Chiến tranh và tham nhũng ở Việt Nam (phần 2)

Lederer, William J.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 44/1968 (28/10/1968)

“Chợ Đen Nhỏ” ở gần Đại sứ quán Mỹ và Juspao  là một trong những “thắng cảnh” của Sài Gòn. Nó được chính thức chỉ cho khách tham quan xem cũng như Tòa đại sứ Mỹ, nhà ga và chợ công khai.

Người Mỹ cũng như người Việt Nam mua trên “Chợ Đen Nhỏ”, vì có lúc nó có hàng hóa còn tốt hơn là trong các cửa hàng chính thức của chính phủ Mỹ nữa, những cửa hàng mà hàng hóa này được ăn cắp ra từ đó.

Tất cả mọi người – kể cả các nhân viên có trách nhiệm – đều biết hàng hóa bày bán đó được lấy trộm từ cửa hàng PX và cơ quan hậu cần Mỹ như thế nào; người ta còn biết được là từ ai và ai trả tiền nữa. Nếu như chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam muốn, thì tình trạng mua bán chợ đen ở Sài Gòn có thể được xóa bỏ hầu như chắc chắn là trong vòng một tuần.

“Chúng tôi làm việc không chính xác cho lắm trong lúc đó”, một nhân viên đào tạo cảnh sát người Mỹ giải thích, “vì chúng tôi không muốn gây bất hòa với người Nam Hàn và người Phi Luật Tân (cả hai đều tham gia mạnh vào trong các thương vụ chợ đen và cả hai đều là đồng minh của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ) – và vì chợ đen giúp làm giảm lạm phát. Tại sao, tôi không biết, nhưng các chuyên gia kinh tế của chúng ta quả quyết điều đấy.”

Tôi muốn biết chợ đen có những món hàng xa xỉ của nó bằng cách nào, vì thế nên tôi đến tìm các nhà cung cấp chính trong Sài Gòn – các cửa hàng PX. Cửa hàng PX lớn trong khu phố người Hoa Chợ Lớn còn chưa mở cửa khi tôi đến đấy. Ở cuối hàng của những người đang chờ có hai người lính Mỹ. Họ phải trở về từ vùng có chiến sự: quần áo đi rừng của họ dơ bẩn, mũ của họ có lưới ngụy trang.

Tò mò, muốn xem hai người lính từ mặt trận mua gì trong PX, tôi đứng xếp hàng ở phía sau họ. Cả hai người lính đến từ một trạm hẻo lánh của nhóm thông tin ở sau Pleiku; họ muốn mua một tủ ướp lạnh, cho thức uống lạnh và sandwich.

Họ kể lại cho tôi nghe họ đã chuẩn bị những gì để mang chiếc tủ ướp lạnh lên máy bay, và viên sĩ quan của bộ phận phục vụ quân đội đã phát hiện những cái tủ ướp lạnh đã về đến Sài Gòn vào ngày hôm qua như thế nào.

Khi những cánh cửa của gian hàng PX mở ra và các người lính đó đến lượt mình thì không còn tủ ướp lạnh nữa. Đợt hàng về vào trưa ngày hôm qua; lúc đóng cửa thì tất cả các tủ ướp lạnh đã được bán xong. Mười hai trong tổng số 16 tủ ướp lạnh, theo tôi biết, đã được bán cho lính Phi Luật Tân và Hàn Quốc.

Nhưng làm sao mà người Phi Luật Tân và Hàn Quốc lại biết có tủ ướp lạnh và có thể mua chúng nhanh đến như thế? Câu trả lời lại hết sức đơn giản: quân đội Mỹ, nhà điều hành cửa hàng PX ở Sài Gòn, đã nhận người Phi Luật Tân và Hàn Quốc làm trưởng cửa hàng. Khi một món hàng được ưa thích về đến, những người này báo tin cho bạn bè người Hàn Quốc và Phi Luật Tân của họ.

Khi những người lính thất vọng rời cửa hàng PX, một người trong họ nói: “Mày có nhớ kho hậu cần của Việt Cộng mà chúng mình tóm được hồi tháng rồi không?”

“Có, tao biết. Ở đó có một cái tủ ướp lạnh – có nhãn PX ở sau lưng; cái tủ khốn nạn đó đầy thuốc kháng sinh Mỹ.”

Hệ thống PX Mỹ ở Việt Nam – theo thông tin của viên sĩ quan có trách nhiệm – là một công việc thương mại có doanh thu hàng năm là 300 triệu dollar. Nó chứng minh trong quy mô nhỏ, tại sao Hoa Kỳ lại lún sâu vào trong những khó khăn ở Việt Nam – và ở trong chính sách ngoại giao của nó.

Trong các cửa hàng PX có trên 5000 phụ nữ người Việt được nhận vào để bán hàng. Họ không biết đến các món hàng, nói chung là không có sự quan tâm và không lịch sự – và ăn cắp. Trong tháng 5 năm 1967, cửa hàng PX nhỏ cho tổng hành dinh ở Sài Gòn đã mất 65.000 dollar chỉ riêng vì ăn cắp vặt. Và đó chỉ là một cửa hàng nhỏ.

Có một thời gian, ban giám đốc cho khám xét những người Việt bán hàng lúc họ rời cửa hàng. Những người phụ nữ dọa sẽ đình công, nếu như việc kiểm tra này không chấm dứt. Chúng chấm dứt. Vì người Mỹ thích bị ăn cắp hơn là “gây ấn tượng không tốt” với người Việt.

Chính tôi đã nhìn thấy những phụ nữ bán hàng lôi hàng PX ra từ quần áo lót của họ ở trên đường chính bên ngoài một cửa hàng PX và quẳng vào một cái giỏ như thế nào. Một người Việt đứng cạnh đấy và ghi chép loại hàng và số lượng những gì mà mỗi một cô gái đã lấy đi cùng với mình.

Hàng hóa dành cho các cửa hàng PX – và cả cho kho hậu cần – đã bị đánh cắp từ trước khi nói chung là chúng đến nơi –và cả sau khi chúng được xếp lên kệ hàng. Thế nhưng tham nhũng không giới hạn ở chợ đen.

Đó không phải là một điều bí mật, rằng các cửa hàng PX và kho hậu cần thông qua con đường vòng của chợ đen mà có thể cung cấp hàng xa xỉ cho hầu như bất cứ người nào có đủ tiền ở Nam Việt Nam. Một nhà nhập khẩu kể cho tôi nghe, ông ấy không còn mua bán tủ lạnh và máy thâu âm được nhập khẩu chính thức nữa – có thể mua chúng rẻ tiền hơn và nhanh hơn từ những cửa hàng PX, tức là thông qua chợ đen.

Các nhà nhập khẩu thực phẩm nước ngoài cũng nằm trong cùng tình trạng tồi tệ đấy. Với chính mắt mình, tôi đã nhìn thấy người Phi Luật Tân và Nam Hàn trong quân phục dỡ thịt hộp và nước trái cây xuống trước khách sạn Continental từ một chiếc xe tải quân đội vào lúc 6 giờ sáng như thế nào. Trên thực đơn của khách sạn Continental có món “Đồ hộp Mỹ”. Nếu như người ta gọi nước ép cà chua vào lúc ăn sáng, thì người bồi bàn sẽ mang ra một cái lon nhỏ còn dấu của kho hậu cần Mỹ: mười cent.

Trong thời gian ở Sài Gòn, tôi đã quan sát thấy bốn lần chiếc xe tải đấy cung cấp thực phẩm từ cửa hàng PX và kho hậu cần cho khách sạn Continental như thế nào. Có một lần, một kiện thịt to, có tên Tướng Westmoreland, được đưa cùng với nước ép cà chua vào Continental. Hầu  như không có quán rượu nào ở Sài Gòn mà không bán rượu từ kho hàng Mỹ.

Trong lúc khảo sát các cung cách làm ăn PX này, tôi xin được phỏng vấn một trong số các sĩ quan chịu trách nhiệm. Tôi được phép – với một viên đại tá và dưới điều kiện là tôi sẽ không trích dẫn trực tiếp ông ấy.

Hệ thống PX, ông ấy nói, nhận trên 5000 phụ nữ người Việt vào làm việc, vì đấy là nghĩa vụ của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, đào tạo cách thức bán hàng cho những người phụ nữ này. Sau khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ làm việc trong các cửa hàng Việt Nam như những người đã học nghề buôn bán và qua đó có thể giúp phát triển nền thương mại của đất nước này.

Lời giải thích này là vô lý đối với tôi. Mỗi một cửa hàng mà được điều hành như PX thì chắc hẳn sẽ bị phá sản ngay.

Viên đại tá tiếp tục, PX nhận nhân viên bán hàng người Việt và trưởng cửa hàng người Hàn Quốc và Phi Luật Tân, vì họ rẻ tiền hơn là người Mỹ – và vì người Phi và người Hàn Quốc đã có kinh nghiệm với PX ở Seoul và Manila rồi.

Tôi nói với viên đại tá rằng phục vụ không được tốt. Ngoài ra, hàng hóa với tổng giá trị có lẽ là 75 triệu dollar hàng năm phần lớn đã bị đánh cắp hay bị đưa sang chợ đen chỉ vì người nước ngoài được nhận vào làm nhân viên bán hàng, cửa hàng trưởng, lái xe tải và công nhân bến tàu.

Viên đại tá phủ nhận rằng việc phục vụ là không tốt. Ông ấy cũng phủ nhận rằng một phần đáng kể của hàng hóa trong các cửa hàng của ông ấy được tuồn ra chợ đen. Ông ấy không thừa nhận, rằng hàng hóa với giá trị 65.000 dollar bị đánh cắp hàng tháng từ cửa hàng PX nhỏ trong Sài Gòn. (Chính tôi đã nhìn thấy con số thất thoát ước tính vì ăn cắp từ cửa hàng PX trong Sài Gòn. Hoặc là viên đại tá không biết những gì đang xảy ra trong chính những cửa hàng của ông ấy, hoặc là ông ấy nói dối.)

Một lý do khác cho việc nhận trên 5000 người ngoại quốc vào làm việc trong PX, theo thông tin của viên đại tá, là tạo việc làm cho những người Việt Nam xứng đáng, có tư cách tốt, và qua đó mà giúp đỡ nển kinh tế chiến tranh. Tôi hỏi ông ấy, liệu ông ấy có biết sự lừa dối trong lúc tạo việc làm hoạt động như thế nào không. Trong thực tế, người nam bán hàng và người nữ bán hàng nào cũng cần phải có một tờ giấy giới thiệu của nhân viên nhà nước Việt Nam. Phải trả tiền cho giấy giới thiệu này – giá bình thường là khoảng một tháng lương.

Viên đại tá chưa từng nghe nói về việc này. Rồi ông ấy kể cho tôi nghe rằng các cửa hàng PX này là một cơ quan tuyệt vời như thế nào. Người ta có được lợi nhuận với chúng và qua đó chi trả cho phim truyện và những khả năng giải trí khác cho những người lính Lục Quân và Không Quân. Ông ấy cũng giải thích rằng những người Mỹ ưa thích hoạt động có thể chi dollar của họ trong những cửa hàng PX – thay vì quẳng tiền của họ vào trong nền kinh tế Việt Nam và qua đó tạo ra lạm phát.

“Không phải các cửa hàng PX trước hết là để phục vụ cho quân nhân sao?” tôi hỏi viên đại tá.

Ông ấy đồng ý. Thế nhưng trong cửa hàng PX lớn trong Sài Gòn, quân đội đứng ở hạng cuối cùng. Đầu tiên là việc đào tạo người Việt, rồi lợi nhuận để chi trả cho các khả năng giải trí, rồi cải thiện nền kinh tế Việt Nam, sau đấy là “ấn tượng tốt”. Người lính đứng hàng cuối cùng.

Không phải tỷ lệ nhỏ nhoi của những người đang chiến đấu thật sự là hưởng lợi nhiều nhất từ các cửa hàng PX, mà là những kẻ mập mạp trong các thành phố và tổng hành dinh cũng như hàng ngàn người dân thường – công nhân xây dựng, giới báo chí, nhân viên và những người trong Đại sứ quán.

Hệ thống PX trong hình thức hiện nay của nó đã làm cho Hoa Kỳ trở thành một kẻ đồng lõa với hình thức tham nhũng tồi tệ nhất. Tất cả, kể cả người Mỹ, đều biết rằng có một vài người Mỹ dính líu vào trong đó. Ai cũng biết rằng nhiều nhân viên bán hàng người Việt tham nhũng và rằng nhân sự Phi Luật Tân và Hàn Quốc trong những cửa hàng PX và kho hậu cần thường móc ngoặc với bạn bè của họ. Vì những cung cách đó trong các cửa hàng PX và kho hậu cần mà một người Việt Nam bình thường sẽ cho rằng người Mỹ ăn hối lộ.

Gian lận trong các cửa hàng PX và việc bán hàng PX trên chợ đen với giá trị nhiều triệu dollar tất nhiên giống như là việc nhỏ khi so với những gì mà tôi phát hiện ra sau này.

(Còn tiếp)

Lederer, William J.

Phan Ba dịch

9 thoughts on “Chiến tranh và tham nhũng ở Việt Nam (phần 2)

  1. Pingback: Tin thứ Sáu, 14-09-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 14-09-2012 | bahaidao2

  3. Pingback: Tin thứ Sáu, 14-09-2012 « Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này