Về tự do ngôn luận (phần 2)

Về các tác giả tự do và biên tập viên dè dặt

Ông W., 45 tuổi, khoa học gia, Thượng Hải: “Ở chúng tôi, nhà văn có thể viết những gì họ muốn. Không có giới hạn cho họ. Không ai nói với họ là anh không được phép viết điều này hay điều kia. Kiểm duyệt chỉ bắt đầu ở các nhà xuất bản, trong đầu của các biên tập viên. Cây kéo nằm ở đó. Nếu như họ cho qua điều gì đó thì sau này có thể nó sẽ mang lại cho họ nhiều sự bực mình và còn có thể mất cả chức vụ lẫn sự nghiệp nữa. Trong lúc đó thì họ thường không biết tất cả những gì sẽ mang lại rắc rối. Vì không có nơi nào ghi lại những gì được phép và những gì thì không. Rắc rối chỉ có khi có ai đó tức giận vì một điều gì đó. Từ sự không chắc chắn này, các biên tập viên muốn an toàn và thường gạch bỏ cả những đoạn có vấn đề, ngay khi chúng chẳng hề có liên quan gì tới chính trị hiện tại. Mới đây, tường thuật của một người Phương Tây đi du lịch Trung Quốc, người đã tới thăm Trung Quốc trước đây trên một trăm năm, tức là còn vào thời hoàng đế, đã được dịch ra tiếng Trung và được đưa cho một nhà xuất bản để phát hành. Biên tập viên chịu trách nhiệm đã bỏ phần đối xử dã man với các tội phạm. Ông cho rằng một vài người đọc sẽ tức giận vì với mô tả đó, một hình ảnh quá xấu về người Trung Quốc đã được truyền tải đi.”

Tự do ngôn luận ở Trung Quốc

Tự do ngôn luận ở Trung Quốc

Nhà văn và học giả người Trung Quốc thường cảm thấy mình mang một trách nhiệm  về chính trị xã hội. Văn học Trung Quốc hiện đại trải qua thời kỳ vàng son của nó trong những năm 1920 và 1930. Thời đó, thành phố là trung tâm của giới tiên phong trong văn học Trung Quốc và đồng thời cũng là trung tâm báo chí và xuất bản lớn nhất của Trung Quốc. Tạo khả năng cho điều này là tình trạng lúc đó ở Thượng Hải. Một vài khu phố dứng dưới sự quản lý của người Pháp, người Anh và người Mỹ. Ở đó, những người trí thức phê phán an toàn trước sự truy nã của những người cầm quyền thuộc giới quân đội và chính phủ Tưởng Giới Thạch. Nhà văn và học giả có thể phê phán các tình trạng bất cập trong xã hội và chính trị mà không bị ngăn cản. trong những năm sau này, không bao giờ có được một sự tập trung và đa dạng về sáng tạo văn học như thời đó ở Thượng Hải. Từ năm 1949, các nhà văn chịu một áp lực chính trị lớn. Với công việc làm của họ, họ cần phải phục vụ cho tư tưởng hệ chính thức. Ai không đáp ứng điều đó, hay còn phê phán cả chính trị hiện hành, sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong thời của cuộc Cách mạng Văn hóa, tình hình chính trị đã khiến cho các hoạt động văn học trở thành hầu như không thể.

Bắt đầu từ khi Chủ nghĩa Mao chấm dứt, các điều kiện cho giới nhà văn đã được cải thiện. So với Internet và các truyền thông đại chúng phát thanh và truyền hình, văn học hiện giờ bị kiểm duyệt ít hơn, vì nó chỉ tới được với tương đối ít người.

Phê phán được dung thứ, cho tới chừng nào mà nó không lay động tới nền tảng của hệ thống xã hội và hoài nghi tính chính danh của Đảng. Một số đề tài nhất định từ quá khứ mới đây là những sự việc không được phép nói tới, ví dụ như sự kiện trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong tháng 6 năm 1989. Ai không chú ý tới những điều đó thì không có cơ hội được xuất bản, và nếu như được phép thì cũng chỉ ở ngoài Trung Quốc. Nhiều tác giả xuất bản các tác phẩm của mình ở Đài Loan hay Hongkong. Rồi cũng có thể có chúng ở trong nước Cộng hòa Nhân dân dưới dạng những bản in lậu tại những quầy sách nhỏ hay những người bán sách lưu động. Những người bán sách như vậy xuất hiện đặc biệt vào buổi tối ở những ngã tư trong các khu phố dân cư. Có lần chúng tôi tới thăm một cựu đại sứ Trung Quốc trong căn hộ của ông ở Bắc Kinh. Trong câu chuyện, một hồi ký của một cựu lãnh tụ Đảng cao cấp nhưng rồi bị tước quyền lực được nhắc tới. Nó vừa mới được xuất bản ở Hongkong, nhưng không được phép phát hành trong nước Cộng hòa Nhân dân. Ông cựu đại sứ đã đọc nó. “Thế nào được cơ chứ?”, chúng tôi ngạc nhiên hỏi. Ông mỉm cười tinh nghịch và chỉ ra cửa sổ. “Trước cổng vào khu nhà ở của chúng tôi có một cửa hàng bán sách nhỏ. Nếu anh chị hỏi mua quyền sách ở đó thì anh chị sẽ có một bản in lậu của nó, được sản xuất ở Trung Quốc. Người chủ tiệm sẽ hóa phép lôi ra cho anh chị từ ở dưới quầy tất cả những quyển sách lật đổ mà hiện giờ người ta đang nói tới, và những gì mà ông không có sẵn thì ông sẽ có cho anh chị trong vài ngày tới.”

Nhiều cố gắng đã được thực hiện để đề cập tới những vấn đề xuất hiện ở khắp mọi nơi như tham nhũng, kinh tế thân hữu và lạm quyền trong giới quan chức và chính phủ trong nhiều loạt phim truyền hình dài. Với thành công khác nhau. Gặp ít rắc rối nhất là những loạt phim đặt vấn đề vào trong một bối cảnh lịch sử khác. Được đặc biệt ưa thích là những loạt phim về các quan chức hiểm độc và cương trực thời nhà Thanh (1644 – 1911) mà trong đó có những thứ được khéo léo nói bóng gió tới nhiều tình cảnh ngày nay. Liệu tất cả các khán giả cũng có hiểu được điều đó hay không thì là việc khác.

Nổi bật trong truyền hình Trung Quốc là rất nhiều chương trình ca nhạc và show. Được hỏi lý do, người ta nói đùa với chúng tôi: “Vì không có gì thú vị trong những thứ mà giới truyền thông đại chúng được phép nói tới cả.”

Tôi rất tức giận

Ông P., 50 tuổi, biên tập viên, Thượng Hải: “Chúng tôi sống trong một đất nước không có những sự tự do mà con người cần cho cuộc sống, tức là tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận và tự do báo chí, tự do trong giảng dạy và nghiên cứu. Tất nhiên là chúng tôi vui mừng có được một tự do lớn hơn là vào thời cuộc Cách mạng Văn hóa. Nhưng Cách mạng Văn hóa không nên là thước đo khi nói về tự do của chúng tôi.

Lãnh tụ chính trị của chúng tôi, các quan chức và cán bộ đóng kịch rất tài. Cả người dân cũng đóng kịch nữa. Ở cấp trên như thế nào thì những người ở phía dưới cũng như vậy. Tất cả chúng tôi đều bận rộn với Thái Cực Quyền.

Cha vợ tôi đã làm việc trong chính quyền thành phố. Khi tôi hỏi ông sau khi ông về hưu, liệu ông có thể tóm gọn trải nghiệm nghề nghiệp của ông hay không, ông trả lời: “Nếu con mới vào làm trong một cơ quan thì hãy tìm trong số các cán bộ một người đang thăng tiến nhanh chóng, và bám sát gót của ông ta. Rồi ông ta sẽ kéo con lên cao cùng.”

Một trong số những người quen của tôi là quan chức được gửi tới một tỉnh ở xa. Khi ông trở về sau một vài năm, ông kể cho tôi nghe về cái vũng lầy tham nhũng đen ở đó. Vì ông không làm cùng nên các đồng nghiệp gây khó khăn cho ông. Ông nói, ông không thể cưỡng lại được lâu hơn nữa, nếu như vẫn cứ ở đó. Áp lực từ phía những đồng nghiệp tham nhũng đơn giản là không thể chịu đựng được nữa.

Đất nước tươi đẹp của chúng tôi bị tàn phá. Ai là con của các lãnh đạo chính trị ngày nay của chúng tôi? Họ là những người tư sản, xen vào kinh tế và làm giàu không hề biết ngượng.

Nhà văn nổi tiếng Lỗ Tấn đã mô tả người Trung Quốc chúng tôi rất tốt trong các tác phẩm của ông ấy. Phần lớn người trẻ tuổi ngày nay không hiểu ông muốn nói gì qua đó. Ông nhìn chúng tôi như những người nô lệ. Ông nói, mỗi một dân tộc phải tự chịu trách nhiệm cho chính phủ của dân tộc đó. Trong Nhật ký người điên của ông, ông mô tả một gian phòng bằng sắt mà trong đó con người đang ở trong một giấc ngủ sâu và không nhận ra rằng họ đang chết. Mãi khi người ta đánh thức họ dậy, họ mới nhận ra cái chết đang tới gần. Tuy vậy, rồi họ cũng có được cơ hội đập tan cái gian phòng bằng sắt đó ra. Tôi ngưỡng mộ Lỗ Tấn. Lời của ông mang lại cho tôi sức lực để chịu đựng được tất cả những gì mà chúng tôi đang trải qua ngày nay. Lỗ Tấn muốn nói đến sự cứu vớt tổ quốc của chúng tôi. Chỉ khi người ta làm cho con người thay đổi lối suy nghĩ, người ta mới có thể giải phóng họ ra khỏi những sự đau khổ của họ. Không có cách điều trị và loại thuốc chữa bệnh nào giúp được cả, mà chỉ là sức mạnh của từ ngữ. Chỉ có từ ngữ là có thể làm thay đổi cách suy nghĩ. Chỉ như thế mới có hy vọng.

Nhưng ngày nay thì người ta kiểm tra tất cả các sách được tung ra trên thị trường. Vì thế mà trên thị trường chỉ là những quyển sách mà Đảng có thể sống chung với nó. Nhân dịp kỷ niệm sáu mươi năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa người ta đã viết nhiều sách về lịch sử của đất nước chúng tôi. Nhưng vì không có nhiều người kiểm duyệt nên người ta không thể chống đỡ nỗi với làn sóng bản thảo đó, do vậy mà nhiều sách đã không thể được xuất bản. Phát hành nó sau đó không còn có ý nghĩa nữa, vì vậy mà các bản thảo đã biến mất vào trong ngăn kéo. Các tác giả đã hoài công làm việc.

Nhiệm vụ của một nhà văn là gì? Một nhà văn cần phải là tấm gương phản chiếu của xã hội. Ông ấy mang trách nhiệm cho xã hội và cộng đồng. Nhưng rất đáng tiếc là các nhà văn của chúng tôi trong Trung Quốc đã không làm tròn nhiệm vụ của họ. Họ tránh phê phán xã hội. Họ viết vì tiền. Họ có một cây kéo ở trong đầu, và đẳng cấp của họ không cao cho lắm. Có những tác giả nào đó không được phép xuất bản trong Trung Quốc. Mặc dù vậy họ vẫn được phép sống trong nước. Những người khác được phép xuất bản trong Trung Quốc nhưng không được phép sống trong nước. Đảng như thế là đảng gì, một đảng mà dám cấm những người gây phiền phức, không được họ ưa thích, trở về quê hương của họ. Đất nước này không phải của Đảng, ngay cả khi chính họ tin là như thế.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với chúng tôi, giới trí thức Trung Quốc? Tại sao chúng tôi không phê phán những tình trạng tồi tệ đó? Phần lớn đều yếu ớt, mềm yếu và bị cuộc sống tốt đẹp cám dỗ. Họ xun xoe với chính phủ của chúng tôi, Trung Quốc giàu và mạnh, mặc dù điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Anh chị hãy nhìn đất nước này đi! Nông dân của chúng tôi ra sao? Mức sống của họ có thể so sánh được với người nông dân Đức hay không? Có nhiều người nghèo trong Trung Quốc, nông dân thất nghiệp và những người tốt nghiệp đại học thất nghiệp. Thông thường thì giới trí thức Trung Quốc luôn luôn có thiện cảm với người nghèo, người yếu hơn và người bị đàn áp. Ngày nay, họ im lặng. Họ không viết về việc đó. Tuy vậy, thật sự ra thì cũng vô nghĩa khi viết về việc đó, vì thế nào đi nữa thì cũng không được xuất bản.

Khi tôi nghĩ về những việc đó, tôi rất tức giận. Tôi thật không thể chịu đựng những người ngu ngốc đó được nữa. Tôi cũng khinh bỉ tất cả những đồng nghiệp nào thăng tiến chỉ nhờ vào nịnh bợ và thiếu chất lượng. Là người lãnh đạo, họ tuyệt đối thiếu đẳng cấp và tuy vậy vẫn có quyền lực để đưa ra những quyết định có ảnh hưởng lớn tới nhà xuất bản của chúng tôi.

Tôi thường viết để giải tỏa nỗi bực tức trong lòng. Không có cách nào khác để mà chịu đựng được tất cả những điều đó. Nhưng việc đó sẽ mang lại được gì cho đất nước của tôi? Không mang lại điều gì cả, vì không ai ở đây sẽ có thể đọc được nó. Vì vậy mà tôi gửi nó đi qua thư điện tử tới bạn bè và người quen tin tưởng của tôi. Họ biết tôi nghĩ như thế nào và chính họ cũng suy nghĩ tương tự như vậy.”

(Còn tiếp)

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Thùng thuốc súng Trung Quốc