Lần chìm đắm trong âm thầm và tuyệt vọng của Việt Nam

Theo Sommer, báo Die Zeit (Thời Báo), 04 tháng Tư năm 1975

Phan Ba dịch

Không có hành động anh hùng nào để tường thuật từ Việt Nam, chỉ là sự đau khổ không thể kể xiết của vô số con người. Thermopylae [nơi đã xảy ra nhiều trận đánh dữ dội trong lịch sử]? Lần hủy diệt người Goth ở cạnh ngọn núi lửa Vesuvius? Chết trong cương trực? Không: rút lui mà không có chiến đấu, chạy trốn hoảng sợ của một quân đội đã mất tinh thần chiến đấu là chuyện hàng ngày; ngay cả các đơn vị tinh nhuệ cũng nổi bật lên qua sự nhẫn tâm tàn bạo đối với người dân thường. Hỗn loạn ở Huế, hoảng sợ trong cảng Đà Nẵng, những cảnh tàn bạo gần như là giết đồng loại trên phi trường Đà nẵng – thế giới sẽ nhớ lại những điều đó, chứ không phải nhớ những trận đánh vinh quang.

Đà Nẵng, 24 tháng Ba 1975

Đà Nẵng, 24 tháng Ba 1975

Hiếm khi nào mà một đất nước sụp đổ một cách lặng lẽ như vậy, mà sức chiến đấu của nó, kỷ luật của nó, tinh thần của nó lại bốc hơi nhanh như vậy. Tại sao, tại sao? Thế giới chỉ thấy những điều khó hiểu. Ngay cả người Bắc Việt và Việt Cộng, những người vào đầu tháng Ba trên cao nguyên chỉ bắt đầu một đợt tấn công có giới hạn, cũng chưng hửng.

Bây giờ thì một lực lượng nhân dân tự vệ có nhiệm vụ phải bảo vệ thủ đô Sài Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ai còn dám tin vào điều đó? Sự xói mòn ý chí bảo vệ Nam Việt Nam, sự sụp đổ của quân đội, sự tuyệt vọng thẫn thờ của người dân không còn để cho người ta nghĩ tới những nỗ lực quốc gia. Kết cuộc có thể đến nhanh hơn là có ai đó nghĩ trong ngày hôm nay – cũng là kết cuộc của ảo tưởng Mỹ, rằng Nam Việt Nam sẽ cầm cự được rất lâu dài mà không cần có quân đội Mỹ.

Lịch sử thích những sự trùng hợp bất thường như vậy. Khi Đà Nẵng thất thủ thì gần đúng chính xác mười năm, kể từ khi những đơn vị chiến đấu đầu tiên đổ bộ lên đất liền ở bãi biển Nam Ô, cách Đà Nẵng năm ki-lô-mét, được thân thiện chào mừng bởi mười cô gái Việt cầm hoa: 3500 lính thủy quân lục chiến, những người có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ không quân Đà Nẵng. Từ đó, Tổng thống Johnson đã chỉ thị như vậy, cần phải tiến hành một cuộc chiến dịch ném bom chống Bắc Việt Nam – để trả đũa cho nhiều vụ tấn công vào các trại cố vấn của người Mỹ.

Lúc đó đã có nhiều người cho rằng chỉ thị này của Johnson là đúng; cho cả lần đổ bộ của những lực lượng quân đội Mỹ tiếp theo sau đó trong tháng Sáu. Xâm lược phải bị trừng phạt, điều này là kiến thức thông thường của Phương Tây vào thời gian đó; sau khi ngăn chận chủ nghĩa cộng sản Xô viết ở châu Âu bây giờ đứng trên chương trình làm việc là ngăn chận chủ nghĩa cộng sản Bắc Kinh ở châu Á. Nếu như người Mỹ không chiến đấu vì Sài Gòn thì rồi còn có ai tin rằng trong trường hợp khẩn cấp họ sẽ nhảy vào giúp đỡ cho Berlin? Dưới ánh sáng này, sự can thiệp của người Mỹ không phải là một hành động mang tính đế quốc, mà là một sự can thiệp mang tính tự do, có nhiệm vụ bảo đảm cho Nam Việt Nam cơ hội của một nền dân chủ đa nguyên trong tương lai.

Những người đã nghĩ như vậy vào lúc đó thì ngày nay còn chưa cần phải hổ thẹn vì động lực của họ. Dòng người tỵ nạn của những tuần vừa qua, dù có xuất phát từ sự hoảng loạn nhiều hơn là từ sự tính toán bình tĩnh, đồng thời cũng bộc lộ một phản xạ mang ít tính ca ngợi cho người cộng sản – và với việc nổ súng vào đoàn người khốn cùng đó, Việt Cộng cũng như người Bắc Việt cũng đã lại tiến hành phần việc của họ để cho hồi ức về những lần thanh trừng đẫm máu trong các vùng do họ chiếm đóng và về những ngôi mộ tập thể ở Huế sống lại. Vae victis [Khốn khổ thay cho những người bại trận]: lời nói này vẫn còn đúng.

Giá quá cao

Cố gắng giữ cho Nam Việt Nam tránh khỏi số phận tàn nhẫn của những người bại trận là một việc đáng khen. Rằng cuối cùng thì nó đã thất bại, điều đó không thể định trước được. Nhìn theo góc độ này thì tất cả chúng ta đều đã học hỏi thêm được.

Thứ nhất: Phương tiện của cuộc chiến chẳng bao lâu sau đó đã cướp đi chân giá trị của nó, trước hết là cuộc chiến tranh ném bom; qua đó những gì cần phải được bảo vệ ở miền Nam đã bị phá hủy, và những gì lẽ ra đã có thể là nền tảng đạo lý cho sự can thiệp của Mỹ đã bị đập vỡ tan.

Thứ nhì: Cuộc chiến nhanh chóng phát triển từ một hành động hỗ trợ của Mỹ thành một cuộc chiến tranh chủ yếu là của Mỹ; nỗ lực riêng của người Nam Việt Nam vẫn không đủ, động cơ của họ không đủ.

Thứ ba: Về lâu dài, xung đột này vượt quá khả năng của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, xung đột mà đã chia rẽ nội bộ của nó và ở bên ngoài thì đã hấp thu nó mạnh cho tới mức nó đã bị loại trừ ra khỏi chính trường thế giới như là một yếu tố cẩn phải được nể trọng, không còn đủ khả năng để làm tròn các nhiệm vụ chính trị thế giới còn lại của nó.

Không phải động cơ cho lần can thiệp đã lộ ra là không đầy đủ và vô lý, mà chính là các phương tiện và khả năng cùa nó. Cả đến ngày nay, điều này cũng cần phải được đưa ra như là lý lẽ để chống lại tất cả những người thời đó đã biểu diễn những màn nhảy múa chống Mỹ trên đường phố với bọt mép ý thức hệ ở trên miệng. Họ đã muốn có kết cuộc buồn thảm này, cái mà ngày nay thế giới đang trải qua; chúng ta, những người còn lại, chỉ mang chúng ta đến nhận thức, rằng không thể ngăn chận nó với một cái giá có thể chịu đựng được. Đó là một sự khác biệt cách xa nhau như trời với đất.

Biểu tình chống Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Tây Berlin, tháng Năm 1972. Trên một của những biểu ngữ là "Vì công cuộc xây dựng Đệ tứ Quốc tế".

Biểu tình chống Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Tây Berlin, tháng Năm 1972. Trên một của những biểu ngữ là “Vì công cuộc xây dựng Đệ tứ Quốc tế”.

Tất nhiên, khi việc không đạt tới chiến thắng đã là điều chắc chắn, thì việc mất toàn bộ Nam Việt Nam cũng đã trở thành khả năng thực sự ngay trong cùng khoảnh khắc đó. Trước đây bảy năm, sau khi Johnson ngưng ném bom, báo Die ZEIT đã viết về câu hỏi, liệu Việt Nam có được một cơ hội sống còn sau khi người Mỹ rút quân: “Chỉ có một bảo đảm duy nhất – tính ổn định nội bộ của Nam Việt Nam. Thế nhưng ngày nay cũng như năm 1954 sau khi người Pháp rút lui, người ta không thể nói về việc đó được. Khó khăn trong lúc đó: chừng nào mà cuộc chiến còn kéo dài thì sẽ không có một sự ổn định mang tính dân chủ thật sự; nhưng khi cuộc chiến chấm dứt mà nền tảng của nhà nước Nam Việt Nam vẫn còn chưa được củng cố trước đó, thì hòa bình có thể chỉ là giai đoạn chuyển tiếp sang tình trạng bị chinh phục.”

Điều đó đã đến đúng chính xác như vậy, bắt buộc phải đến đúng như vậy. Vào ngày 3 tháng Chín 1963, hai tháng trước khi bị ám sát, Tổng thống Kennedy đã nói: “Cuối cùng thì đó là cuộc chiến của họ. Nhân dân Việt Nam phải chiến thắng cuộc chiến đó.” Họ không có khả năng để làm việc đó, như hiện giờ đã được chứng minh. Nhân dân Việt nam đã thua cuộc chiến; thế nào đi nữa thì chính phủ của họ cũng đã đánh mất cơ hội duy nhất, thoát cảnh chiến bại, khi họ mù quáng đặt cược vào chiến thắng quân sự trong hai năm vừa qua, và không để mắt tới tất cả các khả năng chính trị cho một sự tồn tại lâu hơn, ít nhất là để tranh thủ thời gian.

Không có những huyền thoại về con dao đâm sau lưng. Nam Việt Nam đã sụp đổ vì nghệ thuật cầm quyền còn thiếu thốn của Thiệu và vì sự thống lĩnh ngây thơ của ông. Nó không phải thua vì người Mỹ “keo kiệt”. Quốc Hội Mỹ đã từ chối không thông qua viện trợ để tiếp tục cuộc chiến? Thật sự thì Lầu Năm Góc còn chưa chuyển hết số tiền đã được chấp thuận. Người Nam Việt không có đủ quân lính, đủ vật liệu phục vụ cho chiến tranh, đủ vũ khí và đạn dược? Thật sự thì quân đội vẫn còn vượt trội về số lượng của họ đã để rơi vào tay kẻ địch trang thiết bị quân sự với tổng giá trị trên xa 300 triệu dollar khi họ hoảng loạn chạy trốn. Ai còn được phép đổ lỗi cho Quốc Hội?

Cả hòa bình cũng có thể bị chia cắt

Đến Henry Kissinger, nhà kiến trúc sư cho lần ngưng bắn bất hạnh đó của Việt Nam, cũng không được phép làm điều đó. Ngay từ đầu, những gì mà ngày nay đang diễn ra ở Việt Nam đã nằm trong vùng của những điều mà có lẽ là ông không mong muốn, nhưng đã chấp nhận. Bây giờ, khi cấu trúc của ông sụp đổ, ông không cần phải cố gắng bảo vệ tiếng tăm của ông như là một nhà ảo thuật về ngoại giao với những thủ đoạn ảo thuật tri thức.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng hòa bình là không thể chia cắt được”, ông nói tại cuộc họp báo chí gần đây nhất, Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không được phép tiến hành chính sách “tin cậy có chọn lọc”. Điều đó đúng nếu như tất cả các mối đe dọa hòa bình đều xuất phát từ một trung tâm duy nhất. Trong một thế giới không rõ ràng như thế giới của chúng ta thì điều đó đơn giản là sai. Ở đó chỉ có một sự thật duy nhất: nước Mỹ không có khả năng làm mọi việc, nó chỉ có thể giúp những người mà chính mình không bỏ cuộc.

Người Israel biết điều đó, người Âu cũng nhìn như vậy. Vì vậy mà lý lẽ của một tính đáng tin cậy được làm sống dậy đã đi lạc đề. Nước Mỹ chỉ có thể chứng minh tính cương quyết và đáng tin ở nơi mà đồng minh của nó cũng cương quyết và đáng tin. Không ai được phép đòi hỏi nó nhiều hơn. Những người đầu hàng không được phép dự tính với sự giúp đỡ của nó. Đó không phải là toàn bộ ý nghĩa của học thuyết Nixon hay sao? Thế nào đi chăng nữa thì đó không phải là chủ nghĩa biệt lập.

Đó là một mặt. Mặt kia là: Cả nước Mỹ cũng phải đặt ra cho mình thứ tự ưu tiên. Không phải khu vực nào của thế giới cũng có tầm quan trọng như nhau đối với Washington; cuối cùng thì vẫn có sự khác biệt. Tính đáng tin cậy của chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng thì không tự thể hiện nó trong sự mùa quáng giữ chặt lấy những hoạt động không còn có giá trị nữa; nó chỉ có thể tự thể hiện qua phán xét phân biệt. Về Đông Dương thì Quốc Hội đã đúng. Về châu Âu và Trung Đông thì Kissinger và Ford đã có thể đưa ra cho họ một bài học hữu ích về thứ tự ưu tiên.

Việt Nam lặng lẽ sụp đổ, không hề có dấu vết của một Thermopylae. Nếu như người ta cứ để cho tấn bi kịch đó diễn ra sớm hơn, trước đây 21 năm hay trước đây hai năm – thì có ít thất vọng hơn không? Câu hỏi vô nghĩa. Quan trọng chỉ là việc sự thất bại của Mỹ ở Đông Dương bây giờ không được phép biến thành một sự chán nản làm tê liệt mọi việc của thế lực dẫn đầu thế giới Phương Tây. Muốn có được điều đúng đắn, ngay cả khi không đưa nó ra được, không được phép là cớ để nao núng, để rút lui vào cái vỏ ốc của sự biệt lập.

Phan Ba dịch từ báo Die Zeit (Thời Báo), 04 tháng Tư năm 1975: http://www.zeit.de/1975/15/ein-hoher-einsatz-ging-verloren/komplettansicht

  Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

Bình luận về bài viết này