Nhật ký sau giải phóng (16)

Các ông chúa ở tỉnh

24/05/1975

Hôm nay, hai nhân viên của chúng tôi tường thuật lại chuyến đi hai ngày của họ về các trại mồ côi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cho tới Mo Cay, chấm dứt vào tối hôm qua. Trong nhiều phần lớn của đoạn đường đi, vùng đất không do quân đội chính quy kiểm soát mà là do các maquisard (du kích quân). Vì vậy mà hai nhân viên của chúng tôi có cảm giác không an toàn. Trong những lần kiểm tra xe đò, hầu như lúc nào cũng là hai người đàn ông trẻ tuổi này, những người luôn gây sự chú ý của các maquisard, rõ ràng là vì vẽ ngoài ngoại quốc của họ. Đến Truc Giang, họ chuyển sữa và dược phẩm sang một chiếc xe nhỏ và chạy tới trại mồ côi ở đó. Vừa mới đến nơi thì một nhóm maquisard với súng ống của họ cũng đã có mặt. Không nói lời nào, họ quan sát hoạt động của nhân viên chúng tôi và khám xét trại mồ côi. Rồi sau đó họ mới hỏi họ là ai. Trong trại mồ côi thuộc Phật giáo Bach Van gần đó, họ loan tin ngay rằng người Công giáo ở Truc Giang lại nhận được quà tặng, người ta cần phải đi tới đó để lấy phần. Sự nghi ngại của các maquisard là vô lý. Chúng tôi cũng có ý định tới thăm trại mồ côi Bach Van. Sau khi trại mồ côi Truc Giang dành ra một phòng cho những người khách của terre des hommes, nó còn bị các maquisard khám xét hai lần. Ngay cả vào lúc mười một giờ đêm, họ còn gõ cửa trại mồ côi để kiểm soát. Bà giám đốc không giám mở cửa và lo ngại cho sự an toàn của những người terre des hommes đã đến đây để giúp đỡ.

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Các nhân viên của chúng tôi có ấn tượng là các maquisard ở vùng Truc Giang đặc biệt cuồng tín. Rõ ràng là các công văn chính thức đều không quan trọng đối với họ. Hầu như không có cấp thẩm quyền nào mà được họ công nhận. Hẳn là họ cũng đứng dưới một UBQQ tương ứng, thế nhưng khi họ không thích cái mũi của một người lạ thì rồi họ có thể gây nhiều phiền phức. “Các anh làm gì ở đây? Xã hội? Tại sao các anh không cắt tóc?” Các maquisard, những người không biết gì nhiều hơn là khẩu súng của họ và cuộc sống trước đây của họ như là con trai nông dân, cho thấy rằng bây giờ họ nắm quyền lực ở trong tay họ. Dường như chính họ bây giờ cũng không còn có kỷ luật cao nữa. Nếu không thì làm sao mà có thể xảy ra việc là nhóm người của chúng tôi bị kiểm soát bởi nhiều nhóm khác nhau, chỉ cách nhau có 100 mét. Các maquisard không hỏi lâu về thẻ căn cước. Từ người lạ, họ đơn giản muốn biết rằng những người đó làm gì trong vùng của họ.

Nếu lời tường thuật hai nhân viên của chúng tôi là đúng thì người ta phải đoán rằng một sự nhận dạng quốc gia-nhà nước trong Nam Việt Nam cũng đã không được MTGP thể hiện, mà nguyên tắc của các tư lệnh quân đội (war-lords) lại tái diễn trong lúc thành lập các UBQQ. Điều này luôn tồn tại và hiện bây giờ đang kéo dài qua những cuộc chiến mà người ta đã tường thuật giữa giáo phái Hòa Hảo và MTGP ở trong vùng. Phái Hòa Hảo trước đó đã chiến đấu chống lại quân đội của Tổng thống Thiệu.

Tôi không nghĩ là các nhà báo Phương Tây biết về tất cả những điều này. Vì vậy mà đã dẫn đến những diễn đạt méo mó. Hôm nay, một nhóm 80 nhà báo Phương Tây thật sự là đã được chở bằng máy bay rời Sài Gòn sang Vientiane, và một thông tín viên Reuters – theo BBC – tường thuật rằng người ta có thể đi lại tự do. Ông hẳn là đã giữ kín rằng người nước ngoài chỉ được phép làm điều đó trong Sài Gòn mà thôi, và theo các tường thuật của nhân viên chúng tôi thì hẳn là không thể đi lại tự do trong vùng đồng bằng sông Cửu Long vì những lý do về an toàn. Bây giờ thì có thể hiểu lời nói của một cán bộ ở xã tốt hơn, mà theo đó thì người nước ngoài chưa nên đi lên Đà Lạt vì những lý do về an toàn. Đó không chỉ là viện cớ. Một chính quyền quốc gia trung ương, cái có khả năng tạo kỷ luật cho những nhóm địa phương và war-lord, hẳn là còn chưa có.

Bây giờ thì chúng tôi dự định liên hệ với tất cả các UBQQ ở nơi mà chúng tôi cần phải làm việc và xin phép họ. Vùng hoạt động của terrre des hommes vượt quá vùng của một UBQQ duy nhất rất nhiều. Qua ý kiến tích cực của các chính quyền địa phương, ít nhất thì rủi ro nguy hiểm cho nhân viên của chúng tôi cũng giảm xuống, ngay khi không hề được loại trừ.

Dường như Đài phát thanh Hà Nội không coi trọng sự thật cho lắm trong lúc tường thuật chính trị qua tiếng Anh. Người ta nói rằng theo các nhà báo Tiệp Khắc, giá cả trên Chợ Sài Gòn đã giảm đi một phần tư so với dưới thời chính phủ bù nhìn. Không thể nói như vậy được. Giá của hầu như tất cả các loại lương thực thực phẩm đều tăng lên so với trước đây. Cũng có thể là ngay đến nhà báo người Tiệp đó cũng không nhìn thấy được sự thật. Siriporn đã nhìn thấy những người lính của MTGP mang ra khỏi chợ những lượng khoai tây thật lớn, trong khi mua một kilo đối với chúng tôi là quá đắt. Có thể là những người phụ nữ ở chợ bán hàng giá rẻ hơn cho các thành viên của MTGP, ngay cả khi tôi không rõ lý do. Thuốc lá và bia không còn được sản xuất bằng máy nữa, vì vậy mà giá tăng vọt. Bơ nói chung là sẽ hoàn toàn không có nữa, vì chúng được nhập khẩu. Tôi cũng hoài nghi về việc sản xuất bánh mì, vì bột mì hầu hết cũng được nhập khẩu. Giá xăng trước sau vẫn ở khoảng tròn 1000 đồng so với 240 dưới thời chính phủ Thiệu. Thậm chí xăng cũng không phải là xăng nguyên chất nữa, mà bị pha bằng dầu hỏa và được bán trên chợ đen. Về mặt chính thức thì người ta nói rằng có phiếu để mua xăng với giá rẻ, tuy vậy chúng tôi còn chưa có đặc quyền này, nhưng đang cố gắng ở tại các đồng chí của UBQQ trong Bộ Tài chính. Đứng trước việc giá cả tăng nói chung, vẫn còn chưa rõ là tại sao tiền lương của nhân viên nhà nước cần phải cắt giảm một phầm hay hoàn toàn, ít nhất là trong vài tháng. Chúng tôi chờ xem liệu điều này có thật sự đúng như các tin đồn lan truyền hay không và thông tin từ các tỉnh khác nói gì.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này