Thời điểm thử thách của Hoa Kỳ

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 10/1968 (04/03/1968)

Hai thiếu tá Hoa Kỳ đầu tư tiền lương của họ vào Việt Nam: trên những ngọn núi gần thành phố biển Qui Nhơn, họ mua một căn trại. Sau khi chiến thắng, họ dự định sẽ mở rộng nơi đấy thành một ngôi nhà săn bắn – cho khách du lịch, những người muốn đi săn cọp trong rừng rậm Việt Nam.

Từ đầu tháng 2, hai người sĩ quan muốn bán lại nơi đó. Họ không còn tin vào một cuộc đi săn cọp ở Việt Nam nữa. Họ không còn tin vào chiến thắng nữa.

Họ không phải là những người Mỹ duy nhất đang hoài nghi. Tờ “Wall Street Journal” bảo thủ, cho tới nay kiên quyết đi theo lá cờ sao và sọc ở Việt Nam, đã hạ cờ vào tuần rồi: “Nhân dân Mỹ tốt hơn là nên chuẩn bị cho khả năng, rằng toàn bộ sự việc đấy sẽ thất bại – chính phủ của chúng ta có làm gì cũng mặc.”

Đại sứ trước đây của Mỹ ở Nhật, Edwin O. Reischauer, người được xem là một trong những người am hiểu châu Á tốt nhất của Hoa Kỳ, cho rằng đã thua cuộc chiến này rồi, ít nhất là khi xét đến mục đích của cuộc chiến vào lúc ban đầu: giữ một nhà nước không Cộng Sản, ổn định ở Nam Việt Nam:

Vùng đồng bằng (nơi mà 70% của tất cả 17 triệu người Nam Việt Nam vẫn còn sống ở đấy) hầu như là lãnh thổ không tranh cãi của Việt Cộng; người Cộng Sản có thể bổ sung  kho dự trữ, thu thuế và tuyển mộ lính mới một cách yên tịnh hơn bao giờ hết.

Trong phần đất quan trọng nhất của Nam Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ và có mật độ dân cư đông, phần lớn thành phố đều nằm trong tay của quân Đỏ.

Thủ đô Sài Gòn bị cô lập, cung cấp cho thành phố ngày càng khó khăn.

Công cuộc bình định – tranh thủ người dân ở nông thôn và bình định nhiều vùng đất rộng lớn – không còn được tiến hành ở nơi nào nữa. “Chỉ nói về việc đấy thôi cũng đã là hoàn toàn vô nghĩa rồi”, tờ “Time” nhận định.

Ở mặt trận quan trọng nhất của cuộc chiến không còn có chiến sự nữa.

Với cú đánh lớn của mình – trận tấn công lớn nhất trong ba thập niên của Chiến tranh Đông Dương – nhà chiến lược Bắc Việt, Giáp, đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cuộc chiến, ông ấy đã xóa bỏ toàn bộ những thành công của Mỹ từ năm 1965. 500.000 người lính của Westmoreland trở thành những người bảo vệ bị bao vây, chờ đợi nước cờ kế tiếp của quân địch.

Trong các tỉnh ở phía Bắc, ngay cạnh vùng đã từng là phi quân sự, có gần 30.000 lính cổ da, quân tinh nhuệ của Westmoreland. Họ bị một lực lượng đông hơn gìm chặt lại trong các căn cứ của họ.

Trước đây tám tuần, trong khuôn khổ của “Chiến dịch Scotland”, họ còn có nhiệm vụ tấn công những người thâm nhập từ Bắc Việt Nam cho tới tận Lào. Ngày nay họ chỉ còn có nhiệm vụ ngăn chận không cho pháo đài Khe Sanh đang bị bao vây ở gần biên giới Lào thất thủ – một pháo đài mà đã đánh mất ý nghĩa của nó từ lâu rồi.

Vì lúc trước, Khe Sanh đã được xây dựng để chận con đường tiếp tế quan trọng nhất của quân địch, đường mòn Hồ Chí Minh. Những nhóm tuần tra bảy người ngày đêm tìm kiếm lực lượng quân địch thâm nhập từ Bắc Việt Nam hay Lào.

Nhưng từ sáu tuần nay, không có nhóm tuần tra nào rời căn cứ nữa. Vì mặc cho lần ném bom tập trung lớn nhất của lịch sử chiến tranh – trong hai tháng vừa qua, máy bay Hoa Kỳ đã ném một lượng nổ của hai quả bom Hiroshima xuống quanh Khe Sanh – người Bắc Việt đã tiếp cận chỉ còn cách tuyến phòng thủ của những người lính cổ da một trăm mét trong tuần vừa rồi.

“Khe Sanh”, tờ “New York Times” phán xét, “ngày nay chủ yếu là một vật thể của uy tín”. Vì Tổng tư lệnh Mỹ ở Việt Nam, Tướng Westmoreland, đã cam kết bằng bút mực với Tổng Thống Johnson rằng có thể giữ được pháo đài này trong mọi trường hợp.

Một lời hứa hẹn được xây trên những bao cát.

Chỉ riêng việc súng cối và hỏa tiễn hàng ngày pháo kích vào căn cứ đã khiến cho hơn một trăm người chết và khoảng một ngàn người bị thương cho tới nay. Ngoài ra, Khe Sanh cũng đã đổ máu để giải vây cho các căn cứ nằm xung quanh.

Để tăng cường cho lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, Wetsmoreland đã gửi 8000 người của các lữ đoàn không kỵ từ vùng cao nguyên ở Trung phần lên phía Bắc trước đây vài tuần. Bây giờ, người Cộng sản tấn công căn cứ chính Evans của họ. Chỉ trong vòng vài giờ, 22 chiếc máy bay trực thăng đã bị phá hủy. Trên cao nguyên bị quân đội bỏ trống, quân Đỏ hiện đang tiến từ biên giới Lào về hướng bờ biển.

Westmoreland không có quân lính để có thể chận đứng cuộc tấn công được: vì những gì mà ông ấy có thì ông ấy cần không những ở phía Bắc để bảo đảm an toàn cho các căn cứ Khe Sanh và Đà Nẵng, mà cũng cần ở phía Nam để bảo vệ Sài Gòn. Thủ đô bị bao vây bởi ba sư đoàn đỏ, được trang bị súng phòng không, hỏa tiễn và xe tăng.

Trong trận tổng tấn công cho tới nay, đối thủ của Westmoreland chỉ sử dụng có một phần lực lượng của mình.

“Quân địch còn có những lực lượng lớn chưa được dùng tới”, sếp của Bộ tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, tướng Wheeler, phán đoán vào cuối tuần rồi, sau chuyến thăm Việt Nam lần thứ mười một của ông ấy. “Chúng ta phải dự tính rằng những cuộc giao tranh lớn sẽ còn kéo dài.”

Tướng Wheeler nói đúng.

Cuộc tấn công vào lúc Tết được thực hiện bởi khoảng 60.000 người lính Cộng Sản. Với một vài trường hợp ngoại lệ (như cuộc tấn công vào Huế, thành phố của các hoàng đế), đấy là du kích quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng – tức là du kích địa phương.

Phần lớn những người lính chính quy Bắc Việt được trang bị tốt (con số của họ ở Nam Việt Nam được ước lượng ở khoảng 80.000) vẫn còn chưa được sử dụng tới.

Trong những vùng biên giới của Lào và Campuchia, còn vài chục ngàn người Bắc Việt đứng sẵn sàng hành quân.

Cuối cùng, ở Bắc Việt Nam, Giáp còn hơn 300.000 người lính chính quy của Quân đội Nhân dân của ông ấy – còn chưa tính tới lực lượng dự bị của hàng triệu dân quân.

Nhà chiến lược đỏ cũng có trang thiết bị tốt hơn lúc trước, tuy hiển nhiên là thua kém người Mỹ về số lượng. Máy bay ném bom Ilyushin, lần đầu tiên được nhìn thấy ở Việt Nam trong tháng 2, có thể được sử dụng để tấn công pháo đài của lính cổ da và các căn cứ như Đà Nẵng, hỏa tiễn đe dọa Đệ Thất Hạm đội của Mỹ trong vịnh Bắc bộ; đó cũng là những đầu đạn mà người Ai Cập đã dùng chúng để đánh chìm tàu khu trục “Eilath” của Israel trong mùa Thu vừa rồi. Hoa Kỳ đang hấp tấp trang bị cho hạm đội vịnh Bắc bộ của họ vũ khí phòng không và chống hỏa tiễn.

Ngày nay, trong chiến tranh trên bộ, quân Đỏ bao vây Khe Sanh đã có hỏa lực nhiều hơn là những người Mỹ bảo vệ căn cứ. Họ tin tưởng vào không quân.

Nhưng sự thống trị của không quân đáng nghi ngờ cho tới đâu, điều đấy đã được những người bị bao vây ở Khe Sanh nhận ra vào tuần trước nữa, khi sương mù dầy đặc của mùa mưa đã ngăn cản tất cả những lần cất cánh và hạ cánh bốn ngày liền: dự trữ lương thực của căn cứ đã teo lại còn hai khẩu phần C (chiến đấu) và một lít nước cho mỗi một người bảo vệ.

Từ nhiều tuần nay, các pháo thủ Khe Sanh chỉ còn bắn rời rạc, vì kho đạn sau khi bị bắn trúng đích đã không được làm đầy lại.

Và ngay cả khi hoạt động hết sức mình, giá trị của quyền thống trị về không quân cũng có giới hạn: như trong tuần lễ từ 12 đến 18 tháng 2, máy bay tiêm kích của “First Marine Aircraft Wing” (căn cứ chính ở Đà Nẵng) đã tấn công 1610 lần trong vùng của năm tỉnh phía Bắc Nam Việt Nam. Kết quả chính thức của Marine cho trận đánh này: 49 quân địch chết, 273 vật thể của địch quân bị phá hủy (thuộc vào trong đó cũng là những ngôi nhà bằng tre trong những vùng đất được cho là của Việt Cộng), thêm vào đó đã đánh trúng 46 boongke, ba cầu, bốn vị trí hầm hố, bốn điểm phòng không, 29 thuyền, một vị trí súng cối, một chiếc xe tăng và một tổ súng máy. Thường Việt Cộng đạt được những kết quả tốt hơn với vài vụ tập kích bằng súng cối hay hỏa tiễn.

Trong tình huống này, nước Mỹ cảm nhận mình “quá yếu để mà có thể thương lượng” (“Newsweek”). Nhưng cường quốc thế giới Mỹ còn ít muốn chấp nhận hơn nữa nỗi nhục nhã của một Dunkerque khổng lồ ở châu Á. [Trong Đệ nhị thế chiến, Dunkerque ở miền Bắc nước Pháp là nơi quân đội viễn chinh Anh quốc xuống tàu rút lui về nước.]

“Nước Mỹ sẽ không cúi mình”, Tổng thống Johnson nói trong tuần rồi ở Dallas. “Mỗi một người đều có thời điểm thử thách một lần. Bây giờ nó đã đến cho nước Mỹ.”

Nó đặt vị tổng thống Hoa Kỳ trước một quyết định mang lại nhiều hậu quả: không thể thắng được cuộc chiến với những phương tiện và phương pháp cho tới nay.

Số 10.500 người lính, những người bay sang chữ cháy ở Việt Nam trong hai tuần vừa qua, chỉ vừa thay thế được các tổn thất của người Mỹ từ đầu năm.

Vì thế mà tuần vừa rồi giới quân sự đã yêu cầu thêm 50.000 đến 100.000 người lính mới. Nhưng các nhà chiến lược Hoa Kỳ trong Pentagon-Ost – tổng hành dinh của Westmoreland đang nằm dưới đạn bắn liên hồi của quân đỏ ở phi trường Tân Sơn Nhứt – đã bí mật tính toán cho tình hình này như sau đây:

Để ngăn chận được cuộc tấn công của Giáp mà đỉnh điểm của nó được dự tính trong khoảng từ tháng 3 cho tới tháng 5, phải cần ít nhất là 750.000 lính Mỹ – nhiều hơn một phần tư triệu so với con số đang ở Việt Nam ngày nay; đồng thời đường tiếp tế đỏ phải được tấn công có hiệu quả hơn nữa qua ném bom một cách triệt để Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng rồi vẫn còn chưa thắng được cuộc chiến. “Nếu nó cứ tiếp tục như cho tới nay”, sếp mật vụ Hoa Kỳ CIA, Richard Helms, nói, “thì cuộc chiến còn kéo dài cả trăm năm nữa.”

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 10 / 1968: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135809.html

4 thoughts on “Thời điểm thử thách của Hoa Kỳ

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 17-06-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin Chủ Nhật, 17-06-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 17-06-2012 | bahaidao2

  4. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này