Vào Dinh Độc Lập sau nửa đêm

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 46 / 1968 (11/11/1968)

Đại sứ Hoa Kỳ Ellsworth Bunker đã đến gặp Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu trong Dinh Độc Lập ở Sài Gòn mười lần trong vòng hai tuần.

Người Mỹ này, người qua giải pháp cho xung đột Hà Lan – Indonesia quanh New Guinea và cho cuộc Khủng hoảng Dominica đã có tiếng là một nhà đàm phán cứng rắn, đã đến hai lần vào thời điểm rất không ngoại giao: giữa nửa đêm và sáng sớm.

Một lần, rất lâu sau nửa đêm, chuông điện thoại của người đang đối thoại, Thiệu, vang lên. Ở đầu dây bên kia là Tòa Nhà Trắng ở Washington. Tổng thống Johnson và Tổng tư lệnh Việt Nam của ông ấy, Tướng Abrams, trợ giúp cho vị đại sứ của họ qua điện thoại.

Nhưng giống như một con la, càng bướng bỉnh hơn khi người ta đánh đập nó càng nhiều hơn, ông Tổng Thống của Nam Việt Nam lại càng cứng rắn hơn khi người Mỹ gây áp lực với ông ấy càng nhiều hơn.

Vì thế mà đã thành hình một tình trạng phi lý vào tuần rồi: tuy Washington đã không thể bỏ bom để Hà Nội bước đến bàn đám phán cho một hòa bình ở Việt Nam như đã hy vọng, nhưng qua việc ngừng ném bom thì ít nhất là đã khiến cho họ sẵn sàng đàm phán. Nhưng bây giờ thì đồng minh Nam Việt Nam không cùng tiến hành.

Về cơ bản, Thiệu không chống đàm phán. Ông ấy đã nhiều lần đề nghị nói chuyện trực tiếp giữa Sài Gòn và Hà Nội. Cái mà ông ấy sợ là sự tham gia của một phái đoàn độc lập và bình quyền của Việt Cộng trong các cuộc đàm phán ở Paris, cái được người Mỹ nhượng bộ. Theo lời của mình, ngay từ đầu Thiệu đã không để cho nghi ngờ rằng nếu thế thì Sài Gòn phải từ chối.

“Anh có biết việc gì sẽ xảy ra khi chúng ta ngồi vào cùng bàn với Việt Cộng không?”, Thiệu hỏi một người nói chuyện với ông ấy dưới tư cách cá nhân: “Vào ngày hôm sau đó lực lượng dân quân của chúng ta và nhân dân tự vệ của chúng ta sẽ chạy sang phe đỏ – và đó là 400.000 người, nửa quân số của chúng ta.”

“Nam Việt Nam”, theo Tổng Thống, “không phải là cái toa xe lửa được gắn vào một cái đầu máy và có thể được kéo đi bất cứ nơi nào mà đầu máy muốn.”

Trong cuộc chiến tranh ngoại giao chống lại nước Mỹ bảo vệ, Thiệu nhận được sự ủng hộ ở đối thủ lớn nhất của ông ấy, phó Tổng Thống Kỳ: “Người Mỹ nói về Hoa Kỳ, về Hà Nội và về Mặt trận Giải phóng, nhưng họ không bao giờ nói về lợi ích của chúng tôi.”

Vào thứ tư vừa rồi, người Mỹ, người Bắc Việt và một phái đoàn Việt Cộng dưới sự lãnh đạo của Madame Nguyễn Thị Bình đã hoài công chờ người đối thoại Nam Việt Nam.

Người Cộng Sản hả hê vì phen bẽ mặt của người Mỹ. Trưởng phát ngôn viên của Bắc Việt Nguyen Thanh: “Hoa Kỳ không giữ đúng những điều mà họ đã cam kết.” Phái đoàn Việt Cộng mỉa mai đề nghị, người Mỹ nên đại diện luôn cho Sài Gòn.

Lần ngưng ném bom vô điều kiện của Johnson, gây tranh cãi ngay từ đầu, càng hiện ra như là một sự cố gắng giúp tranh cử cho Humphrey phó của ông ấy. Nhưng nó chẳng những không giúp gì được cho ông ấy, nó còn gây hại cho ông ấy. Nó chứng tỏ thêm một lần nữa: ngoại giao Mỹ hầu như không còn có thể đối phó được với những thách thức bất thường.

Trong khi người Mỹ vào thứ sáu vừa rồi vẫn còn hy vọng mang Sài Gòn đến bàn đàm phán “nội trong vòng mười ngày” – theo tờ “New York Times” –, Thiệu đưa ra những điều kiện để ông ấy cùng đàm phán:

Trong tương lai cũng chỉ có hai phái đoàn đàm phán ở Paris, thế nhưng: đồng minh dưới sự lãnh đạo của Nam Việt Nam, cộng sản dưới sự lãnh đạo của Bắc Việt Nam. Nếu cần thiết, sẽ có những “đại diện của các đồng minh khác” thuộc về phái đoàn Sài Gòn, đại diện Việt Cộng thuộc phái đoàn Hà Nội.

Chỉ khi đề nghị này được chấp nhận, theo Thiệu, thì mới “dẫn đến một nền hòa bình lâu dài ở Việt Nam và Đông Nam Á”.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 46 / 1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-45878730.html

Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

7 thoughts on “Vào Dinh Độc Lập sau nửa đêm

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 29-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Tư, 29-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 29-08-2012 | bahaidao2

  4. Pingback: Tin thứ Năm, 30-08-2012 « BA SÀM

  5. Pingback: Tin thứ Năm, 30-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  6. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 30-08-2012 | bahaidao2

  7. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này