Roger Hilsman: Hoa Kỳ là đồng minh đầu tiên của Việt Minh

Roger Hilsman 1963

Roger Hilsman 1963

Roger Hilsman giữ nhiều chức vụ cao cấp trong phòng Đông Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ 1961 tới 1964. Ông có ảnh hưởng quyết định tới chính sách chống nổi dậy (Counterinsurgency) của đầu những năm 60. Cuối 1962, tổng thống Kennedy gửi ông sang Việt Nam để lập một bản tường trình về tình hình mà sau khi đọc nó, chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rơi tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm. Hilsman từ chức năm 1964.

Hoa Kỳ nguyên thủy là đồng minh của Việt Minh. Liên minh này ra đời dựa trên sáng kiến của Dean Rusk. Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, ông gửi khoảng 100 sĩ quan liên lạc của mật vụ OSS (Office Strategic Services) sang Việt Nam, như là một phần của cơ quan trung ương Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống người Nhật. Đó là một sự thật, người Mỹ đầu tiên chết tại Việt Nam là ở bên phía của Việt Minh. Cùng với OSS, họ cũng cứu thoát phi công Hoa Kỳ bị quân đội Nhật bắn hạ. Rusk lo ngại rằng sau chiến tranh, cửa sẽ mở rộng cho người Trung Quốc và người Nga. Hồ Chí Minh cực lực phản bác điều đó. Trả lời câu hỏi của một người được gọi là diều hâu, tại sao ông không muốn lôi kéo Trung Quốc vào trong cuộc chiến, ông trả lời. “Lần cuối cùng mà người Trung Quốc vào Việt Nam, họ đã ở lại 1000 năm. Đó có phải là điều ông muốn hay không?” Ông ấy sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc đi vào nước. Ông ấy chấp nhận giúp đỡ nhân đạo, nhưng không chấp nhập giúp đỡ quân sự. Rusk không thể hiểu được điều đó.

Vào đầu những năm năm mươi, Hồ Chí Minh viết ba lá thư gửi cho chính phủ Truman xin được giúp đỡ.  Những lá thư này không bao giờ được trả lời (vì người Pháp). Roosevelt đã tuyên bố ủng hộ chấm dứt thời thuộc địa, nước Anh nên từ bỏ Ấn Độ và Miến Điện. Đó là tình huống duy nhất mà Roosevelt và Churchill thống nhất với nhau. Và nước Pháp còn tệ hơn nữa, nhất định muốn giữ chặt lấy Đông Dương. Chính sách của Truman có ý định chỉ giúp đỡ tối thiểu cho người Pháp, để cùng với họ tạo một mặt trận chống nước Nga trong NATO.

Một ngày trước khi Hội nghị Đông Dương ở Genève quyết định chấm dứt chiến tranh, quân lính Pháp kéo dây kẽm gai quanh các tòa nhà của họ ở Hà Nội

Một ngày trước khi Hội nghị Đông Dương ở Genève quyết định chấm dứt chiến tranh, quân lính Pháp kéo dây kẽm gai quanh các tòa nhà của họ ở Hà Nội

Qua đó mà cũng có liên quan tới thuyết Domino. Đó là ý tưởng của Eisenhower. Tôi không biết ông ấy có thật sự tin vào điều đó hay không, nhưng nó là một việc được báo chí thổi phồng lên. Eisenhower giải thích tại sao chúng tôi tài trợ cho Nam Việt Nam, mặc dù chúng tôi không có quân đội ở đó. Ông nói rằng các nước Đông Nam Á giống như một dãy domino: khi một quân cờ domino ngã xuống thì tất cả các quân cờ khác cũng sẽ ngã theo. Tôi không chắc chắn là Eisenhower có thật sự tin vào điều đó hay không. Thế nào đi nữa thì Kennedy chưa từng bao giờ coi trọng nó, vì ông luôn cười to về điều đó. Kennedy chỉ dùng những từ ngữ đó đúng một lần trong liên quan với trợ giúp và ủng hộ, không phải trong liên quan với chiến tranh.

Hội nghị Đông Dương diễn ra ở Genève năm 1954. Nhưng người Mỹ hầu như không tham gia vào các cuộc đàm phán. Đó là vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao John F. Dulles, một người chống cộng sản công khai. Ông xuất thân từ một gia đình sùng đạo và rất mộ đạo. Đối với ông, người cộng sản là một đám người vô thần, và điều đó là đủ để không ngồi vào cùng bàn với người Nga. Lúc nào cũng có những kẻ xuẩn ngốc trong chính trị.

Sau cuộc cải cách ruộng đất ở Bắc Việt Nam, người Công giáo chạy trốn ra khòi nước. Đó là sau Hiệp định Genève của năm 1954. Hiệp định này nói rằng vùng đất được chia ra thành Bắc và Nam Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Một phần của hiệp định là việc mỗi một người Bắc Việt đều có thể đi vào miền Nam vào bất cứ lúc nào; Thủy quân Lục chiến Hoa kỳ sẽ chở họ. Điều này được quyết định theo áp lực của Dulles. Nhờ đó mà có khoảng một triệu người Công giáo đã có thể đi vào miền Nam. Thế rồi những người này trở thành sĩ quan và cố vấn của Diệm.

Bầu cử cần được tiến hành ở Bắc và Nam Việt Nam năm 1956. Eisenhower và Dulles lo ngại Hồ Chí Minh sẽ thắng cử và vì vậy mà sẽ mất Nam Việt Nam. Tôi cũng nghĩ là sẽ như thế. Tổng thống Ngô Đình Diệm là một người Công giáo, gia đình ông từ hàng thế kỷ đã là công giáo – và điều đó ở trong một đất nước mà 98 phần trăm người dân của nó theo đạo Phật.

Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm, 1961

Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm, 1961

Đó là một sai lầm to lớn, việc Hoa Kỳ hành xử như thế nào trong tình huống này. Theo tôi, John F. Kennedy là tổng thống duy nhất đã hiểu thấu được hoàn cảnh Việt Nam. Ông đã quen biết Diệm khi còn là một nghị sĩ trẻ tuổi, rồi sang thăm Việt Nam và kết bạn với một nhân viên đại sứ quán ở đó, người sau này còn là rể phụ cho ông nữa, và cũng là người Công giáo. Người này thuyết phục Kennedy, rằng Diệm như là một người Công giáo không thể nào mà thắng được trong một đất nước Phật giáo.

Sau này, dưới thời Kennedy, khi tôi là ủy viên cho Viễn Đông, kể cả Việt Nam, ông đã nói với tôi rằng tôi cần phải giữ cho nước Mỹ đứng ngoài cuộc chiến này. “Chúng ta không thể chiến thắng. Nhiệm vụ của anh là giúp người Nam Việt Nam, hỗ trợ họ, nhưng không bằng quân đội hay vũ khí.” Kennedy dứt khoát từ chối gởi quân đội sang Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng ngay Truman và Roosevelt là cũng đã biết rằng ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam mạnh cho tới đâu. Chính phủ Eisenhower đã bãi bỏ đường lối thông hiểu này, hẳn là vì niềm tin tôn giáo của Dulles mà việc chống cộng sản xuất phát từ đó. Chính sách của Kennedy mang dấu ấn của sự dè dặt và chờ xem. Lyndon B. Johnson, tổng thống kế tiếp, đối với tôi là một con người ngây thơ và không có học thức. Ông chẳng hề biết gì về chính trị Đông Nam Á, nhưng lại sợ cộng sản. Ông không muốn nghe các nhà cố vấn giàu kinh nghiệm của ông ấy, cũng như không nghe McNamara. Lúc đó, tôi lãnh đạo tình báo của Bộ Ngoại giao. Tất cả các bản báo cáo nghiên cứu mà chúng tôi thu thập được trong suốt diễn tiến của cuộc chiến cho tới thời điểm đó đã có sẵn. Dự đoán rất đen tối, tất cả đều cho thấy rằng chúng tôi không thể thắng cuộc chiến này được. Nhưng cả Johnson lẫn McNamara đều không đọc bản báo cáo của chúng tôi. Đối với hai người, một cuộc chinh chiến chống cộng sản là quan trọng hơn mọi việc khác.

Tôi nghĩ, quyết định của Eisenhower, đào tạo một quân đội Nam Việt Nam, là một sai lầm. Nhưng ai đó phải làm điều này. Và vấn đề thật sự chỉ xuất hiện với Johnson. Ông gửi lực lượng quân sự sang Việt Nam, ném bom đất nước này, gửi trên một triệu người Mỹ tới đó. Đó là bước leo thang. Tất cả những người đã từng là du kích quân từng trải và đã có thể thu thập kinh nghiệm ở Đông Nam Á, đều cùng nhau tuyên bố chống lại một cuộc chiến tranh của Mỹ, nhưng Johnson chỉ muốn thực hiện các mục tiêu riêng của ông.

Vịnh Bắc Bộ đối với ông là một lập luận được hoan nghênh để lôi kéo Quốc hội vể phía ông. Ông tin là thật sự đã có một cuộc tấn công tàu khu trục của Hoa Kỳ. Đối với ông, đó là phát súng báo hiệu để thực hiện chính sách Việt Nam của ông, vì bây giờ thì Quốc Hội đứng sau ông. Nghị quyết Vịnh Bắc bộ trao quyền cho chính sách của Johnson ở Việt Nam mà không cần tuyên bố chiến tranh. Ngày nay, chúng tôi chắc chắn rằng lúc đó không có cuộc tấn công nào xảy ra. Các anh chàng ở cạnh máy radar hẳn là có hơi căng thẳng một chút, nghĩ là đã nhìn thấy cái gì đó, và thế là khai hỏa. Nhưng ở đó không có gì cả.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert S. McNamara trong lần sang thăm Việt Nam năm 1965

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert S. McNamara trong lần sang thăm Việt Nam năm 1965

Xin nói thêm một chút về tướng Westmoreland, từ 1964 tới 1968 là tổng tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự ở Việt Nam: ông là một người lính, không biết gì về những mối liên quan chính trị. Sau khi đập tan một vài đơn vị quan trọng của Việt Cộng, ông nghĩ rằng chiến tranh chẳng bao lâu sẽ chấm dứt. Lúc đó là trước trận tấn công Tết Mậu Thân. Giới báo chí bài tỏ sự hoài nghi. Việt Cộng rất mạnh, chúng tôi nên rút lui khỏi đất nước này. Nhưng Westmoreland chỉ nói về các đơn vị mà ông ấy đã loại ra khỏi vòng chiến đấu. Nhưng các đơn vị cộng sản ở miền Nam vẫn còn nguyên: chỉ trong vòng vài tuần, họ đã lại bù đắp đủ số tổn thất của họ với lính mới.

Westmoreland không bao giờ hiểu được điều đó. Năm 1967, ông phát biểu trước Quốc Hội và tỏ ra lạc quan vể kết cuộc của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ông nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm – đó chắc hẳn là một cái đèn pin của Việt Cộng! Bi kịch ở đây không phải là giới công chúng bị lừa dối, mà là Johnson đã thật sự tin vào chiến thắng, và bỏ ngoài tai tất cả những lời chỉ dẫn của các cố vấn của ông.

Việt Cộng – đó là những người nông dân – đã đánh lừa chúng tôi qua vẻ ngoài của họ. Người dân Việt Nam không quan tâm tới việc liệu cộng sản có nắm chính quyền hay không; người cộng sản đã đảm nhận trách nhiệm đó cho người dân. Người Mỹ không thể làm thay đổi điều đó, họ có làm điều gì cũng vậy. Sẽ không có gì thay đổi ngay cả khi chúng tôi chiếm đóng đất nước đó nhiều thế kỷ hay giết chết hết người Việt. Tôi nghĩ, Roosevelt, Truman và Kennedy đã hiểu điều đó, chỉ Johnson là không, vì ông không biết gì về lịch sử của dân tộc này cả.

Quyết định của Johnson năm 1968, từ bỏ chính sách cho tới lúc đó, là hoàn toàn bất ngờ. Tôi đã vui mừng về việc này. Sau đó, tôi có cảm giác như Nixon, tổng thống mới của Hoa Kỳ, và người cố vấn đặc biệt của ông và sau này là bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kissinger, đã muốn kéo dài cuộc chiến thêm nhiều năm. Khi Nixon nắm quyền, đã có 15.000 người chết. Nhưng cho tới khi chiến tranh chấm dứt đã có tổng cộng 55.000 lính Mỹ hy sinh. 40.000 người Mỹ đã có thể vẫn còn sống nếu như Nixon và Kissinger hành động hợp lý.

Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

5 thoughts on “Roger Hilsman: Hoa Kỳ là đồng minh đầu tiên của Việt Minh

  1. Cho tổ chức đảo chính để hạ bệ TT.NĐD.là tay quân sư “quạt mo” này,với 2 tay khác.Sở
    dĩ nói “quạt mo” là vì 3 người Mỹ đó cứ tưởng trường hợp VN.cũng như Triếu Tiên,trong
    đó Mỹ đã ngăn chận được Cộng sản Bắc Hàn nhờ nhảy vào trực tiếp giao chiến.
    Sau khi lật đổ được TT.NĐD.trong vòng 12 năm sau đó,miền Nam bị mất vào tay CS.mà
    lý do chính là VNCH.bị tuỳ thuộc qúa nhiều vào Mỹ,nghĩa là không độc lập như thời TT.
    NĐD.khiến quốc tế (đáng tiếc là chỉ thời đó thôi) coi VNCH.đã bị “đô hộ” bởi chủ nghĩa
    tân thực dân Mỹ (?),theo luận điệu của bọn thiên tả và Cộng sản khắp thế giới !
    Đó là tội lỗi của bộ ba Hillsman,Harriman và…

  2. Pingback: Tin Chủ Nhật, 10-08-2014 « BA SÀM

  3. Pingback: -Tin Chủ Nhật, 10-08-2014 -(Basam) « PHẠM TÂY SƠN

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 10-08-2014 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này