Bài học của ngọn đồi Thịt Băm (hết)

Thật sự là hàng trăm ngàn người (có những ước đoán y học đưa ra con số cho tới một triệu) đã mang bệnh – lâu dài: các cựu quân nhân mắc chứng “Post-traumatic Stress Disorder” (PTSD), chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý.

Các cựu chiến binh bị rồi loạn này có cảm giác sợ hãi và bị trầm cảm. Họ khó tập trung và chậm về tâm thần vận. Họ có cảm giác bị cô lập, vô dụng và vô giá trị, đôi lúc có cảm giác bị đe dọa. Có người không thể ngủ được nếu như không có vũ khí ở cạnh giường hay dưới gối. Thường họ không thể kiểm soát được những cơn giận dữ của họ.

Biểu tình chống chiến tranh ở Frankfurt, Đức, tháng Hai 1967

Biểu tình chống chiến tranh ở Frankfurt, Đức, tháng Hai 1967

Những người lính trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến cũng bị sốc đạn pháo, bị căng thẳng lúc chiến đấu và bị những căn bệnh về thần kinh tâmm lý. Nhưng Việt Nam thì khác. Ở đó, các bệnh stress của những người lính Mỹ không tăng lên với cường độ của các trận đánh (như trong những cuộc chiến trước đây). Có những người lính mà mãi nhiều tháng hay nhiều năm sau khi giải ngũ, hội chứng stress mới bộc lộ ở họ, giống như được khởi động bởi một kíp nổ chậm.

Một giải thích của giới y học: Thời gian phục vụ ở Việt Nam của lính Mỹ được giới hạn mỗi lần mười hai tháng. Sau thời gian huấn luyện cơ bản, họ không – như trong Đệ nhị Thế chiến – ra chiến trường như một đơn vị mà tới một mình, như là một nhóm người được gom lại một cách ngẫu nhiên để bổ sung cho lực lượng này hay lực lượng khác, những người chỉ thật sự quen nhau trong các trận đánh.

Nhiều người lính, trong Đệ nhị Thế chiến có khi cùng nhau phục vụ ngoài chiến trường nhiều năm trời, ngược lại cùng sống với đơn vị của họ hàng tuần hay hàng tháng trên những con tàu chở họ tới vùng hành quân hay trở về nhà. Trong thời gian của những chuyến đi kéo dài đó, theo một nghiên cứu, “những người đàn ông này mang lại cho nhau sự giúp đỡ và che chở cần thiết về tình cảm, để vượt qua được những giai đoạn chấn thương tâm thần mà họ đã cùng nhau trải qua.”

Nhưng các chiến binh Việt Nam trở về New York, Chicago hay Miami từ đồng ruộng trên chiếc máy bay phản lực – một mình với những tưởng nhớ, những cơn ác mộng, những cảm giác tội lỗi, có thể còn nghiện ma túy, nghiện rượu, chắc chắn là thất nghiệp.

“Chính phủ đã huấn luyện một đội ngũ chó dữ thật tốt”, nhà tâm lý học Sheldon Zigelbaum ở Boston phân tích. “Nhưng họ không thể cứ đơn giản là thả chúng ra mà không lập trình lại trước đó.” Họ đã có thể.

Larry Webster, được tặng thưởng vì “dũng cảm trước địch quân” ở Việt Nam, đang chờ lần tử hình của mình trong nhà tù San Quentin. Rượu, ma túy, trộm cắp, không có nơi cư trú nhất định, không có việc làm, cuộc sống của anh đã phát triển như vậy sau khi đi lính ở Việt Nam. Cuối cùng là đâm dao tại một lần nhậu nhẹt. Một người chết, ra tòa vì cướp của giết người, bản án. “Nam đã mang tôi vào đây”, Webster nói, “lỗi tại Nam.”

Cựu phi công máy bay trực thăng Robert Mason, mà tưởng nhớ về Việt Nam “Chickenhawk” của ông đã được nhà xuất bản Viking Press ở New York bán hơn 350.000 ấn bản (“Khi chúng tôi có thời gian và yên tịnh, chúng tôi chuyên chở tử sĩ. Họ có ưu tiên thấp, vì họ không còn phải vội nữa”), đã bị tuyên án năm năm tù vì buôn lậu cần sa.

Một cựu chiến binh tại tượng đài kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam. Hình: B. Christopher

Một cựu chiến binh tại tượng đài kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam. Hình: B. Christopher

Hàng ngàn cựu chiến binh phạm pháp như Mason không thể vứt bỏ được ký ức của họ, cũng giống như những người mà bệnh tật của họ không còn có thể chữa lành được nữa: 42.771 cựu chiến binh bị rối loạn thị giác từ khi đi lính ở Việt Nam. 2960 người lính đã mù hoàn toàn. 4662 chiến binh Việt Nam bị què cụt đôi, 20956 mất một tay một chân. 3266 chiến bịnh sống lây lất từ hơn một thập niên nay trong các bệnh viện tâm thần hay bệnh biện thông thường. Họ đã những trường hợp không còn có thể tự lực được nữa, cần phải được chăm sóc 24 giờ liền. Hai chục cựu quân nhân này tồn tại mà không có tay, không có chân, những trường hợp bị cắt cụt tói cực độ.

Hầu như ngày nào báo chí cũng tường thuật về những cuộc thương lượng giữa các cựu chiến binh Việt Nam và luật sư của nhiều tập đoàn hóa học đã sản xuất hóa chất “Agent Orange”, chất mà quân đội Mỹ đã phun trên 48 triệu lít để làm rụng lá rừng Việt Nam.

“Agent Orange” được cho là gây ung thư, hóa chất này phá hủy thần kinh và gan. Không chỉ lính Mỹ hoạt động trong những vùng bị phun thuốc mà cả con cái của họ ngày nay cũng bị ảnh hưởng. Hàng trăm người bị tật nguyền từ lúc mới sinh ra, một thập niên sau lần phục vụ ở Việt Nam của cha họ.

Các tập đoàn hóa học, chối bỏ mọi tội lỗi, đưa ra 190 triệu dollar cho các cựu chiến binh. Thân nhân của 3000 cựu chiến binh đã qua đời và 7000 người với nhnững tổn thương vĩnh viễn, ở mức độ cao nhận được tối đa là 25.000 dollar tiền mặt mỗi người. Số tiền còn lại có lẽ sẽ được đưa vào một quỹ từ thiện dành cho các bệnh nhân của “Agent Orange”.

Một trong số các bệnh nhân: Elmo Zumwalt III. Ông mắc bệnh ung thư bạch huyết tuyến. mặc dầu cả con trai là Russell cũng bị tật nguyền ngay từ lúc mới sinh, cựu chiến binh Zumwalt không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cha ông, Elmo Zumwalt II “thời đó” là đô đốc. Ông ấy đã ủng hộ việc sử dụng hoát chất này trong vùng mà Zumwalt III đã phục vụ ở Việt Nam.

Người cựu đô đốc tin rằng: “Ngay cả khi có thể chứng minh được một mối liên quan giữa ‘Agent Orange’ và các căn bệnh đó thì tôi phải đi tới kết luận, rằng nhiều người đã thoát được “Agent Orange”, có thể là cả con trai tôi.” Thoát được, nhưng không được dung tha cho.

Nhưng có lẽ cũng cần tới lần chuyển sang tâm trạng anh hùng hóa này, lòng nhiệt tình muộn về Việt Nam của Ronald Reagan, để mà cả mặt tối của những trải nghiệm Việt Nam cũng được đưa ra:

Từ nhiều tuần nay, “Tracers”, đạn lửa, một vở kịch do cựu chiến binh Việt Nam viết, cựu lính Mỹ đóng, trong nhà hát “Susan Stein Shiva” ở New York, đã bán hết vé. Được ghi nhận lại trên sân khấu là sự biến đổi mà những người dân thường bị đẩy vào bộ quân phục đã trải qua ở Việt Nam.

Trong một cảnh diễn, nhiều lính Mỹ muốn thuyết phục một chiến hữu hút một “joint”. Người này chống đỡ: “Tôi chưa từng hút cần sa bao giờ.” Trả lời: “Trước Việt Nam thì mày cũng chưa từng bắn chết ai bao giờ.”

Một cảnh trong kịch "Tracers"

Một cảnh trong kịch “Tracers”

Mãi cho tới những vở kịch như “Tracers”, phim như “Coming Home” mà trong đó sự khốn cùng của các phế binh trở về nhà được ghi lại, hay “Deer Hunter”, mà trong đó một người chết, người thứ hai bị tàn phế trong số ba người bạn được cử đi Việt Nam, thì thảm họa hậu chiến tranh thật mới được mang trở vào nhận thức.

“Dần dần và với khoảng cách đủ xa”, David Fuhrmann, lãnh đạo “khóa học Việt Nam” ở “Johns Hopkins University School of Advanced International Studies” tại Washington, tin như vậy, thì rồi “một đánh giá lịch sử chiến tranh mang ít xúc cảm hơn, khách quan hơn” cũng sẽ có thể.

Trước đây hai năm, chỉ có tròn hai chục trong số hàng ngàn đại học và trường college Mỹ mở khóa học về đề tài Việt Nam. Hiện nay thì là nhiều trăm. Như ở University of California tại Santa Barbara, 900 trong số 15.000 sinh viên trong học kỳ này đang theo học khóa “Việt Nam và tôn giáo Mỹ – ảnh hưởng của đất nước này lên cuộc sống xã hội, văn hóa và tín ngưỡng Mỹ”.

Một vài giáo sư làm việc trong giờ giảng dạy với loạt phim “Vietnam: A Television History” gồm 13 tập do “Public Broadcast” phát sóng năm 1983. Những người khác để cho người Việt tỵ nạn tường thuật về cuộc chiến hay để cho sĩ quan và những người phản chiến tranh luận về thảm kịch Việt Nam.

Thế nhưng phần lớn các học sinh sinh ra đời trong thập niên Chiến tranh Việt Nam lại trả lời những câu hỏi về Chiến tranh Việt Nam một cách hết sức ngây thơ: Mỹ Lai? “Chưa từng nghe.” Trận tấn công Tết [Mậu Thân]? “Chống ai?” Hồ Chí Minh? “Món cơm ăn à?” Hiểu biết của họ bị giới hạn ở những điều hết sức tầm thường: “Ở Việt Nam, chúng ta đã chiến đấu chống lại cộng sản. Người cộng sản là cái xấu. Tức cuộc chiến là đúng lý.”

Với một mức hiểu biết như thế, sử gia Schlesinger lo ngại, “thế giới quan của Ronald Reagan tất nhiên sẽ ập vào nhiều người Mỹ trẻ tuổi”. Trông có vẻ gần như thế rồi: Trong Chiến tranh Việt Nam, hầu như không một sĩ quan tuyển mộ nào của quân đội có thể bước vào – mà không bị nguy hiểm – khuôn viên của một trường đại học trong bộ quân phục. Điều đó đã thay đổi. Trong giới trẻ, quân đội lại được ưa chuộng trở lại.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Westminster, California. Hình: Wikipedia

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Westminster, California. Hình: Wikipedia

Trước đây một thập niên, lính mới của học viện quân đội West Point trong bang New York hầu như không dám đi chơi tới vùng đất đẹp như tranh vẽ của Hudson River. Năm 1968, những người được tuyển mộ không đủ cho tất cả các lớp học nữa. Ngày nay, West Point ghi nhận hàng năm 14000 người xin học. Trong số đó, 1400 người được nhận.

Tuy vậy, một quan điểm West Point thống nhất về lần tham chiến ở Đông Nam Á không tồn tại trong ngôi trường danh tiếng này. Đại úy William Betson, một trong số những người thầy “Việt Nam”: “có 55 sĩ quan dạy về lịch sử ở đây, và người nào cũng có ý kiến riêng của người đó.”

Những người giảng dạy, đa số là đại úy và thiếu tá, đã không phục vụ ở Việt Nam. Chỉ huy của họ, ví dụ như đại tá John Yeagley, người đã ở Việt Nam một năm, tin chắc rằng: “Những người mới được tuyển lựa quan tâm tới Đệ nhị Thế chiến nhiều hơn là tới Việt Nam.”

Trong khi đó thì thế hệ trẻ của quân đội có đủ mọi lý do để rút ra những bài học từ thảm bại Việt Nam. Vì thêm một lần nữa, nhiều trăm cố vấn Mỹ lại đứng trong rừng rậm. Thay vì Việt Nam thì lần này là Trung Mỹ.

Thêm một lần nữa, nhân viên CIA lại tiến lên với dollar và vũ khí, để theo mệnh lệnh của tổng thống mà”giúp đỡ” một dân tộc xa lạ, những người theo quan điểm của tổng thống là “bị áp đặt một chế độ độc tài cộng sản bằng bạo lực, lừa dối và gian lận”.

Thuộc phần của CIA ở Việt Nam là chiến dịch “Phượng Hoàng” một chiến dịch giết người với hơn 10000 nạn nhân. Nhưng có lẽ chính hồi ức về những trang đen tốt nhất này của Chiến tranh Việt Nam đã khiến cho 70 phần trăm người Mỹ từ chối tham gia vào một cố gắng đảo chính ở Nicaragua.

Từ nhiều tuần nay, Quốc Hội đã chống lại việc tiếp tục giúp đỡ tài chính cho “Contras”, những người được chính phủ Reagan giao phó cho nhiệm vụ đại diện cho lính Mỹ chiến đấu chống lại chính quyền Managua. Khoảng 20 trong số 435 nghị sĩ là cựu chiến binh Việt Nam, 3 trong số 100 thượng nghị Sĩ đã chiến đấu ở Đông Nam Á. Thượng nghị sĩ Kerry: “Quốc Hội đã trở nên hết sức nhạy cảm đối với những cuộc phiêu lưu tiếp theo sau đó.”

“Chúng tôi, như là quốc gia, đã học được một điều gì đó ở Việt Nam”, tác giả Seymour Hersh nói: “Chúng tôi không còn nhanh chóng đặt ngón tay vào cò súng nữa. Dường như chúng tôi đã nhận ra rằng không thể chiến thắng được chiến tranh chỉ với xe tăng và pháo binh.”

Cuộc chiến ở Việt Nam đã thất bại ngay từ đầu. Đó là điều mà cho tới ngày nay người ta vẫn còn chưa chấp nhận. Nước Mỹ vẫn còn đi tìm ý nghĩa: Có điều gì đó đã không thành, có điều gì đó không đúng, có điều gì đó còn thiếu cho tới ngày hôm nay, để trả lời mãi mãi cho câu hỏi đó từ ngọn đồi thịt băm: “Việt Nam – có đáng giá như thế không?”

Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel số 16/1985:

http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-13512807.html

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Việt Nam

1 thoughts on “Bài học của ngọn đồi Thịt Băm (hết)

Bình luận về bài viết này