Nhật ký sau giải phóng (13)

Những khác biệt về ý thức hệ và phương án

18/05/1975

Luận điểm, rằng có những sự khác nhau về ý thức hệ và phương án giữa các chính trị gia Bắc và Nam Việt Nam, bị phần lớn những người có thiện cảm với Mặt trận Giải phóng bác bỏ, nói đó là tin đồn do mật vụ Hoa Kỳ CIA lan truyền đi.

Nhưng khi so sánh các bài diễn văn của Lê Duẩn, tổng bí thư Đảng Lao động Bắc Việt Nam và của Nguyễn Hữu Thọ, thủ tướng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Nam Việt Nam, được đọc nhân dịp giải phóng miền Nam thì có thể thấy rõ nhiều sự khác biệt.

Sài Gòn, 07 tháng Năm 1975, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình: Herve GLOAGUEN

Sài Gòn, 07 tháng Năm 1975, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình: Herve GLOAGUEN

Trong bài diễn văn của Nguyễn Hữu Thọ, không bao giờ chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ dẫn dắt của chính sách trong tương lai. Ngược lại, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn được nhắc tới trong bài diễn văn của Lê Duẩn. Nguyễn Hữu Thọ nói rằng (Nam) Việt Nam muốn đi theo một đường lối ngoại giao hòa bình và phi liên kết. Lê Duẩn nói về tình hữu nghị trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa. Hai bài diễn văn thống nhất với nhau về lần đại chiến thắng chủ nghĩa đế quốc Mỹ và vai trò dẫn đầu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thống nhất này có thể là cái duy nhất quyết định sự gắn bó của MTGP mà trong đó cũng có những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhóm tôn giáo khác nhau. Lời nói của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cái mà bây giờ đập vào mắt người từ nhiều bức tường và băng rôn, là biểu tượng cho mặt trận chính trị thống nhất này. Rõ ràng là Bắc Việt Nam biết rằng chủ nghĩa xã hội không thắng thế nhiều ở Nam Việt Nam, và chỉ có nhu cầu độc lập là cái gắn bó chung. Vì vậy mà cần phải đào tạo chính trị lâu dài cho các cán bộ ở Nam Việt Nam, cho tới khi một chính sách xã hội chủ nghĩa như vậy có thể được viết lên trên lá cờ dẫn đầu. Một lý do thứ nhì cho sự dè dặt của Nam Việt Nam đối với chủ nghĩa xã hội dường như là sự cố gắng vẫn muốn giữa lấy Hiệp định Ngưng bắn Paris 1973 bằng lời nói.

Sự không rõ ràng trong đường lối chính trị có thể cũng là lý do cho việc thiếu một chương trình chính trị cho tới ngày hôm nay. Ngoại trừ dự định quốc hữu hóa các ngân hàng, ngành giao thông vận tải và truyền thông, không có ý định cụ thể nào được tuyên bố. Tất cả các kế hoạch tiếp theo dường như chỉ là những phỏng đoán do các cán bộ không có tầm quan trọng về chính trị đưa ra, rồi lan truyền đi như là tin đồn vì nhu cầu thông tin của người dân còn chưa được thỏa mãn. Những tin đồn này nói rằng ví dụ như không lâu nữa sẽ có tòa án nhân dân, những người phản cách mạng sẽ bị nhận diện qua lục soát nhà ở vào ban đêm, người ta từ chối sự giúp đỡ từ các nước tư bản, nhân viên của chế độ cũ sẽ bị phạt cắt lương ba tháng. Những người theo dõi chính sách của Mặt trận Giải phóng từ một khoảng cách nhất định thì hy vọng vào một giải pháp Nam Việt Nam. Trong lúc đó, họ quên mất di sản của “Bác Hồ”: thống nhất Việt Nam, cái cũng là mục đích của Mặt trận Giải phóng.

Cơ quan giám sát đến thăm

20/05/1975

 Hôm nay, lần đầu tiên chúng tôi tiếp khách chính thức từ ban y tế xã hội của UBQQ Sài Gòn/Gia Định. Có bốn người đến, nhưng họ thể hiện một hình ảnh của hệ thống cấp bậc đôi kỳ lạ đó, cái bây giờ đang thống trị trong các công sở. Các nhân viên cũ, những người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nhưng không có quyền, và những nhà cách mạng mới, có quyền như không biết chi tiết. Vì vậy, để nghiên cứu các chi tiết họ lúc nào cũng phải dựa vào kiến thức chuyên môn của các nhân viên chế độ trước đây. Cuộc trao đổi được khởi đầu bởi chị Mai, người là trung tâm điểm. Chị Mai đại diện cho cách mạng. Khiêm tốn, không biết tiếng Pháp, không khoe khoang. Dấu hiệu duy nhất cho thấy chị thuộc cách mạng là một cái nón mềm màu xanh. Ngoài ra thì áo trắng và quần đen. Không có phù hiệu và huy hiệu. Sau khi kiểm tra cơ sở của chúng tôi, chị yêu cầu chúng tôi tiếp tục làm việc và làm tốt hơn là cho tới nay.

Sài Gòn, ngày 01 tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN

Sài Gòn, ngày 01 tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN

Đất nước trước sau vẫn không có một quyền lực nhà nước tập trung. Nó bị chia ra thành nhiều UBQQ làm việc tương đối độc lập với nhau. Ví dụ như chị Mai không thể cung cấp thông tin về những hoạt động nằm ngoài Sài Gòn/Gia Định. Đối với chúng tôi vẫn còn tồn tại vấn đề đi thăm và giúp đỡ cho các trại mồ côi nằm ở ngoài Sài Gòn. Ví dụ như hôm qua Tan đã bị tịch thu thẻ căn cước ở Long Bình, vì người ta cho rằng anh không có hộ chiếu để đi lại. Các cơ quan địa phương tại Sài Gòn thì lại nói rằng chính quyền cách mạng ở Long Bình không có quyền tịch thu thẻ căn cước của anh. Y tá Lee của chúng tôi, người cần phải đi Tuy Hòa, cũng bị tương tự như vậy. Không ai thật sự có thẩm quyền xác nhận với anh rằng anh được phép đi đến Tuy Hòa. Cả cơ quan hành chánh của Phú Nhuận lẫn Bộ Xã hội lẫn Bộ Y tế. Cuối cùng, người ta nói sang Bộ Ngoại giao. Thế nhưng tôi đã quá chán ngán rồi, và đề nghị là cứ đơn giản đi đến Tuy Hòa để nhận giấy tờ từ các cơ quan ở đó.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này