Nhật ký sau giải phóng (1)

Nhật ký sau giải phóng - Walter Skrobanek

Ông Walter Skrobanek, sinh năm 1941 ở Graz (Áo), lớn lên trong vùng Wiesbaden (Đức), học đại học trong nửa sau của thập niên 1960 về chính trị học, xã hội học và lịch sử tại trường Đại học Heidelberg (Đức), bảo vệ bằng tiến sĩ về chính trị Phật giáo ở Thái Lan. Sau đại học, ông là nhà báo tự do và biên tập viên tại nhiều nhật báo trong vùng Mainz (Đức). Năm 1973, ông cùng với vợ người Thái Siriporn sang Sài Gòn để làm việc tại đó cho tổ chức giúp đỡ trẻ em terre des homme. Từ 1976, ông là điều phối viên của terre des hommes cho Đông Nam Á và sống ở Bangkok cho tới khi về hưu và qua đời vì bệnh tật năm 2006.

Quyển nhật ký của ông, được bắt đầu ở Sài Gòn vào ngày 28 tháng Tư 1975, thành hình từ ý nghĩ rằng lịch sử bây giờ đang được viết ở xung quanh ông.

Sài Gòn, ngày 28 tháng Tư 1975

Từ Chủ Nhật hôm qua, Sài Gòn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Trong một giờ yên lặng vào chiều tối – đài phát thanh Mỹ vẫn còn phát nhạc ướt át đang thịnh hành – tôi chợt muốn gửi cho các người thêm một vài dòng, để các người biết rằng cuộc sống vẫn còn tiếp tục.

Ngày thứ hai hôm nay đã mang lại cho chúng tôi nhiều điều mới. Ví dụ như lần trở về đầy phiêu lưu của các cộng tác viên chúng tôi, đã mang sữa và dược phẩm đến cho những người tỵ nạn ở Vũng Tàu. Chúng tôi nghĩ rằng họ đã “ở phía bên kia”. Vì lực lượng của Mặt Trận Giải phóng (MTGP) đã cắt đứt con đường giữa Sài Gòn và Vũng Tàu vào chiều thứ bảy. Lúc đó là vài giờ sau khi một chiếc xe buýt nhỏ của trung tâm với bảy người của chúng tôi lên đường đi đến trại tỵ nạn ở đó. Mãi sang ngày chủ nhật, chúng tôi mới nhận ra rằng chuyến trở về là ít có khả năng, khi một nhóm nhân viên thứ hai của terre des hommes muốn lên đường đi Vũng Tàu. Chiếc xe buýt nhỏ chỉ tới được lối rẽ đi Vũng Tàu của xa lộ Biên Hòa. Quân cảnh chỉ cho phép họ quay trở lại Sài Gòn ngay lập tức. Suýt chút nữa thì chuyến trở về Sài Gòn cũng đã không thành công, vì quân đội MTGP đã chiến đấu ở ngay cạnh cầu Sài Gòn rồi. Xuyên qua làn đạn, chiếc xe Hồng Thập Tự của terre des hommes tìm đường trở về trung tâm. Vào chiều tối ngày chủ nhật, đài phát thanh của MTGP loan báo đã chiếm được hai thành phố Long Thành và Phước Lễ trên đường về Sài Gòn.

Vì vậy mà chúng tôi ngạc nhiên không ít, khi nhóm bảy người đó, nhóm mà đã đi Vũng Tàu ngay từ hôm thứ bảy, lại trở về đến trung tâm, tất nhiên là không còn chiếc xe. Họ đã để chiếc xe đó lại trong sân của sở Bưu Điện ở Vũng Tàu, và đi về Sài Gòn qua một con đường vòng khủng khiếp bằng tàu thủy và taxi. Họ đã qua đêm ở ngoài trời. May mắn là họ có mang thẻ của terre des hommes theo mình, chứ nếu không thì họ đã bị xem như là người tỵ nạn và đã bị chận lại.

Cũng vào ngày hôm nay, một ủy ban chấp hành của trung tâm xã hội-y khoa terre des hommes được thành lập, cái sẽ đưa ra mọi quyết định về nguyên tắc. Ủy ban này sẽ họp mỗi tuần một lần, và hy vọng rằng trong cấu trúc của nó sẽ lường trước được những gì còn chưa đạt tới về chính trị ở Nam Việt Nam. Nó bao gồm tất cả các lãnh đạo dự án có trách nhiệm và một người đại diện nhân sự. Trong lúc đang thành lập, một trong những trận mưa giông đầu tiên của năm nay đã ập xuống, và giữa những tiếng sấm đã có thể nghe được tiếng hỏa tiển nổ. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc họp. Sau khi họp xong, tiếng ồn máy bay và tiếng bom nổ trở nên lớn bất thường. Người ta hầu như không thể phân biệt được cái nào là tiếng sấm cái nào là tiếng nổ. Mới hai giờ trước đây, chúng tôi đã quyết định di tản các trẻ sơ sinh và trẻ em của trại mồ côi Dieu Quang vào trong nhà trẻ của chúng tôi. Họ đến đúng trong khoảnh khắc này. Dựa trên lời thỉnh cầu của ban lãnh đạo trại mồ côi, chúng tôi đã quyết định như vậy, vì trại này nằm trên đường phía nam vào Sài Gòn và ở gần trạm radar trung tâm đã bị bắn phá nhiều lần của Nam Việt Nam. Vài phút sau đó, nhiều đứa bé sơ sinh khác tiếp tục được đưa vào nhà trẻ chính của trung tâm. Đó là những đứa bé của “Chương trình dành cho gia đình nghèo” từ nhà đối diện, cái mà trong trường hợp báo động thì cần phải được di tản. Một ban chuyên về khủng hoảng của trung tâm đã đưa ra những kế hoạch này.

Terre des homme cho chở trẻ em bị thương sang Đức để chăm sóc. Hình: tdh

Terre des homme cho chở trẻ em bị thương sang Đức để chăm sóc. Hình: tdh

Những đứa bé quá cảnh, tạm thời ở chỗ chúng tôi cho tới khi được mang tới chỗ ở cố định, thêm vào đó là những đứa bé liệt nửa người còn ở lại Sài Gòn và một vài nhân viên đứng trên lũy của cái hầm trú ẩn mà chúng tôi đã cho người đào trong tuần trước để phòng những trận tấn công bằng hỏa tiển. Họ quan sát những chiếc máy bay tiêm kích đang bay lên, những cột khói trên phi trường Sài Gòn vừa mới bị bỏ bom và cố phát hiện ra loại súng, bom, tên lửa, súng phòng không hay súng máy nào đã nổ, khiến cho người ta nhớ tới pháo hoa giao thừa như thế nào đó. Các nhân viên khác nghe tin tức ở nhiều máy bán dẫn. Nhưng vẫn không rõ là trận pháo hoa vào buổi tối này là do ai gây ra. Radio đang truyền đi bài diễn văn của Tổng thống Hương sắp từ chức và của Tổng thống mới Minh.

Sau này mới biết rằng đó không phải là truyền trực tiếp. Vào thời điểm đó, Tổng Thống, Thượng Viện và Hạ Viện đã rời Dinh Độc Lập. Chứ nếu không thì họ đã lãnh bom của những nhóm chống lại lần bổ nhiệm người tổng thống trung lập.

Nhiều nhân viên, bạn bè và trẻ em đổ vào trung tâm. Cửa được khóa kín. Sự hoảng loạn giảm dần, khi biết rằng MTGP không có kế hoạch tấn công Sài Gòn bằng hỏa tiển. Họ đứng cách Sài Gòn ba ki-lômét và còn chờ một đối tác để đàm phán. Tất cả đều hy vọng rằng Tướng Minh có thể là đối tác này. Tôi đi về nhà, liên kết ngày lẫn đêm với trung tâm qua điện thoại, nơi mà cũng đã bố trí trực điện thoại suốt ngày đêm.

Lúc đó, đài phát thanh của Mỹ nói rằng: “Chúng tôi xin quý vị chú ý. Bắt đầu ngay từ bây giờ là giới nghiêm 24 tiếng đồng hồ. Yêu cầu tất cả mọi người hãy ở lại tại chỗ.” Liệu lệnh giới nghiêm này có được hủy bỏ vào sáng ngày mai hay không thì không ai biết. Ngày mai sẽ biết công việc của chúng tôi có thể sẽ được tiếp tục như thế nào.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

1 thoughts on “Nhật ký sau giải phóng (1)

Bình luận về bài viết này