Trận chiến cuối cùng

Hưng Yên, trong tháng Bảy 1954

Có tiếng hét lớn “Alerte” vào giữa đêm. Những chiếc xe bọc thép trinh sát và xe có xích ở bánh sau, bao bọc xung quanh vị trí của chúng tôi như một vòng tròn pháo đài xe, khai hỏa bắn tận lực. Hỏa châu chiếu sáng màn đêm. Độ một chục quả đạn pháo của Việt Minh rơi xuống gần bộ chỉ huy Pháp. Những người bị thương la to gọi y tá. Tôi cúi người xuống nấp trong cái hố cá nhân hình chữ nhật mà chiếc giường dã chiến dưới cái màn che muỗi của tôi được dựng dưới sự che chở của nó giống như một cái hòm gỗ. Cuộc bắn nhau chấm dứt bất thình lình. Những người lính bộ binh thuộc địa dọc theo con đường của Hưng Yên vừa trải qua trận đánh cuối cùng của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Vào cùng giờ đó, các chữ ký dưới hiệp định ngưng bắn được đặt xuống.

Lính Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954

Lính Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954

Khi mặt trời mọc và những người lính Việt Minh của Trung đoàn 42 trong hàng rào dây kẽm gai đã được đếm xong, các viên sĩ quan tụ tập xung quanh chiếc máy ra-đi-ô. Một đại tá béo mập với giọng nói vùng miền nam nước Pháp cởi trần ngồi trước lều như một con chó dữ. Một giọng nói phụ nữ thanh lịch của Đài phát thanh Hà Nội đọc không biểu lộ xúc cảm các điều kiện đầu hàng của Pháp ở Bắc Kỳ. Vĩ tuyến 17 sẽ trở thành đường phân giới giữa Việt Nam đỏ ở miền Bắc và nước cộng hòa quốc gia đối kháng ở miền Nam. Cuộc rút quân ra khỏi Bắc Bộ của Pháp sẽ diễn ra từng chặn một, kéo dài qua nhiều tháng. Qua đó, những nhóm người dân chống cộng sản của miền Bắc có khả năng di tản vào Sài Gòn mà không cần có sự giúp đỡ. Hai năm sau khi ngừng bắn, bầu cử tự do và có kiểm soát ở cả hai nửa phần đất nước sẽ quyết định về tương lai cuối cùng và việc tái thống nhất có thể của Việt Nam.

Không ai nói lời nào trong lúc nghe tin tức. Các gương mặt không biểu lộ cảm xúc. Với việc xác định đường phân giới ở vĩ tuyến 17, qua đó mà thành phố Huế của các hoàng đế thoát được sự kiểm soát của cộng sản, nước Pháp đã thành công vượt quá sự chờ đợi. Đó là nhờ vào sự kiên trì của Mendès-France, nhưng cũng nhờ vào tác động của trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Chu Ân Lai. Chu đã tạo áp lực lên đoàn đàm phán của Việt Minh, và ép buộc họ phải nhượng bộ. Ông muốn qua đó mà không cho người Mỹ vào Đông Dương hay ngay từ lúc đó đã muốn phòng ngừa trước một nhà nước Việt Nam láng giềng quá tự tin?  Các sĩ quan Pháp ở cạnh con đường của Hưng Yên hoàn toàn không biết gì về những cuộc đấu tranh ở hậu trường này của Hội nghị Genève.  Họ không cho rằng phần nhà nước chống cộng sản của Sài Gòn sẽ có cơ hội lâu dài. Đội quân đã tiếp nhận tin ngừng bắn mà không có hân hoan, nhưng cũng không phản đối. Cam chịu là cảm xúc thống lĩnh. Những người lính bộ binh thuộc địa hiểu lờ mờ, rằng họ sẽ để lại một phần của chính họ ở trong đất nước thù địch và xa lạ này, đất nước mà họ thầm kín gắn bó với nó qua một tình yêu không được đáp trả. Họ nhìn ra phong cảnh đồng ruộng bằng phẳng, nơi những người nông dân lại đứng đằng sau các con trâu kéo chiếc cày của họ trong lớp đất bùn màu mỡ, cứ như mồ mả của tổ tiên ở cạnh bên đã không bị tàn phá bởi đạn pháo vài giờ trước đó. Ở cạnh một cái ao, nơi những đứa trẻ con xinh đẹp cười đùa và tắm táp, có một bụi cây màu xanh nhạt đang nở hoa. Giống như những người lính muốn hấp thu thật sâu các hình ảnh này vào người họ, trước khi họ trở về với sự đơn điệu đầy sương mù của những khu công nghiệp ngoại ô ở quê hương họ.

Chúng tôi hồi hộp trên chuyến trở về Hà Nội. Vô số những trái mìn trên đường lộ vẫn còn chưa được dọn. Có những cột khói bốc lên trong những khoảng cách đều đặn, khi có một chiếc xe bị nổ tung. Từ lúc bắt đầu ngừng bắn, sự bình thản kiên nhẫn được trình diễn ra cho tới nay đã chấm dứt. Bây giờ thì “chỉ đừng là người chết cuối cùng của cuộc chiến đã bị đánh bại này”.

Viên đại tá béo mập giống như thức tỉnh từ một giấc mơ nặng nề. Ông không nói từ nào, còn không chửi thề đến một lần. Ông đưa tay từ giã và tìm lại được tiếng nói: “Tôi không nói adieu với các anh. Tôi nói hẹn gặp lại, vì vẫn còn tiếp tục. Hẳn là chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Bắc Phi.” Ông nói thật là đúng.

Phan Ba trích dịch từ “Cái chết trên ruộng lúa – Ba mươi năm chiến tranh Đông Dương

Đọc các bài khác tại trang Cái chết trên ruộng lúa

 Đọc những bài báo về Chiến tranh Việt Nam ở trang Chiến tranh Việt Nam

1 thoughts on “Trận chiến cuối cùng

  1. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 20-11-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này