Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 19)

Lời Ai Điếu

Lời Ai Điếu

Nói đến cái gọi là trường quay của Đài truyền hình trung ương, tôi không thể không nhắc đến một nhân vật “độc đáo” của truyền hình Việt Nam là đạo diễn Khải Hưng. Số là, Ban khoa giáo của Đài không có riêng một trường quay để thực hiện các chương trình của Ban như: dậy ngoại ngữ trên Đài, tọa đàm, phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng, thực hiện các tiết mục văn nghệ vv… vv… Mỗi lần ghi hình phải đăng ký trường quay. Đa số các biên tập viên, biên kịch của khoa giáo là những người tốt nghiệp Khoa Học Xã Hội, không thạo về kỹ thuật điện đóm, ánh sáng, âm thanh… Vì thế, mỗi lần thu hình đầu bị các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật ở trường quay làm khó dễ, “bắt nạt”. Sở dĩ tôi thích đi làm phim ngoài trời từ khi sang truyền hình vì không muốn các nhân viên trường quay, vốn là các “con ông cháu cha” được tuyển vô truyền hình hạnh họe mình. Tình trạng hay cãi lộn thường xảy ra ở trường quay và cuối cùng thì các biên tập viên đều thua vì bị “úm ba la” về kỹ thuật. Trong hoàn cảnh đó của Ban khoa giáo, tôi nghĩ đến Khải Hưng. Anh là giáo viên dậy vật lý ở trường cấp 3 Cẩm Giàng tỉnh Hải Hưng cùng với tôi. Khải Hưng đẹp trai, thông minh, dậy giỏi, và đặc biệt là tính tình của anh rất “du côn”, cuồng loạn. Anh được mệnh danh là “Hưng cuồng” thời còn dạy học cùng tôi. Lúc Khải Hưng bỏ biên chế dạy học về Hà Nội, sống lang thang và chưa có việc làm ổn định. Tôi đề xuất “sếp” Hán nhận Khải Hưng về Ban khoa giáo. Với lý lịch giáo viên cấp 3, anh làm khoa giáo là hợp lý. Với trình độ chuyên môn vật lý (điện, ánh sáng, tiếng động…) của anh, thì các biên tập viên không ai còn bị lo “bắt nạt” khi Khải Hưng có mặt trong trường quay. Rất may là “sếp” Hán nghe bùi tai nên nhận anh về Ban. Nhưng khi nghe tin Khải Hưng sắp được nhận về truyền hình thì chính người cậu của anh là Ph.D Ngoạn, cục trưởng Cục kỹ thuật của Đài lại nói với ông Hán: thằng Khải Hưng mất dậy lắm, không nhận nó về Đài được. Nghe vậy, “sếp” Hán giận lắm, ông gọi tôi lên phòng và nói lại lời của Ph.D Ngoạn. ông còn đay nghiến: Mày giới thiệu cho tao một thằng mất dậy đến nỗi chính cậu nó cũng không muốn nhận. Tôi bình tĩnh nói với thủ trưởng của mình: chúng ta đang rất cần một thằng mất dậy để trị những thằng mất dậy trong trường quay là gì? Tôi đã tìm được đúng người, đúng việc cho Ban ta còn gì nữa. Sau đó “sếp” Hán xuôi tai liền nhận Khải Hưng về Đài.

Y như rằng, từ khi có Khải Hưng, trường quay không còn cảnh cãi lộn. Không ai qua mặt được anh về khâu điện, ánh sáng, âm thanh… mà trước đây các biên tập Ban Khoa giáo bị bịp, bị bắt nạt. Thấy Khải Hưng có khả năng, Đài cho anh đi học một khóa đạo diễn.

Học xong về Đài anh làm được một phim truyện nổi tiếng, đó là phim “Lời nguyền của dòng sông”, chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”. Công bằng mà nói, công của nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh sắm vai ông lão thuyền chài trong phim này rất lớn. Trịnh Thịnh lớn tuổi nên ông hiểu được tâm lý, tác phong của người già nên vào vai diễn rất đạt. Nhờ có diễn viên gạo cội Trịnh Thịnh góp sức mà Khải Hưng làm được phim truyện nổi tiếng này.

Khi đã trở thành một đạo diễn nổi tiếng, Khải Hưng vào Đảng và trở thành giám đốc của Hãng phim truyền hình Việt Nam (thuộc Đài THVN). Anh ta vẫn “cuồng” như xưa. Khi làm phim, Khải Hưng luôn mồm chửi diển viên: địt mẹ con đĩ… mày diễn thế à! Có lần gặp một đoàn phóng viên truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, tôi hỏi chị em: thằng Khải Hưng dạo này còn chửi bới luôn mồm không? Chị em ngạc nhiên quá. Sao ở tận Cần Thơ mà anh rành Khải Hưng thế!? Vợ tôi mỗi lần xem truyền hình thấy Khải Hưng phát biểu, lại bảo tôi: chú Hưng lại ba hoa anh ạ! (chả là khi còn dạy chung ở trường Cấp 3 cùng tôi, vợ tôi vẫn gọi Hưng là chú vì y ít tuổi hơn tôi nhiều). Anh Ngô Như Hà, giáo viên dậy hóa cùng trường với chúng tôi, vì bị bệnh phổi, không dạy học được nữa nên anh xin nghỉ và về Hà Nội. Để kiếm sống, anh ngồi sửa xe ở trước cửa nhà mình (số 102 đường Minh Khai). Nhà Khải Hưng ở làng Quỳnh Lôi, hàng ngày anh đi làm phải qua Minh Khai. Có lần tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội có đến chơi thăm Hà. Vợ anh bảo: chú Hưng ngày nào cũng đi qua đây, nhưng thấy anh Hà nhà em thì quay mặt đi. Người phụ nữ miền Bắc gọi bạn của chồng mình bằng “chú” là thân tình lắm. Tức là có một thời gian dài họ đến nhà nhau chơi, đến mức vợ có thể xưng hô với bạn của chồng một cách thân mật bằng chú! Báo chí “lề phải” nhất là tạp chí truyền hình VTV, nhiều khi “bốc” Khải Hưng đến mức tôi đọc thấy phát ngượng cho cả người viết và người được viết về mình. Một thiết chế đặc quyền phương tiện thông tin thì “bốc” ai lên mà chả được. Nhân cách cứ thế mà xuống thấp dần, tha hóa dần vì không có thông tin đa chiều.

Nói đến truyền hình Việt Nam mà không nói đến Tổng giám đốc Vũ Văn Hiến thì thật là thiếu sót. Hiến học ở Ba Lan về. Khi tôi về Ban miền Nam của Đài cuối năm 1974 thì Hiến đang là phóng viên của Ban. So với các cây bút như Trung Ngôn, Viễn Kính, Phan Đắc Lập, Trúc Thông, Nguyễn Thị Quý, … thì Hiến là một phóng viên mờ nhạt. Sau 1975, Ban miền Nam giải tán, Hiến lại về làm việc cùng phòng với tôi ở chương trình phát thanh “Trên miền Bắc XHCN”. Hiến là đề tài cho cả phòng bình luận về sự ngô nghê, ngớ ngẩn của anh. Vợ đẻ con so, anh hỏi tôi: vợ tôi có ăn cà chua được không? Tôi trả lời: có! Vài bữa sau anh lại hỏi tôi, vì biết tôi đã có 2 con: vợ tôi có ăn cá mè được không? Tôi giả vờ suy nghĩ ít phút rồi vỗ trán trả lời: được! Phòng tôi được phân phối một cái giấy đi viếng lăng Bác. Trong giấy cho phép đi 4 người. Tôi và anh Hiến cầm giấy phép đi lên lăng Bác. Khi vô cửa, công an gác cửa xem giấy hỏi: sao giấy 4 người lại đi có 2 người. Hiến mau miệng trả lời: một đồng chí vì đi ỉa chảy…!!! Viên công an trợn mắt quát: vô ý thức với Bác! Tôi thấy vậy kéo Hiến lại rồi cả 2 ra về. Nhất định tôi lôi anh phải đi về. Đi được một đoạn xa tôi mới bảo hiến: sao mày ngu thế, mình là nhà báo, chỉ cần nói là 2 đồng chí đi tháp tùng các vị lãnh đạo có phải êm không. Thằng công an kia, mình vô ý thức với nó đã đủ chết, đằng này nó lại nâng quan điểm lên là “vô ý thức với Bác” thì chỉ có nước đi tù mọt gông. Tao phải kéo mày về vội là vì thế(!) Hiến vừa đi vừa làu bàu: hồi ở Liên Xô chính tôi đã dẫn các ông lãnh đạo Việt Nam đi viếng lăng Lê Nin. Vậy mà về nước, viếng lăng Bắc củng không được. Ngẫm nghĩ một lát, Hiến than phiền: hễ đi viếng lăng là thế nào cũng có giai thoại, rồi Hiến kể cho tôi nghe câu chuyện đi viếng lăng Lê Nin. Kể: ở Liên Xô hồi đó, thanh niên Nga bắt chước bọn hippy phương Tây để tóc dài, râu dài… lệnh trên xuống là ai tóc dài râu dài không được vô viếng lăng. Thế là một hôm Lê Nin bật nắp quan tài kính dậy, đi ra cửa lăng, tát cho tên thiếu tá chỉ huy canh gác lăng một cái nổ đom đóm mắt. Rồi mắng rằng: từ nay những đứa tóc dài cũng phải cho vào viếng, có phải đứa nào cũng đầu hói như tao đâu(!)

Tôi đem câu chuyện đi viếng lăng Bác với Hiến kể cho anh em trong Đài nghe. Ai cũng ôm bụng cười. Chưa hết, khi đoàn nhà báo ở Đài truyền hình Ba Lan sang ta đi thực tế để quay phim về nhà ổ chuột ở Sài Gòn (để tố cáo xã hội Mỹ ngụy), Hiến được cử đi phiên dịch. Quay phim xong, xe chạy ngày đêm từ Sài Gòn ra đến Hà Nội thì trời đã tối không thuê được khách sạn. Một vị trong đoàn Ba Lan đề nghị: về nhà thằng Hiến ngủ tạm một đêm. hiến nghe thấy thế sợ quá, bỏ luôn các bạn đồng nghiệp trên xe… rồi biến mất. Hôm sau anh đến cơ quan kể lại sự việc này với chúng tôi rồi kết kuận: nhà tôi trong khu tập thể ở Đại La còn… hơn cái khu ổ chuột ở Sài Gòn(!). Chưa hết, khu tập thể của Đài “còn hơn cái ổ chuột” bị cháy. Hiến lao về… thì thấy bà mẹ anh đã chạy được hộp đựng tem phiếu ra sân và đang ngồi thở. Anh hỏi: cháu đâu (tức thằng con anh). Bà mẹ mới hoảng hồn chỉ vào trong nhà. Hiến lao vào bê thằng con ra khi lửa đã bén vào gần đến chiếc nôi(!) Kể lại câu chuyện này cho mọi người nghe, tôi vẫn còn nhớ một lời “bình luận” đau điếng thế này: bà mẹ này thật là thông minh khi cứu hộp tem phiếu trước, vì nếu cháy hết tem phiếu thì sẽ chết cả nhà! Có câu chuyện nào tố cáo thời bao cấp lại hay hơn chuyện này? Xin bạn đọc chép lại cho đời sai để con cháu chúng ta biết về một thời XHCH!

Khi tôi rời Đài tuyền hình trung ương vô Nam đầu năm 1981 thì Hiến vẫn còn là phóng viên ở Đài THVN. Vậy mà không biết bằng con đường nào mà Vũ Văn Hiến trở thành ủy viên trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài THVN nhanh như thế! Khi là ông ủy viên trung ương rồi, một lần Hiến vô Sài Gòn, Hữu Tính xưa kia là trợ lý của trưởng Ban miền Nam Đài tiếng nói Việt Nam, người đã cùng tôi đi phỏng vấn Gs Tôn Thất Tùng như đã kể ở phần trên, bảo với Hiến: anh Thái Bảo thủ trưởng của tớ và cậu ở Ban miền Nam trước kia hiện đang bệnh nặng bây giờ cậu là ủy viên trung ương rồi, tớ biết nhà anh Thái Bảo để tớ đưa cậu đến thăm động viên anh thì tốt biết mấy… nhưng Hiến lờ đi. Chỉ ít lâu sau, anh Thái Bảo, vị thủ trưởng đáng kính của chúng tôi qua đời. Hôm tiễn đưa anh, Hữu Tính vẫn nhắc đến chuyện “thằng Hiến nhiều lần tôi đã bảo nó đến thăm anh Thái Bảo mà nó cứ lờ đi!” Hiển nổi tiếng là người hay đi thăm hỏi và quà cáp cho cấp trên từ lâu rồi, nhưng chỉ là người còn chức quyền thôi, không phải là người đã nghỉ hưu như anh Thái Bảo (mà anh em ở Đài tiếng nói Việt Nam rất yêu quý, kính trọng). Anh Thái Bảo còn là thư ký riêng cho tướng Nguyễn Bình và là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực.

Trong các phương tiện truyền thông thì truyền hình phải đầu tư cơ sở vật chất tốn kém nhất. Hiến vướng vào những vụ tham nhũng khi xây dựng các công trình ở Đài truyền hình. Dư luận đã ầm ỉ một thời gian, nhưng giống như hàng ngàn ông quan tham khác, y vẫn hạ cánh an toàn. “Triều đại” của Hiến đã để lại cho Đài truyền hình một lớp cán bộ thật “ấn tượng”. Điển hình là Lại Văn Sâm. Một Việt Kiều ở Pháp vô tình biết tôi từng làm phát thanh và truyền hình đã kể rằng, khi Lại Văn Sâm qua Pháp làm việc, đồng bào yêu quý các nhà báo của quê hương nên đã tổ chức nhau mời Lại Văn Sâm một bữa cơm. Thấy các món ăn sơ sài quá, Lại Văn Sâm đã trừng mắt nói: mời Lại Văn Sâm mà thế này à? Nghe xong tất cả mọi người kinh ngạc về nhân cách văn hóa thấp kém của Sâm. Theo tôi, có lẽ Lại Văn Sâm quen đi các địa phương ở trong nước được các quan chức lấy tiền thuế của dân ra đãi những bữa tiệc vừa ăn vừa đổ đi nên quen thói rồi. Anh chàng MC mồm mép như anh bán thuốc dạo trên tàu điện ở Hà Nội ngày xưa, có hay đâu đồng bào xa xứ của mình phải vất vả mới kiếm được miếng ăn ở xứ người, vì yêu mến quê hương mà gom tiền lại đãi đằng nhà báo Việt Nam. Đồng bào đã bất ngờ khi thấy thái độ của Sâm như thế – một nhà báo XHCN! Khi tôi viết báo “lề trái” trên mạng, đôi lần có nhắc đến “Lại Văn Sâm khua môi múa mép trên truyền hình” thì lập tức có nhiều comment hưởng ứng ngay. Thì ra người xem truyền hình ở Việt Nam rất ghét khi thấy Lại Văn Sâm xuất hiện. Ở các nước văn minh MC truyền hình phải được khán già ưa thích, không thì phải thay ngay, vì người ta luôn luôn thăm dò ý kiến khán giả qua các hình thức trưng cầu dân ý. Ở ta, cứ Đảng phân công là người ta cứ nhâng nháo vác mặt lên truyền hình quốc gia!

Trong thời gian công tác ở Đài truyền hình trung ương, có một sự cố lớn ảnh hưởng đến tư tưởng và dẫn đến quyết định sự ra đi của tôi khỏi “miền Bắc XHCN”, khỏi Hà Nội nơi tôi sinh ra. Đó là vào cuối năm 1978, tại nhà hát lớn Hà Nội diễn ra hội nghị khoa học toàn quốc. Tôi đến dự, nói đúng hơn là đến hành nghề. Trí thức cả hai miền Nam Bắc về dự hội nghị quan trọng này. Khi thủ tướng Phạm Văn Đồng đến, cả đại hội đã vỗ tay kiểu “đại hội” như tôi đã giới thiệu kiểu vỗ tay này ở đầu sách. Người trong ban tổ chức giới thiệu: người anh cả của khoa học đã đến dự với chúng ta. Lại vỗ tay. Tôi nói với vị trí thức ngồi cạnh tôi: giả sử lát nữa có đồng chí Lê Duẩn đến thì không biết người ta sẽ giới thiệu thế nào? Không lẽ phải giới thiệu là “người anh cả đỏ đã đến”. Vị đại biểu này không nói gì(!)

 Khi tham luận có một nữ đại biểu ở Tổng cục khai hoang nêu khó khăn không thể khai hoang 50 vạn héc ta trong một thời gian như chính phủ lên kế hoạch. Phạm Văn Đồng rung chuông đuổi xuống. Chị ta cứ nói: khai hoang 50 vạn héc ta thì xin phép phải được nói dài(!) Lại rung chuông. Vẫn nói. Lại rung chuông… Khi giải lao, các vị đại biểu vây quanh người phụ nữ rắn rỏi này. Có người nói: chị gan quá. Thủ tướng rung chuông nhiều lần mà cứ nói không chịu xuống. Chị trả lời: các anh là đàn ông, nhiều tham vọng. Tôi là phụ nữ, tôi không có tham vọng nên tôi nói thật(!) Ai cũng hiểu chị ta muốn nói đàn ông các anh hèn lắm. Vì tham quyền cao chức trọng, bổng lộc nên ngậm miệng ăn tiền. Viết đến đây tôi nhớ bài thơ mới đọc hôm 18/2/2013 của tướng Phạm Chuyên mang tên “Người hèn”, đăng trên trang mạng Ba Sàm. Vừa mới đọc có đôi lần mà đã thuộc vì nó hay quá:

“Đất nước ngàn năm / hiếm kẻ bán nước / có nhiều nhặn gì đâu / một Trần Ích Tắc / một Lê Chiêu Thống / một Hoàng Văn Hoan / đất nước ngàn năm / quá lắm người hèn / hèn vì quyền cao chức trọng / hèn vì nhà cao cửa rộng / hèn vì miếng cơm manh áo / hèn vì vợ dại con thơ / hèn vì danh hão danh hờ / hèn mà còn nhận ra / mình là thằng hèn / là hèn tử tế / hèn ngậm miệng ăn tiền / hèn nhơ bẩn / hèn … / hèn bất nhân / hèn bán đất bán nước / trờ chu đất diệt / hèn ơi! Đất nước ơi!”

… Thấy đại biểu túm tụm, Phạm Văn Đồng đến. Ông hỏi một trí thức ở Sài Gòn ra họp: trong ấy tình hình nghiên cứu khoa học thế nào? Vị này thưa: trong phòng thí nghiệm đến H2O cũng không có! Ông hỏi vị trí thức thứ hai, vị này thưa: chúng tôi phải tẩy xóa bằng cái nút lọ penicillin thay cho cục gôm! Thế là thủ tướng cười: Ha ha ha! Cái cười rất Phạm Văn Đồng. Thế là mọi người cười theo. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam là anh Hà Việt đã nhanh tay bấm máy được cái hình mọi người cười rất tươi, cười hết cỡ. Cuối hội nghị, thủ tướng chỉ đạo. Ông ta nói: chúng ta làm khoa học kỹ thuật theo cách của Việt Nam, như Cù Chính Lan chạy tắt rừng để đón đầu đánh xe tăng. Chúng ta phải đi tắt, đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười lăm, hai mươi năm… Lại vỗ tay!

Tôi muốn dừng ít phút ở đây để nói về phương Tây. Tôi vừa đi theo một chuyến máy bay DC chở cá mè bột (cá giống) vào Nam và theo máy bay chở cá giống bố mẹ rô phi ra Bắc cùng mấy anh em cán bộ kỹ thuật của Bộ Thủy Sản và các bác nông dân nuôi cá ở một hợp tác tác xã của huyện Thanh Trì ngoại thành Hà Nội. Lúc lên máy bay, phi công xem giấy tờ thấy tôi là nhà báo. Anh ta không cho đi. Lý do: máy bay cất cánh những giờ cuối cùng rồi cho vào nghĩa địa vì “hết đát”. Tôi là nhà báo, phải bảo vệ tính mạng cho tôi. Tôi cự lại: Đảng và nhà nước đào tạo một phi công như đồng chí tốn kém gấp 10 lần một anh phóng viên ốm yếu như tôi. Các đồng chí quý giá hơn tôi 10 lần, cả về thể chất con người nữa, mà đi được thì sao tôi không đi được? Anh chàng phi công phát cáu: ông nhà báo lắm lý sự quá. Thôi mời ông lên. Thế là tôi được đi những giờ phút cuối cùng của loại máy bay mang mác DC ở Việt Nam. Lên máy bay rồi, tôi lại còn đòi ngồi ở cabin để còn… quan sát. Cabin máy bay DC chỉ ngồi được ba người. Phi công, thợ máy và dẫn đường. Vì máy bay bay ở độ cao 300 mét nên người dẫn đường cầm một xấp bản đồ, nhìn xuống thấy rõ mổn một từng địa phận máy bay bay qua. Máy bay chỉ bay tốc độ 300 km/h nên quan sát rất dễ. Tôi ngồi bệt xuống chân, giữa 2 người thợ máy và dẫn đường. Lúc bay đến Nam Định, anh thợ máy nói: lúc nãy nói chơi vậy thôi, chứ máy bay có tới 56 cái đồng hồ trục trặc cái gì là báo ngay để xử lý. Đi máy bay là an toàn nhất. Tôi nhìn theo ngón tay của người thợ máy và đếm đủ 56 cái đồng hồ trên tableau trước mặt. Cái máy bay như thế mà đã vứt vào nghĩa địa vì nó được bay hết giờ quy định của hãng chế tạo ra nó. Phương Tây là như thế. Tôi nghĩ, 100 năm nữa chưa chắc nước ta đã làm nỗi một chiếc máy bay từ A tới Z như cái DC tôi vừa đi. Tôi chưa thấy ai bốc phét như ông Phạm Văn Đồng “đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười lăm, hai mươi năm nữa…!!!”

Một đất nước được lãnh đạo bởi những con người hoang tưởng và lố bịch như thế thì đất nước sẽ đi về đâu? Nhân dân sẽ sống thế nào? Còn đám trí thức kia thì chỉ ngậm miệng ăn tiền mà thôi. Chỉ có phụ nữ là dám nói sự thật. Ôi, phụ nữ Việt Nam anh hùng quá. Đất nước đáng tự hào về họ quá. Họ chính là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu…

Ngày hôm sau của cuộc hội nghị quan trọng đó, cô nhân vật đánh máy của cơ quan tôi cầm tờ báo Tiền Phong có tấm hình phóng viên Hà Việt chụp đến khoe với tôi: anh Phú Khải có cái hình đẹp quá, đứng cạnh thủ tướng và đại tướng. Tôi cầm bức hình mà hôm qua “bị” chụp xem. Rồi nói rõ xuất xứ của những cái cười hết cỡ trong ảnh và kết luận: như thế mà cười được thì là vô liêm sỉ, chỉ có tôi là còn chút liêm sỉ nên không cười(!). Mọi người đứng quanh tôi không ai nói gì cả. Vài ngày sau vợ tướng Qua nhắn vợ tôi lên nhà bà gấp. Bà cho hay những gì tôi nói về bức ảnh chụp Phạm Văn Đồng đã đăng báo… đã được phản ánh về Bộ Công An. Bà nói: thằng Thanh, chồng con Tuyết nó đến tận nhà báo cáo với chú chị mà nó vừa nói, vừa thở, vừa run… “thằng Thanh” như lời bà thím tôi là Nguyễn Thanh, cục trưởng Cục xử lý tin tức Bộ Công An. Còn “con Tuyết” là con ông chú thứ hai của tôi, cô đang làm phó Ban tài chính và quản trị trung ương.

Nguyễn Thanh phải gọi tướng Qua là bác, (bác vợ). Sự thể là như thế. Bà thím tôi còn nói: mày về bảo chồng mày ăn nói phải giữ mồm giữ miệng không thì mang họa vào thân. Ông Qua ông ấy giận thằng cháu đích tôn lắm. Lúc thằng Thanh báo cáo xong, ông ấy đập tay xuống bàn! Cái hồi tôi đi làm nhà nước hồi đó, lý lịch là số 1. Lý lịch phải khai đầy đủ cả họ nội, họ ngoại. Nên việc tôi là cháu ruột của tướng Qua, bên an ninh họ đều biết (nhất là an ninh được “cài” vào một cơ quan như Đài truyền hình trung ương). Vì thế tướng Qua bực mình là phải. Chủ nhật tuần lễ đó, ông xuống tận nhà tôi ở Hoàng Mai mắng tôi một chập. Tôi cãi “đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng 20 năm thì rõ là hoang đường rồi còn gì?” Nghe xong ông nói: “Đúng thế, nhưng người phát ngôn không phải là cháu!”

Trời đất thiên địa ơi! Chân lý thì ai nói ra mà chẳng được. Từ trước công nguyên Aristote đã từng nói “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!” Phương Tây là như vậy nên họ mới có máy bay DC. Còn phương Đông thì chỉ thầy mới đúng, còn trò thì không bao giờ được cãi thầy… Thì ra ông chú yêu quý của tôi cũng có một ông Khổng Tử ở trong đầu. Các cụ ta bảo, học nói chỉ mất 3 năm, nhưng học im lặng phải mất 60 năm. Nếu phải như bây giờ thì tôi không cãi, tôi im lặng nhận lỗi thì chú Qua tôi vui lòng ngay. Nhưng tuổi trẻ là thế, tôi cãi. Tướng Qua giận lắm. Sau đó ông còn đến cả Đài Truyền hình gặp lãnh đạo Đài. Khi ông đeo lon tướng vô cửa, đồng chí công an gác đài đã đứng nghiêm chào, không dám hỏi giấy tờ. Sau buổi ông đến Đài, “sếp” Hán vỗ vai tôi cười nói: ông chú mày dọa “bắt” mày đó!… vậy thôi… không nói gì nữa… đúng là “Hán Cao Tổ”!!!

Đúng 18 năm sau, năm 1996, tôi gặp ông Phạm Văn Đồng ở tỉnh ủy Cần Thơ, ông đang ngồi nói chuyện với ông Sáu Phan (Nguyễn Hà Phan). Ông đeo một cái kính râm rất to. Lúc đó cả nước đã bước vào thời kỳ đổi mới sau đại hội VI. Các sách vở “lề phải” đều nói đến vấn đề Việt Nam có thể bị tụt hậu so với các nước trong khu vực(!) Vậy là đã gần hết hạn 20 năm để đuổi kịp và vượt phương tây như chỉ đạo của thủ tướng. Vậy tôi có nên vào báo cáo với thủ tướng là ta có khả năng tụt hậu so với các nước láng giềng hơn là “đuổi kịp và vượt phương Tây” như thủ tướng chỉ đạo cách đây vừa đúng 20 năm! Tôi sực nhớ đến dạo ở Hà Nội, mỗi lần thủ tướng đến thăm nơi nào người thư ký đề đến trước dặn mọi người không nên nói điều gì … làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, nên tôi thôi. Ông Đồng mất vào năm 2000. Tướng Qua, người sĩ quan cận vệ của ông ở hội nghị Geneve năm xưa mất vào năm 2001. Tất cả đã đi vào quá khứ, và kẻ đang viết những dòng này cũng đang trên đường đến… nghĩa trang. Nhưng sự thật lịch sử thì phải rõ ràng công bằng. Chân lý phải quý hơn thầy. Vậy thôi.

(Còn tiếp)

Đọc tất cả những bài đã đăng ở tại trang: Lời Ai Điếu

Đọc bài tiếp theo:Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 20)

Đọc bài trước đó: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 18)

 

2 thoughts on “Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 19)

  1. Pingback: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 20) | Phan Ba's Blog

  2. Pingback: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 18) | Phan Ba's Blog

Bình luận về bài viết này