Nhật ký sau giải phóng (5)

Trong Ủy ban Hành chánh Phú Nhuận

03/05/1975

Một đặc tính mới có ảnh hưởng quyết định tới cuộc sống bắt đầu hiện dần ra ở Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ ở trong ủy ban hành chánh của Phú Nhuận. Trước đây, tôi rất hiếm khi phải đến đây, để ghi nhận những thay đổi vào trong quyển sổ gia đình, để xác nhận chữ ký, v.v. Tôi chỉ miễn cưỡng đặt chân qua ngưỡng cửa, vì cơ sở hành chánh này đối với tôi đã trở thành hiện thân cho tệ quan liêu của Việt Nam. Luôn có một đoàn người chen chúc nhau trước các quầy và rồi được các nhân viên nhà nước mang vẻ chán nản gửi đi nơi khác. Các cô “thơ ký đánh máy” trẻ tuổi trong chiếc áo dài xinh đẹp hay cáu bẳn và hành hạ người dân, những người không biết gì nhiều về tất cả những quy định của nhà nước. Rồi phải có chữ ký của người phó quận. Người này trông có vẻ như đã trở nên rất khá giả nhở vào công việc của mình. Và tôi còn nhớ, vừa bực mình vừa buồn cười, rằng sau đó còn phải để cho đóng dấu vào các văn kiện nữa, những cái trước sau gì thì cũng đã có chữ ký rồi. Là người nước ngoài, tôi bình thản chấp nhận số phận của mình, số phận mà tôi đã tự lựa chọn nó – ngược với người dân Việt Nam.

Chợ Lớn, tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images

Chợ Lớn, tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images

Hôm nay tôi lại đi vào trong ủy ban hành chánh, vì bệnh xá mà Trung Tâm Xã hội Y tế đã quyết định thành lập sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng. Bây giờ không còn nhìn thấy những nhân viên nhà nước mập mạp đó nữa, mà là nhũng người trẻ tuổi mang súng, nhưng cũng có một người phụ nữ đã có tuổi trong quần và áo khoác màu đen, làn da rám nắng, tóc được tết lại thành một bím ngắn. Lần này còn có cả trà cho chúng tôi, hẳn là những người khách hơi đặc biệt một chút. Chúng tôi phải chờ, vì người mà chúng tôi muốn gặp không có ở đây. Thế nhưng sau một thời gian thì chúng tôi được gọi trở vào tòa nhà chính. Nó tạo ấn tượng của một trại lính: đạn dược, vũ khí và quân phục được đặt ở nhiều góc nhà. Trong một gian phòng khác, nhiều chiến binh giải phóng đang ăn cơm. Chúng tôi bước vào gian phòng của người sếp, cái mà tôi đã biết từ thời gian trước đây. Bây giờ, bên cạnh cái bàn làm việc có một cái giường lớn với mùng, vì người ta phải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Gian phòng hôi mùi thuốc lá, giống như người ta đã hội họp cả đêm ở đây. Người ta xin lỗi vì thiếu khả năng tiếp đón trong những ngày này, và mặc dù vậy chúng tôi lại được mời trà.

Rồi hai người đàn ông bước vào, được giới thiệu cho chúng tôi là cán bộ cao cấp của cách mạng. Lần đầu tiên, đây là những người đàn ông đã lớn tuổi. Người nói chuyện mặc một bộ quân phục màu xanh, lại không có quân hàm. Khuôn mặt nổi bật, rất gầy guộc của ông để cho phỏng đoán rằng đối với ông, mục tiêu của một cuộc chiến đấu và của một cuộc đời đầy gian khổ đã đạt tới. Ariel thông dịch từ tiếng Việt. Cuộc trao đổi bắt đầu với nghi thức truyền thống, mà trong đó người ta hỏi thăm về sức khỏe của tôi và gia đình tôi. Tôi trả lời rằng gia đình tôi và cả mọi thành viên trong Trung Tâm đều khỏe mạnh, tất cả đều đã an toàn qua được các trận đánh của những ngày vừa qua và bây giờ thì vui mừng rằng hòa bình đã được lập lại.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi phần lớn chỉ là một sự trao đổi những lời tuyên bố. Người ta trình bày tất cả những dòng suy nghĩ, đúng theo phép tắc Việt Nam. Người đối thoại với chúng tôi bắt đầu mô tả lại cuộc đấu tranh hào hùng giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Bây giờ thì mục tiêu đã đạt được rồi. Tôi trả lời, rằng tôi luôn luôn muốn tránh việc terre des hommes ghép đặt chương trình của mình từ bên ngoài vào, và tôi luôn luôn muốn phát triển kế hoạch với các nhân viên người Việt, để làm những gì có lợi nhất cho trẻ em Việt Nam. Câu trả lời này, cái cố gắng gạt sang một bên phương cách hơi tân thực dân của terre des hommes, dường như đã gây được nhiều ấn tượng.

Người đối thoại với tôi bắt đầu gọi tôi là “anh bạn”. Ông ấy không quan tâm nhiều cho lắm tới những việc nhỏ của bệnh xá. Ông thừa nhận ông là  người của quân đội và không thể nói chiều về chi tiết với chúng tôi. Mặc dù vậy ông vẫn cố gắng đưa ra nhiều lời khuyên và hứa sẽ thông báo về việc chúng tôi đã khai trương bệnh xá trong Phú Nhuận. Người đồng chí kia của MTGP im lặng cho tới cuối. Ông chỉ lắng nghe, quan sát và thỉnh thoảng gật đầu tán thưởng. Chỉ vào lúc cuối là ông có nói một lời ngắn gọn. Ông chúc mừng tôi, rằng tôi đã ở lại đây như là người Đức, nhưng cũng bày tỏ sự đáng tiếc của ông, rằng cả trong Đại sứ quán Đức cũng bị cướp bóc trong thời gian hôi của. Trong lúc đó, một quả lựu đạn đã được quẳng vào trong sứ quan và nhiều người đã tử thương. Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe được về vụ việc này.

Daily Life In Saigon, Vietnam In May, 1975 -

Sau cuộc trao đổi, chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể tiếp tục công việc của chúng tôi thêm một thời gian nữa, nhưng sẽ nhanh chóng có sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ nhà nước. Chúng tôi cần phải suy nghĩ xem những gì là cần thiết cho xã hội Việt Nam. Trong trường hợp có những kế hoạch nào đó mâu thuẫn với chính phủ cách mạng, theo những người đối thoại với chúng tôi, thì người ta không ép buộc có những thay đổi mà chỉ cố gắng trao đổi với nhau. Người ta khuyên chúng tôi không nên đi ra khỏi thành phố ngay vào lúc này, vì hệ thống thông tin nhà nước chưa được thành lập. Điều có thể xảy ra ví dụ như là một giấy đi đường được cấp ở Sài Gòn sẽ bị nghi ngờ là giả mạo ở Đà Lạt.

Cả ở trên một phương diện khác, Việt Nam cũng có một hình ảnh mới. Không còn có thể nhận ra được văn hóa thành thị tinh tế trong radio được nữa. Thay vào đó là những bài tường thuật và lời kêu gọi cách mạng hùng hồn cũng như nhạc hành quân và cách mạng. Các chương trình nhạc trước đây đầy những lời ca đa cảm. Bây giờ là những bài hát hân hoan và mộc mạc của một dân tộc nông dân đã chiếm lĩnh các thành phố.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này