Những tội phạm dũng cảm (phần 2)

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 7 năm 1968 (12/02/1968)

Việt Cộng tiến hành cuộc nổi dậy chống chính phủ  Sài Gòn của họ theo lý thuyết ba giai đoạn, thuyết mà bậc thầy du kích Mao Trạch Đông đã đưa ra cho cuộc chiến tranh du kích. Trong giai đoạn đầu, “rút lui phòng ngự”, họ tự giới hạn mình ở những cuộc đột kích và phá hoại, những cái “phải phá vỡ chí khí, tinh thần chiến đấu và năng lực quân sự của đối thủ” (Mao). Giai đoạn này bắt đầu năm 1956, hai năm sau khi người Pháp rút quân.

Các chiến binh Việt Cộng di chuyển trên những con đường mòn xuyên qua rừng rậm, trong thuyền trên sông, trong xe chở hoa và rau cải. Nhưng họ cũng đi – không bị nhận ra – cả bằng xe đò.

Lựu đạn của họ nổ tung trong những quán cà phê ở thủ đô cũng như trên những cánh đồng ruộng lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Quân lính chính phủ rơi vào trong những hầm bẫy được bố trí một cách khéo léo, bước vào trong những bẫy mìn và bãi mìn, bị bắn bằng tên tẩm thuốc độc, bị bắt trong những cái bẫy gấu hay bị súng tự động bắn chết.

Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas

Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. 22 người chết, 183 người bị thương. Ảnh: AP/Horst Faas

Để tiêu diệt quyền lực của chính phủ Sài Gòn, Việt Cộng đã giết chết 13.000 người già nhất  làng và nhân viên nhà nước trong 15.000 ngôi làng, họ hành quyết thầy giáo nhiều tới mức trong khoảng thời gian từ 1959 tới 1961 chính phủ đã phải đóng cửa tổng cộng là 636 trường học. Thay vào chỗ của những người đã bị giết chết là những người mà Việt Cộng tin tưởng. Nông dân nhận được ruộng đất của địa chủ và bắt đầu tin tưởng hay tuân theo.

Việt Cộng trở thành quyền lực tạo trật tự trong một đất nước hỗn loạn. Họ có thể di chuyển trong người dân như “cá trong nước” (Mao). Họ thành lập tổ chức chính trị của họ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP). Giai đoạn du kích của Mao đã có thể bắt đầu.

Trong thời gian này, được Mao gọi là “chiến đấu thận trọng”, lực lượng của Việt Cộng đã thành công trong việc khiến cho đối phương luôn phải lo lắng, khiến cho họ mệt mỏi và “hao mòn cho tới chết vì kiệt sức”, như Mao đã đưa ra.

Cuối năm 1964, hầu như không còn một đội tuần tra nào của chính phủ dám bước ra đồng quê về đêm; ngoại trừ các thành phố, Nam Việt Nam bị Việt Cộng kiểm soát. Thời điểm cho giai đoạn thứ ba của Mao – tấn công với lực lượng quân đội chính quy – dường như không còn xa nữa. Vì thế mà bây giờ tiếp nhận quyền chỉ huy chiến lược của Việt Cộng cũng là người đã từng chiến thắng người Pháp ở Điện Biên Phủ: Tướng Võ Nguyên Giáp của Hà Nội, ngày nay 56 tuổi.

Cuồng tín cũng như thông minh, Giáp, người đã bị người Pháp bắt giam ngay ở tuổi 18 vì hoạt động bí mật cho Cộng Sản, từ năm 1941 là một trong những người thân cận nhất của Chủ tịch nước Bắc Việt Nam ngày nay, Hồ Chí Minh. Ông hâm mộ mãnh liệt Napoleon (ông có thể phác họa ra từ trí nhớ tất cả các trận đánh của Napoleon), ông căm thù mãnh liệt tất cả các kẻ thực dân đang cầm quyền, họ có đến từ Pháp, Trung Quốc hay Mỹ cũng vậy. Giáp: “Hãy tiêu diệt kẻ thù của các anh! Hãy tiêu diệt các cường quốc thực dân!”

Tờ “Economist” ở London cho ông là một “trong những nhà chiến thuật quan trọng nhất thời chúng ta, có thể so sánh với một thiên tài chiến thuật khác, con cáo già sa mạc Erwin Rommel”. Qua mối liên kết với Bắc Việt Nam, Giáp đã mang lại cho Việt Cộng một cột trụ về tổ chức.

Cho tới năm 1964, lực lượng của Việt Cộng chỉ tuyển mộ từ những người tình nguyện. Trong khi Sài Gòn nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ mà có thể trả 108 Mark cho một người lính được tuyển mộ của họ thì Giáp chỉ có thể trả cho du kích của ông ấy 1,50 cho tới 2 Mark trong một tháng. Nhưng có những danh hiệu tuyên thưởng như “Dũng sĩ quyết thắng” hay “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tuy vậy một người Việt Cộng chỉ được nhận “Huân chương Giải phóng” khi có sự đồng ý của các chiến hữu.

Người Việt tìm đến đông tới mức tuy là đã trả lương ít ỏi nhưng Giáp còn đưa ra những đòi hỏi về chất lượng cho những người lính của ông ấy nữa: họ phải cao ít nhất là 1,47 mét.

Đầu năm 1965, chính phủ được nước Mỹ hỗ trợ ở Sài Gòn sắp chấm dứt. Thương lượng với Việt Cộng dường như là lối thoát cuối cùng. Lúc đó, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson cuối cùng đã biến cuộc nội chiến Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh của Mỹ: khi năm Thìn của Phật giáo kết thúc, trên 180.000 lính Mỹ đã đóng quân ở giữa vĩ tuyến 17 và đồng bằng sông Cửu Long.

Căn cứ Mỹ hình thành ở khắp nơi trong Nam Việt Nam. Với sức mạnh – lúc đầu còn kìm hãm – của cỗ máy quân sự Mỹ khổng lồ, du kích quân của Giáp phải bị đập tan.

Những gì mà người Pháp có trang bị yếu kém đã không thành công trong thời gian hơn tám năm thì những người lính Mỹ phải thành công trong một vài tháng. Vì họ mang thiết bị và niềm tự tin đến cùng. Họ không biết đến vị đắng của chiến bại.

Bị lóa mắt bởi niềm tin vào tính bất bại của Mỹ, tờ “Time” reo mừng trong tháng 10 năm 1965: “Chỉ mới vừa cách đây có ba tháng thôi, khi những người đàn ông nhỏ con mang lại cái chết trong bộ quần áo ngủ màu đen còn đi ngang dọc tùy thích qua Nam Việt Nam, cướp bóc, đốt phá, giết người … Đất nước này đã đứng ngay trước sự sụp đổ.”

“Ngày nay Nam Việt Nam đầy tràn sự kiêu hãnh và sức mạnh … Vì hỏa lực ghê gớm của người Mỹ đã làm rún động sức mạnh của Cộng Sản nên những kẻ đi săn dũng cảm như thế của ngày trước bây giờ đã trở thành những người nhút nhát bị săn lùng.”

Tổng thống Johnson hứa với người dân của ông: “Nước Mỹ chiến thắng các cuộc chiến tranh đã bước vào. Không có nghi ngờ gì về việc này cả.” Và vào lúc ban đầu, dường như ông ấy đã nói đúng.

Với cả một đoàn máy bay trực thăng, người Mỹ đẩy lùi quân đội của Giáp, lực lượng mà vào cuối 1965 đã bước lên bậc thứ ba của chiến tranh du kích và chuyển sang đánh trận công khai tại Plei Me: trên 1500 người lính của Giáp đã tử trận. Vị tướng của họ lui về bậc thứ hai.

Máy bay trực thăng Mỹ bắn bảo vệ cho quân lính Nam Việt Nam tấn công một căn cứ của Việt Cộng ở phía Bắc của Tây Ninh gần biên giới Campuchia. Ảnh: AP Photo/Horst Faas

Máy bay trực thăng Mỹ bắn bảo vệ cho quân lính Nam Việt Nam tấn công một căn cứ của Việt Cộng ở phía Bắc của Tây Ninh gần biên giới Campuchia. Ảnh: AP Photo/Horst Faas

Người Việt Nam, bẩm sinh sợ đêm tối, học được rằng màn đên chính là người bạn của họ: người da trắng không thể nhìn thấy gì, máy bay của họ không cất cánh.

Dưới lòng đất, Việt Cộng đào một hệ thống đường hầm rộng khắp. Họ may ba lô của họ từ những bao đựng bột mì đã lấy trộm của Mỹ, những cái thường còn mang hàng chữ “Một món quà của nhân dân Mỹ.”

Họ làm những chiếc võng nylon của họ từ dù chiến lợi phẩm. Họ đeo ở dây thắt lưng của họ một bình nước, một bịt gạo và một vài quả lựu đạn, lựu đạn mà các nhà máy bí mật ở trong rừng sản xuất có cho đến 5000 quả mỗi tháng trong mỗi một nhà máy.

Việt Cộng còn biết trước cả các kế hoạch của địch thủ: mạng lưới điện thoại quân đội Mỹ “Tiger” được điều hành bởi các nữ nhân viên điện thoại người Việt.

“Khi người Mỹ tiến vào”, Nguyễn Hữu Thọ nói, sếp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, “khi họ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh với người của họ thì người của chúng tôi đứng ở nơi mà chúng tôi muốn. Chúng tôi chiếm giữ tất cả các điểm chiến lược quan trọng, và họ không còn cách nào khác hơn là tiến hành cuộc chiến theo các điều kiện của chúng tôi.”

Những người lính Mỹ có thống trị các thành phố và căn cứ đi chăng nữa, vùng đồng bằng với khoảng 10 triệu người nông dân vẫn nằm trong tay của Việt Cộng. Người Mỹ đã không thành công trong việc làm giảm thiểu con số của

  • những ngôi làng do Việt Cộng thống trị
  • những người lính được Việt Cộng tuyển mộ ở bên ngoài vùng ảnh hưởng của họ
  • người Việt bị Việt Cộng giết chết.

Người Mỹ gửi đến đất nước này nhiều quân lính hơn nữa, và trước hết là thiết bị còn tốt hơn nữa: họ không muốn tin rằng du kích quân với vũ khí cá nhân có thể chống cự lại được với lực lượng chiến đấu lớn nhất được tập trung lại kể từ Đệ nhị thế chiến mà hỏa lực của nó lớn gấp tám lần hỏa lực của Đồng minh LHQ trong Chiến tranh Triều Tiên.

Thế nhưng cuộc chiến khủng khiếp ở châu Á đã làm tiêu tan những thành công của người Mỹ. Trong cơn mưa bom của những chiếc máy bay Mỹ, trong hỏa lực của đại bác và hỏa tiễn Mỹ, hàng chục ngàn người đã ngã xuống – nhưng không chỉ quân du kích. Với mỗi một quả bom rơi trúng một ngôi làng, với mỗi một thường dân tử thương, sự ngờ vực, sự căm phẫn của người dân Nam Việt Nam lại tăng lên.

Vì thế mà khi những người đồng minh bảo vệ Sài Gòn và Huế yêu cầu ném bom xuống một vài khu phố trong tuần trước nữa, thì người Mỹ cũng không thực hiện những phi vụ đó. Từ nỗi lo sợ, giết chết người dân thường nhiều hơn nữa, họ dứt khoát yêu cầu phi công Nam Việt Nam hãy ném bom xuống các thành phố Nam Việt Nam.

Nhưng ở những nơi mà Việt Cộng về phần mình tiến hành khủng bố thì sự khủng bố đó lại có tác động tâm lý chống Mỹ: cho tới chừng nào mà những con người xa lạ đó còn ở trong đất nước này thì không có hòa bình – người Việt Nam hẳn cho rằng là như thế. Việt Cộng thu nhận được tân binh trong thành thị và ở nông thôn.

Theo thông tin của Thiếu tướng Sidle từ bộ tham mưu của Westmoreland, trong tháng 11 năm 1967 có tổng cộng tròn 248.000 người chiến đấu cho Việt Cộng:

  • 118.000 người trong các đơn vị chính quy
  • 90.000 người trong du kích quân tuy ở địa phương nhưng hoạt động chiến đấu
  • 40.000 người trong hành chính và cung cấp

Tướng Sidle không tính vào lực lượng vũ trang của Việt Cộng:

  • 85.000 cán bộ, trưởng làng và nhân viên thâu thuế cũng như
  • 50.000 dân quân, những người không tiến hành các chiến dịch mà chỉ bảo vệ làng của họ.

Theo thông tin từ Hà Nội, toàn bộ Việt Cộng – tức là kể cả cán bộ vả dân quân – tạo thành bảy sư đoàn và bảy lữ đoàn. Nhiều sĩ quan của họ đã từng chiến đấu chống người Pháp. Họ xuất thân từ Nam Việt Nam, nhưng được đào tạo trong quân đội Bắc Việt Nam của Giáp.

Đồng thời, du kích quân của Giáp khai thác những nguồn thu nhập mới: những khách sạn, quán rượu mà muốn Việt Cộng dung tha phải trả tiền “an ninh” hàng tháng. Và khi nhiều cô gái Việt chiều chuộng những anh chàng lính Mỹ đã mệt mỏi vì chiến tranh, Việt Cộng cũng cùng thâu tiền.

Nông nghiệp trong những vùng do Việt Cộng kiểm soát bị thâu thuế có hiệu quả nhất. Từ 15 đến 40 Mark một hecta, thêm vào đó, khi bán người nông dân phải đưa từ hai đến bốn phần trăm tiền thuế cho những người thâu tiền của Việt Cộng. Nếu một thành viên gia đình chiến đấu cho Việt Cộng thì tiền thuế ít hơn. Cho mỗi một người con trai trong quân đội Sài Gòn, tiền thuế sẽ tăng lên để trừng phạt.

Việt Cộng luôn xuất hiện ở nơi không có người Mỹ, họ bắt buộc Tướng Westmoreland luôn luôn phải di chuyển lực lượng của mình – trung thành với học thuyết của Mao, rằng phải làm cho địch thủ kiệt quệ trong giai đoạn thứ hai của chiến tranh du kích.

(Còn tiếp)

Phan Ba dịch từ Der Spiegel: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135625.html

Đọc những bài khác trên trang Chiến tranh Việt Nam

18 thoughts on “Những tội phạm dũng cảm (phần 2)

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 16-05-2012 « BA SÀM

  2. Dành chính quyền bằng hình thức khủng bố, sao mà man rợ quá, bây gio dân chỉ nói lên chính kiến của mình là bị quy chụp cho cái tội khủng bố. Không biết ai là khủng bố nhỉ?

  3. Pingback: Tin thứ Năm, 17-05-2012 « BA SÀM

  4. Pingback: Tin thứ Tư, 16-05-2012 | Dahanhkhach's Blog

  5. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 16-05-2012 | bahaidao

  6. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 16-05-2012 « doithoaionline

  7. Pingback: Tin thứ Năm, 17-05-2012 | Dahanhkhach's Blog

  8. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 17-05-2012 | bahaidao

  9. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 17-05-2012 « doithoaionline

  10. Pingback: ***TIN NGÀY 2/2/2013 -Thứ Bảy « ttxcc6

  11. Pingback: Tin thứ Bảy, 02-02-2013 | Dahanhkhach's Blog

  12. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

  13. Pingback: Lượm tin tức | Dahanhkhach's Blog

  14. Pingback: Tin thứ Năm, 17-05-2012 « BA SÀM

  15. Pingback: Mậu Thân 1968: Những tội phạm dũng cảm | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  16. Pingback: Mậu Thân 1968: Những tội phạm dũng cảm | Nhận thức là một quá trình...

Bình luận về bài viết này