Dean Hubbard: Sinh viên đốt giấy triệu tập nhập ngũ của họ

Dean Hubbard là chủ nhiệm khoa của đại học Iowa vào cuối những năm sáu mươi.    

Các cuộc biểu tình của sinh viên chống chiến tranh ở Việt Nam bắt đầu vào giữa những năm sáu mươi. Những cuộc biểu tình này lúc đầu còn dè dặt, nhưng rồi đã tăng lên cùng với hoạt động tham chiến ngày một tăng của Mỹ ở Đông Dương. Khi những giấy triệu tập nhập ngũ đầu tiên được gửi về, mọi việc bắt đầu leo thang. Các sinh viên phản đổi đã dùng trí thông minh của họ để đảm bảo một tính công chúng lớn như có thể được. Họ thông báo các hoạt động của họ cho các đài truyền hình và phát thanh cũng như báo chí. Có lần họ đã chặn đường cao tốc cả ở hai chiều và gây ra một hỗn loạn trong giao thông. Cũng có những lời đe dọa đánh bom, thậm chí là cả cho một bệnh viện nữa.

Chúng tôi cố gắng trao đổi với các sinh viên. Trường đại học được đặt vào tình trạng báo động. Chúng tôi thành lập một đội trực riêng, cũng ở lại trong các tòa nhà về đêm. Các bạo loạn ở Đại học Quốc gia Kent mà trong đó nhiều sinh viên bị bắn chết cũng có nhiều tác động lớn đến thành phố của chúng tôi. Người thống đốc đã sẵn sàng sử dụng vệ binh quốc gia trong trường hợp cần thiết để chống lại các phá phách trong khuôn viên trường địa học. Chúng tôi cũng có người của chúng tôi ở ngoài đó trong đám đông với máy bộ đàm, để luôn luôn nhận được thông báo về tình hình.

Vệ binh bắt đầu nổ súng tại Kent State University

Vệ binh bắt đầu nổ súng tại Kent State University

Con trai tôi thời đó cũng có mặt trong số những người biểu tình. Tôi đã nói chuyện với nhiều người trong số họ; là chủ nhiệm khoa nên họ rất cởi mở đối với tôi. Bất cứ lúc nào các sinh viên có kế hoạch hành động mới, họ không bao giờ làm điều đó trong bí mật mà luôn luôn tìm tới công chúng đề động viên càng nhiều người tham gia càng tốt. Thế là tôi thường xuyên đi tới các tụ điểm đã được thông báo trước. Lúc đầu họ rất nghi ngờ, nhưng rồi khi họ nhận ra rằng tôi không phải là một tên gián điệp, mà chỉ cố gắng giúp họ, thông báo các ý kiến và phản đối của họ trong khuôn khổ các quy định của trường đại học thì chúng tôi quen nhau tốt hơn.

Vào thời gian đó thì không thể đoán trước được là tình hình sẽ tiếp tục phát triển như thế nào. Nhiều người lo sợ một âm mưu trên khắp nước, một hành động tập trung của nhiều trường đại học. Nhưng tôi tìm hiểu và biết được là các sinh viên tuy có liên lạc qua điện thoại với các bạn học của họ ở Columbia hay Wisconsin, nhưng chỉ để biết có việc gì xảy ra ở đó. Không có kế hoạch chung mà chỉ đơn giản là thông tin. Là lãnh đạo trường, chúng tôi cũng nhận được bảo sao của tất cả những gì được bàn thảo và quyết định – các sinh viên muốn như vậy. Tức là lúc nào tôi cũng có thông tin.

Đúng như dự đoán, các bộ môn khoa học xã hội là lực thúc đẩy chính cho các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên. Họ tích cực hoạt động và rất hăng hái, tức là không thực tế như bạn học của các chuyên ngành khác, những người đến đó vì tò mò thì nhiều hơn. Trước chiến dịch phản chiến, nhiều sinh viên đã hoạt động trong phong trào dân quyền. Có một nhóm ở Iowa, tự gọi mình là “Chương trình Giúp đỡ Mississippi”; họ thu thập quần áo, sách và những thứ khác cho người Mỹ gốc Phi ở miền nam. Sau khi Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến ở Việt Nam, một nền tảng phản đối rộng lớn đã thành hình từ đó. Martin Luther đã nói chuyện nhiều lần tại trường và lúc nào cũng có rất đông người nghe.

Kent Massacre 1971 Pulitzer Prize John Paul Filo

Thảm sát Kent 1971

Cả trong giới giáo sư cũng có hai phái. Một vài giảng sư là người chống chiến tranh cực đoan và hoàn toàn ủng hộ các yêu cầu của giới sinh viên. Khi có lần 200 sinh viên bị bắt giam, vì họ không tuân theo lời yêu cầu giải tán, thì trong số những người bị bắt giam cũng có một giáo sư tôn giáo học nổi tiếng. Các giảng sư khác tiếp tục làm việc bình thường và chỉ có bày tỏ thiện cảm, phản đối ôn hòa, để phô bày sự hỗ trợ của họ.

Tất nhiên là cũng có những hành động gây sự chú ý. Như sinh viên đốt lửa trong khuôn viên nhà trường mặc dù đã bị cấm, đốt những tờ giấy triệu tập nhập ngũ của họ và rất nhiều thứ khác, nhưng không đốt cờ. Họ biết rằng phản đối càng ồn ào thì nó càng được truyền thông và toàn bộ công chúng nhận biết sâu đậm hơn. Và cuối cùng thì đó chính là mục đích của họ.

Xin nói thêm là chúng tôi không bao giờ được FBI hay CIA liên hệ vì những vụ biểu tình phản đối. Tôi cũng không muốn cho phép có, vì đối với tôi, chức năng đào tạo của trường đại học đứng trước hết thảy. Đó không phải là ý định của chúng tôi, ngăn cản việc làm của các cơ quan an ninh, mặt khác, chúng tôi cũng không muốn sinh viên có thể nhìn chúng tôi như là những người cộng tác. Tất nhiên là chúng tôi làm việc chung với cảnh sát, vì chúng tôi có cùng chung ý muốn giữ vững trật tự. Sự cộng tác này luôn dựa trên tinh thần và các quy định của trường đại học chúng tôi; nếu có những điều gì đó có chiều hướng chống lại thì chúng tôi không hợp tác.

Khi cuối cùng rồi các đàm phán hòa bình ở Paris bắt đầu, tất cả chúng tôi đều theo dõi rất sát sao, hy vọng có một kết cuộc dứt khoát cho cuộc chiến mà sinh viên của chúng tôi đã phản đối nó mạnh tới như thế. Khi nhìn lại, tôi cho rằng suốt cà thời gian đó, trường đại học đã chứng tỏ nó là một nơi chốn cởi mở, công bằng cho những ý kiến và phát biểu khác nhau.

Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

2 thoughts on “Dean Hubbard: Sinh viên đốt giấy triệu tập nhập ngũ của họ

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 16-09-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 16-09-2014 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này