Tôi đã từng yêu người cộng sản (phần 1)

Cao Giao

Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel số 20 / 1985: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-13513784.html

Người Việt Cao Giao viết về cuộc đời và những lần ở chốn lao tù của ông. Ông chiến đấu với người Nhật chống lại người Pháp và thông đồng với người Mỹ chống lại nhà độc tài Diệm: Cuộc đời của Cao Giao, một nhà trí thức Việt Nam, đã là người thông dịch cho tờ SPIEGEL ở Việt Nam, đại diện cho lịch sử của đất nước ông. Ông ngồi tù 21 lần như là tù chính trị, lần cuối cùng ở những người cộng sản. Mới đây, Cao Giao được phép rời khỏi quê hương của ông

Lúc nào cũng tối tăm nên tôi không bao giờ biết là ngày hay đêm. Không có cửa sổ, không có ánh sáng.

Tôi bị bắt và ngay lập tức bị biệt giam. Xà lim của tôi rộng 1,20 nhân 1,80, sàn bằng bê tông, ở một phía có một cái cửa ra vào lúc nào cũng đóng kính và ở phía dưới có một cái lỗ để đưa thức ăn vào; ở phía kia có một cái lỗ ở trên sàn, nơi tôi giải quyết các nhu cầu về vệ sinh của tôi.

Vào cái ngày mà người ta nhốt tôi ở đây, tôi đã tự nói với mình: “Mình sẽ không bao giờ còn sống mà ra khỏi nơi đây đâu.” Thế nhưng tôi vẫn còn sống. Một tuần, một tháng, một năm – một sự vô tận.

Vào buổi trưa bao nào cũng có một cái còi hú lên. Người ta có thể đếm ngày bằng cách này. Chỉ chủ nhật là không có còi. Người ta chờ, nhưng cái còi câm lặng. Rồi người ta biết hôm đó là ngày chủ nhật.

Hỏa Lò, Hà Nội, 1954

Hỏa Lò, Hà Nội, 1954

Trong xà lim riêng của tôi, tôi có nhiều thời gian để nghĩ về cuộc đời của tôi: hơn nửa thế kỷ chiến đấu cho nền độc lập của đất nước tôi, một cuộc đời ở giữa những lần vào tù và ra tù.

Thường thì cùng là những nhà tù đó, chỉ có những người canh là thay đổi – tùy theo chế độ. Vì nền độc lập của Việt Nam, trong Đệ nhị Thế chiến tôi đã cộng tác với người Nhật và sau đó là với người Mỹ. Tôi đã làm việc cùng với nhà độc tài công giáo Ngô Đình Diệm và rồi mưu phản lại ông ta.

Tôi đã ở trong tù 21 lần. Tôi đã bị tra tấn bằng điện ba lần. Và rồi tôi lại ngồi tù, lần này thì là tù nhân của những người cuối cùng đã mang lại nền độc lập: những người cộng sản.

Tôi chào đời vào ngày 20 tháng Ba năm 1917 trong một ngôi làng trên “đường Thiên Lý”, cách Hà Nội 50 kilômét về phía Nam. Ngày xưa, Nguyễn Huệ đã cùng quân đội của ông đi trên con đường này để tiến vào trận đánh chống người Trung Quốc triều nhà Thanh.

Họ tiến quân theo nhóm ba người: Một người lính nghỉ ngơi trên cái võng, hai người cáng người này đi. Chính Nguyễn Huệ đã này ra ý tưởng này. Nhờ ông mà người Việt đã gây bất ngờ cho người Trung Quốc qua lần hành quân thần tốc và đã có thể đánh thắng họ.

Thời đó, người ta cho rằng có 20.000 người chết ở bên phía Trung Quốc. Người Việt chất xác chết, người ta thuật lại như vậy, lên thành một ngọn đồi, rồi dựng một cái miếu ở trên đó – như là một tượng đài nhắc nhở tới những lần tấn công Việt Nam bị thất bại của Trung Quốc.

Tôi đã nghe được câu chuyện này từ khi còn nhỏ. Ở chúng tôi, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có lẽ đó cũng là lý do, tại sao người gia đình tôi đã luôn tham gia vào trong tất cả các phong trào yêu nước Việt Nam, cả phong trào chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Chỉ cha tôi là không. Ông là người con trai duy nhất. Để bảo đảm có người nối dõi, ông tôi đã cấm cha tôi tham gia cách mạng. Ông muốn cha tôi làm quan

Nhưng chính ông, ông nội tôi, thì đã tham gia “cuộc nổi dậy của những người có học” và đã chiến đấu chống lại người Pháp. Ở nhà, tôi luôn nhìn thấy ông ngồi trên những chiếc gối, ngay cả trong mùa hè, khi trời rất nóng nực. Mãi lúc ông qua đời, khi ông được ướp và bọc trong vải liệm và được đặt trở lại trên những cái gối đó, theo như phong tục của chúng tôi, thì tôi mới biết là ông không có mông nữa. Nó đã bị rách nát bởi một quả đạn pháo của người Pháp.

Gia đình tôi là một gia đình phong kiến, một gia đình có học, có truyền thống lâu đời. Gia đình tôi chịu trách nhiệm dạy học trong làng, chịu trách nhiệm bảo quản Văn Miếu. Cha tôi là tác giả của một quyển từ điển Hán Việt.

Nơi tôi sinh ra đời có tên là Văn Phú. “Văn” có nghĩa là “văn học”, “Phú” là giàu có. Ngôi làng do tổ tiên của chúng tôi thành lập, là người dạy học cho một hoàng tử. Khi hoàng tử này lên ngôi vua, ông tổ của tôi vì khiêm nhường mà đã từ chối không muốn làm cố vấn cho nhà vua.

Thế là nhà vua đã tặng cho ông 10.000 mẫu đất – ở nơi mà ông được phép tự lựa chọn. Ông tổ tôi đã chọn vùng đất hoang vắng nhất của cả nước, nơi không có ai sinh sống. Nó là lòng chảo của vùng, nơi luôn bị ngập lụt.

Gò Đống Đa

Gò Đống Đa

Ngôi làng bị nước bao quanh và bị ngập bốn tháng trong một năm. Nhà của chúng tôi có một phần nằm rất cao. Ở chỗ chúng tôi thì đó không phải là căn gác áp mái nhà mà là một giàn giáo để chúng tôi cất giữ sách của chín thế hệ. Mỗi hè, trong lúc nghỉ hè, tất cả trẻ con đều phải giúp mang sách ra phơi nắng để giữ chúng không bị ẩm. Trong suốt thời thơ ấu của tôi, tôi đã sống chung với những quyển sách đó.

Nhưng thư viện này không phải là nơi mà tôi tìm thấy những quyển sách đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản. Tôi tìm thấy chúng trong số những quyền sách mà người thư ký tòa án của cha tôi tịch thu ở các nhà cách mạng. Là quan tòa, cha tôi chịu trách nhiệm cho tất cả các tài liệu bị tịch thu trong vùng. Chồng sách cấm này, những quyển sách mà tôi có thể tiếp cận được, đối với tôi giống như một kho báu thật sự: tôi có thể đọc được mọi thứ, từ Stalin cho tới Trotsky.

Tôi say mê chủ nghĩa cộng sản, nhưng thời đó không muốn trở thành người cộng sản.

Truyền thống gia đình tôi đã có ảnh hưởng mạnh tới tất cả các quyết định của tôi. Tôi luôn muốn làm thay đổi sự việc, tôi cũng muốn bảo toàn chúng. Tôi chưa từng bao giờ là một nhà cách mạng thật sự, tôi nhiều lắm là một kẻ nổi loạn.

Ai trong chúng tôi đi vào một con đường sai lầm thì người đó gây nguy hiểm cho cả gia đình. Nhưng gia đình là một cái gì đó rất quý giá. Và cả nó cũng là một mâu thuẫn: Một mặt, người ta nổi dậy chống quân đội Pháp đang chiếm đóng, chống lại những bất công của một nền hành chánh nước ngoài; ở mặt kia thì người ta gắn kết rất mạnh với truyền thống, người ta bảo thủ. Và ở chúng tôi thì truyền thống là rất lâu đời.

Lúc đầu, gia đình tôi tự gọi mình đơn giản là Nguyễn. Nhưng vì tổ tiên tôi đã tham gia vào một phong trào cách mạng nên họ phải chạy trốn ra một vùng đất hẻo lánh. Ở đó, họ được một gia đình họ Trần thu nhận và đã lấy họ của gia đình này. Khi gia đình tôi được nhà vua cho phép trở về làng của mình sau một thế hệ thì họ lấy lại họ Nguyễn cũ, nhưng vẫn giữ lấy họ Trần từ lòng kính trọng và cảm kích.

Tất cả những điều đó đã được ghi lại trong biên niên sử của gia đình tôi. Một bản sao biên niên sử này với phả hệ gia đình, mà trong đó tên họ của tất cả các thân nhân đã chết và còn sống được ghi vào trong đó, được chôn trong một ngôi nhà tre hai, ba tháng trước sinh nhật của người trưởng gia đình.

Lúc tôi còn bé, người đứng đầu gia đình này là ông tôi. Tôi còn nhớ rõ, các văn kiện này được long trọng đào lên vào sinh nhật của ông như thế nào, và tất cả mọi người đều vui mừng vì quyển biên niên của tổ tiên chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn và quá khứ của chúng tôi không bị xóa mất.

Trong toàn bộ cuộc đời tôi, tôi chưa từng thuộc một đảng phái nào – ngay cả khi tôi ngưỡng mộ những người cộng sản. Người thầy giáo đầu tiên của tôi là người cộng sản. Người Pháp đã quản thúc tại gia người thầy của tôi và giao cho cha tôi chịu trách nhiệm về ông ấy, để cha tôi giam ông ấy. Sau đó, cha tôi đã giao ông ấy giảng dạy cho tôi những bài học đầu tiên. Ông có tên là Nguyễn Lương Bằng. 50 năm sau đó, ông trở thành chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông qua đời vào ngày được bổ nhiệm.

Từ thủa bé, tôi đã có cảm giác phải đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp. Ngay từ những năm sớm nhất, tôi đã mong muốn nước tôi được tự do, độc lập và được chính chúng tôi điều hành.

Tôi 14 tuổi khi bị người Pháp bắt giam lần đầu. Lúc đó, tôi đi học ở trường trung học của nước Pháp bảo hộ. Học sinh chúng tôi mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa và không chịu đựng được việc phải học lịch sử Pháp, luôn bắt đầu với lời mở đầu nổi tiếng: “Tổ tiên của chúng ta, người Gaulois…”

Tổ tiên của tôi không phải là người Gaulois. Tổ tiên của chúng tôi là người Việt, đã đấu tranh để không bị người Hoa nô dịch. Cùng với bạn bè, tôi làm một tờ báo bí mật chống Pháp. Vào ngày in tờ báo, tôi rãi thuốc lào lên mắt để bị đau mắt đỏ và không phải đi học. Nhưng rồi có ai đó từ nhà in đã tố cáo tôi.

Công việc làm đầu tiên của tôi là làm báo tại một tờ báo tiếng Pháp nhưng chống Pháp ở Hà Nội, tờ “L’effort et L’essort”, có thể tạm dịch là “Nỗ lực và Khởi đầu”.

(Còn tiếp)

Cao Giao

Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel số 20 / 1985: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-13513784.html

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Việt Nam

4 thoughts on “Tôi đã từng yêu người cộng sản (phần 1)

  1. Pingback: ***TIN NGÀY 9/5/2014 -Thứ Sáu. « PHẠM TÂY SƠN

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 10-05-2014 « BA SÀM

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THƯ BẢY 10-5-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này