Giờ đã điểm cho các tướng lãnh ở Sài Gòn

Karl-Heinz Janßen, báo Die Zeit (Thời Báo), 25 tháng Tư 1975

Phan Ba dịch

Meine, meine, tekel, upharsin [Cựu Ước, Sách của Daniel: Chúa đã đếm những ngày còn lại của vương quốc ngươi và sẽ chấm dứt nó] – dấu hiệu báo trước không muốn rời khỏi bức tường của Dinh Tổng thống. Vào ngày thứ Tư, kẻ địch đã tràn ngập thành phố quê hương Phan Rang cạnh biển Đông của ông; vào ngày thứ Năm, đồng minh Campuchia của ông ở Phnom Penh đã bỏ vũ khí xuống trước Khmer Đỏ; vào ngày Chủ Nhật, ông mất liên lạc vô tuyến với những người bảo vệ Xuân Lộc, pháo đài cuối cùng trước cửa ngỏ Sài Gòn; vào tối thứ Hai, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, từ tám năm nay là tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, từ chức. Ông đầu hàng lúc năm phút trước mười hai giờ. Ông không chỉ lùi bước trước ưu thế của kẻ địch, khi các sư đoàn Bắc Việt đang tập trung lại cho trận tấn công vào Sài Gòn, ông bỏ cuộc vì – theo phiên bản của ông – nước Mỹ lớn lao đã bỏ mặc ông: “Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ đã không giữ đúng các lời hứa của họ. Điều đó là không công bằng. Điều đó là vô nhân đạo. Điều đó là không đáng tin. Nó đơn giản là vô trách nhiệm.”

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 14 tháng Tư năm 1975 ở Sài Gòn

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 14 tháng Tư năm 1975 ở Sài Gòn

Người đàn ông đó đã nói với nhiều nước mắt như vậy, người mà Richard Nixon có lần đã từng gọi là “một trong bốn hay năm chính trị gia lớn nhất của thế giới”. Cột trụ cuối cùng đã sụp đổ, cột trụ mà John Foster Dulles, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của cuộc Chiến tranh Lạnh, đã muốn xây dựng ở Việt Nam, để chống lại sự xâm lược của cộng sản. Những lời nói của Henry Kissinger, được L’Express đăng tải lại trong cùng ngày, phải giống như lời nhạo báng cuối cùng: Nước Mỹ sẽ không ép buộc Tổng thống Thiệu từ chức để đạt được một thỏa thuận hòa bình cho cuộc chiến tranh ngưng bắn. Vì chính phủ và Quốc Hội ở Washington không mong muốn điều gì nhiều hơn là điều này trong những năm vừa qua.

Họ đã chán ngán ông tướng nhỏ con cứng đầu đó, người lúc nào cũng vẫn còn muốn đánh những trận đánh của ngày hôm qua, và cuối cùng còn đe dọa sẽ phá hỏng cả cuộc di tản những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn một cách đẫm máu. Tất cả những giọt nước mắt cá sấu của Tổng thống Ford không thể lau sạch đi được sự thật, rằng nước Mỹ đã gạch tên nhà độc tài nhỏ bé ở Sài Gòn ra khỏi lịch sử thế giới từ hai năm trước đó rồi. Ông còn được phép ăn bánh mì cứu tế một thời gian, nhưng rồi người ta cũng giật nốt nó khỏi tay ông.

Bây giờ thì tờ International Herald Tribune mặc sức nói: tội lỗi nặng nhất của Thiệu là ông không chiến thắng được người Bắc Việt và Việt Cộng bằng vũ khí của ông – cứ như thể là ông từng có khả năng làm cái việc mà người Mỹ với quân đội tốt hơn rất nhiều và với nhiều vũ khí hơn rất nhiều cũng đã không làm được. Đó là một cung cách đối xử hèn hạ, lạm dụng con người từng là gương mẫu được tưởng thưởng của liên minh Thái Bình Dương như là một kẻ phải chịu đòn thay. Nguyễn Văn Thiệu là tạo vật của cường quốc Mỹ – họ thổi tinh khí vào ông, và họ cũng thổi tắt áng sáng sự sống của ông, không phải mãi bây giờ mà ngay từ trong mùa thu 1972 rồi. Trong bài diễn văn từ giã của mình, Thiệu đã táo bạo nhắc cho người Mỹ nhớ rằng họ đã mang ông vào trong tình trạng bất khả này, tình trạng mà không có lối thoát ra cho ông từ đó.

Khí phách quân sự

Thiệu có thể đến với một hàng dài các chính khách của những quốc gia nhỏ đó mà bi kịch của họ là đã mù quáng tin vào những bảo đảm và hứa hẹn hay chỉ là cảm giác danh dự của các nước lớn, đến với Beck và Beneš, Sikorski và Mikolayczik, Nagy và Dubček. Cả người tiền nhiệm và cũng là người nâng đỡ ông, Diệm, người mà ông đã đuổi ra khỏi dinh vào ngày 1 tháng Mười Một 1963, cũng thuộc vào trong số đó – và Tưởng Giới Thạch.

Nhìn chung thì hai nhân vật đầy tính bi kịch đó – người Trung Hoa Quốc gia và người Việt Nam Quốc gia đó – có nhiều nét giống nhau đến mức đáng ngạc nhiên. Hai người đều xuất thân từ những hoàn cảnh tương đối nghèo, cả hai đều đi tìm may mắn của mình trong quân đội, hôn nhân với một người phụ nữ Ki-tô giáo giàu có đã giúp cả hai người có được thanh danh trong xã hội, cả hai người đều cải đạo sang Ki-tô giáo: Thạch trở thành người của Phong trào Giám Lý, Thiệu trở thành người Công giáo. Người ta có thể tiếp tục liệt ra những điểm tương đồng. Cả hai người đều dựa quyền lực của họ trên một mạng lưới dầy đặc của những quan hệ và phụ thuộc cá nhân; mặc dù có ý định thật tốt, nhưng họ không thể ngăn chận được sự suy đồi đạo đức của một giới thượng lưu hết sức tham nhũng; và ngoài khí phách quân sự và tính kiên cường cá nhân thì họ không đưa ra được gì để chống lại lời thách thức ý thức hệ của một cuộc nông dân nổi dậy hướng tới chủ nghĩa dân tộc.

Quốc trưởng Thiệu và Thủ tướng Kỳ vào ngày 19/06/1966 (Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa)

Quốc trưởng Thiệu và Thủ tướng Kỳ vào ngày 19/06/1966 (Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa)

“Bà thấy đấy, Mademoiselle”, Tổng thống Thiệu nói với nữ nhà báo người Ý Oriana Fallaci, “tất cả những gì mà tôi làm thì tôi đều muốn làm cho đúng và tốt: dù tôi bước sang một tín ngưỡng khác, dù tôi chơi quần vợt, dù tôi cỡi ngựa, dù tôi trượt nước, dù tôi tại chức như là tổng thống.” Ông thành công vượt mức trên con đường sự nghiệp của ông – ông bao giờ cũng đoán đúng.

Thay vì cùng rút lui cùng với Việt Minh vào trong rừng rậm và có một tương lai không chắc chắn, như một vài người bạn học của ông đã làm, ông chọn con đường thăng tiến chắc chắn trong quân đội thuộc địa Pháp: ông trở thành người lính chuyên nghiệp. Ông tự động chuyển sang quân đội Nam Việt Nam, lực lượng mà vào một ngày nào đó không còn do người Pháp đào tạo nữa, mà là người Mỹ.

Ông có năng lực, cần cù, chu đáo, tậm tâm và thận trọng, người Mỹ dựa trên những đức tính đó, khi những cuộc tranh chấp trong số những “con ngựa háo đá” của quân đội Nam Việt Nam sau lúc lật đổ Diệm bắt đầu trở nên quá nhiều đối với họ. Ông tuy không phải là một Napoleon, họ nói khinh thường, nhưng là một mức trung bình tốt, tính chuyên nghiệp bền chắc đáng tin hơn là tính lờ phờ của “Big Minh”, tính nhanh nhảu của Khánh, sự to mồm của Kỳ, chỉ để kể ra một vài viên tướng trong số sáu mươi tướng lãnh mà Thiệu đã lặng lẽ vượt qua mặt, lúc đầu còn là “chairman” của một chính quyền quân đội, cho tới khi ông bất thình lình được bầu làm tổng thống của nền cộng hòa năm 1967.

Sau khi dọn vào Dinh Độc Lập, cái mà người Mỹ đã dùng hai triệu dollar để xây cho ông và ông đã cho rào chắn nó giống như một pháo đài, viên tướng lãnh thích ứng với những thói quen của giới thượng lưu. Rõ ràng là vợ ông có một bàn tay rất may mắn trong mua bán bất động sản. Ngược với những tin đồn và những điều cố tình vu khống, ông là người địa chủ giàu có nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, có tài khoản và nhà cửa ở nước ngoài và mới đây muốn mang mười hai tấn vàng ra khỏi nước, ông quả quyết, hẳn là có nói giảm đi một chút, rằng ở Việt Nam ông chỉ có một ngôi nhà gỗ rẻ tiền cạnh bờ sông, ngôi nhà nghèo nàn của cha mẹ và một nông trại nhỏ.

Những điểm yếu của Hiệp định

Thế nhưng việc người ta tin vào những câu chuyện đó, và trong mùa thu vừa rồi thậm chí còn gây ra bạo động trên đường phố Sài Gòn, đã hé lộ một ít sự tự cô lập mình trong xã hội của Thiệu. Ông chưa từng bao giờ là một lãnh tụ có sức lôi cuốn quần chúng; cả một thời gian dài, ông chỉ đọc diễn văn từ giấy, và diễn văn tốt nhất, gây xúc động nhiều nhất trong cuộc đời ông là bài diễn văn từ biệt, cái mang ông như một con người bằng xương bằng thịt đến gần với người dân của ông hơn, người khóc và cười, chửi rủa và “căm thù”. Sự toàn hảo quyền lực của ông còn vượt quá cả tổng thống Mỹ. Với 94,3 phần trăm tất cả số phiếu bầu (người ta không được phép mang kết quả này đặt lên cái cân vàng), ông tái đắc cử như là ứng cử viên duy nhất năm 1971; ông đã loại những người cạnh tranh khác ra khỏi cuộc đua bằng luật lệ hay đe dọa. Ông không để cho cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nói xen vào. Các dân biểu phần lớn đều phụ thuộc vào ông cũng như đạo quân sĩ quan và hạ sĩ quan và những người nhân viên nhà nước cấp thấp, những người vẫn trung thành với ông cho tới giờ phút cuối cùng, vì họ đã gắn kết cuộc sống của họ với cuộc sống của ông – họ là những người đầu tiên phải chạy trốn Việt Cộng.

Những người Tự Do của Mỹ và cánh tả châu Âu dễ dàng lên án nền cộng hòa này, cái muốn thành một phần của thế giới tự do, là một nhà nước cảnh sát và phòng tra tấn và là nơi chốn tội lỗi, nhưng trong lúc đó thì tất nhiên cả hai đều thường mù một mắt: người này thì là bạn tốt với các đại tá phát xít, người kia thì với các nhà nước cộng sản bắt buộc. Những điều đó không hề hấn gì đối với Thiệu. Ông thậm chí còn quả quyết không nghi ngại, rằng nền dân chủ ở Việt Nam nói chung là chỉ bắt đầu với nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội ngày 12/12/72, cho biết ông từ chối hiệp định ngưng bắn như tình hình hiện lúc đó.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội ngày 12/12/72, cho biết ông từ chối hiệp định ngưng bắn như tình hình hiện lúc đó.

Ai có suy nghĩ về tiền sử và cấu trúc xã hội của đất nước này, thời gian thuộc địa dài và nền độc tài gia trưởng của Diệm và gia đình ông ta, các giáo phái chiến đấu chống nhau với quân đội riêng của họ, các viên tướng lãnh chuyên quyền ở các tỉnh và vùng chiến thuật, tập hợp của bảy mươi đảng và hiệp hội, và tất cả những điều đó trước bối cảnh của một cuộc chiến tranh ba mươi năm và nội chiến trong nội chiến (người Phật giáo chống người Công giáo, người Thượng chống người Việt) – ai nhìn được toàn cảnh đó đều phải ngạc nhiên rằng nói chung là vẫn còn có tự do báo chí ở Sài Gòn, và bao nhiêu đó bè phái chính khách, trí thức và linh mục phi cộng sản còn được phép tự do thoải mái phê phán chế độ tổng thống; nên nhớ là tất cả những việc đó xảy ra ở trong một cuộc chiến đấu một mất một còn với một đối thủ không e ngại bất cứ biện pháp nào – từ giết người và hối lộ cho tới do thám và thâm nhập – để lật đổ “chế độ bù nhìn” mà họ căm ghét đó.

Tất nhiên, Thiệu không phải là một bù nhìn, mặc dù ông không thể nắm quyền đến một ngày mà không có dollar, vũ khí, đạn dược và xăng dầu từ Mỹ. Trong các hồ sơ của Lầu Năm Góc, người ta có thể đọc được rằng viên đại sứ Mỹ Taylor đã mắng mỏ giới tướng lĩnh Nam Việt Nam, trong số họ cũng có cả Kỳ và Thiệu, như một lớp học trò ra sao – những điều như thế không thể quên được. Thiệu đã phản đối cả một thời gian thật lâu và luôn tìm ra những lý do mới, khi Tổng thống Johnson, quá mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài và vì những cuộc nổi loạn trong các thành phố của đất nước ông, đã kéo Việt Cộng tới bàn đàm phán, mặc dù người Cộng sản Nam Việt Nam vừa bị thất trận đẫm máu trong đợt tấn công dịp Tết [Mậu Thân] mà họ không bao giờ hồi phục lại được kể từ đó.

Thiệu có thể ghi điểm cho mình, rằng ông đã tạo nên những giờ phút cay đắng nhất trong cuộc đời của Henry Kissinger, ông lang băm được nhiều người ngưỡng mộ. Đó là trong tháng Mười 1972, khi người Ngoại trưởng Hoa Kỳ sau những cuộc trao đổi bí mật của ông ta với người đàm phán Lê Đức Thọ và sau những thỏa thuận của ông với Moscow và Bắc Kinh ngay lập tức đã muốn đánh tráo Hiệp định Ngưng bắn Paris đó cho chính phủ Sài Gòn như là một thành công lớn. Với giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười nguy hiểm, Tổng thống Thiệu đã chỉ ra những điểm yếu của Hiệp định: định nghĩa mơ hồ của hội đồng hòa giải, cái mà ông với Việt Cộng và lực lượng thứ ba (yếu ớt một cách đáng thương) có nhiệm vụ phải cộng tác ở trong đó; việc công nhận một nhà nước cộng sản trên đất của Cộng Hòa Nam Việt Nam; sự hiện diện của 150.000 hay 300.000 lính Bắc Việt ở miền Nam, những người sau khi ngưng bắn cũng sẽ ở lại đó.

“Một câu hỏi sống còn”

Sự từ chối kiên quyết của Thiệu, ký tên vào một hiệp định xói mòn chủ quyền của Nam Việt Nam, đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch thời gian của Kissinger. “Mẹ kiếp, thật ra hắn nghĩ hắn là ai kia chứ?” ông đã thốt ra như vậy sau một cuộc họp. Nhưng thậm chí cả lời đe dọa, Mỹ có thể ký kết một hòa bình riêng với Bắc Việt Nam và ngưng toàn bộ viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam, cũng không mang lại kết quả nào. Còn hơn thế, Thiệu cố tình quay lưng lại người khách của ông và xem xét tấm bản đồ treo trên tường ở phía sau ông. Ông nói thẳng thừng với người ngoại trưởng: “Mất Việt Nam thậm chí có thể là tốt cho đất nước của các anh, tốt để ngăn chận Trung Quốc, tốt cho chiến lược thế giới. Nhưng đối với chúng tôi thì đó không phải là câu hỏi của sự lựa chọn giữa Moscow và Bắc Kinh. Đối với chúng tôi đó là một câu hỏi của sự sống còn.”

Vài tuần sau đó, khi Nixon cho rải những tấm thảm bom B-52 lên Hà Nội, tối hậu thư của Mỹ dành cho người đồng minh nhỏ bé của nó được lập lại, và lần này thì Thiệu buộc phải nhân nhượng. Ông vẫn còn lời bảo đảm của Kissinger và Nixon trong tai, rằng nếu Hiệp định bị vi phạm nghiêm trọng thì Hạm đội Bảy và không quân Mỹ ở Thái Lan sẽ là cái khiên cho người Nam Việt Nam. Thế nhưng ngay từ phút đầu tiên của lần ngưng bắn, ông đã bắt đầu dùng vũ lực để đẩy lùi người cộng sản ở bất cứ nơi nào ông có thể, để phòng ngừa trước. Cuộc chiến không bao giờ ngưng lại. Cả điều này cũng ít vì hai phe tranh chấp, muốn mở rộng lãnh thổ của họ cho cuộc xung đột chính trị được dự tính trước. Nó là một hậu quả từ tài ngoại giao bậc thầy của Kissinger thì nhiều hơn, cái đã bỏ qua việc tập trung lực lượng quân sự đối phương vào những vùng đất liền nhau theo gương mẫu của Hiệp định Genève 1954.

“Có việc gì, ông Thiệu?”

Thiệu có lẽ chưa từng bao giờ là một nhà chiến lược lớn. Nhưng người cầm quân này đồng thời cũng là một chính khách. Ông không muốn tự nguyện trao lại cho kẻ địch một tấc đất nào. Quyết tâm chiến đấu của ông cũng không thua gì của đối thủ. Thậm chí ông còn cho chiếm lại những đống đổ nát của thành phố Quảng Trị, để xóa đi sự nhục nhã của một chiến bại. Giữa những đống đổ nát đó, Thiệu quỳ xuống để cảm ơn Chúa của ông vì chiến thắng này. Chính trị gia Thiệu bắt buộc phải giữ một mặt trận kéo dài qua những khoảng cách khổng lồ, cái mà như là nhà quân sự thì ông đã phải bỏ nó từ lâu rồi, để đừng phân tán các sư đoàn của ông và tiêu hao vào trong những trận đánh vô nghĩa.

Tổng thống Thiệu này 20/09/1972 ở Quảng Trị

Tổng thống Thiệu này 20/09/1972 ở Quảng Trị

Bất cứ nhà cầm quân nào cũng cần sự may mắn. Một thời gian dài, may mắn đã trung thành với Thiệu, người đặt cược vào số chín như là con số mang lại may mắn. Nhưng rồi ông đã bị hết cú đánh này tới cú đánh khác; Nixon và nước Mỹ cường quốc thế giới cùng với ông ấy đã mất thanh danh qua xì-căng-đan Watergate; một cuộc khủng hoảng dầu hỏa và nguyên liệu đẩy Nam Việt Nam vào tình trạng lạm phát phi mã, cái về phần nó lại làm tăng cái xấu xa, sự tham nhũng; phe đối lập ở Sài Gòn lại ngẩng đầu dậy; Quốc Hội Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự; người Bắc Việt và Việt Cộng lại tấn công với lực lượng mới. Rồi một quyết định sai lầm chiến lược trên cao nguyên Nam Việt Nam đã gây ra một phản ứng dây chuyền.

Thiệu phải nuốt xuống viên thuốc đắng, rằng hàng trăm ngàn người lính của ông không còn muốn chết cho chính quyền của ông nữa, một chính quyền mà ông thừa hưởng từ người Pháp và người Mỹ, cái chắc chắn là không đi kịp với thời đại, cái thua kém trật tự năng động-khắt khe của Việt Cộng một cách tuyệt vọng, nhưng là cái đã mang lại cho nhiều người dân của nó trong những năm nào đó phúc lành đáng ngờ nhưng đồng thời cũng dễ chịu của sự thịnh vượng Phương Tây và sự tự do Phương Tây. Bây giờ thì cả bạn bè của ông cũng quay lưng lại với ông – các tướng lãnh mà nhờ ông mới có quyền lực của họ, cuối cùng còn là giáo hội nữa. Một phi công trẻ tuổi, người mất cha mẹ của mình ở Đà Nẵng, đã ném bom xuống Dinh Độc Lập, đối với tất cả mọi người Việt là một điềm dữ, vì lần lật đổ Diệm cũng đã được báo trước với bom ném xuống dinh.

Khi người hoàng đế cuối cùng của Đông La Mã đến tìm các hoàng cung Tây Âu, để cầu xin giúp đỡ chống lại trận tấn công đang đe dọa Constantinopel, ông tuy gặp phải sự không thông hiểu và thờ ơ, thế nhưng ít nhất thì ông cũng còn nhận được sự thương hại của những người chủ nhà. Khi người tổng thống cuối cùng của Nam Việt Nam đi thăm Tây Âu, để xin trợ giúp về kinh tế cho đất nước kém phát triển của ông, công dân-tổng thống [Đức] Heinemann đã tiếp đón ông với thái độ cáu kỉnh và với những từ ngữ không thể nào quên được: “Có việc gì, ông Thiệu?”

Số phận của Thiệu là bị phần lớn những người đương thời với ông hiểu lầm, đánh giá quá thấp hay bị lên án. Chỉ kẻ thù cộng sản của ông là mang lại sự công bằng cho ông, bằng cách là họ luôn luôn yêu cầu lật đổ ông. Thiệu là con đập duy nhất giữa họ và chiến thắng của cách mạng. Không còn người kế thừa nào có thể thay thế được ông.

Phan Ba dịch từ: http://www.zeit.de/1975/18/einst-musterknabe-heute-pruegelknabe/komplettansicht

Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

2 thoughts on “Giờ đã điểm cho các tướng lãnh ở Sài Gòn

  1. Pingback: Giờ đã điểm cho các tướng lãnh ở Sài Gòn | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  2. Pingback: Lời các tổng thống Mỹ: “DIỆM LÀ THẰNG NHÓC CỦA CHÚNG TA”, “THIỆU LÀ CÁI ĐUÔI CON CHÓ” | Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ

Bình luận về bài viết này