Con đường đi lên của Westmoreland

Tướng William C. ("Westy") Westmoreland. Ảnh: Wikipedia

Tướng William C. (“Westy”) Westmoreland. Ảnh: Wikipedia

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 14 / 1968 (01/04/1968)

Vào ngày đầu năm mới, ông ấy vẫn còn là người lạc quan. “Năm 1968”, người lính Mỹ cao cấp nhất ở Việt Nam William C. (“Westy”) Westmoreland dự đoán, “chúng ta có thể dự tính với những thành công lớn hơn nhiều so với năm vừa rồi.” Ông ấy còn muốn gửi những người lính Mỹ đầu tiên từ Việt Nam trở về nhà trong năm 1969 nữa.

Tám tuần sau đó, sau đợt tấn công Tết mang tính hủy diệt của quân Đỏ, ông ấy nói về “một chiến bại quân sự” của địch thủ – và đồng thời yêu cầu thêm 206.000 quân lính.

Vào ngày thứ sáu trước nữa, Tổng Tư lệnh Lyndon B. Johnson của ông ấy quyết định không gửi cho ông 206.000 người lính mới, nhưng là một chức vụ mới: từ tháng 7 của năm nay, Westy sẽ là tham mưu trưởng của lục quân trong Lầu Năm Góc.

Trên đỉnh cao đầu tiên của cuộc vận động bầu cử Mỹ, Johnson rút người đàn ông từ mặt trận về, người là hiện thân cho sự tham chiến của Mỹ và cho sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam hơn bất cứ ai khác.

Khi Westmoreland nhận chức vụ của ông ấy năm 1964, người Việt còn chiến đấu chống người Việt và 16.500 người Mỹ thực hiện nhiệm vụ cố vấn của họ ở hậu phương. Bây giờ, khi Westmoreland đi, gần 600.000 người lính Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam – lực lượng quân đội Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh ở ngoài biên giới của Hoa Kỳ lớn thứ nhì từ trước tới nay – và chỉ một ít người Nam Việt Nam là còn chiến đấu. Phần lớn đứng nhìn người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh của họ. Dưới Westmoreland, cuộc nội chiến đã trở thành một cuộc chiến tranh của Mỹ.

Westmoreland không tin vào những chiến thuật chiến đấu mới cho cuộc chiến tranh du kích trong rừng rậm.

Tuy là từ năm 1952 người Mỹ đào tạo cái được gọi là Special Forces cho chiến tranh du kích ở Fort Bragg, nơi chính Westmoreland đã từng là người chỉ huy của một đơn vị nhảy dù.

Nhưng Westy tin vào thuyết mà đã luôn luôn mang lại chiến thắng cho Hoa Kỳ tới lúc đó: dựa trên không quân, hỏa lực và ưu thế về vật chất.

Lính công binh Hoa Kỳ mang xe ủi đất vào trong rừng rậm; phi trường và căn cứ hình thành trong thời gian kỷ lục; cảng tàu thủy được xây dựng mới – cho sự tiếp tế khổng lồ mà đạo quân nửa triệu của Westy cần để chế ngự đối thủ, người mang đạn dược của mình đến trên lưng của những người phu khuân vác và xe đạp. Năm 1964, ở Nam Việt Nam có ba phi trường cho máy bay phản lực, chẳng bao lâu sẽ là 14; ngày nay, máy bay vận tải lớn có thể đáp xuống 89 đường băng.

Hàng ngàn máy bay được chuyển đến Việt Nam hay đến các quốc gia bạn bè lân cận; gần hai triệu tấn bom rơi xuống Bắc và Nam Việt Nam – nhiều hơn là xuống châu Âu trong Đệ nhị Thế chiến. Từ biển, các tàu chiến Hoa Kỳ nã một triệu lượt đạn cỡ lớn xuống kẻ địch vô hình. Trong vòng duy nhất có một năm, bộ binh đã tiêu phí 70.000 lựu đạn ném, một triệu đạn đại bác và 100 triệu phát đạn từ súng cá nhân.

Ngay đến từng quân Đỏ một cũng bị truy đuổi bằng trực thăng, bị bắn với hỏa tiển và súng trên máy bay. Cho tới khi một du kích quân ngã xuống, trung bình phải bắn 20.000 phát đạn; một Việt Cộng chết, Lầu Năm Góc đã tính toán như thế, khiến cho Hoa Kỳ tiêu tốn gần 350.000 dollar – 1,4 triệu Mark.

Westmoreland đã ngăn chận cuộc tiến quân của quân Đỏ như thế vào lúc đầu, nhưng rồi lại đưa ra khẩu lệnh đầy tai họa: “Search and Destroy”, tìm và diệt – trên thực tế chỉ là một công thức khác cho chiến lược hao mòn kinh điển, làm cho đối thủ không còn có khả năng chiến đấu bằng cách gây tổn thất và qua đó chấp nhận hòa bình.

Máy bay của Sư đoàn 1 Không Kỵ trong một chiến dịch tìm và diệt ở Bồng Sơn và An Lào. Ảnh: Patrick Christain / Getty Images

Máy bay của Sư đoàn 1 Không Kỵ trong một chiến dịch tìm và diệt ở Bồng Sơn và An Lào. Ảnh: Patrick Christain / Getty Images

Khi quân địch – dù lực lượng có nhỏ cho đến đâu đi chăng nữa –  được phát hiện ra bất kỳ ở đâu, máy bay ném bom Mỹ cũng tấn công, kỵ binh Hoa Kỳ xuất hành trong đội máy bay lên thẳng của họ – nhưng thường thì kẻ địch đã biến mất vào trong rừng rậm. Tất cả hỏa lực đều không đủ để vật đối thủ xuống, người phân tán ra trên khắp đất nước, có những con đường tiếp tế ngắn hơn rất nhiều và lúc nào cũng có thể lui về những nơi ẩn náu ở phía bên kia của biên giới Việt Nam.

Khẩu lệnh chiến đấu “Tìm và Diệt” tan vỡ ra trong một thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược:

Nếu người Mỹ thật sự muốn bảo vệ an toàn cho đất nước này, thì họ phải xây dựng pháo đài kiên cố tại một vài nơi như Cồn Thiên hay Khe Sanh. Lực lượng cần thiết cho việc đó lại thiếu cho “Tìm và Diệt”.

“Nếu người Mỹ tập trung sức lực của họ vào việc ngăn chận dòng chảy vũ khí và quân lính từ Bắc Việt Nam”, có thể đọc được như thế trong một văn kiện tịch thu được của Bắc Việt năm 1967, “thì họ không thể giữ vững trận tuyến ở phía sau. Nhưng khi họ chống lại cuộc tiến quân của người chúng ta trong miền Nam thì họ lại không có khả năng ngăn chận tiếp tế từ Bắc Việt Nam.”

Cuộc tấn công vào dịp Tết không chỉ ném lính Mỹ ra khỏi những vị trí được cho là an toàn cho tới lúc đó, nó cũng làm cho chiến lược chiến thắng của Westmoreland tiêu tan: lúc 40 trong số 90 tiểu đoàn chiến đấu của Hoa Kỳ đóng quân ở phía Bắc như là lực lượng chiến đấu dự bị, lúc phần lớn các lực lượng khác đang tìm du kích quân trong rừng rậm, thì người Cộng Sản xung phong vào trong các thành phố. Không phải quân du kích là nạn nhân của cách tiến hành chiến tranh Mỹ, mà chính là người Mỹ. Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều phần đất đồng bằng rộng lớn khác đã bị mất. 14 sư đoàn Bắc Việt hoạt động trong Nam Việt Nam.

Nhưng tướng Westmoreland, mà lực lượng của ông ấy chỉ có thể giữ được Sài Gòn, Huế và Khe Sanh một cách chật vật, vẫn còn yêu cầu: “Lực lượng đồng minh của chúng ta phải tìm kiếm quân địch, gìm chặt, chiến đấu, tiêu diệt và đồng thời bảo đảm sự an toàn cần thiết cho người dân.”

Thật sự thì lực lượng đồng minh hầu như không thể tìm và diệt được nữa, mà chỉ còn quét và giữ (Clear and Hold).

Vào lúc trận tấn công dịp Tết bắt đầu, Johnson vẫn còn tin tưởng vào sự phán đoán của Westmoreland. Nhưng bây giờ, khi cơn bão Đỏ đã quét phăng đi chương trình bình định có quy mô lớn và giật thế chủ động ra khỏi quân đội Hoa Kỳ, không thể không nhận thấy được sự thất bại của Westmoreland.

Thêm một lần nữa, Johnson đứng ra che chở cho người điều binh khiển tướng đang bị dồn ép của mình. Là người lính, ông ấy thích nhất là được Westmoreland dẫn đầu để tiến vào trận đánh, ngài Tổng Thống gọi to trong tháng 2 và phủ nhận tất cả các tin cho rằng ông ấy sẽ triệu hồi Westy.

Nhưng vì giữ chặt vào vị tướng Việt Nam của mình mà chính Johnson đã lâm vào thế bí: ông ấy đã xiềng quá chặt thanh thế của mình vào cuộc chiến của Westmoreland.

“Tôi chỉ biết một con đường mà tướng Westmoreland có thể đi”, trước đây vài tuần Johnson còn bảo vệ tướng Việt Nam của mình, “con đường đi lên”. Thứ Sáu trước nữa, ông gửi người này đi lên con đường đấy. Tít của tờ “Saigon Daily News”: “Westmoreland Kicked Upstairs” – Westmoreland bị đá lên trên.

Khi thông báo triệu hồi thống soái của mình, Johnson lôi ra khỏi túi một mảnh giấy đã nhàu nát với lời ghi chú chép tay của Robert McNamara. Trên đó, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề nghị với Tổng Thống hãy thay thế Westmoreland và điều ông ấy về Washington – mười ngày trước khi cuộc tấn công vào dịp Tết bắt đầu.

Nước Mỹ cần phải tin rằng không phải Việt Cộng đã chiến thắng được vị tướng này.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 14 / 1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46094005.html

Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

5 thoughts on “Con đường đi lên của Westmoreland

  1. Pingback: Tin thứ Năm, 28-06-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: -Con đường đi lên của Westmoreland « ttxcc2

  3. Pingback: Tin thứ Năm, 28-06-2012 | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 28-06-2012 | bahaidao2

  5. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này