Đỗ Xuân Diễn: Đường mòn Hồ Chí Minh lớn lên với cuộc chiến

Quân đội Bắc Việt đã tham chiến ngay từ tháng Chín 1964. Vũ khí và quân lính được lén lút mang vào miền Nam qua con đường mòn Hồ Chí Minh.

Quân đội Bắc Việt đã tham chiến ngay từ tháng Chín 1964. Vũ khí và quân lính được lén lút mang vào miền Nam qua con đường mòn Hồ Chí Minh.

Năm 1964, Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn được cử vào đường mòn Hồ Chí Minh làm kỹ sư. Ngày nay, ông là sếp của tập đoàn xây dựng quân đội xuất thân từ Đoàn 559 huyền thoại của thời đó, xây đường sá ở Việt Nam và phi trường ở nước ngoài.      

 Con đường được gọi là Hồ Chí Minh có một lịch sử lâu dài. Ngay từ cuộc chiến tranh chống người Pháp, hệ thống đường đi đó đã được sử dụng và được mở rộng trong cuộc chiến chống người Mỹ. Từ đó mà thành hình một tổ hợp rộng lớn với năm đường dọc và 21 đường ngang. Những con đường này chạy xuyên qua vùng đất của các tỉnh Quảng Bình và Vĩnh Linh qua quân khu 5 cho tới Lào, tới Nam Việt Nam và vào vùng đông bắc của Campuchia.

Năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng dần. Lúc thành lập Đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) trong năm 1959, tất cả còn được làm bằng sức người. Nhưng bây giờ thì chúng tôi cải tạo con đường mòn cho vận tải cơ giới. Nó lớn lên với cuộc chiến.

Các con đường có một chiều dài là 16.000 kilômét; nếu như cộng cả những con đường chở hàng đến thì gần 20.000 kilômét. Để bảo vệ tất cả chúng, chúng tôi có một sư đoàn phòng không và một sư đoàn tên lửa. Các đơn vị này bắn rơi trong cuộc chiến tổng cộng là 2400 máy bay Mỹ. Chúng tôi cũng có lính bộ binh để bảo vệ, đó là Sư đoàn 968. Tổng cộng có 19.000 quân địch bị giết chết dọc theo mặt trận này. Để có thể quản lý về mặt tiếp vận cho các vận chuyển dọc con đường này, dẫn cho tới một nơi chỉ cách Sài Gòn 100 kilômét, chúng tôi có những đơn vị thông tin riêng, đã hoạt động xuất sắc trong toàn bộ những năm đó.

Người Mỹ luôn tìm những biện pháp mới để phá hủy đường mòn Hồ Chí Minh. Khi họ nhận thấy không có biện pháp nào thành công, họ bắt đầu tấn công trực tiếp các xe tải. Họ cải tạo máy bay vận tải thành máy bay tấn công, nhét đầy chúng với thiết bị điện tử và súng 20 tới 40 mm có bộ phận tự động nhắm bắn. Vào lúc đầu, chúng rất có hiệu quả cho họ, nhưng rồi chúng tôi đã phát triển biện  pháp chống trả ngay lập tức. Chúng tôi dùng hệ thống của cái được gọi là đường ngụy trang. Rừng tự nhiên dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh bảo vệ chúng tôi, nên chúng tôi có thể sử dụng đoạn đường ngụy trang dài 3140 kilômét ngay cả vào ban ngày.

Sáng kiến của chúng tôi luôn gây bất ngờ cho quân địch. Ví dụ như họ ném bom từ, những cái không nổ ngay mà chỉ phát nổ khi có một cái gì đó là kim loại đi ngang qua. Biện pháp chống trả của chúng tôi lại rất đơn giản: Chúng tôi kéo ngang qua những quả bom đó một sợi dây với những mảnh kim loại và qua đó làm chi chúng phát nổ. Vì vậy mà tất cả các cố gắng của người Mỹ đều vô dụng.

Quân đội Mỹ cũng sử dụng chiến cụ điện tử. Ví dụ như họ ném một loại cảm biến xuống từ trên máy bay; chúng tôi gọi đó là “cây nhiệt đới”. Vào lúc đầu, vũ khí này rất có hiệu quả. Nhưng rồi chúng tôi đơn giản là lật những bộ cảm biến sang một bên hay cắt ăng ten của chúng đi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng mang chúng về nhà, tháo rời chúng ra và dùng ắc quy ở trong đó làm nguồn năng lượng cho rađiô của chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi có vài vấn đề khi kẻ địch sử dụng một loại vũ khí mới, nhưng rồi chúng tôi luôn nhanh chóng phát triển được những biện pháp chống trả.

Việt Cộng nghỉ ngơi trong rừng rậm.

Việt Cộng nghỉ ngơi trong rừng rậm.

Cuộc sống trên con đường mòn Hồ Chí Minh hết sức gian khổ. Bom rơi hàng ngày, thời tiết phá hủy các con đường và tấn công sức khỏe của chúng tôi. Chúng tôi thường không có đủ cái ăn, mặc dù chúng tôi luôn vận chuyển lương thực dự trữ. Chúng tôi phải chịu đựng những bệnh tật do khí hậu trong rừng sâu gây ra, do cuộc sống trong hầm và do độ ẩm nói chung và do muỗi. Nhiều người trong số chúng tôi đã chết vì sốt rét. Mặc dầu vậy, cuộc sống ở đây cũng rất vui vẻ. Con đường mòn này có một nét đẹp nhất định, người ta có thể gọi nó là lãng mạn chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau hát, và tiếng hát này đã át đi tiếng bom. Nhiều đội văn hóa ra cho tới các vị trí chiến đấu để làm giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của những người lính. Lúc những con đường cuối cùng cũng được xây gần hoàn tất, một chiếc xe tải trong mùa khô cần mười hai ngày đêm từ Đồng Lộc cho tới Sài Gòn; khi chúng tôi còn đi bộ, chúng tôi cần sáu tháng cho đoạn đường này.

Trên toàn bộ 16.000 kilômét, chúng tôi có 42 trọng điểm. Đó là những nơi kẻ địch tấn công dữ dội nhất. Nặng nhất là tại một điểm mà chúng tôi đặt cho nó cái tên là ATP. Nó nằm tại giao điểm của suối, đồi và đèo ở phía nam của tỉnh Quảng Bình. Là chỉ huy, tôi với đại đội của tôi có nhiệm vụ làm việc ở nơi đó. Có lúc chúng tôi đếm được chín lần B-52 tấn công trong một ngày. Thêm vào đó còn là những cuộc tấn công của các loại máy bay khác hay những cái được gọi là tấn công tọa độ mà máy bay cứ đơn giản là ném bom tại một vị trí định trước, không cần phải lao xuống. Thỉnh thoảng có một đoạn đường bị phá hủy hay bị chặn lại, nhưng chúng tôi không chỉ có một con đường đó; tức là khi đoạn đường không thông tại một điểm nhất định thì chúng tôi đơn giản là dùng một con đường khác để đi qua, Người Mỹ chưa từng bao giờ có thể phá hủy được toàn bộ hệ thống.

Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

4 thoughts on “Đỗ Xuân Diễn: Đường mòn Hồ Chí Minh lớn lên với cuộc chiến

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 20-09-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 20-09-2014 | doithoaionline

  3. Pingback: ***TIN NGÀY 21/9/2014 -Thứ Bảy. « PHẠM TÂY SƠN

  4. Pingback: Tin thứ Bảy, 20-09-2014 | UB Vận Động CPC

Bình luận về bài viết này