Barry Zorthian: Năm năm khó khăn ở Việt Nam (1963 tới 1968)

Barry Zorthian lúc đầu làm việc cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Từ 1964 cho tới 1968 ông là người phát ngôn của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Bên cạnh chức vụ là người liên lạc với giới truyền thông, ông còn chỉ huy các chiến dịch tâm lý ở Việt Nam. Sau các hoạt động cho chính phủ, Zorthian làm việc cho Timing Corporation (“Time Magazine”).

 Tôi ở Việt Nam trong thời của Kennedy. Sau vụ ám sát Diệm đã có thay đổi về nhân sự. Trong tháng Mười Một 1963, chính phủ gởi một đội ngũ mới sang Việt Nam. Tôi là thành viên của nhóm này.

Về vụ ám sát Ngô Đình Diệm thì tôi tin rằng chính phủ của chúng tôi đã đưa ra sự đồng ý của họ – hay tốt hơn: Khi họ biết được kế hoạch đó qua đại sứ Cabot Lodge của họ thì họ không phản đối. Chúng tôi đã nói chuyện với Lodge về vụ ám sát Diệm. Cho tới tháng Sáu 1964, tôi phục vụ dưới quyền chỉ huy của ông, rồi ông trở về Hoa Kỳ để rồi một năm sau đó lại làm việc như là đại sứ ở Sài Gòn. Nhưng ông không bao giờ thừa nhận rõ ràng là đã đồng ý với vụ mưu sát.

Barry Zorthian với tướng William C. Westmoreland

Barry Zorthian với tướng William C. Westmoreland

Năm 1964 là một năm rất bận rộn cho những người làm việc cùng với người Nam Việt. Cứ mỗi lần chúng tôi quay người lại thì có một chính phủ mới nhậm chức. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nhóm riêng lẻ và nhiều giáo phái khác nhau trong cuộc sống dân sự. Đó là một thời kỳ hết sức khó khăn, không chỉ cho người dân thường và chính trị gia mà còn cả cho quân đội.

Liên lạc giữa chúng tôi và chính phủ Nam Việt Nam rất thất thường. Người Mỹ chúng tôi đến từ một nền văn hóa có cấu trúc hoàn toàn khác. Tôi không chắc chắn là liệu chúng tôi đã có lần nào thật sự thấu hiểu hay không. Điều đó dẫn tới đủ mọi khó khăn. Người Việt giải quyết công việc theo cách của họ, người Mỹ theo cách khác.

Năm 1964 có khoảng 25.000 cố vấn quân sự Mỹ ở trên mọi bình diện của quân đội Việt Nam. Nhiệm vụ của họ bao gồm cho tới việc cùng tích cực tham gia vào các chiến dịch quân sự. Nhưng chúng tôi cũng phát triển chương trình xây dựng cho các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giáo dục mà đã có hàng triệu bạc được đổ vào trong đó. Chúng cũng cho thấy có tác động, nhưng không dẫn tới thành công như đã được hy vọng trước đó. Tự người Việt Nam thì lại hỗ trợ và thúc đẩy chúng không được hiệu quả cho lắm. Điều làm cho chúng tôi đau đầu suốt cả cuộc chiến là khả năng yếu kém của chính phủ Nam Việt Nam trong trao đổi với người dân của họ. Việt Cộng thành công nhiều hơn là chính phủ ở Sài Gòn rất nhiều trong việc đi đến các làng mạc và trở thành một phần của người dân.

Cũng có những chương trình để củng cố làng mạc. Từ giữa cho tới cuối những năm sáu mươi đã có nhiều vùng được bảo vệ tương đối tốt, nhưng tất nhiên đó không phải là một thành công khắp nước. Trong thời gian này tôi thường hay chán nản, muốn bỏ cuộc. Tôi đi về tỉnh năm lần trong một năm, những nơi mà các cố vấn nói rằng vùng của họ được củng cố rất tốt, và sau khi tôi nghe cùng một câu chuyện tới năm lần và tỉnh đó vẫn còn chưa được an toàn thì tôi tự nói rằng đã đến lúc nên ra đi.

Việt Cộng chuẩn bị tấn công một ấp chiến lược

Việt Cộng chuẩn bị tấn công một ấp chiến lược

Rồi vụ vịnh Bắc Bộ xảy ra. Có nhiều tranh cãi lớn về việc đã thật sự xảy ra những gì, liệu người Bắc Việt có thật sự bắn vào tàu khu trục Mỹ hay không. Nhưng cho dù từ lý do gì và với lời biện bạch nào đi nữa – bây giờ thì chúng tôi tiến hành hai vụ không kích đầu tiên. Tại thời điểm này, cuộc chiến dường như đã sắp sửa đến. Vào thời điểm này cũng có những báo cáo đầu tiên của tình báo, rằng các đơn vị có tổ chức của Bắc Việt bắt đầu thâm nhập vào miền Nam. Điều này bị phủ nhận, nhưng các phân tích được tiến hành sau đó đã xác nhận nó.

Bắc Bộ là tháng Tám. Trong tháng Mười Một, đại sứ Taylor về Washington để trao đổi với tổng thống Johnson vừa đắc cử. Taylor tuyên bố với người cố vấn: “Tôi sẽ nói với tổng thống rằng chúng ta cần nhiều quân lính hơn ở đây.” Cuối cùng rồi trong tháng Hai 1965, chúng tôi cũng có được một căn cứ Mỹ ở Pleiku, ở trên cao nguyên. Vào thời gian này, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Nga đang ở Hà Nội, và người Bắc Việt có thể nghĩ rằng vì sự hiện diện của ông ấy mà chúng tôi sẽ không làm gì. Nhưng đó là thời điểm mà chúng tôi bắt đầu không kích.

Cuộc chiến không bao giờ được tuyên bố. Tổng thống Johnson diễn giải nghị quyết của Quốc Hội về Bắc Bộ là Quốc Hội ủy quyền cho ông sử dụng mọi phương tiện mà ông cho rằng cần thiết tại các chiến dịch quân sự của ông. Khi bắt đầu sử dụng tới quân đội Mỹ thì điều đó được biện minh rằng họ thể hiện một hàng rào phòng thủ cho các căn cứ không quân của chúng tôi; chúng tôi có một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa và một vài căn cứ nữa. Lúc đầu, các lực lượng này thật sự là cũng tiếp nhận những vị trí phòng thủ. Nhưng rồi họ được quyền đi tuần ở ngoài hàng rào phòng thủ, để bảo vệ chúng. Bước kế tiếp là cứu các đơn vị Việt Nam gặp nguy về mặt quân sự; thế là lính Mỹ có thể hành quân và giúp đỡ họ. Rồi được tự động thêm vào là việc quân đội Mỹ được phép hoạt động độc lập.

Việt Cộng rất khéo léo, đặc biệt vì trang bị của họ không có yêu cầu cao cho lắm. Đó luôn là một luận điểm của tôi, rằng không có đơn độc một cuộc Chiến tranh Việt Nam, mà đó là một loạt nhiều cuộc chiến. Một cuộc chiến diễn ra trong thời người Pháp, một cuộc chiến khác trong thời kỳ của Diệm, một cuộc thứ ba trong thời du kích, chấm dứt vào khoảng 1965. Trong diễn tiến của năm 1965, nó trở thành một cuộc chiến mang tính thông thường hơn nhiều, có những đơn vị lớn tham gia. Chúng tôi không được trang bị lẫn đào tạo cho chiến thuật của một cuộc chiến tranh du kích. Quân đội của chúng tôi được tổ chức theo cách chúng tôi có một cơ sở mang tính hậu cần quá nặng, quá nhiều lực lượng ở phía sau và không đủ ở tiền tuyến.

Tôi rời Việt Nam trong tháng Bảy 1968, nhưng còn trải qua đợt tấn công Tết Mậu Thân trước đó. Tết là ngày lễ quan trọng nhất ở Việt Nam, giống như năm mới và Giáng Sinh và lễ Tạ ơn và lễ Phục Sinh cùng với nhau. Chúng tôi đang ở trong trung tâm thành phố. Tết có truyền thống ngưng bắn. Gia đình sum họp, quân lính được nghỉ phép, đó chính là thời điểm để ăn mừng, chăm lo cho các quan hệ gia đình và để giải quyết các vấn đề. Trong đêm đó có một vài trận chiến ở các tỉnh phía bắc, và vào ngày sau đó thì trận tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu, vào ngày 31 tháng Giêng. Chúng tôi phải chịu lực đập mạnh nhất, cuộc tấn công vào sứ quán. Tôi nắm liên lạc với tất cả các hoạt động quân sự và có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của nhà báo.

Thật ra thì Tết Mậu Thân là một chiến thắng cho cả hai bên. Việt Cộng chắc chắn là không thắng theo ý nghĩ quân sự, nhưng mà về mặt tâm lý. Điều đó có tác động hết sức lớn ở Hoa Kỳ và cả ở châu Âu. Đó là những hình ảnh từ sứ quán, hình ảnh của các nạn nhân là người Mỹ, về những trận chiến kéo dài thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Đại sứ quán Hoa Kỳ bị hư hại vì súng cối và hỏa tiễn, ngày 31 tháng 1 năm 1968

Đại sứ quán Hoa Kỳ bị hư hại vì súng cối và hỏa tiễn, ngày 31 tháng 1 năm 1968. Ảnh: Vietnam Center and Archive

Cái gây đau thương nhiều nhất cho nước Mỹ là những người chết, những cái bao đựng xác chết trở về. Tôi nhớ ví dụ như Life Magazine. Có một số phát hành công bố hình ảnh của từng người hy sinh, đầy khoảng ba hay bốn trang, chỉ có đầu và vai. Một việc như vậy có tác động của nó.

Nhiều người trong quân đội đã đổ lỗi thất bại trong cuộc Chiến tranh Việt Nam về cho giới truyền thông. Lúc nào cũng có một con số đáng kể những nhà báo đứng đối diện hết sức phê phán với cuộc chiến. Chắc chắn là chúng tôi đã đưa ra mỗi một mẩu thông tin mà chúng tôi có, nhưng tất nhiên là truyền thông có quyền tự do xem xét lại các diễn giải của chính phủ; và họ cũng đã làm điều đó, và việc rất hay xảy ra là các thông cáo chính thức đã không thể đứng vững được. Tôi có một sự tôn trọng rất lớn cho nhiều nhà báo ở Việt Nam, nói chung thì họ đã làm được những việc xuất sắc. Và họ phần lớn là chính xác – chính xác hơn chính phủ, nếu người ta muốn nói như vậy.

Thất thủ Sài Gòn là một trong những khoảng khắc đáng xấu hổ nhất cho tôi – và tôi nghĩ rằng – cũng cho cả Hoa Kỳ nữa. Tấm ảnh đáng sợ của cuộc chạy trốn từ trên nóc nhà của sứ quán, nơi chiếc trực thăng rước đi những người cuối cùng … Lần nào tôi cũng cảm thấy xấu hổ, rằng chúng tôi đã đơn giản là bỏ mặc người Việt cho số phận của họ. Nó tượng trưng cho việc chúng tôi không phải thua một trận đánh mà là một cuộc chiến.

Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

3 thoughts on “Barry Zorthian: Năm năm khó khăn ở Việt Nam (1963 tới 1968)

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 30-08-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: -Tin thứ Bảy, 30-08-2014 « PHẠM TÂY SƠN

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 30-08-2014 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này