Đừng làm đổ trà của chủ ngươi (hết)

Người ta đã viết nhiều về Sài Gòn trong những năm vừa qua, có lẽ vì có những nhà báo nào đó tìm thấy hình ảnh Việt Nam của mình ở Sài Gòn và khách sạn ‘Caravelle’ là trạm cuối của chuyến đi đến Việt Nam của ông. Nhưng vài khía cạnh riêng lẻ và những ấn tượng ngắn ngủi không thể là lời phán xét cuối cùng về đất nước này được.

Sài Gòn 1967

Sài Gòn 1967. Hình của Bill Mullin

Mary MacCarthy mô tả Sài Gòn như là ‘một PX khổng lồ, một siêu thị cho lính Mỹ.’ Ở đó ‘hầu như không có gì là hàng Việt để mua cả, ngoại trừ hoa’, đập vào mắt bà là những cửa hàng bán ô tô với xe Mỹ, trò chơi trẻ con Mỹ và máy đánh chữ hiệu Olivetti. Sài Gòn ‘ngày nay ít kỳ lạ hơn là Florence hay Place de la Concorde’. Như thế này – có lẽ ai cũng tìm thấy được những gì mà người đó muốn tìm thấy và Mary MacCarthy đã tìm thấy những người đồng hương của bà ở Sài Gòn. Ít kỳ lạ? Có thể, vì ở kỷ nguyên của sự đồng phục hóa này, như ngay Tucholsky cũng đã nhận định, trong thành phố lớn nào của thế giới này mà còn sự kỳ lạ? Chắc chắn là Mary MacCarthy đã không bước vài bước chân từ đại lộ Lê Lợi đến ngôi chợ mà ngày nay vẫn mang tính Việt như bao lâu nay. Ở đó, người ta chào mời những loại trái cây phong phú, ‘kỳ lạ’ của Việt Nam, những trái xoài, vú sữa, thanh long, đu đủ và nhiều thứ khác nữa, những thứ không có tên trong tiếng Đức. Có thể là quần áo chất thành từng đống lộn xộn đó một phần không xuất xứ từ Việt Nam, nhưng chúng chắc hẳn không đến từ PX. Hàng thịt, ba tê, rau cải cũng như giày là hàng Việt. Ở đây không có bán Whisky ‘Johnnie Walker’ và ‘Time Magazin’. Các tấm bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos ở quảng trường trước nhà ga đúng là phô bày một người da đen đang cười với hàm răng trắng. Nhưng quảng cáo cho kem đánh răng với những gương mặt của người da đen và hàm răng trắng của họ thì chắc hẳn không phải là phong cách Mỹ. Tôi tình cờ làm quen được với ông chủ hãng kem đánh răng này. Đó là một người Hoa trong Chợ Lớn, người nói tiếng Pháp tốt hơn tiếng Anh nhiều. Các quảng cáo bia ’33’ bên cạnh gương mặt mỉm cười của người da đen đó quảng cáo cho một loại bia Pháp–Việt. Tất nhiên là hàng hóa Mỹ được mua bán trên vỉa hè của những con đường chính, vì người Mỹ mua ở đây, không phải người Việt. Mary MacCarthy tìm thấy mình ‘lại ở trong một thành phố Mỹ’. Thực sự thì người Mỹ mang lại cho hình ảnh của thành phố này hầu như không nhiều hơn một vết màu có thể nhìn thấy rõ được, nếu như người ta đi khỏi khu vực ngay cạnh các cửa hàng PX, các khách sạn dành riêng cho người Mỹ và các trụ sở của họ chỉ năm mươi mét thôi, vào trong mê cung của các con hẻm nhỏ, và loại trừ đường Tự Do, nơi những người nghỉ phép từ mặt trận và thủy thủ lảo đảo đi từ quán rượu này vào quán rượu khác và không có một người Việt nào tình nguyện đi dọc theo đó, người mà không muốn bán một thứ gì đó cho người Mỹ. Mary MacCarthy tìm thấy không biết bao nhiêu là nhà hàng Pháp trong Sài Gòn này, nơi mà bà cảm thấy như đang ở trên ‘một hội chợ trong một thành phố Mỹ tầm thường’. Thật sự thì ngày nay người ta có thể đếm được các nhà hàng Pháp trên đầu ngón tay. Lẽ ra bà nên tìm thời gian để đi dạo dọc theo kênh Bonard, cũng còn được gọi là kênh Lò Gốm, hay ở ‘Suối Tàu’ trong Chợ Lớn, với những chiếc thuyền, chiếc ghe nằm trên cạn vào lúc nước rút; hay lẽ ra bà nên đi vào những khu nhà sàn trên bờ Đông sông Sài Gòn, nơi những đứa trẻ con chơi mạt chược và những người chữa bệnh nhổ răng ngay trên đường phố và thay bằng răng vàng vào đó; hay lẽ ra là vào dịp Tết, cái mà bà cũng nhắc đến, bà nên đi vào một ngôi chùa, nơi người xa lạ cũng có thể tự do quan sát được cuộc sống và hoạt động của người Việt. Cả đó cũng là Sài Gòn, cả đó cũng là Việt Nam, không chỉ vài con đường trong trung tâm mà những chiếc xe Jeep của hành chính quân đội cực nhọc xuyên qua đó, và những đoàn xe tiếp tế dính bùn. Không chỉ những cô gái duyên dáng, yêu kiều trong chiếc áo dài nhiều màu sắc của họ, mà cả những người khác, những người không bao giờ có thể mua được một cái áo dài, sống trong những con hẻm với bộ ‘pyjama’ màu đen hay in hoa, cũng là đặc trưng cho Sài Gòn. Vì người nghèo sống ở phía bên kia của ngôi chợ, cách xa những con đường lớn, những người chỉ có một phần nhỏ hay chẳng có phần nào trong số hai mươi lăm phần trăm bị lấy đi của hàng tiếp tế Mỹ, những người phải đưa con trai của họ đi lính và sống nhờ vào một nắm cơm. Họ là những bệnh nhân của con tàu bệnh viện.

Tất nhiên là không thể không nhìn thấy quân phục trong Sài Gòn cũng như ở khắp mọi nơi trong Việt Nam. Cuối cùng thì cũng đang có chiến tranh. Và ở Sài Gòn tôi cũng gặp cả tinh thần của đại úy Köpenick [người năm 1906 đã cải trang thành đại úy, xông vào tòa đô chính của thành phố Cöpenick, bắt giam thị trưởng và cướp két tiền của thành phố].

Cùng với viên sĩ quan thứ nhất của chiếc tàu bệnh viện, tôi đi xe ra cảng hàng không để đón một trong nhiều người khách đến thăm chúng tôi, lần này là một người đặc biệt quan trọng. Như thường lệ, máy bay muộn chuyến hai giờ đồng hồ và chúng tôi đứng đó và chờ. Không có gì nhiều để nhìn ngắm ngoại trừ các nữ tiếp viên của Air Vietnam và những hàng dài lính Mỹ đang kiên nhẫn chờ chuyến bay đi nghỉ phép của họ. Vì quân phục chiếm phần lớn ở đây, và người Mỹ cũng vậy. Không có thường dân người Việt nào được phép đi qua cổng kiểm soát đôi đó trước cảng hàng không, nếu như người đó không trình ra một tấm vé máy bay hay một thẻ căn cước đặc biệt. Cuối cùng, chiếc máy bay đáp xuống, và chẳng bao lâu sau đó chúng tôi nhìn thấy người mình chờ trong dòng người trước cổng kiểm soát hộ chiếu. Ở cảng hàng không của Sài Gòn, thông thường thì người ta có thể đi qua nơi bị chặn lại đó với một cái hộ chiếu ngoại giao, để đón tiếp những người vừa mới đến ở trước nơi kiểm soát hộ chiếu và có thể giúp họ tại các thủ tục không hoàn toàn đơn giản. Thế là tôi rút hộ chiếu ngoại giao của tôi ra và đưa cho viên cảnh sát xem, người, chỉ bằng nửa tôi, đeo khẩu súng ngắn xệ xuống hông theo kiểu phim cao bồi và cảnh sát Nam Việt Nam, đang đứng dựa vào cái cổng đó. Tôi muốn đi ngang qua anh, nhưng anh giữ tôi lại.

“Đây là một hộ chiếu ngoại giao”, tôi nói với anh.

“Chỉ dành cho hành khách thôi”, anh nói.

Vì đây là lần đầu tiên tôi gặp phải việc như thế này nên tôi chưng hửng và nghĩ rằng anh không hiểu tôi. Tôi giơ cái hộ chiếu sát mặt anh thêm lần nữa và giải thích thêm lần nữa, tôi là nhà ngoại giao và muốn đón ai đó. Anh thản nhiên lắc đầu, cái nón trượt qua trượt lại, và nhắc lại:

“Chỉ dành cho hành khách thôi.”

Vẫn còn chưng hửng và bây giờ thì cũng bực mình, tôi quay trở lại với viên sĩ quan tàu thủy, người đã quan sát cảnh đó.

“Để tôi thử xem”, ông nói.

Ông mặc một chiếc quần dài màu trắng, một cái áo ngắn tay màu trắng, cầu vai màu đen chẳng có gì trên đó ngoài ba vạch ngang màu vàng và một cái mũ màu trắng có huy hiệu tương đối không gây ấn tượng cho lắm của hãng tàu thủy. Ông bước thẳng tới cổng chận, thờ ơ chạm tay nhẹ vào vành nón trước viên cảnh sát, viên cảnh sát cũng thờ ơ chạm nhẹ vào nón của mình y như thế và để cho ông đi qua. Một bộ đồng phục, bất cứ đồng phục nào cũng được, đều có giá trị nhiều hơn là dân sự trong một đất nước đang có chiến tranh.

Đường Hàm Nghi, Sài Gòn, 1967

Đường Hàm Nghi, Sài Gòn, 1967

Vào một buổi tối, tôi được mời đi dự đám cưới. Một thương gia khá giả người Hoa cưới một cô gái Việt. Những cuộc ‘hôn nhân khác chủng tộc’ như vậy thỉnh thoảng cũng có, ngay cả khi người Hoa thường không hòa nhập vào người dân của đất nước mà họ đang sống ở trong đó, và những người kia cũng không hòa lẫn vào với họ. Đám cưới được bắt đầu với một buổi tiệc trong câu lạc bộ đêm đắt tiền nhất Sài Gòn, ‘Maxim’. Được mời đến dự ngoài hai gia đình còn có bạn bè của cô dâu và đối tác kinh doanh của chú rể. Buổi tiệc không có gì đặc biệt, nhưng đối với tôi thì những người khách dường như đáng để chú ý: những người đàn ông trẻ tuổi, trong bộ smoking của người thợ may tốt nhất thành phố, đang thờ ơ theo dõi chương trình biểu diễn bên cạnh những người phụ nữ duyên dáng, đeo trang sức đắt tiền của họ, trong khi trên đường phố có những người cùng trong lứa tuổi đó, trong những bộ quân phục không vừa vặn và với chiếc nón sắt quá lớn trên những gương mặt trẻ măng, được chở ra một mặt trận nào đó trên xe tải. Buổi tiệc cho khoảng một trăm người, trong cái quán đắt tiền nhất của thành phố, hẳn phải tốn cả một gia tài, trong khi cách đó năm mươi mét có những người ngủ trên vỉa hè và sống bằng một nắm cơm. Và cái xa lạ ở cảnh tượng này, cái rất là Á châu: tất cả những người đó, những người đàn ông trẻ tuổi với những cái bật lửa bằng vàng của họ cũng như những người phụ nữ và trẻ em dùng báo để đắp thay chăn ở ngoài kia, đều cảm thấy điều đó nói chung là cũng đúng. Ở châu Âu, những người với cái bật lửa bằng vàng có thể còn ‘bị lương tâm cắn rứt’, người ta muốn hy vọng thế, và những người nằm dưới mấy tờ báo sẽ chống đối. Không như thế ở châu Á, và tất cả những tưởng tượng của Phương Tây về đạo lý của cuộc chiến này đều không đúng là bởi vì vậy. Người láng giềng vui mừng, khi tai họa dung tha cho mình; người bị tai họa được xem là người bị xui xẻo, hoàn toàn không có sự hả hê hay ghen ghét ở trong đó. Hưởng lợi từ chiến tranh đối với họ là một trong những triệu chứng đáng mừng của chiến tranh, của cuộc sống trong chiến tranh, và kinh doanh là một hoạt động bất biến của con người, và lâu đời như việc bán dâm. Họ – mỗi người cho chính bản thân mình – cố làm điều tốt nhất từ hoàn cảnh đang thống trị.

Không thể  không nhìn thấy người Mỹ trong hình ảnh nhiều màu sắc của Sài Gòn, vì họ thường cao lớn gần gấp đôi người Việt. Những chiếc Jeep của họ cũng đập vào mắt, vì chúng nhiều hơn là xe của người Việt. Nhưng ‘bị Mỹ hóa’ thì nhiều lắm chỉ là khu mua bán trong trung tâm, nơi phần đông người da trắng cư ngụ và mua sắm. Ở nơi cần kiếm tiền, người Việt hòa nhập vào trong đó, ở bất cứ nơi nào mà họ nhìn thấy được một lợi thế. Nhưng ngoài vùng nhỏ đó thì họ đóng kín mình trước tất cả những gì mà Mỹ mang vào đất nước này, như chỉ một dân tộc lâu đời mới có thể làm được như vậy. Chỉ có một thứ, cũng như trên khắp thế giới, là thắng thế: rượu Whisky. Trong các nhà hàng hạng kha khá ở ngoại ô thành phố, những nhà hàng mà chỉ có một ít người da trắng lạc vào đó, nơi mà chỉ một ít người ngoại quốc thông thạo thỉnh thoảng mới đến để thử ẩm thực Việt Nam, người Sài Gòn không còn uống rượu đế bản địa nữa; thay vì vậy họ mang Whisky mua ở chợ đen đến và uống nó trong bữa ăn.

Thống trị Sài Gòn là những chiếc áo dài của phụ nữ Việt, những người tài xế xích lô gân guốc với gương mặt hằn dấu thuốc phiện của họ, những anh chàng trẻ tuổi trên những chiếc xe Honda của họ, những người đọc chỉ tay ở góc đường, các cô bán mía với những cái thúng trên chiếc đòn gánh vắt qua vai và lối đi nhún nhảy của họ, những người cha gia đình với vợ, hai hay ba đứa con trên những chiếc Vespa của họ, những người bán sách, quần áo, hàng PX trên vỉa hè của đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Sự hiện diện của người Mỹ bộc lộ nhiều hơn qua sự nở rộ của hàng trăm quán rượu và câu lạc bộ đêm. Và ngay cả khi những người lính Mỹ trông có vẻ rụt rè và không chắc chắn trên đường phố, thế nào đi nữa thì cũng cho tới chừng nào mà họ không uống quá nhiều, thì ở đây trong những quán rượu họ cảm thấy như đang ở nhà, ở đây tất cả mọi thứ đều xoay quanh đồng dollar của họ, ở đây người ta nói tiếng nói của họ. Những người thợ may nổi tiếng ngày xưa của Rue Catinat bây giờ đặt quân phục Mỹ vào sau kính chào hàng của họ trên đường Tự Do, và những đứa bé xin tiền không còn lẩm bẩm ‘deux sous, monsieur’ nữa, mà ‘gimme fi’ pi”. Tối tối vào lúc mười một giờ, khi bắt đầu giờ giới nghiêm cho lính Mỹ, những người tài xế xích lô đạp gọi khách bộ hành: “Want a very young girl, mister?” Mặc dù vậy, Sài Gòn vẫn còn là một thành phố tiểu thị. Các cô gái moi tiền lính Mỹ trong những quán rượu hầu như hoàn toàn tối mịt cho một ‘Saigon–Tea’ đắt tiền – tên sang trọng cho một ly uống rượu đầy nước ngọt hay quả thật là trà – biến mất qua cửa sau vào lúc mười một giờ, khi các quán rượu đóng cửa, và leo lên chiếc Vespa của người anh em ruột hay bạn bè ở góc đường, và nửa giờ sau đó trong toàn Sài Gòn không còn có bán bia nữa.

Vào lúc mười một giờ rưỡi, vài trăm người trào ra khỏi hai rạp chiếu bóng đã từng tiện nghi một thời, ‘Eden’ và ‘Rex’ trong trung tâm, mà trong đó khán giả không ngạc nhiên khi ghế rồi bất thình lình đổ sụp xuống hay chuột nhảy qua chân. Trong thời gian đó, rác từ trong nhà đã tụ tập lại trên vỉa hè trong sự che chở của bóng tối, cái rồi sẽ được xúc lên xe tải tại một ngày gần đây.

Vào lúc nửa đêm, giờ giới nghiêm, đường phố Sài Gòn không một bóng người ngoài cảnh sát Việt Nam với súng liên thanh và xe đạp của họ, ngoại trừ những chiếc Jeep mui trần của quân cảnh, được bảo vệ bằng những bao cát trên bộ tản nhiệt và những tấm thép ở phía sau lưng và bên cạnh, và ngoại trừ những đoàn xe quân đội với động cơ đang gầm lên, cuối cùng không còn bị giao thông ban ngày ngăn cản nữa, chạy từ cảng ở đường Hai Bà Trưng chạy lên về hướng Bắc.

Đọc những bài trước ở trang Chúng Tôi Không Hỏi Họ Từ Đâu Đến

Sách đã được phát hành trên Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA