Đừng làm đổ trà của chủ ngươi (phần 2)

Đó là một đất nước rất đẹp mà chiến tranh đang được tiến hành thật ác liệt ở đó; trong vòng hai mươi năm đã là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhì, như Bernard Fall gọi nó trong quyển “Street without Joy” của ông, vì nó bao gồm ít nhất là biên giới của tất cả các nước ngày xưa đã từng hợp thành Liên bang Đông Dương. Lại là một cuộc “chiến tranh không giới tuyến”, và điều đó có nghĩa là không có vùng an toàn nào cả. Cuộc chiến có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả khi chẳng có gì xảy ra ở nơi mà người ta hiện đang ở đó. Ai lần đầu tiên bay đáp xuống cảng hàng không Tân Sơn Nhứt đều lo lắng nhìn ra cửa sổ và chờ đợi ngay trong khoảng khắc đó một loạt đạn súng liên thanh từ cái bụi cây mà chiếc máy bay đang bay qua đó trong một đường cong dốc đứng. Nhưng sau một vài tháng thì không còn ai nghĩ đến việc đó nữa, khi người ta đi ô tô xuyên qua đất nước này. Nhận thức về sự nguy hiểm có mặt ở khắp mọi nơi chỉ còn lại trong tiềm thức. Chỉ sau khi đáp xuống một cảng hàng không ở ngoài Việt Nam, người ta mới bất chợt nhận ra rằng đã được giải phóng khỏi một cái gì đó; và ở Việt Nam thì người ta luôn ngạc nhiên vì những cảnh quang hòa bình trong phong cảnh này, mà nét đẹp của nó đã nuốt đi biết bao nhiêu là sự tàn phá. Trẻ con chơi những trò chơi như ở châu Âu. Tối tối, những đứa bé trai lùa trâu về nhà và trong lúc đó thong thả nhìn quan sát những con người xa lạ, như tất cả những đứa bé chăn cừu. Láng giềng nói chuyện với nhau qua hàng giậu.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhứt 1967

Cảng hàng không Tân Sơn Nhứt 1967. Hình của Bill Mullin

Sự điêu tàn có thể nhận thấy trong thành phố nhiều hơn là ở đồng quê, những sửa chữa vội vã, tạm bợ trên nhà cửa và đường phố, sự hấp tấp bề ngoài của thời bất an. Các thành phố xấu xí hơn từ năm này sang năm khác, và trước hết là thủ đô, Sài Gòn.

Theo quảng cáo du lịch, Sài Gòn trước đây 200 năm là một làng đánh cá. Trước đây 100 năm, người Pháp xây dựng nó thành một thành phố thương mại phát đạt. Ngôi nhà thờ, hơi giống một nhà thờ gothic một chút, nhìn từ một nơi cao hơn xuống trung tâm thành phố; bưu điện và cơ quan nhà nước nằm ở xung quanh đó. Đối diện với cửa vào, ở đầu kia của quảng trường, là bắt đầu ‘con đường đua’ của thành phố, đường Tự Do. Tất cả đều giống như tỉnh lẻ đến mức người ta được phép dùng từ mô tả đặc trưng cho các thành phố nhỏ đó. Khi đường Tự Do còn có tên là Rue Catinat, những người thợ may tốt nhất Đông Dương có cửa hàng của họ ở đây, và những người thợ kim hoàn nổi tiếng nhất có cửa tiệm của họ ở đây. Khách sạn có truyền thống tốt nhất thành phố, ‘Continental’ tạo thành một góc với quảng trường nhà hát. Nhà hát nhìn ra đại lộ Lê Lợi rộng lớn, dẫn đến chợ, nửa đường vào khu phố Chợ Lớn của người Hoa. Là đường Tự Do, Rue Catinat ngày nay là con đường của những quán rượu tối tăm, của sự kinh doanh những thói xấu. So với hoạt động cắt cổ một cách tinh vi này thì dường như [khu phố đèn đỏ] Reeperbahn của Hamburg chỉ là một trường nội trú nữ mà thôi. Quốc Hội họp trong nhà hát trước đây, và ở bên kia của đường Tự Do có hai người lính rắn chắc, màu xanh ô liu, giống như bằng giấy bồi, đang xung phong đến cửa vào của nó, sau lưng họ là quảng trường trước Tòa Đô Chính và khu chợ hoa, ở hai bên là đoạn cuối của chợ đen. Mặt tiền của Tòa Đô Chính, đã từng có màu trắng vôi bây giờ bị nhuộm thành nâu–xám bởi bụi có mặt ở khắp nơi trong vùng nhiệt đới, có gương mặt của phong cách thuộc địa Pháp; khoa trương, phô diễn, đầy trang trí hoa mỹ.

Bắt đầu ở phía bên kia của nhà thờ là các con đường biệt thự được quy hoạch giống như bàn cờ, nhà lớn và đẹp trên những khu đất rộng. Ở đây, thế giới to lớn của Đông Dương mơ mộng qua những giờ khắc nóng nhất trong ngày. Tiếp theo đó về phía Bắc là khu phố Việt Gia Định có lăng nổi tiếng của Tướng Lê Văn Duyệt, người đã thống nhất Việt Nam trong thế kỷ 19.

Thành phố này, thuộc vào đó còn có một vườn thực vật và một vườn bách thú, được người Pháp quy hoạch và xây dựng cho ba trăm năm mươi ngàn dân cư. Sống ở đây ngày nay ít nhất là hai triệu người, có lẽ là hai triệu rưỡi; trong các khu phố gồm những ngôi nhà nhỏ như lon đồ hộp, trong những ngôi nhà sàn dọc theo các con kênh hay đơn giản là trên vỉa hè; họ sống ở đó, ở nơi mà họ có thể buôn bán một cái gì đó. Những người hạnh phúc hơn có thể thuê một trong những ngôi nhà giống như nhà đỗ xe, những cái lan ra xung quanh như nấm trong những hàng dài cạnh những con đường không được trải nhựa. Sống trong hai hay ba phòng, hai tầng, trên sơ đồ mặt bằng khoảng một cái nhà đỗ xe như chúng ta quen thuộc, là những gia đình mười hai hay mười lăm người. Đã quen với việc cùng sống với gia đình trong một không gian chật hẹp, họ hoàn toàn không phải là không cảm thấy hạnh phúc, như một người Âu có thể tưởng tượng. Một phòng riêng, ngay cả cho những người trong giới hàn lâm như giảng sư đại học hay một dân biểu Quốc Hội, là một việc xa xỉ quá đắt giá. Hàng ngàn người Mỹ, những người được cơ quan hay đơn vị của họ bố trí cho ở trong thành phố, đã đẩy giá thuê nhà và giá đất lên cao và qua đó là giá cho tất cả các vật liệu xây dựng.

Cả Sài Gòn đã cười người phụ nữ đó, người đã để cho một doanh nhân xây một căn nhà hai tầng. Khi hai tầng đó được xây xong, giá thuê nhà leo lên cao đến mức bà chủ xây nhà không cưỡng lại được sự cám dỗ, muốn kiếm thêm nhiều tiền nữa. Bà thuyết phục ông nhà thầu, người cũng thích muốn kiếm thêm nhiều tiền nữa, xây lên thêm hai tầng. Khi tất cả bốn tầng được xây xong, cơn mưa đầu mùa ập đến và tất cả đã sụp đổ xuống, may mắn là trước khi có một người thuê nhà nào đó dọn vào.

Chỉ một số ít người thành đạt, những người đặc biệt giàu có, mới xây nhà lớn. Cung cấp nước, với áp suất 0,6 atm; hệ thống điện với dao động từ 70 đến 110 Volt; hệ thống thoát nước quá tải vô vọng, nếu như nói chung là chúng tồn tại.

Những cây thanh liễu xa lạ, xinh đẹp, được trồng dọc theo những con đường nhỏ thành hàng dài để làm cây che bóng mát, trông có vẻ thật buồn rầu dưới gánh nặng của những đường dây điện thoại do quân đội thiết lập mà dây điện của nó với thời gian đã kết lại với nhau. Hầu như không nhìn thấy được những ngôi nhà rộng rãi kiểu thuộc địa ở phía sau những ngôi vườn bị bỏ hoang trong khu phố biệt thự, tất cả đều tạo nên một ấn tượng điêu tàn. Trước mỗi một đồn cảnh sát, trụ sở bộ, khách sạn Mỹ, trước mỗi một cơ quan quân sự đều có bao cát được chất chồng lên thành tường và hàng rào kẽm gai được giăng ra, người đi bộ phải rời lề đường để đi vòng qua cái pháo đài nhỏ đó; khi ở phía đối diện, ở bên kia đường, có một chiếc xe tải đứng lại thì những người lính gác trong chiếc lồng bằng kẽm gai hay trong những cái ống hình trụ bằng bê tông của họ liền hoảng hốt lên, vì nó có thể chất đầy chất nổ. Qua những con đường chật hẹp đó, vòng quanh những pháo đài bằng bao cát, qua những ổ gà, diễn ra cái mà ở nơi khác người ta gọi là giao thông. Hàng trăm ngàn chiếc xe đạp, taxi Renault C4 màu xanh trắng, ô tô được lắp ráp từ mọi thời điểm, xe Jeep quân đội, xe tải quân đội đủ mọi cỡ, xe tăng và xe xích lô làm cho giao thông đó trở thành thảm họa. Luật giao thông không được biết tới hay là bị dửng dưng phớt lờ đi. Con giun giao thông đó cực nhọc đẩy mình đi xuyên qua Sài Gòn từ bảy giờ sáng cho tới đêm khoảng mười một giờ, phần lớn là dưới sự nóng nực cháy da, thường hay đan kết với nhau không thể gỡ rối được. Các cảnh sát đứng thờ ơ trong bóng mát, điều khiển đèn giao thông dưới những mái che nắng tạm bợ. Một cây đèn giao thông, bị một xe tải húc gãy, tiếp tục nhấp nháy trên vỉa hè sau đó hai ngày liền. Ô tô bị hỏng hóc thường được sửa chữa ngay tại chỗ, giao thông uốn lượn với vận tốc của con ốc sên vòng quanh chúng. Trong khu Đa Kao, cứ vài ngày thì lại có một ống nước vỡ ra dưới con đường chính Hiền Vương. Có tin đồn, rằng việc lắp đặt đã được giao cho doanh nghiệp với giá đấu thầu thấp nhất – rõ ràng là cho doanh nghiệp tồi nhất. Giao thông tránh những vòi nước phun lên đó, nhưng thỉnh thoảng lại có một chiếc xe tải sập xuống nền đường đã thấm đẫm nước đó, rồi tất cả đứng yên nửa giờ  trong cái nóng như thiêu đốt đó. Thỉnh thoảng, người ta cứ muốn nổi điên lên trong cái giao thông lộn xộn đó, khi những anh chàng trẻ tuổi trên những chiếc Honda, Bridgestones, Yamaha của họ chạy với vận tốc cao nhất vào đường ưu tiên, khi người ta đứng chờ cạnh đèn đỏ, và không biết bao nhiêu là người đi xe đạp dịch lên trước, lên cạnh và quanh chiếc xe, để đi qua ngã tư trước nhất; khi người ta có cảm giác, tất cả những người đó bám chặt vào mình. Nhưng sự nóng nảy đó nhanh chóng biến mất. Vì không ai đã từng nói một lời giận dữ nào trong giao thông thành phố lộn xộn nhất thế giới này. New York, Paris, Tokio và Bangkok chỉ là chỗ chơi đùa cho trẻ con khi so với Sài Gòn, nếu bàn về giao thông. Ở Sài Gòn chỉ có một luật: chuyển động như thế nào đó theo hướng đích đến của mình. Luật này được tất cả mọi người tôn trọng. Sự khoan dung, kiên nhẫn và bình thản mà người Việt Nam và cả người ngoại quốc cũng phải miễn cưỡng dùng chúng để đối phó với giao thông ở Sài Gòn cũng độc nhất vô nhị như chính giao thông đó, và mang tính gương mẫu, khi tôi nghĩ đến phong cách của những người lái xe ở Trung Âu.

Hết sức đặc trưng cho sự điêu tàn của Sài Gòn dường như là nhà ga, một nhà ga cụt. Chấm dứt ở đây là tuyến đường sắt từ miền Bắc, nơi người ta nói rằng có kết nối với đường sắt xuyên Siberia và qua đó là với mạng đường sắt châu Âu. Ý nghĩ, ‘vào thời xưa cũ tốt đẹp’ có thể lên tàu hỏa ở Paris hay Berlin, để rồi đến Sài Gòn nhiều tuần sau đó, khiến cho người ta buồn rầu. Ngày nay, nhà ga này đã đóng cửa, những cánh cửa dẫn vào một chuyến đi mang nét thơ mộng qua Trung Quốc, Mông Cổ và Siberia đến châu Âu đã bị đóng kín bằng ván. Ở một tuyến phụ xuyên qua trung tâm thành phố có một chiếc tàu hỏa vận tải chạy về đêm từ cảng tàu thủy đến Biên Hòa cách đó ba mươi cây số. Việt Cộng đều đặn, khoảng hai lần trong một tháng, cho nổ tung chiếc tàu hỏa đó. Tuyến đường cũng được sửa chữa và chạy lại với cùng sự đều đặn đó.

(Còn tiếp)

Đọc những bài trước ở trang Chúng Tôi Không Hỏi Họ Từ Đâu Đến

Sách đã được phát hành trên Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA