Walter T. Kerwin: Hai năm tham mưu trưởng ở Sài Gòn

Walter Kerwin

Walter Kerwin

Walter Kerwin phục vụ tổng cộng 39 năm trong quân đội, thời gian cuối là tướng bốn sao và là Phó Tham mưu trưởng. Ông phục vụ một thời gian dài ở Việt Nam và có thời gian chỉ huy quân đội Mỹ ở Puerto Rico, Panama và Alaska.     

Tôi đến Việt nam năm 1967, đáp xuống trong cùng chiếc máy bay với tướng Abrams, người được dự định là người thay thế tướng Westmoreland. Thật ra thì đã có dự định tôi sẽ là tham mưu trưởng dưới quyền ông. Thế nhưng khi chúng tôi đến thì phải mãi tới tháng Sáu 68 Abrams với tiếp nhận quyền tổng chỉ huy. Thế là tôi trở thành tham mưu trưởng dưới Westmoreland. Cho tới thời điểm đó, mọi việc dường như tiến triển tốt cho người Mỹ. Trông có vẻ như chúng tôi có nhiều tiến bộ. Nhưng rồi tới tháng Giêng 1968, khi chúng tôi có một vấn đề hết sức rõ ràng – đợt tấn công dịp Tết. Chúng tôi biết rằng sẽ có một đợt tấn công nào đó. Nhưng điều làm cho chúng tôi bất ngờ là quy mô của nó. Nó diễn ra trên khắp nước. Khắp nơi đều bị tấn công. Vấn đề chính là xác định vị trí của những người tấn công, làm rõ là thành phố nào và làng nào bị chiếm giữ. Mục đích của họ là lôi kéo người dân về phía họ. Ở mục đích này thì họ đã thất bại hoàn toàn. Việt Cộng đã bị tổn thất nhiều cho tới mức đợt tấn công này đã trở thành một thảm bại quân sự.

Chúng tôi nhanh chóng phản ứng lại cuộc tấn công. Tôi còn ở nhà riêng của tôi ở ngoại thành Sài Gòn khi điện thoại reo lên. Trước đó tôi đã nghe những tiếng pháo nổ, như thông thường vào dịp năm mới của Việt Nam – thật sự thì đó là tiếng súng của đợt tấn công. Khi tôi trở lại văn phòng, chủ tịch của JCS (Joint Chiefs of Staff) gọi điện từ Lầu Năm Góc để biết có việc gì đang xảy ra. Tôi tường thuật cho ông những gì mà tôi biết cho tới thời điểm đó. Tướng Westmoreland đang ở trong sứ quán tại Sài Gòn với những người khác. Tôi cố triệu tập đầy đủ người của bộ tham mưu, đang đổ về từ khắp nơi của tổng hành dinh. Họ giúp tôi nhìn bao quát tình hình. Qua đó mà tôi có thể báo cáo và cũng có thể cố vấn cho tướng Westmoreland trong sứ quán.

Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát được tình hình. Vấn đề chính đối với chúng tôi là mặt tâm lý, đặc biệt là ở quê nhà Hoa Kỳ, nơi mà đợt tấn công dịp Tết đã để lại một ấn tượng lớn. Và khi chúng tôi yêu cầu có thêm quân thì người ta nói với chúng tôi rằng chúng tôi cần phải dựa trên chiến thắng mà chúng tôi đã đạt được, và không được tăng quân.

Một đơn vị lính bộ binh Mỹ đang tiến quân với sự hỗ trợ của trực thăng, tháng Mười 1965

Một đơn vị lính bộ binh Mỹ đang tiến quân với sự hỗ trợ của trực thăng, tháng Mười 1965

Đối với Việt Cộng thì con đường mòn Hồ Chí Minh là đoạn đường tiếp tế chính. Nó là tuyến tiếp vận quan trọng nhất mà họ dùng để thâm nhập vào Campuchia và rồi đi vào phần trên, phần giữa và phần dưới của Nam Việt Nam. Thật sự là đáng ngạc nhiên: khi họ bắt đầu xây dựng thì nó không gì khác hơn là một con đường nhỏ xuyên qua rừng rậm. Cuối cùng thì nó trở thành một pháo đài khổng lồ. Chúng tôi không hề đánh giá thấp con đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng vấn đề là sự che chở mà rừng rậm đã mang lại cho Việt Cộng. Lần thì chúng tôi có thể bắt được ở đây, lần thì ở kia. Nhưng với ném bom từ trên không thì chúng tôi không thể làm gián đoạn lâu dài con đường mòn Hồ Chí Minh được. Thay vì ném bom khắp con đường từ dưới lên và từ trên xuống, cuối cùng chúng tôi đã tập trung lại ở một loạt điểm quân sự. Trong một tháng chúng tôi có lần đã bay tới 8000 phi vụ – đó là một núi bom đạn khổng lồ. Đường mòn Hồ Chí Minh cả một thời gian dài là điểm nóng của các sự kiện. Giá như chúng tôi phá hủy nó được thì chúng tôi đã có thế đứng tốt hơn nhiều ở đó rồi. Nhưng chỉ từ trên không thì không thể làm điều đó được.

Cũng đúng như thế với hệ thống đường hầm Củ Chi ở gần Sài Gòn. Chúng tôi biết về những con đường hầm này. Nhưng ở đó có rất nhiều đường hầm. Chúng ở khắp nơi. Vấn đề chính là tìm lối vào. Khi người ta ở trong một ngôi làng thì một lối vào như vậy có thể ở sau một trong những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ đó. Nhưng làm sao tìm ra được nó? Phải phá hủy gần như cả làng để phát hiện ra một đường hầm duy nhất. Và rồi khi người ta đứng trước nó và nhìn thấy lối vào thì nó lại hết sức nhỏ. Nếu như họ phủ kín nó ở trong rừng thì chúng hầu như không thể phát hiện ra chúng được. Chúng tôi biết là chúng ở đâu đó ngoài kia, nhưng mà ở đâu? Trả lời câu hỏi này là cực kỳ khó, ngay cả cho tình báo của chúng tôi. Thật là không thể tin được: những người này biến mất, và có những ai đó trong số họ sống hàng năm trời ở đó, và họ có đạn dược với lương thực ở dưới đó, và bệnh viện với phòng mổ, đơn giản là mọi thứ. Người ta tự hỏi nói chung là họ làm sao mà có thể tồn tại được.

Rồi những hình ảnh đó đi khắp thế giới vào cuối tháng Tư 1975, những hình ảnh chụp chiếc máy bay trực thăng Mỹ đang bay lên từ nóc nhà của đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Đối với một người đã ở đó hai năm thì tất nhiên đó là một sự việc buồn. Chúng tôi đã đổ công sức khổng lồ vào đó từ 1962 cho tới 1975, và rồi thì chúng tôi như thế đó. Nhìn như vậy thì chúng tôi đã thua cuộc chiến.

Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

3 thoughts on “Walter T. Kerwin: Hai năm tham mưu trưởng ở Sài Gòn

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 23-09-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: ***TIN NGÀY 23/9/2014 -Thứ Ba. « PHẠM TÂY SƠN

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 23-09-2014 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này