã quan tâm quá ít tới các láng giềng của mình. Ấn Độ xung đột liên tục với Pakistan. Với Bangladesh và Sri Lanka thì các quan hệ, chúng ta cứ nói vậy, có khả năng tốt hơn.

Cũng như với láng giềng phía Đông Myanmar. Cả một thời gian dài, Burma trước đây chỉ có một người bạn: Trung Quốc. Người Trung Quốc đã bơm gần 40 tỉ dollar vào đất nước này trong các thập niên vừa qua, trước hết là để xây ống dẫn dầu, đường xá và đường tàu hỏa từ Ấn Độ Dương về Trung Quốc. Họ cũng không hề quan tâm tới lệnh cấm vận của Phương Tây.

Vào lúc ban đầu, Ấn Độ cũng tham gia vào trong lệnh cấm vận này. Thế nhưng khi người Ấn nhìn thấy người Trung Quốc ngày càng vững chân hơn ở Myanmar, nước mà theo truyền thống Ấn Độ có những mối quan hệ tốt và hết sức lâu đời, Ấn Độ đã bước ra khỏi mặt trận cấm vận của Phương Tây trong năm 2001. Và khi chính phủ Myanmar bắt đầu với những cuộc cải cách, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã sang thăm Myanmar láng giềng trong tháng Năm 2012, sếp chính phủ đầu tiên của Ấn Độ sau 25 năm.

Thế nhưng Ấn Độ đến với Myanmar cũng tương đối muộn – cũng như trong toàn bộ vùng Đông Nam Á. Tuy là người Ấn Độ từ đầu những năm 90 có một chính sách Look East mà với nó họ muốn đương đầu với người Trung Quốc, nhưng cho tới nay thì họ không có nhiều thành công cho lắm: Trung Quốc chiếm ưu thế ở Đông Nam Á – ít nhất là về kinh tế.

Hệ thống triều cống hiện đại của Trung Quốc

Cả một thời gian dài, Thụy Lệ là một nơi chốn đầy tội lỗi ở biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar. Một chốn mại dâm và nơi trú ẩn của giới mua bán ma túy. Người nhiễm HIV sống vật vờ. Không có người nước ngoài nào tới đây, dân du lịch ba lô cũng không.

Ngày nay, ở đó có những con đường được trồng dừa hai bên, khách sạn năm sao, sân golf và cửa hàng Armani cũng như Gucci thật. Bất động sản trong thành phố 110.000 dân này có giá gần bằng trong các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Cửa khẩu biên giới Myanmar-Trung Quốc ở Ruili/Thụy Lệ

Cửa khẩu biên giới Myanmar-Trung Quốc ở Ruili/Thụy Lệ

Hiện nay, Thụy Lệ đã trở thành một trung tâm giữa Trung Quốc và Myanmar. Từ ở đây, người Trung Quốc thâm nhập – về kinh tế – ngày càng sâu vào trong Myanmar. Giờ Bắc Kinh đã thống trị ở miền Bắc của đất nước này rồi. Người Trung Quốc đặt dấu ấn và chi phối hình ảnh đường sá trong nhiều thành phố. Cùng một hình ảnh đó trong thủ đô Lào Vientiane hay trong thủ đô Campuchia Phnom Penh.

Myanmar, Lào, Campuchia – trong những nước này, sự hiện diện của Trung Quốc là rõ ràng nhất. Nhưng cả trong phần còn lại của Đông Nam Á, sự xuất hiện của Trung Quốc cũng để lại dấu vết. Tất cả mười quốc gia Đông Nam Á tạo thành liên minh các quốc gia ASEAN hiện giờ gắn kết rất chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế. Đối với tất cả, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất.

Nữ chuyên gia Trung Quốc Susan Shirk nói: “Trung Quốc nhìn Đông Nam Á như là vùng ảnh hưởng truyền thống của họ.” Trong đó, bà cũng nhìn thấy những điều tương tự với hệ thống triều cống của vương quốc các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa. Thời đó, Bắc Kinh thống trị đã vạch những vòng tròn đồng tâm quanh vương quốc ở giữa. Quy định trong đó: càng gần Trung Quốc thì càng phải triều cống.

Ngày nay, sự lệ thuộc tinh vi hơn. Không ai còn phải tới khấu đầu công khai ở Bắc Kinh nữa. Ngày nay, người Trung Quốc thích ký kết hiệp định hơn. Ví dụ như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Trung Quốc và mười quốc gia ASEAN. Vào ngày 1 tháng Giêng 2010, hiệp định về ASEAN-China Free Trade Area (ACFTA) bắt đầu có hiệu lực. Đó là vùng thương mại tự do lớn nhất thế giới với gần hai tỉ người.

Trong ACFTA, 90% tất cả hàng hóa có thể đi qua biên giới mà không cần phải đóng thuế. Mười phần trăm còn lại chỉ phải đóng thuế rất ít. Lần bãi bỏ các hàng rào thuế quan này đã đẩy mạnh thương mại giữa Trung QUốc và các quốc gia ASEAN. Ngay từ 2011, thương mại giữa hai bên đã vượt 400 tỉ dollar. Con số này lớn hơn thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Và trao đổi hàng hóa chắc chắn sẽ còn tăng lên thêm nữa, nếu như các điều kiện tiếp vận cho việc này được tạo thành, tức là kết nối giao thông tốt hơn giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Vì vậy mà Trung Quốc đã có kế hoạch cho những dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ, để gắn các quốc gia này chặt hơn nữa vào họ.

Như có kế hoạch cho một tuyến đường sắt xuyên suốt từ Trung Quốc qua Lào và Thái Lan cho tới Singapore. Các con tàu dự định sẽ lao qua những cánh đồng lúa với 250 km/h. Người ta đã bắt đầu xây nhiều đoạn. Ở Trung Quốc đã xây cho tới biên giới Lào, từ Bangkok cũng đã tới biên giới Lào. Chỉ ở Lào là các tín hiệu vẫn còn đỏ. Chính phủ đã ngưng công cuộc xây dựng. Người Trung Quốc yêu cầu cả đất đai ở hai bên của tuyến đường 480 kilômét xuyên qua Lào. Nông dân Lào chống lại điều đó – và chính phủ nghe theo lời họ.

Các con đường cao tốc đầu tiên cũng đã thành hình rồi. Hiện giờ, một con đường cao tốc từ Côn Minh, thủ phủ đang phát đạt của tỉnh Vân Nam Trung Quốc, về tới thủ đô Việt Nam Hà Nội. Thời gian đi được rút ngắn từ ba ngày xuống còn chưa tới một ngày.

Vì các quốc gia láng giềng của Trung Quốc không có khả năng gánh vác phí tổn cho những dự án nhiều tham vọng như thế nên Trung Quốc đã hào phóng tuyên bố rằng họ sẽ chi trả một phần lớn cho các dự án này.

Người ta tạo sự lệ thuộc như thế đó – cũng như ở Nga và Trung Á. Người Trung Quốc tuy không xây đường sá tới đó, nhưng xây đường ống dẫn dầu.

Trung Quốc và Nga – hai đối tác không tương xứng

Trung Quốc chi phối vùng Viễn Đông của Nga – ít nhất là về kinh tế. Cho tới nay, nước Nga vẫn không có khả năng phát triển phương Đông xa xôi của họ và qua đó hưởng lợi từ châu Á đang bùng nổ về kinh tế. Tuy đã có nhiều cố gắng và có cả một chương trình của chính phủ ở Moscow, nhưng chúng ít nhiều đều thất bại. Sau lần tái đắc cử năm 2012, thủ tướng Dmitri Medvedev khởi động thêm một cố gắng nữa và còn lập cả một bộ để phát triển Viễn Đông. Liệu có được gì không?

Nga-Trung Quốc tập trận chung trên biển

Nga-Trung Quốc tập trận chung trên biển

Trung Quốc đã tạo quá nhiều cơ sở. Và các con số cũng quá rõ ràng: Ở tỉnh cực Bắc của Trung Quốc, Hắc Long Giang giáp biên giới với Nga, có 38 triệu người sinh sống, trong Oblast Amur láng giềng bên phía Nga chỉ có 830.000. Đối diện ưu thế này thường hay có xung đột xảy ra. Thủ tướng Medvedev nói về một “sự bành trướng quá mức của các quốc gia láng giềng” và qua đó có ý muốn nói trước hết là tới Trung Quốc.

Không, đó không buộc phải là tình hữu nghị, cái hàn chặt hai quốc gia láng giềng to lớn lại với nhau. Mà nhiều hơn là sự thiếu thốn thiện cảm mà cả hai quốc gia này trải qua ở những nơi khác. Trung Quốc không có bạn bè, Nga cũng không. Moscow hy vọng vào một đối tác với Phương Tây, nhưng bị thất vọng. Vì Phương Tây – và là cả EU lẫn USA – có khó khăn trong việc bước vào một quan hệ gần gũi hơn nữa với Moscow không được hoàn hảo về dân chủ, nên nước Nga buộc phải tìm kiếm đối tác khác.

“Việc EU cứ khăng khăng giữ lấy một chính sách ngoại giao có định hướng tới các giá trị [dân chủ] đối với Nga đã khiến cho nước Nga xa rời châu Âu”, chuyên gia Nga Alexander Rahr đánh giá, “ngày nay, dường như nước Nga đã đặt cược tất cả vào lá bài Trung Quốc.”

Dường như là cả hai nhà bị xua đuổi của chính trường thế giới đã tìm đến với nhau trong một liên minh có mục đích. Ít ra thì chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã dẫn tới Moscow, nhưng thật sự thân thiện thì cả hai đều không. Dmitri Trenin, giám đốc của Carnegie Moscow Center, nói: “Vẫn còn một lỗ hổng của niềm tin ở giữa hai bên, và không ai trong cả hai bên thật sự muốn có một liên minh.”

Đó là một quan hệ đối tác không tương xứng mà trong đó hai bên không ngang tầm với nhau. Vì tiềm năng kinh tế mà Trung Quốc rõ ràng là đối tác mạnh hơn. Nga chỉ là đối tác đàn em, phải đóng vai người cung cấp năng lượng và vũ khí. Và trên các lĩnh vực đó thì đối tác này cũng hoạt động tương đối tốt, vì cả hai bên đều hưởng lợi.

Trung Quốc, nước thèm khát năng lượng triền miên, cần khí đốt và dầu của Nga. Và nước Nga vui mừng là có một khách hàng ở phương Đông và qua đó mà có thể làm giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào Phương Tây. Đường lối đã được công bố của tổng thống Putin là đa dạng hóa cơ cấu khách hàng dầu và khí đốt, để trong trường hợp cần thiết thì có thể dùng người này chống lại người kia, thể theo khẩu hiệu: nếu các anh không muốn trả cái giá này cho dầu và khí đốt của chúng tôi thì tôi vẫn còn người khác muốn mua.

Hiện nay, có cả đường ống dẫn dầu lẫn đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Từ ngày đầu năm mới 2011, dầu từ Skovorodino ở Đông Sibiria chảy về Đại Khánh, trung tâm dầu của Trung Quốc. Công cuộc xây dựng đường ống với cái tên East Siberian Pacific Ocean (ESPO) được chi trả hầu hết qua số tiền 25 tỉ do Trung Quốc cho vay. Khí đốt dự định sẽ bắt đầu chảy từ cuối 2015. 30 tỉ mét khối mỗi năm, 30 năm trời. Một hợp đồng tương ứng với Gazprom đã được ký kết.

Đường ống dẫn khí đốt ở Nga

Đường ống dẫn khí đốt ở Nga

Cũng có lợi cho đôi bên tương tự như vậy là các quan hệ trên lĩnh vực tăng cường vũ trang. Trung Quốc thích mua và mua nhiều từ các lò sản xuất vũ khí của Nga, vì Phương Tây từ lệnh cấm vận năm 1989 đã không còn là người cung cấp được nữa. Nước Nga ngược lại nhờ vào người khách hàng trung thành này mà có thể tận dụng tốt công suất của ngành công nghiệp vũ khí của họ và qua đó thì cuối cùng cũng là bảo đảm cho sự sống còn của nó. Vào lúc ban đầu, người Nga e dè hơn. Họ không muốn cung cấp cho người Trung Quốc công nghệ hiện đại nhất. Nhưng điều này hiện nay đã thay đổi. Người Trung Quốc nhận được thiết bị hiện đại nhất, ví dụ như máy bay phản lực công nghệ cao Su-35 và cả hệ thống tên lửa S-400 nữa.

Giới quân đội của hai nước cũng đã tiến đến gần với nhau hơn trong những năm vừa qua. Người ta tập trận chung, ví dụ như Peace Mission trong năm 2009 dọc theo biên giới Nga-Trung và ở biển Hoa Đông. Nhưng đó không phải là một liên minh. Alexander Rahr nói: “Ở bề ngoài, Trung Quốc chưa từng bao giờ xuất hiện trước Phương Tây như là một đồng minh thực thụ của Nga.”

Vì vậy mà Trung Quốc cũng xem Shanghai Cooperation Organitation (SCO) dưới một ánh sáng khác với người Nga. Trong khi người Nga muốn nhìn tổ chức được thành lập năm 2001 này, mà bên cạnh Trung Quốc và Nga còn có các nước Trung Á thuộc vào trong đó, như là một đối trọng với NATO thì Trung Quốc xem nó như là một liên minh kinh tế nhiều hơn.

Người Trung Quốc đã khéo léo chiếm lấy một vị trí vững chắc trong các quốc gia Trung Á, tất cả đều nguyên là cộng hòa Xô viết lúc trước. Họ đặc biệt nhắm tới nguyên liệu của vùng này. Ở đây, Trung Quốc cũng hào phóng cho vay tiền cho các dự án hạ tầng cơ sở. Công ty nhà nước Trung Quốc xây đường ống dẫn dầu, tuyến đường xe lửa và đường sá, ví dụ như ở Kazakhstan là tuyến đường sắt giữa Almaty và Astana, thủ đô cũ và mới của đất nước này. Hay một đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan xa xôi về tới Trung Quốc.

Các quốc gia Trung Á vui mừng là có một đối trọng với nước Nga quá hùng mạnh. Cả ở đây, trong vùng ảnh hưởng ngày xưa của mình, Nga cũng là người thua cuộc thì nhiều hơn. Chuyên gia Nga Alexander Rahr nói: “Ảnh hưởng của Nga rõ ràng là đã giảm xuống. Trung Quốc mạnh tới mức các nước Trung Á phải trao đổi với họ.”

Nhưng vì vậy mà người ta cũng không thể gọi các quốc gia Trung Á là đồng minh được, nhiều lắm là các đối tác có thiện ý. Trung Quốc phải dựa vào chính mình. Vì vậy mà lại càng quan trọng hơn là việc các hàng ngũ ở nhà phải đồng lòng. Công cụ quan trọng nhất và được ưa thích nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc ở đây: một chủ nghĩa dân tộc được chăm sóc.

Chủ nghĩa Dân tộc khi cần

Các sạp báo ở Trung Quốc chào mời một sự đa dạng nhiều màu sắc. Với hàng chục tờ báo về thể thao, thời trang và ô tô, những sạp báo nhỏ đó gần như đã bị dán kín. Nhưng ở giữa đó cũng có treo những tờ kỳ lạ như Weapon (8,4 nhân dân tệ) hay Naval Vessel Knowledge (10 nhân dân tệ). Đó là những tạp chí quân sự. Chúng đang bán chạy. Đặc biệt đàn ông trẻ tuổi hay với tới những tờ báo này với những tường thuật và hình ảnh về máy bay ném bom mới, tên lửa và tàu khu trục.

Tàu khu trục Trung Quốc

Tàu khu trục Trung Quốc

Nhiều người Trung Quốc trẻ rất say mê quân sự. Anthony Wong, chủ tịch International Military Association ở Macao, nói: “Con số của họ đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là từ khi Bắc Kinh bắt đầu hiện đại hóa quân đội trước đây hai thập niên.” Người đọc không phải là những người sống ở rìa xã hội mà phần lớn là nhân viên bình thường với việc làm toàn thời gian.

Những người công dân bình thường trẻ tuổi với sở thích về quân sự này cũng tạo thành một phần của Thanh niên Thịnh nộ. Những người quốc gia chủ nghĩa có tên như vậy trong Internet, một phần đưa ra những lời bình rất gay gắt. Họ suy nghĩ hành động như thế nào, điều này thì người ta có thể đọc được từ những lời bình luận của họ sau cơn sóng thần trong đất nước của kẻ thù không đội trời chung Nhật Bản. Nhiều hoan hỉ vì hoạn nạn của người khác đã được lan truyền trực tuyến ở đó. Trận động đất đó là “bị trời phạt”. Về Nhật Bản thì là: “Người ta không thể chờ đợi một con sói bất chợt biến thành một con chó được, chỉ vì nó đã không cắn 30 năm nay.”

Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc tuy cũng có tinh thần phê phán đối với đất nước của chính họ, nhưng họ cũng hãnh diện vì đất nước của họ, chính phủ của họ và về những gì đã đạt được của ba thập niên vừa qua. Đã có thể cảm nhận được một chủ nghĩa dân tộc nhất định ở đó, cái được chính phủ hài lòng khoan dung và thỉnh thoảng còn cổ vũ nữa. Vì thiếu một ý thức hệ khác nên một chủ nghĩa dân tộc trung hòa là một cái gì đó giống như một mẫu số chung giữa Đảng và nhân dân. Chủ nghĩa dân tộc được Đảng phát hiện và chăm sóc, đặc biệt là sau 1989, như là một hình thức mới cho tính chính danh chính trị.

Điều đó được thổ lộ ra trong những việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn: General Administration of Press and Publication xua đuổi việc sử dụng từ ngữ bằng tiếng Anh và chữ viết tắt bằng mẫu tự La tinh ra khỏi giới truyền thông. Tức là không có phòng 2B hay dãy A nữa, và cũng xin là không có viết tắt NBA hay WTO. Các cơ quan cần phải mang tên theo bính âm Hán ngữ thay vì theo tiếng Anh, tức là Beijing Minzu University thay vì Central University for Nationalities.

Tất nhiên, đó là việc nhỏ, cũng như lần bài ngoại quá lố của Dương Duệ trong mùa Xuân 2012. Dương, ngôi sao của đài truyền hình nhà nước CCTV và nổi tiếng ở đó như là người chủ nhà thân thiện của chương trình Dialogue, bất thình lình chửi mắng những người nước ngoài sống ở Trung Quốc: “Những người không tìm thấy việc làm ở Hoa Kỳ và châu Âu tới Trung Quốc lấy cắp tiền của chúng ta, mua bán người và lan truyền đi những lời dối trá.”

Không thể hiểu được tất cả những bùng phát dân tộc chủ nghĩa đó nếu như không nhìn lại lịch sử Trung Quốc gần đây. Chính những người đang cầm quyền rất thích chỉ tới – và điều đó cũng không phải là không đúng – “thế kỷ bị sỉ nhục”, thời gian từ khi cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ nhất bắt đầu năm 1839 cho tới khi chiến thắng được nước Nhật năm 1945. Trong hơn 100 năm này, Trung Quốc hầu như luôn là nạn nhân của xâm chiếm và đàn áp – lúc đầu là bởi nhiều thế lực Phương Tây và rồi sau đó bởi nước Nhật. Phương Tây rất thích đuổi đi những hành động xấu xa này, những cái mà họ đã gây ra cho dân tộc Trung Quốc. Nhưng Phương Tây cũng không nên đối xử một cách phi lịch sử như vậy, vì chỉ có thể giải thích được nhiều động thái của Trung Quốc ngày nay khi người ta biết được quá khứ này.

Biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc năm 2012

Biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc năm 2012

Cái gai của sự sỉ nhục này vẫn còn cắm sâu trong người dân Trung Quốc. Cảm giác này được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và ngày nay vẫn còn có mặt ở khắp nơi. Vật Vong Quốc Sỉ – Đừng quên sự sỉ nhục quốc gia – vẫn còn nằm trên nhiều tượng đài kỷ niệm và tòa nhà. Và cũng để cho đừng quên, nhiều bảo tàng đã được thành lập trên khắp nước trong những năm vừa qua – từ Bảo tàng Chiến tranh Thuốc Phiện ở Quảng Châu cho tới Nanjing Massacre Memorial Hall ở Nam Kinh.

Đảng và chính phủ bảo tồn cảm giác là nạn nhân này. Cho tới ngày nay, nhiều người Trung Quốc vẫn còn cảm thấy bị sỉ nhục và hỏi: Sao các anh chống chúng tôi? Tại sao truyền thông các anh lại viết xấu như thế về chúng tôi? Họ bực dọc – nhưng trong thời gian của Thế Vận Hội 2012 ở London – khi các nữ vận động viên bơi lội Trung Quốc, chỉ vì họ bỏ xa các đối thủ Phương Tây, bị cáo buộc doping, cứ như ở Phương Tây không có trường hợp doping nào. Lúc nào – lời lên án là như thế – Trung Quốc cũng là một mối đe dọa, và lúc nào Trung Quốc cũng là xấu.

Bất cứ lúc nào Phương Tây tấn công Trung Quốc bằng lời nói hay tấn công thật sự, Trung Quốc cũng đều rút lá bài dân tộc ra. Như trong vụ ném bom sứ quán Trung Quốc ở Belgrad trong tháng Năm 1999; như trong vụ chiếc máy bay tuần tra EP3 của Mỹ thâm nhập vào không phận Trung Quốc trong tháng Tư 2001; cũng như tại những xung đột thường xuyên xảy ra với Nhật. Luôn có những chấn động dữ dội và ngắn trong người dân. Người dân trật tự kéo ngang qua sứ quán của các nước bị lên án, hô vang một vài câu khẩu hiệu giận dữ và ném chai nhựa. Và vào ngày kế tiếp, chậm nhất là vào ngày kế đó nữa – đạo diễn nhà nước muốn vậy – thì sự việc chấm dứt.

Nhưng sẽ như thế nào nếu như người dân không tuân lời đạo diễn nữa? Sẽ như thế nào nếu như chủ nghĩa dân tộc tiềm ẩn này trở nên độc lập? Điều gì sẽ xảy ra nếu như người dân không tuân theo lời của Đảng nữa mà tuân theo lời của một vài kẻ khiêu khích đang được khoan dung cho, những kẻ rõ ràng là đang hiện diện? Đó là tác giả của những quyển sách như Trung Quốc bất hạnh hay Trung Quốc hãy đứng dậy. Cả hai đều đứng ở hàng đầu trên danh sách bán chạy trong những năm vừa qua.

Tư tưởng nào đứng ở đằng sau đó, điều này thì người ta có thể trải nghiệm thực sự qua lời nói của Vương Hiểu Đông, người đã viết nhiều chương của quyển Trung Quốc bất hạnh. Khi một phóng viên BBC hỏi ông trong căn hộ đơn sơ của ông, rằng Trung Quốc có cần một quân đội hùng mạnh và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hay không, Vương trả lời: “Tất nhiên rồi. Một đất nước hùng cường như Trung Quốc tất nhiên là cũng cần một quân đội hùng mạnh, và là một quân đội có thể chiếm lĩnh được bất cứ góc nhỏ nào của thế giới này. Đó cần phải là viễn tưởng của chúng tôi”

Và nó đã bắt đầu trong không gian ảo rồi.

Chiến tranh mạng – Một chiều mới của chiến tranh

Bất thình lình tối như mực. Các đoàn tàu điện ngầm kẹt lại trong những đường hầm dưới mặt đất, đèn giao thông không bật cả xanh lẫn đỏ, máy bay không thể đáp xuống ở JFK lẫn La Guardia. Giao thông hỗn loạn ở New York. – Khoa học viễn tưởng? Phim của Hollywood? Một vụ tập kích của AL-Qaida?

Không phải, một ác mộng của những nhà chiến lược quân sự Mỹ: Một thế lực ngoại quốc tấn công mạng lưới điện của các thành phố lớn ở Mỹ. Và không phải bằng những loại vũ khí lỗi thời như tên lửa mà với một con virus máy tính qua Internet. Hoàn toàn không có đổ máu, chỉ nhiễm khuẩn. Trong lúc tấn công, địch thủ còn chẳng phải đứng dậy từ bàn làm việc của mình và có thể vừa ngoác miệng cười vừa quan sát thiệt hại gây ra từ xa, ở cạnh chiếc máy tính bàn hay máy tính xách tay của mình.

Lần đầu tiên Hoa Kỳ truy tố đại diện nhà nước Trung Quốc vì do thám kinh tế qua mạng

Lần đầu tiên Hoa Kỳ truy tố đại diện nhà nước Trung Quốc vì do thám kinh tế qua mạng

Chiến tranh mới chắc sẽ trông như thế đó. Chiến tranh đã có một chiều mới, trong nghĩa đen thật sự của từ này – chiều thứ năm. Sau đất liền, nước, trên không và vũ trụ bây giờ là không gian ảo. Các chuyên gia nói về chiến tranh mạng.

Và trong cuộc chiến này thì vũ khí được phân bổ mới. Ở đây thì hầu như tất cả đều bắt đầu từ con số không, tức là có vũ khí ngang nhau. Và đó là một cơ hội lớn của những nước sắp trở thành nước công nghiệp như Trung Quốc. Ở xe tăng, tên lửa và tàu chiến – vũ khí cũ của thế kỷ 20 – có thể còn có một cái hố sâu giữa Trung Quốc và người Mỹ, nhưng không ở vũ khí mạng. “Ở đó, khoảng cách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rất nhỏ”, sử gia người Anh Niall Ferguson nói, “Trung Quốc có thể là một đối thủ rất hung hãn.”

Vì vậy mà cả trong lĩnh vực này người Mỹ cũng xem Trung Quốc như là địch thủ lớn nhất. Tác giả và là giáo sư kinh tế Peter Navarro quả quyết: “Hacker đỏ của Trung Quốc đã thâm nhập vào NASA, Lầu Năm Góc và Ngân hàng Thế giới.” Và cả bản báo cáo 2011 của Office of the National Counterintelligence Executive cũng không ngần ngại nêu thẳng tên Trung Quốc như là “người thực hiện những cuộc tấn công mạng tích cực nhất và kiên quyết nhất ở Hoa Kỳ”. Trong tháng 2 2013, công ty an ninh Hoa Kỳ Mandiant công bố một nghiên cứu gây chú ý mà trong đó họ nghi ngờ một đơn vị quân đội (số 61398) ở Thượng Hải đã thực hiện những cuộc tấn công theo dạng hacker vào các cơ quan và công ty Mỹ.

Cả người Đức mà ngoài ra thì hay dè dặt hơn cũng công kích Trung Quốc. Một “phần rất lớn” các cuộc tấn công mạng vào cơ quan và doanh nghiệp Đức mang dấu ấn Trung Quốc, chính phủ liên bang [Đức] tuyên bố. “Việc Trung Quốc lấy thông tin từ khắp nơi trên thế giới không phải là một việc bí mật”, Berthold Stoppelkamp, lãnh đạo Nhóm hoạt động về an ninh kinh tế. Bộ Nội vụ [Đức] ghi nhận tròn 1600 cuộc tấn công trên mạng vào các máy tính của cơ quan nhà nước. Hơn phân nửa đến từ Trung Quốc, theo bộ này.

Người Trung Quốc giận dữ phủ nhận tất cả các cáo buộc này – từ Đức hay từ Hoa Kỳ. “Không có chiến tranh mạng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thôi Thiên Khải nói. “Vâng, có hacker tấn công Internet của Mỹ, nhưng mà cả của Trung Quốc nữa. Nhưng họ không đại diện cho một quốc gia đặc biệt.” Những lời tố cáo là “không có cơ sở và phản ảnh tinh thần Chiến tranh Lạnh”. Để đáp trả, giới quân đội Trung Quốc lên án Hoa Kỳ đang chuẩn bị một cuộc “chiến tranh Internet”.

Thế nào đi nữa thì cả hai bên đều tăng cường vũ trang. Tháng Năm 2010, Hoa Kỳ thiết lập United States Cyber Command (USCybercom). Cơ quan này có trụ sở ở Fort Meade tại Maryland. Sếp của đơn vị mới này là tướng Keith B. Alexander. Ông gọi việc đánh cắp trên mạng là “chuyển giao sự giàu có lớn nhất trong lịch sử.” Để ngăn chận việc này, trong tháng Bảy 2011, Lầu Năm Góc đã đưa ra một chiến lược đe dọa trên mạng với cái tên Strategy for Operation in Cyberspace. Mục tiêu không được nói ra của tài liệu 19 trang này: Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, từ 2005 đã có một đơn vị quân đội chuyên về mạng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân. Người ta không biết nhiều về hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người ta cho rằng còn có một đơn vị quân đội bao gồm nhiều hacker tinh hoa, có nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước những cuộc tấn công mạng. “Đạo quân Xanh” này được cho là chỉ bao gồm 30 người. Đó là những người tài giỏi nhất mà đất nước này có được. Tại số đông khổng lồ của hacker ở Trung Quốc thì người ta có thể tưởng tượng là những người được lựa chọn này có tài năng cho tới đâu.

Hoa Kỳ cũng đã “tập dượt” một cuộc tấn công mạng. Với con virus máy tính có tên Stuxnet, họ đã làm tê liệt nhà máy nguyên tử Iran Nataz. Trong các nhà máy điện nguyên tử, hàng năm máy ly tâm bất thình lình phấ rồ lên. Ngay George W. Bush đã khởi động một chương trình bí mật với tên mật Thế Vận Hội để tấn công nhà máy Iran qua mạng. Obama đẩy mạnh chương trình này và cuối cùng ra lệnh tấn công. Mãi tới tháng Sáu 2012 mới lộ ra rằng Stuxnet là một cộng tác phát triển của Hoa Kỳ và Israel.

Chiến dịch Stuxnet là một chiến dịch hoàn toàn không đổ máu. “Virus máy tính có phải là những quả bom nguyên tử của kỷ nguyên số?”, Nils Minkmar hỏi trên tờ Nhật báo Phổ thông Frankfurt – với khác biệt quan trọng là nó không cướp đi sinh mạng con người. Tức là chúng ta đang đứng trước ngưỡng của những cuộc chiến tranh mới không có nạn nhân?

Chuyên gia chiến tranh mạng Richard A. Clarke không tin vào một thế giới chiến tranh lành lặn như vậy: “Tôi có thể tưởng tượng là trong tương lai, hai quốc gia độc lập vào lúc ban đầu có thể chống nhau trong không gian ảo – nhưng một cuộc chiến tranh như vậy sẽ không ở trong không gian ảo mãi đâu.”

Giành ngôi cường quốc thế giới: Trung Quốc chống Hoa Kỳ

“Các nhà chiến lược của cả hai nước đều lập kế hoạch với khả năng của một cuộc chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc.” Gideon Rachman, bình luận trưởng của Financial Times.

Trong lịch sử thế giới, bao giờ cũng có cường quốc đến và cường quốc đi. Robert Gilpin gọi đó là “Chu kỳ bá chủ”. Thế giới – nhà chính trị học người Mỹ nói như vậy – phải chịu lời nguyền của một cuộc cạnh tranh liên tục giữa các cường quốc. Lúc nào cũng có người bảo vệ quyền lực và kẻ thách thức đứng chống nhau. Đã như thế rồi ngay từ trong nước Hy Lạp cổ xưa, khi Sparta đứng dậy chống Athena. Và ngày nay cũng thế, khi Trung Quốc tấn công vị thế của Hoa kỳ như là cường quốc đứng đầu thế giới.

Thường – và đó là điều nguy hiểm ở tình huống này – thì những lần chuyển đổi quyền lực như thế này được đi kèm bởi xung đột quân sự. Vì vậy mà hiện nay nhiều nhà quan sát tình hình thế giới đưa ra câu hỏi đầy lo lắng: Lần tranh giành quyền lực này giữa cường quốc thế giới cũ và mới, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có diễn ra trong hòa bình hay không?

Nếu hỏi những người đang nắm quyền lực của hai cường quốc thì người ta sẽ nghe được những từ ngữ giận dữ. “Trung Quốc không bao giờ hướng tới quyền bá chủ”, Tập Cận Bình, sếp Đảng và nhà nước mới tuyên bố khi ông lần đầu tiên gặp khách nước ngoài sau khi lên ngôi vào đầu tháng Mười Hai 2012. “Chúng tôi không phải là một mối đe dọa quân sự cho Trung Quốc”, theo chính phủ Obama.

Cả hai tuyên bố có thể là nghiêm túc, nhưng chúng không nhận ra rằng cả hai quốc gia này đã bị giam giữ trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan kinh điển. Ai cũng tin rằng những cố gắng về mặt quân sự của mình chỉ thuần túy là để tự vệ, nhưng người kia thì lại cảm nhận chúng như là một sự công kích. Josef Braml từ Hội Đức về Chính sách Đối ngoại (Deutsche Gesellschaft für Auswärtige Politik – DGAP) nói: “Khi chúng ta nhìn Trung Quốc như là một mối đe dọa về quân sự thì nó sẽ trở thành một mới đe dọa.” Hiện tượng này có tên là self-fulfilling prophecy.

Từ Trung Quốc cũng như từ Hoa Kỳ, mới nguy hiểm của sự leo thang này bị phớt lờ một cách ngang ngạnh. Họ cứ tiếp tục đường lối đối đầu của họ. Trung Quốc vẫn tiếp tục vươn tới vị thế bá quyền trong khu vực, tức là đi theo một học thuyết Monroe không được nói ra. Người Trung Quốc muốn là ông chủ trong ngôi nhà châu Á. Trong lúc đó, người Mỹ hiện đang sống cùng xem họ như là những người đang xâm nhập vào, những người không thuộc vào trong đó. Vì vậy mà họ cố gắng, ngay cả khi họ không nói ra điều đó, giữ không cho người Mỹ vào ít nhất là phần phía Tây của Thái Bình Dương và phát triển những vũ khí tương ứng để đạt tới điều đó.

Hoa Kỳ chống lại việc đó. Họ không muốn và cũng sẽ không rời bỏ vùng phía Tây của Hawaii một cách hòa bình. Còn ngược lại là đàng khắc: Sau khi chấm dứt những cuộc phiêu lưu về quân sự ở Cận Đông hay không bao lâu nữa sẽ chấm dứt, họ lại quay lại với vùng Thái Bình Dương nhiều hơn. Khẩu hiệu của Obama: Viễn Đông thay vì Cận Đông.

Hải quân Hoa kỳ ở Thái Bình Dương sẽ được tăng cường trong những năm tới đây. Ngoài ra, Hoa Kỳ liên minh với những bãn bè cũ và mới xung quanh Trung Quốc, để cho giới lãnh đạo của nước này có ấn tượng bị nước Mỹ bao vây.

Đó là một sự phát triển nguy hiểm, cái đang diễn ra trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu cuộc Chiến tranh Lạnh thứ nhì trở thành một cuộc chiến tranh nóng thì nó sẽ xảy ra ở trong vùng này. Ngoại trừ trường hợp các đối thủ nhớ lại lịch sử, cái có sẵn và đầy đủ các ví dụ xấu cho những lần chuyển tiếp đầy khó khăn từ cường quốc thế giới cũ sang cường quốc thế giới mới.

Khi thế lực trỗi dậy gặp thế lực suy giảm

Trong phần ba cuối cùng của thế kỷ 19, Liên hiệp Anh là một cường quốc. Đế quốc Anh bao gồm một phần lớn thế giới. Đất nước này thời đó là quốc gia công nghiệp dẫn đầu và sỡ hữu đội tàu thương mại và tàu chiến lớn nhất.

Trên các đại dương, người Anh không có một đối thủ đáng gờm nào.

Thế như vào cuối thế kỷ 19 có một đối thủ lớn lên hết sức nhanh chóng trên châu Âu lục địa – Đế chế Đức. Nó rượt đuổi thật nhanh về kinh tế. Và song song với đó, nước Đức tăng cường vũ trang. Người ta đặc biệt chú ý mở rộng hải quân. Người thúc đẩy sự phát triển này là Đại đô đốc Alfred von Tirpitz, người tring tháng Sáu 1897 được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh của Cơ quan Hải quân Đế chế [tương đương với Bộ Hải quân]. Ông là một người theo trường phái Maha, tức là một người ủng hộ cho sức mạnh của hải quân. Trong tháng Sáu 1900, Quốc hội [Đế chế Đức] dựa trên lời đề nghị của cơ quan ông đã thông qua việc tăng gấp đôi hạm đội Đức. Liên hiệp Anh chấp nhận lời thách thức đó và phản ứng bằng cách đóng nhiều tàu chiến thật to theo kiểu mới, cái mà người Anh đặt cho cái tên là Dreadnought (Không sợ gì). Một gia đoạn tăng cường vủ trang trên biển bắt đầu. Kết thúc cay đắng của nó thì đã biết – cuộc Đệ Nhất Thế chiến.

Nhiều sử gia và chính khách so sánh tình hình của thời đó với tình hình của ngày hôm nay. Lần này thì chỉ khác về nhân vật. Trung Quốc đang trỗi dậy gặp nước Mỹ đang suy yếu. Nước Mỹ đóng vai trò của Liên hiệp Anh, Trung Quốc vai trò của nước Đức. Cố vấn chính trị người Mỹ và cũng là tác già Robert Kagan nhìn thấy những điều tương tự: “Giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn thế giới tương tự như Hoàng đế Wilhelm II đã làm trước đây một thế kỷ.”

Trong lịch sử hay, vâng, thường xuyên xảy ra xung đột khi một cường quốc đang trỗi dậy gặp một cường quốc đang suy tàn. Sử gia giải thích nhiều cuộc chiến tranh với sự chuyển tiếp từ một nhà bá chủ này sang một bá chủ khác. Khi một cường quốc lung lay thì trật tự thế giới mà cho tới chừng đó vẫn còn có hiệu lực cũng sẽ lâm vào tình trạng vô trật tự. Có đủ những ví dụ trong lịch sử cho những đế quốc thất bãi: Đế quốc La mã, Đế quốc Tây Ban Nha, Đế quốc Ottoman và Đế quốc Anh.

Trường hợp đầu tiên diễn ra trong Hy Lạp Cổ đại. Athen thống trị một mình cho tới lúc đó gặp phải Sparta thách thức. Trong thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, Chiến tranh Peloponnesus đã xảy ra, cuộc chiến mà nhà chép sử Hy Lạp Thukydides đã ghi lại một cách đầy ấn tượng. Đó là xung đội quân sự lớn đầu tiên giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc đang suy giảm. Nhiều cuộc thay đổi quyền lực khác đã tiếp theo sau đó trong diễn tiến của lịch sử.

Phần nhiều đều không diễn ra một cách hòa bình. Cơ hội để mà một chuyển đổi từ một cường quốc thế giới cũ sang một cường quốc thế giới mới diễn ra không có xung đột là 1-2. Thế nào đi nữa thì người ta có được kết quả này nếu như tin vào các nghiên cứu của nhà chính trị học Harvard Graham Allison. Ông nghiên cứu trong thời gian từ năm 1500 tất cả các trường hợp mà trong đó một quyền lực đang trỗi dậy thách thức một quyền lực đang thống trị. Kết quả đáng ngại của ông: trong 11 của 15 trường hợp đã dẫn tới chiến tranh.

Có mối đe dọa của một cuộc chiến như thế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hay không?

Có, cũng có. Nhưng giữa hai nước còn có một lý do chiến tranh nữa, cái có một nguồn gốc hoàn toàn khác.

Đài Loan – Yên lặng trước cơn bão?

Đang có im lặng tương đối xung quanh hòn đảo Đài Loan. Đó trước hết là công lao của Mã Anh Cửu, người được bầu lại vào chức vụ tổng thống trong tháng Ba 2012 sau nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên. Ứng cử viên này của Quốc Dân Đảng cố tìm sự cân bằng với nước Cộng hòa Dân nhân quá mạnh, vẫn tiếp tục nhìn hòn đảo như là một tỉnh bội phản và rất muốn lấy nó trở về với đất nước khổng lồ.

Mã theo chính sách cân bằng không hướng tới một nền độc lập cho hòn đảo. Đường lối chủ đạo của ông đối với Bắc Kinh là công thức ba không – không thống nhất, không độc lập và không dùng bạo lực. Trong tinh thần của chính sách này, Mỹ đã ký kết không ít hơn là 16 hiệp định với nước Cộng hòa Nhân dân, trong số đó là hiệp định quan trọng nhất: The Economic Cooperation Framework Agreement (ECFA). Dự định sẽ có nhiều ưu đãi về thuế quan và qua đó sẽ còn thúc đẩy nền thương mại vốn đã phát triển mạnh giữa hai nước thêm nữa. Nhưng qua đó, Đài Loan sẽ còn phụ thuộc kinh tế nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Ngay từ bây giờ đã có trên 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan đi sang Trung Quốc và Hongkong. Đầu tư bạc tỉ chảy đi theo cả hai hướng. Hiện nay đã có không biết bao nhiêu là chuyến bay trực tiếp giữa Đài Loan và Trung Quốc. Doanh nhân cũng như khách du lịch không còn phải đi vòng vất vả qua Cảng hàng không Hongkong nữa.

Tức là tất cả đều tốt đẹp giữa Cộng hòa Trung Hoa, như Đài Loan chính thức tự gọi họ, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa? Xin hãy cẩn thận, đó có thể là một sự yên lặng lừa dối.

Cả hai bên đều có quân đội được vũ trang cao, ngay cả khi Quân đội Giải phóng Nhân dân có lợi thế thấy rõ. Từ 14.000 tới 16.000 tên lửa trên lục địa được hướng tới Đài Loan. Để đối phó với kho vũ khí này, người Đài Loan trước sau vẫn phải dựa vào những xuất khầu vũ khí từ Hoa Kỳ. Chính phủ Đài Loan thường xuyên đưa ra danh sách muốn có tại Washington. Không phải tất cả các ý muốn đều được toại nguyện, nhưng Hoa Kỳ thường xuyên cung cấp vũ khí cho hòn đảo nhỏ. Trong lúc đó, luôn có những tiếng thét vang giống như phản xạ từ người Trung Quốc, khi người Mỹ cung cấp. Cũng như lần mua bán vũ khí mới đây với số tiền là sáu tỉ dollar. Lư Minh Phúc, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Quốc gia, hỏi: “Tại sao các anh bán vũ khí cho Đài Loan? Chúng tôi cũng không bán vũ khí cho Hawaii.”

Cho tới chừng mào mà đôi bên cứ tiếp tục tăng cường vũ trang thì mối nguy hiểm của một cuộc chiến là có thật. Vấn đề trong lúc đó là cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không kiểm soát được nhân vật quyết định thứ ba, tức là chính phủ Đài Loan và cuối cùng là người dân Đài Loan. Chính phủ Quốc Dân Đảng hiện nay đang theo đuổi một đường lới mang tính hòa giải, vâng, gần như là âu yếm với Bắc Kinh. Nhưng ai có thể bảo đảm rằng vẫn sẽ như vậy? Điều gì sẽ xảy ra khi Đảng Dân chủ Tiến Bộ (Democratic Progressive Party – DDP) đối lập cầm quyền tại lần bầu cử tới đây?

Tuy DDP cũng cải thiện quan hệ của họ với lục địa. “Trung Quốc đang thay đổi, vì vậy mà DDP cũng không nên có ý rằng nó không cần phải thay đồi”, chủ tịch đảng đương nhiệm Tô Trinh Xương nói. Ông Tô thực tế được bầu làm chủ tịch cho tới tháng Năm 2014. Nhưng không chắc chắn là ông sẽ đứng ra tranh cử vào lần bầu cử tới đây trong năm 2016. Trong DDP còn có những lực lượng mạnh, ủng hộ một nền độc lập cho hòn đảo. Nếu các lực lượng này giành được quyền kiểm soát trong DDP và rồi tiếp theo sau đó là trong lần bầu cử tổng thống thì rồi chúng ta sẽ có một Casus belli [hành động gây ra chiến tranh]. Và rồi Hoa Kỳ sẽ bị bắt buộc. Vì Taiwan Relations Act. Nó buộc người Mỹ phải giúp đỡ trong trường hợp có xung đột quân sự.

“Những người bạn của chúng ta ở Trung Quốc không nên đánh giá quá thấp tình cảm chúng ta giành cho Đài Loan”, Richard Bush và Michael O’Hanlon, chuyên gia Á châu tại Brookings Institution, viết trong quyển sách A War Like No Other của họ. Người Mỹ ủng hộ Đài Loan dân chủ, ngược lại, đối với nước Cộng hòa Nhân dân độc tài thì họ có một quan hệ rất căng thẳng.

Trung Quốc và Hoa Kỳ nghĩ gì về nhau

Họ rất thích học đại học ở Hoa Kỳ, họ xem phim từ Hollywood và nghe nhạc từ New York, họ theo dõi các cầu thủ NBA trên truyền hình, và họ uống latte macchiatos đắt tiền trong một của những quán cà phê Starbucks mà hiện nay có tại gần như mỗi một ngã tư trong các thành phố lớnTrung Quốc. Nhìn sự hâm mộ của người Trung Quốc đối với văn hóa và tiểu văn hóa Mỹ, người ta có thể cho rằng người Trung Quốc có một mối quan hệ thoải mái với người Mỹ.

Phe giết rồng và phe ôm gấu trúc

Thế nhưng mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ là một mối quan hệ mâu thuẫn. Nó là một tình yêu-căm thù. Một mặt, nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ tính sáng tạo và lực cải mới – tuy là đang giảm dần – của người Mỹ, mặt khác, Hoa Kỳ đối với họ là địch thủ lớn tầm chiến lược, người mà theo ý họ đang tìm mọi cách để không cho Trung Quốc trở nên hùng cường. Vì vậy mà trong truyền thông nhà nước, nhưng cả trên nhiều trang mạng cá nhân, Hoa Kỳ được xem như là một mối đe dọa.

“Sự ngờ vực tầm mang tính chiến lược của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ có cội rễ rất sâu xa và trong những năm vừa qua dường như còn sâu thêm nữa”, hai nhà chính trị học Kenneth Lieberthal (Hoa Kỳ) và Vương Tập Tư (Trung Quốc) viết chung trong một bài báo.

Nó tất nhiên là một sự ngờ vực lẫn nhau. Cả người Mỹ cũng có khó khăn với người Trung Quốc và trước hết là quy cho họ tất cả mọi điều xấu có thể nghĩ ra được: người Trung Quốc cướp việc làm của họ, đánh cắp công nghệ của họ và dự định tiến hành một cuộc chiến tranh mạng chống lại họ. Tất cả những nỗi lo sợ không rõ nét này đã nổi lên trong lần tranh cử của năm vừa rồi, khi cả Mitt Romney lẫn Barack Obama luôn với tới công cụ China-Bashing [Đánh Trung Quốc].

Cũng như ở Trung Quốc, mối quan hệ với Trung Quốc ở Hoa Kỳ cũng mâu thuẫn. Một mặt, người ta nhìn những thành công hết sức nhanh chóng của Trung Quốc về mặt kinh tế với một sự ngưỡng mộ nào đó, mặt khác, người ta khinh thường hệ thống chính trị độc tài. Đặc biệt giới tinh hoa Mỷ rất chia rẽ trong câu hỏi đất nước của họ phải đối xử như thế nào với Trung Quốc phi dân chủ đang hùng mạnh lên. Hố chia cắt sâu nhất là trong giới trí thức Mỹ, nơi có hai phái đứng đối diện với nhau mà không thể hòa giải được – dragon slayer và panda hugger – hay theo một cách phân chia phổ biến khác – blue team chốngred team.

Thuộc đội đỏ, những người hiểu Trung Quốc, ngoài những người khác là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Henry Kissinger, hai nhà trí thức Kenneth Lieberthal và John Thornton của Brookings, Charles Freeman (Center for Strategic and International Studies, CSIS) và các đại diện của U.S.-China Bunisess Council. Đứng trong đội xanh đối nghịch là cựu sếp Ngân hàng Thế giới Paul Wolfowitz, nhà báo Bill Gertz của Washington Times cũng như giáo sư kinh tế và tác giả (Death by China) Peter Navarro.

Hai phái tiến hành những cuộc tranh luận gay gắt. Đó một phần là những cuộc thảo luận mang nhiều xúc cảm. Nhưng cuối cùng thì cũng là việc hết sức quan trọng. Đó là câu hỏi liệu Hoa Kỳ có vẫn còn là nhà hoạt động toàn cầu quyết định tất cả mọi việc hay sẽ mất vai trò dẫn đầu về tay Trung Quốc.

Khán giả Mỹ theo dõi cuộc đấu tay đôi này như thế nào, thiện cảm của họ nằm ở đâu? Dường như đa số họ ủng hộ cho đội xanh. Vì theo một khảo sát của Gallup, Trung Quốc được xem như là kẻ thù lớn thứ nhì của đất nước. Chỉ về Bắc Triều Tiên là người Mỹ có một ý kiến xấu hơn vậy.

Hoa Kỳ đối xử với Trung Quốc như thế nào

Chủ tịch Trung Quốc lúc đó, Hồ Cẩm Đào, đã đáp xuống căn cứ không quân Andrews gần Washington vào buổi chiều của ngày 17 tháng Giêng 2011. Vào buổi tối – theo nghi thức là sự công nhận cao nhất cho một người khách nhà nước – có buổi ăn tối riêng với tổng thống trong Tòa Nhà Trắng. Vào ngày hôm sau, 21 phát súng đại bác chào mừng người khách Trung Quốc. Cái ngày có nhiều sự kiện đó chấm dứt với một buổi chiêu đãi có nhiều người nổi tiếng hiện diện, cả từ ngành kinh doan giải trí nữa. Sau khi ăn tôm hùm và bánh táo, huyền thoại nhạc Jazz Mỹ Herbie Hancock và người chơi dương cầm Trung Quốc Lang Lãng đã biểu diễn.

Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Hoa Kỳ

Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Hoa Kỳ

Đó là một cuộc họp thượng đỉnh không có những tiếng nói nghịch tai và đầy sự hài hòa, cái đã diễn ra vào đầu năm 2011 ở Hoa Kỳ. Sau đó, Hồ Cẩm Đào đã nói về một tình thế hai bên cùng có lợi. Các vị khách Trung Quốc thích coi trọng địa vị đã hài lòng, vì họ đã được tiếp đón với những nghi thức danh dự cao nhất, và tổng thống hai cường quốc có thể nói là đã gặp nhau ngang tầm. Chủ nhà Mỹ vui mừng vì hợp đồng xuất khẩu có giá trị 45 tỉ dollar đã được ký kết.

Tất nhiên là có ích và cần thiết, việc người Trung Quốc và người Mỹ đàm thoại với nhau – nhất là trên bình diện cao nhất. Nhưng họ có nói cùng tiếng nói không? Họ có hiểu nhau không? Ở đây thì sự nghi ngờ là thích đáng. “Vấn đề chính trong quan hệ giữa hai nước là sự nghi ngờ lẫn nhau”, Paul Gewitz, giám đốc của China Law Center ở Đại học Yale.

Nó là một sự ngờ vực đã đi kèm theo quan hệ của hai quốc gia từ 1949, với cường độ khác nhau. Quan hệ giữa hai nước luôn dao động rất lớn. Nó luôn phụ thuộc vào thời tiết chính trị thế giới đang thống trị. Trong quyển A Contest for Supremacy của ông, giáo sư Princeton Aaron Friedberg đã chia các quan hệ của hai cường quốc ra thành ba thời kỳ – mỗi thời kỳ bao gồm 20 năm. Ngay sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, người Mỹ đã bắt đầu cô lập và làm mất ổn định Trung Quốc cộng sản. Đó là thời cao trào chống cộng sản ở Hoa Kỳ. Trung Quốc cố gắng xuất khẩu cuộc cách mạng của mình ra thế giới thứ ba. Hoa Kỳ muốn ngăn chận điều đó.

Giai đoạn ngăn chận Trung Quốc đầu tiên này kéo dài cho tới 1969. Chậm nhất là cho tới lúc đó, người Mỹ nhận ra rằng kẻ thù không phải ngồi ở Bắc Kinh, mà là ở Moscow. Trung Quốc đã lộ ra rằng mình là một con cọp giấy, nước Nga ngược lại – ít nhất thì người ta đã tin là như vậy vào thời đó – là một con gấu hung hãn. Vì lúc đó Liên bang Xô viết và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đang đi trên những con dường khác nhau để tiến lên thiên đàng cộng sản, và vì vậy mà tranh cãi với nhau, nên người Mỹ cư xử theo khẩu hiệu “kẻ thù của kẻ thù mà bạn của tôi” và đã tiến gần tới Trung Quốc dưới thời tổng thống Nixon lúc đó. Liên minh Trung Quốc – Hoa Kỳ này kéo dài đúng hai mươi năm – cho tới khi cuộc Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1989. Rồi Liên bang Xô viết sụp đổ. Mặt trận hệ tư tưởng – ở đây là thế giới tự do, ở đó là thế giới cộng sản – thuộc về quá khứ. Vì vậy mà Hoa Kỳ không còn cần Trung Quốc như là đồng minh trong cuộc chinh chiến chống vương quốc Xô viết xấu xa nữa.

Sau 1989, một thời kỳ rất mâu thuẫn của quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu, cái mà nhiều nhà quan sát Hoa Kỳ mô tả với từ congagement. Từ mới này là một sự lai ghép từ containment und engagement, tức là ngăn chận và ràng buộc.

Mâu thuẫn này là hậu quả từ sự lưỡng lự của giới lãnh đạo Mỹ trong việc họ cần phải đối xử như thế nào với Trung Quốc ngày một mạnh lên. Trung Quốc đối với họ không phải là bạn mà cũng không phải là thù. Và Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đồng thời là đối tác, nhưng cũng là kình địch. Dù là Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama – tất cả ba tổng thống Hoa Kỳ đều không có đường lối rõ ràng trong chính sách Trung Quốc của họ. Clinton và Bush, vào đầu nhiệm kỳ của họ, đã nện vào Trung Quốc, để rồi trong những năm sau đó càng lúc càng thân thiện hơn. Ở Obama thì ngược lại. Vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã cố gắng đi theo một đường hướng ôm ấp với Bắc Kinh (cái tuy vậy đã không nhận được nhiều tình yêu thương đáp trả từ ở đó), để rồi quay sang một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Obama sẽ hành động như thế nào đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của ông? Quan hệ sẽ có nhiều xung đột hơn, ngay cả khi các bộ trưởng mới của ông John Kerry (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và Chuck Hagel (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) là bồ câu nhiều hơn là diều hâu. Vì Obama muốn mở rộng hoạt động của người Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Ông đã tuyên bố điều đó váo cuối nhiệm kỳ đầu của ông. Bây giờ thì ông muốn để cho hành động đi theo lời nói trong nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ ông.

Mỹ trở lại châu Á

Vào ngày 17 tháng Mười Một 2011 Barack Obama đọc một bài diễn văn lịch sử trước Quốc hội Úc ở Canberra. Hoa Kỳ trong tương lai sẽ quan tâm nhiều hơn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống nói, người được sinh ra trên Hawai và đã sống một vài năm ở Indonesia, và qua nơi sinh mà cảm nhận mình là một tổng thống của Thái Bình Dương. Hoa Kỳ – theo Obama ở Canberra – sẽ đóng một vai trò lớn hơn và mang tính lâu dài trong việc định hình khu vực này. Và rồi ông nói câu hẳn là đã được trích dẫn nhiều nhất từ bài diễn văn này: “Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi tới đây để ở lại đây.”

Tổng thống Obama phát biểu trước Quốc hội ở Canberra

Tổng thống Obama phát biểu trước Quốc hội ở Canberra

Bài diễn văn Canberra là đỉnh cao của một cuộc tấn công trên truyền thông của người Mỹ. Từ nhiều tháng trước đó, trong nhiều bài báo, phỏng vấn và diễn văn, các bộ trưởng quan trọng nhất của Obama đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại như là một cường quốc Thái Bình Dương. Như Hillary Clinton trong một bài diễn văn tại East-West Center ở Honolulu, rằng thế kỷ 21 của Mỹ sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương. “Thay vì lui về”, theo Clinton ở Hawaii, “chúng ta phải thể hiện sự hiện diện và nhấn mạnh tới yêu cầu lãnh đạo của chúng ta.” Sự định hướng mới sang Viễn Đông này của chính sách ngoại giao và an ninh Mỹ được gọi là pivot, chuyển trục.

Lần trở lại châu Á này của Mỹ, được tuyên bố rất hoành tráng và hùng hồn, khiến cho người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ đã không có mặt ở đây. Nhưng họ có thật sự là đã từng đi khỏi không? Tuy trong thời của Bush, người Mỹ chú tâm tới vùng này có ít hơn một chút vì các hoạt động ở nơi khác (Afghanistan, Iraq), nhưng quân đội của họ lúc nào cũng có mặt ở châu Á.

Nhưng cái mới ở đây là việc quân đội Hoa Kỳ ở Viễn Đông sẽ được tăng cường – mặc cho những vấn đề lớn về ngân sách ở Washington. Lầu Năm Góc phải tiết kiệm ở mọi nơi mọi chỗ, nhưng ngoại trừ khu vựcThái Bình Dương. Obama nói hết sức rõ ràng ở Canberra: “Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ không – tôi nhắc lại – không phương hại gì tới kế hoạch ở châu Á Thái Bình Dương.”

Điều đó có nghĩa cụ thể như thế nào, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Leon Panetta đã giải thích vài tháng sau đó ở Singapore. Trước hết là Thủy Quân Lục Chiến sẽ thể hiện sự hiện diện nhiều hơn nữa trên các vùng biển Thái Bình Dương. Nếu như sự hiện diện của tàu chiến Mỹ giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cho tới nay được phân chia theo tỷ lệ 50:50 thì trong tương lai nó sẽ là 60:40 nghiên về cho Thái Bình Dương. Sáu chiếc hàng không mẫu hạm sẽ có mặt liên tục ở Thái Bình Dương. Và ở Singapore, Panetta cũng tuyên bố trước giới quân đội đã tụ họp lại của vùng này: “Trong những năm tới đây, chúng tôi sẽ tăng số lần cũng như quy mô những cuộc tập trận của chúng tôi ở Thái Bình Dương.”

Vùng này hiện nay quan trọng như thế nào đối với giới quân sự Mỹ, điều này cũng có thể nhận biết được qua việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Martin E. Dempsey, Tổng tham mưu trưởng, cứ hai tuần một lần là có một hội nghị video với viên Tổng Chỉ huy khu vực Đô đốc Samuel J. Locklear. Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, một trao đổi liên tục như vậy thông thường là chỉ với những vùng đang có chiến tranh.

Người Á phản ứng như thế nào trước sự trở lại của người Mỹ? Mâu thuẫn. Đồng minh như Nhật Bản thì chào mừng bước đi này. Ấn Độ cũng vỗ tay, nhưng có hơi dè dặt. Ở Malaysia và Indonesia thì người ta dè dặt hơn. Ở đó, người ta lo ngại rằng căng thẳng trong vùng do sự kình địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà sẽ tăng lên. Đặc biệt các quốc gia ASEAN lo ngại rằng người ta sẽ bị lôi kéo trong một cuộc xung đột giữa hai cường quốc. Những nước này muốn không phài ủng hộ một phía. Vì vậy mà trước tiên là họ tìm tới quan hệ tốt với cả hai. Với Trung Quốc, vì gã khổng lồ châu Á là đối tác kinh tế quan trọng nhất của họ; với Hoa Kỳ vì nước này đưa cho họ sự an toàn cần thiết, nếu như người Trung Quốc phát triển và muốn thỏa mãn những thèm muốn bá chủ toàn cầu hay ít nhất là trong vùng.

Nhưng người Đông Nam Á còn có thể đi dây như vậy thêm bao nhiêu lâu nữa? Khi nào thì giờ khắc quyết định sẽ đến?

Ngay từ bây giờ đã có thể nhận thấy được rằng liên minh ASEAN đang vỡ ra và có nguy cơ tan rã ra thành hai phe, một phe theo Trung Quốc và một phe theo Mỹ. Hai thế lực này đang ra sức ve vãn tình cảm ở trong vùng. Mới đây, Hoa Kỳ đã bổ nhiệm một đại sứ tại ban thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta của Indonesia, như là một dấu hiệu cho sự gắn bó mới của họ.

Người Đông Nam Á đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không có nhiều tự do lựa chọn. Ngay từ bây giờ thì từ ngữ “Phần Lan hóa” đã lan đi trong vùng này. Vào thời của một Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, cung cách đối xử rẻ tiền, thận trọng của Phần Lan đối với láng giềng Liên bang Xô viết to lớn của họ được gọi là Phần Lan hóa. Các quốc gia láng giềng châu Á của Trung Quốc bây giờ đang ở trong cùng một vai trò như Phần Lan ngày xưa. Họ phải tự dàn xếp như thế nào đó với gã khổng lồ hùng mạnh ở phía Bắc.

Ngay cả Australia xa xôi hơn một chút cũng bị vướng vào trong cùng một tình thế tiến thoái lưỡng nan như các nước láng giềng châu Á trong vùng. Cả châu lục thứ năm cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng phụ thuộc Hoa Kỳ về mặt chính trị-quân sự. Câu hỏi, Australia trong tương lai phải hướng tới ai, được thảo luận sôi nổi. Chuyên gia quốc phòng và giáo sư chính trị Hugh White đã kêu gọi trong bài viết được chú ý và thảo luận nhiều của ông, Power Shift: Australia’s Future Between Washington and Beijing, rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải cộng tác trong vùng thay vì kình địch với nhau. Tuy vậy, điều đó có nghĩa là người Mỹ phải lui bước. Do đó mà White đề nghị: “Chúng ta nên thuyết phục người Mỹ ở lại, nhưng không thống trị.”

Hiện giờ thì tất nhiên là trông không có vẻ như người Mỹ sẽ trở nên khiêm tốn hơn trong vùng này. Còn ngược lại: Họ – cũng như người Trung Quốc đang tăng cường vũ trang và bành trướng lãnh thổ – đang chơi một trò chơi kép. Họ muốn bao vây Trung Quốc về mặt quân sự và ngăn chận về mặt kinh tế.

Một khối thương mại chống Trung Quốc

Một vùng tự do thương mại quanh Thái Bình Dương: bên này là các quốc gia châu Mỹ, bên kia là các quốc gia châu Á – đó là giấc mơ to lớn của người Mỹ, giấc mơ mà họ muốn hiện thực nó trong những năm tới đây. Giấc mơ này mang cái tên tương đối phi lãng mạn Trans-Pacific Partnership (TPP). Mười một quốc gia hiện đang thương lượng về một hiệp ước như vậy, trong đó là Hoa Kỳ, Spiritus Rector [“tinh thần dẫn đầu”] của TPP, Australia, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Nước Nhật cũng đã bày tỏ sự quan tâm của mình.

Trans-Pacific Partnership (TPP)

Trans-Pacific Partnership (TPP).

Vào cuối một quá trình thương lượng dài, vùng tự do thương mại lớn nhất thế giới có thể sẽ thành hình mà trong đó hàng hóa và dịch vụ có thể lưu thông không gặp những trở ngại lớn như thuế quan. Tất cả các thành viên của vùng sẽ có thêm tăng trưởng – ít nhất là trên lý thuyết.

Chỉ có một đất nước sẽ không hưởng lợi từ đó: Trung Quốc. Người Trung Quốc không có mặt trong các cuộc thương lượng. TPP này – ngay cả khi người Mỹ không nói ra – có định hướng chống Trung Quốc. Tuy là họ tuyên bố công khai, cả Trung Quốc cũng có thể tham gia vào vùng này, ví dụ như Barack Obama đã nói trong bài diễn văn Canberra nổi tiếng của ông. Nhưng đồng thời, người Mỹ lại đặt ra cho người Trung Quốc những điều kiện cao tới mức họ sẽ không bao giờ muốn và có thể tham gia. Trước hết là các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, về các tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường cũng như về các công ty nhà nước đã được lập ra sao cho người Trung Quốc không thể chấp nhận chúng được.

Hoa Kỳ đẩy mạnh các cuộc thương lượng về TPP trước hết là từ hai động cơ. Thứ nhất, họ hy vọng qua thương mại tăng lên với các quốc gia TPP mà sẽ có được kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế đang dậm chân tại chỗ của họ. Và thứ nhì, họ muốn qua đó mà ngăn chận ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong châu Á.

Vì người Mỹ đang lo lắng về thế thống trị kinh tế của Trung Quốc trong châu Á còn lại. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong gần như tất cả các nước trong vùng. Điều này tạo ra sự phụ thuộc mà Hoa Kỳ không thích nhìn thấy. Ngoài ra, họ lo sợ sẽ bị loại trừ ra về kinh tế. Họ có ít hiệp định thương mại tự do với các nước châu Á hơn là Trung Quốc.

Người Trung Quốc đã sớm có các hiệp định song phương và đa phương với mười quốc gia ASEAN và các nước khác của khu vực Thái Bình Dương. Hiệp định quan trọng nhất cho tới nay là Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAn và Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng 2010. Với 1,9 tỷ người và tổng số thương mại gần 500 tỷ, nó là khối thương mại lớn thứ ba của thế giới – sau EU và North American Free trade Agreement NAFTA (Hoa Kỳ, Canada và Mexico).

Với TPP trên kế hoạch, bây giờ người Mỹ muốn bắt đầu chống lại các liên minh về kinh tế của người Trung Quốc. Và đó không phải là showdown duy nhất của hai cường quốc thế giới trong vùng này.

Liên minh quân sự chống Trung Quốc

Guam là một hòn đảo nhỏ ở giữa Thái Bình Dương, cách Hongkong bốn và cách Hawaii sáu giờ bay. Từ 1899, Guam là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Nó có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với Hoa kỳ. Nó là tiền đồn cực Tây của họ ở Thái Bình Dương. Từ đây, máy bay và tàu chiến của họ có thể khởi hành hướng về châu Á trong trường hợp khẩn cấp.

Đối với người Mỹ thì hòn đảo này giống như một chiếc hàng không mẫu hạm nằm tại chỗ. Đóng trên Anderson Air Force Base là những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52 cũng như những chiếc máy bay chiến đấu F-15 và F-22. Đường băng cất và hạ cánh vừa được cải mới cho chúng. Người Mỹ đã tốn tổng cộng 40 tỉ dollar vào trong việc hiện đại hóa căn cứ Guam.

Một chiếc F-15 đang cất cánh tại Anderson Air Force Base trên đảo Guam.

Một chiếc F-15 đang cất cánh tại Anderson Air Force Base trên đảo Guam.

Ngay từ những năm 60 và 70 trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, Guam đã đóng một vai trò chiến lược quan trọng, Và ngày nay, Guam lại cũng quan trọng giống như vậy đối với người Mỹ. Nhưng dẫu cho Guam là một mảnh ghép rất quan trọng, thì nó cũng chỉ là một mảnh ghép trong chiến lược châu Á mới của Mỹ.

Trong những năm vừa qua, giới quân sự Mỹ đã khéo léo mở rộng các quan hệ thân thiện cũ trong vùng và giao kết quan hệ mới – từ Đông Á qua Đông Nam Á cho tới Nam Á, từ Nhật cho tới Ấn:

Nhật Bản: đồng minh trung thành nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là Nhật Bản. Hai quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau qua một hiệp ước an ninh. Treaty of Mutual Cooperation and Security netween the United States and Japan, được ký kết năm 1960, quy định hai quốc gia hỗ trợ cho nhau nếu như lãnh thổ của họ bị tấn công. Tròn 38.000 người lính Mỹ từ mọi binh chủng đóng quân ở Nhật.

Hoa Kỳ rất muốn mở rộng liên minh với nước Nhật qua Hàn Quốc. Cũng đã có những cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên của ba quốc gia. Nhưng đề tài này rất nhạy cảm, vì Hàn Quốc và Nhật Bản có những mối hận thù lịch sử. Ví dụ như hiệp ước quân sự đầu tiên giữa Seol và Tokio đã bị hủy chỉ vài giờ trước khi ký kết vào cuối tháng Sáu 2012.

Nam Hàn: Đối với Hoa Kỳ, Nam Hàn giống như một cậu trẻ gương mẫu về quân sự. Người Hàn Quốc nhộn nhịp tăng cường vũ trang từ nhiều năm nay. Tỷ lệ chi phí cho quân đội trên tổng sản phẩm quốc dân cao hơn là ở Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa Kỳ còn đóng tròn 28.000 người lính trên Hàn Quốc. Tuy Hàn Quốc và Trung Quốc có gắn kết chặt chẽ về kinh tế, và họ có cùng trải nghiệm gây chấn thương của thời Nhật Bản chiếm đóng, nhưng hai láng giềng này cũng không còn có điểm chung nào nữa. “Không có điều gì cho thấy rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành đồng minh quan trọng nhất của Nam Hàn trong tương lai gần đây”, Sebastian Heilmann và Dirk Schmidt viết. Nam Hàn sẽ vẫn ở bên phe của Mỹ.

Philippinies: Đó là một nghi thức mang tính tượng trưng trên chiếc USS Fitzgerald trong vịnh Manila. Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời đó Hillary Clinton đã nhân chuyến đi thăm của bà trên chiếc tàu hàng không mẫu hạm vào giữa tháng Mười Một 2011 để đưa ra một lời phát biểu rõ ràng: “Hòa Kỳ sẽ luôn luôn đứng bên cạnh Philippines, và chúng tôi sẽ chiến đấu cùng với các anh.” Tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và quốc đảo này không phải lúc nào cũng chặt như vậy. Vào đầu những năm 90, người Mỹ đã phải đóng cửa căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic Bay trên Philippines. Bây giờ, người Mỹ quay lại – tất nhiên là với những đơn vị nhỏ hơn, nhưng có sức chiến đấu mạnh hơn. Giới quân đội Philippines cần sự giúp đỡ này, vì trước hết là hải quân của họ bị cho rằng không có nhiều sức chiến đấu cho lắm. Lực lượng này nhỏ và phải dùng vật liệu lỗi thời. Về mặt thể chế, Hoa Kỳ và Philippines cũng thắt chặt quan hệ của họ. Năm 2012 là lần đầu tiên có những cuộc trao đổi được gọi là 2+2 mà các bộ trưởng bộ ngoại giao và quốc phòng của hai nước gặp nhau ở đó.

Tàu sân bay tấn công đổ bộ USS Essex ở Subic Bay

Tàu sân bay tấn công đổ bộ USS Essex ở Subic Bay

Việt Nam: Lần đầu tiên sau 30 năm, một bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lại đến thăm vịnh Cam Ranh vào đầu tháng Sáu năm 2012. Leon Panetta nói rất đúng – với một chiếc mũ bóng chày trên đầu – trên tàu USS Richard E. Byrd: “Đây là một chuyến đi lịch sử.” Vịnh Cam Ranh, nằm trong Nam Việt Nam trước đây, là một căn cứ hải quân quan trọng đối với người Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Thời đó, họ xây mở rộng nó thành cảng tự nhiên lớn nhất của Đông Á. Và bây giờ thì người Mỹ đã trở lại, họ lại được phép cập cảng này. Gần 40 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt lại có những cuộc tập dượt quân sự của hai địch thủ ngày xưa. Chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington và tàu khu trục hạm USS John McCain đã cùng tập dượt với hải quân Việt Nam trên biển Đông. Đi kèm theo những lần tập dượt quân sự đó là những cuộc trao đổi tích cực trên bình diện chính trị cao nhất. Từ 2009 đã có US-Vietnam Political, Security and Defence Dialogue được thể chế hóa. Người Mỹ còn muốn tăng cường thêm cho các quan hệ. Họ cố gắng vươn tới một đối tác chiến lược với nước cộng sản này. Người Mỹ còn chưa cung cấp – ít nhất là chính thức – vũ khí. Việt Nam, nước đã tăng cường vũ trang mạnh trong những năm vừa qua, mua theo truyền thống ở Nga. Họ vừa mới đặt máy bay chiến đấu Su-30 và sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo. Chí phí tổng cộng: 3,2 tỷ dollar.

Myanmar: Cả một thời gian dài là một quốc gia bị bài xích, Myanmar – Miến Điện trước đây – đã biến đổi trong những năm vừa qua. Chính phủ dân sự đang cầm quyền, vẫn còn bị giới quân đội thống lĩnh, tạo cho mình một lớp sơn dân chủ, cuối cùng cũng để cho nữ chính khách đối lập nổi tiếng thế giới Aung San Suu Kyi vào Quốc Hội. Và bất thình lình, các quốc gia Phương Tây ve vãn chính quyền mới. Hillary Clinton tới thăm vào cuối tháng Mười Một 2011 như là chính trị gia hàng đầu đầu tiên của Phương Tây, và trong tháng Mười Một 2012, Barack Obama vừa tái đắt cử đã lướt qua cựu thủ đô Yangoon của Miến Điện sáu giờ đồng hồ trong chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên (!) của mình. Cũng đã có những cuộc trao đổi bí mật giữa các chuyên gia quân đội hai bên với mục đích đào tạo người quân đội Miến Điện ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ bây giờ hưởng lợi từ việc rằng cả trong thời tẩy chay bởi Phương Tây, họ luôn giữ tiếp xúc không chính thức với giới quân đội. Hoa Kỳ là nước Phương Tây duy nhất có một tùy viên quân sự trong sứ quán của họ.

Thái Lan: Quan hệ với Thái Lan là một trong những quan hệ đối tác lâu đời nhất giữa Hoa Kỳ và một nước châu Á. Nó bắt nguồn từ một hiệp ước năm 1833. Thế nhưng trong những năm vừa qua, quan hệ giữa hai đối tác lâu năm này đã trì trệ. Đồng thời, các quan hệ của Thái Lan đối với Trung Quốc lại ngày một tốt hơn. Ian Storey, chuyên gia ở International Institute for Strategic Studies (IISS) tại Singapore, nói: “Trong tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á, Thái Lan có những quan hệ quân sự chặt chẽ nhất với Trung Quốc.”

Singapore: Quốc đảo nằm ở khởi điểm của Eo biển Malacca cho phép bốn chiếc tàu chiến siêu nhanh của người Mỹ, những cái được gọi là Littoral Combat Ships (LCS) thường xuyên cập bến cảng Singapore. Chiếc đầu tiên của những tảu này đến đó vào trong mùa Xuân 2013 và được phép đóng ở đó mười tháng. Singapore đồng minh tuy không phải là một căn cứ quân sự chính thức của người Mỹ, nhưng người ta có thể gọi đó là một căn cứ trên thực tế.

Indonesia: Cả một thời gian dài, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Indonesia bị trục trặc. Nhưng từ khi đất nước này biến đổi từ một chế độ độc tài sang một nền dân chủ bền vững, Hoa Kỳ và Indonesia đã tiến lại gần nhau. Trong năm 2010, một Comprehensive Partnership Agreement được ký kết, cái cũng bao gồm cả một cộng tác quân sự. Hiện nay, người Mỹ cũng cung cấp vũ khí cho quân đội Indonesia, ví dụ như hai chục chiếc máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng và tám chiếc trực thăng Apache mới tinh.

Úc: Hoa Kỳ và Úc có một truyền thống cộng tác quân sự trên 60 năm. Sự cộng tác này còn được tăng cường thêm trong những năm vừa qua. Trong một thỏa thuận trong tháng Chín năm 2011, Úc cho phép Hoa Kỳ tiếp cận không giới hạn các căn cứ và cảng quân sự của Úc. Có tầm quan trọng đặc biệt trong đó là Darwin, thành phố cảng ở miền Tây Bắc của Úc. Thành phố này nằm gần biển Đông nhất. Người Mỹ muốn đóng tròn 2500 lính Thủy quân Lục chiến ở đó, Darwin cũng có thể được mở rộng thành căn cứ cho máy bay Hoa Kỳ, vì Guam đơn giản là nằm cách quá xa những điểm nóng trong tương lai.

Ấn Độ: Dưới thời của Tổng thống George W. Bush, một hiệp ước bảo vệ (New Framework for the US-India Defense relationship) có hạn mười năm được ký kết năm 2005 giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Sự tiếp cận về quân sự này diễn ra tiếp tục dưới thời Obama. Ấn Độ, cả một thời gian dài phụ thuộc vào vũ khí do Nga cung cấp, hiện nay đã mua ngày càng nhiều trên thị trường vũ trang Mỹ. Dù là pháo siêu âm, trực thăng có trang bị hỏa tiển hay máy bay vận tải – hiện giờ thì người Mỹ sẵn sàng thỏa mãn các ước muốn của quân đội Ấn.

Tập trận ở biển Hoa Đông với sự tham gia của hải quân Hoa Kỳ.

Tập trận ở biển Hoa Đông với sự tham gia của hải quân Hoa Kỳ.

Bên cạnh nhiều liên minh và hợp tác đa phương này, người Mỹ cũng cỗ vũ cho sự cộng tác về quân sự giữa các đối tác châu Á của họ. Dấu hiệu rõ rệt nhất là con số tăng lên của những cuộc tập trận trên Thái Bình Dương mà thường có nhiều quốc gia tham dự.

Trước những hoạt động đa dạng về quân sự này của người Mỹ ở châu Á, người Trung Quốc có cảm giác họ bị Hoa Kỳ và bạn bè hay đồng minh của nó bao vây. Họ nhìn thấy một vòng vây theo dạng của một chữ C lớn, cái trải dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á cho tới Ấn Độ. Đái Húc, đại tá không quân Trung Quốc còn nhìn thấy cả một NATO Á châu đang thành hình.

Người Mỹ tất nhiên là chối cãi việc họ muốn bao vây hay ngăn chận Trung Quốc. Dù đó là Obama, Biden phó của ông hay giới cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ – họ phủ nhận làu làu là có những ý định xấu xa như vậy. Ví dụ như Phó Tổng thống Joseph R. Biden thường hay nói: “Tôi dứt khoát cự tuyệt những ý nghĩ của một sự bao vây.”

Nhưng người ta không cần phải là chuyên gia quân sự để nhận ra một mâu thuẫn lớn giữa những lời nói và việc làm này. Chính sách liên minh trong những năm vừa qua của Mỹ ở châu Á cần phải chống lại ai nếu như không chống lại Trung Quốc?

Người ta cũng phải lên án cả người Trung Quốc vì sự không thành thật này. Họ ngây thơ tuyên bố rằng họ không có ý định làm bá chủ ở châu Á, thế nhưng hành động của họ đã cho thấy rằng họ nói dối.

Thuyết Monroe của Trung Quốc

James Monroe là tổng thống thứ năm của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Việc tên của ông cho tới nay vẫn còn hiện hành đối với nhiều sử gia và nhà chính trị học có nguyên nhân của nó trong bài diễn văn của Monroe về tình hình quốc gia mà ông đã trình bày trước Quốc Hội Mỹ ngày 2 tháng Mười Hai năm 1823. Lúc đó, ông tuyên bố rằng người Âu không nên xen vào Mỹ – và trong đó ông có ý muốn nói cả phần phía Bắc lẫn phía Nam của lục địa. Và nếu như các thế lực châu Âu tuy vậy vẫn dám, ví dụ như can thiệp vào trong các thuộc địa trước đây của họ ở châu Mỹ La tinh, thì ông đe dọa sẽ có chiến tranh.

Nguồn: Center for Strategic and Budgetary Assessment. | Greg Jaffe, Gene Thorp, Bill Webster/The Washington Post

Nguồn: Center for Strategic and Budgetary Assessment. | Greg Jaffe, Gene Thorp, Bill Webster/The Washington Post

Quan điểm này của Monroe đi vào sử sách như là thuyết Monroe. Nó nói rằng một thế lực bá chủ địa phương – trong trường hợp này là Hoa Kỳ – sẽ giơ bàn tay bảo vệ ra trên vùng cùa nó và sẽ không nhân nhượng bất cứ thế lực nào khác trên sân sau của nó. Ai không lưu jtâm tới điều này thì phải dự tính trước với sự phản công bằng quân sự của thế lực bảo hộ.

Bây giờ thì người Trung Quốc cũng có ý định giống như vậy. Họ muốn là quyền lực thống trị ở châu Á, và muốn đẩy lùi tất cả những ai theo cách nhìn của họ là không có dính líu gì tới. Và qua đó tất nhiên là họ có ý muốn nói tới người mỹ trước tiên. Nhà chính trị học ở Chigaco John Mearsheimer kh6ng thể nhận ra điều gì xấu xa trong hành vi này: “Tại sao người trung Quốc không được phép có một học thuyết Monroe như chúng ta đã từng có?”

Người Trung Quốc không ủng hộ rõ ràng và công khai cho việc người Mỹ rút lui ra khỏi Tây thái Bình Dương. Thế như hành động Trung Quốc gợi ý điều này.

Giới quân đội trung Quốc hiện nay đã có một kho lớn những thứ vũ khí được gọi là Anti-Access/Area-Denial (A2/AD) mà với chúng người Trung Quốc muốn ngăn cản không cho người Mỹ bước vào Hoàng Hà, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Thuộc vào trong số đó là các tên lữa di động tầm ngắn với tầm hoạt độnt trên 1000 kilômét. Người ta cho rằng Trung Quốc đã sở hữu hơn 1100 tên lửa như vậy.

Người trung Quốc vẫn còn phát triển loại vũ khí quan trọng nhất của họ để giữa cho người Mỹ đừng tiến tới gần. Nó đã có một cái tên: Đông Phong 21D. Tức là Gió Đông. Và thứ vũ khí ký diệu này cũng được hướng về phía Đông, tức là Thái Bình Dương. Vũ khí kỳ diệu, vì từ đất liền nó có thể bắn trúng chính xác ví dụ như hàng không mẫu hạm trên biển. Một loại tên lửa nhu vậy cho tới nay là chưa có. Vào lúc cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết thống nhất với nhau không phát triển một loại vũ khí như vậy, vì nó rất đắt tiền.

Thế nhưng rõ ràng là tiền không đóng vai trò nào ở người Trung Quốc cả.  Sự phát triển Đông Phong 21 được cho là đã tiến triển khá xa, ngay khi theo ý kiến của các chuyên gia thì còn phải thữ nghiệm nhiều năm liền, cho tới khi vũ khí này thật sự có thể được sử dụng. Người Trung Quốc không phủ nhận là họ đang phát triển một loại vũ khí như vậy, nhưng ngây thơ tuyên bố rằng họ chỉ sẽ sử dụng nó để phòng vệ chớ không tấn công.

Loại tên lửa đất chống hạm đầu tiên trên thế giới này được các chuyên gia quân sự như đô đốc người Mỹ hiện đã về hưu Robert Willard xếp vào hàng game changer. Nó sẽ làm thay đổi sâu sắc tương quan lực lượng ở Thái Bình Dương, và là nghiên cán cân về cho người Trung Quốc. Cho tới nay, Hoa Kỳ thống trị Thái Bình Dương với những chiếc hàng không mẫu hạm của họ. Nhưng nếu như những chiếc tàu này có thể bị Đông Phong 21D tấn công, thì sự thống trị Thái Bình Dương của Mỹ sẽ thuộc về quá khứ.

Nhưng cả quyền bá chủ trên không của người Mỹ cũng ngày càng bị hoài nghi. Một nghiên cứu của Rand Corporation (Shaking the Heavens and Splitting the Earth) đi tới kết luận rằng trong vòng năm năm tới đây, không quân Trung Quốc có thể thách thức ưu thế của Hoa Kỳ và đồng minh của nó. Đối với tác giả Roger Cliff là Trung Quốc là “người đầu tiên thách thức ưu thế trên không của Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên”.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ không tự nguyện và không rời bỏ Tây Thái Bình Dương mà không đấu tranh. Họ trả lời sự tăng cường vũ trang của Trung Quốc với phương án mới của AirSea Battle, được trình bày trong một bản ghi nhớ trong tháng Chín 2009. Phương án này tương đương với phương án Air-Land-Battle trong thời của cuộc Chiến tranh Lạnh, và kết hợp hết sức chặt chẽ các lực lượng hải quân và không quân. Trong tháng Mười Một 2011, một phòng điều phối mới trong Lầu Năm Góc đã được thiết lập riêng cho việc này.

Người Trung Quốc đã đe dọa, rằng họ – nếu người Mỹ tiếp tục theo đuổi phương án AirSea Battle và cũng thực hiện nó – sẽ trả lời với một dự án đối lại.

Vì vậy mà vòng xoáy tăng cường vũ trang cứ tiếp tục xoay, và đứng ở kết cuộc cay đắng của nó có thể là một cuộc xung đột vũ trang ở Thái Bình Dương, và cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì có thể trở thành một cuộc chiến tranh nóng.

Lời kết

Lời tiên đoán tối tăm về một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì có buộc phải thật sự xảy ra hay không? Có bắt buộc phải dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang trong vùng khủng hoảng mới của Tây Thái Bình Dương hay không? Hay có những khả năng có thể ngăn chận kịch bản Worst Case này?

Có chúng. Nhưng phải thay đổi nhiều thứ và việc này nên xảy ra đồng thời, và là cả ở những nhân vật đang hoạt động (đó trước hết Trung Quốc và Hoa Kỳ),  cũng như ở nhân vật cho tới nay vẫn không hoạt động EU.

Đầu tiên, Phương Tây phải giải quyết vấn đề về tính cách của mình. Trong tròn 250 năm vừa qua, Phương Tây đã vượt trội hơn tất cả các vùng khác của thế giới này – về kinh tế, công nghệ và quân sự. Lúc đầu, người Anh là cường quốc thống trị thế giới, rồi tới người Mỹ. Thế nhưng những người này đang ở trong một tình trạng suy tàn tương đối từ nhiều năm nay, cái đã tăng tốc thêm một lần nữa sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Phương Tây và đặc biệt là Hoa Kỳ đã không chấp nhận việc đang mất dần tầm quan trọng này, và vẫn còn cảm thấy mình đang ở trong một vị trí của kẻ mạnh. Nhiều người Mỹ trước sau vẫn còn suy nghĩ giống như cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hillary Clinton: “Tôi biết rằng người ta hoài nghi vị thế cường quốc thế giới của chúng ta. Đó là một bài ca mà cứ vài năm là lại được hát một lần. [Nhưng] khả năng của chúng ta, luôn bước ra khỏi một cuộc khủng hoảng với sức lực mạnh hơn, là độc nhất vô nhị trong lịch sử hiện đại.” Câu khẩu hiệu là: Chúng ta đã luôn thành công, tức là lần này chúng ta cũng sẽ thành công..

Ngược với tính lạc quan nội tại này của các chính trị gia Mỹ, các nhà chiến lược của các mật vụ Mỹ phán xét gần hiện thực hơn một chút. Như National Intelligence Council đã nhận dịnh trong Global Trends 1030 – đã được xuất bản trong tháng Mười Hai 2012: “Pax Americana đang nhanh chóng tiến tới kết cuộc của nó.”

Chúng ta ở Phương Tây, tức người Mỹ và người Âu, cuối cùng cũng phải nhận thức rằng chúng ta đang ở trong một giai đoạn suy tàn tương đối. Điều đó không có nghĩa là chúng ta đứng nhúng nhường xếp hàng chào tại lần suy tàn của chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải học cách đối phó với nó. Quản lý thành công lần suy tàn của châu Âu, chuyên gia đối ngoại Eberhard Sandschneider đã gọi điều đó nhu vậy.

Trong lúc đó, chúng ta nên nhìn vào hiện thực. Và bây giờ thì hiện thực, dù chúng ta có thích nó hay không, là điều này: Trung Quốc ngày một mạnh hơn về kinh tế, trữ những lượng tiền khổng lồ, cũng rút ngắn khoảng cách cả về công nghệ và tiếp tục tăng cường vũ trang. Trong một sự pha trộn của kiêu căng và không am hiểu, chúng ta cảm thấy khó chấp nhận được sự phát triển này.

Từ nhiều năm nay, các nhà tận thế của Phương Tây đã phỏng đoán lần sụp đổ về kinh tế và chính trị của hệ thống ở đó. Những người có ý tốt ở Phương Tây dựa trên cách thức đã được thử thách trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất “biến đổi qua thương mại”. Trung Quốc càng được tích hợp vào nền kinh tế thế giới (hoạt động theo các quy luật của Phương Tây) thì nó sẽ càng trở nên giống Phương Tây. Cho tới nay thì cả hai điều này đã không xảy ra. Trung Quốc không sụp đổ mà cũng không bị Tây Phương hóa.

Trung Quốc là một cường quốc sui generis [loại mới], hoạt động cả theo hinh thức kinh tế thị trường lẫn can thiệp trên bình diện nhà nước, và có cấu trúc đồng thời là tư bản (kinh tế) lẫn lêninít (chính trị). Chúng ta ở Phương Tây phải học cách sống với Trung Quốc có đầu giống thần Janus [trong thần thoại La Mã, có hai mặt] này. Chỉ là làm sao? Trong hòa bình hay trong xung đột?

Hiện nay, cả hai – thế lực dẫn đầu Phương Tây Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một mạnh hơn – đang đi theo đường hướng xung đột. Đó là một chính sách sai lầm và nguy hiểm. Henry Kissinger đã đúng khi ông nói. “Hoa Kỳ không nên tiếp nhận sự xung đột như là chiến lược được lựa chọn của họ.” Bậc thầy về chiến lược này vì vậy mà ủng hộ cho một Pacific Community, bao gồm cả Trung Quốc chớ không loại trừ nó. Chuyên gia chính trị người Úc Hugh White cũng có suy nghĩ tương tự, người đề ngị một Sino-US-Condominium. Nhưng không nên hiểu đó là một G2, đã từng được Fred Bergsten nghĩ tới và đã tìm được một vài người ủng hộ như Zbigniev Brezinski và cựu giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick. Ý tưởng lưỡng cực này đã nhanh chóng biến mất khỏi chương trình nghị sự chính trị vì phần còn lại của thế giới không muốn cúi mình xuống dưới sự áp đặt của hai cường quốc.

Sự cộng tác của cường quốc cũ và mới – và đó là ý tưởng của Kissinger – cần được giới hạn ở khu vực Thái Bình Dương. Thế nhưng điều này đòi hỏi cả hai bên phải thay đổi hoàn toàn cung cách cư xử. Hoa Kỳ cần phải giảm bớt phô diễm sức mạnh quân sự của họ ở châu Á. Trung Quốc ngược lại phải chấm dứt các trò chơi bắp thịt của mình ở Biển Đông. Thay vì tàu thuyền và máy bay, người Trung Quốc tốt hơn nên gởi phái viên tới bàn thương  lượng. Và ở đó cần nên thảo luận đa phương, chứ không phải – như Trung Quốc muốn – song phương. Ngoài ra, như là biện pháp gây tin tưởng, Trung Quốc cuối cùng cũng phải tạo sự munh bạch trong chính sách quân sự và vũ trang của mình.

Cả hai thế lực sẽ khó mà lui lại. Nhưng một thế lực thứ ba có thể giúp họ trong lúc đó. Ví dụ như châu Âu. Châu Âu? Liên minh châu Âu có thể nào hay cần phải đóng một vai trò “ở dưới đó” không. Chúng ta [người Âu] – bây giờ nhiều người sẽ nghĩ và nói – không phải là một thế lực ở Thái Bình Dương. Chúng ta không có lợi ích chiến lược ở đó. Nhưng chính vì không có tham vọng chiến lược và động cơ được che dấu mà EU tựa như được định trước cho vai trò của một người môi giới trung thực trong vùng.

Tại nhiệm vụ làm trung gian này, châu Âu có thể chào mời nhiều điều, đặc biệt là việc người ta có thể giải quyết các xung đột xuyên biên giới như thế nào. Chỉ cần nhắc lại Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu, cái trong thời của cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất đã đóng một vai trò không phải là không quan trọng và đã góp phần cơ bản vào việc làm giảm bớt căng thẳng của xung đột Đông-Tây. Tại sao lại không sáng lập một hội nghị về an ninh và hợp tác ở châu Á?

Vì châu Á thiếu một cấu trúc an ninh./.

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

3 thoughts on “Chiến tranh Lạnh

  1. Xin Cám Ơn Anh Phan Ba. Tôi đã vào thăm trang phanba.wordpress.com. Cũng đã đọc rất nhiều ”tài-liệu” hay của Anh về các khía-cạnh khác nhau thuộc về Lịch-Sử, có liên-quan đến VN chúng-ta trong rất nhiều giai-đoạn theo năm-tháng đã trôi qua. Để nhận ra 1 điều = sự hiểu-biết của tôi còn hạn-hẹp lắm, nhờ vào trang riêng của Anh, cũng như công-sức của Anh = lược-dịch+sưu-tập rất nhiều tài-liệu hay+ý-nghĩa, để cho tôi và các Bạn có cùng chung 1 sở-thích, muốn đọc+hiểu-biết thêm những gì đã xẩy ra trong quá-khứ, khi độ tuổi còn quá nhỏ hoặc chưa sinh ra, biết để có thêm nhiều nhận-thức+phán-đoán về từng giai-đoạn lịch-sử của đất-nước Việt-Nam……Cũng xin phép Anh, cho tôi được phép mang về trang Facebook của tôi 1 số đề-mục hay của Anh…..Cầu-chúc Anh = thêm nhiều sức-khoẻ+tinh-thần – trí-tuệ luôn minh-mẫn, sáng-suốt, để có thêm nhiều tài-liệu+bài viết hay như những bài Anh đã đăng trong trang của Anh………Cám ơn Anh.

  2. Tôi đã đọc bài dịch rất công phu của anh. Tác phẩm bàn rất sâu và rộng về vị thế của Trung Cộng với các láng giềng và phương Tây, từ kinh tế quân sự đến địa dư, tài nguyên và chính sách đối nội đối ngoại ngay cả tiền tệ….Rất khai mở cho bạn đọc hiểu được quyền lực mềm của Chủ nghĩa tư bản Nhà nước đến từ đâu và sức mạnh cũng như sự khéo léo quản trị của TC học hỏi được, cũng từ phương Tây mà ra cả.

    Tác giả đặt vấn đề hiệu quả ẩn trong khung của toàn bài, khiến tôi liên tưởng đến một thế giới khô khốc, tính toán và quyền lực ngự trị biến con người thành một cỗ máy robot. Không hơn và không kém…

    Cái gì không đem lại TỰ DO và CƠ HỘI ĐỒNG ĐỀU cho con người thì nó chỉ tích tụ quyền lực, sự giả dối và ban phát trong sự kiểm soát. Đó là chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Cộng vậy.

    Cầu mong Tây Phương đừng bắt chước để xã hội mục rỗng, vô cảm và nhân cách bị méo mó giống như xã hội TQ. Xã hội đề cao hai giá trị mà thôi: Tiền và Trật Tự!

    Thật là ớn lạnh….

Bình luận về bài viết này