Giữa những người ăn xin, mại dâm và đào ngũ

Sài Gòn trong tháng Tư

Colin Smith, báo Die Zeit (Thời Báo), 11 tháng Tư 1975

Phan Ba dịch

Cuộc sống ở Sài Gòn diễn tiến dưới một cái chuông mong manh của sự bình thường; nó gần như có thể làm cho người ta quên đi sự tồn tại siêu hiện thực của thành phố. Cứ giống như là các đoàn quân tan rã ở phương bắc hoàn toàn không phải là hiện thực – hay chính thành phố chỉ là một sản phẩm của sự tưởng tượng, được mơ mộng ra để an ủi cho sự hỗn loạn và đau khổ ở khắp xung quanh.

Đường phố Sài Gòn vẫn còn an ninh hơn là đường phố của Belfast. Từ bốn năm nay không còn có chiến dịch khủng bố nào của cộng sản trong thành phố nữa. Nếu như có những quả bom nào đó nổ thì đó là tác phẩm của những băng nhóm giang hồ, thế nào đi nữa thì cũng thuộc về giới phi cộng sản. Chỉ khi người ta nhìn kỹ thì mới nhận thấy rằng những đội tuần tra đội nón sắt cầm tiểu liên dầy đặc hơn thường ngày, và họ kiểm tra giấy tờ của từng người lính đặc biệt kỹ lưỡng.

Đường Tự Do, Sài Gòn 1972. Hình: Gene Whitmer

Đường Tự Do, Sài Gòn 1972. Hình: Gene Whitmer

Ở trong Sở Thú, những con voi, tức giận vì nhàm chán, lắc lư buồn bã trên sàn bê tông. Dưới một tàn cây, những chàng thanh niên trẻ tuổi khá giả, đã thoát được quân dịch, uống nước cam ép và hát những bài ca Pháp đệm đàn guitar Tây Ban Nha. Một hạ sĩ quan và những người bạn của anh ấy ôm chầm lấy nhau trên bãi cỏ. Những người đồng tính trẻ tuổi, kiếm sống bằng nghề chụp ảnh với những cái máy Polaroid, nắm tay nhau đi dạo. Chỉ với một phần tư của cái giá mà họ yêu cầu, một người đàn ông dùng kéo cắt từ giấy cứng màu trắng những hình dạng giống như một bức chân dung đến mức đáng ngạc nhiên. Ba người lính rách rưới không có trang thiết bị ngủ gà gật trong một cái vọng lâu. Họ trông có vẻ mệt mỏi, kiệt sức và kiệt quệ như tất cả những người về đây từ phương bắc hay từ cao nguyên.

Tất cả các nhà hàng Pháp tương đối tốt đều mở cửa, mặc dù trong một vài quán không còn có rượu vang nữa, chỉ còn bia, và vào buổi tối là thực đơn đặc biệt vì giới nghiêm. Sau chín giờ rưỡi người ta không nhận đặt món ăn uống nữa; nhưng điều đó chỉ tập trung việc kinh doanh lại, thế nào đi nữa thì cũng không gây hại tới nó. Ở cạnh bàn là những gương mặt cũ: các nhà ngoại giao, các chuyên gia Mỹ ở vòng ngoài, nhà báo truyền hình ồn ào, người Việt nói tiếng Pháp và những người bám rễ chặt nhất trong số những người ngoại kiều Pháp, mà trong số đó thường là có một ông “bố già”.

Cuộc chiến thống trị các câu chuyện như từ ba mươi năm nay. Có lẽ là giọng nói của những người Việt có cao thé lên thêm một chút. Ở bàn bên cạnh, người tình hai dòng máu Âu Á của một người nước ngoài bật khóc òa. Cô mắng mỏ người này, vì anh cuối cùng cũng không mang cô và mẹ cô ra khỏi thành phố này, trước khi Việt Cộng vào và giết chết hết tất cả. Người ngoại quốc đó ngượng ngùng, người mà chức vụ của ông không tạo cho ông có khả năng mang người Việt ra nước ngoài, ngay cả khi anh muốn kết hôn với cô gái đó, điều mà anh ta không muốn. Anh ấy gọi thêm rượu vang và cố gắng đổi đề tài. Thế nhưng người phục vụ lại  mang câu chuyện trở lại nay lập tức. “Hue fini, Da Nang fini, Pleiku fini, Kontum fini, Nha Trang fini”, với giọng đều đều, ông đọc toàn bộ bài kinh của cái thảm họa đó ra.

Một người thầy giáo trẻ tuổi râu đỏ tên là Alain Pottiert và một đại úy của quân cảnh, người không muốn cho biết tên mình, đang ngồi trên hàng hiên của khách sạn “Continental”. Họ nhấp ly chanh xô-đa của họ và thuật lại việc họ chạy trốn ra khỏi Đà Nẵng ra sao. Người Pháp này đã bám vào càng của một chiếc trực thăng thuộc Air America; đong đưa ở càng bên kia là một người Âu-Á; cuối cùng, phi đội của chiếc trực thăng kéo cả hai người lên. Người cảnh sát quân đội đã bơi xuôi sông Cẩm Lệ mười hai ki-lô-mét ra cửa biển; ở đó ông được một chiếc tàu Mỹ vớt lên. Bây giờ thì ông muốn chờ khoảng một tuần, rồi đi trình diện. Có thể thấy rõ: ông muốn biết mọi việc diễn tiến theo chiều hướng nào.

Đường Tự Do, Sài Gòn 1973. Hình: Gene Whitmer

Đường Tự Do, Sài Gòn 1973. Hình: Gene Whitmer

Trên những con đường cạnh hàng hiên khách sạn, những người bán hàng rong đang tranh nhau. Phần lớn đã làm ăn phát đạt trong thời mà người Mỹ còn ở đây. Bây giờ thì họ chỉ còn có thể chào mời dịch vụ của họ cho một nhóm ngày càng nhỏ đi của người Phương Tây. Các cô gái mại dâm cũng có ở đó và những người thích mặc quần áo khác giới (người dân nói rằng đó là hạ sĩ quan của quân đội chính quy với hai quả lựu đạn trong chiếc áo ngực). Cả một đoàn trẻ con chạy vụt qua: những đứa bé đánh giày với những cái hộp gỗ nhỏ của chúng; những đứa trẻ bán báo – You fini your Newsweek you give me o. k.? – buôn bán phát đạt với những tờ báo cũ; những đứa lớn hơn cũng thế với những cái khăn giấy của chúng, và cuối cùng là các cô bé gái với những vòng hoa lài.

Ngày nay có nhiều người ăn xin trong trung tâm thành phố hơn là một năm trước đây. Nhiều người trong số họ là người tàn phế trong những bộ quân phục rách rưới. Hai bà xơ trung niên qua lại trên đường phố và chìa vào mặt bất cứ ai những tờ giấy chứng nhận đã phai mờ đó, đầy con dấu, được ép nhựa cẩn thận; họ được cho là quyên tiền cho một trại mồ côi. Một cô gái 19 tuổi nguyên là gái bán dâm trước đây, bây giờ đã nghiện ma túy vô vọng, đã nghĩ ra một cái gì khác đặc sắc hơn. Người ta nói rằng trước đây năm năm, khi lính Mỹ còn ở đây, cô là một cô gái đẹp. Ngày nay thì cánh tay cô đầy vảy. Cô nói: “Em không phải là gái điếm, em móc túi. Em ở tù ra, không có tiền. Em có chân bị thương, không thể đi trộm cắp. Anh cho em tiền để ăn, cho tới khi chân em lành và em có thể đi làm lại được?” – “Em muốn làm gì khi Việt Cộng vào đây?” – “Vậy thì em sẽ làm ruộng.”

Giới trung lưu ít xuôi tay chấp nhận số phận hơn. Một nha sĩ Việt, người được đào tạo ở Pháp và ở Hoa Kỳ, nói rằng phải xảy ra điều gì đó để ngăn chận sự suy tàn. “Thiệu phải từ chức khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào tháng Mười, và cho tới chừng đó thì ông cần phải tập trung xây dựng một người kế nhiệm. Nhưng chính phủ kế đến phải có nhiều thành viên dân sự hơn nữa – không chỉ là những người lính không có đầu óc đó.”

Ông sẽ làm gì nếu như người cộng sản vào Sài Gòn? “Trong trường hợp xấu nhất thì tôi sẽ ra nước ngoài. Pháp, Úc, Canada, Mỹ – tôi không biết tôi sẽ đi đâu, nhưng tôi sẽ không ở đây với người cộng sản. Nếu thế thì mọi việc đều chấm dứt.” Người nha sĩ đã từng là sĩ quan của Việt Minh trong cuộc chiến chống người Pháp. “Nhưng tôi là một người yêu nước, không phải là người cộng sản”, ông quả quyết. “Thậm chí thời đó là chúng tôi đã có khó khăn với họ rồi.”

Từ đường Tự Do, con đường mua sắm ồn ào đầy người, có thể nghe được tiếng súng liên thanh hạng nặng, có tiếng la hét kèm theo. Nhưng nó chỉ là một màn âm thanh mở đầu cho một giai điệu kèn chiến tranh, cái bây giờ được phát ra qua hệ thống loa công cộng. Người ăn xin và cô gái điếm, người giả giới tính khác và những đứa bé bán hàng rong – không một ai buồn chú ý đến nó.

Phan ba dịch từ: http://www.zeit.de/1975/16/hektischer-tanz-auf-dem-vulkan/komplettansicht

Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

1 thoughts on “Giữa những người ăn xin, mại dâm và đào ngũ

  1. Pingback: Giữa những người ăn xin, mại dâm và đào ngũ | CHÂU XUÂN NGUYỄN

Bình luận về bài viết này