Thuyết dẫn đường sai lầm trong chính trị của Hoa Kỳ (hết)

Donald Zagoria

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 22/1968 (27.05.1968)

Phần thứ ba và là phần có hại nhất của Thuyết Domino cho rằng kết cuộc của cuộc xung đột ở Việt Nam sẽ quyết định chiến lược tương lai của Cộng Sản trong toàn châu Á. Tất nhiên là các đảng Cộng Sản trong toàn châu Á sẽ chăm chú theo dõi các phát triển ở Việt Nam và sẽ rút ra những kết luận nào đó. Nhưng kết cuộc ở Việt Nam sẽ không mang tính quyết định trong lúc các đảng Cộng Sản ở châu Á đưa ra chiến lược cho tương lai.

Người lính Việt Cộng, 1965. Ảnh: AP

Người lính Việt Cộng, 1965. Ảnh: AP

Một vài đảng Cộng Sản châu Á, như ở Thái Lan và Miến Điện, ngay bây giờ đã áp dụng chiến thuật du kích – nhưng không có thành công lớn. Mặt khác, những người Cộng Sản ở Ấn Độ lại tham gia bầu cử quốc hội ở những tiểu bang nào đó với thành công đáng chú ý. Có nhiều khả năng, rằng trong bất cứ trường hợp nào thì kinh nghiệm trong đất nước của mình sẽ quyết định chiến lược tương lai của người Cộng Sản nhiều hơn là kết cuộc của cuộc chiến ở Việt Nam.

Ví dụ như người Huk [Hukbalahap, lực lượng quân đội của Đảng Cộng sản Philippines] lại xuất hiện ở vùng nông thôn trong miền Trung Luzon, và không phải vì những sự kiện ở Việt Nam mà là vì chính phủ Philippines không có khả năng giải quyết các vấn đề tô thuế và nợ nần ở nông thôn, những cái lâu nay đã trở nên gay gắt trong vùng này.

Ở Thái Lan, người Cộng Sản cố gắng trục lợi từ tình trạng tồi tệ của các dân tộc thiểu số. Tình hình ở Việt Nam không có ảnh hưởng đến những người Cộng Sản ở Ấn Độ, những người đang cố gắng lợi dụng sự thất bại của chính phủ Ấn Độ trong lúc hiện đại hóa đất nước.

Khuynh hướng của chúng ta, trong quá khứ đã xem Chủ nghĩa Cộng sản như là một liên minh đồng nhất, rất đáng tiếc là đã đặt dấu ấn lên các ý tưởng của chúng ta. Như là một quốc gia, chúng ta chưa rút ra được các kết luận đúng đắn, rằng tại sao một phong trào do Cộng sản lãnh đạo lại thành công ở Việt Nam, và trong lúc thực hiện một chính sách ngăn chận trên toàn cầu, chúng ta không xử lý các tình thế hoàn toàn khác nhau một cách khác nhau, mà lại như nhau.

Không một nước châu Á nào khác có những điều kiện ban đầu như Việt Nam. Chỉ ở Việt Nam, một phong trào Cộng Sản mới có khả năng đứng đầu của một phong trào giải phóng dân tộc sau Đệ nhị thế chiến.

Hồ Chí Minh. Ảnh: Der Spiegel

Hồ Chí Minh. Ảnh: Der Spiegel

Không một nước nào khác của châu Á có một người lãnh tụ Cộng Sản như Hồ Chí Minh với thanh thế như một người anh hùng dân tộc vì thành tựu lịch sử độc nhất vô nhị của ông ấy.

Nhưng ngay cả với lợi thế đó, những người Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam vẫn yếu và chia rẽ cho tới cuối những năm 50. Thế nhưng khi Tổng thống Diệm tự làm cho mình xa lạ với mọi khu vực quan trọng trong xã hội Việt Nam qua chính sách độc tài nghiêm khắc của ông ấy, Việt Cộng đã lợi dụng tình trạng kỳ lạ đó cho lợi thế của họ.

Còn hai sự việc khác, cũng mang tính quyết định nhưng không phù hợp với Thuyết Domino: sức thu hút của Chủ nghĩa Cộng sản và các tầng lớp xã hội mà những người theo nó xuất phát từ đấy.

Chủ nghĩa Cộng sản ở châu Á tương đối mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ hay ở những vùng đồng bằng cạnh bờ biển, có mật độ dân số cao, với một nền nông nghiệp cần nhiều lao động như trồng lúa hay mía, và với một con số lớn tá điền, công nhân đồn điền và địa chủ sống ở nước ngoài.

Chủ nghĩa Cộng sản châu Á và Chủ nghĩa Cộng sản trong nhiều vùng kém phát triển qua đó thường là phong trào của những người nông dân nghèo, công nhân đồn điền và những người tá điền bị bóc lột chống lại chủ của họ và chống lại các cơ quan nhà nước ở thành thị.

Tức là trong nhiều nước châu Á, cơ hội thành công của Chủ nghĩa Cộng sản phụ thuộc nhiều vào các điều kiện ở trong nước hơn là vào kết cuộc của cuộc Chiến tranh Việt Nam hay vào một xung đột tương tự nào đó ở nước ngoài. Nhưng trước hết là: Chủ nghĩa Cộng sản yếu ở khắp nơi trong châu Á ngoài Việt Nam.

Chúng ta hãy xem xét tình trạng của một vài Đảng Cộng sản ở Đông Nam Á. Chúng ta hãy bắt đầu với Thái Lan, nước rất thích hợp như là một ví dụ, vì người ta quả quyết rằng một thành công của Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam chắc chắn sẽ dẫn tới một thành công tương tự ở Thái Lan.h

Thật sự là lâu nay Chủ nghĩa Cộng sản ở Thái Lan rơi xuống một mảnh đất không màu mỡ – trước hết là vì Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á chưa từng là thuộc địa.

Vì thế nên Thái Lan không có một tầng lớp có học nhưng thất nghiệp và bất bình, tầng lớp thường dẫn đầu các phong trào Cộng sản trong các nước kém phát triển.

Trong Thái Lan cũng không có sự cùng khổ thật sự ở nông thôn, người nông dân không mắc nợ và không có mâu thuẫn giữa chủ đất và tá điền, cái ở nơi khác đã đẩy người nông dân đến với những người cộng sản. Vì thế mà Chủ nghĩa Cộng sản ở Thái Lan thiếu đầu và thân hình.

Tầm quan trọng của các yếu tố đấy trở nên đặc biệt rõ, khi người ta nghĩ đến nhiều tình trạng xã hội tồi tệ của những nhóm người dân tộc thiểu số, những cái mà người Cộng sản lợi dụng để lôi kéo:

  • Một nhóm thiểu số ở phía Đông Bắc của đất nước này, gẩn gũi với nước Lào láng giềng nhiều hơn là với trung tâm Thái Lan và nổi dậy chống lại sự khinh rẻ của chính phủ trung ương;
  • Khoảng 40.000 người Việt tỵ nạn ở Đông Bắc Thái Lan, những người đã chạy tỵ nạn vào vùng này trong thời gian chiến tranh giữa Việt Minh và người Pháp và từ lúc đó bị đối xử như là người dân hạng nhì;
  • Khoảng 250.000 người thuộc các bộ tộc trong những vùng đất mang tính chiến lược ở Bắc Thái Lan gần Trung Quốc, những người ít có tiếp xúc với chính phủ Thái Lan;
  • Một con số người Hoa đáng kể, tập trung trong các vùng đô thị.

Với tất cả các tiềm năng đó, những người Cộng sản Thái Lan sau nhiều năm tuyên truyền và tổ chức chỉ huy động được một nhóm nòng cốt khoảng 1000 hay 1500 phiến binh ở miền Đông Bắc Thái Lan.

Nhưng Chủ nghĩa Cộng sản ở Thái Lan đã thất bại trong việc trở thành một lực lượng chính trị quốc gia mang tầm quan trọng. Liệu nó có tiếp tực phát triển và thành công hay không, điều đấy phụ thuộc phần lớn vào chính sách của chính phủ Thái Lan đối với những nhóm thiểu số của đất nước này. Một sự hiện diện quá mức của Mỹ ở Thái Lan cũng có thể là cớ để cho những người Cộng sản Thái Lan huy động đến những lực lượng xem Hoa Kỳ như là cường quốc thuộc địa mới ở châu Á.

Tổng thống Johnson

Tổng thống Johnson

Ở Miến Điện, tuy các Đảng Cộng sản nằm trong bí mật và kình địch với nhau (“Cờ Đỏ” và “Cờ Trắng”) đã cố gắng dọn sân cho một cuộc “chiến tranh giải phóng” toàn bộ từ gần 20 năm nay. Nhưng cho tới nay thì họ vẫn thất bại.

Thất bại của Chủ nghĩa Cộng sản Miến Điện dựa trên hai yếu tố: họ không thành công cả trong việc nhận dạng mình với Chủ nghĩa Dân tộc ở Miến Điện lẫn thống nhất những nhóm người dân tộc thiểu số, những nhóm rõ ràng là đã nổi dậy chống chính phủ trung ương từ nhiều năm nay. Họ càng thất bại thì họ lại càng sử dụng khủng bố và bạo lực và qua đó chỉ càng tách rời ra xa khỏi dòng chảy chính của chính trị Miến Điện. Những người Cộng Sản Miến Điện đang đứng ờ rìa của một thảm họa, mặc dù có sự giúp đỡ ra mặt của Bắc Kinh và mặc dù người Mỹ đã giảm cường độ hoạt động của họ ở Việt Nam.

Ở Campuchia, cũng như ở Thái Lan, những người Cộng sản không thành công trong việc huy động nhóm dân tộc chính – người Campuchia, chiếm 85% dân số. Họ tập trung vào ba nhóm dân tộc thiểu số: khoảng 40.000 người Hoa, khoảng chừng ấy người Việt và khoảng 40.000 người thuộc các bộ tộc trên các vùng núi hẻo lánh.

Khả năng hoạt động lật đổ Campuchia bởi các nhóm thiểu số người Hoa và người Việt tuy là có, nhưng đã bị làm suy yếu đi nhiều bởi những tiền đề ở địa phương. Chủ nghĩa Cộng sản ở Campuchia tự thể hiện mình là một lực lượng xa lạ, khi được nhận dạng cùng với các thế lực ngoại quốc – người Hoa và người Việt –, cái không có khả năng bám rễ vào đa số người dân Campuchia.

Ngoài ra, hoàng tử Sihanouk đã thành công tốt đẹp trong việc tạo ra một cảm giác của sự nhận dạng quốc gia, cái không có ở Nam Việt Nam.

Duy nhất tình thế của Lào dường như là gắn bó chặt hơn với kết cuộc của xung đột ở Việt Nam. Nhiều phần đất rộng lớn của Lào đã bị người Cộng sản Lào kiểm soát, được người Bắc Việt trợ giúp.

Ở Malaysia, đặc biệt là trên Borneo, khả năng hoạt động lật đổ Cộng sản cũng bị giới hạn ở các cộng đồng người Hoa, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy bất bình vì sự phân biệt đối xử của số đông người Malaysia.

Đảng có định hướng Cộng sản ở Malaysia, từ khi bắt đầu tổ chức trong giới công nhân người Hoa ở Singapore và ở trong các bang của Malasia vào cuối những năm 20, bao gồm chủ yếu là người Hoa. Trong vùng Sarawak trên Borneo, những người Cộng sản tuyển mộ người phần lớn là từ cộng đồng người Hoa.

Nhưng điều đấy lại cản trở sự phát triển của một mặt trận rộng rãi bao gồm cả người Malaysia, các bộ tộc thổ dân và ngườ Indonesia.

Cách xa đất liền Đông Nam Á, những người Cộng sản Indonesia, từng là ĐCS không cầm quyền mạnh nhất của thế giới, đã bị quân đội Indonesia làm cho tiêu hao nhiều trong một cuộc nội chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu – con số nạn nhân được ước lượng là trên nửa triệu.

Những người Cộng sản trên đảo Java ít đất đai phục hồi nhanh cho tới đâu, điều này có lẽ phụ thuộc trực tiếp vào việc chế độ độc tài quân sự mới cải tổ nền kinh tế vô hy vọng của Indonesia cho tới đâu.

Việc quân đội chống lại những người Cộng sản Indonesia và chống lại người bảo trợ cho họ, cựu tổng thống Sukarno, ít có liên quan hay hoàn toàn không có liên quan gì đến sự hiện diện của chúng ta ở Việt Nam. Nó được gây ra qua một cuộc đảo chính thất bại chống lại giới lãnh đạo quân đội, cái rõ ràng là đã được Sukarno và những người Cộng sản trợ giúp.

Toan tính tại địa phương, chứ không phải Việt Nam, tạo nên hậu trường cho các phát triển ở đó, những cái đã dẫn đến việc tàn sát những người Cộng sản Indonesia và quay mặt đi với Trung Quốc đỏ. Nhưng sự phát triển này hoàn toàn mâu thuẫn với Thuyết Domino vì chúng ta nói chung là không có mặt ở Indonesia nhiều năm trời.

Trên Philippines, cũng như trên Indonesia, Chủ nghĩa Cộng sản cả một thời gian dài đã không dựa trên một thiểu số sắc tộc mà là trên những người nông dân khát đất, mắc nợ, bị chủ nợ và địa chủ bóc lột. 70% nông dân trong sáu tỉnh do người Cộng sản thống trị ở trung tâm Luzon là tá điền không sở hữu đất. Phần lớn ruộng đất do những người tá điền trồng trọt đều rộng chưa tới hai hecta. Các tỉnh trồng lúa của Luzon từ những năm 30 đã là thành trì của Cộng sản, nhiều phần rộng lớn được phiến quân Huk quản lý trong thời Nhật Bản chiếm đóng.

Tóm lại, khả năng một cuộc lật đổ của Cộng sản ở Đông Nam Á phần lớn dựa trên hai căng thẳng xã hội khác nhau:

  • Tình trạng tệ hại của các nhóm thiểu số, xa rời dân tộc đa số đang thống trị và bị họ đàn áp.
  • Tình trạng tệ hai kinh điển của tá điền và công nhân trong những vùng nhất định của đất nước.

Khả năng của một sự bùng nổ Cộng sản trong châu Á lớn nhất là ở nơi mà một tầng lớp vô sản bất bình ở nông thôn liên kết với lòng nhiệt tình quốc gia – như trong trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.

Sự liên kết này lúc nào cũng đặc biệt dễ nổ ra, khi nó đi cùng với một giai cấp thống trị không có khả năng, đã mất đi tính chính thống của nó – như chế độ Diệm ở Nam Việt Nam.

Hiện nay, không còn quốc gia nào ở châu Á mà những người Cộng Sản ở đó có thể kết hợp những tình trạng tệ hại cơ bản đó. Tuy là họ có thể duy trì được khả năng hoạt động lật đổ và khủng bố, nhưng không thể gây ra một cuộc cách mạng có nhiều triển vọng. Mặc dù là người Mao-ít lúc nào cũng khăng khăng cho rằng một mặt trận thứ nhì liên kết với Việt Nam là cần thiết, nhưng cho tới nay thì chẳng xảy ra điều gì theo chiều hướng này cả – không phải vì thiếu sự cố gắng của những người Mao-ít và đồng minh của họ, mà là vì thiếu tiên đề.

Thuyết Domino, cũng như mỗi một diễn đạt hệ tư tưởng khác, có sức hấp dẫn trong tính đơn giản của nó và tính bao quát của nó, giống như thế giới quan Mao-ít. Đó là một sự mỉa mai của số phận, khi những người đấu tranh chính yếu cho chúng lại ngồi ở Bắc Kinh và Washington. Nếu như Thuyết Domino còn có lý do nhất định để tồn tại trong một thế giới mà Chủ nghĩa Cộng sản còn là một khối thuần nhất thì ngày nay nó không thể là một sợi chỉ đỏ dẫn đường còn có thể đáp ứng được cho chính trị Hoa Kỳ.

Khi Thuyết Domino đã thể hiện ra là không thể đứng vững được, thì chúng ta cũng có thể điềm tĩnh mà nhìn vào khả năng là Nam Việt Nam cuối cùng rồi cũng thuộc những người Cộng sản.

Đầu tiên, chúng ta có thể giảm dần hoạt động của mình ở Việt Nam, việc có thể kéo dài một hay hai năm. Trong thời gian đó sẽ có một “giai đoạn làm nguội” xuất hiện ở miền Nam mà trong đó chính phủ ở Sài Gòn bắt buộc phải đối phó với tình trạng của họ.

Trong giai đoạn trung gian này và có lẽ cả sau những hoạt động rút quân đầu tiên, chúng ta có thể bắt đầu bàn về bầu cử với sự tham gia của Việt Cộng và về những bước dần dần tiến đến sự tái thống nhất Bắc và Nam Việt Nam thể theo Hiệp định Genève năm 1954. Cả hai biện pháp này có thể được giám sát bởi một Ủy Ban Kiểm soát Quốc tế được tăng cường trong liênn kết với Liên Hiệp Quốc.

Trong trường hợp xấu nhất, Nam Việt Nam có thể rơi vào sự thống trị của Cộng sản sau vài năm. Nhưng nó cũng có thể trở thành một Campuchia thứ nhì với một chính phủ có thiện ý với những người Cộng sản, nhưng không bị họ thống trị. Không khả năng nào trong hai khả năng này cần phải dẫn đến một thảm họa.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 22/1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46039808.html

Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

4 thoughts on “Thuyết dẫn đường sai lầm trong chính trị của Hoa Kỳ (hết)

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 15-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Tư, 15-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 15-08-2012 | bahaidao2

  4. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này