Cuộc đại nhảy vọt trở thành cường quốc công nghệ cao của Trung Quốc

Cho tới năm 2049, Trung Quốc muốn đứng vào trong hàng ngũ cao nhất của các quốc gia công nghệ. Một vài cột mốc trên đường đến đó đã đạt được, ở những nơi khác thì cuộc chạy đua đuổi bắt đang khựng lại. Phần IV của loạt bài về “Lần trỗi dậy của Trung Quốc” từ trang Làn Sóng Đức.

Giới lãnh đạo nhà nước và Đảng ở Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố dựa vào các quy tắc quốc tế trong cuộc tranh cãi thương mại hiện nay với Hoa Kỳ và thích trình diễn mình ở nước ngoài như là một nhà hoạt động hết sức bình thường trên bục sân khấu kinh tế toàn cầu. Thế nhưng trong chính sách kinh tế của họ, những người mang quyền quyết định ở trong Vương quốc Trung tâm lại hay thích dùng những công cụ của nền kinh tế kế hoạch. Tức là đừng nên ngạc nhiên, khi chiến lược nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế quốc dân của họ đến từ những kế hoạch to lớn mà kế hoạch chính là “Made in China 2025”.

Giấc mơ Trung Hoa, Lần trỗi dậy của Trung Quốc

Giấc mơ Trung Hoa, Lần trỗi dậy của Trung Quốc

Trong kế hoạch chiến lược này, mười lĩnh vực quan trọng đã được đưa ra trong năm 2015, những lĩnh vực mà Trung Quốc muốn dẫn đầu trên trường quốc tế cho tới năm 2025. Phạm vi của chúng rất lớn: từ hàng không và du hành vũ trụ qua người máy dùng trong công nghiệp và phát triển phần mềm công nghiệp cho tới tàu hỏa cao tốc. Thêm vào đó là nhanh chóng mở rộng lĩnh vực ô tô dùng điện năng, hiện đại hóa các mạng lưới điện của Trung Quốc và xây dựng một nền công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật y khoa có khả năng cạnh tranh khắp thế giới. Nhiều lĩnh vực công nghiệp này là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Đức đang dẫn đầu hay – trong trường hợp tàu hỏa cao tốc – đã dẫn đầu. Bắc Kinh cũng rất quan tâm đến phương án tương lai Công Nghiệp 4.0 của Đức. Nhưng khác với nước Đức, sáng kiến số hóa của Trung Quốc không đến từ kinh tế mà từ giới lãnh đạo nhà nước và Đảng. Và cứ hai năm một lần thì các thành tựu lại được những người nắm quyền quyết định ở thủ đô xem xét và điều chỉnh nếu cần thiết.

Vì vậy mà đối với nghị sĩ châu Âu thuộc Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Daniel Caspary việc cần làm ngay bây giờ là bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp Âu châu với công nghệ dẫn đầu mang tính nhạy cảm. “Khi giới lãnh đạo Trung Quốc xác định mười lĩnh vực kinh tế mà họ muốn đứng đầu thì chiến lược nhằm có thể đạt được điều đó đã được định nghĩa rõ ràng. Một điểm là: Làm sao chúng ta có thể lôi về những bí quyết trong các quốc gia đó. Điểm thứ nhì là: Chúng ta, như là nhà nước Trung Quốc hay doanh nghiệp Trung Quốc, làm sao có thể đầu tư có chủ đích vào các doanh nghiệp đó, để lấy về bí quyết sản xuất.”

Do vậy, Caspary cố gắng đưa ra một đạo luật châu Âu. “Bây giờ chúng ta đang trải qua điều đó ở KUKA tại thành phố Augsburg, nơi mà trước đây người ta đã nói là mọi việc sẽ được giữ nguyên như cũ. Thế nhưng bây giờ thì chúng ta biết rằng số việc làm ở Đức đã được giảm xuống nhiều hơn rất nhiều khi so với những tuyên bố vào lúc ban đầu. Bây giờ, chúng ta đang trải qua lần bước vào Daimler: mười phần trăm! Một việc khiến cho tôi cảm thấy bất an vô cùng. Người ta không đơn giản là cứ tham gia bừa mười phần trăm vào một trong những nhà sản xuất ô tô tốt nhất, lớn nhất, mà điều đó tất nhiên là có mục đích chiến lược. Và đó là những điều mà chúng ta phải đưa ra câu trả lời.”

Lĩnh vực có vấn đề của bán dẫn

Trong lĩnh vực viễn thông, tại tàu hỏa cao tốc và thiết bị sản xuất điện, các nhà kế hoạch ở Bắc Kinh nhìn thấy mình bây giờ đã đứng ở hàng đầu rồi. “Trung Quốc nhìn thấy mình đang đi rất tốt trên con đường trở thành một trong những nhà sản xuất dẫn đầu thế giới về kỹ thuật người máy và xe có truyền động bằng chọn lựa khác. Các lĩnh vực còn có vấn đề vẫn là công nghiệp bán dẫn và lĩnh vực phần mềm công nghiệp”, Jaqueline Ives thuộc Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc –  Mercator Institute for China Studies (MERICS) ở Berlin nói với Làn Sóng Đức trong cuộc trao đổi.

Đặc biệt , trong lúc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn dẫn đầu thế giới, người Trung Quốc cảm nhận được làn gió thổi ngược chiều mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, trước hết là ở những dự định mua lại doanh nghiệp Mỹ trong ngành vi mạch. Hồi giữa tháng 4, Hoa Kỳ treo lệnh cấm bảy năm cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, cấm doanh nghiệp Hoa Kỳ bán các thành phần như vi mạch cho ZTE. Ngoài ra, nhiều cố gắng mua lại cũng đã thất bại, như lần tập đoàn Broadcom do người Hoa ở Singapore kiểm soát từ năm 2015 muốn mua nhà sản xuất vi mạch Qualcomm với giá 146 tỉ dollar. Đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cấm vụ mua bán này, vì ông thấy các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa qua lần chuyển giao công nghệ về châu Á. Hiện giờ,  trụ sở công ty đã được chuyển về Mỹ trở lại, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là vì qua đó, Broadcom lại được xem như là một doanh nghiệp Hoa Kỳ mà bằng cách này có thể mua lại những công ty Mỹ khác.

Ở tại ngành bán dẫn, người ta có thể nhìn thấy Trung Quốc hoạt động cẩn thận cho tới đâu. Theo thông tin của thông tấn xã Bloomberg, chính phủ Trung Quốc muốn chi thêm 25 tỉ trong năm 2018 cho “China Integrated Circuit Industry Investment Fund” do nhà nước quản lý, để nuốt chửng các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực vi mạch ở khắp nơi trên thế giới. Sau khi thấy chuỗi tạo giá trị của ZTE bị lâm nguy cho tới đâu qua việc các nhà cung cấp Mỹ bị cấm đoán, chính phủ còn cố gắng giảm nhẹ tác động của nó càng nhiều càng tốt – ví dụ như qua việc hạ thuế có hiệu lực ngược trở về trước cho các nhà sản xuất vi mạch trong nước, như Ives.

Nhưng bán dẫn cũng mang tính nhạy cảm cho các chính phủ và doanh nghiệp Phương Tây, vì chúng đóng một vai trò chìa khóa trong công nghiệp vũ trang. Không có chúng thì ngay cả những cường quốc hạt nhân như Trung Quốc cũng đi tới giới hạn của họ trong lúc phát triển những hệ thống vũ khí mới – đó là còn chưa nói tới ngành hàng không và du hành vũ trụ. Ngoài ra, trong lúc xây dựng những mạng lưới dữ liệu hiện đại với tiêu chuẩn 5G có tốc độ nhanh cho lái xe tự động hay kết nối các nhà máy thông minh, chính phủ Trung Quốc trước sau vẫn còn phải dựa vào kiến thức kỹ thuật và mua các bộ phận ở tại các nhà sản xuất bán dẫn từ nước ngoài. Không mua được Qualcomm vì vậy là một thất bại lớn.

Nghiên cứu quốc tế cho Trung quốc

Tại lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (KI), Bắc Kinh đã điều chỉnh lại. Công cuộc xây dựng công nghệ chìa khóa này thành một thị trường có giá trị gần 20 tỉ euro, do chính phủ trung ương yêu cầu, còn bị vượt mặt bởi các kế hoạch của những nhà chính trị kinh tế trong các tỉnh và vùng đô thị: Họ muốn tăng gấp đôi con số được lấy làm đích này cho tới năm 2022.

Đó đồng thời cũng là gót chân Achilles của chính sách công nghiệp do nhà nước ban hành: để lấy cảm tình của Trung ương ở Bắc Kinh, những người mang quyền quyết định nhiều tham vọng ở các tỉnh còn đưa ra các mục tiêu đi xa hơn nữa và trong lúc đó thường hay bị quá lố. Dư thừa năng suất là hậu quả mà qua đó các doanh nghiệp vừa mới được thành lập lại phải tiến hành một cuộc cạnh tranh đến sạt nghiệp, như đã xảy ra trong ngành năng lượng mặt trời.

Trung tâm nghiên cứu của ZTE ở Thượng Hải

Trung tâm nghiên cứu của ZTE ở Thượng Hải

Mạng lưới nghiên cứu toàn cầu

Để có thể với được đến kiến thức của các chuyên gia về công nghệ thông tin và các nhà phát triển phần cứng trên trường quốc tế, công ty viễn thông Huawei có hơn một tá trung tâm nghiên cứu phân tán trên khắp thế giới. Nhà sản xuất ô tô điện NIO mới được thành lập năm 2014 để cho các đội ngũ Trung Quốc và phi Trung Quốc cùng nhau mày mò nghiên cứu các mẫu thử nghiệm và công nghệ ắc quy mới ở 30 trụ sở khắp nơi trên thế giới. Các tập đoàn công nghệ thông tin Baidu, Tencent và Didi có những trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Silicon Valley. Và siêu tập đoàn Alibaba, ngày xưa được thành lập như là một nhân bản vô tính của Amazon và Ebay muốn rót thêm hơn 10 tỉ euro vào chiến dịch nghiên cứu của họ trong vòng những năm tới đây, cộng tác với những nhà nghiên cứu hàng đầu tại các trường đại học tinh hoa Mỹ. Chỉ riêng Alibaba thôi là đã có 25.000 kỹ sư và khoa học gia trên khắp thế giới, theo thông tin của MERICS.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều chuyên gia hàng đầu được đào tạo ở Phương Tây với gốc rễ Trung Quốc đang trở về Vương quốc Trung tâm, để tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu của họ. Và nhiều người trong số đó làm việc không chỉ vì tiền, Jaqueline Ives nói: “Nhiều người tin rằng họ có thể phát triển sự sáng tạo của họ ở Trung Quốc nhiều hơn. Ví dụ như các quy định và luật lệ được áp dụng một cách linh hoạt hơn ở Trung quốc, để tạo không gian cho các công nghệ mới, để phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.” Điều này cũng đúng cho các chuyên gia Phương Tây, những người đang sang Trung Quốc, “vì họ có cảm giác được tự do lĩnh vực của họ và mặc sức hoạt động thỏa thích.”

Cuộc đấu tranh giành quyền thống lãnh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Mãi tới mùa thu 2017, Eric Schmidt, sếp Alphabet công ty mẹ của Google, mới cảnh báo tại một hội nghị ở Washington về sự thống trị đang có nguy cơ xảy ra của Trung Quốc trên lãnh vực trí tuệ thông minh. Đất nước này muốn vượt qua mặt các đối thủ cạnh tranh quốc tế của nó về mặt công nghệ và dẫn đầu trên toàn thế giới cho tới năm 2030. Chỉ trong vòng chưa tới 12 năm nữa, theo  yêu cầu từ Bắc Kinh, ngành trí tuệ thông minh nội địa cần phải đạt tới một giá trị là 125 triệu euro.  Đối với Schmidt hoàn toàn không phải là phi thực tế. “Tin tôi đi, người Trung Quốc tốt lắm đấy”, sếp Alphabet nói với những người mang quyền quyết định từ chính trị, kinh tế và quân sự ở Washington.

Trong tương lai, Trung Quốc muốn đặt ra tiêu chuẩn

Trong tương lai, Trung Quốc muốn đặt ra tiêu chuẩn công nghiệp trong Vương quốc Trung tâm. Không có đất nước nào rót nhiều tiền hơn vào nghiên cứu, ngay ngày nay ngân sách cho cho nghiên cứu của Trung Quốc đã vượt trên ngân sách của Mỹ. Năm 2016, theo thông tin của MERICS, có 2,1% tổng sản lượng nội địa Trung Quốc (hơn 230 tỉ dollar) được rót vào nghiên cứu và phát triển, năm 2020 dự định sẽ là 2,5%.

Nhưng ngay đến Trung Quốc cũng không đạt hết được các mục tiêu của mình, jaqueline Ives nói. “Mong muốn tự động  hóa và số hóa toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc là rất, rất tham vọng. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc có lẽ chỉ mới vừa ở mức Công nghiệp 2.0. Các nhà máy này không hưởng lợi được gì khi mua công nghệ phát triển cao cho sản xuất thông minh. Vẫn có một sự khác biệt giữa mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ và nhu cầu thật sự của nhiều doanh nghiệp tại địa phương.”

Thomas Kohlmann

Phan Ba dịch

http://www.dw.com/de/chinas-gro%C3%9Fer-sprung-zur-hightech-macht/a-43692953

Đọc bài trước: Sức mạnh quân sự của Trung Quốc

Đọc những bài khác ở trang Thế Giới

Bình luận về bài viết này