Quyền lực thứ tư: Thế giới bất thình lình bắn trả

Robert Misik

Những gì mà Robert Misik đưa ra vào mỗi chủ nhật từ bốn năm nay trên trang mạng của tờ Standard ở Wien là độc nhất vô nhị trong vùng nói tiếng Đức. Trong video blog hàng tuần của mình, nhà báo này có thể nói là bước ra mặt đối mặt với khán giả của anh. Ở đây không có ai dấu mình sau những từ ngữ được in ra cả. Các độc thoại kéo dài có cho tới mười hai phút về một đề tài tự chọn là thông tin tiêu khiển sống động nhất – với những phương tiện hết sức khiêm tốn. Một máy quay, một micrô. Vài lần lồng âm thanh hình ảnh. Chúng tôi cùng nhau xem lại blog cuối cùng của anh: “12 phút căm thù”. Tựa đề này dễ làm cho người ta nhầm lẫn, vì ở đây Misik không tung ra hàng tràng lời căm thù đả kích, anh than phiền về sự căm thù của người công dân thịnh nộ có mặt ở khắp mọi nơi, người đang đe dọa sẽ làm cho nền văn hóa tranh cãi dân chủ của chúng ta phải chết ngạt trong cơn thịnh nộ mù quáng. “Chúng ta muốn đạt tới một xã hội, dù chỉ đáng sống hơn một chút thôi, với những người đầy lòng căm thù như thế nào?”, anh hỏi và trích dẫn bài thơ “Gửi những người sanh sau” của Bertolt Brecht. Trong bài thơ đó, Brecht nhấn mạnh tới mặt xấu của cái cảm giác căm thù hết sức người, cái rồi cũng còn đó khi chính cảm giác được biện minh qua tình huống.

Những người đang giận dữ thời chúng ta tất nhiên là không hài lòng với một lời khiển trách như thế. Như để xác nhận cho những gì anh vừa mới nói, Robert Misik ngay lập tức nhận được một trong những lời bình luận cay độc đó, những cái mà chỉ có thể phát triển trong sự nặc danh của Internet. “Anh là một thằng ngu, hoàn toàn không có một chút trí thông minh nào với cột sống của một con giun lầy nhầy trong đống phân”, người ta viết thế. “Những người như anh, chửa rủa ‘sự căm thù’ của những người khác và không nhận ra sự căm thù của chính mình, không cần phải được đánh giá cao về mặt trí thức.”

Robert Misik đã từ lâu không còn trả lời những tràng đả kích đó nữa. Anh ghi nhận chúng, không nhiều hơn. “Công việc của một nhà báo đã bị làm thay đổi một cách hết sức đa dạng bởi Internet, cho tới mức người ta không còn thật sự biết là phải bắt đầu ở đâu”, anh nói. “Ngày nay, nhà báo dùng một phần không nhỏ thời gian để vào các mạng xã hội, đưa lên mạng những câu chuyện của họ và nhìn xem người ta có chú ý đến chúng không, cũng tiếp tục chia sẻ nếu có thể. Người ta tìm cổ động viên của mình trên Twitter và Facebook, và tự đặt ra câu hỏi: tôi trở thành thương hiệu như thế nào, tôi trở nên đặc biệt như thế nào? Tôi phác họa điều đó rất đại thể, tất nhiên là cũng có nhà báo hoàn toàn không kiêu ngạo, nhưng Internet có thể làm nổi bật cá nhân tác giả nhiều hơn là trước kia, Một thay đổi khác là qua những kênh khai thác đó, nhà báo bất thình nhận được trả lời. Mỗi một lỗi lầm đều được khiếu nại ngay lập tức và qua đó được công bố. Ngày xưa, người ta cũng phát hiện ra lỗi lầm, nhưng nếu họ không viết một lá thư bạn đọc thì việc đó không đến nơi như là một lời phê bình được. Người ta cũng bị chửi rủa. Sự thái quá và căm ghét trong posting cũng cùng quyết định giọng điệu của một cuộc tranh luận. Là nhà báo, ngày nay anh bị đặt vào trong một thế giới mà nó bất thình lình bắn trả, trong khi trước kia thì người ta thường chỉ làm việc với những người tiêu thụ câm lặng.”

Tờ nhật báo tự do cánh tả của Áo Der Standard được Oscar Bronner thành lập năm 1988, người đã chịu trách nhiệm cho các tạp chí tin tức trendProfil. Bảy năm sau đó, tờ Standard đưa ra trang mạng đầu tiên của một nhật báo tiếng Đức với ban biên tập riêng và như là một công ty riêng, ngay cả khi nó liên kết mật thiết về mặt tổ chức với công ty xuất bản tờ Standard. Nói cách khác: trang trực tuyến tự chủ phần lớn. Bây giờ thì video blog của Robert Misik không phải là không bị tranh cãi, tác giả khiêu khích và nói không úp mở một cách rất sinh động. Anh có phải báo cáo cho ban biên tập trước khi công bố hay không, có một cấp kiểm tra hay không?

“Không có cấp kiểm tra nào cả”, Misik nói, người mãi một hai ngày trước đó mới quyết định nói về để tài gì vào ngày chủ nhật. “Tôi làm blog đó trong thời hạn rất ngắn, đưa trực tiếp lên trang Standard. Rồi các đồng nghiệp nam nữ trong ban biên tập liên kết đến trang nhà. Cho tới nay không hề có một sự phản đối nào cả. Tôi tự chú ý, không làm những điều để cho người ta có thể kiện tôi. Các đồng nghiệp biết điều đó, những người phần lớn cũng chia sẻ ý kiến của tôi. Nhưng ngay cả khi không như thế thì sự việc cũng diễn tiến không khác đi. Một người đứng ngoài tưởng tượng hoàn toàn sai lầm. Người ta thường hay nghĩ rằng người chủ tờ báo đưa ra đường lối của tờ báo cho tổng biên tập. Đó là một sự tưởng tượng khiến phải dựng tóc gáy và xa rời hiện thực của truyền thông. Qua đó tôi không muốn nói rằng hiện thực truyền thông như thế là tốt hơn nhiều đâu. Hiện thực truyển thông là việc mỗi một tổng biên tập đều cố gắng làm ra một truyền thông tiêu khiển càng nhiều càng tốt, điều đó có nghĩa là báo chí đã trở thành một phần của tiêu khiển, cà báo chí chính trị nữa. Và thuộc vào tiêu khiển cũng là việc tôi có những ý kiến phân cực, những cái gây ồn ào càng nhiều càng tốt, vì như thế thì mới chắc chắn là được người ta chú ý tới. Tôi không bị kiểm duyệt không phải chỉ vì các đồng nghiệp có cùng ý kiến với tôi, mà tất nhiên cũng vì tôi hay là người mang những ý kiến trái ngược vào trong cuộc chơi công cộng, và đó là phần mang tính chất tiêu khiển của truyền thông. Chỉ cần nhìn đến các chương trình đàm thoại thôi. Các ý kiến càng kỳ lạ chừng nào thì chương trình càng ồn ào nhiều hơn chừng ấy. Cũng tương tự như thế trong làm báo in hay báo trực tuyến.”

Robert Misik yêu cầu hãy xem xét một cách cụ thể hơn tính kinh tế của sự chú ý trong các hình thức truyền thông. “Trong truyền thông in, không phải bài nào tôi cũng viết để ai cũng đọc nó”, anh nói. “Ngay khi có ai đó mua báo thì nhà xuất bản đã hài lòng rồi. Quan trọng là trang nhất. Tranh nhất quyết định việc bán báo. Những gì ở bên trong nhiều lắm là quyết định cho lần mua của ngày hôm sau. Trong truyền hình thì khác. Những người làm truyền hình biết rằng người ta có thể bấm sang chương trình khác hay tắt đi. Nhưng phương pháp dùng để đo tỷ lệ người xem thì thật là buồn cười. Ở đó, người ta từ 500 người tính lên cho hàng triệu người tiêu dùng, với tỷ lệ sai lầm to lớn vô cùng, như có thể tự nghĩ được. Tuy vậy, tôi phải làm chương trình của tôi sao cho khán giả đừng tắt đi, người ta có điều đó ở trong đầu. Trên báo trực tuyến thì bài viết nào cũng cạnh tranh sự chú ý. Nếu đường dẫn được trình bày một cách quá nhạt nhẽo thì sẽ chẳng có ai bấm vào nó. Cuộc tranh giành sự chú ý này hiện giờ đã lan ra trên từng xăngtimét của trang mạng. Trong Internet thì có thể đo con số truy cập một cách chính xác được. Nếu chuyên mục của tôi được 300 người bấm vào thì tôi sẽ suy nghĩ liệu tôi có theo đề tài đó lần thứ hai hay không, nhất là khi tuần trước tôi đã ghi nhận được 60.000 lần bấm tại một đề tài khác. Điều đó tất nhiên về lâu dài cũng ảnh hưởng đến tổng biên tập, người rồi sẽ can thiệp vì khách hàng quảng cáo bỏ chạy khi có quá ít sự chú ý. Điều này ngày nay còn đóng một vai trò không lớn lắm trong Internet, nhưng chắc chắc sẽ mạnh hơn trong những năm tới đây. Áp lực tinh vi của tỷ lệ – một mối nguy hiểm lớn cho nhà báo nằm ở đây. Nhưng vì trực tuyến không tốn kém gì cả nên rào cản tiếp cận rất thấp. Vì thế mà luôn có đầu vào sáng tạo. Ngày nay, với một ít phương tiện, người ta có thể đưa một trang lên mạng, và nếu như nó được làm cho tốt thì nó cũng sẽ tìm được độc giả của nó. Vì thế bảo đảm được nhịp cải mới sáng tạo luôn quay trở lại.”

Vào thời điểm cuộc nói chuyện của chúng tôi, Robert Misik đã công bố 224 video trên trang mạng của tờ Standard. Chúng đã đưa anh lên địa vị của một tác giả được tôn sùng ở nước Áo – tất nhiên là bên cạnh sách của anh, những cái không bao giờ thiếu lực nổ về chính trị-xã hội. Ý tưởng với blog đó đến từ đâu? “Cũng như nhiều việc khác trong cuộc sống, đó cũng là một sự ngẫu nhiên thôi”, Misik trả lời. “Một người họ hàng đã rất cao tuổi tặng cho tôi một cái máy quay video. Tôi không cần máy quay video, nhưng cứ cứng đầu và dai dẳng, như người già thường hay thế, người họ hàng của tôi cứ khăng khăng nhất định. Cuối cùng, tôi làm quen với cái máy và học cách cắt phim trên máy tính và đưa lên YouTube. Vào thời gian đó, tờ Standard viết thư cho tôi. Họ muốn tôi làm cái gì đó cho trang trực tuyến của họ, chính xác là cái gì thì họ còn không biết nữa. Giả như tôi đề nghị viết blog thì chắc là cũng được. Nhưng đã có hàng trăm ngàn cái như thế rồi. Tôi thì muốn làm một cái gì đó mà còn chưa có ai làm, ít nhất là ở chúng tôi. Điều mà lúc đó tôi không biết: cung cách đối xử của khán giả thật là tàn bạo. Tỷ lệ không phải ở khoảng cộng trừ mười phần trăm mà khác biệt nhau với hệ số mười. Sau một thời gian, người ta biết được đề tài nào được quan tâm nhiều và đề tài nào không. Tất nhiên là tôi cũng chú trọng đến hỗn hợp. Nếu như tôi nói mười lăm lần về cuộc khủng hoảng kinh tế thì đã đến lúc trình bày một cái gì đó khác. Ví dụ như một đề tài về nghệ thuật hay một xì căng đan tham nhũng. Đất nước của chúng tôi có nhiều đề tài lắm.”

Trong vòng hai năm vừa qua, anh đã chú trọng nhiều hơn đến các đề tài kinh tế vĩ mô, những cái mà anh đã nhìn thấy như một vấn đề cơ bản bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính. “Báo chí kinh tế của chúng tôi chưa từng bao giờ có thể giải thích được”, Misik nói, “ngoại trừ một ít trường hợp ngoại lệ thì nó đã thất bại hoàn toàn trong mười, hai mươi năm vừa qua. Các nhà báo về kinh tế đã đánh mất khả năng truyền đạt lại của họ, và trước hoàn cảnh của những sự kiện gây chấn động đó, tôi đã cảm nhận được sự thách thức, góp phần khép lỗ hổng đó lại.” Việc mà khi nhìn đến tính phức tạp của đề tài thì không phải lúc nào cũng là đơn giản, “vì tất nhiên là sẽ có ít người xem một cuộc độc thoại kéo dài mười hai phút hơn là khi tôi trình bày một câu chuyện súc tích, ngắn bốn phút. Những tín hiệu như thế thật sự là đã đến từ thị trường.”

Không chỉ ở Áo mới thế, trình bày rút ngắn hầu như đều được yêu cầu ở khắp mọi nơi. Truyền thông ngày nay hầu hết đều đã suy tàn thành những người cung cấp thông tin fast food. Nhưng ở Áo, theo Misik, thì có thể cảm nhận điều đó đặc biệt rõ. “Trong đất nước này, chúng tôi có những điều kiện chủ quan, đặc biệt”, anh nói. “Ở đây, chúng tôi phải đối phó với một thế lực thị trường cực lớn của báo lá cải, hơn cả thế lực thị trường trong những nước khác. Đó là hậu quả của một chính sách truyền thông thất bại. Người ta có thể nói rằng nếu như tôi muốn có báo chí chất lượng cao thì tôi tạo điều kiện cho những nhật báo chào mời báo chất lượng cao. Ở Áo thì ngược lại. Thống trị ở đây là Kronen Zeitung [Nhật báo Krone]. Đó là một thị trường tống tiền giới chính trị. Ví dụ như tờ Kronen Zeitung nắm trong tay rất nhiều đặc quyền trong phát hành, và cơ quan chống độc quyền nhắm cả hai mắt lại. Nhưng nếu như người ta không ngăn chận việc đó thì tờ lá cải này đẩy mình đến chân tường. Giới chính trị thật sự là sợ việc đó. Với hai triệu độc giả, tờ Kronen Zeitung, so với vùng phát hành của nó, là tờ báo được đọc nhiều nhất thế giới, điều tất nhiên là giật lấy một phần cực nhiều từ chiếc bánh quảng cáo. Ở các nơi khác, những người đăng quảng cáo sẽ nói rằng nếu tôi muốn đến được với một giới độc giả có học nhất định thì tôi phải đi vào báo có chất lượng chứ không vào báo lá cải. Nhưng ở chúng tôi thì báo lá cải được đọc nhiều cho tới mức nó thống trị toàn bộ thị trường quảng cáo của Áo.”

Thêm vào đó, chỉ dựa trên báo chí có chất lượng cao trong một đất nước với tám triệu dân là một việc làm khó khăn vô cùng, nhất là có thể mua được các sản phẩm báo chí Đức ở khắp mọi nơi, những cái tạo một áp lực cạnh tranh không phải là không đáng kể. “Đó là những điều kiện hoàn toàn khác với trong một đất nước 80 triệu dân như nước Đức, nơi tôi không những có thể tìm thấy vị trí của tôi như là một tờ báo có chất lượng mà còn có thể bảo đảm nó được nữa”, Misik nói. “Vấn đề trong giới truyền thông là con số phát hành và sự bảo đảm về mặt tài chính cho một truyền thông. Nếu tôi, như tờ Süddeutsche Zeitung [Nhật báo Nam Đức], có trên 300.000 người mua thì tôi có thể làm một tờ báo tương đối tốt. Một tờ báo như vậy ở chúng tôi thì chỉ bán được 30.000 tờ thôi. Với một con số phát hành như vậy thì người ta không thể nào đáp ứng được những yêu cầu của một tờ báo chất lượng, nếu như không muốn làm báo rẻ tiền.”

Thuộc trong số những tờ báo cố gắng làm báo chất lượng trong nước Áo với nhiều nhiệt tình và ý định tốt, nhưng không phải lúc nào cũng với những kết quả rất tốt, theo Misik là Standard, Falter, ProfilDie Presse. “Tất cả họ đều bán được từ 50.000 đến 60.000 tờ. Ở mức đó thì người ta có thể làm được vài việc rồi. Nhưng tất nhiên là người ta không có khả năng chi trả cho một ban biên tập 200 người. Bốn mươi, có lẽ năm mươi, điều đó tự động giới hạn các khả năng. Thêm vào đó là một đặc điểm của Áo: trong số tám triệu dân thì đã có hai triệu sống ở Wien. Tất cả các tờ báo lớn trong nước đều được sản xuất ở Wien, việc rõ ràng là giới hạn các đặc điểm nhận dạng.”

Một vấn đề nữa là nhà báo Áo thiếu tự tin, Misik nói. “Báo chí có chất lượng ở Áo vẫn còn nhìn trừng trừng sang Đức, bởi vì người ta nghĩ rằng người Đức có báo tốt như thế, chúng ta có báo tệ như thế. Điều đó pha lẫn vào trong những mặc cảm tự ti mà chúng tôi người Áo nói chung là có, đối với thế giới và đặc biệt là đối với nước Đức. Cái quan hệ loạn thần kinh này cũng có thể quan sát thấy trong ngành xuất bản. Người ta cố gắng để tốt như người Đức và đồng thời lúc nào cũng có cảm giác người ta không làm được. Tuần rồi, trên đài [phát thanh và truyền hình nhà nước] ORF có một chương trình về văn hóa làm báo trong đất nước này, vì các xì căng đan mà giới chính khách chúng tôi sản xuất ra cứ như ở cạnh băng chuyền. Và Florian Klenk, một trong các nhà báo điều tra tốt nhất của Áo, không có ý gì khác hơn là liên tục nói rằng chúng tôi có thể học được những gì từ người Đức.”

Robert Misik, người đã sống một thời gian dài ở Berlin, có ý kiến kiên quyết riêng của anh về báo chí Áo. “Báo chí trong đất nước này trước nay đã không cố gắng nhiều cho lắm”, anh nói. “Nó lúc nào cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa chính trị của một nước nhỏ và chịu ảnh hưởng rất lớn của sự đồng thuận. Sự đồng thuận của các lực lượng chính trị lớn thời sau chiến tranh. Chúng tôi nói năng hiền lành và chúng tôi tránh xung đột. Trong sự pha trộn đó, báo chí đã trở nên biếng nhác. Dưới thời Quốc Xã, nhiều nhà báo trong giới báo chí có chất lượng đã bị giết chết hay bị đuổi ra khỏi nước. Rồi sau chiến tranh, người ta đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập một nền báo chí dân chủ, kiểm tra, khai sáng, như nó đã phát triển từ động lực riêng ở Đức. Cho tới năm 1970 không có gì ở Áo là có thể so sánh được. Mãi đến lúc đó người ta mới cố gắng đuổi theo.”

Điều đó đặc biệt là nhờ Oscar Bronner đã được nhắc tới ở phần trên, một doanh nhân truyền thông có sức thu hút, người không chỉ nghĩ tới kinh doanh ở trong đầu. “Có thể là tuýp người này không còn có trong nước Đức nữa”, Misik nói, “nhưng ở Áo thì cũng chỉ có một người đó thôi. Còn về không khí truyền thông để hít thở của chúng tôi thì chúng tôi vẫn còn chỉ sống nhờ vào những lần sáng lập của ông ấy. Có một hạn chế: tờ Falter, một tờ báo thành phố có nhiều truyền thống theo gương mẫu của tờ Village Voice ở New York. Được thành lập trong những năm bảy mươi trong tinh thần văn hóa mang tính lựa chọn khác của Phong trào 68. Từ lúc đó đã phát triển thành một tạp chí có chất lượng thật sự.” Người thành lập Falter là nhân vật truyền thông sáng danh thứ hai của Áo sau Oscar Bronner: Armin Thurnher. Thurnher, vẫn còn là tổng biên tập của Falter, được xem là nhà phê phán gay gắt nhất của giới truyền thông in ở Áo.

Những gì mà Robert Misik nói về áp lực cạnh tranh, cái mà các nhật báo và tạp chí phát hành trên toàn quốc của Đức đặt lên khu vực ấn phẩm Áo, tất nhiên là lại càng đúng cho truyền hình. Ở nước cộng hòa cạnh dãy núi Alps này thì cả các đài truyền hình nhà nước lẫn đài tư nhân Đức hẳn cũng cảm thấy mình giống như đang ở nhà. Vì thế mà đài ORF gặp khó khăn. “Cũng như mỗi một đài nhà nước, đài ORF cũng nằm trong sự căng thẳng giữa lợi ích báo chí và lợi ích chính trị”, Misik nói. “Ở Đức thì có cấu trúc khác vì có các cơ sở truyền thông của tiểu bang. Ở đó không chỉ có một đài truyền thông nhà nước như ở chúng tôi. Ở đó không chỉ có [đài nhà nước] ARD với chín cơ sở truyền thông của các tiểu bang, ở đó còn có thêm [đài nhà nước] ZDF nữa. Tất nhiên là giới chính trị từ các hội đồng quản trị cũng cố gắng xen vào điều khiển, nhưng vì tình cảnh trong mỗi một tiểu bang một khác, nên có một số nhiều trên tình trạng khó xử đó.”

Nhưng tình trạng khó xử ở Áo không to lớn như người ta luôn mô tả nó. Không, theo quan điểm của Robert Misik. “Theo trải nghiệm của tôi trong vòng hai mươi năm vừa qua, ảnh hưởng của các đảng phái trong ORF được đánh giá quá cao. Các nhà báo của ORF bị áp lực nặng, điều đó là đúng. Và sự cố gắng xen vào cùng điều khiển của giới chính trị là cực nhiều. Mặc dù vậy, các nhà báo vẫn làm tròn công việc của họ. Ngay cả khi chính trị đưa ra người điều hành: họ không thể đọc cho các nhà báo viết các câu chuyện. Họ có thể tước quyền lực người ta, nhưng điều đó thì không hay xảy ra. Không thể chém đầu cả một ban biên tập được. Khi giới chính trị không tạo áp lực khủng khiếp, và điều đó thì thật ra chỉ có chính phủ Schüssel (2000-2007) là đã thực hiện trong vòng 30 năm vừa qua, thì các nhà báo cũng có đủ dũng cảm để làm báo tốt trong ORF. Như thế nên tôi không nhìn ảnh hưởng của chính trị là một vấn đề. Một nhà báo, người có cột sống cứng rắn một chút, có thể chịu đựng được áp lực nhà nước độc đoán đó. Vấn đề là sự tư nhân hóa. Thương mại hóa. Tỷ lệ người xem. Là việc có rất nhiều tiển chảy vào trong những chương trình tìm tài năng nào đó, các chương trình có nhiều hoài bão được chiếu vào lúc giữa đêm, low budget. Ở báo chí là diện tích có hạn. Lối suy nghĩ, với câu chuyện này thì chúng ta không đến được với nhiều người đọc. Thế là người ta làm ăn nhỏ. Loại áp lực đó của tỷ lệ người xem. Điều đó dẫn đến một sự tuân thủ mới. Tất cả đều phải ngắn, phải hài hước, không được phép quá phức tạp, quá suy tư vân vân.”

Trước đây còn chưa lâu lắm, đã có lần có những thúc đẩy báo chí đáng ghi nhận cho vùng nói tiếng Đức xuất phát từ Áo, việc này ngày nay hầu như không còn được nhắc tới nữa. Chúng ta cứ nghĩ đến lần xuất hiện của Nina Hagen trong chương trình Club 2 của ORF, khi cô diễn tả trước mắt các nữ khán giả, phụ nữ thủ dâm thế nào là có hiệu quả nhất. Club 2 được bắt đầu phát sóng năm 1976. Nó ngày nay được xem là thời điểm khai sinh của các chương trình đàm luận tiếng Đức. “Vào thời đó, Gerd Bacher là tổng giám đốc của ORF”, Misik nói. “Người này về chính trị là một người cánh hữu, mặc dù vậy ông vẫn cho phép có nhiều không gian tự do đến ngạc nhiên. Điểm đặc biệt của Club 2 là không có giới hạn về thời gian. Các chương trình có thể kéo dài đến đêm, tùy theo chúng diễn ra như thế nào. Ngày nay không còn được như vậy nữa. Ở đó thì người điều khiển chương trình không yêu cầu khách của mình phát biểu những câu hoa mỹ, nó diễn ra mà không có rọ mõm.”

Robert Misik đã lui ra khỏi công việc làm báo hàng ngày một chút. “Số tiền nhuận bút nhỏ nhoi mà anh kiếm được trong ngành báo chí như là người tự do thì đã là một vấn đề rồi”, anh nói. “Nhưng nếu tôi có khả năng mỗi tuần đọc hai bài diễn văn mà mỗi lần tôi nhận được 600 euro cho việc đó thì tự nhiên là tôi thích làm việc đó hơn là viết một bài báo nào đó. Tôi không thể sống nhờ vào nó. Tôi phải kiếm tiền ở nơi khác, tất nhiên là tôi vẫn còn viết cho báo, nhưng chủ yếu là phát biểu ý kiến, tiểu luận hay tiểu phẩm, không làm báo kinh điển nữa.”

Cuộc trao đổi được tiến hành vào ngày 12 tháng 3 năm 2012.

Robert Misik, sinh năm 1966, là biên tập viên của tờ Arbeiter-Zeitung [Công nhân Nhật báo], thông tín viên ở Đức của tờ profil và lãnh đạo mảng chính trị đối ngoại của tờ tuần báo Áo Format, được xuất bản trong nhóm nhà xuất bản News – cho tới khi anh cảm thấy “trong vương quốc của Fellner trở nên quá ngu ngốc”, như anh viết trên trang nhà của mình. Từ năm 2008 Misik điều hành video blog FS Misik của anh trên trang mạng của Standard. Anh là tác giả thường xuyên của Falter, profil,Freitag và taz. Robert Misik cũng nổi tiếng qua nhiều quyển sách của anh. Phải kể ra đây là Huyền thoại thị trường thế giới. Sự khốn cùng của chủ nghĩa Tân Tự do (1997), Đi tìm hiệu ứng Blair (1998), Marx cho những người đang vội (2003), Phản biện thiên tài. Tư tưởng phê phán từ Marx cho tới Michael Moore (2005), Quyển sách được tôn thờ. Hào nhoáng và khốn cùng của văn hóa thương mại (2007), Xin Chúa che chở. Tại sao chúng ta phải tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị (2008), Chính trị của bệnh hoang tưởng (2009) và cuối cùng là Hướng dẫn cải thiện thế giới. Chúng ta dễ dàng làm được điều đó (2010). Robert Misik hai lần được tặng giải khuyến khích của Giải Bruno Kreisky dành cho sách chính trị, năm 2008 anh được trao tặng Giải thưởng Quốc gia Áo cho cách hoạt động xuất bản văn hóa. Anh sống ở Wien.

Dirk C. Fleck

Phan Ba dịch

Có thể tải về loạt bài phỏng vấn các nhà báo người Đức nổi tiếng này ở trang Tủ sách Phan Ba

Bình luận về bài viết này