Nhật ký sau giải phóng (8)

Ủy ban Quân quản ra mắt

07/05/1975

Hôm nay, Ủy ban Quân quản (UBQQ) của thành phố Hồ Chí Minh đã được giới thiệu công khai. Trước sau vẫn là một chính quyền quân đội thay vì một chính phủ dân sự, và không ai biết rằng họ nói chung là ở đâu.

Tất cả các hiệp hội công cộng, trường học, đại học và cơ quan nhà nước đều được kêu gọi hãy tham gia cuộc biểu tình vào tám giờ sáng. Hàng chục ngàn người đã tụ hợp lại trước dinh Độc Lập, bây giờ là nơi ở của chính quyền quân đội. Tôi xem cuộc hội họp đó qua truyền hình vào buổi tối: hàng ngàn biểu ngữ và hình ảnh của người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Người sếp của UBQQ đọc một bài diễn văn nửa giờ. Đó là Trung tướng Trần Văn Trà, người sếp quân đội của chiến dịch Tết Mậu Thân, là một người miền Nam, cũng trong bộ quân phục xanh đặc trưng với chiếc nói cối xanh. Trên đường phố thì thật là khó mà phân biệt được liệu một người lính thuộc quân đội chính quy Bắc Việt hay thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng của Nam Việt Nam. Ở trên màn hình, nơi mà người ta phải cho rằng đó là những hình ảnh đã được kiểm duyệt, lần tuyên bố này trông có vẻ hơi mệt mỏi. Tướng Trà không phải là một nhân vật có sức thu hút. Ông đọc bài diễn văn của ông. Người dân thường chỉ vỗ tay khi những người trong quân đội khác trên ban công bắt đầu vỗ tay. Người ta cũng nói rằng một vài hiệp hội đã bị bắt buộc phải tham gia. Tôi không thể xác nhận điều này. Thế nào đi nữa thì các sinh viên của chúng tôi cũng không tham dự mà làm việc ở trong Trung Tâm.

Victory Celebration in Saigon May 1975

Chào mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sự bi quan về chế độ mới ngày một bộc lộ ra nhiều  hơn. Các thành viên thiên tả của Trung Tâm cũng bộc lộ sự bất bình về tin mà hẳn là đúng, rằng một em trai 12 tuổi đã bị bắn chết lúc chạy trốn, vì em đã lấy trộm 250 đồng, một vài xu Đức.

Cả một nhà báo trong Continental, ông Köster của Đài Phát thanh Tây Đức, cũng đã quan sát thấy được một vụ hành hình tương tự. Hai người đàn ông gật chiếc giỏ xách của một người phụ nữ. Một người phụ nữ khác của MTGP nhìn thấy, kêu họ đứng lại. Khi hai người đàn ông không tuân theo lời của bà, bà đã rút khẩu súng ngắn ra và bắn chết họ ngay tại chỗ.

Nếu như Chủ nghĩa Xã hội muốn đẩy mạnh Chủ nghĩa Nhân văn, điều mà tôi thật sự tin, thì phải từ bỏ những biện pháp đó. Hình thức bắn chết người theo kiểu tòa án quân sự này tuy có thể được lòng người dân, nhưng là một hình thức từ thời Trung cổ xa xưa, và chỉ có thể được xem như là một phản chiếu mới cho sự tàn bạo hóa xã hội Việt Nam. Và điều đáng tiếc nhất là chúng hoàn toàn không phục vụ cho công cuộc xây dựng một xã hội nhân văn.

Những câu chuyện như vậy làm tăng thêm sự hoài nghi. Các nhà báo còn chưa có sự hoài nghi này. Họ sống trong các grand hotel của thành phố và hưởng sự tự do được phép đi lại khắp nơi. Họ chỉ nhận thông tin từ UBQQ. Họ không nhìn thấy những khu phố nhỏ, nơi người ta tập những bài ca để củng cố “tinh thần cách mạng”, họ không nhìn thấy sự miễn cưỡng của sinh viên khi đi dọn sạch đường phố, họ không nhận thấy gì những nỗi sợ hãi thầm kín đang nẩy mầm của người Việt.

Làng trẻ em SOS đã nhận được lời chấp thuận cho trẻ em được phép trở về Đà Lạt bằng xe tải quân đội. Margrit đến tìm ông Kutin, vì bà nhận được tin rằng làng trẻ em ở Đà Lạt đã được cải tạo thành một bệnh viện quân đội. Bà gặp một ông Kutin đang mất hết tinh thần, người mà vào cùng ngày hôm đó đã có một trải nghiệm hết sức xấu: có một chiến binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đi cùng, ông đã tìm đến một văn phòng an ninh của quân đội ở trên đường Võ Tánh. Suýt nữa thì ngay cả nhà cách mạng đi cùng cũng không được phép đi vào, mặc dù ông đã chiến đấu từ 30 năm nay cho một Việt nam độc lập. Các nhân viên an ninh hẳn là sĩ quan Bắc Việt. Giữa các nhà cách mạng đã bùng nổ một cuộc tranh cãi gay gắt ngay trước mắt ông Kutin. Người này bị đối xử không tốt. Ngoài những điều khác, người ta có ý muốn nói rằng ông cần phải trình diện ở đây từ ngày 10 tới ngày 15 tháng Năm – như tất cả những người nước ngoài khác. Trong lúc đó thì có tin đồn rằng tất cả người nước ngoài đều phải rời khỏi nước. Việc các đại sứ quán phải thay đổi nhân sự của họ nếu như họ muốn trở lại thì đã được tuyên bố qua radio. Cuối cùng, người ta đã để cho Kutin đi ra mà không có một lời chào tạm biệt.

Saigon June 1975 - PRG Carries Out Execution In Saigon

Nguyen Tu Sang bị xử bắn ở Sài Gòn vì tội cướp giật có mang vũ khí. Hình: Rolls Press/Popperfoto/Getty Images

Ngày càng có thể thấy là có thể xảy ra một xung đột lớn giữa giới quân đội của miền Bắc và của MTGP Nam Việt Nam. Điều đó cũng giải thích được, tại sao không những người ta không tuyên bố một chính sách rõ ràng của chính phủ mà cả chính phủ dân sự cũng không thấy xuất hiện. Ý tưởng của hai nhóm này được cho là rất khác nhau.

Có nhiều điều ủng hộ cho việc là một cuộc tái thống nhất cần phải được thực hiện càng nhanh càng tốt dưới quyền chỉ huy của những người nguyên tắc từ miền Bắc. Sự lựa chọn khác mà các nhà báo đã nói về nó là một Nam Việt Nam trung lập, không liên kết, có người xã hội chủ nghĩa và người dân tộc chủ nghĩa đứng đầu.

Liệu những xung đột giữa hai phe có thể dẫn tới đánh nhau trực tiếp hay không thì không thể đánh giá được trong lúc này. Ông Kutin đã nói rằng ông phải dọn ra khỏi vài ngôi nhà trong làng trẻ em ở Sài Gòn của ông ấy, vì một tuyến phòng thủ với công sự v.v. cần phải được xây dựng ở đây. Vì Tướng Trà trong bài diễn văn ngày hôm nay của ông đã kêu gọi quần chúng hãy cảnh giác, để ngăn chận một cuộc công kích của những kẻ phản cách mạng. Tôi không muốn trải qua một cuộc nội chiến như vậy giữa hai nhóm xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

1 thoughts on “Nhật ký sau giải phóng (8)

  1. Pingback: Nhật ký sau giải phóng (8) | CHÂU XUÂN NGUYỄN

Bình luận về bài viết này