Bài học của ngọn đồi Thịt Băm (phần 3)

Tất nhiên, trong những tuần này Việt Nam lại quay trở lại một cách đầy đau đớn trong nhận thức của đất nước: mười năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, giới truyền thông tưởng nhớ lại cuộc chiến. Trong những ngày này, các báo có nhiều ảnh hưởng như “Washinton Post” hay “Wall Street Journal”, các tạp chí tin tức như “Time” và “Newsweek” đăng những bài tường thuật đặc biệt về Chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó. “The New York Times Magazine” chạy tít “Việt Nam ở Mỹ”. “Nỗi nhục nhã của chiến bại”, theo tờ này, “đã lui bước, cựu chiến binh Việt Nam biến thành anh hùng quốc gia.”

Tháng Tư 1975, người di tản lên tàu Mỹ Hancock

Tháng Tư 1975, người di tản lên tàu Mỹ Hancock

“Nỗi nhục nhã” đó bắt đầu vào cuối tháng Tư 1975 với bài ca Giáng Sinh hết sức không phù hợp “I am dreaming of a White Christmas”, do đài quân đội AFN ở Nam Việt Nam phát – và một xướng ngôn viên tuyển bố: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 40 độ và sẽ còn tăng lên.”

Đó là ám hiệu công khai cho cuộc di tản của Mỹ ra khỏi Sài Gòn – một “cuộc di tản đau thương” theo Kissinger. Các lực lượng chiến đấu cuối cùng của Hoa Kỳ đã rút khỏi hai năm trước đó sau những cuộc thương lượng kéo dài giữa Kissinger và người đàm phán của Hà Nội Lê Đức Thọ.

Đạn pháo, tên lửa của những người cộng sản đang tiến quân năm 1975 đã phá vỡ dần dần các đường băng cất cánh và hạ cánh trên các phi trường của thủ đô Nam Việt Nam và vào lúc cuối cũng trúng tòa nhà của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Cuối cùng, những chiếc trực thăng di tản của hạm đội Hoa Kỳ trước bờ biển chỉ còn có thể cất cánh từ nóc nhà của một ngôi nhà ở trong khuôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Những người dân Nam Việt Nam tuyệt vọng đã xông qua cổng của tòa đại sứ Mỹ. Máy bay Mỹ đối với họ là phương tiện chạy trốn cuối cùng còn lại. Và cũng như cả cuộc chiến, lần rút lui của người Mỹ cũng diễn ra một cách hỗn loạn, vô phẩm cách, vô nhân đạo: Giống như đang lui quân trong một trận đánh trên mặt đất, những người lính thủy quân lục chiến trong đại sứ quán rút lui từng tầng một. Họ chận thang máy, đẩy tủ và ghế ra trước cửa, để ngăn chận không cho những người bị bỏ lại tràn lên mái nhà, và rồi biến mất trên bầu trời Sài Gòn.

Những hình ảnh bi thảm của cuộc di tản từ trên mái nhà đã “đánh động thật sâu trong tâm hồn” của quốc gia, thượng nghị sĩ Kerry nhớ lại. Nhưng sau đó thì Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã có thể ngoảnh mặt với thảm họa xa xôi đó, rõ ràng là đã quá kiệt sức để mà có thể đặt ra câu hỏi lỗi của ai. Mười năm sau đó, nó có thể được đặt ra thêm một lần nữa: Các tấn bi kịch ở quê nhà sắp tới đây sẽ được ghi nhận lại trong một loạt phim truyền hình do đài truyền hình ABC thực hiện.

Tạp chí “Harpers” hiện đang tường thuật về các cựu chiến binh “trip wire”, những cựu quân nhân quẫn trí sống trong các tiểu bang Mỹ khó đi lại Oregon và Washington, ở đâu đó trong những căn nhà hay lều trên núi, được bảo vệ trước những kẻ phá rối bởi “trip wires”, những sợi dây kích hoạt báo động khi người ta vướng vào.

Tờ tuần báo “People” hiện đang đăng tải các bức ảnh đầy tính bi kịch về cuộc Chiến tranh Việt Nam, và yêu cầu người đọc hãy cho biết danh tính và cung cấp thông tin về những người có thể nhận ra được trong hình. Hồi ký về Việt Nam gia tăng.

Trong “Bloods” người da đen mô tả lại các hồi ức chiến tranh của họ, lính bộ binh Richard Ford tường thuật về một lần tham chiến ở Việt Nam: “Tôi lao qua cửa. Tôi đã bắn trúng cô bé. Cô bé nằm trên người đàn ông già, giống như muốn che chở cho ông ta vậy. Ông ấy hẳn độ 80 tuổi. Cô bé bảy tuổi. Cả hai đều đã chết. Tôi đã vô tình giết chết một người đàn ông già và một cô bé gái trong nhà. Một cảm giác kỳ lạ ập đến với tôi.” Sĩ quan thoát được những trải nghiệm của các “grunt” [“lính lác”]. Ngày nay họ có những nỗi lo khác – tại sao họ lại thua trận?

Vietnam War 1973 - Faces of Sorrow - Press Photo - (13/4/1973) Phía sau hàng rào xung quanh trụ sở UB Quốc tế Kiểm soát Ngừng bắn tại SG là khuôn mặt của hai quả phụ có chồng bị tử thương vì hỏa lực quân địch tại Tống Lê Chân. Trại BĐQ của khoảng 400 binh sĩ này đã bị các lực lượng cộng sản bao vây và bắn phá trong 7 tuần lễ. Phía Nam VN đã nhiều lần yêu cầu Ủy ban điều tra vụ việc ở đó, nhưng đã không được đáp ứng. Tống Lê Chân cách Sài Gòn khoảng 50 dặm về phía bắc. (AP)

Vietnam War 1973 – Faces of Sorrow – Press Photo – (13/4/1973) Phía sau hàng rào xung quanh trụ sở UB Quốc tế Kiểm soát Ngừng bắn tại SG là khuôn mặt của hai quả phụ có chồng bị tử thương vì hỏa lực quân địch tại Tống Lê Chân. Trại BĐQ của khoảng 400 binh sĩ này đã bị các lực lượng cộng sản bao vây và bắn phá trong 7 tuần lễ. Phía Nam VN đã nhiều lần yêu cầu Ủy ban điều tra vụ việc ở đó, nhưng đã không được đáp ứng. Tống Lê Chân cách Sài Gòn khoảng 50 dặm về phía bắc. (AP)

“Chúng ta đã không chiến thắng”, Đô đốc U. S. G. Sharp trong một lần nhìn lại, “vì chúng ta không được phép tiến hành những cú đánh quyết định với sức mạnh hải quân và không quân to lớn của chúng ta.” Sharp, chỉ huy hải quân ở Thái Bình Dương từ 1964 cho tới 1968, kể cả Việt Nam: “Tôi muốn đánh trúng kẻ thù ở nơi gây đau cho họ: trong trái tim của miền Bắc Việt Nam.”

Ông ấy hẳn là vẫn chưa nhận ra: nước Mỹ không phải thất bại trước một đất nước có dân cư tập trung, công nghiệp hóa cao độ, có thể sẽ cúi mình khuất phục khi bị bỏ bom liên tục, mà là trước một đối thủ một phần chiến đấu trong những bộ pyjama màu đen, được trang bị vũ khí nhẹ và mãi cho tới giai đoạn cuối của cuộc chiến mới đến trong xe tăng. Ưu thế không quân của Mỹ. hàng ngàn chiếc trực thăng – tất cả những điều đó đều vô dụng trước những lực lượng địch quân vô hình trên xe đạp, trong các hệ thống đường hầm và trong rừng rậm. Ngay tới những loại vũ khí kỳ diệu như “máy ngửi hơi người” của Mỹ cũng không thể xác định được vị trí của kẻ địch. “Charlie”, người Việt Cộng trung  bình, khôn ngoan hơn là cỗ máy giết người của Lầu Năm Góc.

Đại tá Harry Summers, người giảng dạy tại “War College” thân cận với Washington, một học viện dành cho cấp chỉ huy của quân đội Mỹ, tin là đã có thể nhớ lại: “Quân đội của chúng ta chưa từng bao giờ bị bại trận trên chiến trường.” Vị sĩ quan này phân tích trong quyển sách “On Strategy” của mình: “Trong tất cả các trận đánh, các đơn vị của Việt Cộng và Bắc Việt đều bị đẩy lùi với tổn thất nặng.” Nhưng cuối cùng thì mặc cho tất cả những điều đó: “Người chiến thắng” là những người bị đánh thua, những người bị đẩy bật lại đã tiến tới. “Nếu như tất cả họ đều biết cách tiến hành cuộc chiến như vậy là sai lầm thì tại sao họ lại không đứng dậy và tuyên bố rằng: tôi không tham gia nữa, không thể thắng cuộc chiến này được?” nghị sĩ Quốc Hội John McCain phê phán các chiến hữu Lầu Năm Góc, những người ngày nay chỉnh sửa các chiến bại của họ ở bàn giấy. Phi công máy bay chiến đấu McCain bị bắn rơi trên Việt Nam và đã bị bắt giam năm năm rưỡi.

Vì vậy mà ông không biết rằng cuộc chiến xa xôi đó cũng đã dẫm lên tâm trạng của những người dân thường ở quê nhà như thế nào – với bạo lực và kinh hoàng của truyền hình trực tiếp từ lò mổ; chỉ là con người chết ở đó, không phải thú vật, đó là những người đồng hương, không phải là người lạ trong các chương trình truyền hình về Việt Nam mỗi tối. Cả đó cũng là một bài học: khi quân đội của Reagan đổ bộ lên hòn đảo Grenada ở vùng Caribbean, phóng viên không được phép đi cùng – một điều mới trong lịch sử quân sự Mỹ.

Phi công hải quân John McCain, phải, với thành viên của phi đội (khoảng 1965). Hình: AP Photo

Phi công hải quân John McCain, phải, với thành viên của phi đội (khoảng 1965). Hình: AP Photo

Ngược lại, từ 1965 cho tới 1975, các công ty truyền hình Hoa Kỳ đã phát tròn 4000 tư liệu về Việt Nam – hình ảnh những người lính Mỹ không toàn thân, những ngôi làng bị bỏ bom, những cánh rừng rụng lá. Việt Nam thống trị trên các tít báo và những trang ảnh: túi nhựa trên các bãi chiến trường để mang xác chết về, quan tài của những người đã ngã xuống trong những chiếc máy bay vận tải, tang lễ trên Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Một từ ngữ Việt Nam rơi vào trong vốn từ vựng thông dụng Mỹ như một quả đạn pháo: “Body Count”, “đếm xác chết”.

Cứ với mỗi một thống kê liệt sĩ mới, sự chống đối ở quê hương lại tăng lên thêm. Năm 1964 còn có 43 phần trăm cho rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam là một hoạt động chinh đáng của nước Mỹ; năm 1975 cuối cùng chỉ còn có 20 phần trăm. Trong số 7,5 triệu người lính Mỹ phục vụ trong quân đội Mỹ trong thập niên Việt Nam, có 550.000 đào ngũ, nhiều hơn toàn bộ lính của quân đội Đức 55.000 người.

Để bảo vệ tổng thống, xe buýt thành phố được tập trung lại quanh Tòa Nhà Trắng thành một thành trì bằng ô tô. Hàng chục ngàng, hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối tại các Love-in và Sit-in ở Washington. “Chiến tranh Việt Nam và phản chiến ít nhất thì cũng đã là những chất xúc tác cho các biến động và thay đổi của xã hội trong cuối những năm 60 và đầu những năm 70”, nhà xã hội học John Wheeler phán xét trong quyển sách “Touched With Fire” của ông.

Các quy tắc cũ bị sử dụng hết trong Chiến tranh Việt Nam, và có thể nói là cuộc chiến đã đi vào trong nước – “quen thuộc với bạo lực”, những nhà tâm lý xã hội học đã gọi những gì diễn ra tiếp theo là như vậy: sau vụ ám sát Martin Luther King, người da đen đấu tranh cho quyền công dân, các khu  nhà ổ chuột của Mỹ đã bốc cháy trong năm 1967. Không còn gì như xưa nữa.

Biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam tại New York City ngày 27 tháng Tư 1968. Hình: AP Photo.

Biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam tại New York City ngày 27 tháng Tư 1968. Hình: AP Photo.

Người xuất bản Theodore White cảm nhận sự giảm sút niềm tin vào các chính trị gia và chính phủ của họ như là “hệ quả tồi tệ nhất của xung đột Việt Nam”. Nước Mỹ, thường không mang tính chỉ trích cho tới thời Việt Nam, đã bước tới rìa của một lần suy sụp tâm thần. Thật không có gì để đáng ngạc nhiên – cuộc chiến cũng đến như là một cú sốc về văn hóa:

Gần ba triệu lính Mỹ, trung bình 19,2 tuổi, được cử sang Đông Nam Á, người da đen từ những khu ổ chuột, thanh niên từ những nông trại ở Iowa hay từ những nhà máy ô tô ở Detroit. Với một vài giờ máy bay, từ những quán gà nướng và rạp chiếu bóng drive-in trong môi trường quê hương, họ rơi vào trong một thế giới xa lạ. Rượu và những mũi kim ma túy đã giải phóng họ – tạm thời – khỏi nỗi lo sợ mìn, sợ lính bắn tỉa của Việt Cộng, sợ chuột, những con vật ăn mất khẩu phần trong hầm của họ.

Những người lính Mỹ này, theo cựu phóng viên “New York Times” Seymour Hersh, người đã phát hiện ra vụ thảm sát Mỹ Lai, “cuối cùng cũng là nạn nhân như những người mà họ có nhiệm vụ phải giết chết”. Khi họ trở về nhà từ những trận đánh, họ không nhận được một lời cảm ơn, không có bông giấy bay trên những cuộc diễu hành mừng chiến thắng như sau Đệ nhị Thế chiến. Người dân muốn quên đi cuộc Chiến tranh Việt Nam và trong lúc đó cũng quên đi các cựu chiến binh của họ. So với yêu cầu Mỹ, ở nước ngoài phải là một người anh hùng, thì họ đã thất bại.

Vì vậy mà các cựu chiến binh Việt Nam trước hết là tìm đến cộng đồng của những người cùng số phận, không giao thiệp với người khác. Họ đã liên kết lại trong các tổ chức như “Vietnam Veterans of America” hay “Cha mẹ của những đứa bé nhiểm chất độc màu da cam”. Không xa đài kỷ niệm Việt Nam ở Washington, sáu cựu chiến binh đã cắm một chiếc lều màu xanh nhạt từ Giáng Sinh 1982. Họ tự hiểu mình là “đội lính canh danh dự” để nhắc nhở tới hơn 4700 người lính mất tích.

Tên của họ tuy đã được khắc vào tảng đá hoa cương của đài kỷ niệm Việt Nam, nhưng chúng được đánh dấu chữ thập, một chữ thập của hy vọng. “Có thể”, người cựu chiến binh đang đứng canh tin như vậy, người cũng như các chiến hữu của ông tồn tại nhờ vào tiền quyên góp, “là có ai đó còn sống. Vâng, thật ra thì tôi chắc chắn là còn có người sống sót”, ông nói, giống như tự tạo can đảm cho chính mình.

Túp lều được bao quanh bởi nhiều vật kỷ niệm: giày lính cũ, áo chống đạn, mặt nạ phòng hơi độc, nón. Hai cái lồng bằng tre nhắc cho người ta nhớ rằng các phi công bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam đã bị kẻ địch giam giữ như thế nào. Trước quầy của các cựu chiến binh vẫn còn có lá cờ Nam Việt Nam – màu vàng với ba sọc đỏ. “Đó đã là đồng minh của chúng tôi”, người cựu chiến binh trung thành giải thích, “họ vẫn là đồng minh.” Nhưng như thế nào: viên tổng tham mưu trưởng cuối cùng của Việt Nam nhiều năm trời đã là trưởng bồi bàn trong một quán cá Hy Lạp ở Yorktown.

Tổng thống Reagan đặt vòng hoa tại quan tài của người chiến sĩ vô danh.

Tổng thống Reagan đặt vòng hoa tại quan tài của người chiến sĩ vô danh.

Người xét lại Ronald Reagan đã lôi các cựu chiến binh ra khỏi sự cô lập; trong tháng Năm năm ngoái, hài cốt không còn có thể xác định sanh tính được của một tử sĩ Việt Nam đã được chôn cất giữa các ngôi mộ của người lính vô danh từ Đệ nhị Thế chiến và Triều Tiên trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

Người tổng thống bước lại gần quan tài và tuyên bố với quốc gia, một người anh hùng Mỹ đã trở về nhà: “Anh hiện thân cho trái tim, tâm hồn, tinh thần của Mỹ.”

Nhưng chủ nghĩa anh hùng sáo mòn đó, cái mà người tổng thống muốn phủ lên cho cuộc chiến, sẽ không thể đứng vững đuộc trước tưởng nhớ lịch sử chính xác của những người lính đã sống sót qua Việt Nam, có thể lành lặn về thân xác, nhưng không lành lặn trong tâm hồn. Thượng nghị sĩ Kerry chẳng hạn, người đã từng chỉ huy các tàu tuần tra, nhớ lại lần trở về nước: “Lúc đó, tôi vừa mới ở trong rừng ra được một tuần và ngồi trong máy bay từ San Francisco tới  New York. Tôi thiếp ngủ và la hét bật tỉnh dậy. Có lẽ là một ác mộng. Những người hành khách khác tránh xa tôi ra.” Kerry vẫn còn cay đắng cho tới ngày hôm nay: “Đất nước này không hề quan tâm tới những người thanh niên trở về và cũng không quan tâm tới những gì họ đã trải qua. Thái độ là: tránh xa ra, đừng lây nhiễm Việt Nam cho chúng tôi.”

(Còn tiếp)

Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel số 16/1985:

http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-13512807.html

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Việt Nam

Bình luận về bài viết này