Tan rã và bỏ chạy (phần 1)

Huế, Phục Sinh 1972

Người Philippines chào mừng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh theo cách của họ. Chúng tôi trải nghiệm màn khổ hình trong một thành phố nhỏ ở miền Nam của đảo Luzon. Những người sám hối, chủ yếu là đàn ông, đã ấn vòng gai lên đầu mình, để cho máu chảy xuống trán. Hàng chục người cầm roi tự trừng phạt cái lưng trần của họ, cho tới khi những vết rộng lớn, màu đỏ thẩm bật tung ra. Những người khác với nón sắt và cây giáo đã cải trang thành lính lê dương La Mã – điều hẳn là phải mang lại nhiều thích thú hơn. Họ dùng roi quất lên những người đóng vai Giê-xu đi qua các con hẻm và cuối cùng cột họ lại trên chiếc thập tự giá, trước khi họ dựng dậy các bản sao này của Đồi Sọ [nơi cây thánh giá mà Chúa bị đóng đinh ở trên đó được dựng lên]. Ở đâu đó trên Luzon có một con người kỳ dị cho đóng đinh mình lên thánh giá hàng năm, người ta nói với chúng tôi như thế. Chúng tôi đã từ bỏ không đến tham quan hành vi quá mức này. Giàn đồng ca và những bài ca sám hối vang thật to ra từ vô số những cái loa, nhưng phổ biến nhất trong Tuần Thánh này là các vua thánh từ màn trình diễn nhiều thành công của Manila: “Chúa Giê-xu, siêu sao”. Sevilla và Hollywood đã bước vào một liên kết kỳ lạ trên quần đảo chịu dấu ấn Tây Ban Nha-Mỹ này. Một phần khán già sùng đạo đã tham gia chịu đòn roi. Tôi mê mẩn quan sát một người phụ nữ già dùng roi đánh hết sức đều đặn vào tấm lưng đầy máu của một người đàn ông trẻ nằm giang tay trong bụi bặm như thế nào. Rồi người tài xế Ben của chúng tôi kéo tôi sang một bên. Ben nhỏ người đến buồn cười, thế nhưng vết thẹo dao thật to trên gương mặt Mã Lai dữ dằn của anh mang lại cho anh một nét ngang tàng nào đó. Chúng tôi ngờ là Ben thuộc vào giới giang hồ được tổ chức rất tốt của Manila, điều không làm giảm đi mức tin cậy của chúng tôi vào anh. Anh có tên là “Mackie dao” ở đội quay phim.

Lính Thủy Quân Lục Chiến ở Huế ngày 3 tháng Năm năm 1972

03 May 1972, Hue, South Vietnam — Hue, South Vietnam. A regiment of South Vietnamese Marines pulling back from Quang tri are shown at My Chanh along Route #1 en route to Hue. — Image by © Bettmann/CORBIS

Ben nghe ra-đi-ô trong ô tô. “Người Bắc Việt đã khởi động một chiến dịch lớn vào ngày hôm qua”, anh nói. “Người ta cho rằng họ đã vượt qua được tuyến phòng thủ của Nam Việt Nam.” Chúng tôi vặn to lên. Thật sự là Tướng Giáp lại bất ngờ tấn công thêm một lần nữa. Ông tấn công chính xác ở nơi mà không một ai tính trước, ở dãy phân giới hẹp dọc theo vĩ tuyến 17. Người Nam Việt Nam, phải tiến hành chiến đấu trên mặt đất một mình từ khi lực lượng quân đội Mỹ được giảm xuống còn 50.000 người bởi Tổng thống Johnson, đã bố trí sư đoàn yếu nhất của họ, Sư đoàn 3 Bộ binh chủ yếu gồm những người đào ngũ bị bắt lại và dân trộm cướp lừa đảo, ở trong khu vực bị coi thường này. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi đạo quân xung phong của Hà Nội sau trận pháo kích hủy diệt lao tới các vị trí của người Nam Việt với những đoàn xe tăng Xô-viết kiểu T-52 và T-54, thì không còn có thể giữ vững gì được nữa. US Air Force bị lớp mây thấp cản trở trong việc can thiệp vào chiến sự trên mặt đất. Các advisers người Mỹ cho máy bay trực thăng chở ra khỏi các cứ điểm bị bao vây của phòng tuyến Mc Namara quanh Đông Hà và Cam Lộ, việc làm mà cuối cùng đã chôn vùi hoàn toàn tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Người ta nói rằng tỉnh lỵ Quảng Trị đã thất thủ. Vào cùng thời điểm đó, một đoàn xe tăng Bắc Việt khác từ vùng biên giới với Campuchia ở phía bắc Sài Gòn đã lao theo Đường 13 về hướng nam và đã bất ngờ đánh úp thị trấn Lộc Ninh nhỏ bé. Ngược lại, ở gần An Lộc, người Bắc Việt, vẫn còn chưa quen với chiến tranh di động và đã ném xe tăng của họ tới trước mà không có lực lượng bộ binh bảo vệ đầy đủ, đã bật lại trước sự chống cự quyết liệt của lính dù Nam Việt Nam và vũ khí chống tăng của họ. Cuộc tấn công dừng lại cách phía nam An Lộc hai mươi ki-lô-mét.

Vài ngày sau đó – sau khi xin chiếu khán và mua vé máy bay – chúng tôi lạnh run đáp xuống phi trường Phú Bài đang có mưa tầm tả ở phía nam của Huế. Bầu không khí thật ảm đạm. Ngang qua hàng rào kẽm gai của những trại lính và căn cứ Mỹ đã bị bỏ lại mà những ngôi nhà gỗ của nó đã bắt đầu hư hỏng, chúng tôi đi vào cố đô trong một chiếc xe buýt kêu cót két. Khách sạn có thể ở duy nhất – nằm cạnh sông Hương – đã đầy nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Lúc chúng tôi tới, có một người da trắng cô độc đứng trước cửa ra vào với những tấm kính đã bị vỡ tan. Ông mặc một cái áo chống đạn như một người lính Mỹ. Gương  mặt vàng nhạt lởm chởm râu chưa cạo. Quần áo ướt đẫm của ông dính chặt vào người, và cái kính mắt gọng thép đã bị mờ đi vì độ ẩm. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra ông ngay lập tức, và chúng tôi ôm chầm lấy nhau.

Tôi đã quen với Dietrich Schanz ở Congo. Lúc đó, ông đi du lịch qua Sa mạc Sahara và nửa châu Phi với một chiếc xe buýt VW, cho tới khi ông cùng với người vợ Nga của ông đến với sự hỗn loạn đen của Léopoldville. Dietrich Schanz khởi hành từ Bonn như là một nhà tư tưởng tiến bộ và người chống chủ nghĩa thực dân. Cuộc khủng hoảng Kongo đã lấy đi những ảo tưởng nào đó của ông. Lần quay ngược mang tính quyết định trong phán xét của ông về Thế giới thứ Ba hẳn đã diễn ra khi chiếc xe của ông bị một người lính da đen say rượu của Force Publique chận lại trên Đại lộ Albert. Dietrich, người thời đó để râu, bị hỏi bằng một thứ tiếng Pháp hầu như không thể hiểu được, rằng ông có phải là nhà truyền đạo hay không. Khi ông phủ nhận, người chiến binh Congo đã tát ông thật mạnh. Chỉ các nhà truyền giáo mới để râu, người giữ trật tự da đen nói, và ai cải trang là nhà tu hành thì sẽ bị nghi là gián điệp. Mãi sau này, sau khi Patrice Lumumba bị ám sát chết, Moise Tschombe bị bắt cóc và thời kỳ vinh quang Mobutu bắt đầu ở Kinshasa, như Léopoldville bây giờ có tên là vậy, thì Dietrich Schanz đã dựng cơ ngơi thông tín viên của ông ở Hongkong, và kể từ lúc đó ông đã đi thăm không biết mệt các nước Đông Nam Á. Ông đã chán ngán người da đen, nhưng thật ta thì ông cũng không yêu thích người châu Á. Người Hoa Hongkong đối với ông thì quá xảo trá, lạnh lùng và trơ trẽn. Ông gọi người Thái, không phải là không có lý do, là the giggling race, chủng tộc cười khúc khích, ông trách người Việt tính cẩu thả ở miền Nam và sự cuồng tín ở miền Bắc. Mãi khi ông được cử sang Teheran trong những năm sau đó, ông mới bắt đầu tiếc nuối những người Đông Á và có lẽ là cả những người châu Phi nữa.

Trong một nghề nghiệp, cái bị trừng phạt bởi một số đông những kẻ làm ra vẻ quan trọng, những người nửa tri thức và những tên nhậu nhẹt say sưa, thì nhà báo Dietrich Schanz là một trường hợp ngoại lệ nổi tiếng và làm ấm áp con tim. Ông đã giữ được trái tim trẻ con của mình, cũng như nói chung là một tính thơ ngây mạo hiểm nhất định, điều là tiền đề không thể thiếu được cho hoạt động báo chí trong những vùng có khủng hoảng. Khi ở đâu đó bùng cháy thì Dietrich đã có mặt ở đó qua chiếc máy bay đầu tiên. Rằng ông như là free lance được trả tiền hết sức thấp và phải liều mạng sống của mình, trong khi những thông tín viên khác, được trang bị tốt hơn, nghĩ ra các tường thuật chiến trường của họ trong phòng khách sạn có điều hòa nhiệt độ, điều đó thì ông ghi nhận với sự khinh thường. Tính khôi hài vùng sông Rhein của ông vẫn còn nguyên vẹn. Đối với ông thì thật ra trải nghiệm quan trọng hơn là thành công. Ông là một Don Quijote của báo chí.

Dietrich khuyên chúng tôi mua nệm cho phòng khách sạn – giường đã biến mất –, áo mưa, nón sắt và áo chống đạn ở chợ của Huế, bên kia cây cầu sắt. Với một ít may mắn thì chúng tôi cũng có thể tìm được một chiếc taxi cho chuyến đi ra mặt trận. Bản thân ông vừa mới trở về từ phòng tuyến đầu tiên ở Đông Hà. Khi một tấm thảm bom B-52 từ trên bầu trời đang mưa nặng hạt rơi xuống ở bên kia sông Cửa Việt mà hoàn toàn không có một điều gì cảnh báo trước, và mặt đất nảy lên như trong một cơn động đất, thì ông trong cơn hoảng loạn đã nhảy xuống một cái hố đầy nước, làm trò tiêu khiển cho một loạt quân nhân Nam Việt Nam, những người đã quen với tiếng ầm ầm giống như tận thế đó rồi.

Vào sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi trên Quốc lộ 1 cũ tiến ra Quảng Trị ở hướng Bắc, quốc lộ mà thời trước được người Pháp gọi là “con đường không vui” và được Bernard Fall lưu tên mãi mãi trong quyển sách của ông. Chúng tôi đã mướn một chiếc Citroën màu đen cũ rích, loại không thể thiếu được trong những phim gangster của Pháp thời trước chiến tranh. Thời xưa, người ta đã gọi kiểu xe này là la reine de la route vì tính năng chạy trên đường trường của nó. “Nữ hoàng đường sá” của chúng tôi ở Huế nằm trong một tình trạng thật đáng thương hại. Trời mưa nhỏ qua mái. Lò xo bật tung lên khỏi lớp đệm. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không muốn tin vào những người thích đùa đó, bảo đảm với chúng tôi rằng chiếc xe của chúng tôi thật sự là xuất phát từ phần trước và phần sau của hai chiếc Citroën khác nhau mà một người thợ sửa xe người Việt đã hàn chúng lại. Khi chúng tôi nói đích đến của chúng tôi cho người tài xế Việt tên Nho biết, ông ấy lắc đầu không hài lòng. “C’est très mauvais, Monsieu”, ông nói, việc mà mặc dù vậy vẫn không ngăn cản ông mang đứa con trai mười tuổi lên ngồi ở ghế trước và khởi hành chạy lạch cạnh về hướng Bắc.

(Còn tiếp)

Phan Ba trích dịch từ “Cái chết trên ruộng lúa – Ba mươi năm chiến tranh Đông Dương

Đọc các bài khác tại trang Cái chết trên ruộng lúa

 Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

Bình luận về bài viết này