Thông điệp của những người công dân đang lo lắng

Cựu chiến binh tập nổi dậy trong căn lều chống nhà máy điện nguyên tử

Tôi đi tìm những người đang biểu tình tuyệt thực, được cho là đã kiên trì chịu đựng từ nhiều ngày nay ở Kasumigaseki. Một nhóm nhỏ sinh viên, tôi đọc được như vậy trong một đoạn ngắn trên báo, phản đối chính sách năng lượng nguyên tử của chính phủ bằng cách này. Tại một quán nhỏ ở dưới mặt đất của tàu điện ngầm, tôi mua một tờ báo và hỏi người bán, liệu ông ấy có thể nói cho tôi biết rằng tìm những người đang phản đối đó ở tại lối ra nào không. Ông nhìn tôi hết sức ngạc nhiên và tôi cho rằng đã nhìn thấy một cái gì đó giống như sự thông hiểu lóe sáng lên trong đôi mắt của ông. Trong lúc lục lọi tìm tiền thối lại, ông hạ thấp giọng nói với tôi: “Tôi không thể nói cho cô biết. Nhưng cô phải biết rằng ở đây là Kasumigaseki!”.

Ở Kasumigaseki là giới quan liêu. Kasumigaseki là khu nhà chính phủ của Tokyo. Ở đây, cơ quan của bộ này nối tiếp với bộ kia. Ở cạnh nhau trong một khu phố là Tòa án Tối cao, Tòa Trung thẩm, Tòa án Gia đình và Tòa án chuyên cho những vụ án xử nhanh. Không thể không nhìn thấy sự hiện diện của cảnh sát. Tất cả nhân viên, những người vừa trở lại sau khi nghỉ trưa, phải trình thẻ của họ ra cho những người đang đứng canh gác ở lối vào các bộ. Vật chướng ngại có sẵn sàng trên vỉa hè, những cái mà người ta có thể dùng chúng vào bất cứ lúc nào để chận đường đi lại.

Trước khi thật sự rời khu vực tàu điện ngầm và bước lên từ thế giới ở phía dưới, người ta có thể xem thông tin trên những tấm bảng màu vàng, lối ra nào – được đánh dấu với chữ cái trong bảng mẫu tự và số – dẫn tới bộ nào. A11 và A12 dường như chính xác là những lối ra cho tôi. Chúng chấm dứt trước METI, Ministry of Economy, Trade and Indutry [Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp].

Và tôi cũng nhìn thấy chiếc lều nhỏ màu trắng với nhiều lá cờ chống nhà máy điện nguyên tử ở đó. Nhưng thật là ngạc nhiên. Tôi không tìm thấy sinh viên gẩy gò hốc hác nào ở đó cả, mà là một nhóm người cao tuổi vui vẻ bao gồm hai người đàn ông và một người phụ nữ đã có tuổi, tươi cười đón tiếp tôi như thể họ chỉ chờ có tôi thôi. Tôi chìa tấm danh thiếp ra và người phụ nữ, người sau đó tự giới thiệu mình là Tani sáu mươi mốt tuổi, sung sướng kêu lên: “Còn chưa có tới một nhà báo người Nhật duy nhất đến chỗ chúng tôi. Cô tới đây thật là hay!”

Lều cắm trước nhà văn phòng của Bộ Công nghiệp là tụ điểm của những người chống năng lượng hạt nhân. Hình: Satoru Ogawa

Lều cắm trước nhà văn phòng của Bộ Công nghiệp là tụ điểm của những người chống năng lượng hạt nhân. Hình: Satoru Ogawa

Minamoto Katayama và Taichi Masakiyo, cả hai người đều trong trang phục bình thường – Katayama với chiếc nón che nắng –, là hai người đàn ông cao tuổi ở đây. Masakiyo bộc lộ rõ sự uy quyền và có tiếng nói chính ở đây. Ít nhất thì trước đây nhiều năm ông cũng đã từng là dân biểu trong hội đồng quận của khu phố Nerima trong Tokyo, cho Đảng Dân chủ–Xã hội, khi đảng này còn có một quy mô có thể cảm nhận ra được. Ông là một người đàn ông to cao, tóc bạc, người thích cười và hay cười, và người ta hầu như không nhận ra được số tuổi bảy mươi ba của ông.

Người bạn thân của ông, Katayama, chịu trách nhiệm bán những tấm dán chống nhà máy điện nguyên tử và ghi nhận tên họ của những người quan tâm, được ông viết tay vào trong một danh sách. Vừa mới cầm lấy tấm danh thiếp của tôi là ông cũng đã ghi tên tôi vào rồi. Cho tới khi về hưu trước đây mười năm, ông là một sarariman đặc trưng, một nhân viên trong một công ty máy tính, nhưng sau đó, khi tôi xin ông gửi cho tôi qua thư điện tử những bức ảnh ông đã chụp trong cuộc phỏng vấn của tôi thì điều đó đã khiến cho ông hết sức lúng túng.

Bà Tani chịu trách nhiệm trước hết là về việc trao đổi thông tin ở trước chiếc lều, bà phân phát tờ rơi và nói chuyện với khách bộ hành. Tôi chui vào bên trong lều. Trông có vẻ ấm cúng, gần giống như một phòng khách Nhật. Một góc lều chất đầy nệm và chiếu, đủ chỗ cho mười người mảnh dẻ. Có bình thủy và một bếp nấu ga, một cây đàn guitar, nhiều túi nhựa và đồ linh tinh. Nhìn theo ánh mắt của tôi, người cựu dân biểu giải thích. “Đây là một vụ biểu tình ngồi. Suốt ngày đêm lúc nào cũng có ai đó ở đây. Cuối cùng thì chúng tôi muốn ở lại đây cho tới chừng nào mà nhà máy điện nguyên tử cuối cùng chấm dứt hoạt động. Vui nhất là vào buổi tối, khi giới trẻ đến với chúng tôi, những người mà phải đi làm vào lúc ban ngày, rồi chúng tôi bàn chuyện, hát và uống.”

Vào ngày 11 tháng Chín năm 2011, đúng nửa năm sau trận động đất, sóng thần và tai nạn ở Fukushima, họ bắt đầu cuộc biểu tình ngồi của họ. Đó là ngày mà hàng trăm người ở Tokyo đã tạo thành một hàng người để chống lại chính sách hạt nhân của đất nước họ.

Đó là những người nhiều kinh nghiệm, những người tụ họp lại ở đây.

“Khu đất chúng tôi đang ở đây là thuộc về Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Hàng ngày đều có một nhân viên nhà nước đến đây và nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi ở đây là vi phạm luật pháp. Người ta vẫn còn chưa nói tới việc giải tỏa, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi”, Taichi Masakiyo thuật lại câu chuyện của ông, câu chuyện mà chính ông cũng thích nó cho tới mức ông luôn cười to lên một cách tinh nghịch. “Vào ngày 3 tháng Chín, chúng tôi đã gửi đơn xin phép bộ cho chúng tôi được thuê lại khu đất này cho các hoạt động của chúng tôi, để dựng lều của chúng tôi ở đây. Chúng tôi cũng báo cho họ biết rằng tất nhiên là chúng tôi cũng sẽ trả tiền thuê đất. Trước đây ba ngày có câu trả lời từ chối: không thể chấp thuận việc này được.”

Các nhà hoạt động nhiều kinh nghiệm biết cách đánh bại sự quan liêu bằng chính những phương pháp của nó.

Masakiyo tiếp tục kể: “Sau đó, chúng tôi nói rằng chúng tôi thấy thật là kỳ lạ khi không thể mướn được khu đất này. Vì chúng tôi có khả năng bác bỏ quyết định này trong vòng sáu mươi ngày nên chúng tôi đã gửi đi một thỉnh cầu tương ứng. Chúng tôi giữ đúng con đường quan liêu.” Masakiyo càng lúc càng thích thú hơn. “Rồi như là câu kết, chúng tôi còn viết vào đó lời chú thích, rằng đây là đất đai công cộng thuộc người dân, những người ít ra thì cũng đã trả tiền thuế, và rằng chúng tôi muốn tạo một nơi mà cả người ủng hộ lẫn người chống năng lượng nguyên tử đều có thể phát biểu ý kiến một cách tự do.”

Nếu cần thì người ta cũng có sẵn một nghị sĩ Dân chủ–Xã hội ở Quốc hội, người mà người ta cũng có thể thỉnh cầu ông ấy cộng tác, Masakiyo nói, và trở nên nghiêm trang hơn một chút. Ở đây họ tất nhiên không phải là những người đấu tranh đơn độc, mà sẽ cộng tác với tất cả những người hiện giờ đang đấu tranh chống lại các nhà máy điện nguyên tử. Ví dụ như những người trẻ tuổi đã tuyệt thực trong tháng Chín chẳng hạn, những người này cũng liên kết với họ. Lúc đầu là bốn, và gần đây nhất là mười. Một trong số họ, một người quen cũ, trước kia đã hoạt động trong công đoàn công nhân đường sắt chống tại việc tư nhân hóa đường sắt nhà nước, Taichi Masakiyo thuật lại, bây giờ thì thích thú thấy rõ, “ông ấy nói với tôi – những người trẻ tuổi kia có khả năng làm những gì thì tôi cũng có khả năng làm những việc đó. Và rồi đã tuyệt thực bốn mươi tám tiếng đồng hồ!”

Các nhà hoạt động chống năng lượng nguyên tử Taro Fuchigami (phải), Taichi Masakiyo (giữa) và một tu sĩ Phật giáo đang tuyệt thực trong một căn lều trước Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hình: Shizuo Kambayashi/AP

Các nhà hoạt động chống năng lượng nguyên tử Taro Fuchigami (phải), Taichi Masakiyo (giữa) và một tu sĩ Phật giáo đang tuyệt thực trong một căn lều trước Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hình: Shizuo Kambayashi/AP

Không ai ở đây xa lạ với các hoạt động xã hội. Họ đến từ phong trào chống bãi bỏ điều 9 Hiến pháp Nhật. Điều 9 là “điều khoản hòa bình” trong Hiến pháp của nước Nhật sau chiến tranh từ năm 1947, đã hình thành với sự trợ giúp to lớn của lực lượng Mỹ đang chiếm đóng. Trong điều 9, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chiến tranh cũng như từ bỏ các lực lượng hải lục không quân riêng, ngắn gọn là từ bỏ quân đội riêng. Jieitai, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản, Japanese Self Defense Forces – JSDF, chỉ là lực lượng chuyên về tự vệ. Vì thế mà theo Hiến pháp, nước Nhật cũng bị cấm không được tham gia vào trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Chi phí cho các lực lượng tự vệ không được phép vượt quá một phần trăm của tổng sản phẩm quốc gia, việc tại một cường quốc kinh tế như Nhật Bản thì vẫn là một con số đáng kể. Từ những năm chín mươi, nước Nhật bị áp lực quốc tế, phải tham gia vào trong các hoạt động quốc tế hay nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Năm 2006, việc tham gia được đặt trên một nền tảng pháp luật, và quân đội Nhật, cái thật ra không phải là quân đội, tham gia vào trong các nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia, Ruanda, Mozambique, Đông Timor, Afghanistan và Iraq. Những cuộc phản đối việc đào rỗng Điều 9 và phản đối các cố gắng của giới chính trị, bãi bỏ cả Điều 9 và cho phép có quân đội riêng, diễn ra tiếp ngay theo sau đó.

Phong trào dân sự chống bãi bỏ Điều 9, phong trào mà nhà nhận giải Nobel năm 1994, Kenzaburo Oe, và các trí thức khác của đất nước đã tham gia dẫn đầu, là một trong những nòng cốt của phong trào chống đối của người dân Nhật Bản. Một trong mối quan tâm của họ cũng là cuộc đấu tranh bãi bỏ vũ khí nguyên tử trên toàn thế giới.

Kenzaburo Oe, người thường xuyên xuất hiện như là lương tâm của đất nước, là người đồng thành lập và là một trong những người dẫn đầu của nhóm chống nguyên tử “sayonara genpatsu”, mang lời từ biệt năng lượng nguyên tử trong tên của mình. Họ đã thành công trong việc tập hợp được tròn sáu mươi ngàn người tại công viên Meiji ngay trong trung tâm của Tokyo vào ngày 19 tháng 9 năm 2011 để trở thành cuộc biểu tình lớn nhất chống năng lượng nguyên tử và công nghiệp nguyên tử. Sáu mươi ngàn người, đó là một con số lớn trong một đất nước không có văn hóa biểu tình rõ nét. Cảnh sát cũng hạ thấp con số người tham gia xuống còn hai mươi ngàn. “Chúng ta, các nhà hoạt động, phải để cho lãnh tụ các đảng lớn và các doanh nghiệp biết rằng chúng ta sẽ chống lại!”, trong cuộc biểu tình đó, Oe bộc lộ tinh thần sẵn sàng đấu tranh và thêm vào: ở Nhật vẫn còn những thế lực ủng hộ điện nguyên tử. Những người chống lại có thể ngăn chận họ qua biểu tình và tụ họp công khai.

Trong giới truyền thông chính của Nhật, sự kiện này hầu như không được tường thuật. Các tờ báo lớn, nhưng cả các truyển thông điện tử như đài truyền hình nhà nước NHK tường thuật quá ít về vấn đề năng lượng nguyên tử hay về việc thực phẩm bị nhiễm phóng xạ, Taichi Masakiyo nói. Có một loạt lý do cho việc đó: “Có lẽ vì các doanh nghiệp lớn của Nhật đăng nhiều quảng cáo trong truyền thông và là những người tài trợ chính của họ. Sự phụ thuộc qua lại là rất lớn!”

Cả bà Tani cũng đến từ phong trào giữ lại Điều 9.  Cho tới mới đây, bà cũng đã đứng ở trong hàng ngũ các nhà nam nữ hoạt động chống căn cứ quân sự Mỹ trên Okinawa.

Okinawa là một điểm nóng khác của phong trào dân quyền Nhật. Vì thống trị ở miền cực Nam của Nhật Bản là lính thủy quân lục chiến. Trên đảo Okinawa, nơi nước Mỹ chiếm đóng từ sau Đệ nhị thế Chiến cho tới 1972, có hơn phân nửa số bốn mươi bày ngàn lính Mỹ ở Nhật. Nền tảng cho các căn cứ quân sự Mỹ là Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ của năm 1960. Cho tới ngày nay, Okinawa là căn cứ quân sự quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Từ đây, lính thủy quân lục chiến đã bay vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên, ở đây, họ quan sát thật kỹ tình hình ở trong Bắc Triều Tiên cộng sản và trong Trung Quốc. Từ nhiều thập niên, người dân ở Okinawa cảm thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng ồn máy bay liên tục, bởi những lần tập bắn đạn thật và việc chiếm đóng nhiều phần rộng lớn của không gian sống của họ. Thêm vào đó là thường có tội phạm từ những người thuộc quân đội Mỹ. Năm 1995, một em gái ở địa phương đã bị ba người trong quân đội Mỹ bắt cóc và hãm hiếp, việc đã dẫn tới một tiếng thét vang của người dân và dẫn tới lời yêu cầu đóng tất cả các căn cứ quân sự Mỹ. Năm 1996, trong một trưng cầu dân ý, gần chín mươi phần trăm người dân đã ủng hộ việc giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ; một ý muốn mà chính phủ ở Tokyo xa xôi đã phớt lời. Cho tới ngày nay vẫn vậy.

Sau 3/11 bà đã nhận ra, bà Tani nói, rằng hiện giờ thì mối nguy hiểm lớn nhất xuất phát từ các nhà máy điện nguyên tử. Bà thấy rằng bây giờ là đã đến lúc phải hoạt động ở đây, vì cuối cùng thì bà cũng cùng chịu trách nhiệm cho các thế hệ tương lai, ngay cả khi bà không có con, bà nói. Hàng người, nửa năm sau thảm họa, cuối cùng đã trở thành lần kích hoạt khởi đầu: “Và bây giờ thì tôi tiếp tục, cho tới khi tất cả các nhà máy điện nguyên tử ngừng hoạt động.” Bà không ở lại về đêm, mà thừa nhận, những người trẻ tuổi cần nên làm việc này, nhưng bà thường đến vào buổi sáng và rồi ở lại cho tới chiều.

Cũng như hai đồng nghiệp của bà, bà Tani cũng không tin vào chính phủ và những lời nói trấn an của họ. Thật ra thì người ta chẳng biết gì cụ thể cả, về mối nguy hiểm cho con người qua nhiễm tia phóng xạ, về an toàn thực phẩm hay nguy hại cho sức khỏe của trẻ em. Các biện pháp của chính phủ ngay từ đầu là đã không đủ rồi – ví dụ như về việc sơ tán ra khỏi các thị trấn nằm chung quanh lò phản ứng bị hỏng. Trước sau gì thì người ta cũng không tiến hành đủ những biện pháp để loại trừ những vật liệu bị nhiễm phóng xạ, bà và hai ông quở trách.

“Thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng muốn tạo nên một nơi tự do trao đổi ý kiến ở đây”, họ bày tỏ ý định của cuộc biểu tình ngồi của họ. Và mục đích cuối cùng tất nhiên phải là việc từ bỏ năng lượng nguyên tử.

Cuối cùng, họ còn nhất định muốn tôi xem một quyển sách mà họ vừa mang về từ chuyến đến thăm Fukushima. Đó là một quyển sách mỏng với những bức tranh của trẻ em từ một nhà trẻ trong thành phố Fukushima. Trong “Hãy hành động – Ánh sáng của hy vọng”, nhà thiết kế đồ họa, nghệ sĩ và nhà giáo Makoto Ishiyama đã tường thuật và vẽ lại từ góc nhìn của trẻ em câu chuyện về tai nạn trong nhà máy điện nguyên tử và về những trận mưa nhiễm phóng xạ đã làm khiến cho các em không thể sử dụng sân chơi của các em được nữa. Và cuối cùng là về việc tất cả mọi người đã cùng nhau giúp đào đất đó và chôn vào một hố sâu, để các em lại có thể chơi đùa ở ngoài trời được. Trong một cảnh chôn cất, trẻ em đã xin lỗi vì các em đã làm bẩn đất.

Khi tôi muốn mua quyển sách đó, tôi lại làm cho các nhà hoạt động lâm vào cảnh lúng túng. Đó là quyển duy nhất mà họ có, họ nhẹ nhàng xin lỗi và bắt đầu bàn thảo và thương lượng khá lâu.

Cuối cùng, họ thống nhất rằng họ sẽ đặt thêm sách mới ở Fukushima và tôi được phép mang quyển sách này về.

Judith Brandner

Phan Ba dịch

Sách đã được xuất bản trên Amazon: www.amazon.com/dp/B00G3436CG

Đọc các bài khác ở trang Ngoài tầm kiểm soát

4 thoughts on “Thông điệp của những người công dân đang lo lắng

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 15-11-2013 | doithoaionline

  2. Pingback: Thứ Sáu, 15-11-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 15-11-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: ***TIN NGÀY 20/11/2013 -Thứ Tư « ttxcc6

Bình luận về bài viết này