Thánh Victor Hugo ở Tây Ninh (hết)

Tây Ninh, bốn mươi phút trực thăng về phía Tây của Sài Gòn, tám kilômét về phía Đông của biên giới với Campuchia, đã được Graham Green nhắc tới trong quyển sách ‘Người Mỹ trầm lặng’ của ông. Tây Ninh là thủ đô và là trung tâm của giáo phái Cao Đài, cái có riêng một đạo quân nhỏ vào thời người Pháp thống trị ở Đông Dương và vẫn còn cho tới thời của Diệm. Tầm quan trọng về chính trị của họ tương đối nhỏ, quân đội đã giải tán từ lâu.

Người Cao Đài tin vào sự xuất hiện lần thứ ba của Thượng Đế trên trần thế, ‘sự thật thiêng liêng’. Họ cảm nhận tôn giáo của họ là sự hợp nhất của tất cả các tín ngưỡng đang tồn tại và cũng đã tiếp nhận từ các tôn giáo khác những gì mà họ cho là đúng đắn. Các tòa thánh của họ giống nhau cũng như các nhà thờ thông thường ở châu Âu giống nhau. Họ đã tiếp nhận nhiều nguyên tố xây dựng và phong cách của nhà thờ Kitô giáo và chùa Phật giáo. Có một đài thờ ở mặt trước của một gian giữa rộng lớn. Tâm điểm của đài thờ này là một con mắt khổng lồ được vẽ trên một quả thiên cầu màu xanh nhạt, con mắt của Thượng Đế. Ẩn ở phía sau đó, được những cột trụ tròn quay quanh, là một loại bàn thờ, không cho người lạ vào. Trước đó có những chiếc ghế vàng của giáo chủ và các viên chức sắc của ông. Có một loạt các thánh canh giữ cho tín ngưỡng này – người nổi tiếng nhất đối với người châu Âu là Victor Hugo. Hai gian bên được chia ra bởi nhiều cây cột tròn có những con rắn khổng lồ quấn quanh lên trên. Tất cả ở trong và bên ngoài tòa thành đều được tô bằng những màu sắc rực rỡ, đa số là vàng. Ấn tượng đầu tiên của người Âu: lòe loẹt, thạch cao, vữa nổi, màu sắc sặc sỡ như ở một gian hàng trên chợ trong châu Âu. Nhưng có phải là tự phụ và tự cao hay không, khi lấy thị hiếu của chúng ta làm thước đo cho những gì mà người châu Á cảm thấy đẹp? Và các nhà sư hiền lành, những người đã viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức lời yêu cầu tiếng Việt, nên cởi giày ra trước khi bước vào tòa thành, rất hãnh diện vì tòa thánh của họ.

Tòa Thánh Tây Ninh 1967

Tòa Thánh Tây Ninh 1967

Ở Tây Ninh, người Mỹ đã xây bệnh viện dã chiến hiện đại nhất của họ trong trung tâm của một doanh trại quân đội khổng lồ của họ. Những đoạn có thể bơm lên được, bao gồm những thanh nẹp riêng lẻ, có thể được xếp hàng cạnh nhau thành những khu chữa trị với ba mươi giường trên nền đất đã được san phẳng. Những thanh đó không chỉ tách rời ra với nhau mà còn có vỏ đôi để mảnh pháo và đạn không gây ảnh hưởng đến tính ổn định. Có thể gắn phòng nhỏ ở mặt trước, những cái, cũng như các gian chữa trị kia, được cung cấp điện và điều hòa nhiệt độ từ những cỗ máy khổng lồ qua những dây dẫn to còn hơn cả ống hút hơi của bếp nấu ăn. Trang thiết bị với giường, nơi tắm rửa có thể gấp lại được và những thứ cần thiết khác đều đã được tiêu chuẩn hóa và phần lớn là bằng kim loại nhẹ. Những cái bàn phẫu thuật nặng đến năm mươi kí lô trên đệm không khí có thể được đẩy đi bằng hai ngón tay. Một đơn vị như thế có giá là mười triệu Mark, mỗi một cỗ máy tiêu mười ngàn lít xăng trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Phí tổn này hẳn chỉ có thể có với khả năng khổng lồ của quân đội Mỹ. Nhưng các lợi thế thì thật là đáng để kinh ngạc. Trong vòng ba mươi phút, một đơn vị bệnh viện có thể được tháo dỡ, treo thành hai hay ba phần dưới bao nhiêu đó trực thăng và sau khi đến vùng chiến sự có thể được xây lên và sẵn sàng hoạt động cũng chỉ trong vòng ba mươi phút. Sau khi được xác định vị trí trực tiếp ở mặt trận, một người lính Mỹ bị thương có thể được trực thăng mang trực tiếp đến bệnh viện dã chiến và trong trường hợp thuận lợi nhất thì đã có thể nằm trên bàn mổ sau nửa giờ. Được thông tin trước về vết thương từ trên trực thăng qua đàm thoại vô tuyến, đội ngũ phẫu thuật có thể đứng sẵn sàng lúc thương binh về đến và có thể chăm sóc cho người này dưới những điều kiện làm việc không hề tạm bợ.

Trong tháng 12 năm 1966, khi tôi đến thăm bệnh viện dã chiến này, những kỹ thuật viên, y tá và bác sĩ trong đội ngũ đó đã tự phát triển lấy mỗi một chi tiết. Tất nhiên là họ rất tự hào về việc đó và hơi thất vọng, khi tôi kể cho họ rằng ở Đức cũng có một phòng phẫu thuật giống y như thế được xây lên dưới cái tên ‘Clino-Box’. Họ cũng đầy tự hào chỉ cho xem những cái tay cầm ở cạnh đèn mổ của họ, những cái mà có thể tháo rời ra và khử trùng được và cho phép người bác sĩ phẫu thuật điều chỉnh ánh sáng của cây đèn với găng tay đã tiệt trùng của ông theo ý muốn của ông. Tôi không thể nhịn được lời lưu ý ác độc, rằng chúng tôi cũng có những cái tay cầm đó của đèn mổ trên tàu bệnh viện. Rất đáng tiếc là trong thực tiễn thì không thể sử dụng chúng được, vì trong lúc mổ thế nào các chiếc mũ phẫu thuật không được tiệt trùng cũng chạm vào chúng, tức là không được phép sờ vào với găng tay đã được tiệt trùng. Và những cây đèn đó cũng không sáng tới mức người ta có thể đặt chúng ở một độ cao mà chiếc mũ không chạm tới được. Những cái tay cầm đó chỉ là một món đồ chơi vô ích. Thế nhưng ngoại trừ cái việc nhỏ đó thì cái bệnh viện dã chiến ở Tây Ninh là một thiết bị đáng khâm phục, và các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên, những người đã phát triển nó, có thể có quyền tự hào vì nó. Đối với những người bị thương thì nó là vô giá.

Doanh trại quân đội, mà bệnh viện này nằm ở trong đó, có thể được nhìn thấy từ một ngọn núi bị Việt Cộng chiếm giữ, có hình nón vươn cao lên từ vùng đất bằng phẳng. Dù đã cố gắng nhiều lần dưới sự cộng tác của một cựu sĩ quan Việt Cộng đã quen thuộc với những nơi ẩn nấp đó, người Mỹ cũng không thành công trong việc đẩy lùi Việt Cộng, những bậc thầy của ngụy trang, ra khỏi ngọn núi. Nằm cách đó không xa cũng là ‘Tam Giác Sắt’ nổi tiếng, một vùng đất mà quân đội quốc gia đã không còn bước vào kể từ cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Trong tháng 1 năm 1967, người Mỹ với nổ lực to lớn đã cố chiến thắng Việt Cộng trong ‘Tam Giác Sắt’ đó. Người dân được di tản ngày nay sống một cuộc sống rất đáng thương hại trong các trại tỵ nạn, trong khi Việt Cộng vẫn tiếp tục giữ vững các công sự dưới mặt đất của họ.

Người Việt và người Mỹ còn có một đồng minh thứ ba trong vùng này của đất nước. Ở phía Tây của Tây Ninh, trong Thanh Điền, người Philippines đã khởi động một dự án mang tính gương mẫu trên nhiều phương diện. Dưới tên ‘1st Philippine Civic Action Group’ và với nhãn hiệu ‘bayanihan’, tức ‘giúp đỡ thiện nguyện của láng giềng’, một đơn vị 2000 người bao gồm lực lượng chiến đấu, công  binh, bác sĩ, nha sĩ và y tá đã giữ một vùng đất rộng gần năm ngàn hecta, bình định và xây dựng với thành công đáng ngạc nhiên. Ngoài ra còn có 14 thôn được chăm sóc. Các lực lượng chiến đấu bảo đảm an ninh cho vùng, công binh xây đường xá, làng mạc với nhà công sở và tất cả những gì thuộc trong đó, và những người ngành y chăm sóc cho người dân. Nếu muốn thì có thể chế nhạo rằng có một cái loa phóng thanh được lắp đặt ở trên trạm nha khoa để tiêu khiển cho bệnh nhân bằng những bài hát được ưa thích. Không thể không nhìn thấy sự thành công, trong vòng 13 tháng các đội ngũ bác sĩ và nha sĩ – theo thống kê – đã tiến hành một trăm năm mươi ngàn lần chữa trị. Người Philippines cố gắng lôi kéo người Việt tích cực cộng tác. Một ngôi trường hay một ngôi nhà của làng mà người dân đã xây nó hàng tháng trời thì tất nhiên là có giá trị rất nhiều hơn một ngôi nhà, với khả năng của người Mỹ và những phương tiện trợ giúp kỹ thuật của họ, đã được giao lại chỉ sau vài tuần cho người dân làng ngạc nhiên, chỉ đứng nhìn trong thời gian xây dựng. Ngoài ra, người Philippines còn biết được một yếu tố khác của sự thành công trong công việc làm ở một đất nước xa lạ; Thiếu tướng Tobias, viên chỉ huy đơn vị, viết trong một mệnh lệnh trong tháng 12 năm 1966: “Người ta biết rằng phương pháp hữu hiệu nhất để giành được tình hữu nghị và sự cộng tác của người dân chính là sự nhận diện của chính chúng ta với họ. Chúng ta phải nhấn mạnh đến sự giống nhau của chúng ta với nhân dân Việt Nam, tức là hoàn cảnh, tập quán và cách sống giống nhau. Chúng ta phải khuyến khích quân đội của chúng ta hãy tự mình quan tâm đến từng người một.”

Ngoại trừ một vài người trẻ tuổi sống với người Việt trong làng, người Mỹ ở Việt Nam, cũng như ở khắp nơi trên thế giới, có khuynh hướng khép kín họ lại trước hoàn cảnh xa lạ. Họ sống trong những vùng được rào quanh, chỉ vào những quán ăn của riêng họ hay quán ăn Âu và mua trong những cửa hàng riêng của họ, những cửa hàng mà họ thành lập ngay lập tức khi họ đóng lại ở một nơi nào đó. Họ biểu lộ rõ ràng tại mỗi một cơ hội, rằng về cơ bản họ nhìn người Việt như những người em nhỏ dại sẽ không bao giờ có thể học được cách người ta làm việc này hay điều kia như thế nào. Người Việt phản ứng rất nhạy cảm với điều đó, có lẽ là quá nhạy cảm, ngay khi họ hiếm khi để lộ ra điều đó; họ được giáo dục quá tốt để mà có thể làm như thế. Nhưng ở dưới bề mặt có một sự phản kháng chống lại tất cả những gì là Mỹ, một sự phản kháng mà cả những người Mỹ ‘tốt’ cũng hầu như không thể phá vỡ xuyên qua được. Tất nhiên là có cả những điều khác đóng một vai trò trong đó: người Mỹ thật sự lả những kẻ khổng lồ khi so với người Việt mảnh khảnh, họ sở hữu thừa thãi mọi thứ và dường như có thể đạt được đến mọi thứ, trong khi người Việt phải trông cậy vào quà tặng và tài tổ chức không thuộc vào trong những đặc tính nổi bật của họ. Họ đơn giản là phải chống cự lại lực mạnh mang tính đè bẹp của người Mỹ.

Có lẽ rồi ở Việt Nam điều đó cũng sẽ thắng thế, cái được gọi là sự Mỹ hóa. Có ý muốn nói ở đây là những cái máy hát nhạc, bao bì chân không bằng nhựa, bia lon, những vật chỉ được sử dụng một lần và các thói quen tất yếu phải gắn liền với chúng, tiêu chuẩn hóa và đơn giản hóa. Theo ý kiến của tôi thì điều đó ít có liên quan đến sự lan truyền những hiện tượng đặc trưng của Mỹ, mà là một hệ quả của mức sống đang tăng lên, trong nước nào thì cũng vậy thôi. Rạp chiếu bóng vào đến làng cùng với điện, và cùng với rạp chiếu bóng là những cuốn phim đa sầu đa cảm. Nước Mỹ lâu nay đã là đất nước có mức sống cao nhất thế giới. Nhờ khoảng cách đi trước này mà các đồ vật làm tăng thêm nữa sự tiện nghi hàng ngày của con người thường được phổ biến đầu tiên là ở trong Hoa Kỳ. Mỹ hóa về nguyên tắc không nên hiểu là cách sống từ Mỹ mà là cách sống như trong nước Mỹ. Nếu mức sống ở Việt Nam một ngày nào đó cũng mang những dấu hiệu rõ rệt của sự Mỹ hóa này thì điều đó không có nghĩa là người Việt ưa thích người Mỹ. Mối quan hệ với những người chủ trước đây của đất nước thì có khác đi. Ngay cả khi đó chỉ là một ‘đẳng cấp quan lại’, cái đã rộng mở cho ảnh hưởng của Pháp, còn nhận dạng mình trong phong tục và tập quán với nó nữa – không ít lần tôi nghe được lời phát biểu của người Việt: “Tôi nói tiếng Pháp tốt hơn là tiếng Việt” – nhưng nó lại bao gồm đại đa số giới trí thức của đất nước. Vì thế mà tôi đã hỏi người Việt: “Lý do gì mà các bạn lại đánh giá người Pháp cao hơn là người Mỹ, mặc dù người Pháp đã cai trị các bạn và người Mỹ chỉ muốn giúp các bạn thôi?”

“Người Pháp”, họ nói, “hiểu chúng tôi tốt hơn, họ đã sống với chúng tôi, sống giữa chúng tôi và đã ăn thức ăn của chúng tôi. Người Mỹ sống cách biệt với chúng tôi trong đất nước của chúng tôi và không muốn ăn thức ăn của chúng tôi.”

Điều đó có lẽ là không hoàn toàn đúng. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhìn thấy được ở một vài người Pháp sự kiêu căng thuộc địa mà không có người Mỹ nào có cả. Nhưng rõ ràng là người Pháp đã tạo được một ấn tượng khác, họ khéo léo hơn.

Cũng thành công tương tự như người Philippines là người Hàn Quốc ở trong vùng Quảng Ngãi, những người tuy phải chiến đấu với sự khủng bố thật đáng sợ, nhưng lại bảo đảm an ninh tuyệt đối trong vùng đất mà họ đã giật lại được từ Việt Cộng. Ngoài ra, những người lính thỉnh thoảng lại giúp đỡ nông dân trong lúc thu hoạch. Nhưng cả một dự án có ích như dự án của người Philippines có lẽ cũng sẽ bị chấm dứt quá sớm. Tướng Tobias, người mà Mary McCarthy gọi là một tuýp người giống như Yul Brynner, thuật lại cho tôi nghe trong một lần viếng thăm con tàu bệnh viện, rằng phe đối lập trong quốc hội đã tạo ra nhiều khó khăn để chống lại việc giúp đỡ Việt Nam và đơn vị này rất muốn rút về.

Đọc những bài trước ở trang Chúng Tôi Không Hỏi Họ Từ Đâu Đến

Sách đã được phát hành trên Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA

3 thoughts on “Thánh Victor Hugo ở Tây Ninh (hết)

  1. Pingback: Thứ Năm, 31-10-2013 | Dahanhkhach's Blog

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 31-10-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 31-10-2013 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này