“Thật sự lo lắng”

Andreas Lorenz

Phan Ba dịch

Đi trước hết thảy là Trung Quốc. Đại tá không quân Dai Xu nói, đất nước của ông còn chưa có thể bảo vệ lợi ích của đất nước ở khắp nơi trên thế giới. Quân đội Mỹ giống như chim đại bang, quân đội Nga như chim đà điểu – con chim không biết bay nhưng có thể chạy rất nhanh –, nhưng quân đội Trung Quốc “không biết bay mà cũng không thể chạy nhanh”.[1]

Họ muốn vươn lên trong thế kỷ 21 “một cách hòa bình và không có tham vọng bá quyền”, người Trung Quốc quả quyết. Một quyển Sách Trắng được công bố trong tháng 3 năm 2011 mô tả các mục đích của quân đội họ như thế này:

Bảo đảm chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển quốc gia, giữ gìn sự hài hòa xã hội và ổn định, tăng cường hiện đại hóa phòng vệ quốc gia và giữ gìn hòa bình thế giới.

Tàu khu trục Trung Quốc

Tàu khu trục Trung Quốc

Trong thời gian vừa qua đã có những tiếng nói hung hãn pha trộn vào trong lời quả quyết này, ngoài những người khác là từ một nhóm sỹ quan rõ ràng là đang bực tức vì chính sách của Bộ Chính trị đối với họ là quá thụ động. Trung Quốc không thể được xem như là “một quốc gia hùng mạnh”, cho tới chừng nào mà nó không “lấy lại đất đai đã bị láng giềng của nó cướp đi”, trung tướng Luo Yuan tuyên bố trước Học viện Khoa học Quân sự.[2]

Lời bình luận này rõ ràng là hướng đến Ấn Độ. Thường hơn là chống lại USA, nước mà theo quan điểm của giới quân sự Bắc Kinh đang cố gắng bao vây Trung Quốc với đồng minh cũ (Hàn Quốc) và đồng minh mới (Ấn Độ). Trước bờ biển Trung Quốc, giới quân sự lý luận, không có chỗ cho hải quân Mỹ, vì vùng biển này rõ ràng là thuộc phạm vi lợi ích của Trung Quốc. Đặc biệt là họ bực tức về kế hoạch của người Mỹ, bán 6,4 tỷ dollar vũ khí cho Đài Loan. Trung Quốc cần phải “trừng phạt” USA vì việc này, Yang Yi yêu cầu, một đề đốc đã về hưu và trước đây là sếp của Đại học Quốc phòng: “Chúng ta phải gây thiệt hại cho họ.”[3] Và tướng Liu Yuan, chính ủy của nhóm hậu cần, cho rằng “Đại Thống Nhất sẽ đến từ đâu mà không có chiến tranh? Làm thế nào đạt được sự hợp nhất của quốc gia, của chủng tộc, của văn hóa, của miền Nam và của miền Bắc mà không có bạo lực?”[4]

Giới cán bộ Bắc King say sưa với ý nghĩ không còn để cho người Mỹ tạo áp lực lên mình nữa, như năm 1996, khi hai hàng không mẫu hạm của Mỹ đã xuất hiện ở Eo biển Đài Loan sau những cuộc tập trận đe dọa chống Đài Loan. Vì thế mà mục đích chiến lược tối cao của họ là xây dựng một đối trọng với lực lượng quân sự của Mỹ ở châu Á – và giữ không cho họ can thiệp vào trong một xung đột vì Đài Loan.

Để khuất phục người Mỹ, phó chỉ huy trước đây của Đơn vị Pháo binh thứ Hai, Zhao Xijun, đã phát triển chiến lược của “Chiến tranh đe dọa ở rìa”. Bắn hỏa tiển và tên lửa hành trình đến những mục tiêu sát cạnh bên hạm đội Mỹ và qua đó làm cho người Mỹ sợ hãi đến mức họ quay ngược trở lại. Mục đích là phô diễn, “rằng chúng ta có khả năng  và quyết tâm phá hủy một hạm đội có hàng không mẫu hạm”, Zhao nói.[5]

Theo hiểu biết của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc phát triển và thử nghiệm một loại tên lửa chống hạm, “Đông Phong”-21D, cái còn có thể đánh chìm cả hàng không mẫu hạm nữa, vì sau khi bay trở vào bầu khí quyển nó có thể nhanh nhẹn tránh né các loại đạn phòng thủ. Trong giới quân đội Mỹ người ta chỉ còn tranh cãi rằng liệu vũ khí này đã sẵn sàng để được sử sụng hay chưa.

“Cho tới nay, Hải quân Mỹ chưa phải đối đầu với tên lửa đạn đạo chính xác cao, những cái có thể bắn trúng tàu thủy đang di chuyển”, một báo cáo cho Quốc hội Mỹ cảnh báo. Chẳng bao lâu nữa thì sẽ như thế.[6]

Quân đội Trung Quốc cũng có những tiến bộ trên các lĩnh vực khác. Năm 2007, pháo binh với một tên lửa tầm trung đã bắn tan một vệ tinh thời tiết không còn hoạt động nữa, được cho là vỡ tung ra thành 35.000 mảnh – và qua đó chứng minh rằng họ muốn ngang bằng với người Mỹ trong chiến tranh của các vì sao. Tháng 11 năm 2010, Trung Quốc đưa vệ tinh thứ sáu của chương trình “Beidou-2” vào vũ trụ. Nó phục vụ cho việc xây dựng một hệ thống hoa tiêu toàn thế giới, có nhiệm vụ để cho Trung Quốc độc lập với “Global Positioning System” (GPS) của Mỹ và cạnh tranh với hệ thống “Galileo” của châu Âu. Cho tới 2020, tổng cộng 35 vệ tinh sẽ xoay quanh Trái Đất. Qua đó, tướng Yu Guangyu trước đây nói, “thế giới không còn cần phải hỏi USA là đi đâu”.[7] Nhưng trước hết là Quân đội Giải phóng Nhân dân không còn phải dựa vào thiện ý của người Mỹ nữa, những người trong trường hợp khẩn cấp có thể sửa đổi dữ liệu địa lý và có lẽ là đã làm rồi.

Tháng 10 năm 2007, một tàu ngầm Trung Quốc đã nổi lên gần hàng không mẫu hạm Mỹ “Kitty Hawk” mà người của Hải quân Mỹ không biết trước đó. Đó là một tín hiệu rõ rệt cho Washington, rằng hãy cẩn thận với Hải quân Trung Quốc. Bây giờ họ đã thành lập một căn cứ hải quân với công sự ngầm trên đảo Hải Nam, bắt đầu từ đây hạm đội không còn cách xa Hoàng Sa và Trường Sa nữa. Căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, ví dụ như ở Guam, bị đe dọa, ngược lại với trước đây, vì thế mà các chỉ huy của hạm đội Mỹ phải suy nghĩ cẩn thận, rằng họ đến gần bờ biển Trung Quốc cho tới đâu. “Tôi không còn chỉ tò mò nữa mà thật sự lo lắng”, Tham mưu trưởng Hoa Kỳ Michael  Mullen bình luận về việc Trung Quốc tăng cường vũ trang trong tháng 6 năm 2010.[8]

Tiếng hót của chim sơn ca

Đã từ lâu, Quân đội Trung Quốc không còn chỉ là “Vạn Lý Trường Thành thép” để “bảo vệ tổ quốc”. Trong tương lai, tàu ngầm và tàu khu trục Trung Quốc muốn vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”, tức là những hòn đảo gần bờ biển Trung Quốc kể cả Đài Loan và Trường Sa, không bỏ mặc Thái Bình Dương cho một mình người Mỹ nữa. Dưới “hoàn cảnh lịch sử mới”, tướng Zhang Zhaoyin từ quân khu Thành Đô nói, quân đội phải từ giã học thuyết của nó, “trong thời bình tạo một quân đội có định hướng hòa bình”, và hướng đến “những nhiệm vụ cơ bản của một quân đội”: “Chuẩn bị cho chiến trường, tiến hành chiến tranh và chiến thắng những cuộc chiến”.

Trung Quốc không thể vươn lên “giữa tiếng hót của chim sơn ca và vũ điệu của chim én”, một nhà chiến lược khác, Jin Yinan, nhận xét, mà hẳn là phải “phát đường đi của nó xuyên qua bụi gai”.[9]

Trong những năm vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã mua tàu ngầm diesel hiện đại của Nga. Thêm vào đó, họ muốn đóng tàu ngầm riêng của họ, loại có thể bắn tên lửa nguyên tử mới được phát triển. Một trong những tàu đấy hiện đang được thử nghiệm. “Các đại dương là nguồn sống của chúng ta. Khi thương mại bị cắt đứt, nền kinh tế sẽ suy sụp”, Ni Lexiong của Viện về Chiến lược Bảo vệ Quốc gia ở Thượng Hải nói. “Điều gì sẽ xảy ra với một quốc gia có nền kinh tế hướng ngoại khi chúng ta phải tiến hành chiến tranh và sẽ thua trận vì chúng ta không có chủ quyền trên biển?”. Suy luận của ông ấy là rõ ràng: “Chúng ta cần một hải quân mạnh.”[10]

Thuộc vào đấy là hàng không mẫu hạm. Chúng cần phải bảo vệ những đoàn tàu thương mại. Năm 1958 Mao Trạch Đông đã gọi chúng là “Đường sắt trên biển”. Cả một thời gian dài, các chuyên gia đã suy đoán về việc xây một gã khổng lổ như thế, và bây giờ thì kế hoạch dường như được xác nhận: qua thông tin được che đậy ở cuối của bản báo cáo thường niên dầy 570 trang của “Cơ quan Quản lý Biển Quốc gia” từ tháng 5 năm 2010. Năm 2009, ở trong đấy viết, “Trung Quốc đã có ý tưởng và kế hoạch xây hàng không mẫu hạm. Điều đấy có nghĩa là Trung Quốc đã bắt đầu kỷ nguyên lịch sử, trở thành một siêu cường quốc trên biển”. Từ 2010 đến 2020 là khoảng “thời gian quyết định” để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược này …”[11]

Công việc chuẩn bị cho một pháo đài nổi như thế đã được tiến hành từ lâu, và chúng không thiếu hài kịch. Trung Quốc mua nhiều chiếc đã không còn được sử dụng nữa, từ người Úc chiếc “Melbourne”, từ người Nga “Minsk”, “Kiev” và cuối cùng là “Warjag”. Một công ty được cho là tư nhân đã mua chiếc này với chỉ 20 triệu dollar từ Ukraina để biến nó thành một sòng bạc nổi có không khí đặc biệt trong Macau là thuộc địa trước đây của Bồ Đào Nha.

Trên đường từ Nikolayev ở Biển Đen về Trung Quốc, suýt tí nữa thì người ta đã mất chiếc tàu dài 300 mét bị tháo gỡ toàn bộ này vào lúc có gió mạnh. Tháng 11 2001 ở biển Aegae, nó đã giật đứt dây của chiếc tàu kéo, trôi dạt 12 giờ đồng hồ hướng đến một hòn đảo và phải chật vật lắm người ta mới bắt giữ được nó lại. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối không cho kéo chiếc “Warjag” qua Eo biển Boborus, vì việc đấy được cho là quá nguy hiểm. Mãi sau 13 tháng nó mới được phép nhổ neo – sau khi Trung Quốc hứa sẽ để cho nhiều khác du lịch Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ và mua hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn.

Sau khi tạm dừng tại Macau, “Warjag” bất thình lình biến mất. Vài tuần sau đấy, nó được nhìn thấy trong những xưởng đóng tàu của thành phố Đại Liên. Rõ ràng là các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật của Hải quân Nhân dân muốn yên tịnh mà nghiên cứu kết cấu của nó. Tình báo Mỹ phỏng đoán rằng kể từ lúc đó chiếc “Warjag” đã được sử dụng để tập luyện.[12]

Nhưng các phi công Trung Quốc còn chưa có kinh nghiệm cất cánh và hạ cánh trên một chiếc hàng không mẫu hạm, còn chưa có máy bay tương ứng. Vì thế mà nước này muốn mua máy bay tiêm kích phản lực “Su-22” của người Nga và phát triển máy bay riêng của mình. Tất cả là một công việc hết sức tốn kém. Không chỉ việc đóng một chiếc tàu như thế là tốn kém mà cả việc bảo quản nó nữa – tốn tròn 200 triệu dollar trong một năm.

Chuyên gia vũ trang Đài Loan và là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lin Chong-pin giải thích cho tôi về “Đại Chiến Lược” trong căn hộ của ông ấy ở ngoại ô Đài Bắc năm 2006, chiến lược mà ông ấy nhìn thấy ở những người đồng hương trên lục địa: trong khi họ tự giới thiệu mình như là những nhân vật đầy trách nhiệm trên bục sân khấu thế giới, gửi quân lính cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ, thành lập Viện Khổng tử ở khắp nơi và “xuất hiện một cách mềm mỏng, họ cầm một cây gậy to ở phía sau lưng”, ông ấy nói. Trong cuộc chơi vì quyền lực và ảnh hưởng, Bắc Kinh thích chơi cờ vây hơn là cờ tướng: “Ở cờ tướng thì người ta được đối thủ báo động khi có nguy hiểm đe dọa, ở cờ vây thì bất thình lình người ta nhận ra rằng đã thua ván cờ.”

Tức là Cựu Thế Giới phải đối phó với một sức mạnh mới ở Viễn Đông – quân sự, kinh tế, chính trị. Ngày nay, châu Á có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người châu Âu nhiều hơn bao giờ hết, châu lục này thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta. Câu hỏi là chúng ta có phải thích ứng với điều đấy hay không và như thế nào. Người ta phải xử sự như thế nào với một Trung Quốc ngày một mạnh hơn?

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.


[1] Xem Willy Lam “China’s Quasi-Superpower Diplomacy: Prospects and Pitfalls”, Jamestown Foundation, Washington, 2009

[2] Ananth krishnan: “China must recover territory ‘looted’ by neighbours, said PLA General”, The Hindu, 21/12/2010

[3] Kathrin Hille: “Beijing Smile for Gates Conceals Tensions”, Financial Times, 07/01/2011

[4] John Garnaut. “Chinese general rattles sabre”, Sidney Morning Herald, 23/05/2011

[5] Zhao Xijun (ed). “Intimidation warfare: A Comprehensive Discussion on Missile Deterrence”, National Defence University Press, Beijing, May 2005

[6] Ronald O’Rourke: “China Naval Modernization: Implcations for U.S. Navy Capabilities – Background and Issues for Congress”, Congressional Research Service, December 2010, http://www.fas.org/sgp/crs/row/RL.pdf

[7] “China satellite launch counters US dominance”, South China Morning Post, 02/11/2010

[8] The Economist: “The fourth modernization”, 04-10/12/2010

[9] Xem Willy Lam: “China’s Quasi-Superpower Diplomacy: Prospects and Pitfalls”, Jamestown Foundation, Washington, 2009

[10] Ni Lexiong: “Seapower and China Development”, The Liberation Daily, 17/05/2005, http://www.sciso.org/Article/Scholar/stratagem/NiLexiong/200609/217.htm

[11] “First confirmation of China’s plan to buil aircraft carriers”, South China Morning Post, 19/12/2010

[12] Reuters, 23/12/2010

4 thoughts on ““Thật sự lo lắng”

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 12-12-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Tư, 12-12-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 12-12-2012 | bahaidao

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 12-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này