Chiến tranh ác liệt hơn trước

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 42/1968 (14/10/1968)

Những người lính thủy quân lục chiến mệt mỏi cho nổ tung các công sự mà ở trong đó họ đã sống sót qua được những loạt đạn đại bác bắn liên hồi của quân địch 77 ngày. Họ san phẳng những con hào và phá hủy đường băng, cái nhiều tuần liền là dãy kết nối duy nhất của họ ra thế giới bên ngoài.

Lúc đó là trước đây bốn tuần, lính cổ da Mỹ và những nhóm hỗ trợ Nam Việt Nam rút khỏi pháo đài Khe Sanh trong rừng rậm gần biên giới với Bắc Việt Nam – sau mười một tuần bị bao vây bởi 25.000 lính tinh nhuệ của Hồ Chí Minh và sau khi tổn thất 1800 người chết và bị thương.

Cuối tuần trước nữa, lính cổ da quay trở lại nơi họ đã phải chịu đựng gian khổ. Nhóm tiên phong 250 người của một lực lượng 7000 người đến thung lũng đã bị bom đạn cảy nát. Máy bay ném bom chiến lược B-52 cũng lại được sử dụng nhiều hơn là trong mùa hè để đánh phá lại các vị trí Cộng sản ở Việt Nam.

Máy bay B-52 ném bom vùng bờ biển Bắc Việt Nam

Máy bay B-52 ném bom vùng bờ biển Bắc Việt Nam

Và giống như một con khủng long thời tiền sử, một cựu chiến binh từ Đệ nhị thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên được tái kích hoạt trong tháng rồi đã nhả khói đến Vịnh Bắc Bộ trước bờ biển Việt Nam: chiếc “New Jersey”, một chiến hạm 57 600 tấn gần 26 năm tuổi, cái đã được phủi bụi và chi 160 triệu Mark để tân trang chỉ vì Việt Nam. Kể từ lúc đấy, chiếc “New Jersey” phủ đạn nặng hàng tấn lên dãy đất gần bờ biển của Bắc Việt Nam qua chín nòng súng 40,6 xăngtimét của nó.

Sau gần tám năm chiến đấu, có 28.500 người Mỹ, 95.000 người Nam Việt Nam và hơn 400.000 người Cộng Sản hy sinh – theo thống kê mới nhất của Hoa Kỳ – và năm tháng sau khi những cuộc đàm phán sơ bộ về hòa bình bắt đầu, cuộc chiến ở Việt Nam thêm một lần nữa lại ác liệt hơn. Và sáu tháng rưỡi, sau khi Tổng thống Lyndon B. Johnson vì Việt Nam mà từ bỏ không ra tranh cử tổng thống thêm một lần nữa, người ta bất thình lình nhận thấy rằng chiến cuộc ở Viễn Đông là “chiến cuộc tốt nhất như chưa từng có” (“Newsweek”).

Từ cuộc tấn công hồi đầu năm, các tiểu đoàn Cộng Sản, những tiểu đoàn mà vào thời điểm đấy đã tràn ngập các thành phố, căn cứ và tỉnh của Nam Việt Nam, đã không đánh trận lớn nào thành công nữa. Các cuộc tấn công vào thủ đô Sài Gòn đuối dần. Tập kích vào căn cứ hiếm khi xảy ra.

Người Mỹ không còn phải phân tán lực lượng ra trong nhiều hoạt động chống lại những nhóm du kích quân nhỏ. Họ đã lặng lẽ thực hiện một kế hoạch mà trước đây một năm còn bị phản bác dữ dội ở Washington: lời đề nghị của người tướng lĩnh trong Đệ nhị thế chiến hiện đã về hưu Gavin, hãy tập trung vào những vùng đất quan trọng – nhưng bảo vệ chúng có hiệu quả nhiều hơn. Thay vì, như ngày trước, đi tìm kẻ địch với những chuyến viễn chinh khổng lồ trong rừng rậm xa xôi, quân đội Hoa Kỳ đã thành lập những vành đai vòng thủ nhiều lớp quanh các thành phố lớn và căn cứ dọc theo bờ biển.

Người ủng hộ chiến thuật mới này là Tướng Creighton Abrams, người kế nhiệm sếp của mình, đã được Tổng thống Johson ca ngợi triệu về quê hương gần bốn tháng trước đó, tướng Westmoreland hay khoe khoang.

Vì các ưu điểm của những vùng đất an toàn mà Abrams chấp nhận bỏ mặc phần lớn đồng bằng  cho Việt Cộng. Ông ấy chấp nhận, rằng một mục tiêu chính vào lúc ban đầu của cuộc chiến, bình định các tỉnh Nam Việt Nam, đã bị từ bỏ hoàn toàn. Chỉ còn những người quan liêu được bổ nhiệm trong phòng của các chuyên gia có thẩm quyền thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn là nói về bình định – tức là tranh thủ người dân ở nông thôn, xây dựng một xã hội dân chủ. Trên thực tế, không còn bình định ở bất cứ nơi nào nữa.

Chiến thuật của Abrams là quân sự hóa Nam Việt Nam nhiều hơn nữa. Ông ấy không cho lính Mỹ mới bay sang (quân số hiện nay: 538.000 lính trên đất  liền, thêm vào đó là 35.000 lính trên tàu trước bờ biển Việt Nam), ông ấy cho vũ khí sang: vũ khí cho quân đội Nam Việt Nam, quân đội mà cho tới năm tới đây cần phải đạt đến quân số gần một triệu người (ở dân số gần 17 triệu người).

Người Nam Việt Nam lại cần phải tiếp nhận gánh nặng của chiến tranh nhiều hơn nữa – Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu không chỉ mở rộng quân đội của ông ấy, ông ấy cũng củng cố vị thế của mình. Mục đích của ông ấy: không còn chỉ lệ thuộc vào những người Mỹ bảo vệ, về quân sự cũng như chính trị, đạt đến một vị trí mà ở đấy chính ông ấy có thể thương lượng được với Hà Nội.

USS New Jersey đang bắn phá các mục tiêu quân địch ở bờ biển miền Trung Việt Nam, cuối tháng 3 năm 1969

USS New Jersey đang bắn phá các mục tiêu quân địch ở bờ biển miền Trung Việt Nam, cuối tháng 3 năm 1969

Tuần vừa rồi, dường như vị trí của ông ấy bị tranh chấp: có những tường thuật – mâu thuẫn với nhau – xuất phát từ Sài Gòn về một cuộc đảo chính không thành, xe tăng bảo vệ Dinh Tổng Thống.

Từ nhiều tháng nay, Thiệu tăng cường thêm cho những người theo mình trong quân đội, chính phủ và hành chính bằng các cựu đảng viên của nhà độc tài Diệm bị giết chết năm 1963. Sĩ quan Diệm tiếp nhận hai cơ quan an ninh quan trọng nhất của Nam Việt Nam, một người cháu trai của Diệm là cố vấn thân cận của tổng thống.

Nhưng Thiệu cũng triệu hồi Tướng Dương Văn Minh được nhiều người ưa thích từ chốn lưu vong ở Bangkok bên Thái Lan về, nơi Minh, người dẫn đầu của cuộc đảo chính năm 1963, sống nhờ vào số tiền hưu 7200 Mark.

Trong khi đấy, các cuộc đàm phán về hòa bình giữa người Mỹ và người Bắc Việt ở Paris kéo dài ngày càng dai dẳng hơn. Sau năm tháng đàm phán và 25 lần hội họp, các đối thủ chỉ thống nhất nhau ở một điểm: họ thường xuyên ngồi vào bàn đàm phán ở mỗi thứ tư.

Họ rời nó, khi họ đã trao đổi xong những lời lên án lẫn nhau. Hoa Kỳ không muốn – được tăng cường bởi cảm giác đã củng cố vị trí của họ về mặt quân sự – thực hiện thêm một sự nhượng bộ nào nữa ngoài việc ngưng ném bom một phần của họ. Người Bắc Việt đến Paris với ý định muốn chiến thắng ở bàn thương lượng, không nhượng bộ người Mỹ trong bất cứ trường hợp nào.

Theo đúng sự thật, rằng các điều kiện cho hòa bình trước hết là phụ thuộc vào tình hình trên chiến trường, nên các sư đoàn Bắc Việt rõ ràng là đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công mới sau những chạm trán nhỏ trong mùa hè. Tướng Giáp, nhà chiến lược của Hồ Chí Minh tập trung – cũng như trong mùa xuân vừa rồi – nhiều sư đoàn ở miền Bắc của Nam Việt Nam, gần căn cứ Mỹ ở Đà Nẳng và thành phố Huế của các hoàng đế.

Để ngăn chận không cho các tiểu đoàn đỏ thành công vang dội thêm lần nữa – hồi cuối tháng 1 họ đã chiếm Huế và đã giữ Hoàng Thành gần bốn tuần liền –, Tướng Abrams lại gửi lính cổ da của ông ấy đến Khe Sanh.

Ở đó, cách xa các mục tiêu tấn công quan trọng, họ cần phải cầm chân càng nhiều lính đỏ càng tốt, khiêu khích để họ tập trung lại, trở thành những mục tiêu đáng để ném bom.

Trong bóng tối của lần chiếm đóng Praha và của lần diệt chủng ở Biafra, các chiến tuyến ở Việt Nam được thêm người cho trận đánh kế cuối. Ở nơi mà dường như đã có những cuộc rút lui dè chừng trước đây nhiều tháng bây giờ lại có những tiểu đoàn mới hành quân đến.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 42/1968 http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-45950016.html

Đọc những bài trước ở trang Chiến tranh Việt Nam trên báo Spiegel

4 thoughts on “Chiến tranh ác liệt hơn trước

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 25-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 25-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 25-08-2012 | bahaidao2

  4. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này