Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 15)

Chương Bảy

Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Trong thời gian từ 1969 đến 1974 dạy học ở Cẩm Giàng, tôi tham gia Hội văn nghệ tỉnh, lại viết bài cho các báo ở Hà Nội nên tôi có quen biết một số nhà văn, nhà báo. Đó là cái cầu để tôi, từ một thầy giáo làng bước sang một sân chơi rộng hơn là làm báo ở cơ quan báo chí thuộc trung ương.

Có lần, nhà thơ Thanh Thảo từ chiến trường ra Bắc điều dưỡng ở trại điều dưỡng Nam Sách-Hải Dương, không biết ai giới thiệu, anh Thảo đã “trốn trại” về Cẩm Giàng chơi với tôi. Anh đem theo một tập bản thảo thơ còn chưa in ấn ở đâu. Tôi đã được đọc bài thơ “Dấu chân trên trảng cỏ” của anh trước khi nó nổi tiếng trên cả nước. Nhưng Thảo cũng có những ý thơ “khác thường” nên không được giới chính thống ưa. Tôi nhớ một câu “khác thường” ấy trong tập thơ chép tay của anh: thế hệ tôi bùng cháy ngọn lửa của chính mình/ không dựa dẫm những hào quang có sẵn…

Ai cho phép nhà thơ “bùng cháy ngọn lửa của chính mình”? Chữ “dựa dẫm” nhằm mỉa mai ai? “Hào quang có sẵn” nhằm ám chỉ cái gì?… Cứ thế người ta đặt câu hỏi với tác giả. Câu chuyện về Thanh Thảo có liên quan đến câu chuyện của Chế Lan Viên mà tôi sẽ kể ở những phần sau.

Lê Phú Khải

Lê Phú Khải

Một lần khác, vào năm 1974, nhà thơ Trúc Thông ở Ban miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam về Hải Hưng công tác. Anh Thông có hỏi nhà thơ Mai Thanh Chương ở tỉnh rằng, ở đây có ai “chơi được”, có thể “chứa chấp” anh trong vài ngày…? Mai Thanh Chương giới thiệu tôi, giáo viên dạy văn ở trường cấm 3 huyện Cẩm Giàng, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh. Trúc Thông là nhà thơ đã có danh ở Hà Nội nhưng anh chưa được in một tập thơ riêng nào cho mình ngoài những bài thơ đã đăng đây đó trên báo, đọc trên đài… Hồi ấy in được một tập thơ lớn chuyện lắm, không như bây giờ (2013), có tiền triệu rồi mua cái giấy phép xuất bản là in được ngay một hoặc vài ba tập thơ một lúc. Thậm chí ai có tiền, nhất là các đại gia, còn có thể thuê người khác làm vài chục bài thơ rồi xuất bản lấy tên mình! Nếu sang hơn, sau khi thơ in rồi, có thể mở cuộc hội thảo mời ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn về dự, miễn là tác giả chuẩn bị vài cái bao thơ cho nằng nặng một chút. Thơ muốn nói gì thì nói miễn là không nói đến những đề tài “nhạy cảm” như nỗi đau của nông dân bị cướp đất hay nói chuyện dân chủ, bảo vệ chủ quyền đất nước là được.

Anh Trúc Thông được in tập thơ đầu tay vào năm 1985, do nhà xuất bản Tác phẩm mới Hội nhà văn ấn hành, số lượng 5000 cuốn, giá 4 đồng. Nhưng là in chung với anh Đào Cảnh ở Hải Phòng. Bìa tập thơ phải chia làm hai. Phần trên, tên tác giả Đào Cảnh với tên tập thơ “Thời yêu thương”. Phần dưới là của Trúc Thông với tên tập thơ “Chầm chậm tới mình”. Có 98 trang sách mà phải chia hai, thật khốn khổ! Có ai hỏi vì sao lại đặt tên là “Chầm chậm tới mình”, thì anh giải thích, chầm chậm rồi cũng đến lượt mình được in thơ!

Trúc Thông đến Cẩm Giàng ở chơi với tôi gần cả tuần lễ. Hồi ấy tôi có khẩu súng hơi Tiệp Khắc, mua lại của ông Nguyễn Đình Thiên, anh ruột của nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ nên ngày nào cũng bắn được chim về đãi khách. Sau những ngày “nhàn đàm”, trước khi về Hà Nội anh Trúc Thông bảo với tôi: làm một cái đơn xin về Ban miền Nam của Đài TNVN. Theo anh Thông, Ban đang cần người, tìm chưa được. Tôi có khả năng về Ban miền Nam của Đài, vì anh thấy tôi tỏ ra có kiến thức, nhạy cảm, có khả năng viết lách… Tôi nghe lời Trúc Thông và làm đơn. Mấy tuần sau anh Thông nhắn tôi về Đài ở 58 Quán Sứ Hà Nội để lãnh đạo… “sát hạch”!

Tại cơ quan Đài TNVN, phó Ban miền Nam Mai Thúc Long yêu cầu tôi viết một bài với đề tài: kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9 trong bối cảnh chính sự miền Nam năm ấy (1974). Anh Long bảo tôi, cậu về viết rồi gửi lên cho Đài. Nếu đúng ngày 23/9 theo dõi Đài TNVn, thấy phát bài ấy vào ngày… giờ… thì coi như Đài nhận cậu về làm phóng viên. Khi tôi định ra về thì Trúc Thông bảo tôi: ông Long này thích nhanh, anh nên quay lại bảo ông ấy cho anh được ngồi viết ngay tại Đài, viết xong nộp cho ông ấy. Như thế ông ấy khoái lại khỏi nghi ngờ anh về nhờ người khác viết hộ.

Tôi làm như lời Trúc Thông, Phó ban bảo tôi ngồi ngay bàn của ông ấy mà viết. Đi đâu đó độ 2 giờ đồng hồ, ông Long quay lại pha cho tôi một ly nước chanh rồi lại đi. Khoảng 12 giờ ông quay về thì tôi vừa viết xong bài, độ 3 trang giấy học trò loại “5 hào 2”. Đó là thứ giấy trắng khổ to giá 5 hào 2 phổ biến và sang trọng thời ấy, tương đương khổ giấy A 4 bây giờ. Tôi ra về nhưng không hy vọng lắm về cuộc “sát hạch” này, vì trợ lý của Ban là anh Hữu Tính cho biết Ban đã đặt bài nhà báo Lưu Quý Kỳ viết bài với nội dung như thế để phát vào ngày 23/9 sắp tới. Nhưng thật không ngờ, bài của tôi được phát sóng trên đài đúng ngày giờ như ông Long đã nói. Tôi còn nghe được bài của nhà báo Lưu Quý Kỳ phát trên đài cũng vào dịp đó. Chỉ một tuần sau tôi nhận được công văn tiếp nhận về Đài Tiếng nói Việt Nam do bà phó Ban tổ chức Đài đem xuống tận trường.

Việc chuyển công tác của tôi rất chật vật vì Ty Giáo Dục Hải Hưng không đồng ý. Ty Giáo dục lấy lý do giáo viên cấp 3 do Bộ Giáo dục đào tạo và chỉ phân về các địa phương. Ủy ban nhân dân các tỉnh không được chuyển giáo viên cấp 3 ra khỏi ngành. Đó là quy định của Bộ. Tôi lại phải dùng đến thế lực của tướng Qua mới có được quyết định về Đài do chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng Nguyễn Bắc ký.

Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình Trung ương

Về Đài tôi được phân công vào tổ “Thành thị miền Nam” nơi làm các chương trình phát thanh cho đô thị miền Nam. Ban khi đó tập trung những cây bút xuất sắc của Đài vì lúc đó ưu tiên số 1 là công tác tuyên truyền đấu tranh thống nhất đất nước. Suốt một thời kỳ dài, báo viết hiếm hoi, lại vận chuyển khó khăn, truyền hình chưa có nên tất cả thông tin đều trông vào làn sóng của Đài (kể cả ca nhạc, sân khấu). Thể tài sân khấu truyền thanh, đặc biệt là “câu chuyện truyền thanh” và “tiếng thơ” là những thể tài chỉ phát triển ở ngành phát thanh Việt Nam do những đặc điểm lịch sử, kinh tế xã hội ở Việt Nam. 40% dân số Pháp biết chơi một nhạc cụ, người nông dân Pháp có thể tự biểu diễn và thưởng thức văn nghệ trong làng quê của mình khi có thời gian nghỉ ngơi hoặc hội hè. Nhu cầu tin tức và nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của dân ta trong một thời kỳ dài chỉ có thể trông vào Đài phát thanh và hệ thống loa công cộng, loa kim dẫn đến từng nhà trong thời kỳ của hai cuộc kháng chiến. Hình ảnh nhiều người tập trung để nghe một vở sân khấu truyền thanh dưới một cái loa là hình ảnh chỉ có ở Việt Nam.

Tôi về công tác ở Đài TNVN trong thời kỳ mà nhu cầu nghe đài của nhân dân lớn hơn bao giờ hết. Đó là thời gian cuối 1974, đầu 1975 chiến sự ở miền Nam diễn biến dồn dập, công việc ở Ban miền Nam của Đài cũng dồn dập, tất bật theo với diễn tiến của chiến trường, chính trường miền Nam. Từ sáng sớm, những cây bút lão luyện của Ban như Trung Ngôn, Viễn Kinh, Phan Đắc Lập… vừa bốc xôi (hay gặm bánh mì), vừa liếc mắt trên những trang báo xuất bản ở Sài Gòn như: Tiền Tuyến, Đại Dân Tộc, Chính Luận, Điện Tín… do một đường dây đặc biệt chuyển ra. Khoảng 9-10 giờ, các anh xoay trần trên máy chữ gõ bài rồi chuyển ngay đi thu âm, phát sóng. Những tin bài nóng hổi tính thời sự như thế là không thể thiếu được với bạn nghe đài cả nước, cả ở miền Nam nữa. Tôi nhìn các anh làm việc mà thán phục. Nghĩ rằng mình không biết đến bao giờ mới trở thành một nhà báo lão luyện và hiện đại như thế. Nhưng rồi tôi hòa nhập cũng nhanh. Tin, bài tôi viết đầu được lãnh đạo Ban sử dụng. Với một người mới tập việc như thế xem như là được.

Một sự việc mà tôi nhớ mãi là cuối tháng ba, khi ta đánh vào thành phố Huế, ông Trường Chinh gọi điện qua lãnh đạo Đài, yêu cầu cử phóng viên sang bệnh viện Việt-Đức, thu thanh lời nói của GS Tôn Thất Tùng, người Huế… kêu gọi trí thức Huế ở lại với cách mạng, đừng hốt hoảng bỏ chạy theo “địch”. (Tôi viết chữ “địch” trong ngoặc, bởi thời điểm tôi viết hồi ký này là 2013, còn dùng chữ “địch” để chỉ chế độ Việt Nam Cộng hòa e rằng không công bằng. Hôm nay, những kẻ đi cướp đất của Đoàn Văn Vươn, cướp đất ở Văn Giang, ở Vụ Bản… bây giờ có khác gì “địch” mà ta gọi ngày ấy!). Là phóng viên của tổ Đô thị miền Nam, tôi được cử đi gặp GS Tùng. Sau câu chào hỏi và biết rõ lý do, ông nhìn tôi một cách vô tư rồi gật đầu, ngồi xuống bàn, lấy một tờ giấy “5 hào 2”, dùng bút chấm mực và hý hoái viết. Tôi ngồi ngắm SG Tùng, ông rất đẹp tướng, tóc bạc trắng hơi dài chấm ngang vai, da dẻ hồng hào… Trông ông vừa có vẻ một chính khách Phương tây lại pha chút đạo cốt tiên ông của phương Đông dễ làm người ta thấp thỏm. Nghe nói ông nóng tính khi đang mổ cho bệnh nhân, hễ người phụ mổ chậm đưa dao kéo là ông lấy chân đá ngay người ta, dù người “ét” đó là vợ ông cũng thế. Thấy ông hý hoáy viết là tôi mừng. Viết xong, SG Tùng đưa bản thảo cho tôi. Ông viết rất ngắn, chữ xấu như chữ học trò lớp ba, lại to như con gà mái… Tôi vẫn giữ bút tích của ông đến tận bây giờ để làm kỷ niệm (dù nhiều lần dọn nhà). Một đồng chí lãnh đạo của tôi ở cấp phòng đã viết thêm một đoạn nữa vào bản thảo của ông rồi đánh máy để đem lên cấp Ban duyệt. Tôi cầm bản đánh máy đã được duyệt chạy ngay sang bệnh viện Việt Đức để thu thanh lời kêu gọi của GS Tùng. Tôi cẩn thận nhờ thêm anh Hữu Tính cùng đi, vì anh thông thạo thu thanh, phòng có gì bất trắc sẽ có người hỗ trợ.

Giáo sư Tùng chăm chú xem bản thảo đã đánh máy và được duyệt, có thêm bớt ở đầu và cuối bài. Đọc xong chẳng nói chẳng rằng, ông xé tờ giấy đánh máy làm đôi và vứt xuống đất, còn dậm chân lên… rồi mắng hai đứa tôi: đồ ngu! Tôi giận run cả người, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh và cúi xuống nhặt mảnh giấy đã bị xé làm đôi. Tôi hỏi GS Tùng: xin giáo sư cho biết chúng tôi ngu ở điểm nào? Ông trợn mắt quát: tại sao các anh lại viết thêm vào “nhân dịp này xin chúc đồng bào… nhân dịp gì? Cái gì cũng nhân dịp, người ta đang cực kỳ hoang mang thì mình lại “nhân dịp”. Ngu nó vừa vừa thôi chứ!

Ngu thật rồi, cái đoạn ông phó phòng của tôi thêm vào cuối bài kêu gọi của GS Tùng rất trơ trẽn, vô duyên, không ăn nhập gì với lời lẽ ở trên của giáo sư. Một người làm báo phải biết nghe người ta chửi mình là ngu, nếu chửi đúng. Tôi nghĩ vậy nên xin giáo sư được sửa lại đoạn cuối. Ông đồng ý. Tôi cẩn thận cầm cả hai tay đưa lại hai mảnh giấy giáo sư vừa xé có phần cuối bài do tôi vừa sửa lại. Đọc xong ông gật đầu và ra hiệu cho chúng tôi đưa máy lại thu thanh. Đến lúc đó, Hữu Tính vẫn ngồi ung dung như không có gì xảy ra, anh giúp tôi thu thanh. Phòng mổ và phòng kế bên nơi ông làm việc máy lạnh chạy đều đều. Đây là nơi hiếm hoi ở Hà Nội được sử dụng máy lạnh ngày ấy, vậy mà tôi vã mồ hôi do lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ khi xong mọi việc tôi mới biết mình… đã toát mồ hôi. Thấy thế, giáo sư bảo hai đứa: không nên viết dài, viết ngắn thôi, nhưng phát thanh nhiều lần, phát để người ta ngồi ỉa cũng nghe được thì mới tốt. Từ đó trở đi, khi cầm bút đi lang thang trên mọi nẻo đường tươi đẹp và đau khổ của đất nước, bên tai tôi luôn văng vẳng giọng Huế của GS Tùng: đồ ngu, viết ngắn thôi! Sau này khi giảng dạy ở những lớp nghiệp vụ báo chí, về phần phát thanh tôi không quên đưa ý kiến của GS Tùng vào giáo án của mình: viết ngắn, phát nhiều lần.

Vậy rõ ràng là, cứ theo lời kêu gọi trí thức Huế ở lại với cách mạng của GS Tùng, được đích thân đồng chí Trường Chinh chỉ đạo cho Đài thực hiện thì đến lúc ta đánh vào Huế, trung ương vẫn chưa có ý định đánh vô Sài Gòn. Nhưng diễn biến tình hình quá nhanh, và chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ được quyết định sau đó. Hàng loạt tỉnh từ Đà Nẵng trở vào lần lượt được giải phóng. Do đất nước bị chia cắt lâu, các tỉnh miền Trung và Nam trung bộ ít được dân miền Bắc biết tới. Tôi được Ban chỉ thị phải giới thiệu về từng tỉnh mới được giải phóng trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Công việc này dễ mà khó. Dễ vì không cần phải đi đâu, ngồi nhà viết cũng được. Khó vì nếu không có tư liệu thì không thể viết được. Nhờ có tủ sách phong phú mà tôi đã góp nhặt được trong 8 năm dạy học nên các tỉnh chạy dài suốt mảnh đất miền Trung đã được tôi giới thiệu về địa lý, văn hóa, kinh tế một cách tóm tắt nhưng khá đầy đủ khi nó lần lượt được giải phóng.

Ngày 30/4/1975 là một ngày đáng ghi nhớ ở Hà Nội. Với cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thì càng nhộn nhịp. Các phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Đài là dân miền Nam tập kết đều được mọi người chúc mừng. Câu nói cửa miệng của người Hà Nội mỗi khi nhắc đến cái gì đó xa xôi là “chờ đến ngày thống nhất”, thì ngày ấy đã tới. Niềm vui vỡ òa trên đường phố. Ngày ấy không ai ở nhà cả, người ta cứ ra phố. Dù không biết đi đâu nhưng nhất định là không ở nhà. Cứ đi, cứ đi, gặp chỗ nào có người quen là xà vào. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ là nhà nước sẽ mở kho, khao dân chúng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như các vua chúa ngày xưa mỗi khi thắng trận, nhưng không hề có. Chỉ có các quan là có vật chất mà thôi. Tướng Qua, từ khi lên cấp tướng, tuy chức vụ vẫn là Cục trưởng như hàm ngang với thứ trưởng nên được cấp xe la-đa đi riêng, được cấp sổ mua hàng ở cửa hàng cao cấp Tôn Đản. Thời đó có câu ca dao: Tôn Đản là chợ của vua quan / Nhà thờ là chợ của trung gian nịnh thần / Đồng Xuân là chợ của tư nhân / vỉa hè là chợ của nhân dân anh hùng!

Tôi đến nhà tướng Qua với hy vọng là được uống bia và hút thuốc lá Điện Biên bao bạc, và quả đúng như tôi dự đoán. Lúc đó, ông còn ở khu tập thể ngõ Văn Chương. Hàng xóm của ông là trung tá nhà thơ trào phúng Lê Kim làm ở báo QĐDN. Hai vị đang liên hoan bên nhà tướng Qua lúc tôi đến. Chính tại bữa bia bọt đó, tôi được biết trung tá Lê Kim hôm sau sẽ lên đường vô Nam công tác. Ông được phát cho một khẩu súng lục mà theo tướng Qua nhận xét: tay này chưa biết bắn súng thế nào. Và, tôi cũng được biết, Bộ Công An sẽ cử một đoàn đi Nam để tìm kiếm Nguyễn Công Tài, người hùng của Bộ.

(Còn tiếp)

Đọc những phần khác ở trang Lời Ai Điếu

Đọc phần tiếp theo: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 16)

Đọc bài trước: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 14)

2 thoughts on “Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 15)

  1. Pingback: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 16) | Phan Ba's Blog

  2. Pingback: Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 14) | Phan Ba's Blog

Bình luận về bài viết này