Sau chiến bại Điện Biên Phủ

Hà Nội, trong mùa Hè 1954

Pháo đài Điện Biên Phủ đã thất thủ. Chiến bại của người Pháp ở Đông Dương đã được định đoạt. Tổng chỉ huy Navarre đã đánh cược và đã thua. Ông đã tập trung 60.000 người lính của quân đội ở tại cái thung lũng lòng chảo hoang vắng đó trong vùng sinh sống của người Thái đen. Ngôi làng Điện Biên Phủ, cho tới lúc đó chỉ là trạm trung chuyển nhỏ bé giữa vùng núi của Bắc Kỳ và đồng bằng sông Mekong của Lào, bây giờ đã nổi tiếng khắp thế giới. Người Pháp đã co cụm ở đó với ý định lôi kéo một trận tấn công vỗ mặt của quân đội Việt Minh về phía mình. Nhiều năm trời, các bộ tham mưu ở Hà Nội đã mơ được đối diện với địch thủ trên một chiến trường công khai và tiêu diệt họ ở đó. Đạo quân viễn chinh đã quá mệt mỏi với cuộc chiến du kích quân tiêu hao, cho tới mức họ chấp nhận những rủi ro thật lớn của sự cô lập trong cái thung lũng lòng chảo hoang vắng đó. Tướng Navarre đã đánh giá quá thấp người thầy giáo dạy sử nhỏ bé Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đội Việt Minh và tính siêng năng cần mẫn của địch thủ ông. Tất cả các chuyên gia đều thề thốt rằng không thể chuyên chở đại bác bằng đường bộ xuyên rừng núi tới Điện Biên Phủ được. Việt Minh đã làm được điều đó dưới những điều kiện gian khổ không thể hình dung ra hết được, và ngay sau loạt đạn đầu tiên của những người bao vây thì công sự của phe phòng thủ đã sụp đổ, những người đã chuẩn bị nhiều lắm là cho đạn súng cối. Tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương dường như là muốn xác nhận thêm câu nói của Clémenceau mà theo đó chiến tranh là một việc quá nghiêm trọng để mà được phép giao nó cho giới quân đội.

Quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ

Quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ

Chính phủ bình dân liên minh ở Paris ít nhất thì cũng phải gánh chịu cùng một trách nhiệm to lớn như vậy. Người của Phong trào Cộng hòa  Bình dân, trước đây có lần được xếp vào lực lượng tiến bộ của nước Pháp, bám chặt trong sự mù quáng kỳ lạ vào cái ảo tưởng của di sản thuộc địa. Trong giờ phút cuối cùng, Ngoại trưởng Georges Bidault còn cố gắng thuyết phục người Mỹ ném bom nguyên tử chiến thuật xuống các vị trí của người cộng sản quanh Điện Biên Phủ. Thế nhưng mới trước đó một năm, Washington đã phải miễn cưỡng chấp thuận ngưng bắn ở Triều Tiên. Lần đầu tiên, Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không thắng được một cuộc chiến mà chấm dứt nó bất phân thắng bại trên cơ sở của hiện trạng. Ngay cả từ John Foster Dulles cũng không còn nghe được gì về việc can thiệp hạt nhân vào Đông Dương nữa. Khi rồi lá cờ đỏ với ngôi sao vàng được treo lên trên công sự Pháp cuối cùng, báo chí Phương Tây, thậm chí cả công chúng Pháp, phản ứng với một cảm giác nhẹ nhỏm đáng thương hại. Lần leo thang chết người của cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” đã được ngăn chận. Quân đội Pháp còn giữ được đồng bằng sông Hồng, nhưng cả ở đây, chiến bại toàn bộ của họ chỉ là một câu hỏi của thời gian. Tướng Giáp tập trung quân đội của ông để tổng tấn công vào Hà Nội.

Nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đổ về Hà Nội. Chiến tranh Đông Dương – ngược với chiến dịch Triều Tiên – cho tới nay đã bị giới xuất bản quốc tế đối xử giống như con ghẻ. Thậm chí một phần của báo chí Paris cũng xấu hổ trước chiến dịch thuộc địa muộn màng này. Nhưng bây giờ thì giờ khắc cuối cùng sắp đến, và những con kền kền bắt đầu tụ họp lại. Trời nóng nực tới mức khó chịu đựng được trong những tuần mùa hè này. Các cánh đồng ruộng lúa ở đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Hơi bốc lên từ cái hồ không có bờ này biến Bắc Kỳ thành một gian phòng đầy hơi nước. Tinh thần trong trại báo chí mang tính bực dọc. Thiếu tá Roëllec mập mạp đã được thay thế bởi một viên chỉ huy gân guốc có mái tóc đen kiểu bàn chải tên là Gardes, người vui mừng vì hưởng được sự kính nể chung. Thời đó, không một ai đoán rằng bảy năm sau, viên sĩ quan ở Algeria thuộc vào trong số những người chủ mưu của OAS (Organisation de l’armée secrète – Tổ chức quân đội bí mật), đảo chính chống de Gaulle và còn muốn giết vị tướng đó nữa. Báo cáo tình hình, cuộc họp báo hàng ngày, diễn ra sôi động. Các thông tín viên người Mỹ vẫn còn chưa chấp nhận lần rút ra khỏi vùng phía nam của đồng bằng với thành phố Nam Định, là việc khiến cho thủ hiến Trí từ chức. “Sau khi sắp xếp lại mặt trận ở Phủ Lý, quân đội chúng tôi đã vào các vị trí ở Hà Đông”, phát ngôn viên nói. – “Cái gì”, một người Mỹ béo mập hỏi, “các anh cũng bỏ Hà Đông rồi à?” Giới quân đội Pháp phản đối: “Không thể nói về một cuộc rút quân ra khỏi Hà Đông được.” – “Nó sẽ bị bỏ vào ngày kia”, người Mỹ béo mập nói cay độc, không nao núng. Phần lớn các câu hỏi đều xoay quanh số phận của các tù binh Pháp từ Điện Biên Phủ, bị tháp tùng trong những chặng hành trình chết người xuyên rừng rậm và đồi núi dài hàng trăm kilômét để vào các trại giam của Việt Minh. Nhà báo Mỹ trong các thông báo của họ đã tường thuật về một death march (cuộc hành trình chết chóc), cái bị kiểm duyệt quân đội biến thành exhausting march (cuộc hành trình kiệt sức). Người Pháp không muốn chọc giận kẻ thù vào thời điểm quyết định của những cuộc đàm phán ở Genève. Người Mỹ nổi giận về lần giảm nhẹ tường trình của họ. “‘Exhausting march’ có nghĩa là gì? Đối với một người Mỹ thì đi bộ một vòng qua ba khu phố đã là một hành trình kiệt sức rồi.” Tôi nhớ lại cảnh tượng này khi quân đội Mỹ bước vào kế thừa người Pháp mười năm sau đó.

Hà Nội đã trở thành một trại lính kiên cố. Các công sở quấn mình vào trong những hàng rào kẽm gai như trong một cái tổ kén. Bầu không khí vĩnh biệt nằm trên những con lộ rộng lớn có trồng cây và trên những ngôi biệt thự được chăm sóc kỹ lưỡng. Dân thường người Pháp gói ghém đồ đạc vào va li. Họ thảo luận về những thông báo cuối cùng từ Genève. Người thủ tướng mới của Pháp Pierre Mendès-France ngồi ở đó cạnh bàn đàm phán với người Trung Quốc Chu Ân Lai và toàn quyền của Việt Minh Phạm Văn Đồng, người đứng đầu chính phủ sau này của nước Việt Nam thống nhất. Phe cánh hữu thủ cựu của Pháp đã mở đường cho Mendès-France thuộc phái tiến bộ, tự do cánh tả, khi vấn đề là phải uống cạn chén rượu đắng của chiến bại. PMF, như ông được gọi tắt, hoàn toàn không phải là người đầu hàng. Ông tranh cãi với răng nanh và móng vuốt vì mỗi một điều khoản trong hiệp định ngưng bắn, vì mỗi một tất đất ở Đông Dương. Thậm chí ông còn đưa ra một tối hậu thơ cho thời điểm ngưng bắn, nếu không – ông đe dọa như vậy – ông sẽ tăng cường thật nhiều lính nghĩa vụ cho đạo quân viễn chinh. Ngay những người thuộc địa cũ ở Hà Nội cũng kính nể Mendès-France, vì họ biết rằng ông chơi bài tố tuyệt vọng cho tới đâu. Quân đội Pháp ở Bắc Kỳ đứng trước lần sụp đổ.

Tối tối, những loạt súng pháo vang rền ở rìa thành phố. Từ hàng hiên người ta có thể nhìn thấy những họng súng lóe sáng chập chờn ở chân trời.  Từ những quán rượu cạnh bên, từ “Régina” hay “Phénix”, những nốt nhạc đứt quãng của một bài tango Trung Hoa vang lên. Hà Nội thuộc Pháp chuẩn bị kết thúc trong tiếng ồn của nhạc khiêu vũ và đại bác.

Phan Ba trích dịch từ “Cái chết trên ruộng lúa – Ba mươi năm chiến tranh Đông Dương

Đọc các bài khác tại trang Cái chết trên ruộng lúa

 Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

1 thoughts on “Sau chiến bại Điện Biên Phủ

  1. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 20-11-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này