Nhật ký sau giải phóng (15)

Những dấu hiệu chống đối giải phóng

23/05/1975

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước vẫn còn chưa bắt đầu. Cho tới nay, có nhiều điều để cho người ta phỏng đoán rằng một tập thể bí mật muốn phát triển một chính sách dân chủ, đó một việc thật là phi lý. Các nhà báo Phương Tây, những người phải rời khỏi nước vào ngày hôm nay, lại bị đối xử một cách thậm tệ. Vào buổi trưa, chúng tôi gọi điện thoại vào Continental để hỏi xem Mummenday có còn đó hay không. “Ông ấy đã rời khỏi nước rồi”, người ta thông báo với chúng tôi. Khi Siriporn trở về từ nội thành và kể rằng đã nhìn thấy một chiếc xe buýt quay trở lại khách sạn với tất cả các nhà báo đã chuẩn bị khởi hành, chúng tôi lại cố gắng hỏi thăm Mummenday. “Ông ấy đã đi ra ngoài rồi”, lần này thì người ta nói với chúng tôi như vậy. Khi chúng tôi hỏi cặn kẽ hơn thì là: “Vâng, ông ấy đã trở về từ phi trường, nhưng lúc này không có mặt trên phòng của ông ấy.” Đối diện với một sự lộn xộn như vậy, tôi thật không muốn biết các nhà báo đang ở trong tâm trạng nào. Nhiều ngày trước đây, chuyến bay đã “sắp có”, người ta chỉ “còn chưa thể đưa ra thời điểm”.

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sáng nay, người nước ngoài thêm một lần nữa không được phép đi vào trung tâm thành phố. Những người da trắng muốn làm điều đó bằng ô tô hay đi bộ đều bị đuổi trở ra mà không có một lời giải thích. Vào buổi chiều, Siriporn đi vào nội thành và hỏi mua phim Agfa. Ông chủ tiệm, một người tỵ nạn chống cộng sản từ miền Bắc, cay đắng trả lời rằng trữ bán những loại phim này không còn có ý nghĩa gì nữa. Sau giải phóng, không một ai còn có quyền tự do gởi những phim này ra nước ngoài để xử lý nữa. Siriporn cũng hỏi lý do ngăn cấm nội thành, đặc biệt là đường Tự Do, đối với người nước ngoài. Nhún vai. Vào buổi tối, có hai phiên bản được lan truyền đi trong trung tâm, tại sao lại ngăn cấm: đốt sách phản động hay là một cuộc gặp gỡ nhiều căng thẳng giữa đại diện của hai phái Công giáo.

Ba ngày trước đó, cuộc tự thiêu đầu tiên để phản đối giải phóng cũng đã diễn ra trong nội thành, và rõ ràng là đã được các nhà báo người nước ngoài quan sát và chụp ảnh tận tường. Sự việc diễn ra ngay trước bức tượng của một người lính trước Quốc Hội. Tượng đài này, biểu tượng cho cuộc chiến đấu chống cộng sản của nền độc tài Thiệu, đã bị Mặt trận Giải phóng phá hủy. Việc tự hủy hoại của một con người – theo thông tin của các nhà báo – là một hành động mang tính thiêng liêng tới mức không ai ngăn cản người đàn ông trẻ tuổi đó. Thậm chí những người lính có mặt ở đó cũng không. Sau này, người ta chỉ lấy phim ra khỏi máy chụp hình của các nhà báo. Theo như tôi nghe được thì không hết tất cả. Vẫn còn có phim không bị hủy về vụ việc này nằm trong tay các nhà báo. Sự phản kháng chống giải phóng dường như đang mạnh lên. Ngày càng có nhiều tin đồn về những vụ tấn công, giết người và mưu sát quân lính của phong trào giải phóng. Margrit tường thuật từ làng trẻ em SOS, là những người lính giải phóng đã khước từ không đưa một người đồng chí dẫm phải mìn vào một bệnh viện của Mỹ trước đây. Anh ấy được điều trị trong một bệnh viện dã chiến của MTGP trong sân bay. Và đó là nhờ vào sự việc, rằng không có người lái xe nào khác ở đó, rằng ông Kutin, sếp của làng trẻ em, đã tình nguyện làm người lái xe.

Cũng mang tính kỳ bí một ít là chuyến đến thăm Trung Tâm trưa nay của bốn người đàn ông, trong đó có một người mang súng. Người dẫn đầu giới thiệu ông là người của hành chánh quận và lại hỏi về bệnh xá mới của chúng tôi. Bây giờ thì đó đã là người đại diện thứ ba của hành chánh địa phương tỏ vẻ không hiểu biết. Ông quả quyết rằng ông chỉ đi dạo và không có ordre de mission nào. Ông chỉ muốn khuyên chúng tôi nên xin giấy phép cho bệnh xá. Tôi cảm thấy điều đó hết sức khôi hài, vì chúng tôi đã xây bệnh xá dựa trên lời đề nghị của hành chánh địa phương. Khi tôi đề cập tới điều đó, ông hỏi tôi có giấy tờ gì cho điều đó hay không. Lúc nào cũng hỏi đến giấy tờ. Cái khó chịu nhất ở tất cả mọi điều này là bao giờ cũng có những kẻ làm ra vẻ quan trọng, tự xưng là người có thẩm quyền của nhà nước, nhưng không biết mảy may là cần phải làm gì. Nhưng có lẽ điều này chẳng bao lâu nữa sẽ chấm dứt, khi chính quyền nhà nước được tổ chức tốt hơn. Khi chúng tôi hỏi tên ông, ông nói rằng một người trong chúng tôi đã ghi lại tên của ông trong quận. Hoàn toàn không có. Sau một vài câu nói thân thiện và lịch sự, nhóm người đó với khẩu súng đã bỏ đi.

Đêm nay, tôi bước ra ngoài để mua thuốc lá. Tôi tìm thấy một cửa hàng còn mở và hỏi mua hiệu của tôi, Bastos có đầu lọc. Giá 550 đồng – gần gấp ba trước giải phóng. Người ta nói rằng nhà máy, một doanh nghiệp thời thuộc địa Pháp, đã ngưng sản xuất. Những điếu thuốc cuối cùng trên thị trường được bán với giá khủng khiếp một thời gian nữa. Tôi chuyển sang một hiệu mới: nó gồm 13 điếu thuốc trong một cái bao nhựa với hàng chữ Nam Kỳ. Trên giấy thuốc lá có chữ Baykham. Có lẽ chúng được quấn bằng tay, ít nhất thì nhãn hiệu mới này trông giống như vậy. Lúc đầu, người ta nghĩ rằng tôi là người Mỹ. Rồi người ta đoán tôi là người Pháp. Khi tôi nói tôi là người Đức thì người ta hỏi ngay: người Đông Đức? Tôi nhận đùa. Nhưng dường như những người này không ngạc nhiên cho lắm khi nhìn thấy người nước ngoài từ nửa kia của thế giới trên đường phố của họ sau giải phóng. Thật sự là đã có nhà báo Đông Đức ở Sài Gòn.

Truyền hình đưa nhiều thông tin mới, trước hết là về cuộc chiến giành độc lập, về cuộc chiến của Việt Minh, về trận Điện Biên Phủ, phim tài liệu về những lần ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam và về chất lượng của công cuộc phòng thủ. Phim hoạt họa không bao giờ thuần túy là để giải trí, mà lúc nào cũng giảng dạy về chính trị. Trong lúc đó, chúng dựa vào những khuôn mẫu văn hóa truyền thống. Vào ngày 21 tháng Năm, Siriporn đi xem một buổi biểu diễn vũ balê kết nối những biểu hiện truyền thống với các hình thức thể hiện hiện đại, và qua một cách hết sức đặc biệt đã yêu cầu hãy trung thành với nhóm (dân tộc?, giai cấp?) của mình.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này