Chúng tôi không hỏi những viên đạn đó từ đâu tới

Báo Spiegel phỏng vấn bác sĩ trưởng của chiếc tàu bệnh viện “Helgoland”, Tiến sĩ Heimfried Nonnemann

Được sự đồng ý của Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Heimfried-Christoph Nonnemann, quyển sách “Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến – Bác sĩ Đức trong Chiến tranh Việt Nam” đã được Phan Ba dịch và xuất bản dưới dạng sách điện tử trên Amazon. Mời các bạn tải về đọc: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA

SPIEGEL: Tiến sĩ Nonnemann, trong những tuần vừa qua, chiếc “Helgoland” là đối tượng không được giới truyền thông đại chúng ca ngợi nhiều cho lắm. Thành viên bị sa thải của đội ngũ đã vẽ lên một hình ảnh mà ở trong đó con tàu bệnh viện Đức cho Việt nam đã xuất hiện giống như một sự pha trộn giữa quán nhậu và nhà chứa nổi. Mặc cho tất cả những thất bại tạm thời, ông có nhìn hoạt động của tàu “Helgoland” như là một thành công hay không, sau khi ông bây giờ đã thả neo ở Sài Gòn hơn nửa năm rồi?

Tàu bệnh viện "Helgoland" ở Sài Gòn

Tàu bệnh viện “Helgoland” ở Sài Gòn

NONNEMANN: Chúng tôi tất nhiên là rất thất vọng về truyền thông và phản ứng của giới công khai Đức về chiếc tàu “Helgoland”, đặc biệt là vì chúng tôi đã nhìn thấy ý nghĩa của hoạt động đã được khẳng định qua nhận biết những thành công của chúng tôi.

SPIEGEL: Những thành công đó trông ra sao?

NONNEMANN: Ông xem đấy, chiếc “Helgoland” ngay từ lúc khởi đầu đã là một hoạt động rất khác thường. Chúng tôi đã biến chiếc tàu 3000 tấn tương đối nhỏ này trở thành một bệnh viện nổi, đáp ứng đủ những yêu cầu cao về chất lượng của một bệnh viện, và là chỉ trong vòng vài tháng. Trong vòng hơn sáu tháng mà chúng tôi đã ở đây , chúng tôi đã chữa trị 13.000 lần cho 4200 bệnh nhân, điều trị nằm lại cho 850 người bệnh và đã thực hiện 450 ca mổ.

SPIEGEL: Ông chủ yếu phải đối phó với những loại bệnh nào?

NONNEMANN: Theo một thống kê cho ba tháng đầu tiên, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa, do ký sinh trùng, dinh dưỡng sai lầm và một xu hướng mắc bệnh ung thư đáng ngạc nhiên của dân tộc này gây ra. Nhóm lớn thứ nhì là những bệnh xuất phát từ chấn thương …

SPIEGEL: … do chiến sự gây ra?

NONNEMANN: Vâng, chủ yếu do bom, đạn, mìn, vân vân gây ra. Hình ảnh này đã biến đổi trong vòng những tháng vừa qua. Hiện giờ, trong khu vực phẫu thuật dành cho nam giới của chúng tôi có khoảng 75% là những người bị thương vì chiến tranh, ở bên phía phụ nữ là hơn 50%.

SPIEGEL: Người dân thường bị thương vì chiến tranh?

NONNEMANN: Vâng, và chỉ những người đó. Như ông biết, chúng tôi làm việc theo các quy định của Hiệp ước thứ tư của Hội Chữ thập Đỏ. Tức là, nói một cách tóm tắt, chúng tôi hoàn toàn độc lập với các bên tham chiến và chỉ điều trị cho người dân thường, không điều trị cho thành viên quân đội.

SPIEGEL: Những người bị thương của ông là nạn nhân từ sự khủng bố của Việt Cộng hay cả nạn nhân của bom đạn Mỹ?

NONNEMANN: Chúng tôi không hỏi những viên đạn đó từ đâu tới, nhưng tất nhiên là chúng tôi có nạn nhân của cả hai bên tham chiến trên tàu. Ví dụ như nằm trong khu nam giới có một người nông dân bị trực thăng Mỹ bắn và bị một viên đạn vào khuỷu tay. Trong gian phụ nữ có một em bé gái bốn tuổi đang nằm với một vết thương do đạn bắn vào bụng – gia đình của em trên chiếc thuyền tam bản đã bị Việt Cộng bắn từ bờ sông.

SPIEGEL: Ai mang các bệnh nhân của ông tới cho ông?

NONNEMANN: Họ được trạm chẩn bệnh của chúng tôi, làm việc trên đất liền, chuyển giao lên.

SPIEGEL: Thế ai mang họ đến trạm chẩn bệnh?

NONNEMANN: Trên nguyên tắc thì bất cứ một thường dân Việt Nam nào cũng có thể tới đó được. Nhưng các ca khẩn cấp và phần lớn những người bị thương vì chiến tranh được mang tới bằng xe cứu thương hay bằng máy bay trực thăng từ các tỉnh. Khi người Mỹ mang dân thường bị thương tới, họ gọi điện thoại cho chúng tôi từ phi trường Tân Sơn Nhứt. “Các anh có thể nhận được bao nhiêu người bị thương?” – và rồi chúng tôi nhận năm hay mười, tùy theo chúng tôi có bao nhiêu chỗ trống . Bác sĩ ở tỉnh thường đưa tới chúng tôi những ca nặng của họ từ các bệnh viện tỉnh hay từ những trạm khám bệnh mà không có trang thiết bị lẫn nhân sự thích hợp cho những ca phẫu thuật phức tạp hay điều trị đặc biệt.

SPIEGEL: Còn ông có ở đây tất cả những gì mà ông cần?

NONNEMANN: Chúng tôi có tất cả những thứ cần thiết, để tiếp nhận cả những ca khó khăn nhất.

SPIEGEL: Cũng có đủ bác sĩ, y tá? Lúc chiếc tàu “Helgoland” khởi hành, người ta đã nói về khó khăn nhân sự?

NONNEMANN: Chúng tôi có tổng cộng tám bác sĩ ở đây, tất cả đều là các bác sĩ trẻ tuổi, làm việc tận tâm và hết sức mình, hàng ngày làm việc từ mười tới mười bốn tiếng ngay cả trong khí hậu này. Cả các nam nữ y tá cũng là những người hết sức tốt và luôn sẵn sàng làm việc, trong số họ không có ai là cớ để phàn nàn cả. Các nữ y tá sau thời gian phục vụ nửa năm sẽ được các cơ quan chủ quản thay thế.

SPIEGEL: Thế còn các bác sĩ?

NONNEMANN: Tất cả chúng tôi đều có hợp đồng nửa năm, đã được gia hạn trong tháng Giêng. Trên nguyên tắc, không bác sĩ nào nên làm việc ở đây quá một năm, nhưng chắc còn phải bàn về việc này thêm một lần cuối nữa.

SPIEGEL: Vào lúc ban đầu đã có những chuyện bực mình về tiền lương. Những khó khăn đó  hiện giờ đã được giải quyết chưa?

NONNEMANN: Không có thay đổi nhiều cho lắm, nhưng câu hỏi đó không còn mang tính thời sự nữa. Không một ai trong chúng tôi đã từng nhìn thấy một câu hỏi mang tính quyết định trong việc trả tiền lương hay trả tiền lương tốt hơn. Điều này đã được diễn giải sai lầm. Một vài đồng nghiệp của tôi đã so sánh lương của chúng tôi với lương của những người ngoại quốc có thể so sánh được hiện đang ở Việt Nam, và đã nhận thấy một sự khác nhau ở vào khoảng một phần ba. Chúng tôi đã chấp nhận sự thật đó và muốn chôn vùi nó đi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này không phải là một câu hỏi quyết định vào bất cứ thời điểm nào.

SPIEGEL: Kết quả của sự nhẫn nhịn này là tuy ông là người bác sĩ trưởng trẻ tuổi nhất – với 33 tuổi – nhưng là người bác sĩ trưởng được trả lương thấp nhất của nước Đức?

NONNEMANN: Vâng, chắc là như thế. Nhưng phần thứ nhì của diễn đạt này chỉ là một sự kỳ lạ và bây giờ thì không có trọng lượng nào cả.

SPIEGEL: Việc chữa bệnh  trên “Helgoland” nói chung là không mất tiền – ngay cả khi bệnh nhân là kiều dân Đức hay những người châu Âu khác, những người có bảo hiểm, lên tàu với những bệnh vặt của họ?

NONNEMANN: Tất cả đều không mất tiền, tất nhiên là cho người Việt. Thật ra thì chúng tôi muốn loại trừ việc chữa bệnh cho người Âu, những người mà đã tràn ngập chúng tôi vào lúc ban đầu, và vì vậy mà cũng đã liên lạc với Hội Chữ thập Đỏ. Nhưng chúng tôi đã bị từ chối.

SPIEGEL: Ông Nonnemann, người ta nói rằng chiếc “Helgoland” từ Sài Gòn, nơi tương đối có nhiều bệnh viện, cần phải được chuyển lên phương Bắc, ví dụ như đến Đà Nẵng, nơi hầu như không có bệnh viện và bác sĩ, và đang cần 150 giường bệnh của ông cấp thiết hơn. Sẽ như thế không?

NONNEMANN: Tôi nghĩ là không. Tuy tôi đã ở Đà Nẵng vào đầu năm nay cùng với người từ Sứ quán Đức và với viên thuyền trưởng, để xem xét các điều kiện mà chiếc Helgoland sẽ gặp phải ở đó. Nhưng tất cả dường như rất khó khăn. Độ sâu của nước ở trước Đà Nẵng – theo các thông tin của chúng tôi – là quá ít, chiếc tàu không thể thả neo tại một nơi nào mà có thể tiếp cận một cách tử tế được. Ngoài ra thì tình hình là như thế này, tuy ở Đà Nẵng chúng tôi có thể được cần đến cấp thiết hơn, nhưng cả ở đây thì nhu cầu cũng đã chiếm trọn hết năng lực của chúng tôi rồi. Ngoài ra thì như đã nói, chúng tôi nhận được bệnh nhân từ khắp nước – cũng cả từ Đà Nẵng nữa.

SPIEGEL: Việc cộng tác với các cơ quan nhà nước của Việt Nam có suông sẻ không?

NONNEMANN: Chúng tôi có quan hệ tương đối ít với các cơ quan Việt Nam vì chúng tôi hoạt động hoàn toàn độc lập. Chúng tôi nhận toàn bộ hàng tiếp tế của chúng tôi từ Đức, từ người Việt chúng tôi chỉ cần nước thôi.

SPIEGEL: Và sự bảo vệ…

NONNEMANN: Vâng, chúng tôi có người canh gác hay bảo vệ, nếu như ông muốn nói như thế, nhưng không phải từ quân đội mà là thành viên của cảnh sát tại Sài Gòn.

SPIEGEL: Ông đã có gặp khó khăn nào với Việt Cộng cộng sản hay không, dù đó là tập kích hay qua tuyên truyền?

NONNEMANN: Không có bất cứ một khó khăn thuộc loại nào cả. Chúng tôi làm gì thì có thể nhìn thấy rõ được kia mà. Chúng tôi không có liên quan gì tới cuộc chiến, tới chính trị hay phe phái cả. Chúng tôi chưa từng bao giờ nghe được rằng Việt Cộng đã ngăn chận ai đó muốn đến nhờ chúng tôi giúp đỡ cả. Và chúng tôi không bao giờ có cảm giác rằng những người du kích đó nhắm tới chúng tôi. Nếu như họ muốn thì chắc chắn là họ đã có thể gây khó khăn cho chúng tôi vào bất cứ lúc nào. Nhưng cho tới nay thì họ chỉ bắn qua đầu chúng tôi mà thôi – ví dụ như vào ngày 1 tháng 11 năm ngoái, khi họ ở đây, từ bờ sông bên kia dùng súng cối bắn vào một cuộc duyệt binh trong trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi chỉ nhận biết một điều gì đó từ chiến tranh – ngoại trừ những người bị thương – khi thỉnh thoảng chiếc tàu bị đong đưa dưới những làn sóng áp suất không khí của những vụ ném bom lớn trong vùng.

SPIEGEL: Tức là ông không gặp khó khăn với Việt Cộng, nhưng rõ ràng là ông gặp khó khăn trên tàu, với thủy thủ đoàn, với cấp chỉ huy tàu. Tình hình đã có tốt hơn sau khi đổi thuyền trưởng, sẽ còn tốt lên hơn sau lần thay đổi mới đây hay không?

NONNEMANN: Rõ ràng là đã tốt lên hơn, từ khi hai sĩ quan và một vài thủy thủ, những người không thể chấp nhận được những điểu kiện đặc biệt trên một con tàu bệnh viện, đã rời tàu “Helgoland”. Bây giờ máy đã chạy êm rồi, bầu không khí đã được làm sạch. Tôi chỉ có thể lấy làm tiếc, rằng những lời tường thuật đầy tưởng tượng của những người đã rời tàu lại được sẵn sàng lắng nghe đến như thế ở Đức. Những gì mà một trong các sĩ quan đó thuật lại về cái gọi là tình trạng trên tàu thì đều là phóng đại một cách hết sức xấu xa và đã được tô vẽ một cách bẩn thỉu.

SPIEGEL: Ông có ý muốn nói tới những lời phàn nàn về bệnh giới tính trên tàu, về những tấm hình trên tường đã lung lay vì cuộc chơi bời ở phòng bên cạnh…

NONNEMANN: Tôi không biết là ông quen thuộc với trang bị nội thất của một chiếc tàu cho tới đâu. Nếu như ông quen thuộc, thì ông cũng biết rằng câu chuyện nghe có vẻ rất hấp dẫn với những bức ảnh lung lay này là một chuyện tầm bậy cho tới đâu. Tranh ảnh trên tàu được gắn ốc vít rất chắc chắn và không thể nào mà lung lay được, ngay cả ở gió cấp mười. Và về các bệnh nhân mắc bệnh giới tính thì tôi chỉ có thể nói rằng trong số 4200 bệnh nhân của chúng tôi, chúng tôi không có đến một người mắc bệnh giới tính duy nhất ở trên tàu.

DER SPIEGEL 16 / 1967

Phan Ba dịch từ http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46461413.html

5 thoughts on “Chúng tôi không hỏi những viên đạn đó từ đâu tới

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 29-08-2013 | doithoaionline

  2. Pingback: ***TIN NGÀY 29/8/2013 -Thứ Năm « ttxcc6

  3. Pingback: Tin thứ Năm, 29-08-2013 | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: Chúng tôi không hỏi những viên đạn đó từ đâu tới – Phan Ba Blog | Vô Ngã

  5. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 29-8-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này