
Dwight D. Eisenhower (1956)
Ngược với Tổng thống Truman, người kế nhiệm Dwight D. Eisenhower đã có nhiều kinh nghiệm trong quân sự và đối ngoại khi ông bước vào Nhà Trắng trong tháng Giêng 1953. Trong Đệ nhị thế chiến, ông là tổng tư lệnh của quân đội Đồng Minh tại châu Âu, và sau đó là tổng tư lệnh đầu tiên của NATO. Trong hai chức vụ đó, “Ike”, nhưng người Mỹ gọi viên tướng được ưa thích đó, đã thể hiện tài khéo léo trong ngoại giao và đã phát triển khả năng tìm ra được những giải pháp thực dụng cho các vấn đề phức tạp. Người ngoại trưởng của ông, John Foster Dulles, đã có một thời gian dài làm việc như là luật sư và nhà ngoại giao. Trong khi Eisenhower quyết định các đường lối chủ trương đối ngoại ở hậu trường thì Dulles là người nói thẳng thắn và rõ ràng. Trong cùng một đội ngũ, vị Tổng thống bảo thủ-thực tế và ông Ngoại trưởng Kitô giáo-đạo đức bổ sung cho nhau thật tuyệt vời, vì các quan điểm thế giới quan của họ hầu như đều thống nhất với nhau.
Cũng như người tiền nhiệm Truman, Eisenhower nhìn cuộc Chiến tranh Đông Dương của Pháp như là một xung đột giữa chủ nghĩa cộng sản quốc tế và Phương Tây. Nhưng trong lúc tranh cử năm 1952, ông đứng cách xa người tiền nhiệm. Ông lên án người này là không thể chấm dứt cuộc chiến ở Triều Tiên lẫn xuất hiện đủ mạnh mẽ trước Liên bang Xô viết. Eisenhowser và Dulles phê phán rằng “chính sách ngăn chặn” là tiêu cực và chỉ phản ứng lại các diễn tiến trong đối ngoại. “Trả đũa thật nặng” (massive retaliation) và “New Look” là những từ ngữ mang tính khẩu hiệu mà đứng ở sau đó là một chính sách đối ngoại và an ninh mới cho Hoa Kỳ – một chính sách hành động tích cực thay vì chỉ phản ứng. Ở Triều Tiên, nơi mà một hiệp định, ký kết trong tháng Bảy 1953, tái thiết lập được status quo ante (tình trạng trước đó), thái độ mạnh mẽ của chính phủ Eisenhower đã dẫn tới thành công. Thế nhưng trong những cuộc khủng hoảng khác, ví dụ như tại cuộc nổi dậy ở Hungary (1956), cả Eisenhower lẫn Dulles đều không sẵn sàng thực hành một “đường lối ở cạnh vực thẳm hạt nhân” (brinkmanship) trên thực tế. Còn hơn thế: tăng cường vũ trang hạt nhân và đồng thời giảm thiểu lực lượng quân đội thông thường và ngân sách của nó đã hạn chế mạnh khả năng giải quyết khủng hoảng bằng quân sự. Một “tiếng nổ lớn hơn với ít tiền hơn” (more bang for the buck) cũng có thể có hiệu quả như là một thuyết để đối phó lại với Liên bang Xô viết hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thế nhưng như là phương án để chống lại các phong trào nổi dậy ở khắp nơi trên thế giới thì “New Look” và chiến lược nền tảng của nó không thích hợp. Điều này có thể thấy rõ ở Việt Nam trong cuối những năm năm mươi. Tiếp tục đọc →