Sylvia Roba: Các cuộc biểu tình đã đặt dấu ấn lên cả một thế hệ

Tôi nghĩ rằng 1965 là lần đầu tiên mà tôi là nữ sinh viên đã tham gia một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở tại đại học Iowa. Tôi đang đi với một cô bạn gái thì có một nhóm người đi ngược lại. Họ mang theo đèn pin và nhiều tấm bảng, và tôi có thể nhận ra ngay rằng đó là một cuộc biểu tình chống chiến tranh. Cô bạn học của tôi rất bực tức, vì người yêu của cô phục vụ trong Navy và cô ấy nói rằng những người này không có quyền làm một điều như vậy. Phản ứng của tôi thì khác. Tôi không biết những con người đang đi ở đó là ai, cũng không biết mục đích của họ. Nhưng tôi cảm nhận rằng đó là một cái gì đấy có dính líu tới tôi.

Hàng trăm ngàn người biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam ở New York vào ngày 27 tháng Tư  năm 1968

Hàng trăm ngàn người biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam ở New York vào ngày 27 tháng Tư năm 1968

Những cuộc biểu tình này có ảnh hưởng lớn đến thế hệ của chúng tôi cho tới mức ngày nay chúng tôi thường đưa ra câu hỏi: Bạn đã làm gì trong những năm sáu mươi? Bạn có đi biểu tình không? Bạn có ở trong quân đội không? Tôi là một phần của thế hệ này, và điều đó có nghĩa là người ta hoạt động chính trị. Tất cả chúng tôi cùng nhau hành động. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã hợp nhất chúng tôi và đồng thời cũng chia rẽ. Điều đó đã có thể thấy rõ ở lần đi biểu tình đầu tiên của tôi. Ở đó có những người đứng ở vỉa hè hoan hô chúng tôi, và những người khác chửi mắng chúng tôi. Cả cảnh sát cũng hiện diện, nhưng tôi không có cảm giác là họ muốn bảo vệ những người biểu tình. Trong những năm đầu tiên, có đôi lúc cảnh sát mất kiểm soát – họ đã đánh đập và thậm chí bắn người nữa. Sau này có nhiều bắt bớ. Tất cả chúng tôi đều biết rằng điều đó có thể xảy ra cho mỗi một người trong số chúng tôi.

Thời đó, chúng tôi biết rất ít về cuộc chiến này và những nguyên nhân của nó. Chúng tôi chỉ cảm nhận được là có điều gì đó không đúng. Ai đó có lần đã nói rằng nếu như không có cuộc Chiến tranh Việt Nam thì chúng tôi đã phát minh ra nó. Thế hệ của chúng tôi cần một cái gì đó để động viên mình, để hoạt động. Nhìn theo một mặt nhất định thì việc đó còn có một khía cạnh xã hội: người ta đơn giản là có những thứ ma túy tốt nhất và tình dục tốt nhất khi ở trong phong trào phản chiến.

Bản thân tôi thời đó ủng hộ những ý tưởng hết sức giáo điều. Ví dụ như chúng tôi từ chối tất cả những gì có liên quan như thế nào đó tới quân đội. Tôi phải thú nhận rằng tôi đã ở lại quan điểm giáo điều này rất lâu. Điều đó chỉ thay đổi khi tôi xem phim “Born on the Fourth of July” – về một người sinh cùng năm với tôi và đã ở Việt Nam. Phim đó nói về việc đời lính đã làm thay đổi cuộc sống của anh ấy như thế nào. Sau đó – tôi có lẽ đã khoảng bốn mươi – lần đầu tiên tôi đã nhìn toàn bộ sự việc bằng con mắt khác. Trước đó, tôi chưa từng xem xét toàn bộ bức tranh, tôi lúc nào cũng đã chia ra thành “chúng tôi” và “họ”: “Chúng tôi” đã làm điều này và “họ” đã làm điều kia. Sau phim đó, tôi đã khám phá ra một “chúng tôi” mới. Tất cả chúng tôi đã tham gia vào một cái gì đó đã xảy ra trong đất nước của chúng tôi, hay đã xảy ra cho người từ đất nước của chúng tôi trong một đất nước khác. Tôi bắt đầu nhìn thấy nạn nhân ở khắp nơi, và không chỉ là những nạn nhân Nam hay Bắc Việt. Tôi bắt đầu nhìn những người đàn ông thời đó còn rất trẻ từ đất nước của chúng tôi, những chàng trai 17, 18 và 19 tuổi, những người mà chúng tôi gửi ra ngoài để đi giết người. Tôi chưa từng bao giờ suy nghĩ rằng điều đó phải có những tác động nào lên họ. Ở đại học của chúng tôi cũng có những người trở về từ Việt Nam. Họ không được ai hoan nghênh chào đón. Tôi nghĩ rằng những người cựu chiến binh đó hẳn phải cảm thấy bị cô lập vô cùng và hết sức cô đơn.

Hàng trăm ngàn cựu chiến binh Việt Nam tiến về Capitol ở Washington, yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam

Hàng trăm ngàn cựu chiến binh Việt Nam tiến về Capitol ở Washington, yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam

Trong nửa sau của những năm sáu mươi, phong trào chống chiến tranh ngày càng lớn hơn và mạnh hơn. Điều đó có thể cảm nhận được trong SDS (Students for a Democratic Society), phong trào mà đã bắt đầu trong trường đại học Iowa năm 1964 hay 1965. Thời đó tôi đã cố liên kết, tham dự các buổi họp. Ở đó, tôi biết được những điều làm cho tôi sợ hãi, nhưng đồng thời cũng mang lại sức mạnh cho tôi để tham gia phong trào.

Tôi hầu như không còn nhớ rõ từng hoạt động một. Phần lớn là vào thứ tư, khi có gì đó xảy ra. Ở đó có một cái thùng nhỏ, có ai đó bước lên, rồi thảo luận. Tại một trong những ngày đó, Steven Smith đứng lên cái thùng đó và đã đốt giấy triệu tập nhập ngũ của anh ấy. Tôi cũng còn có thể nhớ rằng có lần máu đã chảy trên những bậc cầu thang, tượng trưng cho máu đã chảy ở Việt Nam. Điều kỳ lạ là tuy chúng tôi muốn nói tới các nạn nhân của người Việt lẫn người Mỹ, nhưng sự thương xót cho những người lính của chúng tôi là hầu như không có.

Khi rồi chiến tranh chấm dứt thì nó không giống như trường hợp của Bức tường Berlin sau này. Điều đó không giống như: “Okay, chúng ta đã có chiến tranh, và bây giờ thì chúng ta không có nó nữa.” Đó không phải là khoảng khắc nhất định đó, nó giống như đã có một cái gì đấy hết đong đưa bằng một cách nhất định, trở về trạng thái đứng yên. Cũng còn có bối rối một thời gian, là liệu cuộc chiến có thật sự đã chấm dứt hay không. Tôi nhớ rằng thời đó tôi đã nghĩ rằng: “Thật là hết sức lãng phí, lãng phí tính mạng con người. Lãng phí một đất nước đẹp.” Tôi nhớ chính xác điều đó: Thật là hết sức lãng phí!

Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

4 thoughts on “Sylvia Roba: Các cuộc biểu tình đã đặt dấu ấn lên cả một thế hệ

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 17-09-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: tin thứ 4 17.9.14 « Tiếng Nước Tôi

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 17-09-2014 | doithoaionline

  4. Pingback: ***TIN NGÀY 21/9/2014 -Thứ Bảy. « PHẠM TÂY SƠN

Bình luận về bài viết này