Nhật ký sau giải phóng (48)

Cung cấp thiếu thốn

19/9/1975

Mẹ và em gái của Ariel hiện giờ đã rời khỏi nước sau nhiều khó khăn. Mặc dù họ là người Ấn có quốc tịch Pháp, cơ quan di trú không muốn cho họ ra đi, vì họ sinh ra ở Việt Nam và cư ngụ ở đây. Và những người này được đặt vào hàng cuối cùng trong số những người ngoại quốc đang chờ đợi, nhìn theo nhiều góc khác nhau. Ariel chỉ thành công với lý lẽ rằng anh từ Pháp sang đây là chỉ để đón họ. Vào một ngày nào đó, anh nhìn thấy tên mẹ và em gái của mình, hoàn toàn không biết trước là họ có thể ra khỏi nước, trên một danh sách được treo hàng ngày trước Bộ Ngoại giao: các hành khách có thể rời khỏi nước với chiếc máy bay kế tiếp. Mẹ của Ariel không thấy điều gì quan trọng hơn là việc đến thăm ngôi mộ người chồng quá cố của bà. Chuyến bay đã được dự định cho ngày kế đến. Vì vậy mà chỉ còn có buổi trưa để mang hành lý đến Air Vietnam (bây giờ là Air Giải Phóng). Nữ trang có giá trị cao không qua được kiểm soát. Người ta phải bán chúng lại cho Ngân hàng Quốc gia. Một anh bộ đội kiểm tra đến cả phần bên trong của cây dù, để xem người ta có nhét kim cương vào trong đó hay không.

Bộ đội Bắc Việt tìm gặp họ hàng. Sài Gòn, tháng Năm 1975

Bộ đội Bắc Việt tìm gặp họ hàng. Sài Gòn, tháng Năm 1975

Bây giờ thì bộ đội cũng đến tận nhà ở để kiểm kê các đồ vật còn lại. Ariel nhận xét, rằng ông vẫn còn sống ở đây. “Tôi là con trai của người chủ nhà.” Nhưng anh không phải là sở hữu chủ. Cuối cùng, các bộ đội đồng ý không kiểm kê một số đồ vật nhất định mà Ariel muốn mang đi, và anh có thể “quản lý” ngôi nhà cho tới khi ra đi. Các bộ đội cũng lo ngại rằng chiến lợi phẩm này có thể lọt vào tay người khác.  Nếu như có ai đó từ phường hay khóm muốn kiểm kê thêm một lần nữa thì anh cần phải nói là người ta đã làm rồi. Và nếu như những người khác vẫn không muốn từ bỏ ý định của họ thì Ariel cần phải báo ngay cho các bộ đội biết. Chỉ còn có thể đưa ra thêm nhận xét rằng một bộ đội đã lén nhét ba băng cassette vào trong túi quần: tất cả đều là nhạc “đồi trụy”.

Ngay cả những người không tham gia chiến đấu cũng muốn có phần chiến lợi phẩm. Một nữ nhân viên của chúng tôi mới đây nhận được một lá thư từ Hà Nội, nhờ cô mua một cái quạt máy và những dụng cụ điện khác. Tất nhiên là cô không biết lấy tiền ở đâu ra để mua, bởi tất cả những thứ đó có ở trên chợ cũng là vì người Nam Việt Nam phải bán trang bị nội thất của họ đi để có tiền sinh sống.  Tất cả các phản ứng này của những người giải phóng từ Bắc Việt Nam sau công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa 20 năm quả thật là bất ngờ. Và ngụ ý nằm trong bài diễn văn kỷ niệm Quốc Khánh của Phạm Văn Đồng, rằng cả chủ nghĩa xã hội ở Bắc Việt Nam cũng phải được cải tổ, đã nhận được thêm một ý nghĩa có thể hiểu được.

Tình trạng kinh tế của người dân vẫn tiếp tục xấu đi. Ngoại trừ gạo, cái được những công ty thành lập chuyên cho việc này bán ra với giá chính thức, thì bây giờ phường nhận việc bán những món hàng hóa khác theo giá chính thức. Chúng tôi được báo trước một ngày khi có phân phối cho tháng này. Với Tờ Khai Gia Đình của họ, mỗi gia đình đều có thể mua được những món hàng hóa giá rẻ này. Cho chúng tôi thì đó là hai gói miến (220 đồng), hai gói thuốc Ruby (760), hai gói [thuốc lá] Bastos lux (260), một gói Bastos bleu (110), một cục xà phòng (85), một tuýp kem đánh răng (200), 100 gam bột ngọt (380) và một gói đường nhỏ, độ 200 gam (180). Khi nghĩ rằng lần phân phối này là cho một tháng, và khi nghĩ rằng người trong Trung tâm của chúng tôi nhận lương không nhiều hơn 10.000 đồng, thì chúng hoàn toàn không đầy đủ.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này