Nhật ký sau giải phóng (25)

“Phi chính trị có nghĩa là phản động”

7/6/1975

[…]

Trong khi các quyền lực chính trị mới đang cố gắng mang Sài Gòn vào vòng kiểm soát, người nước ngoài dưới sự hỗ trợ của chính phủ vẫn tiếp tục rời khỏi nước. Hàng tuần có một vài máy bay của chính phủ bay sang Vientiane, chở theo những người nước ngoài nào muốn rời khỏi nước. Margit và Jean-Pierre tiễn một người Pháp ra sân bay. Có rất ít kiểm soát ở cổng, nhưng bù vào đó thì người ta kiểm soát càng nhiều va li và phim ảnh của người ra đi. Bất cứ món hành lý nào cũng bị tháo ra. Margit nhìn thấy một tập tài liệu hay tập ghi chép bị tịch thu. Các hành khách chỉ chửi rủa: “Thật không  thể tin được!”, trong lúc những người lính MTGP, với sự lịch sự bình thản, vẫn tiếp tục tiến hành kiểm soát. Tất nhiên là người ta cũng không cho phép mang theo thư từ, và trao đổi thư từ với nước ngoài vẫn còn chưa được thiết lập. Từ hai tuần nay, chỉ có liên lạc điện tín với nước ngoài. Trong khu vực phi trường, người ta có thể nhìn thấy rõ những đống đổ nát của chiến tranh. Ngôi nhà Defense Attache’s Office  (DAO) của quân đội Mỹ là một đống gạch hoang tàn. Rác rưởi chất chồng và tỏa ra một mùi hôi khủng khiếp. Những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn còn nằm quanh. Ở góc phi trường và đường Võ Tánh, một cái chợ bán bàn ghế đã lan rộng ra, lấn chiếm tới nửa con đường, rõ ràng là xuất phát từ những ngôi nhà bị hôi của thuộc người Việt Nam và người Mỹ giàu có. Chợ đen vẫn còn chưa bị cấm. Chúng tôi vui mừng trở về nhà, vì trên đường phố của chúng tôi ít bị phá hủy hơn.

Một đội xử bắn người Việt nhắm vào một tù nhân bị trói lại ở Sài Gòn trong bức ảnh được công bố trên tờ báo của Chính phủ Cách mạng Nhân dân Nam Việt Nam "Giải phóng". Bức ảnh được công bố ngày 27 tháng 5 tại Sài Gòn, đến New York hôm thứ bảy. Chú thích nói rằng một người ăn trộm có tên là Võ Văn Ngọc đã đền tội trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người dân.

Một đội xử bắn người Việt nhắm vào một tù nhân bị trói lại ở Sài Gòn trong bức ảnh được công bố trên tờ báo của Chính phủ Cách mạng Nhân dân Nam Việt Nam “Giải phóng”. Bức ảnh được công bố ngày 27 tháng 5 tại Sài Gòn, đến New York hôm thứ bảy. Chú thích nói rằng một người ăn trộm có tên là Võ Văn Ngọc đã đền tội trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người dân.

BBC tường thuật rằng sắp tới đây chính phủ sẽ tiếp nhận quyền lực của UBQQ. Nhưng báo Sài Gòn Giải Phóng cho tới nay vẫn không xác nhận bất cứ điều gì tương tự như vậy. Ngày kỷ niệm lần thứ sáu ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, ngày 6/6/1975 đã trôi qua mà không có gì gây sự chú ý. Người ta chỉ biết rằng có chính phủ này, và ai đứng sau nó. Người dân thường chỉ biết tên của những thành viên quan trọng nhất, Phát, Thọ, bà Bình. Hôm nay, một bài diễn văn của Phát, người đứng đầu chính phủ, được in ra trên báo. Nhưng dường như là chính phủ này vẫn còn chưa có ý nghĩa thực tế cho người dân. Có lẽ rồi cuối cùng ngân hàng sẽ mở cửa, khi chính phủ này thật sự bắt đầu nắm quyền ở Nam Việt Nam.

Cuộc tranh cãi giữa những người Công giáo tiến bộ và bảo thủ dường như đã lan rộng ra. Hôm nay, báo Sài Gòn Giải Phóng cũng can thiệp vào trong cuộc xung đột này. Đó là qua một ghi nhận nhỏ với tựa đề “Nhiều tổ chức Công giáo yêu cầu sứ thần của Tòa Thánh Henri Lemaitre hãy rời khỏi Việt Nam”. Theo tờ báo, người ta quy cho ông rằng dưới “nhãn hiệu” chống cộng sản, ông đã tấn công nhân dân và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Các linh mục đã tụ họp lại và đưa ra yêu cầu của họ cho tổng giám mục. Được đưa ra như là các tổ chức tiến bộ: Phong trào Thanh niên Công giáo Đại học, Phong trào Công giáo Xây dựng Hòa bình, Thanh niên Công giáo, các học sinh của dòng Chúa Cứu Thế, Phong trào Công giáo và Nhân dân, Phong trào Công nhân Công giáo Trẻ, Hiệp hội Sinh viên Công giáo Sài Gòn và Hiệp hội Sinh viên Công giáo Minh Đức.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

2 thoughts on “Nhật ký sau giải phóng (25)

  1. Pingback: Nhật ký sau giải phóng (24): Chờ giấy phép | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  2. Pingback: Nhật ký sau giải phóng (25): “Phi chính trị có nghĩa là phản động” | CHÂU XUÂN NGUYỄN

Bình luận về bài viết này