Nhật ký sau giải phóng (20)

Sơ kết cho Sài Gòn

28/05/1975

Bây giờ thì đã gần một tháng, kể từ khi đất nước được giải phóng khỏi ảnh hưởng của Mỹ, nhưng vẫn còn chưa có một tổng kết. Khó có thể làm được việc đó, vì đất nước vẫn còn bị chia cắt ra trong nhiều quyền thế khác nhau của các UBQQ đang nắm quyền trên đất nước. Không rõ là ai đứng đầu họ. Hoặc là Mặt trận Giải phóng Dân tộc với các ủy ban trung ương của họ hay là cả hai chính quyền ở Nam và Bắc Việt Nam. Vì sự phát triển trong vùng quyền lực của mỗi một UBQQ là khác nhau, và cũng phải khác nhau vì thời gian kể từ khi được giải phóng, cho nên tôi chỉ có thể tập trung vào Sài Gòn trong một tổng kết.

Sài Gòn tháng Năm 1975: Bài trừ "văn hóa đồi trụy và phản động"

Sài Gòn tháng Năm 1975: Bài trừ “văn hóa đồi trụy và phản động”

Theo tôi thấy, kinh tế dường như vẫn còn ở trong một tình trạng xấu hơn là trước đây. Ngân hàng trước sau vẫn đóng cửa, qua đó mà một tuần hoàn của kinh tế quốc gia đã bị cắt đứt. Nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài và dưới sự lãnh đạo của người nước ngoài đã mất người đứng đầu hoặc là đã đứng dưới sự quản lý của nhà nước. Nhưng không rõ là liệu các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động được hay không và như thế nào (ví dụ như nhà máy thuốc lá Bastos và nhà máy bia BGI). Sản xuất nông nghiệp còn chưa thể tốt hơn trước đây, vì người tỵ nạn còn chưa trở về hết. Bây giờ đã có nhiều an toàn hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có nhiều bất lợi: thiếu phân bón hóa học. Hệ thống bán buôn nông nghiệp bị giới hạn rất nhiều vì các địa phương kiểm soát rất chặt, giá cả mà nông dân bán ra rất thấp và thêm vào đó là chi phí chuyên chở và xử lý rất cao bởi giá xăng cao. Trong sản xuất công nghiệp, người ta phải tiến hành nhiều cuộc tái cơ cấu, vì không thể chờ đợi cung cấp phụ tùng thay thế từ các nước Phương Tây trong quy mô lớn được nữa. Sự phụ thuộc được dịch chuyển sang các nước xã hội chủ nghĩa, việc có thể phải cần nhiều thời gian. Đối với người dân Sài Gòn, các vấn đề về kinh tế lại càng trầm trọng hơn đặc biệt là vì giá cả nói chung vẫn tiếp tục tăng lên, tiền lương thì lại giảm đi (như một phần trong lĩnh vực nhà nước). Nhiều người khác thậm chí đã thất nghiệp, do không còn có các sở làm nước ngoài hay do quân đội Sài Gòn đã bị giải tán. Việc đưa người tỵ nạn trở về nông thôn với sự giúp đỡ của nhà nước qua các ủy ban ở địa phương và phân phát gạo không mất tiền cho người nghèo hoàn toàn không đủ để có thể đảo ngược được xu hướng xấu đi. Nhưng đó không phải là lỗi của UBQQ, mà là do thiếu một chính quyền trung ương và cơ quan kế hoạch cho kinh tế.

Tình hình vẫn chưa rõ về mặt chính trị. Không có bộ, và các bộ trưởng vẫn còn chưa bắt đầu làm việc. Thống trị ở Sài Gòn cũng như ở nơi khác là UBQQ với nhiều bộ phận khác nhau, đang đóng trong các bộ – ở Sài Gòn. Vẫn còn chưa rõ là ai nắm quyền ở Nam Việt Nam. UBQQ hoạt động cho tới chừng nào, và liệu sẽ sáp nhập trực tiếp với Bắc Việt nam và liệu có bầu cử tự do hay trưng cầu dân ý để quyết định việc đó.

Ngược với các tường thuật của Voice of America, tôi cho rằng an ninh ở Sài Gòn trước sau vẫn cao hơn là trước giải phóng, ngay khi trong thời gian sau này đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp và cướp của hơn. Nhưng cũng không phải là điều đáng để ngạc nhiên trước tình hình kinh tế đói kém. Tuy vậy, UBQQ vẫn muốn hành động nghiêm khắc hơn tại các tội trộm cướp. Vì vậy mà báo chí bây giờ tường thuật về những vụ xử tử công khai và tòa án nhân dân. Tuy vậy, mối nguy hiểm cho những người lính chính quy dường như đã tăng lên trong thành phố. Ngày nào tôi cũng nghe tin tức về những vụ mưu sát hiểm ác, không chỉ về ban đêm mà còn giữa ban ngày.

Các dịch vụ xã hội và y tế vẫn còn chưa làm việc bình thường trở lại. Điều này một phần là do thiếu tiền mặt và cũng vì người ta lo ngại sẽ tiêu dùng hết số vật liệu ít ỏi. Các xét nghiệm cấp bách nhất được tiến hành trong các phòng thì nghiệm. Mặt trận Giải phóng vẫn còn chưa đưa ra được lãnh đạo chuyên môn cho các dịch vụ này. Thiếu cán bộ MTGP được đào tạo, và người ta không tin tưởng những người lãnh đạp cho tới nay và thỉnh thoảng cũng không được phép tin.

Trường học vẫn còn chưa hoạt động trở lại. Rõ ràng là cả việc đào tạo chính trị cho lực lượng giảng dạy cũng đã chùng xuống trong thời gian vừa qua. Ở các tỉnh khác, người ta cho rằng trường học đã bắt đầu với kế hoạch giảng dạy mới. Các trường đại học vẫn còn bận rộn với những hoạt động của sinh viên như vệ sinh đường phố và cách mạng văn hóa. Một chính sách văn hóa rõ ràng nói chung là vẫn chưa nhìn thấy được. Người ta nói rằng mới đây có một con tàu từ miền Bắc Việt Nam, chở đầy sách, đã cập cảng Sài Gòn. Ngay cả nhà trẻ, mà tầm quan trọng xã hội của chúng cho người lao động luôn được nhấn mạnh, dường như vẫn còn đóng cửa.

Hệ thống giao thông nội bộ đã được tái thiết lập hoàn toàn. Nhưng giá trên các xe buýt đã tăng lên rất mạnh vì phí tổn xăng dầu cao. Người ta đang tích cực xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Hà Nội, và cũng đã hoạt động từng đoạn rồi. Nhưng vẫn còn chưa có liên kết trong giao thông quốc tế. Phi trường Sài Gòn vẫn chưa mở cửa cho giao thông hàng không dân sự. Ở cảng, cho tới nay chỉ có những con tàu giúp đỡ từ Bắc Việt Nam cập bến. Hệ thống điện tín quốc tế đã hoạt động trở lại từ một tuần nay. Nhưng vẫn không được phép gửi thư ra nước ngoài lẫn nhận từ đó. Tức là thành phố phần lớn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Nói tóm lại, người ta có ấn tượng là tất cả những gì hoạt động trở lại đã hoạt động vì chúng được thiết lập mà không có sự can thiệp của nhà nước hay nhờ vào điều là đã có hòa bình. Phần lớn những gì do UBQQ ban hành đều được thi hành một cách tài tử. Các cấp chính quyền cách mạng rõ ràng là không có cán bộ thạo chuyên môn.

 

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này