Đừng làm đổ trà của chủ ngươi (phần 1)

Trước đây một thế kỷ, người Pháp hợp nhất Việt Nam, Lào và Campuchia lại thành Đông Dương. Cũng trong thời gian đó, Thái Lan, thời đó còn được gọi là Xiêm, và Việt Nam, trước đây được gọi là An Nam, đã cố gắng phân chia Campuchia ra cho chính họ. Người Pháp ngăn chận việc đó và tuyên bố Campuchia là nước được họ bảo hộ. Cho tới ngày hôm nay, người Campuchia vẫn cảm kích nói về người Pháp như là những người đã bảo vệ họ. Khác với trong nước Lào ở phía Bắc và trong Việt Nam nằm ở phía Đông, người Pháp cũng xử sự giống như là những người bảo vệ nhiều hơn là những người chiếm hữu đất nước đó. Họ còn mang lại cho người Campuchia cả sở hữu quốc gia và cảm giác quốc gia đã bị lãng quên của họ, bằng cách đã khai quật khu đền thờ Angkor tuyệt diệu trong rừng rậm và tháo bỏ bức màn che đậy lịch sử của người Khmer. Ngay ngày nay, người Campuchia cũng gọi họ là người Khmer, và ở Angkor, những người hướng dẫn khách du lịch chỉ cho du khách xem các phù điêu hết sức nghệ thuật, mô tả những trận đánh ác liệt giữa người Khmer và người An Nam. Tên của cái thành phố nhỏ bé ở cạnh khu đền thờ đó không được ghi trên bất cứ tấm bản đồ Thái Lan nào, mặc dù máy bay của hãng hàng không Thai International đáp xuống đó. Tên thành phố đó là Siemreap, có nghĩa là “cái chết của người Xiêm”.

Tàu bệnh viện Helgoland

Tàu bệnh viện Helgoland

Truyền thuyết kể rằng người An Nam trong trận đánh cuối cùng, diễn ra bất lợi cho người Khmer, đã bắt được nhiều tù binh và lôi họ về doanh trại của mình. Rồi những người tù binh đó bị chôn xuống đất cho tới tận cổ, người ta đổ hắc ín lên đầu họ rồi đốt cháy. Người An Nam nấu trà của họ trên những ngọn đuốc sống đó, và khi những nạn nhân của họ lắc lư qua lại trong đau đớn, người ta đã quát lên: “Đừng làm đổ trà của chủ ngươi.” Câu nói này cho tới ngày nay vẫn còn được xem là một lời lăng nhục chết người ở Campuchia. Người Việt Nam chính thức là kẻ thù của đất nước này. Nhưng với lòng khoan dung đáng khâm phục của người Á, người Khmer không động chạm đến những khu kiều dân người Việt, ngay cả ở trong thủ đô Pnom–Penh của họ.

“Lịch sử Việt Nam vừa mới được viết”, tùy viên văn hóa ở Tổng Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn nói, người có nửa tá thầy giáo đứng dưới quyền, những người có nhiệm vụ giảng dạy về lịch sử của đất nước này trong các trường học Việt–Pháp, “bây giờ, trong thời gian của ý thức quốc gia Việt Nam. Lịch sử Việt Nam bao gồm một loạt truyền thuyết mà nội dung của chúng bây giờ được viết thành sử.” Điều đó không hoàn toàn đúng. Các nhà sư, ngay khi rất rời rạc, cũng đã ghi lại nhiều phần của lịch sử Việt Nam. Nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha Alexander de Rhodes, người sáng tạo ra một bảng chữ cái rất giống với chữ La tinh cho tiếng Việt có nhiều cách nhấn giọng, cho tới lúc đó còn được viết theo chữ Trung Quốc, cũng đã viết sử.

Người ta cho rằng trước Công Nguyên khoảng hai thế kỷ rưỡi, người Việt ngày nay đã di cư đến từ miền Nam Trung Quốc. Lúc thâm nhập xuống miền Nam, họ đã đẩy lùi những người dân cư nguyên thủy, có lẽ là có nguồn gốc Mã Lai, lên núi. Nhưng ngay từ trước Công Nguyên, người Trung Quốc đã đô hộ Bắc Việt Nam ngày nay và đã là những người thống trị cả ngàn năm. Cho tới ngày nay, tập quán Trung Hoa, nghệ thuật, văn học và triết học của họ thống trị trong số những ảnh hưởng khác nhau từ nước ngoài ở Việt Nam. Ngay từ thời đó, người Việt đã tập đánh du kích chống lại quân đội Trung Quốc. Con đường của “Hai chị em họ Trưng”, đường Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, nhắc nhở đến một cuộc nổi dậy chống người Trung Quốc trong năm 40, được hai chị em này dẫn đầu nhưng đã thất bại. Đại lộ Lê Lợi ở Sài Sòn được gọi theo tên của một lãnh tụ nông dân, người đã chiến đấu chống người Trung Quốc vào khoảng năm 1400.

Vào khoảng năm 1000, Việt Nam giành được độc lập và về cơ bản vẫn độc lập trong vòng 900 năm sau đó. Thế nhưng chiến tranh thường xuyên được tiến hành với người Trung Quốc, người Mông Cổ và giữa những nhóm người Việt với nhau. Trong thế kỷ mười sáu và mười bảy, người Âu đến Việt Nam, thương gia, những người tuy vậy vẫn cố làm chính trị và giúp đỡ những nhóm khác nhau. Năm 1858, quân đội thuộc địa Pháp đổ bộ xuống Đà Nẵng, thành phố mà họ gọi là Tourane, và dần dần chiếm lấy đất nước này. Đông Dương thành hình năm 1887, cái chấm dứt tồn tại trước đây mười lăm năm sau cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đẫm máu. Năm 1954, Việt Nam bị chia cắt tại Hội nghị Genève.

Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa ngày nay, là một phần của Liên bang Đông Dương, bối cảnh của nhiều quyển tiểu thuyết trữ tình và sách chiến tranh thực tại. Ngày trước, người Pháp không thích sống ở miền Nam Việt Nam, vì, như một nhà báo và là cựu chiến binh Pháp ở Điện Biên Phủ nói với tôi: “Trái tim của chúng tôi đã ở lại miền Bắc.” Như người ta thường hay tìm thấy được một thang bậc chia độ của những đặc tính và khả năng tùy theo vị trí địa lý của nó trong một dân tộc, ở Việt Nam, người Bắc và người Nam khác với người Trung. Tương phản lớn là giữa Bắc và Nam. Miền Nam có nhiều đất đai mầu mỡ, thu hoạch ba lần mà chẳng phải cực nhọc gì nhiều, cây trái không cần phải được chăm sóc đặc biệt. Người miền Nam vì vậy mà yêu đời và vô tư lự. Ở miền Bắc thì phải làm việc cực nhọc mới giành được hoa quả từ đất. Giữa mùa Hè và mùa Đông có sự khác biệt rõ ràng, và thống trị trong mùa Đông là một khí hậu khắc nghiệt. Người miền Bắc đã quen làm việc có chủ định. Họ cần cù hơn và năng động hơn là những người đồng hương từ miền Nam của họ.

Sau lần chia cắt đất nước năm 1954, trong vòng 300 ngày được hoạch định để di chuyển quân đội theo Hiệp định Genève, hai triệu người miền Bắc đã chạy trốn vào Nam. Ngày nay, họ thường ở những vị trí có nhiều ảnh hưởng: Tướng Kỳ là người Bắc. Viên đại sứ của một đất nước nhỏ bé ở châu Âu, một người khôn khéo, người nhờ ở Việt Nam một thời gian đặc biệt dài – thường các đại sứ thay nhau hai hay ba năm một lần – mà có được những hiểu biết sâu sắc về tình hình hơn là phần lớn người ngoại quốc, có lần đã nói với tính sống động trong tiếng mẹ đẻ của ông: “Thật ra thì ở Việt Nam người miền Bắc đánh nhau với người miền Bắc. Phần lớn các chức vụ lãnh đạo trong chính phủ Sài Gòn đều do người xuất thân từ miền Bắc nắm giữ.”

(Còn tiếp)

Đọc những bài trước ở trang Chúng Tôi Không Hỏi Họ Từ Đâu Đến

Sách đã được phát hành trên Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA