Nhật ký sau giải phóng (29)

Những cái bao tải đầy tiền

17/6/1975

Tờ Sài Gòn Giải Phóng số ra chiều hôm qua đưa tin mới, rằng Ngân hàng Quốc gia và một vài ngân hàng khác đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy vậy – như chúng tôi thấy – các cổng chính vẫn còn đóng. Vào buổi sáng chúng tôi đã hoài công đứng chờ ở đó. Đồng chí đó đi họp. Thế nhưng vào buổi chiều thì chúng tôi được phép đi vào Ngân hàng Quốc gia, sau khi làm tròn nhiều thủ tục và điền một tờ giấy về ý định của chúng tôi. Trong ngôi nhà từ thời thuộc địa Pháp, trước đây là Banque de l’Indochine, chúng tôi chìm sâu vào trong những cái ghế bành bằng da, để chờ người đàn ông muốn gặp đó nửa giờ. Cũng như tất cả các cán bộ chịu trách nhiệm khác, ông cũng đến trong bộ quần áo màu xanh của quân đội. Ông lập tức chỉ chúng tôi sang gặp một nhân viên khác, người mang chúng tôi sang một ngân hàng khác, ngân hàng Thương Tín. Trên đường đi, chúng tôi nghe ta thán về những số tiền kinh hoàng mà những người Việt Nam giàu có bỏ chạy đã lấy ra ngay trước khi giải phóng và đã mang ra nước ngoài. Nếu như tôi nhớ đúng thì ông ta nói đến một số tiền là 300 tỉ đồng (kể cả vàng), số tiền mà nhân dân qua đó đã mất.

Mặt tiền của trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được in trên tờ tiền giấy mệnh giá 1000 đồng phát hành năm 1971

Mặt tiền của trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được in trên tờ tiền giấy mệnh giá 1000 đồng phát hành năm 1971

Trong ngân hàng Thương Tín có một đồng chí mới lắng nghe vấn đề của chúng tôi. Đổi tiền mặt dường như rất đơn giản, đơn giản hơn là rút tiền từ một tài khoản của ngân hàng Pháp. Để làm việc đó, đầu tiên là cần phải có một xác nhận của ngân hàng Pháp, rồi phải chuyển khoản sang Thương Tín (hiện giờ là phần phụ của ngân hàng nhà nước cho các quan hệ với nước ngoài) và cuối cùng là phải nộp một lá đơn, bao gồm cả lý do chi tiêu. Việc chuyển tiền từ nước ngoài, đặc biệt là từ nước ngoài tư bản, dường như là vẫn còn chưa rõ. Việc mất 5.000.000 đồng, biến mất trên đường giữa ngân hàng Sài Gòn và ngân hàng Đà Nẵng trong lúc giải phóng, vẫn còn chưa được giải quyết.

Việc đổi tiền mặt trước sau vẫn còn phức tạp vào ngày hôm nay, vì các ngân hàng vẫn còn chưa chuẩn bị cho các hoạt động như vậy. Chúng tôi được các đồng chí gọi điện thoại yêu cầu đi đến nơi. Qua cửa sau, nơi có nhiều người lính nam nữ của MTGP đứng gác, chúng tôi đi vào phòng của ngân hàng chính. Tôi phải đưa trình hộ chiếu của tôi và giấy phép cư trú tạm thời cũng như một lá thư nêu lý do đổi tiền dollar Mỹ. Người đồng chí này xem xét các số tiền và giấy tờ rất kỹ lưỡng. Trong lúc đó, các nhân viên ngân hàng trẻ tuổi vẫn còn mang vẻ tư bản của thời trước đây chuẩn bị nhiều loại giấy tờ mà ngoài những người khác cả tôi cũng cần phải ký tên. Cuối cùng, chúng tôi nhận được hai bao tải tiền thật to, tất cả đều là tờ 200 đồng, ngược với tờ 1000 đồng thường hay được phát ra. Xấp tiền nhỏ bé của 160 tờ tiền mệnh giá 100 dollar Mỹ trước đống giấy này cho thấy một cách hình tượng về sự lạm phát của nền kinh tế ăn bám Nam Việt Nam. Tiền giấy trước sau vẫn không đổi. Có thể là người ta tránh in tiền mới, vì việc tái thống nhất trên thực tế là không còn phải chờ lâu nữa.

Nhân viên của chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm, sau 17 ngày quá hạn trả lương cho họ. Vừa về tới trung tâm, chúng tôi bắt đầu ngay với việc trả tiền lương. Các tờ tiền 200 đồng tất nhiên là làm cho người ta tốn thêm nhiều công sức, vì tiền lương là từ 20.000 đến 50.000 đồng. Nhưng ai mà lại muốn than trách số phận, khi đó là một trường hợp ngoại lệ lớn rồi, việc chúng tôi nói chung là có thể đổi được tiền, cũng có thể là vì chính quyền mới rất cần ngoại tệ và muốn tránh việc là tất cả đều được mua bán trên thị trường chợ đen, và cuối cùng thì người nước ngoài cùng với ngoại tệ thoát ra ngoài nước.

Tất nhiên, terre des hommes không phải là tổ chức đầu tiên được nhận một trường hợp ngoại lệ như vậy. Nhiều doanh nghiệp, đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới sự lãnh đạo của những nhóm công nhân cách mạng, cũng đã có thể nhận được tiền từ ngân hàng, để khởi động nền kinh tế. Thêm vào đó, chính phủ đã phân phát một số lượng tiền đáng kể như là tín dụng nông nghiệp. Mặc dù vậy, terre des hommes có một vai trò đặc biệt, vì nó thuộc vào trong số ít các tổ chức nước ngoài nói chung là vẫn còn ở trong nước và hoạt động. Tổ chức kia là hội Hồng Thập Tự Quốc tế. Hôm nay, chúng tôi gặp một bác sĩ của tổ chức này trong trại mồ côi Gò Vấp, nơi ông chăm sóc y tế hàng ngày cho 800 đứa trẻ. Hiện giờ, Hồng Thập Tự đã có quan hệ tốt cho tới mức hàng dược phẩm từ nước ngoài có thể được chở bằng máy bay trực tiếp qua Bangkok sang Sài Gòn. Thật ra thì đó là một giải pháp quá toàn hảo cho một nước phát triển đang tự sản xuất dược phẩm – ngay cả khi với thành phần không chính xác. Đối với một người bác sĩ đã quen với các tiêu chuẩn Phương Tây thì đưa ra liều lượng thuốc với các loại thuốc trong nước là một việc khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn ưu tiên cho thị trường trong nước, cái cũng cần được giúp đỡ. Vì vậy mà chúng tôi sử dụng trước hết là dược phẩm Việt Nam và chỉ nhập khẩu những loại nào không có ở đây.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này