Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (hết)

Về tiếng xấu của quan chức

Một tài xế taxi ở Bắc Kinh: “Một trăm quan chức thì tham những hết cả trăm.”

Những người nào đó tưởng tượng ngày làm việc của một quan chức ra sao

(Từ một diễn đàn Internet Trung Quốc)

Sáng sớm thức dậy tập Thái Cực Quyền

Buổi sáng đi họp và ngủ gà ngủ gật

Trưa đi ăn và ợ hơi

Chiều làm việc và kể chuyện tếu trong văn phòng

Tối làm việc ngoài giờ và chơi mạt chược

Sau mạt chược vui vẻ với gái

Nửa đêm về nhà và cãi nhau với con vợ già

Hồ Cẩm Đào và tổng thống Cavaco Silva vào ngày 6 tháng 11 tại Lissabon: người Trung Quốc đã được mong đợi như những người cứu giúp. Ảnh. DPA.

Hồ Cẩm Đào và tổng thống Cavaco Silva vào ngày 6 tháng 11 tại Lissabon: người Trung Quốc đã được mong đợi như những người cứu giúp. Ảnh. DPA.

 

Ông Y., 48 tuổi, khoa học gia, Thượng Hải: “Hiện nay ở Trung Quốc, có thể nói là các chức vụ được thừa kế. Các quan chức cao cấp dành những chức vụ có nhiều ảnh hưởng cho con cái của họ. Kinh tế và quan liêu liên kết chặt chẽ với nhau, họ mặc chung một cái quần, như chúng tôi hay nói như vậy trong tiếng Trung. Điều đó có nghĩa là nhân viên nhà nước cùng hoạt động mạnh trong thế giới kinh doanh. Ví dụ như khi người cha là nhân viên nhà nước thì con trai sẽ thành lập một công ty mà lĩnh vực hoạt động của nó gần với lĩnh vực của người cha. Ví dụ như xây đường hay xây cầu. Rồi người con trai nhờ vào quan hệ, thông tin và quyền hạn của người cha mà có thể kinh doanh hết sức thành đạt.

Ở Thượng Hải, tình hình còn tương đối minh bạch. Ảnh hưởng nước ngoài có tác động tốt ở đây.  Nhưng khi về tỉnh thì sự việc khác hoàn toàn. Mỗi một người đứng đầu chính phủ địa phương đều muốn người ta đầu tư ở chỗ ông. Vì vậy mà họ khuyến dụ các nhà đầu tư từ nơi khác tới, hứa hẹn nhiều thứ và đối xử cứ như họ là những ông vua. Nhưng ngay sau khi anh đã đầu tư tiền rồi thì anh sẽ gặp khó khăn. Không còn ai quan tâm tới anh nữa. Anh có làm gì cũng vậy. Anh không đạt được điều gì cả, vì nhân viên nhà nước và giới doanh nhân thông đồng với nhau. Có một lời nói cho điều đó: ban ngày cửa mở, ban đêm thì cửa đóng. Nhân viên nhà nước mở rộng cửa vào ban ngày, và giới doanh nhân địa phương nhanh chóng đóng nó lại vào ban đêm. Người ta không giữ đúng bất cứ điều gì đã hứa cả. Không phải chỉ đối với các nhà đầu tư từ nước ngoài mà cả với các nhà đầu tư trong nước nữa. Hệ quả là gì? Người Trung Quốc ngày nay, trong hoạt động kinh doanh hay trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, luôn luôn có một cảm giác bất an. Có lỗi là các nhân viên nhà nước, những người này thiếu trình độ và không có khả năng. Họ chỉ nghĩ cho họ thôi. Các quyết định của họ phục vụ trước hết là cho các lợi ích của họ.

Điều làm cho tôi tức giận là thiếu sự kiểm soát nhân viên nhà nước. Họ được tin cậy trao cho những chức vụ quan trọng, mặc dù nhiều người trong số họ thiếu đẳng cấp, kiến thức và khả năng. Là sếp, họ là một vấn đề lớn cho chúng tôi. Họ có nhiệm vụ lãnh đạo chúng tôi, như lại ngăn trở công việc của chúng tôi qua tính ích kỷ, thiếu hiểu biết và thiếu khả năng của hô. Người dân không có quyền thẩm tra và kiểm soát. Thỉnh thoảng cũng có những người hết sức tệ hại trong số đó. Họ nói dối, được giáo dục kém và lại còn tham nhũng nữa. Khi những người như thế nắm được quyền lực thì họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng người ta không thể bãi nhiệm họ được. Họ được Đảng bổ nhiệm, chúng tôi không thể làm gì chống lại họ được. Điều này làm cho nhiều người không hài lòng. Nhìn như vậy thì hệ thống phong kiến vẫn còn nguyên vẹn. Những người này còn hưởng nhiều lợi thế khác nữa, ví dụ như được chăm sóc y tế tốt hơn rất nhiều. Người dân bình thường hay lâm vào tình cảnh khó khăn lớn khi họ bệnh nặng, vì hệ thống chăm sóc y tế vẫn còn chưa được tốt. Nhân viên nhà nước ngược lại có chăm sóc y tế tốt nhất. Khi họ ốm thì họ được phục vụ với những điều kiện tốt nhất.”

Những nỗi lo âu của quan chức cấp trung

(Từ một diễn đàn Internet Trung Quốc)

“Nếu tôi phê phán cấp trên thì tôi khó lòng mà bảo vệ được vị trí của tôi.

Nếu tôi phê phán đồng nghiệp cùng cấp của tôi thì tôi khó lòng mà giữ được quan hệ tốt với anh ấy.

Nếu tôi phê phán quan chức cấp dưới của tôi, tôi sẽ nhận được ít thiện cảm.

Nếu tôi tự phê phán tôi, tôi sẽ làm cho tôi mất vui.

Ôi, cuộc sống quá khó khăn.”

Ông Z., 55 tuổi, tổng biên tập báo, Bắc Kinh: “Người dân ở Trung Quốc mong chờ chính phủ giải quyết tất cả các vấn đề trong thời gian ngắn nhất. Cũng như Mao đã có lần nói: ‘Mười nghìn năm dài quá. Chúng ta phải thực hiện mọi việc một sớm một chiều.’ Điều đó là sai. Các sự việc phải phát triển dần dần. Trong vòng hai mươi, ba mươi năm vừa qua, Đảng và chính phủ đã cố đẩy mạnh sự phát triển. Ngày nay, họ nhận ra rằng ngày càng có nhiều vấn đề xuất hiện với vận tốc nhanh đó. Giá bất động sản tăng như đã phát rồ. Chính phủ cố gắng kìm hãm sự phát triển này. Nhưng đã quá muộn rồi. Các ngân hàng Trung Quốc phạm cùng những lỗi lầm như các ngân hàng ở Hoa Kỳ. Họ cho vay tùy thích. Nhưng tới một lúc nào đó thì người ta không còn có thể trả lại những khoản vay đó nữa. Lúc trước, các nhà đầu tư thỉnh thoảng có thể vay được 100 phần trăm cho các dự án của họ, và đó là chỉ vì họ có quan hệ rất tốt với chính phủ và quan chức. Một lĩnh vực tuyệt vời cho hối lộ và tham nhũng. Theo các quy định của ngày nay, khuôn khổ cho vay tuy không được vượt quá năm mươi phần trăm, nhưng tiền mà các ngân hàng cho vay là tiền tiết kiệm của người dân. Ngay khi giá giảm xuống, các nhà đầu tư tuyên bố phá sản và không thể trả tiền lại được là chúng tôi sẽ có những vấn đề khổng lồ.

Nhưng các quan chức có liên qua tới không hề nghĩ về việc đó. Các khả năng làm giàu riêng cho bản thân mình quá hấp dẫn. Ví dụ như khi chỉ được phép xây một ngôi nhà mười tầng trên một mảnh đất nào đó thì những nhà đầu tư hối lộ các quan chức có thẩm quyền trong quy hoạch đô thị. Rồi với một tờ giấy phép tương ứng, người ta có thể xây một ngôi nhà hai mươi tới ba mươi tầng, và tất cả đều hài lòng. Viên quan chức nhận được nhiều tiền cho lời chấp thuận của mình, nhờ bán nhà mà các nhà đầu tư thu được gấp đôi đến gấp ba số tiền được dự định vào lúc ban đầu. Những hình thức tham nhũng như vậy rất phổ biến, mặc cho trung ương đã cảnh báo nhiều lần. Về mặt chính thức, người ta điều tra chống mọi hình thức hối lộ, nhưng không phải hình thức nào cũng có thể điều tra được. Bây giờ có những người nào đó tự hỏi, thật ra thì chính phủ của chúng tôi đại diện cho quyền lợi của nhân dân hay cho quyền lợi của các nhà đầu tư. Vì thế mà có một câu nói được lan truyền rộng rãi: Chính phủ phục vụ cho kinh tế, ngân hàng, các nhà đầu tư nhưng không phục vụ cho nhân dân. Đảng không đại diện cho quyền lợi của nhân dân mà cho quyền lợi của tư bản. Ngày nay có nhiều nhà đầu tư và doanh nhân, những người đã thu được nhiều tiền và công ty của họ đã đạt tới một độ lớn nhất định, chỉ còn hoạt động đúng theo luật pháp. Họ khoe khoang với những dự án văn hóa mà họ hỗ trợ, và với những hoạt động từ thiện hào phóng. Chẳng có gì để ngạc nhiên cả. Túi họ đầy rồi. Bây giờ thì các nhà đầu tư và doanh nhân trẻ nối bước đang bẻ cong pháp luật với tham nhũng và hối lộ và đang kiếm được nhiều tiền. Trong xã hội Trung Quốc, chúng tôi gọi hiện tượng này là ‘thương gia với cái nút đỏ’ (theo các quan lại ngày xưa của hoàng đế, mang mũ với những cái nút có màu khác nhau tùy theo phẩm bậc), có nghĩa là các thương gia cùng làm với các quan chức. Những điều như vậy đe dọa tương lai của chúng tôi.

Trước đây, đút lót được xem là tội phạm. Ngày nay thì người ta thán phục những người kiếm được nhiều tiền. Chẳng mấy ai quan tâm tới việc họ kiếm được tiền bằng cách nào. Cả tài khéo léo biết cách đút lót quan chức và lãnh tụ chính trị của họ cũng được thán phục. Bây giờ thì người ta không còn có thể đút lót trực tiếp bằng tiền và quà tặng nữa. Người ta phải tìm những khả năng khác để vuốt ve những người đó, bằng cách ví dụ như chi trả cho các chuyến đi du lịch của họ hay cho họ sử dụng nhà mà họ có thể ở mãi mãi ở trong đó. Nhiều quan chức sống trong những căn nhà đẹp ở những nơi có địa thế thượng hạng và vì vậy mà bị người ta ganh tỵ. Nhưng không ai hỏi họ đã làm như thế nào để có và tiền ở đâu mà ra. Tất cả đều bị đảo lộn cả rồi. Mới đây có một vụ như thế xảy ra trong nhà xuất bản của tôi. Một cô nhân viên mới, một cô gái mới hai mươi tuổi, vào làm việc trong công ty của tôi. Có ai đó hỏi cô có cần giúp đỡ tìm nhà ở hay không, vì cô quê ở miền Nam. Cô không cần sự giúp đỡ. Cô có một căn hộ 170 mét vuông ở địa thế tốt nhất ngay giữa Bắc Kinh, tức hoàn toàn không thể nào mà chi trả được đối với một nhân viên bình thường trong nhà xuất bản của chúng tôi. Tất cả đều ganh tỵ với cô, nhưng không một ai hỏi cô làm sao mà có được và tiền từ đâu ra, vì ngày nay điều đó không còn đóng vai trò nào nữa. Mặc dù vậy, tôi vẫn quan tâm tới. Tôi muốn biết cô nhân viên mới của tôi từ đâu mà có nhiều tiền như vậy. Cuối cùng, có người biết được rằng cha cô đã mua căn hộ đó cho cô. Nhưng cha cô không phải là một doanh nhân giàu có mà chỉ đứng đầu một làng nhỏ ở tỉnh Giang Tô. Sếp một làng nhỏ có thể mua được một căn hộ lớn như thế ở Bắc Kinh ư? Không có tham nhũng thì không thể có điều đó được. Một thành ngữ cũ ngày nay lại có thể nghe được ở khắp mọi nơi: Chỉ người nghèo mới bị khinh khi, quan chức tham lam thì không.

Cùng với những giá trị, cách nhìn cũng đã thay đổi. Sự thành thật không còn có giá trị nữa. Chỉ còn tính tham lam thôi.”

Ai lo cho tôi …

(Từ một diễn đàn Internet Trung Quốc)

Sếp phòng nhân sự: Ai quan tâm tới tôi thì tôi cũng quan tâm tới người đó. (Người ta lo cho người đó một chức vụ tốt hơn.)

Sếp phòng nội chính: Ai không quan tâm tới tôi thì tôi sẽ quan tâm tới người đó. (Người ta sẽ gây khó khăn cho người đó.)

Sếp phòng tuyên truyền: Ai quan tâm tới tôi thì tôi sẽ quan tâm tới mặt tốt của người đó. Ai không quan tâm tới tôi thì tôi sẽ quan tâm tới mặt xấu của người đó.

Bí thư đảng bộ: Ai quan tâm tới tôi thì sếp nhân sự sẽ quan tâm tới người đó. Ai không quan tâm tới tôi thì sếp nội chính sẽ quan tâm tới người đó.

Không thể chờ đợi cảnh sát giúp đỡ

Ông W., 67 tuổi, đã về hưu, Tô Châu: “Tầng trệt trong ngôi nhà cao mười tầng của chúng tôi đã được sửa chữa từ nhiều tháng nay. Lúc trước ở đó có nhiều cửa hàng. Bây giờ thì người ta giật sập tất cả các bức tường, để xây một nhà hàng liên tục. Vì tầng hầm cũng được tích hợp vào trong nhà hàng nên người ta còn giật cả nền nhà lên và tạo nhiều lối vào rộng. Nhà hàng tương lai cần phải được ốp bằng gỗ khắc công phu, những cái đều được làm toàn bộ trong tầng trệt. Từ năm tháng nay, người ta liên tục khoan, đập và cưa. Buổi sáng bắt đầu lúc bảy, tám giờ, cho tới chiều sáu giờ, thường tới tám, chín giờ. Vào cuối tuần cấm không được xây dựng ồn ào trong những ngôi nhà là hộ ở. Nhưng vì những người thợ đó là các công nhân di trú thông thường nên họ sống ngay tại nơi đang xây. Họ rất muốn làm việc không nghỉ. Họ không quan tâm tới sự yên tịnh nghỉ ngơi, vì họ được trả tiền theo dự án, không phải theo thời gian. Tức là họ xong càng sớm chừng nào thì họ có thể kéo sang công trường xây dựng kế tiếp nhanh chừng đó. Vì vậy mà họ cũng làm việc vào cuối tuần, cũng từ sáng cho tới tối. Chúng tôi đã phàn nàn nhiều lần ở các người thợ và cũng đã gọi điện cho cảnh sát và cơ quan quận. Còn có cả những người đại diện ở đó tới và xem xét vụ việc này. Nhưng vô ích. Tại sao? Láng giềng ai cũng biết rằng doanh nhân đó, người cho xây ngôi nhà này vào lúc ban đầu và sở hữu những tầng ở dưới, có quan hệ rất tốt với cảnh sát. Người ta đã nhiều lần nhìn thấy ông ở trong các nhà hàng sang trọng với người của cảnh sát. Cũng có phản đối từ các ngôi nhà láng giềng, vì tiếng ồn vang sang đến tận nhà của họ. Tất nhiên là người ta có thể kiện và còn có thể thắng kiện nữa. Nhưng cả những người thợ lẫn doanh nhân đều không quan tâm tới điều đó. Rồi người ta còn phải kiện để xin cảnh sát thi hành nữa. Rồi điều đó có thể có tác dụng. Nhưng mà rồi người ta có một vấn đề khác: người ta thường nghe được rằng các doanh nhân như vậy giải quyết vụ việc theo kiểu riêng của họ. Người ta bị hành hung khi đang trên đường về nhà, hay có người lẻn vào hộ ở và đập phá tất cả mọi thứ. Người ta cho rằng doanh nhân đó thông đồng với Xã hội Đen, việc cũng không tạo thêm can đảm để kiện ông ấy. Người dân trong nhà chúng tôi đã nhẫn nhục và cam chịu tiếng ồn. Nhưng sự tức giận vẫn còn đó, và rồi nó bùng nổ ra tại những dịp khác, không nhất định phải có liên quan gì tới việc xây dựng sửa chữa này cả.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Thùng thuốc súng Trung Quốc

3 thoughts on “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (hết)

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 21-08-2013 | doithoaionline

  2. Pingback: Tin thứ Tư, 21-08-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 21-8-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này