Những đường nét mờ ảo (hết)

Thật là khó khăn khi muốn biết rõ về danh tính của Việt Cộng, và có lẽ đối với một người mà sự trung lập của anh ta không được biết rõ thì điều đó là hầu như không thể, bởi vì người Việt khép kín lại ngay tức khắc, khi người ta đặt ra cho họ những câu hỏi như thế, trả lời với những từ ngữ sáo rỗng như chúng có trên báo chí Việt Nam. Nhưng chỉ có người Việt là có thể phán xét ai là Việt Cộng, ai là Cộng sản và Việt Cộng là gì. Đến người nước ngoài đã ở Việt Nam cả đời mình cũng không thể hiểu người Việt cho tới mức có thể dễ dàng phân biệt được. Với lần ở Việt Nam một năm, thêm vào đó là trong một vị trí rõ ràng là trung lập, người ta có thể tiếp xúc thân mật với một vài người Việt cho tới mức họ phát biểu thận trọng, nhưng cởi mở tới một mức độ nào đó.

Đường Tôn Thất Đạm Chợ Cũ, Sài Gòn 1965/1966. Hình: Thomas W. Johnson

Đường Tôn Thất Đạm Chợ Cũ, Sài Gòn 1965/1966. Hình: Thomas W. Johnson

Một nhà văn nữ nổi tiếng ở Việt Nam và biết nhiều thông tin, người đã chiến đấu chống người Pháp trong một đơn vị Việt Minh, trả lời cho câu hỏi Việt Cộng là người Quốc gia hay người Cộng sản:

“Nhiều người quen của tôi từ thời Việt Minh vào lúc ban đầu đã cùng chiến đấu với Việt Cộng, và nhiều người trong số họ là người Quốc gia. Nhưng ngày nay, trong số người mà tôi biết là người Quốc gia thì không còn có ai ở bên phía Việt Cộng nữa. Chúng tôi thường nghe được tên họ của những người lãnh đạo Việt Cộng trong radio. Tất cả những người bây giờ có chức vụ cao ở bên Việt Cộng đều là người Cộng sản cả. Người dân ở đây còn hoàn toàn không hiểu Chủ nghĩa Cộng sản có nghĩa là gì”, bà tiếp tục trong trạng thái bị kích động có thể thấy rõ được, “nếu hiểu thì họ sẽ tích cực đấu tranh chống nó nhiều hơn nữa chứ không trở nên thụ động như thế này. Thỉnh thoảng, tôi mong ước họ có thể trải nghiệm được một vài năm Chủ nghĩa Cộng sản, rồi họ sẽ biết bây giờ họ đang được tốt đẹp như thế nào. Nhưng rất đáng tiếc là điều đó không thể thực hiện được. Có trời đất chứng giám, tôi không hề thân Mỹ. Trong các tác phẩm của tôi, tôi cố gắng mô tả truyền thống dân tộc Việt Nam và nói với người dân, rằng họ hãy nên hãnh diện là người Việt Nam, và hãy có một phong cách đối xử như thế. Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy dân tộc tôi và đất nước tôi suy tàn trong sự thờ ơ và tham nhũng. Xin anh hãy kiên nhẫn và đừng phán xét quá nặng nề, đừng đánh mất hy vọng quá nhanh chóng như phần lớn người Âu ở đây đã làm.”

Một nhân viên nhà nước ở độ tuổi trung niên, đã từng là sĩ quan chiến đấu cho Việt Minh, nói giống như vậy đối với tôi. “Anh đừng tin rằng Việt Cộng là một phong trào Quốc gia. Tôi biết hết sức chính xác những gì ở phía sau đó, vì tôi đã cùng với những người đó chiến đấu chống lại người Pháp nhiều năm trời.”

Tôi muốn biết những người này tưởng tượng gì dưới một chế độ Cộng sản, và tôi thường hỏi họ về điều đó. “Người Trung Quốc sẽ đến cùng với những người Cộng sản”, một người nào đó nói, “và chúng tôi biết rất rõ những người này, vì họ đã có lần đô hộ chúng tôi cả ngàn năm. Họ tàn bạo vô cùng. Chúng tôi rất sợ họ!”

Và: “Ở miền Bắc Việt Nam, chùa bị đóng cửa và người dân không còn được phép tụng niệm ở đó nữa. Những người Phật giáo làm chính trị ở đây trong miền Nam rất ngu ngốc, vì họ muốn giật lấy quyền lực về cho mình. Họ không thể đương đầu được với người Cộng sản. Cả ở miền Bắc, họ cũng đã làm việc cho Việt Minh, bây giờ thì họ bị đàn áp. Tôi có nghe được về một người họ hàng vẫn còn sống ở miền Bắc Việt Nam, và bị chính con trai của mình tố cáo tại những người Cộng sản.”

Tôi không phải là người quyết định về sự đúng đắn của những lời nói đó, nhưng chúng có thật. Có nhiều khả năng họ có được thông tin của họ từ họ hàng xa ở miền Bắc hơn là từ báo chí, và rõ ràng là họ tin rằng một chế độ Cộng sản là một mối đe dọa cho sự tự do tín ngưỡng và tự do cá nhân của họ và cũng có nghĩa là đạo đức gia đình sẽ sụp đổ. Tường thuật từ Trung Quốc, như từ quyển sách ‘Der begeisterte Selbstmord’ [Hân hoan tự sát] của nhà truyền giáo từ vùng Flanders Dries van Coillie, để cho người ta tin rằng những nỗi lo ngại đó là có lý do.

Sinh viên quyên tiền cho Việt Cộng trước nhà ăn của các trường đại học Tây Đức. Cả việc đó có thể là một hành động tượng trưng, biểu hiện thái độ chống đối của họ đối với những người cầm quyền. Tôi không biết là họ muốn đưa những đồng tiền của họ cho Việt Cộng sâu trong rừng rậm và ở đồng ruộng Nam Việt Nam như thế nào. Mặc dù vậy, đối với tôi, điều đó là một phương án hết sức mơ mộng của một biểu tượng.

Sài Gòn 1965/1966 hình của Thomas W. Johnson

Sài Gòn 1965/1966 hình của Thomas W. Johnson

Người Mỹ công khai thừa nhận, rằng mười lăm phần trăm vật liệu mà họ chở đến Việt Nam đã biến mất trước khi nó đến nơi nhận. Không chính thức, người ta nói đó là hai mươi lăm phần trăm. Đó là nguồn vốn được đưa cho người dân Việt Nam; những người chủ thuyền, công nhân vận tải, lái buôn và đại gia đình của họ sống nhờ vào đó, và tất cả họ, người ta nói thế, đều trả thuế cho Việt Cộng. Tức là Việt Cộng hầu như không phải lo lắng gì về tài chính cả. Vì đối với sự tưởng tượng ở châu Âu thì chi phí vật chất của người Mỹ ở Việt Nam là không thể hiểu được; nó phá vỡ tất cả các khuôn khổ mà người châu Âu chúng ta quen suy nghĩ ở trong đó. Và hai mươi lăm phần trăm từ những cái đó có thể nuôi sống được rất nhiều người, những người đã quen với các yêu cầu vật chất khiêm nhường của họ.

Tất nhiên đó là một lời quả quyết, rằng thuế cũng được trả cho Việt Cộng ngay cả trong những vùng do chính phủ kiểm soát; vì không ai có thể chứng minh được điều đó. Mặc dầu vậy, nó được tất cả mọi người chấp nhận như là một sự việc có thật. Ai đi ngang qua một nhà hàng hay một quán cà phê có người Mỹ tới lui trong đó và cửa sổ của chúng không được bảo vệ chống ám sát bằng lưới sắt, người đó chỉ nhận xét một cách khô khan: “Chủ tiệm này cũng trả tiền cho Việt Cộng, để họ để không động đến quán của ông ấy.”

Khi một thành viên của Quốc Hội, một người đàn ông cương trực không đảng phái, bị bắn chết trên đường phố vào một buổi sáng, một thành viên rất cao cấp của chính phủ nhún vai trả lời cho câu hỏi của tôi, liệu đó có phải là một vụ ám sát của Việt Cộng hay không:

“Ai mà biết được? Vụ đó cũng có thể là do một nhóm khác xếp đặt. Ở Việt Nam thì không thể dễ dàng giải thích được tất cả mọi việc đâu.”

Cabot–Lodge, cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam mà tôi đã có nhiều dịp để thán phục khả năng tự kiềm chế một cách khôn khéo và tính kỷ luật lạnh lùng của ông, được cho rằng đã nói với một nhà báo:

“Nếu như anh tin là anh đã hiểu được điều gì đó về Việt Nam thì tôi có thể bảo đảm với anh rằng anh ở chưa đủ lâu trong đất nước này đâu.”

Ghi chép lại những gì mà tôi nhìn, nghe và trải qua trong gần một năm ở Việt Nam không thể là một quyển sách về Việt Nam. Nó không gì khác hơn là một tường thuật về những trải nghiệm và phản ánh của tôi, vì tôi ở Việt Nam để làm việc cho những người đang phải chịu cơ cực: giúp chữa lành bệnh cho các bệnh nhân, vì bác sĩ đang được cần đến trong đất nước này.

Đối với hàng ngàn người tỵ nạn và người nghèo, đối với những người nông dân, quân nhân, ngư dân, tiểu thương, những cô gái đứng đường, những người vợ góa và hàng ngàn đứa trẻ mồ côi cha mẹ, nạn nhân của cuộc chiến tranh này, thì việc ai tiến hành chiến tranh với ai trong đất nước của họ là việc họ hoàn toàn không quan tâm đến. Rằng đang có chiến tranh và họ không có khả năng để trốn thoát được nó, đó là một thực tế và là điều không thể tránh né được. Từ hàng ngàn năm nay, họ dạy cho con cái của họ phải kiên nhẫn, không được bộc lộ sự bực dọc. Họ dường như cũng chấp nhận sự khốn cùng, sự suy tàn của đất nước họ, những căn bệnh và những vết thương. Họ âm thầm chịu đựng, và họ lặng lẽ qua đời. Đối với những người này thì cái chết còn chưa trở thành đối thủ của cuộc sống; sinh, sống và chết là một đơn thể, thuộc vào nhau.

Tất cả họ đều gọi chiếc tàu bệnh viện là biểu dương chính trị, cử chỉ đoàn kết, sự tham gia chiến tranh của nước Đức, những người cho rằng phải bút chiến về việc đó. Đối diện với những gì mà chúng tôi, những người làm việc trên con tàu bệnh viện, nhìn thấy ở Việt Nam, thì những câu từ khẩu hiệu đó đối với chúng tôi nghe thật trống rỗng. Trước không biết bao nhiêu là người bệnh, người bị thương, người khốn cùng trong đất nước này thì thích hợp hơn là nên im lặng và làm việc. Điều đó có thể được tiến hành một cách càng chuyên nghiệp thì càng tốt. Ngoài việc giúp đỡ họ ra thì, theo các thước đo và tiêu chuẩn được trích dẫn tại mỗi một cơ hội của chúng ta, còn gì là đúng hơn và dễ hiểu hơn cho một hoạt động vì người nghèo, người khốn cùng, người bệnh và vì những người đã mất đất nước của họ và đã mất gốc rễ; và là với tất cả những phương tiện kỹ thuật đã nhận được nhiều khen ngợi của chúng ta?

(Còn tiếp)

Đọc bài trước: Những đường nét mờ ảo (phần 2)

Đọc bài kế tiếp:

Đọc toàn bộ những bài trước ở trang Chúng Tôi Không Hỏi Họ Từ Đâu Đến