Wu: “Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình”

Việc Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã làm tăng căng thẳng trong vùng. Wu Sichun, sếp của thinhtank Trung Quốc NISCSS, bảo vệ bước đi này.

Cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 2 tháng Nam, khi “China National Offshore Oil Corporation” (CNOOC) của nhà nước dựng dàn khoan dầu HD-981 của họ trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Sau đó đã xảy ra nhiều va chạm giữa các tàu thủy của Trung Quốc và Việt Nam, và hai nước cộng sản đã đổ lỗi cho nhau. Ở Việt Nam đã có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc mà trong đó có hai người chết và hàng chục nhà máy bị hư hại. Hiện giờ, Trung Quốc đã di tản hơn 3000 công dân của họ ra khỏi Việt Nam.

DW: Tại sao Trung Quốc lại yêu cầu có quyền khoan dầu trong vùng biển cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền?

Wu Sichun: Nơi mà hiện giờ “China National Offshore Oil Corporation” (CNOOC) đang hoạt động ở biển Đông chỉ nằm cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Vùng này thuộc quần đảo Hoàng Sa hay Paracel mà đường cơ sở của nó được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền từ 1996. [Đường cơ sở tạo thành đường ở phía ngoài của vùng biển thuộc một quốc gia có bờ biển hay một hòn đảo. Vùng đặc quyền kinh tế được đo bắt đầu từ đây, chú thích của ban biên tập.]

Theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), quần đảo Hoàng Sa có một vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý. Đảo Tri Tôn là một điểm trên đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa. Vì giàn khoan dầu nằm trong vùng lân cận của hòn đảo này nên Bắc Kinh có chủ quyền trên các tài nguyên thiên nhiên nằm ở đó.

Trước tình trạng khởi điểm này, Trung Quốc đã dự tính trước với phản ứng của Việt Nam, và đã chuẩn bị tốt để bảo vệ chủ quyền của mình trong vùng biển này trước bất kỳ hình thức đe dọa nào.

Cả Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền quần đảo đó. Ông có quan điểm như thế nào về việc này?

Khi xem xét kỹ lịch sử thì người ta sẽ tìm thấy các bằng chứng ủng hộ rất mạnh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Năm 1958, nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam trong một công văn gửi người đồng nhiệm Trung Quốc Chu Ân Lai đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội tuy vậy đã rút lại điều này sau khi đất nước tái thống nhất năm 1975. Thế nhưng dựa trên cái được gọi là nguyên tắc cơ bản Estoppel (mà theo đó một bên này không còn được phép nghi vấn quyền đã được xác nhận của một bên khác) thì Trung Quốc không tin là Việt Nam có thể thay đổi quan điểm đã từng được đưa ra về các vấn đề chủ quyền.

Wu SiChun

Wu SiChun

Các chuyên gia cho rằng ở nơi đó trữ lượng dầu không có nhiều, nơi là giàn khoan được lắp đặt. Quyết định đưa giàn khoan đến đúng nơi đó có phải chủ yếu là có động cơ chính trị hay không?

Doanh nghiệp dầu mỏ Trung Quốc CNOOC hoạt động từ mười năm nay trong những vùng biển này. Họ có một kế hoạch để khảo sát địa chấn và tìm mỏ dầu có hệ thống. Bây giờ, doanh nghiệp này đang trong giai đoạn mà xây dựng giàn khoan dầu đã được dự định trước. Tất nhiên là mỗi một lần khoan đều có rủi ro về kinh tế. Trong ý nghĩa này thì khai thác các nguồn năng lượng ở biển Đông là một quyết định chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có các cân nhắc kinh tế làm cơ sở cho một bước đi nhu vậy. Bất kỳ đất nước nào cũng cần nhiều nguồn năng lượng khác nhau.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đổ lỗi cho nhau vì các tranh chấp mới đây. Bắc Kinh muốn gửi thông điệp nào tới Washington?

Hoa Kỳ quả quyết là “không thiên vị”. Tuy vậy, họ ủng hộ rõ ràng quan điểm của Việt Nam và đã cáo buộc Trung Quốc đã hành xử “khiêu khích” và “hung hăng” trong cuộc tranh chấp Trung-Việt quanh giàn khoan dầu. Cáo buộc Trung Quốc và diễn tả Việt Nam như là nạn nhân là không khách quan. Và cũng không hữu ích cho sự thông hiểu lẫn nhau trong trường hợp này, khi Hoa Kỳ có một thái độ thiên vị như vậy.

Ở biển Đông, các tranh chấp và căng thẳng đã tăng lên từ khi chính phủ dưới thời Tổng thống Obama tuyên bố quay sang châu Á (“pivot to Asia”). Tôi cho rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ nên suy nghĩ lại và cân nhắc thêm một lần nữa chính sách của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, họ cần phải nói gì và làm gì để góp phần thật sự vào cho hòa bình và ổn định trong vùng.

Các tranh chấp mới đây và những vụ bùng nổ bạo lực liên quan có ảnh hưởng gì tới các liên kết Trung – Việt hay không?

Quan sát riêng của tôi là các cơ quan nhà nước Việt Nam đã khoan dung cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, thậm chí còn khuyến khích, với mục đích tạo áp lực lên Trung Quốc. Rất đáng tiếc là các cuộc biểu tình đã nhanh chóng leo thang và trở thành những cuộc bạo động chống công dân và doanh nghiệp Trung Quốc ở Nam Việt Nam. Thiệt hại về người và tài sản chắc chắn sẽ có hại cho sự cộng tác song phương và gây bất an cho cộng đồng Trung Quốc ở Việt Nam.

Biểu tình chống Trung Quốc. Hình Reuters

Biểu tình chống Trung Quốc. Hình Reuters

Nhiều chuyên gia lý luận rằng các tranh chấp lãnh thổ trong biển Đông một phần bắt nguồn từ một tấm bản đồ do Cộng hòa Trung Hoa công bố năm 1947. Nó có một đường hình chữ U ở biển Đông, trải dài dọc theo đất liền Nam Trung Quốc và tiếp tục dọc theo bờ biển Việt Nam, chạy ngang qua Malaysai và Indonesia ở miền Nam, rồi dọc theo Philippine và Đài Loan tiến lên phía Bắc. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vùng biển ở bên trong đường này. Nguồn gốc của xung đột có nằm ở đây hay không?

Căng thẳng hiện nay ở biển Đông chắc chắn là không do đường chữ U gây ra mà là do các hành động khiêu khích của một vài quốc gia tuyên bố chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ vi phạm các quy tắc ứng xử để giải quyết hòa bình các xung đột mà ASEAN trong một tuyên bố đã đưa ra năm 2002.

Mặc dù tình trạng pháp lý của đường chữ U không được chính phủ Trung Quốc giải thích, nhưng các khoa học gia Trung Quốc dựa lập luận của mình trên pháp lý (chủ quyền) và lập luận lịch sử cũng như trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Theo đó, Trung Quốc có quyền tối cao đối với tất cả các vùng ở bên trong đường này, điều đó bao gồm chủ quyền và cả quyền tài phán, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đã quy định.

Nằm ở tâm điểm của xung đột này là câu hỏi về định nghĩa theo pháp lý của đất và nước, của chủ quyền và vùng ảnh hưởng của một đất nước. Philippines đã hướng tới Tòa án Công lý Quốc tế ở Den Haag để nhờ làm trọng tài phân xử tìm một giải pháp thương lượng cho các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Trung Quốc đã nói rõ là sẽ không tham gia tranh tụng, và sự khước từ này dựa trên luật pháp quốc tế. Philippines đã tiến hành nhiều bước đi khiêu khích để tiếp tục thổi bùng lên cuộc tranh chấp ở biển Đông. Cuối cùng thì đây không phải là giải thích và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Ở tâm điểm của xung đột là việc Philippines tuyên bố bất hợp pháp chủ quyền lên các hòn đảo, rạn san hô và núi đá ở biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi ở quần đảo Trường Sa và vùng biển bao quanh chúng, và chủ quyền này dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý đầy đủ.

Ngoài ra, Philippines đã cố gắng lôi kéo Mỹ vào cuộc bằng cách củng cố các quan hệ quân sự song phương và cho phép Washington đóng quân nhiều hơn trên đất nước của họ. Việc lôi kéo Hoa Ký và các quốc gia ngoài khu vực sẽ dẫn tới một tranh giành quyền lực và cạnh tranh  ở biển Đông. Điều này không phải là hữu ích và sẽ còn làm xấu thêm tình hình.

Wu SiChun, giám đốc Viện Quốc gia Nghiên cứu về biển Đông (National Institute for South China Sea Studies, NISCSS) là một trong các thinktank dẫn đầu của Trung Quốc với trọng tâm đặc biệt về nghiên cứu liên ngành biển Đông.

Làn sóng Đức

Phan Ba dịch từ http://www.dw.de/wu-china-wird-seine-rechte-verteidigen/a-17652963

Đọc những bài khác về vụ giàn khoan HD-981 ở cuối trang Chiến tranh Việt Nam

6 thoughts on “Wu: “Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình”

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 24-05-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 24-05-2014 | doithoaionline

  3. Pingback: Hữu nghị viễn vông, lệ thuộc… |

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 24-5-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  5. Pingback: -Wu: “Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình” « PHẠM TÂY SƠN

Bình luận về bài viết này